Pháp thoại: Lá Thư Thầy

Những bức thư Thầy Viên Minh trả lời về Ðạo cho các đệ tử trong và ngoài nước, từ năm 1976 đến năm 1986 đã được chúng tôi sao chép lại trước khi gởi đi, chuyền tay nhau đọc hầu học hỏi thêm những điều Thầy giải đáp một cách thiết thực và chân tình cho những vấn đề trong đời sống của các Phật Tử.

Trong thời kỳ đó, kinh sách rất hiếm hoi, nhiều Phật tử vì điều kiện kinh tế, phương tiện đi lại v.v… rất khó khăn, không đến tham dự được những buổi Pháp đàm của Thầy ở đạo tràng Huyền Không, nên những bức thư Thầy dù là viết cho cá nhân vẫn được sao chép và truyền đi rất nhanh.

Lúc đầu chúng tôi chép tay, về sau chị Liễu Vân tình nguyện đánh máy ra nhiều bản theo yêu cầu của một số bạn đạo thân quen trong nội bộ, rồi từ đó nhiều người mượn để xin sao chép hoặc đánh máy lại nữa. Chính quá trình sao chép này mà thành ra tam sao thất bổn.

Một hôm Thường Như, nhân viên ở UBND Quận Tân Bình được một người bạn cùng sở cho xem một bức thư đánh máy và giới thiệu là nhờ bức thư đó mà mình đã vượt qua được một biến cố tinh thần khá trầm trọng. Mới xem qua, Thường Như đã nhận ra ngay đó chính là bức thư mà Thầy gởi để an ủi và sách tấn mình trong lúc đời sống gia đình đang rơi vào một giai đoạn gay go bi thảm nhất. Chị ngạc nhiên nói: “Ủa, sao bạn có được bức thư này? Ðây là bức thư Thầy gởi cho mình mà!”. Để chứng minh, Thường Như rút trong xách ra bức thư chính tay Thầy viết cho chị[*], bức thư mà chị vẫn đem theo bên mình và đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, vì đã cứu đời chị ra khỏi những tư tưởng bi quan, lầm lẫn và dại khờ…

Về sau, khi kể lại với chúng tôi câu chuyện này, chị có lưu ý chúng tôi một điều là bức thư đánh máy của người bạn không hoàn toàn giống với bức thư chính tay Thầy viết cho chị, vì có chỗ bị cắt bớt, có chỗ lại thêm vào, chẳng biết tại sao, chắc là chỉ vì tam sao thất bổn mà thôi!

Năm 1990, chúng tôi được biết ở Mỹ, Pháp, Ý v.v…có lưu hành một tập “Thư Thầy Trò”, có lời giới thiệu của Ðại Ðức Giác Ðẳng, với 10 bức thư của Thầy, nhưng nội dung cũng có nhiều điểm không đúng với những lá thư gốc.

Năm 1993, ở Thành phố Hồ Chí Minh, không biết do ai đã in tập “Lá Thư Thầy” gồm 25 bức thư của Thầy, rất tiếc là nội dung lại còn sai sót nhiều hơn.

Chúng tôi đã trình bày việc này với Thầy. Thầy nói: “Cũng có nhiều Phật tử đề nghị in nhưng Thầy còn đắn đo, vì những bức thư phần lớn viết cho nội bộ Phật tử Huyền Không, nếu in ra để phổ biến thì cần phải sửa chữa lại vài điểm cho phù hợp với căn cơ đại chúng mới được, và những bức thư nào nặng tính cá biệt thì nên bỏ bớt đi”.

