Ngày 9 tháng 11 – Bức Tường Ô Nhục Bá Linh sụp đổ 26 năm trước

Đúng ngày này 26 năm trước – 09/11/1989 – “Bức tường Ô Nhục Bá Linh” phân cách nước Đức sụp đổ. Đây là một sự kiện lịch sử dẫn tới thống nhất nước Đức sau đó 11 tháng. Tiếp đó cơ cấu chính quyền cộng sản tan rả, sụp đổ ngay trên quê hương sinh ra nó: Liên Xô vào năm 1991, cùng các nước Trung và Đông Âu trước cũng như sau đó.

Bức tường Bá Linh (Berlin) dài chừng hơn 160km(1). được Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức) dựng lên từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 để ngăn chặn làn sóng tỵ nạn từ Đông Berlin chạy sang Tây Berlin. Người Đức ở phía Tây gọi bức tường Berlin là Bức Tường Ô Nhục, Bức Tường Hổ Thẹn (Wall of Shame); phía Đông gọi là Tường Thành Bảo Vệ Chống Phát-xít (Anti-Fascist Protective Wall – tiếng Đức: Antifaschistischer Schutzwall); các quốc gia khác gọi ngắn gọn là “Bức Tường Bá Linh” (Berlin Wall).

Bức tường Berlin được nhà cầm quyền Đông Đức xây dựng năm 1961:

Phía Đông Đức đã xây dựng tới 302 tháp canh(1) tại những khu vực trọng yếu để kiếm soát dọc bức tường, nhưng cũng đã có hơn 5.000 người dân và binh lính “vượt biên” qua bức tường thành công; trên 200 người xấu số khác bị bắn chết trên bờ tường hoặc khi vừa chạy qua chân tường phía Tây Bá Linh, và thêm khoảng 75.000 người đã phải ra tòa án Đông Đức vì tội chạy trốn – tội mà theo điều 213 Luật Hình Sự nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức có thể lãnh án đến 8 năm tù. Những ai giúp đỡ chạy trốn còn có thể bị án tù chung thân.

Lính Đông Đức củng cố hệ thống bảo vệ và lính Nga canh gác trên những tháp canh thời “Chiến tranh lạnh”:

Bức tường Berlin không chỉ ngăn chận những cuộc vượt tuyến của dân chúng Đông Đức. Nó còn là thành lũy chia cắt sinh hoạt và tình cảm người dân Đông và Tây Đức; đồng thời cũng là một trong những biểu tượng xung đột căng thẳng nổi tiếng nhất của cuộc “Chiến tranh lạnh” trên bình diện thế giới trong khoảng 30 năm (1961-1991). Khi cuộc “Chiến tranh lạnh” leo thang dẫn đến nhiều hệ quả như: cấm vận kỹ thuật cao COCOM đối với khối Đông Âu, chiến tranh ngoại giao liên tục và đe dọa về quân sự…, nên phía Đông đã tăng cường phong tỏa biên giới. Do đó bức tường này không đơn thuần là ranh giới chia cắt hai phần nước Đức mà đã trở thành “biên giới” giữa Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế(2) và Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu(3), giữa khối NATO(4) và khối Warszawa(4); nghĩa là giữa khối Tư Bản Chủ Nghĩa và khối Xã Hội Chủ Nghĩa – hay khối Cộng Sản và khối Tự Do tùy theo cách nói mỗi bên – cho đến khi Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết hoàn toàn tan rã vào năm 1991.

Một số ít hình ảnh bức tường Berlin sau khi hoàn thành:

Vào lúc 18 giờ 57 phút ngày 9 tháng 11 năm 1989, đài truyền hình quốc gia Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã phát đi bản thông báo rất ngắn gọn của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands – SED – tức Đảng Cộng Sản Đông Đức) cho phép dân chúng Đông Đức có thể qua lại Tây Đức mà không cần xin phép. Thông báo về quyết định này do Tổng Bí Thư Egon Krenz ấn ký.

Đến 23 giờ đêm, toàn bộ các trạm kiểm soát dọc theo bức tường Bá Linh (Berlin) đã bỏ ngỏ, quân đội Đông Đức lặng lẽ rút khỏi bức tường từng là ranh giới đôi bên; lập tức hàng trăm, rồi hàng ngàn dân cư Đông Berlin lũ lượt kéo sang Tây Berlin ăn kem, uống cà-phê nghe nhạc, đi siêu thị mua sắm và ca hát vang đường. Một số thanh niên đã leo lên bức tường Bá Linh reo hò. Số người tập trung dưới chân tường và trên bức tường càng lúc càng đông… Một số người dùng búa, xà-beng và đủ các vật dụng khác có được, đập bỏ các đoạn của bức tường. Những hình ảnh này ngay lập tức đã được truyền đi trên khắp thế giới trong đêm hôm đó.

Nhân ngày này, chúng ta hãy cùng dành chút thời gian xem lại một số hình ảnh sự kiện lịch sử thời khắc sụp đổ “Bức Tường Ô Nhục” Bá Linh này.

Video clip quay lại thời điểm lịch sử:

 

Dân cư Đông Đức đổ xô tới chân bờ tường và tìm mọi cách leo lên bức tường biểu cảm sự phấn khích được tự do:

Dù bất kỳ ai có không hài lòng, dân-quân cả hai bên cùng biểu lộ sự vui mừng bằng nhiều cách bày tỏ công khai:

Nhiều người Đông Đức trong đó có cả các công an và binh lính, dùng bất cứ phương tiện gì có được trong tay bắt đầu đập bỏ nhiều đoạn và tìm cách kéo đổ Bức Tường Ô Nhục trước sự hiện diện của cảnh sát và quân đội:

Một xe ủi và xe cần cẩu Đông Đức tham gia ủi sập bức tường đoạn ở Postdamer Platz để mở lối vào mới tại thành phố bị chia đôi (12/11/1989):

Ngay khi bức tường Berlin sụp đổ và sau đó, đông đảo dân chúng Đông Đức đổ vào Tây Berlin bằng đủ mọi phương tiện. Tấm hình dưới đây được chụp tại cổng Invalidenstrasse ngày 11/11/1989:

Hàng ngàn người Đông Đức tập trung đông đảo trước một hướng mới ở Eberswalder Strasse, nhờ các xe ủi đất của quân đội mở lối để có thể sang thăm và mua sắm ở Tây Berlin (11/11/1989):

Người Đông Đức ùa vào tiếp xúc với những người cùng dòng máu ở phía Tây sau khi lối vào mới đã được mở tại Postdamer Platz (12/11/1989):

Dân chúng Tây Đức và các quốc gia khác yêu chuộng tự do cũng thể hiện sự mừng rở khi xóa bỏ được Bức Tường Ô Nhục và tiếp tục những đòi hỏi phá bỏ toàn bộ bức tường. Hình dưới cho thấy nghệ sĩ violoncelle Nga Mstislav Rostropovitch đang say sưa trình tấu các tác phẩm của Johann Sebastian Bach bên cạnh bức tường Berlin ở Checkpoint Charlie hai ngày sau khi nó sụp đổ:

Một phụ nữ Tây Đức thân thiện đón tiếp một người Đông Đức bằng cách đổ sâm-banh lên xe người này tại Wollangstrasse, nơi một lối vào mới vừa được mở (13/11/1989):

Một phụ nữ Berlin với búa và đục trước bức tường, ở cổng Brandebourg. Tại đây, một đám đông người biểu tình tụ tập đòi hỏi phá hủy toàn bộ bức tường (15/11/1989):

Các thanh niên Tây Đức leo lên tháo dỡ một phần trên đỉnh bức tường (16/11/1989):

Một bé gái Tây Đức dùng một hòn đá đập vào tường (19/11/1989):

 — oOo —

Chú thích:

(1) Bức tường Berlin được hoàn thiện bằng nhiều công trình rộng khắp ở cạnh biên giới với Tây Đức. Cũng như phần biên giới nội Đức còn lại, bức tường Berlin được củng cố với nhiều hệ thống rộng lớn bao gồm hàng rào kẽm gai, hào, vật cản xe tăng, đường tuần tra và tháp canh. Chỉ riêng chó đặc nhiệm đã có khoảng gần 1.000 con được sử dụng cho đến đầu thập niên 1980.

