NHẬP BỒ-ĐỀ HÀNH LUẬN
Tác giả: TỊCH THIÊN (Śāntideva; 685-763)
— oOo —
TÀI LIỆU TU HỌC GĐPTVN
BẬC ĐỊNH – NĂM THỨ BA
TỔNG QUAN
NHẬP BỒ-ĐỀ HÀNH LUẬN
oOo
I. Dẫn nhập.
II. Tác giả.
III. Khảo sát văn bản:
-
- Nguyên bản và phiên dịch.
- Bố cục.
IV. Nội dung chính:
-
- Bồ-đề tâm.
- Phát Bồ-đề tâm – Sám hối.
- An trụ – Hàng phục tâm.
- Phương tiện hành hoạt.
- Sáu ba-la-mật-đa.
V. Kết luận.
I. DẪN NHẬP
Trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN), khi bắt đầu phát nguyện làm Huynh Trưởng, điều quan trọng nhất đó là phát Bồ-đề tâm, là sự chuyển mình của người Huynh Trưởng từ thân phận tầm thường của một phàm phu lên đến tầm cao rộng của người giác ngộ.
Ðây là sự biểu hiện của một nhân cách vĩ đại nhất, mà không có một hệ thống triết học hay tôn giáo nào có thể tự hào. Khi mà người Huynh Trưởng từ bỏ diện mạo đời thường của mình, thay vào đó bằng Bồ-đề tâm trang nghiêm, người Huynh Trưởng đủ sức để gánh vác sứ mệnh giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên theo tinh thần Phật pháp.
Phát Bồ-đề tâm. Nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng chắc chắn không phải là công việc của một kẻ tầm thường. Ðây là khung trời của những ai mà ý chí vượt lên trên những dãy ngân hà xa thẳm, của những người có tâm nguyện kiên cường vững chãi hơn trăm ngàn thành lũy, của những ai mà trăm ngàn lưỡi đao bén nhọn không làm cho họ nao núng, và trăm ngàn sự vui cõi trời không làm họ xao động!
Ai là người có thể kế thừa gia nghiệp của Ðức Như Lai? Ai là người làm cho chủng tánh Phật không đoạn diệt? Người Huynh Trưởng GĐPTVN có thể đảm đương được điều nầy. Đó là những người có chí nguyện cứng chắc như kim cương, lại có thể vì đàn em thân yêu mà từ tâm thổn thức, như người mẹ xúc động trước nỗi khổ của đứa con mình.
Trong chương trình tu học bậc Định được soạn thảo từ năm 2016, NHẬP BỒ-ĐỀ HÀNH LUẬN được đưa vào cho bậc Định, cho những người vừa phát nguyện làm Huynh Trưởng. Để vừa tự rèn luyện qua công việc, vừa trau dồi hành trang tâm linh qua Phật pháp, thì luận văn nầy sẽ đáp ứng yêu cầu đó. Lại nữa, tư tưởng chủ đạo trong luận văn nầy sẽ làm chất liệu cho người học tiến sâu vào kinh luận Đại thừa, mà chương trình tu học bậc Lực đang chờ đón các bạn.
II. TÁC GIẢ
TỊCH THIÊN; 寂 天; S: śāntideva
Cao tăng thuộc phái Trung quán. Truyền thuyết cho rằng Ngài là một vương tử miền Nam Ấn Ðộ, sống trong thế kỷ thứ VII, VIII và giảng dạy tại Tu viện Đại học Phật giáo Na-lan-đà. Ngài biên soạn hai tác phẩm quan trọng là Tập Bồ-tát học luận (Śikṣāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận (Bodhicaryāvatāra). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận (Śūtrasamuccaya) đã thất truyền. Nhập bồ-đề hành luận rất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng. Giới xuất gia cũng như tại gia xem bộ luận nầy như là kinh điển giáo khoa.
Tịch Thiên từ bỏ vương triều, xuất gia rồi được thọ giới Tỉ-khưu tại Ðại học Phật giáo Na-lan-đà. Thời đó tại Na-lan-đà, các học viên thường phải đọc thuộc lòng kinh điển trước đại chúng, lần đó đến lượt Tịch Thiên. Vị giáo thụ xem chừng ngài không thuộc bài, khuyên ngài nên ra khỏi Tăng-già, nhưng ngài không chịu. Tới ngày phải tụng đọc, ngài thành tâm cầu khẩn Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giúp đỡ, quả nhiên Văn-thù hiện ra giúp. Lúc ngài lên giảng đường tụng đọc, mọi người tề tựu đông đủ, kể cả nhà vua Thiên Hộ (Devapāla), ai cũng nghĩ ngài sẽ không đọc được kinh, và bị trục xuất. Thế nhưng ngài đọc một bài kinh hoàn toàn mới, gồm có 10 chương, đó là tập Nhập bồ-đề hành luận (s: bodhicāryāvatāra), còn truyền đến ngày nay. Ðến chương thứ chín thì người Ngài lơ lửng trên không, mọi người đều ngạc nhiên kinh hoàng. Sau đó đại chúng thỉnh ngài làm Viện trưởng Ðại học Phật giáo Na-lan-đà.
Sau đó ngài rời Na-lan-đà ra đi không lời từ giã, lấy một thanh gỗ biến thành gươm và đi làm kiếm sĩ cho nhà vua xứ Ðô-ri-ki (Dhokiri). Sau, ngài vào rừng ẩn cư và làm thợ săn. Bị nhiều người chê trách là đã tu mà còn giết hại sinh vật, ngài dùng thần thông làm chúng sống lại cả.
Ngài sống trên trăm năm và đưa nhiều người trở về chính pháp. Phật giáo Tây Tạng rất coi trọng ngài Tịch Thiên, bộ Nhập bồ-đề hành luận là sách giáo khoa tại xứ đó.
III. KHẢO SÁT VĂN BẢN
1. Nguyên tác và phiên dịch:
Nguyên văn Phạn ngữ theo thể kệ tụng (śloka), nhan đề Bodhicāryāvatāra, có nghĩa là Nhập bồ-đề hành, dạy pháp tu cho người đã phát tâm Bồ-đề, hướng đến Bồ-tát đạo, nên còn được dịch là Nhập Bồ-tát hạnh[*]. Là sách gối đầu giường của Tăng Ni, Phật tử tại các nước theo Đại thừa ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VIII, thời gian Đại thừa cực thịnh, và sau đó, tại các nước Mông Cổ, Tây Tạng, và hiện rất thịnh hành ở các nước Tây phương. Luận văn đã có nhiều bản dịch đủ các ngôn ngữ. Anh, Pháp v.v…. Các dịch giả Tây phương làm việc rất nghiêm túc, nhờ sự hướng dẫn của chính các bậc Thầy đang hành trì các pháp đề cập trong luận này. Các ngài là những bài pháp sống động đã vừa hướng dẫn, vừa đem lại nguồn hứng khởi cho những dịch giả.
2. Bố cục:
Toàn bộ luận phân làm 10 chương:
– Chương thứ nhất: Những lợi lạc của tâm Bồ-đề, khuyến khích chúng sinh phát tâm Bồ-đề chân thực.
– Chương thứ hai: Sám hối tội nghiệp, kế đó tu tùy hỷ, khuyến thỉnh, và hồi hướng phúc đức rộng lớn.
– Chương thứ ba: Gìn giữ tâm Bồ-đề, phát khởi tâm Bồ-đề nguyện cùng thọ giới Bồ-tát.
– Chương thứ tư: Không buông lung, tu tập hạnh không buông lung, hầu tránh vi phạm Bồ-tát học xứ (giới).
– Chương thứ năm: Giữ gìn chánh tri, cho biết làm thế nào để giữ gìn Bồ-tát học xứ.
– Chương thứ sáu: An nhẫn, dạy tu nhẫn nhục để trừ khử tâm lý chướng ngại trong sự tu tập Bồ-tát hạnh.
– Chương thứ bảy: Tinh tấn, vì muốn được tăng trưởng Bồ-tát hạnh phải tinh cần tu tập.
– Chương thứ tám: Thiền định, trước tiên tu tĩnh lự để đối trị hôn trầm, tán loạn (đặc biệt quở trách sự tham dục). Sau đó tiến thêm một bước tu tập pháp môn tự tha hoán (nhìn mình để hiểu người), để tăng trưởng tâm Bồ-đề thế tục.
– Chương thứ chín: Trí tuệ, vì muốn thông đạt thực tướng của chư pháp, dẫn đến tâm Bồ-đề thắng nghĩa, hầu có thể đoạn trừ phiền não, nên phải có trí tuệ.
– Chương thứ mười: Hồi hướng, đem tất cả công đức của nghiệp lành hồi hướng đến tất cả chúng sinh.
Quy nạp lại, có thể chia làm bốn phần:
– Phần 1: Ba chương đầu là tông chỉ chủ yếu, đối với chúng sinh chưa phát tâm, dẫn phát thế tục tâm nguyện Bồ-đề và tâm hạnh Bồ-đề.
– Phần 2: Ba chương Không buông lung, Giữ gìn chánh tri, Nhẫn nhục, là chỉ dẫn, khuyến khích thế nào giữ gìn tâm Bồ-đề cùng nghiêm trì giới luật Bồ-tát, không để cho ngoại duyên làm ô nhiễm, thối thất.
– Phần 3: Ba chương Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, một mặt giúp hành giả tăng tiến tâm Bồ-đề thế tục, một mặt đem hành giả đến sự phát sinh tâm Bồ-đề thắng nghĩa, thuần tịnh không nhiễm. Cùng y vào đây thực hành xuất thế gian ba-la-mật-đa, tăng trưởng phúc tuệ tư lương, tăng tiến cho đến lúc thành Phật.
– Phần 4: Chương Hồi hướng, phát nguyện, đây là phương cách tăng trưởng vô lượng công đức.
Từ một phương diện khác, theo quan điểm của chính ngài Tịch Thiên trong quyển Tập Bồ-tát học luận (Śikṣāsamuccaya), có thể giải thích theo 3 phần:
– Phần 1: Gồm 3 chương đầu: Dẫn phát ý nguyện tối thù thắng. Nguyện đem thân thể, tài sản, thiện căn của mình, hoàn toàn bố thí cho tất cả chúng sinh. Đó chính là bắt đầu chân thành tu tập hạnh Bồ-tát.
– Phần 2: Ba chương 4, 5, 6: Trong quá trình tu học, làm thế nào để giữ gìn thân thể, tài sản, thiện căn của mình để thuận tiện cho việc lợi ích chúng sinh.
– Phần 3: Bốn chương cuối: Sau khi giữ gìn thân thể, tài sản v.v…, làm thế nào tiến thêm một bước nữa trong công việc tịnh hóa cùng tăng trưởng.
Nói một cách tổng quát, nội dung chủ yếu của luận Nhập Bồ-tát Hạnh này là chỉ dẫn hành giả trong quá trình tu học hạnh Bồ-tát, làm thế nào tu tập lục độ vạn hạnh, để thuận tiện dùng những phương thức bố thí, giữ gìn, tịnh hóa cùng tăng trưởng thân thể, tài sản, thiện căn v.v…, trong việc lợi lạc cho chúng sinh.
Ngài Tịch Thiên trong Tập Bồ-tát học luận (Śikṣāsamuccaya), chương Học tập bố thí, có nói: “Ðem thân thể, tài vật cùng thiện căn của mình hoàn toàn bố thí cho tất cả hữu tình. Hơn nữa, phải giữ gìn, tịnh hóa cùng tăng trưởng chúng. Ðây là yếu lĩnh của Bồ-tát học xứ”. Tại cuối chương đó, Tịch Thiên dẫn kinh Bảo Vân mà kết luận như sau: “Thí xả là Bồ-đề của Bồ-tát”. Nhập Bồ-tát hạnh, chương thứ ba, bài kệ 10, 11 cũng nói: “Vì muốn thành tựu sự lợi ích của tất cả hữu tình, con bố thí thân mệnh mình không chút luyến tiếc. Bố thí tất cả tài sản cùng thiện căn phúc đức. Nếu có thể từ đáy lòng thí xả tất cả thân thể, tài sản, thiện căn, con sẽ vượt qua tất cả khổ, thành tựu Niết-bàn”.
IV. NỘI DUNG CHÍNH
Nhập bồ-đề hành luận trình bày các bước tu học vị Bồ-tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm (bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (prajñā), dựa trên Lục độ (pāramitā). Nhập bồ-đề hành luận là tác phẩm nhằm hướng dẫn cho Cư sĩ hay người mới nhập môn. Ngài Tịch Thiên giảng giải trong tác phẩm này hai phương pháp nhằm giúp các Huynh Trưởng GĐPT đang thực hành đạo Bồ-tát nhận biết tại sao mình lại cứu độ cho người, và xuất phát từ đó mà có các hành động cần thiết. Tức là đặt mình vào địa vị của chúng sinh để thấu rõ tâm trạng của chúng sinh (sattva).
Mẫu Bồ-tát lý tưởng trong bộ luận này chính là người Huynh Trưởng GĐPTVN có phẩm hạnh tròn đầy, và cũng là người dấn thân tích cực, vừa tìm cầu con đường giác ngộ giải thoát bản thân, nhưng cũng không quên hạnh nguyện hóa độ và cứu giúp chúng sanh, đó là hướng dẫn thế hệ trẻ sống theo Phật pháp.
Trong hai tác phẩm này, Nhập Bồ-đề hành luận (Bodhicaryāvatāra) có sự ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là ở Tây Tạng, và khi Phật giáo truyền vào các nước phương Tây, tác phẩm này cũng được xem như là một cẩm nang tu tập không thể thiếu đối với giới trí thức trẻ ở xứ sở này. Nhập Bồ-đề hành luận cũng là một trong số ít những tác phẩm của Phật giáo được quan tâm và được đề cập nhiều trong những thảo luận về đạo đức trong Phật giáo Đại thừa.
1. Tâm Bồ-đề (Bodhicitta)
Tâm Bồ-đề (Bodhicitta) là một khái niệm căn bản trong Phật giáo Đại thừa. Tâm Bồ-đề là tâm tìm cầu giác ngộ hay tìm cầu quả vị Phật. Tâm Bồ-đề cũng được hiểu như là Phật tính sẵn có nơi mỗi chúng sanh. Theo Kim cang thừa, tâm Bồ-đề được cho là sự hợp nhất của trí tuệ (prajñā) và từ bi (karuṇā).
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-đề tâm được diễn tả qua những hình ảnh rất thực tế, đầy sức sống, luôn luôn mang lại sự chuyển hoá vi diệu… theo bước chân cầu học Bồ-tát hạnh của Thiện Tài Đồng tử.
“Thiện nam tử, Bồ-đề tâm như hạt giống, vì từ đó nảy mầm tất cả Phật pháp.
Bồ-đề tâm như khoảnh ruộng tốt, vì từ đó sinh trưởng tất cả pháp bạch tịnh của chúng sinh.
Bồ-đề tâm như mặt đất, vì nâng đỡ tất cả thế gian.
Bồ-đề tâm như nguồn nước, rửa sạch tất cả cáu bẩn phiền não.
Bồ-đề tâm như ngọn gió, đi khắp thế gian không trở ngại.
Bồ-đề tâm như ngọn lửa đốt cháy tất cả cỏ rác tà kiến.” (Kinh Hoa Nghiêm).
Vì uy lực của Bồ-đề tâm như vậy, cho nên những ai mong cầu đạt được mục đích cứu cánh, được khuyến khích hãy phát khởi tâm bồ-đề.
Một vị Bồ-tát trên con đường tìm cầu giác ngộ, do đó, không chỉ phát khởi tâm mong muốn được giác ngộ hay thành tựu Phật quả, mà cũng phải khởi tâm Bồ-đề làm lợi ích chúng sanh. Ngài Tịch Thiên nói rằng Đức Phật ở trong quá khứ, đã phát khởi tâm Bồ-đề và cứu vô số chúng sanh ra khỏi biển khổ. Và những người ở trong cuộc đời khổ ải này, nếu phát khởi được tâm Bồ-đề thì đó chính là người con của Phật, và xứng đáng được tôn kính. Do đó, một người muốn vượt thoát khỏi những khổ đau, cần phải giữ tâm Bồ-đề.
Đạo sư trí tuệ vô ngần
Xem tôn quý nhất là tâm bồ-đề
Ai người muốn thoát sông mê
Hãy nên giữ vững bồ-đề tâm kia.
(Chương 1; kệ 11). Thích Nữ Trí Hải dịch.
Tâm Bồ-đề được xem như là nền tảng căn bản, trên đó các hạnh lành khác phát triển. Theo ngài Tịch Thiên, tâm Bồ-đề là nền tảng của đạo đức, bởi vì ngài tin rằng chỉ với tâm Bồ-đề, chúng sinh mới có thể cưỡng lại được sức mạnh của những điều xấu.
Căn lành ở trong ta thường yếu
Ác nghiệp thì công hiệu xiết bao
Bồ-đề tâm chẳng nương theo
Không sao thắng nổi quá nhiều chướng duyên.
(chương I, kệ 6). Thích Nữ Trí Hải dịch.
Và với tâm Bồ-đề, người ta mới có thể thực hiện các việc lành một cách đúng đắn. Điều này cũng tương tự như Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Quên mất tâm Bồ-đề mà tu các pháp lành thì đó là ma nghiệp”.
2. Phát Bồ-đề tâm – Sám hối
Theo ngài Tịch Thiên, một hành giả thực hành con đường Bồ-tát, trước hết phải phát khởi tâm Bồ-đề, nhưng điều quan trọng hơn là phải thực hành tâm Bồ-đề ấy, bởi vì “muốn đi” khác với “đi”. Phát khởi tâm Bồ-đề tuy có thể đem lại kết quả lớn, nhưng không sánh được với việc thực hiện tâm ấy.
Phát tâm cầu thành Phật là cần thiết, nhưng ta không thể thành Phật chỉ bằng phát nguyện suông, mà phải thực hành những việc mà chư Phật đã làm. Cũng vậy, phát khởi lòng tốt, lòng từ-bi-hỷ-xả là cần thiết, nhưng như vậy thôi chưa đủ, mà phải biến lòng tốt ấy thành những hành động cụ thể, và những việc làm lành ấy được thực hiện với mục đích cứu giúp chúng sanh. Ngài Tịch Thiên cho rằng việc làm lợi người lớn hơn việc cúng Phật. Như vậy một hành động đem lại lợi ích cho chúng sanh sẽ có giá trị lớn hơn việc cúng dường với mong muốn cầu phước báo cho bản thân.
Ngài Tịch Thiên dạy rằng, muốn báo ơn Phật, hãy nên cứu giúp chúng sanh; và gây khổ cho chúng sanh chính là đang làm đau lòng Phật:
Khi xưa con hại hữu tình
Khiến đau lòng Phật, nay xin sám chừa
Từ nay con nguyện dứt trừ
Dù ai chà đạp xin thề nhẫn kham.
(chương VI, An nhẫn, kệ 124).
Xa hơn, ngài Tịch Thiên nói rằng phát tâm Bồ-đề là phát tâm học giới hạnh của Bồ-tát, điều mà chư Phật quá khứ cũng đã từng thực hiện như vậy.
Noi theo chư Phật Như Lai
Sau khi lập nguyện siêng thay tu hành
Con vì lợi ích quần sinh
Phát tâm rồi cũng quyết tình tiến tu.
(chương III, Gìn giữ tâm Bồ-đề, kệ 22).
Phát tâm Bồ-đề ở đây cũng là phát tâm giữ tâm ý thanh tịnh, phát tâm buông xả tất cả những sở chấp đưa đến khổ đau, phát tâm bố thí vì muốn cứu giúp chúng sanh, phát tâm nhẫn nhục trong tu tập cho dù có người mắng nhiếc và sỉ nhục… Phát tâm Bồ-đề cũng là cầu nguyện cho chúng sanh thoát ly khỏi các đường ác, nguyện giúp đỡ cho những người cô đơn, làm kẻ chỉ đường cho người bộ hành, làm cầu, làm thuyền cho người muốn sang sông, làm đèn đuốc cho người cần ánh sáng, làm nhà cửa cho người cần nghỉ ngơi:
Xin chỉ lối cho người lữ khách,
Xin làm cầu thuyền chở sang sông.
Hóa hòn đảo chốn nghỉ chân,
Làm đèn, nô bộc đáp ưng nhu cầu.
(chương III, Gìn giữ tâm Bồ-đề, kệ 18).
Phát tâm Bồ-đề cũng là nguyện cư xử và hành động theo đúng truyền thống nhà Phật, không làm ô danh truyền thống thanh tịnh này.
Như kẻ đui khốn cùng rách nát
Mò mẫm trong đống rác được châu
Bồ đề tôn quý xiết bao
Ta nay đã được, phúc nào hơn đây.
(chương III, Gìn giữ tâm Bồ-đề, kệ 27).
Tâm Bồ-đề, ở một góc độ khác, có thể gọi là tâm vị tha, và đây cũng chính là khía cạnh đạo đức. Với tinh thần Phật giáo, tình cảm đạo đức thật sự quan trọng. Hẳn nhiên một vấn đề đạo đức chỉ được thể hiện qua hành vi cụ thể. Người ta chỉ nhận biết một vấn đề được coi là đúng hay sai, tốt hay xấu khi nó được thể hiện một cách cụ thể qua lời nói và việc làm. Một suy nghĩ tốt, một phát nguyện cao thượng là điều ở bên trong, người khác không thể nhận biết được.
Tâm Bồ-đề và phát tâm Bồ-đề, ở đây, có thể được gọi là một phẩm hạnh hơn là đạo đức, và phẩm hạnh này là nền tảng hay động lực thúc đẩy Bồ-tát hành động vì lợi ích của chúng sanh. Có khi nó được giải thích như là động cơ của đạo đức, hay cao hơn nữa, là động cơ cho sự giác ngộ.
Trong Phật giáo, động cơ thật sự rất quan trọng. Suzuki cho rằng “động cơ quyết định chiều hướng, đặc tính và sức mạnh của hạnh kiểm”.
3. An trụ – Hàng phục tâm
Phát khởi tâm Bồ-đề là việc làm đầu tiên của một vị Bồ-tát. Tâm Bồ-đề, có thể hiểu như là Phật tính có sẵn nơi mỗi chúng sanh, nhưng do vì chúng sanh bị tạp niệm và vô minh nên đã không nhận ra và làm phát khởi tâm ấy. Muốn cho tâm Bồ-đề được hiển lộ, và luôn luôn đồng hành trong mọi việc làm, hành giả cần phải giữ tâm chánh niệm và thanh tịnh. Giữ chánh niệm và giữ tâm ý thanh tịnh, theo ngài Tịch Thiên, mới có thể thực hành được tất cả những giới hạnh khác.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy về Trụ tâm và Hàng phục tâm. Khi Tu-bồ-đề hỏi Đức Phật, người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, (tức phát Bồ-đề tâm), phải nên an trụ tâm và hàng phục tâm như thế nào. Đức Phật đã chỉ dạy người đã phát Bồ-đề tâm được ví như đã bước lên trên cỗ xe Đại thừa (Chư hữu phát thú Bồ-tát thừa giả, Huyền Trang dịch), chỉ còn việc làm sao cho đến đích Giải thoát tối thượng mà không bị lui sụt.
Tương tự như vậy, trong luận nầy, ngài Tịch Thiên coi chánh niệm và tỉnh giác là những điều vô cùng quan trọng trên con đường thực hành Bồ-tát đạo. Ngài ví như một vị kiếm sĩ ở trong trận chiến, phải lập tức nhặt lấy kiếm khi kiếm bị rơi. Cũng như vậy, một hành giả tu Bồ-tát đạo, phải “nhặt” lấy lập tức chánh niệm, khi chánh niệm bị “rơi”. Ngài cũng cho rằng việc giữ chánh niệm quan trọng như việc giữ bát dầu không cho để rơi một giọt nào, mà nếu bị rơi sẽ bị chém đầu.
Như chiến sĩ sa trường lão luyện
Phản công ngay đường kiếm kẻ thù
Trước gươm nhọn của si ngu
Khéo nên kềm chế giặc thù vô minh.
Khi đánh nhau lỡ làm rơi kiếm
Vội vàng ta sẽ lượm nhặt lên
Mất đi chính niệm hiện tiền
Sợ sa hỏa ngục nên liền chính tri.
(chương VII, Tinh tấn. kệ 68, 69).
Điều này có nghĩa rằng, chúng ta không thể thực hành con đường Bồ-tát nếu chưa điều phục được tâm ý của mình. Theo ngài, một con voi điên tuy có thể gây hại to lớn, nhưng không thể tạo nên tai họa lớn bằng sự phóng dật của con “voi tâm”.
Giới là gìn giữ tâm căn
Voi say không hại bằng tâm si cuồng
Tâm cuồng nếu cứ thả rông
Ā-tỳ địa ngục sẽ trông đợi mình.
(chương V, Gìn giữ tâm Bồ-đề, kệ 1).
Điều phục được tâm ý là điều phục được tất cả, là hàng phục được tất cả những điều xấu ác và giải thoát được khổ đau. Điều này cũng như kinh Pháp cú đã nói:
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.
Và:
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình.
(Kinh Pháp Cú 01 – Phẩm Song Yếu)
Theo cách hiểu thông thường, Ba môn học vô lậu (Giới Định Tuệ) là một tiến trình tuần tự: nhờ tu tập Giới nên có Định; nhờ có Định nên Trí tuệ sanh khởi. Giới như vậy là phương tiện để đưa đến Định và sau đó là Tuệ.
Tuy nhiên, cho dù Giới hay đạo đức có thể được xem là phương tiện, nhưng không phải rằng mỗi khi đã đạt đến Định và Tuệ, thì Giới không còn hữu dụng. Như thế, cho dù một người đã đạt được Tuệ giải thoát, mỗi khi người ấy còn sống ở cõi đời, Giới vẫn được thực hành song song với Định và Tuệ. Trong Nhập Bồ-đề hành luận, giới sẽ không thành tựu viên mãn nếu không có Định. Thế nên, các giới hạnh chỉ được thực hành trọn vẹn khi hành giả có được chánh niệm thanh tịnh.
Thực ra, ba phần của Ba môn học vô lậu học là một sự tương tác. Giới không chỉ là “phương tiện” đưa đến Định và sau đó là Trí tuệ, mà Định và Tuệ cũng là những “phương tiện” cho hành giả thành tựu Giới. Điều này cũng có thể tìm thấy trong kinh Chủng đức (Sonadanda sutta):
“Này Bà-la-môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh”.
Và một bản kinh khác:
“Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”.
Trong Nhập Bồ-đề hành luận, ngài Tịch Thiên nhấn mạnh vào việc thực hành những nguyên tắc đạo đức (giới) và việc kiểm soát tâm ý hay thực hành thiền định. Giữ giới và hành thiền được tiến hành song song trên con đường đạo, và tất cả những điều này được xem là những điều kiện tiên quyết cho hạnh nguyện Bồ-tát và đạt đến trí tuệ giải thoát.
Ngài Tịch Thiên cho rằng, dù cho làm thiện, nhưng với tâm tán loạn thì khó có thể được phước đức sanh cõi lành; dù cho thực hành khổ hạnh, nhưng tâm tán loạn thì vẫn không có lợi ích gì. Nói tóm lại, muốn thực hành con đường Bồ-tát cho quả vị Phật và để cứu giúp chúng sanh, hành giả phải luôn giữ chánh niệm, tỉnh giác, loại trừ những thói quen và tâm thức gây hại và bất thiện, kiểm soát được tâm ý cũng như những lời nói và hành vi của mình.
4. Phương tiện để hành hoạt
Đây đó trong Nhập Bồ-đề hành luận, ngài Tịch Thiên đã đưa ra những nguyên tắc mà một hành giả thực hành con đường Bồ-tát cần nên theo, và những điều này có thể được xem như những trợ hạnh. Một vị hành giả tu tập con đường Bồ-tát, theo ngài Tịch Thiên, phải từ bỏ sự tham đắm vào những thú vui phù phiếm, từ bỏ ngạo mạn, kiêu căng, tự mãn, thô bạo, lém lỉnh, lừa dối, từ bỏ khen mình chê người, từ bỏ những lời nói gây gổ, biết xấu hổ, sợ nhân quả… Bên cạnh, ngài Tịch Thiên cũng lặp lại một số quy chuẩn hành xử như được trình bày trong Học xứ (Śīla; giới), những điều được xem như nhưng phương cách hành xử hay những “học pháp”. Mặc dù trong Nhập Bồ-đề hành luận, những nguyên tắc này không được trình bày và liệt kê có hệ thống, hay được đặt ra như những nguyên tắc đạo đức quy phạm, nhưng chúng có thể được xem như những nguyên tắc hành xử giúp hành giả trở thành người có phạm hạnh (đức hạnh).
* Phương tiện thiện xảo (upāyakauśalya) – Đạo đức tình huống
Phương tiên thiện xảo (upāyakauśalya) là một học thuyết quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Khái niệm này được hiểu theo những cách khác nhau. Trước hết, phương tiện thiện xảo là chỉ cho những phương cách giáo hóa thiện xảo của Đức Phật. Trong Nikāya, ta thấy Đức Phật đã sử dụng nhiều phương cách khác nhau trong việc hóa độ và giảng dạy giáo pháp, và điều này có thể được xem là sự sử dụng phương tiện xảo của Đức Phật. Trong kinh điển Đại thừa, điều này được thể hiện cụ thể hơn. Ví dụ như trong kinh Pháp hoa, Đức Phật được nói đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để hóa độ chúng sanh, và đó được gọi là phương tiện thiện xảo.
Phương tiện thiện xảo cũng chỉ cho cách Bồ-tát nên hành động như thế nào trong những tình huống khó khăn, những tình huống mà nếu hành động, Bồ-tát có thể vi phạm những nguyên tắc căn bản hay giới luật Phật giáo. Có nhiều trường hợp, chư Bồ-tát đã vi phạm những nguyên tắc Phật giáo, nhưng được biện minh là đang sử dụng “phương tiện thiện xảo” vì lợi ích của chúng sanh. Nếu một vị Bồ-tát thực hiện một việc làm vì lợi ích của chúng sanh và vì lòng từ bi, thì việc làm đó dù có thể vi phạm giới luật, được xem là không tạo nên tội lỗi, hoặc chỉ tạo nên tội nhẹ. Học thuyết này, do đó có những tranh cãi về phương diện giới luật và đạo đức.
Trong Nhập Bồ-đề hành luận, ngài Tịch Thiên có nhắc đến phương cách hành động này. Ngài cho rằng Bồ-tát nên hy sinh bản thân để làm lợi ích chúng sanh, dù có thể phải chịu quả báo.
Rõ đạo lý như Kinh vẫn dạy,
Nên thường xuyên ích lợi hữu tình.
Như lai Thiện thệ cao minh,
Khai vài giới cấm Thanh văn phải gìn.
(chương V, Gìn giữ tâm Bồ-đề, kệ 84).
Mặc dù trước đó ông khuyên rằng nên bố thí và trì giới tinh tấn hàng ngày. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng quan điểm này không chỉ xuất hiện trong Nhập Bồ-đề hành luận mà trước đó đã xuất hiện trong một số kinh sách Đại thừa, chẳng hạn như kinh Phương tiện thiện xảo (Upāyakauśalya Sūtra). Ở một góc độ, phương tiện thiện xảo có thể được coi như là “Đạo đức tình huống”: một hành động đúng hay sai không thể tách ra khỏi bối cảnh và người thực hành nó. Nói dối, theo Phật giáo là sai, nhưng trong trường hợp nói dối để cứu mạng sống một ai đó, thì đôi khi được coi là “từ bi”. Đạo đức ở đây phải xét từ “động cơ”.
Trong Phật giáo Đại thừa, người thực hành phương tiện thiện xảo phải là người đã viên mãn bi và trí. Nói cách khác, những ai thiếu lòng từ bi và trí tuệ thì không được thực hiện những việc làm vi phạm những chuẩn tắc Phật giáo rồi biện luận rằng đang sử dụng phương tiện thiện xảo. Trong giáo lý Thập địa, một vị Bồ-tát khi đạt đến địa thứ bảy (Viễn hành địa) mới có khả năng sử dụng các phương tiện (upāya) để hóa độ chúng sanh. Như vậy, phương tiện thiện xảo chỉ được sử dụng khi một người đã trải qua một quá trình tu tập dài lâu và có những sở chứng tâm linh.
5. Sáu Ba-la-mật
Là một chỉ dẫn tiến trình tu tập sau khi đã phát Bồ-tát tâm. Trong Nhập Bồ-đề hành luận, ngài Tịch Thiên dạy rất chi tiết về Sáu pháp Ba-la-mật (s: pāramitā). Còn gọi là Lục độ (e: six perfections).
a) Bố thí (s: dāna; e: giving / donate):
Ở chương III của Nhập Bồ-đề hành luận, khi nói về bố thí, ngài Tịch Thiên nhấn mạnh vào tài thí (bố thí tài sản, thân mạng…), pháp thí (giảng dạy Phật pháp). Nhưng ở một chương khác (chương VII, kệ 38), ngài cũng có nói đến vô úy thí, hạnh nguyện đem an toàn đến cho những người khổ đau vì lo sợ, và đem hạnh phúc đến cho những người bị đọa đày.
Với người sợ, chưa bao che nổi,
Chưa mang vui sướng tới kẻ sầu.
Riêng mình chắc phải khổ đau,
Nhập thai, già chế, sầu ưu não nề.
(chương VII, Tinh tấn, kệ 38),
Ngài Tịch Thiên rất chú trọng đến sự tu tập bố thí. Từ cái nhìn của ngài, chữ Xả là nói chung cho sự hành trì của cả Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Hành giả Tiểu thừa, do vì xả ly tất cả sự tham luyến đối với tam giới mà chứng được sự diệu lạc của Niết-bàn. Hành giả Ðại thừa, lại tiến thêm một bước, xả bỏ luôn sự diệu lạc của Niết-bàn, đạt tới cái gọi là “Trí không trụ ba cõi, Bi không trụ Niết-bàn”, chính là cảnh giới vô trụ của Vô thượng Bồ-đề.
Ngài Tịch Thiên nghĩ rằng tu tập bố thí là trọng yếu nhất trong quá trình tu học Bồ-tát hạnh, vì thế ngài không lập riêng một chương Bố thí, mà đem quan niệm “thí xả tất cả” vào trong tất cả các chương khác. Nhân đây, trong mỗi chương của luận Nhập Bồ-đề hành, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa của sự “thí xả tất cả” này.
Về pháp thí, ngài Tịch Thiên trình bày khá chi tiết những phương cách thuyết pháp, nên và không nên, và một vài điều ngài Tịch Thiên đặt ra là giống với những gì được trình bày trong Giới biệt giải thoát (Prātimokṣa). Người thực hành bố thí là người đang tạo ra một thiện nghiệp và là một người tốt. Nhưng Bồ-tát bố thí không phải chỉ giúp cho người nhận có được những thứ tạm thời, mà qua việc bố thí Bồ-tát hóa độ người nhận và giúp họ bước lên con đường Bồ-tát và trở thành một người phạm hạnh.
b) Giới (s: śīla; e: observing precepts):
Về giới, ngài Tịch Thiên không trình bày chi tiết mà chỉ khuyên hành giả nên đọc một số kinh sách về giới luật để biết những gì nên và không nên làm. Tuy nhiên, trong Nhập Bồ-đề hành luận, ngài Tịch Thiên đã lặp lại những học giới ở trong Luật tạng như là những nguyên tắc cần thiết phải tuân theo trong việc thực hành con đường Bồ-tát.
c) An nhẫn (s: kṣānti; e: patience):
Trong Nhập Bồ-đề hành luận, nhẫn được xem là một hạnh lành, một thiện nghiệp, trái ngược lại với sân hận được coi là điều xấu, ác nghiệp – làm tiêu hủy tất cả những công đức tu tập. Nhẫn ở đây là chấp nhận những khổ đau, những nghịch cảnh, những điều trái ý, những chửi mắng, vu oan, ganh tỵ, những bất công… Và hành giả cần thực hành hạnh nhẫn với tâm an nhiên. Nên gọi là An nhẫn.
Ở đây, thực hành nhẫn như là một phương cách rèn luyện tâm và phát triển trí tuệ. Trí tuệ ở đây là thấy được bản chất vô thường, duyên sinh, vô ngã và rỗng không của các pháp, nhưng cũng thấy được mối quan hệ nhân quả của các mối quan hệ. Nhẫn đưa đến an lạc, nên gọi là An nhẫn.
Trên phương diện đạo đức, ngài Tịch Thiên cho rằng thực hành hạnh nhẫn là vì lợi ích của chúng sanh, bởi vì khi có An nhẫn, hành giả mới có thể khởi được tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù.
d) Tinh tấn (s: vīrya; e: effort):
Ngài Tịch Thiên định nghĩa tinh tấn là “làm lành, tránh dữ”.
Kế an nhẫn cần tu tinh tấn
Tâm bồ đề mới vững trú luôn
Gió lay quả phúc tràn tuôn
Không siêng khó động mạch nguồn tâm linh.
(chương VII, Tinh tấn, kệ 1).
Làm lành, tránh giữ rõ ràng là điều tốt, là đạo đức. Nhưng dù định nghĩa như vậy, tinh tấn không nên được hiểu theo nghĩa siêng năng làm lành, lánh ác thông thường. Ngài Tịch Thiên cho rằng để thực hành tinh tấn, hành giả cần phải thực hành chánh niệm, thiền định, thực hành tâm bình đẳng, làm phát khởi tâm hỷ xả, hy sinh, và tu tập giới hạnh… Muốn làm lành và từ bỏ những điều ác, muốn tinh tấn làm thiện vì lợi ích chúng sanh, hành giả cần phải tu tập những điều nói trên.