Ðược phép của Thầy, chúng tôi đã chọn lại những bức thư có tính phổ biến, bỏ bớt những đoạn mang tính cá nhân, và góp thành một tập sách lấy tên là “Tuyển Tập Thư Thầy” để khỏi lầm lẫn với những tập đã in ngoài ý muốn của Thầy. Sở dĩ chúng tôi lấy tựa đề là “Tuyển Tập Thư Thầy” vì trong 10 năm Thầy đã viết rất nhiều thư giải đáp những uẩn khúc trong đời sống, cũng như những thắc mắc về Ðạo lý của Phật tử, nếu in hết thì quá nhiều, hơn nữa có một số thư lại trùng ý nhau nên chỉ cần in một bức tiêu biểu cũng đủ. Tuy vậy số lượng thư trong tuyển tập này vẫn nhiều hơn so với hai tập trước.

Trong những lá thư Thầy, chúng tôi thấy ra được một khía cạnh đáng lưu ý là đôi lúc một số lời khuyên của Thầy có vẻ trái ngược nhau. Ví dụ như đối với một người quá nặng tinh thần phục vụ đến nỗi suy nhược thần kinh, Thầy nói: “Ðó là bịnh trách nhiệm của thời đại”. Nhưng khi có một Phật tử chỉ thích đời sống du phương hành cước của các thiền Tăng xưa hơn là đời sống nông thiền cặm cụi suốt ngày trong nương rẫy của chư Tăng trong thời buổi kinh tế khó khăn bây giờ, Thầy lại viết: “Không có thiên đàng nào khác hơn ngoài những gánh nặng mà ta vui lòng gánh vác để đem lại cho đời một niềm vui, một an ủi, một nụ cười”. Thậm chí Thầy còn nói :

Ta không biết đâu Suối Nguồn An Lạc

Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa

Ta không biết đâu Bến Bờ Diệu Giác

Ðúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.

Chính những trái ngược ấy nói lên tính đại dụng viên dung nhất quán và uyển chuyển của Ðạo: tùy căn cơ mà đối trị, giáo hóa, chứ không cố định như những công thức một chiều. Ðặc biệt là chúng tôi thấy tính “mâu thuẫn đồng nhất” hay “nhất đa tương dung” này được thể hiện rõ nét trong chính đời sống của Thầy, chứ không phải chỉ là những lời khuyên giải lý thuyết kinh điển đơn thuần. Bằng chứng là mặc dù Phật sự đa đoan phiền phức Thầy vẫn ung dung thanh thản, giống như phong cách của một ẩn sĩ thư nhàn, vẫn vẽ tranh thủy mạc, làm thơ hoặc lãm ngoạn vườn thiền, tưởng chừng như thảnh thơi vô sự, đúng là “tự do là ung dung trong ràng buộc” như Thầy đã nói vậy.

Một khía cạnh khác cũng khá nổi bật là Thầy thường khuyên phải giáp mặt với thực tại một cách bình tĩnh sáng suốt, không đắm chìm chấp thủ, cũng không sợ hãi tránh né, dù đó là khổ đau phiền muộn đến đâu đi nữa. Chính câu nói “Hạnh phúc là tự tại giữa đau thương” đã giúp biết bao Phật tử chúng tôi can đảm chịu đựng để tích cực vượt qua thời kỳ lịch sử khó khăn phức tạp nhất đã khiến cho nhiều người dao động khủng hoảng.

Nhưng “giáp mặt thực tại” không phải chỉ thuần túy là một lời an ủi, mà bây giờ chúng tôi mới biết rằng đó cũng chính là tinh yếu của Ðạo Phật, là cốt lõi của tinh thần thiền Vipassanà nguyên thủy nhất của Ðức Phật, mà qua đó chúng ta mới có thể thấy ra chân diện của cuộc đời.

Với những nhận xét thô thiển trên, chúng tôi không có ý giới thiệu thư Thầy, mà chỉ biện bạch cho lý do in lại những lá thư này dưới nhan đề “Tuyển Tập Thư Thầy” do chúng tôi biên tập để đảm bảo cho nội dung được trung thực với nguyên bản. Chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi chủ quan trong việc biên tập, kính xin Thầy hỷ xả và bạn đọc rộng tình tha thứ.


Xem lá thư thứ nhất

Nguồn: http://www.budsas.org

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.