Bậc Sơ Thiện: Tứ Nhiếp Pháp

I. VĂN :

Hoằng pháp lợi sanh là hạnh nguyện của chư Phật, chư vị Bồ tát. Đức Phật ra đời với một ý nguyện lợi sanh. Cho nên trong, tất cả phương tiện giáo hoá khuyến tu của Ngài, không một pháp môn nào ra ngoài mục đích ấy.

Người Phật tử theo dấu chân Phật và Bồ tát, học Phật không chỉ riêng giác ngộ cho mình mà còn làm cho người khác cùng hiểu biết và hành trì pháp Phật cũng như mình, nghĩa là phải lợi sanh. “ Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ ” không chỉ là lời nói suông mà người Phật tử phải thể hiện trọn vẹn trong quá trình học đạo, tu đạo và sống đạo của mình.

Tứ nhiếp pháp còn gọi là 4 nhiếp sự, là nền tảng đạo đức của thế gian. Thế gian xoay quanh 4 nhiếp sự như bánh xe quay quanh trục. Đây là cương thường đạo lý của người Phật tử tại gia.

Tứ nhiếp pháp được Phật kiến lập trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Bốn pháp.

Muốn thực hiện tinh thần lợi sanh, đức Phật kiến lập pháp môn TỨ NHIẾP PHÁP để dạy chúng ta hành đạo như sau :

1.  Định nghĩa :

Tứ là bốn.

Nhiếp là nhiếp hóa, nghĩa là thâu lại gần mình.

Pháp là pháp môn, là phương pháp thu phục người khác.

Tứ nhiếp pháp là bôn phương pháp giúp mình xa lìa những thói hư tật xấu, hoàn thiện nhân cách, tăng trưởng phẩm hạnh, từ đó tiến đến chính phục kẻ khác. Đây là bốn phương pháp để người Phật tử thâu phục người khác về với mình, để cùng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Có đưa người khác đến với ta, thì ta mới có cơ duyên hóa độ.

Bốn phương pháp ấy là : “ Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự ”.

2.  Nội dung Tứ nhiếp pháp :

a.  Bố thí :

Nói nôm na bình dân thường nói là “ Cho ”, nói có tình nghĩa hơn là “ Giúp đỡ ”, nói văn vẽ là “ Tặng ”, nói trang trọng đối với người trên là “ Dâng ”, chứa đầy màu sắc đạo vị là “ Cúng dường ”.

Cho dù được gói ghém dưới nhãn hiệu nào, chữ THÍ là lấy của mình cho kẻ khác. Lấy của mình đem cho, tức ngầm chứa một sự hy sinh, dù nhỏ dù lớn, dù ít dù nhiều.

Bố có nghĩa là cùng khắp, rộng rãi.

Bố thí là cho một cách rộng rãi.

Một khía cạnh khác của Bố thí, khi đã hy sinh của mình đem cho người khác là đã biểu lộ lòng thương, lòng vị tha, thay thế cho lòng vị kỷ. Đây là động cơ đầu tiên cho lòng thương rộng lớn đó là lòng Từ bi.

Bố thí là sự chu cấp không những cho tất cả mà còn bằng tất cả nữa.

Bố thí có ba phương diện :

* Tài thí : gồm có Nội tài và Ngoại tài.

–   Ngoại tài : nghĩa là đem của cải, tiền bạc, vật dụng nằm ngoài thân để giúp đỡ đời sông thiết thực cho chúng sanh.

–   Nội tài : là bố thí chính thân mạng của mình, sức lực, lời nói, tư tưởng, ý kiến v.v… một thứ tài sản dù nghèo đến mấy cũng có và tài sản ấy mới thật là của mình. Đừng viện cớ : tôi nghèo quá, không có gì để bố thí. Cho dù nghèo tận cùng con số không, vẫn còn có thân mạng của mình, đó là vật sở hữu vô giá. Có thân mạng là có sức lực, có trí tuệ bố thí cho người khác như gặp người gánh nặng ta gánh giúp, đẩy hộ một chiếc xe lên đốc cao … Đó cũng là cách bố thí. Phật dạy rằng : “ Đời ai không có thân, có thân là có thể bố thí được ”

Pháp thí : nghĩa là đem giáo pháp chân chính mà giảng dạy cho chúng sanh thoát khỏi những đau buồn, đắng cay của cuộc đời, tạo niềm hân hoan vui sống cho họ hoặc tụng kinh niệm Phật để hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh.

