Đại Đức Thích Minh Tuệ xuất gia từ tu viện Nguyên Thiều – Bình Định, là Tăng Sinh khoá III Đại Học Vạn Hạnh. Sau khi tốt nghiệp, Thầy được Hòa Thượng thượng Minh hạ Châu giới thiệu tham dự tiếp khoá học tại Đại học Delhi – Ấn Độ theo chương trình Cao học Phật Giáo. Tối ngày 02/09/2012 BBT Thư Viện GĐPT Online nhận được email của Đại Đức từ Honolulu, Hawaii gởi về, chúng tôi xin chuyển tải đến quý độc giả tâm tình của người Tăng Sinh phương xa ấy viết về người Thầy của mình. BBT.
Thành kính tưởng niệm Giác Linh Hòa Thượng Thích thượng Minh hạ Châu
Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư
Phương Đông chợt tắt một vì sao
Nghe tin còn ngỡ giấc chiêm bao
Người về xứ Phật, duyên trần mãn
Thổn thức lòng con nỗi nghẹn ngào…
Suốt hai tuần nay, trong quá trình đào sâu nghiên cứu về đề tài so sánh khía cạnh đạo đức trong các tôn giáo cho chương trình Tiến Sỹ Tôn Giáo Học Hoa Kỳ, con lục tìm đọc lại những bài viết của Hòa Thượng về Đạo Đức Học Phật Giáo, Việt Ngữ và Anh Ngữ. Tản bộ xung quanh University of the West, nơi có nhiều chư Tăng Ni các quốc gia tham học, con nghĩ đến Đại Học Vạn Hạnh trong tương lai có thể phát triển, vươn đến tầm vóc quốc tế để nhiều thành phần Cư Sỹ và Tăng Ni Quốc Tế tham học. Cũng như đêm nay tại Thiền Viện Chân Không, Honolulu, Hawaii, chúng con vừa nhắc nhở về HT. Thích Đạt Đạo, Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh có thăm viếng đến nơi đây, lòng con lại hướng về Đại Học Vạn Hạnh và Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Trong niềm suy tưởng đó, con chợt nhận được tin tức trong các diễn đàn Tăng Ni báo tin Hòa Thượng vừa viên tịch tại Việt Nam. Vậy là: điều gì đến cuối cùng cũng phải đến, và trong cuộc đời con, đêm nay tiếp tục một đêm nữa bàng hoàng thổn thức, tiếc thương đưa tiễn một bậc Cao Tăng Ân Sư ra đi.
Con có duyên phước xuất gia tu học tại Tu Viện Nguyên Thiều, đó là môi trường giáo dục Tu Sỹ, đào tạo Tăng tài. Con vừa theo học Trung Cấp Phật Học Bình Định vài tháng thì Đại Học Vạn Hạnh chiêu sinh khóa III (1993-1997). Nhận thấy con tu học có triển vọng trong tương lai nên có người giới thiệu con nên thi vào học khóa III này (với 3 môn thi: Giáo lý Phật Pháp, Việt Văn, Anh Văn). Sư Phụ con cùng với Ban Giám Hiệu Phật Học Viện Nguyên Thiều bàn tính và đồng ý cho con đi tham dự cuộc thi tuyển này, nếu đậu thì con vào học Đại Học Vạn Hạnh, nếu không đậu thì con trở về Nguyên Thiều tiếp tục chương trình Trung Cấp. Con lúc ấy chỉ là một chú Sa Di, học Trung Cấp Phật Học được nửa năm, học anh Văn được vài tháng đi thi tuyển “đọ sức” với nhiều Tu Sỹ, Thượng Tọa, Đại Đức thâm niên, trải qua nhiều trường lớp Phật Học Sơ – Trung Cấp, có người đã và hiện học thêm Đại Học bên ngoài và học Anh Văn lâu năm, thế mà con thi đậu. Dù không đậu cao nhưng miễn đậu là quý hóa lắm rồi, vì khóa đó số lượng thi rớt nhiều hơn thi đậu, trong khi phần con thì chưa chuẩn bị kỹ.