e) Thiền định (s: dhyāna; e: meditation):
Ngài Tịch Thiên cho rằng sự tán loạn tâm ý là nguyên nhân của những sầu khổ. Và mở đầu chương về Thiền quán, ông dường như quay trở về với quan điểm truyền thống, xem việc xa rời cuộc đời trần thế và sống ẩn dật ở nơi vắng lặng là điều kiện tiên quyết cho việc giữ tâm không tán loạn. Thêm nữa, ngài Tịch Thiên cũng đề nghị nên xa rời những người xấu, xa rời những danh vọng, tham muốn, xa rời những khen chê được mất thường tình của thế gian. Ở chương này, ta cũng thấy ngài Tịch Thiên đề cập đến những cách thức thực hành quen thuộc như quán chiếu sự vô thường của thân thể, quán chiếu tử thi, quán khổ đau bình đẳng của chúng sanh…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, nếu Bồ-tát thực hành thiền quán như trên thì có những liên hệ gì đến đạo đức? Như được đề cập ở trước, chế ngự và kiểm soát tâm được ngài Tịch Thiên cho là điều quan trọng trong việc thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát. Nói cách khác, mọi hành động của Bồ-tát không được rời xa tâm Bồ-đề. Ví dụ ở trong chương này, ngài Tịch Thiên cho rằng việc quán khổ đau của chúng sanh là để làm việc, và thậm chí hy sinh bản thân, vì lợi ích của chúng sanh. Như vậy, quán vô thường, khổ đau, vô ngã… không phải để sinh tâm chán nản, mà nhằm làm sanh khởi lòng từ bi và sự không chấp thủ.
f) Trí tuệ (s: prajñā; e: wisdom):
Ngài Tịch Thiên cho rằng muốn dứt trừ đau khổ thì phải phát triển trí tuệ. Trí tuệ ở đây là nhận thức rõ hai chân lý (nhị đế): chân lý thế gian (tục đế), và chân lý xuất thế gian (chân đế). Đối với người thường, thì các sự vật trong thế gian là có thật, nhưng với người có trí tuệ thì chúng chỉ là giả tưởng, không thật có.
Ủng hộ quan điểm của Trung quán tông, Tịch Thiên cho rằng trí tuệ là sự nhận ra tánh không (śūnyata) của các pháp. Ở chương này ta cũng thấy Ngài Tịch Thiên đưa ra các luận cứ để phản bác quan điểm của các bộ phái chống Đại thừa. Mặc dù trong những chương đầu, Nhập Bồ-đề hành luận cho thấy có sự ảnh hưởng của Phật giáo thời kỳ đầu và A-tì-đạt-ma (Abhidharma), nhưng ở chương nói về trí tuệ, Tịch Thiên lại đề cao và ủng hộ mạnh mẽ luận thuyết của Trung quán tông. Điều này là một trong các lý do tại sao Tịch Thiên được xem như là một đại diện ưu tú của trường phái này.
Cũng như quán vô ngã, việc quán sát tánh không (śūnyata) của các pháp để không vướng mắc vào thế giới hiện tượng, điều được xem không chỉ trở ngại trong lộ trình tu tập mà cũng làm cản trở việc phụng sự chúng sanh. Trí tuệ nhận thấy rõ thực tính của các pháp làm nền tảng cho việc thực hành các Ba-la-mật khác. Trong Nhập Bồ-đề hành luận, thấy tánh không (śūnyata) và duyên sinh của các pháp là để hành giả khởi tâm bình đẳng và từ mẫn đối với người khác hơn.
V. KẾT LUẬN
Nhập Bồ-đề hành luận giảng giải rất có hệ thống về phương cách thực hành Bồ-tát đạo. Người Huynh Trưởng GĐPTVN thực hành con đường này, trước hết cần phải phát tâm Bồ-đề, đó là tâm cầu giác ngộ và phụng sự chúng sanh, theo đúng Mục đích trong Nội quy của GĐPTVN là:
Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.
Đó chính cũng là ý nghĩa: “Tịnh Phật quốc độ thành tựu chúng sinh” như trong Kinh Duy-ma-cật.
CÓ THỂ TÓM TẮT NHƯ SAU:
– Phát khởi tâm Bồ-đề, sám hối nghiệp chướng, thanh lọc tâm ý và giữ giới thanh tịnh, tích cực làm việc lành bằng cách thực hành sáu Ba-la-mật để tạo mối tương quan với chúng sanh.
– Ngoài ra, trong quá trình tu tập, Bồ-tát cũng cần đến những trợ hạnh khác, và cũng có thể sử dụng Phương tiện thiện xảo, Ngũ minh trong những tình huống cần thiết vì lợi ích của chúng sanh.
– Tinh thần đạo đức trong Nhập Bồ-đề hành luận bao gồm 2 phương diện: TRÁNH, không nên làm những gì, và NÊN, dấn thân, làm việc tích cực vì lợi ích cho thế hệ trẻ mai sau.
– Đó là “hạnh lợi tha, giác tha” của Bồ-tát. Có tự giác, giác tha, sẽ đưa đến Giác hạnh viên mãn như Đức Phật.
—— oOo ——
THÍCH NHUẬN CHÂU
Thiền viện Toàn Giác, Giang Điền
Trung Thu 2019.
Tài liệu tham khảo:
– Bản Anh ngữ: Santideva. A Guide to the Bodhisattva Way of Life.
– Translated from the Sanskrit and Tibetan by Vesna A. Wallace and B. Alan Wallace. Snow Lion, 1997.
– Lama Chimpa Alaka Chattopadhyaya, Taranatha’s History Of Buddhism In India.
– Francis Brassard, The Concept of Bodhicitta in Śāntideva’s Bodhicaryāvatāra.
– Entering the Path of Enlightenment. The Bodhicaryāvatāra of the Buddhist Poet Śantideva, translated by Marion L. Matics. Pp. 232 + appendices (Allen & Unwin).
– HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, tập I, dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành.
– HT. Thích Đức Nhuận, Khái Luận Triết Lý Kinh Hoa Nghiêm. Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới tại California, U.S.A ấn hành, 1999.
– Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch Việt, Nhập Bồ-Đề Hành Luận.
oOo
Nghe thêm audio: Nhập Bồ-tát hạnh – Nguyên tác: Tôn giả Tịch Thiên.