Đem Phật pháp cảm hoá mọi người đó mới là phương tiện chính của người tại gia phục vụ xã hội.

Đức Phật dạy, trong mọi cách cúng dường, cúng dường Pháp là tối thắng, vì Pháp đem lại an vui lợi lạc cho đời này và vô lượng phước báu cho đời sau, là nhân giải thoát trong tương lai.

Vô úthí : tức là đem năng lực, uy thế, tất cả những gì của mình có thể che chở để bố thí cho họ “ Sự không khiếp sợ ” trong những lúc nguy biến, ấy là vô uý thí.

Làm thân người ai cũng có nỗi lo sợ, sợ đói, sợ nghèo, sợ bệnh tật, sợ thiên tai, ách nước. Vô úy thí là dùng tất cả phương tiện bố thí để giúp chúng sanh an tâm trước mọi sự nguy hiểm và biến cố. Gặp những tai nạn khủng khiếp ta hãy tìm phương cách giải cứu. Sự khổ sống trong sanh tử luân hồi ta phải giáo hóa khuyến tu để cầu giải thoát.

Vị Bồ tát có năng lực đem lại sự bình an cho chúng sanh là Ngài Quán Thế Âm. Đức Quan Thế Âm thực hành như vậy mà thế giới Ta Bà gọi Ngài là “ đấng bố thí sự vô uý ”.

Ngoài Tài thí, Pháp thí, chỉ riêng Phật giáo mới đặc biệt chú trọng đến pháp Vô úy thí.

Thực hành tài thí để tương trợ đời sống vật chất cho chúng sanh. Thực hành Pháp thí để giáo hoá chúng sanh và thực hành hạnh Vô uý thí để loại bỏ những tư tưởng khiếp nhược cho chúng sanh.

Bố thí mà chỉ mong cầu báo đáp thì chỉ có phước báu, chứ không thực sự giúp ta ta vĩnh ly khổ ách, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Bố thí Ba La Mật là hình thức bố thí cao cả nhất của Phật giáo. Đó là cách bố thí không thấy có kẻ bố thí, người được bố thí và của được bố thí, nên gọi là Tam luân không tịch. Câu chuyện Thái tử Tu Đại Noa nói lên ý nghĩa cao cả của việc bố thí này.

b.  Ái ngữ :

Ái ngữ là đối xử với người bằng sự mềm dẻo xuất phát từ một thiện ý thành thực cảm hoá.

Dùng lời nói dịu dàng, hoà ái, khiêm tốn, khiến người nghe sanh tâm hoan hỷ cảm mến, rồi từ đó thân cận với mình. Nói lời hoà nhã nhằm an ủi, giúp người vượt qua sự khổ sở. Dù với bất cứ hoàn cảnh nào như đứng trước một nhân vật hung hăng, lời lẽ mình vẫn nhu hòa để cảm hóa họ trở về con đường thiện lành.

Muốn có ái ngữ phải luôn luôn trầm tĩnh, nụ cười nở trên môi. Không nên xem thường ái ngữ, vì ái ngữ dễ nhiếp phục lòng người vô cùng. Ái ngữ là khí cụ sắc bén mà không mất tiền mua và đủ công năng khích động kẻ khác tiến lên đến chỗ tốt đẹp.

c.  Lợi hành :

Là kết duyên với mọi người. Mỗi người sống đều có mục đích. Lợi hành là hành vi giúp người đạt được mục đích tốt đẹp mà họ mong muốn, là làm việc vì mục đích cao cả có lợi cho người, không so tính thiệt hơn, nếu không muốn nói hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cho người khác.

Lợi hành là cách thu phục lòng người nhanh nhất, hữu hiệu nhất.

Hình ảnh vị Bồ tát Trì Địa là một tấm gương sáng về Lợi hành, suốt cuộc đời chuyên lo tu sửa đường sá, lấp các ao rạch ngăn trở lối đi, bắc cầu qua các kênh mương, gánh giúp cho người già cả, giúp đỡ kẻ tật nguyền neo đơn, từ những việc lặt vặt đến những việc lớn lao đều không từ chối nên được Phật ấn chứng.

d.  Đồng sự :

Đồng sự là phục vụ công việc lợi ích chung hay những phận sự xã hội mà mình phải gánh vác. Đồng sự còn có nghĩa là cùng hội cùng thuyền với người nhưng với mục đích cảm hoá họ.