Hai bài phát biểu của Hòa Thượng trong dịp thi tuyển và khai giảng Khóa III Đại Học Vạn Hạnh có ấn tượng và ảnh hưởng rất lớn trong quá trình tu học của con. Hòa Thượng xuất hiện với phong thái thanh thoát như một vị Bụt, một Tiên Ông, lông mày bạc trắng, nước da trắng trẻo, hồng hào, đường đường Tăng tướng thật là hy hữu. Hòa Thượng khuyến tấn thế hệ Tăng Ni trẻ hãy cần mẫn tu học để trưởng thành, đầy đủ giới định tuệ, sau này tung cánh muôn phương làm tốt Đạo, đẹp Đời. Mỗi tuần một lần, Hòa Thượng đến lớp giảng Kinh Trung Bộ tuy rằng Hòa Thượng đa đoan Phật sự và không nệ hà tuổi hạc cao, sức lực mỏi mòn, nhịp đi rung rung trong cánh tay đỡ nâng của người Thị giả. Giáo dục là sứ mệnh thiêng liêng, là niềm hạnh phúc của Người. Tuy không đứng lớp và giảng nói nhiều nhưng Hòa Thượng đã dạy được rất nhiều từ hiện thân làm tấm gương sáng, qua Thân-Khẩu-Ý giáo.
Khắc sâu Đạo từ của Hòa Thượng con dùi mài tu học tinh tiến, không giờ phút buông lơi, hết giờ trong lớp, đi nghiên cứu Kinh Sách theo các chủ đề tại thư viện Vạn Hạnh, Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, thư viện quốc gia… hết tiếng Anh đến tiếng Hoa. Con là người từ miền quê lúc ấy mới vào thành phố gặp đủ điều kiện nên say sưa học hành, không còn thời gian cho việc tiếp khách, trao đổi, chuyện trò… Những nỗ lực của con cũng đã được tưởng thưởng xứng đáng: con lãnh giải thưởng đặc biệt – đồng hồ treo tường, phát biểu cảm tưởng trong ngày khai giảng và làm lớp trưởng khi được xếp hạng đồng thủ khoa trong thi tuyển vào Cử Nhân Anh Ngữ Đại Học Tổng Hợp mở rộng. Con bước lên bục lãnh phần thưởng năm thứ 2 và là 1 trong 4 Tăng Sinh đoạt hạng A năm thứ 4 Đại Học Vạn Hạnh. Con có 2 bài thơ đánh dấu giai đoạn tu học này, đó là: Dẫn lối, khi nhập học Vạn Hạnh và Dưới cội Bồ Đề, nỗi niềm cảm xúc dâng lên Hòa Thượng trong ngày ra trường xa cách Người và Đại Học Vạn Hạnh.
Tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh năm 1997, chúng con được Hòa Thượng ký giấy giới thiệu đến Đại Học Delhi để tiếp tục chương trình Cao Học Phật Giáo, chúng con lại được theo dấu chân xưa trên đường về xứ Phật. Năm 1999 bốn chúng con, đại diện 3 Tông phái Việt nam (Nam Truyền, Bắc Truyền, Khất Sỹ), lại được diễm phúc Hòa Thượng ký một giấy giới thiệu nữa đến tham học chương trình Tiến Sỹ tại Đại Học Nalanda. Vào ngày phỏng vấn nhập trường Nalanda tháng 11/1999 một câu hỏi trong Hội Đồng Giám Khảo đưa ra là: “Do you know who Thich Minh Chau is?”. Ngày mỗi ngày tại Đại Học Nalanda, chúng con liên tưởng đến nhiều năm tháng Người lưu bóng tại đây. Những dấu ấn của Người tại Ấn Độ khiến mọi người vì nể Tu Sỹ Việt Nam. Đậu thủ khoa cao học Pali và Phật Học, là người Việt Nam đầu tiên đậu thủ khoa khoá Tiến Sỹ tại Ấn Độ và chính Tổng Thống Ấn Độ đến trao bằng và phần thưởng cho Hòa Thượng tại Patna, Bihar vào ngày 16/12/1958. Luận án Tiến Sỹ của Hòa Thượng với 5 ngôn ngữ : Việt, Hán, Pali, Sanskrit, Pháp dày hơn 1000 trang tựa đề “So sánh Trung A Hàm Hán Tạng và Trung Bộ Kinh Pali Tạng” (The Chinaese Madhyama gama and The Pali Majjhima Nikaya) là đúc kết của công phu tu học nghiên cứu sâu sắc hiện đang được trân trọng giới thiệu tại các thư viện và các nhà sách tại Ấn Độ. Đó cũng là niềm hãnh diện và động lực cho thế hệ học trò của Hòa Thượng để phấn đấu tu học có kết quả khả quan ở hải ngoại, chứ lẽ nào hào quang của Ngài sáng chói như vậy mà học trò của Ngài không bằng người ta? Nalanda có nghĩa là truyền thừa trí tuệ, nơi làng của 2 vị đại đệ tử Đức Phật là Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Chúng con đến Linh Thứu Sơn, đến Hương Thất của Đức Phật, của Ngài Ca Diếp, A Nan trong đêm tĩnh mịch lắng nghe khí thiêng, âm hưởng từ ngàn xưa vọng về, và biết tại tảng đá này, Hòa Thượng đã có những đêm Thiền toạ để tưởng niệm ân thâm Phật Tổ, quán sát lý nhân duyên, con đường giáo dục cho Phật Giáo Việt Nam, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhơn sinh an lạc. Đường xưa, mây trắng, mạng mạch Phật Pháp Tổ Tổ tương truyền, chúng con dốc sức đi theo tiếng gọi thiêng liêng và bước chân của Ngài.
Xưa kia, Ngài Huyền Trang cũng đã từng học, biện tài số một, giảng dạy tại Đại Học Nalanda và mang kinh sách về dịch thuật tại Trung Hoa đời Đường, mở ra thời kỳ vàng son Phật Pháp. Tương tự như vậy, Hòa Thượng đứng đầu về học vấn tại đây, mang kinh sách Pali về dịch ra Tạng Kinh tiếng Việt. Trong suốt cuộc đời mình, Ngài là con người làm nên lịch sử, vẽ ra nhiều nét chấm phá, khai sáng, đặt dấu ấn cho biết bao nhiêu Đạo nghiệp quan trọng:
– Phát động phong trào thanh niên tham gia học Phật.
– Thư ký Hội An Nam Phật Học.
– Lập nên đoàn Phật Học Đức Dục và tạo mô hình tiền đề cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
– Người Việt Nam đầu tiên mở đường du học Ấn Độ, đậu bằng Tiến Sỹ, thủ khoa, đích thân Tổng Thống Ấn Độ đến trao bằng tốt nghiệp và phần thưởng.
– Hiệu Trưởng đầu tiên và nhiều niên khóa nhất tại Đại Học Phật Giáo Việt Nam, Đại Học Vạn Hạnh, tổ chức hệ thống trường Bồ Đề Phật Giáo, đưa ra đường hướng giáo dục toàn vẹn: hạnh đức, tâm đức, tuệ đức, phát triển thăng bằng toàn diện thể lực, tình cảm, tâm tư, tri thức, trí tuệ, nhân cách… đào tạo nhiều hiền tài, nguyên khí quốc gia.