Các hệ thống này được liên tục mở rộng qua nhiều thập niên. Các ngôi nhà gần bức tường đều bị giật sập, dân cư trong các ngôi nhà đó đã bị bắt buộc di chuyển sang nơi khác trước đó. Ngay cả nhà thờ Hòa Giải trên đường Bernau (Bernauer Straße) cũng bị giật mìn sập vào ngày 28 tháng 1 năm 1985. Theo thông tin của Bộ An Ninh Quốc Gia (Đông Đức), tính đến mùa xuân 1989, hệ thống chung quanh bức tường Berlin bao gồm:

  • 41,91km tường có chiều cao 3,60m.
  • 58,95km tường có chiều cao 3,40m.
  • 68,42km hàng rào bằng kim loại có chiều cao 2,90m làm “vật cản trước”.
  • 161km đường đi có hệ thống điện chiếu sáng.
  • 113,85km hàng rào có hệ thống báo động.
  • 186 tháp canh.
  • 31 cơ sở chỉ huy.

Trong tổng số 156,4km biên giới với Tây Berlin, 43,7km nằm trong thành phố Berlin và 112,7km nằm trong tỉnh Potsdam. Có 63,8km chạy qua khu vực có công trình xây dựng, 32km xuyên qua vùng có rừng, 22,65km qua đồng trống và 37,95km nằm cạnh sông hay ao hồ.

Vào thời gian cuối, hệ thống bảo vệ biên giới (từ hướng của Đông Đức) bao gồm:

  • Tường bê tông hay rào sắt cao khoảng từ 2 đến 3m.
  • Dưới đất là hệ thống phát tín hiệu báo động khi chạm vào.
  • Rào sắt cao hơn đầu người có gắn kẽm gai và dây báo động.
  • Ngoài ra nhiều đoạn còn có chó đặc nhiệm, hào cản xe cơ giới và cản xe tăng (chỉ được hủy bỏ sau khi Tây Đức cho Đông Đức vay hằng tỷ đồng DM).
  • Đường đi có chiếu sáng về đêm cho lực lượng biên phòng.
  • Tháp canh (tổng cộng 302 tháp vào năm 1989).
  • Bức tường Berlin kiên cố.
  • Trước đó là vài mét lãnh thổ của nước Đông Đức.

Hệ thống bảo vệ biên giới này có chiều ngang tổng cộng khoảng từ 30m đến khoảng 500m (ở quảng trường Potsdam) tùy thuộc vào địa hình. Mìn và hệ thống súng bắn tự động không được lắp đặt ở bức tường Berlin nhưng được gắn dọc theo biên giới nội Đức.

Lực lượng biên phòng của khu vực biên giới với Tây Berlin bao gồm 11.500 quân nhân và 500 nhân viên dân sự. Ngoài bộ tham mưu đóng ở Berlin-Karlshorst, lực lượng này bao gồm 7 trung đoàn đóng tại Berlin-Treptow, Berlin-Pankow, Berlin-Rummelsburg, Hennigsdorf, Groß-Glienicke, Potsdam-Babelsberg và Kleinmachnow cùng với 2 trung đoàn huấn luyện tại Wilhelmshagen và Oranienburg.

Mỗi trung đoàn có 5 đại đội biên phòng, ngoài ra là mỗi một trung đội của các binh chủng công binh, truyền tin, vận tải, súng cối và pháo binh, súng phóng lửa và một đội chó đặc nhiệm. Ngoài ra còn có thể có một đại đội thuyền hải quân.

Lực lượng canh phòng biên giới có hơn 567 xe thiết giáp chở quân, 48 súng cối, 48 đại bác chống chiến xa, 114 súng phóng hỏa cùng với 156 xe bọc thép hay xe công binh, 2.295 xe cơ giới khác và 992 quân khuyển (chó đặc nhiệm).

Vào một ngày bình thường có khoảng 2.300 quân nhân nhận nhiệm vụ canh phòng trực tiếp tại biên giới và vùng phụ cận biên giới.

(Chú thích theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia)

(2) Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế: Tiếng Nga: Совет экономической взаимопомощи (СЭВ) – Sovyet Ekonomičeskoy Vzaimopomošči (SEV hoặc SEW). Tiếng Anh: Council of Mutual Economic Assistance (COMECON hoặc CMEA).

(3) Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu: Còn gọi là Cộng Đồng Chung Châu Âu – European Economic Community (EEC).

(4) Tổ Chức Hiệp Ước (quân sự) Bắc Đại Tây Dương: North Atlantic Treaty Organization (NATO).

(5) Khối Warszawa: Tức là Khối Khối Hiệp Ước (quân sự) Warszawa, phiên âm tiếng Việt: Khối Vác-sa-va.

 QUANG MAI
(Sưu tầm từ nhiều nguồn – 9.11.2015)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.