Bậc Sơ Thiện: Nhân quả

I. VĂN :

Đối với dân tộc Việt Nam, có lẽ không mấy ai là không tin nhân quả. Đối với các em là con nhà Phật, thì Luật Nhân Quả các em đã được nghe qua lời dạy của các bậc cha mẹ từ lúc mới lên 5, lên 6. Hôm nay các em học lại cho kỹ để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Phật thuyết kinh Nhân Quả để giải thích cho chúng ta hiểu tại sao chúng sanh lại gồm có nhiều loài, ở trên không, dưới nước, cầm thú côn trùng, nhân thiên, A tu la. Mỗi loài đều có kẻ đẹp, người xấu, thân thể toàn vẹn hay tật nguyền đều do nhân quả mà ra.

A.  ĐỊNH NGHĨA :

NHÂN là nguyên nhân, QUẢ là kết quả. Nhân là cái mầm, Quả là cái hạt, cái trái do mầm ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp nối nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không thể có Quả, nếu không có Quả thì biết không có Nhân.

B.  NHỮNG ĐĂC TÍNH CỦA LUẬT NHÂN QUẢ :

1.  Nhân Quả là định luật hiện thật : Đức Phật không phải là người sáng chế đạo lý Nhân Quả, Ngài chỉ là người đã giác ngộ sự tương quan, tương duyên giữa nguyên nhân và kết quả của sự vật. Đức Phật căn cứ trên đời sống thực tế để thuyết giảng Lý Nhân Quả cho chúng ta hiểu.

2.  Nhân Quả chi phối tất cả : sở dĩ mọi thứ trên đời khác nhau vì được câu tạo bởi nghiệp nhân khác nhau. Vì thế định luật Nhân Quả chi phối tất cả sự vật. Định luật Nhân Quả không thiên vị, không bênh vực một ai. Không ai có thể phủ nhận hoặc sửa đổi định lý tất nhiên này.

3.  Nhân Quả là một Định luật rất phức tạp; Lý Nhân Quả không phải giản dị như chúng ta thường hiểu. Sự liên hệ, tương quan, tương duyên, tương phản giữa nhân và quả thường tạo nên phức tạp và khó hiểu. Chính vì vậy, những ai có sự hiểu biết thấp, thường khó nhận thức được sự chính xác của Lý Nhân Quả và gây nên những ngộ nhận về Lý Nhân Quả.

C.  SƯ TƯƠNG QUAN GIỮA NHÂN VÀ QUẢ :

Đức Phật dùng đạo lý Nhân Quả để giải thích sự tương quan, tương duyên giữa nhân và quả. Sự tương quan này rất mật thiết, nhưng cũng rất phức tạp và khó nhận định.

1.  Một Nhân tự nó không thể sinh ra Quả : Sự vật được hình thành giữa vũ trụ này đều do sự tổng hợp của nhiều nhân duyên. Một nhân không thể nào tự nó phát sinh ra quả được. Ví dụ cây lúa không những chỉ do hạt lúa tạo thành mà cần phải có các nhân khác giúp vào như đất, nước, ánh sáng mặt trời, phân bón… thì hạt lúa mới nẩy mầm được.

2.  Nhân nào Quả nấy : Nhân thế nào thì kết quả cũng như vậy chứ không bao giờ tương phản, mâu thuẩn nhau. Nếu ta muốn có quả cam thì phải ươm hạt giống cam, nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trồng cam mà được đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ. Nói cách khác, Nhân với Quả bao giờ cũng đồng một loại với nhau. Hể nhân đổi thì qủa cũng đổi.

3.  Trong Nhân có Quả, trong Quả có Nhân : Nhân, chính nó cũng là quả đồng thời của sự thuần thục của nhiều nhân duyên trước nó. Quả, chính nó cũng là nhân đồng thời cho sự phát sinh của quả khác. Ví dụ : tốt nghiệp đại học là kết quả cuả nhiều năm tháng học hành nhưng sự tốt nghiệp đó cũng là nhân chính cho sự tìm kiếm việc làm và ngược lại.

D. SỰ LIÊN HỆ GIỮA NHÂN VÀ QUẢ QUA THỜI GIAN :

1.  Nhân Quả một thời : Nhân quả nối liền nhau. Nghĩa là vừa tạo nhân, quả liền phát khởi. Như đánh chuông liền nghe tiếng, như khi hai luồng điện âm dương vừa gặp nhau thì ánh sáng liền bừng lên. Quả theo liền với nhân, chứ không cần chờ đợi một thời gian mới thuần thục.

2.  Nhân Quả trong hiện tại : Tạo nhân đời này thì kết quả cũng trong đời này. Như trồng lúa thì chừng sáu tháng đã có lúa, không cần phải đợi một thời gian lâu xa.

3.  Nhân Quả trong hai đời : Nhân tạo đời trước, đời này mới có kết quả, nhân tạo đời này đến đời sau mới có kết quả; nghĩa là cần một thời gian khá lâu quả mới thuần thục. Ví dụ, trong đời sông hiện tại biết bố thí cúng dường thì đời sau sẽ được giàu sang.

4.  Nhân Quả trong nhiều đời : Nhân tạo từ các đời trước đến đời này mới có kết quả. Nhân tạo trong đời này, đến nhiều đời sau mới có kết quả. Ví dụ, muôn thoát khỏi sanh tử luân hồi phải cần trải qua nhiều kiếp tu hành.

* Những ví du về Nhân Quả :

1- Nhân Quả nơi hiện Cảnh : Rừng rậm ( Quả ) là kết quả của nhiều cây hợp lại ( Nhân ). Sự tàn phá rừng ( Nhân ) sẽ gây ra lũ lụt tàn phá nhà cửa ruộng vườn ( Quả).

2- Nhân Quả nơi tự Thân : Ăn uống điều độ, thường tập thể dục ( Nhân ) sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng ( Quả ).

3- Nhân Quả nơi tự Tâm : Tánh tình, tư tưởng và trí thức con người cũng chịu sự chi phối của Luật Nhân Quả. Làm điều độc ác thì trí tưởng thấp hèn, nghĩ điều lành thì tánh tình thuần thục. Học nhiều nhớ rộng thì kiến thức mở mang, thông thái uyên bác.

E.  PHÂN TÍCH HÀNH TƯỚNG NHÂN QUẢ TRONG THỰC TẾ :

Luật Nhân quả chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu. Không có một vật gì, sự gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần thoát ra ngoài luật nhân quả được. Nhưng trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đặt trọng tâm vào “ nhân quả đối với con người ”.

1.  Về phương diện thể chất :

Thân tứ đại là do bẩm thụ khí huyết của cha mẹ, và đo hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả và cứ như thế tiếp nôi mãi. Nhân sanh quả, quả sanh nhân, không bao giờ dứt.

2.  Về phương diện tinh thần :

Những tư tưởng và hành vi trong quá khứ tạo cho ta một tính tình tốt hay xấu, một nếp sống trong hiện tại tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tính tình trong nếp sống hiện tại là quả. Tính tình và nếp sông này lại làm nhân để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả.

Để nhận rõ phần tinh thần này, chúng ta hãy dành riêng ra một mục để đặc biệt chú ý đến hành tướng của nó dưới đây.

F.  NHÂN QUẢ VỀ PHƯƠNG DIỆN TINH THẦN :

1.  Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt :

–   Tham : Thấy tiền của người khác nổi lồng tham lam sinh ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân, bị chủ đánh đập phải tàn tật hay bị nhà chức trách bắt giam, đánh đập tra tấn là quả.

–   Sân : Người quá nóng giận đánh đập vợ con, phá hoại nhà là nhân, khi hết giận đau đớn nhìn thấy vợ con bệnh hoạn, phải chịu nhiều điều khổ cực là quả.

–   Si : Người si mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường, không còn biết sự hay dở, phải trái là nhân, làm cho gia đình lụn bại, thân thể suy nhược, trí tuệ u ám là quả.

2.  Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt :

Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng và hành vi xấu tạo cho con người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những kết quả sáng lạn, vinh quang và an vui như thế ấy.

Người không có tính tham lam, bỏn xẻn, thì tất không bị của tiền trói buộc, tâm trí được thảnh thơi. Người không nóng giận tức được sông trong cảnh hiền hòa, gia đình êm âm. Người không si mê theo sắc dục thì được gia đình kính nể, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng kiện.

Nói một cách tổng quát, về phương diện tinh thần cũng như vật chất, người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy.

G.  LƠI ÍCH ĐEM LAI CHO CHÚNG TA DO SƯ HIỂU BIẾT VÀ ÁP DỤNG LUẬT NHÂN QUẢ :

1.  Luật nhân quả tránh cho chúng ta những mê tín di đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền :

Luật nhân quả cho chúng ta thấy được những thực trạng của sự vật, không có gì là mơ hồ bí hiểm. Nó vén lên tất cả những bức màn đen tối, phĩnh phờ của mê tín dị đoan đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận thuyết chủ trương “ Vạn pháp do một vị thần sinh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài ”. Do đó người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ hoang mang.

2.  Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởngvào chính mình :

Khi đã biết cuộc đời của mình là do nghiệp nhân của mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở mình thì còn tin tưởng ở nơi ai nữa ? Lòng tin tưởng ấy là một sức mạnh vô cùng quý báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh, hăng hái làm điều tốt. Vì những hành động tốt đẹp ấy, sẽ là những cái nhân quý báu, đem lại những kết quả tốt đẹp.

3.  Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách mốc :

Người hay chán nản, hay trách móc là vì đã đặt sai lòng tin của mình, là vì đã cỏ thói quen ỷ lại kẻ khác, là vì đã hướng ngoại. Nhưng khi đã hiểu rõ tất cả hoàn cảnh mình đang hưởng thọ đều do chính mình gây ra. Người hiểu nhân quả, dù gặp thất bại hay nghịch cảnh cũng không chán nản trách móc, chỉ lo tự cải tạo lấy nghiệp nhân bất thiện để được hưởng kết quả tốt đẹp, thôi gieo nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu, tránh tạo giông ác để khỏi mang quả ác.

4.  Người hiểu Luật Nhân Quả chỉ lo tạo Nhân lành và nghĩ đến kết quả trước khi hành đông :

Đã hiểu rõ những sự hưởng thọ hiện tại đều do nghiệp nhân đã tạo ra trong quá khứ, nếu muôn được kết quả tốt đẹp trong tương lai thì hiện tại cần phải siêng năng làm những hành động có lợi cho mình, cho người, cho chúng sanh đúng theo lời Phật dạy.

 II. TƯ :

Chúng ta đã biết rõ giá trị của Luật Nhân Quả, vậy chúng ta nên đem bài học này áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Em suy nghĩ : có người cả đời hiền từ mà gặp lắm tai nạn khổ sở, trái lại có người hung ác sao lại vẫn được bình an ?

Trong kinh Nhân Qủa có nói : Muốn biết nhân đời trước thì phải nhìn kết quả hiện tại đang thọ hưởng, muốn biết quả tương lai thì hãy xem nhân gây ra trong hiện tại.

Vậy có người trong đời hiện tại làm việc hung ác mà được an lành là do kiếp trước họ tạo nhân hiền lành, còn nhân hung ác mới tạo trong đời này thì tương lai hay qua đời sau họ sẽ chịu quả báo. Ví dụ như có người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ, thì do năm rồi họ làm có tiền của để dành. Còn cái nhân ăn chơi, không làm năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách.

Có người đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai nạn khổ sở, là do đời trước họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả an vui. Ví dụ có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng mà vẫn thiếu hụt là do nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay, sang năm tới họ sẽ hưởng quả sung túc. Do đó cổ nhân có câu :

“ Thiện ác đáo đầu chung hữu báo

Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì ”

(Việc lành hay việc dữ đều có quả báo

Chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).

Do đó khi làm một việc gì, phái nghĩ đến kết quả tốt hay xấu của nó, chứ đừng làm liều, nói liều để phải chịu hậu quả đau khổ trong tương lai. Nếu chúng ta làm được như thế thì chúng ta sẽ thấy tính tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày mỗi cải tiến, các việc sai quấy sẽ giảm bớt, các việc lành ngày càng tăng trưởng. Và do sự gieo nhân lành toàn diện đó, từ địa vị Người, chúng ta có thể tiến dần đến quả vị Thánh hiền, được giải thoát giác ngộ.

 III. TU :

  1. Em ăn chay mỗi tháng ít nhất là hai ngày, vì đó là gieo nhân lành, ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh thì quả phúc sẽ tròn đầy.
  2. Xa lìa các việc ác, dù là việc ác nhỏ cũng không làm.
  3. Luôn làm những việc thiện, dù là việc thiện nhỏ cũng không bỏ qua.
  4. Hàng ngày thường xuyên niệm Phật, luôn nghĩ đến trí tuệ của chư Phật, các hạnh lành của chư vị Bồ tát một cách thiết tha để noi theo những hạnh lành ấy, đó là cách thực hành tốt đẹp nhất .

IV. CÂU HỎI :

  1. Hãy định nghĩa hai chữ  “nhân” và “quả” ?
  2. Hãy nêu đặc tính của Luật Nhân Quả?
  3. Hãy nêu một ví dụ về Nhân Quả nơi tự tâm của mình?
  4. Em hiểu thế nào câu nói “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”?
  5. Hiểu biết Luật Nhân Quả đem lại lợi ích gì?
  6. Đã hiểu rõ Luật Nhân Quả, em áp dụng vào đời sống như thế nào?

————– oOo ————–

Nguồn: Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Sơ Thiện – BHD Trung Ương GĐPTVN tu chỉnh năm 2006.