Đây thôn Liễu Hạ. Quê tôi bên cạnh sông Bồ, nơi có những cặp loa truyền thanh công cộng làm việc bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông… Sáng sớm từ 5 giờ sáng đến 6 giờ 30. Tối từ 5 gờ 30 chiều đến 7 giờ tối. Hệ thống loa mới hiện đại không dây, âm thanh tuyệt hảo nghe rõ mồn một như xé tai nhét vào. Hai cái loa bắt ngay trên nóc cột điện phía trước nhà tôi ở xóm Kên. Mỗi lần phát thanh thì cả xóm không còn nghe tiếng gà kêu, chó sủa… Người trong nhà nói với nhau phải ra dấu bằng tay vì tiếng loa chan chát ở bên tai.
Có một thuở trên quê tôi cần đến cái loa vì trong làng chỉ có dăm ba nhà kha khá mới sắm nổi cái “đài” nghe riêng. Nhưng hôm nay đang có máy truyền hình, máy truyền thanh băng dĩa, mạng truyền thông internet… thế mà những cái loa công cộng vẫn sống mạnh, sống hùng như xe thời gian và trục địa cầu chưa hề chuyển bánh.
Cách 30 năm tôi mới về quê ăn Tết. Đang hưởng hạnh phúc nghe cháu nhỏ ríu rít chuyện quê mình thì thình lình tiếng loa ré lên như muốn bứt phá không gian tĩnh lặng của một làng quê bao quanh với những đồng lúa. Người làng tôi như chú Điền[1] thì gọi là “đài dói” – kêu không nghe thì phải dói[2] – để làm mốc thời gian cho giờ hẹn: “Cháu sẽ gặp chú ở cổng làng để đi bộ thể dục khi ‘đài dói’ nghe.” Nghĩa là chúng tôi sẽ gặp nhau lúc 5 giờ sáng! Có một thuở, khi nghề nông đi vào hợp tác xã, người xã viên thức dậy cùng với tiếng loa đầu tiên để ra đồng làm việc. Người nông dân vất vả làm việc nhưng số lúa gạo được chia từng mùa vẫn không đủ ăn. Trên quê tôi, tình trạng thiếu ăn, đói miếng đã vượt qua nhờ giống lúa mới từ miền Nam ra, có sản lượng gấp ba bốn lần giống lúa cũ và phương thức canh tác nông trường tập thể kiểu Tàu đã được chuyển qua lối canh tác tư nhân. Nhưng cái biểu tượng “đài dói – đói dài” vẫn còn tại thế! Nhân loại xưa nay vẫn lao đao vì hai đối cực khủng hoảng: Khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu. Khủng hoảng thiếu của âm thanh làm cho con người đối diện với hư vô; khủng hoảng thừa âm thanh cũng làm cho lòng người điên đảo.
Căn gác ngôi nhà thừa tự của chúng tôi đối diện với miệng loa mở rộng. Chiếc loa tròn vành vạnh với cục cồi ở giữa, trong bóng tối nửa vời trông như miệng thầy pháp đọc bùa chú trừ ma ếm quỷ. Những ngày đầu, tôi muốn điên lên vì sự khuấy động dai dẳng thành bức xúc. Tôi cố gắng bưng tai, rồi nhét bông vào tai. Nhưng được năm ba bữa thì tiếng loa như chui vào mũi, vào miệng mà phát ra. Sớm sớm, thú tiêu khiển của tôi là uống nước trà và ngồi định tâm từ khi trời chưa sáng. Và buổi chiều, thật là êm đềm và hạnh phúc khi được quây quần ăn cơm chiều cùng gia đình với những câu chuyện vui buồn trong ngày được tuổi trẻ và tuổi già kể cho nhau nghe trong tiếng cười dòn tan. Bây giờ tiếng loa giúp cho bữa ăn nhanh hơn vì mọi người chỉ có việc ăn với tiếng loa đầy mâm cơm, chẳng ai nói với nhau lời nào vì tiếng loa to hơn tiếng nói. Suốt bữa cơm gia đình, chỉ còn biết nói với nhau bằng mắt, bằng tay cho đến cuối bữa rồi buông đũa và ai lo việc nấy. Tôi được cái lợi là dù mưa hay nắng cũng bắt đầu vội vàng đi bộ trên những con đường làng và những cánh đồng vắng thoát ra ngoài âm hưởng của tiếng loa. Nhưng sớm và tối đi bộ đến 3 giờ đồng hồ ở tuổi về hưu thì chân khổ hơn tai. Đi được vài ba ngày thì chân sưng lên vì vận động quá mức bình thường. Thà để tai chịu trận vẫn dễ chịu hơn là khớp xương chân đau nhức.
Suốt hai tuần đi bộ siêng năng như chiếc loa phát hoài không mõi nản. Tôi quyết định ngồi lỳ ở nhà. Trước thì chỉ ngồi định tâm nhưng bây giờ thì phải ngồi “thiền” thật sự. Ba ngày đầu, tôi muốn bỏ cuộc. Âm thanh có khi cũng nhồi lên, lượn xuống đánh vào bờ tai như đi thuyền nan gặp sóng lớn. Trong tôi, bắt đầu xuất hiện hai nhân vật: Động và Tĩnh từ một góc khuất nào đó lên tiếng.
Động nói:
– Thế nầy là quá lắm! Mỗi ngày chỉ có hai buổi sinh hoạt chính cho gia đình trong ngày mà đã mất 3 giờ nghe “đài dói” rồi thì ý nghĩa đời sống thường nhật thành ra lao đao và vô vị quá.
Tĩnh nói:
– Biển cả luôn luôn gầm thét mà hải đảo vẫn im lìm mới chung sống hòa hợp với nhau từ thuở khai thiên lập địa đến bây giờ; đó là cái lý của trời đất. Cảnh động làm tâm động theo; đó là cái lý của phàm nhân. Đài dói mà lòng ta vẫn tĩnh; đó là cái lý của hành giả.
Hm… không biết ông “hành giả” ấy là ai mà chảnh chọe đến thế. Ban đầu, tôi ghét cái anh Tĩnh. Tôi ước chi nắm được anh ta để sớm sớm, chiều chiều bắt ngồi trước mặt nhà tôi mà nghe loa cho bớt “chảnh”. Nhưng khổ nỗi, tôi càng cố tìm thì anh ta càng mất hút. Những lúc ngồi định tâm theo lối… thiền tọa, cái tâm niệm của tôi bị vướng vào cuộc truy đuổi không ngừng nghỉ về anh Tĩnh mà tôi cho là gàn bướng ấy khiến tôi lơi dần cuộc đối kháng thầm lặng giữa mình và cái loa huyên náo. Cái loa cứ phát ra rả, tôi càng lắng nghe rõ hơn lời anh Tĩnh. Tôi suy nghĩ về Như Lai – về Tathàgata – là bậc thấy rõ tường tận sự thật của vạn pháp nên không đến, không đi, không bị đời uế nhiễm. Tôi nhớ lời Lục Tổ “như thị, như thị”; thấy vậy là vậy, tự nhiên như nhiên. Tất cả đều vốn có như thế nên chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Cái loa là cái loa. Nó được làm ra để phát ra tiếng động. Như tôi sinh ra làm người, có hai tai để nghe, có cái miệng để nói. Ghét cái loa cũng như ghét khẩu súng. Khẩu súng đâu phải là kẻ sát nhân, cái đàn không phải là nhạc sĩ, lời kinh đâu phải sự giác ngộ mà tất cả chỉ là phương tiện lành hay dữ đưa đến bờ thiện, ác. Nhưng cứu cánh đã nằm sẵn trong phương tiện và ngược lại. Không thể nào dùng tâm độc ác để thành tựu yêu thương hay nói lời dối trá để làm người trung thực. Khẩu “xà” không bao giờ đến từ tâm “Phật” và đã là tâm “Phật’ thì không thể có khẩu “xà”!
Đêm Giao Thừa năm Quý Tỵ 2013 là một thời điểm thật khó khăn cho tôi. Cái loa mở hết tốc độ từ 5 giờ chiều đến quá Giao Thừa. Trước bàn thờ hương chong đèn rạng giữa thời khắc thiêng liêng nhất trong năm, tôi nghĩ mình khó lòng mà tập trung được tâm thành để nói lời khấn nguyện. Trong năm cảm xúc thuộc lý tính và cảm tính là tiếng động, mùi hương…vị, xúc, pháp thì tiếng “đài dói” đã lấy đi gần hết thảy. Âm thanh bùng lên giữa thời khắc cần lắng đọng sẽ làm uế nhiễm khả năng thẩm thấu mùi nhang trầm thanh thoát, vị ngọt ngào của quê hương, cảm giác êm đềm trong không gian quê mẹ và khung cảnh trầm lắng giữa phút Giao Thừa.
Rồi cũng đến giờ tiễn năm cũ mừng năm mới. Trong phút Giao Thừa tống cựu nghinh tân ấy, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, tôi mặc áo dài khăn đóng, kính cẩn đánh một hồi chuông. Tuy tiếng chuông nhỏ như hơi thở khói sương trong âm thanh náo động của tiếng loa; nhưng thật lạ lùng, âm thanh nhỏ bé và sâu lắng đó đã nói lên một sự thật lặng im: Ta là ta, đến cũng là đi; tiếp cận với tất cả nhưng cũng chẳng hề dính mắc vào đâu cả. Tôi lắng mình dõi theo tiếng chuông Giao Thừa thanh thoát và quên đi tạp âm của tiếng loa, tiếng máy xe hay tiếng gọi bầy đàn của vạn vật đang mang mùa Xuân qua ngõ đời đầy vọng tưởng.
Đứng một mình trên sân thượng của ngôi nhà thừa tự, nhìn pháo hoa đón Năm Mới bừng lên rực rỡ trên bầu trời xứ Huế, tôi liên tưởng đến hỉnh ảnh tương tự trên bầu trời Cal-Expo của thành phố thủ phủ Sacramento, tiểu bang California – nơi tôi đã sống ba mươi năm – để cảm thấy thế giới nầy đang nhỏ lại. Nhỏ hay lớn chỉ là một khái niệm tương đối. Nhỏ lại như một Lỗ Đen; rồi một ngày nào đó sau tiếng nổ Big Bang sẽ sinh ra một vũ trụ vô biên. Quê tôi cách nơi tôi sinh sống mười bảy giờ bay, nhưng khi nhớ thương thì hai nơi thành một, nhưng khi chán ghét thì rất dễ trở thành “vô gia cư” trong chính căn nhà thừa tự của mình.
Sau Giao Thừa, tiếng loa im bặt. Có những âm thanh và dòng nước trôi đi không bao giờ trở lại và cũng chẳng còn ai nhớ, ai quên. Nhưng trong lòng tôi, dư âm của tiếng chuông vẫn còn ngân nga như lộc Xuân trên chậu mai vàng vừa hé nở cánh hoa đầu tiên.
Liễu Hạ thôn, một ngày đầu Xuân 2013
TRẦN KIÊM ĐOÀN
[1] Người công dân đã gởi thỉnh nguyện đề nghị chính quyền nên dẹp hệ thống loa truyền thông công cộng vì đã quá lỗi thời và xâm phạm quyền tự do riêng tư căn bản của con người. Chú thích của Trần Kiêm Đoàn.
[2] Thổ ngữ vùng Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình và một số vùng quê Quảng Trị, Thừa Thiên: Dói có nghĩa là gọi, kêu (nhưng là kiểu kêu… giật giọng, hay gọi một cách da diết, đồng vọng…). Chú thích của BBT Thư Viện GĐPT.