– Tổ chức các đặc san có tầm cỡ và giá trị của Phật Giáo: Viên Âm, Tư Tưởng…
– Tham dự và đóng vai trò tích cực nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế tại Nga, Lào, Thái Lan, Mông Cổ, Úc, Ý, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Ngài giữ chức vị Phó Chủ Tịch Phật giáo Châu Á vì Hòa bình (ABCP), Vice President of the ABCP (Asian Buddhist Conference for Peace), chủ trì tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
– Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam với nhiều công trình tổ chức hội thảo, sáng tác, dịch thuật, đặc biệt là dịch kinh tạng Nikaya, Pali Tạng ra tiếng Việt. Hòa Thượng có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn từ tương đương và sáng tạo ra thuật ngữ mới làm giàu cho từ điển Tiếng Việt.
– Chủ trương và làm gương trong việc hài hòa các Tông Phái sinh hoạt chung trong ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Hòa Thượng xuất thân và thọ giới từ chùa Tường Vân, Bắc Truyền nhưng lại đắp y Nam Truyền và chủ trì trong việc dịch thuật tiếng Pali. Chính 2 cuốn sách “So sánh Trung A Hàm Hán Tạng và Trung Bộ Kinh Pali Tạng” và “Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa” (Nguyên tác: Nalinaksha Dutt, Dịch giả: HT Thích Minh Châu) thể hiện quan điểm này của Hòa Thượng.
Con vẫn biết có nhiều người, nhiều thành phần chống đối, chê bai, chỉ trích việc làm của Hòa Thượng, nhưng với chúng con, học trò của Người từ Đại Học Vạn Hạnh luôn tôn kính, trân trọng tri ân Người theo truyền thống đạo nghĩa Việt Nam: “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”. Thật là bất công khi đổ hết trách nhiệm về việc tan rã hệ thống cơ sở trường Bồ Đề, cơ sở tầm vóc Đại Học Vạn Hạnh, “thống nhất Phật Giáo” năm 1981 áp đặt đổ hết lên đôi vai của Người. Đó là cộng nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện đại. Trong đạo Phật có tương quan, tương duyên, tương tác, tương tồn, cộng sinh, cộng trụ. Trong cuộc sống có nhiều vai trò hỗ tương nhau, người đóng vai trò này, người đóng vai trò khác. Bây giờ, Đại Tạng Kinh Việt Nam mà chúng ta đọc, mà chúng ta nghe, những nhân sự kế thừa đắc lực của Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, kể cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo, cũng được xuất thân từ các Đại Học Phật Giáo trong nước, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, không phải là mọi người, mọi tổ chức Phật Giáo trong chúng ta đang thừa hưởng ân đức của Hòa Thượng hay sao?
Thật ra, với tấm lòng của người học trò, trong giờ phút này con bộc bạch diễn bày vậy thôi chứ không có ngôn ngữ văn tự nào có thể diễn tả hết ân đức cao cả của Người. Người vượt ra ngoài vòng đối đãi thế gian phải trái khen chê. Người sống đúng với tinh thần:
“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc, Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.”
Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm
Yêu ghét chẳng bận lòng, duỗi thẳng hai chân ngủ
Có một lời dạy của Đức Phật mà Ngài thường nhắc như thổ lộ tâm sự và quan điểm sống của Người: “Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai”.
Ngài là vị Bồ Tát hiện thân trong cuộc đời vốn đầy phiền não, nhiễm ô nhưng Ngài như sen vàng ngát hương, thoát vòng tục lụy. Thân phụ của Người là Tiến sỹ Đinh Văn Chấp, dòng họ của Người có năm đời Tiến Sỹ, Ngài đã làm sáng rỡ dòng họ Đinh, xứ sở Nghệ An vốn có nhiều anh tài kiệt xuất như Nguyễn Du, Nguyễn Xí… Người đã kế thừa tài sản của Như Lai và môn phong Tường Vân, “danh sư xuất cao đồ”, “con công không giống lông cũng giống cánh”, Ngài là học trò lỗi lạc của Cố Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Tường Vân là mây lành rủ bóng mát đến những ai có duyên nương tựa.