Cùng hòa mình vào trong cảnh ngộ của người khác để dẫn dắt họ về với chánh pháp. Đây là một pháp vừa có hiệu quả lớn mà cũng vừa rất tế nhị. Cùng một cảnh ngộ thì đễ cảm thông với nhau hơn. Cụ thể, những người cùng nghề nghiệp rất dễ thương yêu nhau. Một tấm gương đồng sự của Bồ tát Duy Ma Cật : Đến nơi cờ bạc thì Ngài dùng nơi đó để độ người. Thấy ai Ngài cũng kính nhường. Ngài nhiếp phục kẻ lớn người nhỏ. Dạo chơi nơi ngả tư đường, Ngài giúp cho chúng sanh dự vào việc chánh trị. Vào nơi giảng luận, Ngài dùng pháp Đại thừa mà dẫn dắt kẻ khác. Vào nơi học đường, Ngài khuyên dụ và khai hóa học viên. Vào chốn ăn chơi, Ngài chỉ chỗ tội lỗi của sắc dục. Vào quán rượu, Ngài vẽ phác chí hướng cho những đệ tử của lưu linh. ( Phẩm Phương tiện ).

Đồng sự với mọi người, với mục đích là giáo hoá. Do đó, không một chỗ nào dù là chỗ xấu xa như nơi cờ bạc, chốn buôn hương bán phấn, Duy Ma Cật lại không bước chân vào.

Gần chúng ta hơn, Bồ tát Quán Thế Âm vì lòng từ bi thương xót chúng sanh và muốn chúng sanh an lạc tự tại, Ngài hiện 32 ứng thân tùy sở cầu của chúng sanh mà thi hiện cứu độ.

Đồng Sự với ý nghĩa cao sâu hơn, Đồng sự tức là Đồng ngã : nâng người lên ngang với mình về phương diện đạo đức. Đây là phần về Phật pháp : giúp người hiểu Phật pháp giữ giới ngang với mình, thấy người phạm giới giáo dục cho họ không phạm giới và giữ giới đã thọ như mình, giúp người khác ( bạn tại gia ) có kinh điển để học. Đối với người xuất gia : Kiến hoà đồng giải và Giới hoà đồng tu, đó là Đồng sự.

Yếu tố Lợi hành, Đồng sự giúp người Phật tử chóng thích nghi với mọi môi trường ở cuộc đời và luôn tạo cho mình niềm an lạc tự tại để sống.

II. TƯ :

  1. Tứ nhiếp pháp giúp em tạo dựng cuộc sống an lạc, tự tại, xây dựng một gia đình hạnh phúc.
  2. Tứ nhiếp pháp là một phương tiện thiện xảo để nhiếp phục, cảm hóa những người chung quanh.
  3. Tứ nhiếp pháp còn giới hạn thân khẩu ý tạo tác các vọng nghiệp, tạo năng lực hành thiện độ sanh, giúp chúng ta sớm gần với chân lý giải thóat giác ngộ.
  4. Thấy người thực hành Tứ nhiếp pháp mà sanh tâm hoan hỷ thì công đức vô lượng.
  5. Câu chuyện “ Gã cùng tử ” trong kinh Pháp Hoa làm nổi bật vai trò Thế Tôn cũng như tâm nguyện của chúng ta trên con đường phục vụ chánh pháp.

 III. TU :

  1. Em thực hành hạnh Bố thí để xả bỏ dần tánh tham lam keo lẩn.
  2. Em dùng lời nói nhu hòa để cảm hóa những người chung quanh.
  3. Luôn làm mọi việc ích lợi cho tất cả chúng sanh.
  4. Tự đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân mới thấu hiểu những trăn trở của họ, từ đó sẽ thông cảm, vị tha, độ lượng, nhân từ.

Tứ nhiếp pháp là một pháp môn rất cụ thể. Tứ nhiếp pháp không phải là một giáo lý xuất thế, mà là yếu tố xây dựng cuộc đời, đưa mọi người vào ánh sáng chánh pháp.

Với hạnh nguyện lợi tha, Tứ nhiếp pháp là phương tiện khéo và đủ vậy.

 IV. CÂU HỎI :

  1. Tứ nhiếp pháp là gì?
  2. Giải thích nghĩa 2 chữ Bố thí trong các trường hợp?
  3. Thế nào là Vô úy thí?
  4. Đồng sự là gì? Vị Bồ Tát nào đã thực hành đồng sự một cách rốt ráo?
  5. Em thực hành Tứ nhiếp pháp như thế nào trong cuộc sống?

————– oOo ————–

Nguồn: Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Sơ Thiện – BHD Trung Ương GĐPTVN tu chỉnh năm 2006.