Lần nào về Việt Nam, con cũng đến thăm Đại Học Vạn Hạnh và cố gắng chiêm ngưỡng tôn nhan của Người, nguyện cầu cho Người như đại thọ Bồ Đề trụ thế lâu hơn nữa để làm điểm tựa, che mát chúng con. Vẫn biết sự thế vô thường có sanh ắt có tử, có hợp ắt có tan nhưng lòng con thắt nghẹn khi phải ở phương xa vọng hướng quê nhà bái biệt một Ân Sư, một bậc Thầy lỗi lạc, một nhà giáo dục tận tuỵ, một Cao Tăng Thạc Đức trọn đời hy hiến cho Đạo Pháp, dân tộc, chúng sanh, theo dờng lịch sử thăng trầm vinh nhục và cuộc thế đổi thay, đầy kham nhẫn, can trường, tùy duyên bất biến phụng sự, làm tốt Đạo, đẹp Đời.
Rồi mai này về thăm lại Vạn Hạnh, con chỉ còn biết cúi lễ trước hương án của Người, thân tứ đại của Người chôn vào lòng đất sẽ trở thành nhựa sống cho những chồi mới thêm xanh. Bóng Người đã khuất nhưng không mất. Nụ cười thanh thoát từ ái bao dung của Người vẫn phảng phất đâu đây. Lịch sử Việt Nam, văn hóa giáo dục Việt Nam, lương tri thế giới, những người hướng đến cuộc sống hòa bình, thân thiện, hạnh phúc, thánh thiện ghi khắc tên Người bằng nét son chói lọi muôn thuở không phai mờ. Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại. Từng kẽ lá, ghế đá, kệ sách, sỏi đá Học Đường Vạn Hạnh vẫn xào xạc khẽ nhắc tên Người, bóng Người lồng lộng, tâm bao thái hư, hình bóng Người vẫn mãi ở trong trái tim của chúng con. Người quả là hạt Minh Châu quý hiếm, chói lọi trong Lịch sử Phật giáo thế giới hiện đại, với tâm trí, tài đức viên dung. Thật khó tìm lại được một bậc Thầy cao cả, ngời sáng như Người. Con sẽ trồng nhiều Bồ Đề và nhặt lá Bồ Đề đan kết tưởng niệm đến Người.
Trong giờ phút thiêng liêng tiễn biệt này, từ nửa vòng Trái Đất, thắp nén tâm hương xin đảnh lễ Giác Linh Người. 95 năm trụ thế, hơn 67 hạ lạp, Hòa Thượng thi tác biết bao nhiêu Phật sự lợi lạc hà sa, chúng con đâu dám chờ đợi đòi hỏi gì nơi Người nhiều hơn thế nữa. Chúng con nguyện sẽ tu học và phụng sự chúng sanh, đặc biệt là về giáo dục Phật giáo, hoằng pháp độ sanh, kế thừa gia tài Pháp bảo, vì hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại… theo gương hạnh của Người. Những lời dạy bảo của Người vẫn còn văng vẳng bên tai, hướng đạo chúng con trong suốt hành trình dài trở về bến giác: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “hãy lấy Pháp và Luật làm Thầy” “hãy tinh tiến lên để giải thoát”, hãy đi khắp mọi nơi đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Nguyện cầu Giác Linh Hòa Thượng vãng sanh Cực Lạc, Cửu Phẩm Hoa Khai, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập Ta Bà từ bi hoằng khai phổ độ nhất thiết chúng sanh.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Tường Vân, Vạn Hạnh Đường Thượng, Húy Thượng Tâm Hạ Trí, Tự Minh Châu, Hiệu Viên Dung Trưởng Lão Hòa Thượng Ân Sư Liên Tòa Thùy Từ Chứng Giám.
Tăng Sinh Khóa III, Đại Học Vạn Hạnh
Khể Thủ
Tỳ-kheo Thích Minh Tuệ
Xem những thông tin Tang Lễ Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu