Trong tháng 9 năm nay (2012), Ông Philipp Roesler – vị Phó Thủ Tướng Đức trẻ tuổi gốc Việt – sẽ có chuyến thăm Việt Nam mà báo giới cho là được kỳ vọng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức.
Trong chủ trương của Thư Viện GĐPT Online đề cao những người con đất Việt hùng anh trong bảo vệ quê hương đất Tổ qua các triều đại và những hậu bối Lạc Hồng thành đạt giữa cộng đồng thế giới trên mọi lãnh vực, chúng tôi xin chuyển tải đôi dòng tư liệu về cuộc đời một người con gốc Việt nửa đã được thăng hoa nơi đất khách… BBT.
Với cương vị Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Y Tế, ở tuổi 38, ông Philipp Roesler không chỉ là một người gốc Việt giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ Đức từ trước tới nay mà còn là một chính trị gia trẻ nhất trong nội các của nữ Thủ Tướng Angela Merkel. Phó Thủ Tướng Philipp Roesler cũng đồng thời là người gốc Việt đầu tiên giữ cương vị cao đến vậy ở một quốc gia châu Âu, nếu không muốn nói rộng ra trên toàn thế giới.
Theo như giấy tờ mà người cha nuôi của Tiến Sĩ Philipp Roesler kê khai thì Phillip Roesler sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, tỉnh Ba Xuyên (nay là tỉnh Sóc Trăng). Cha nuôi của ông vốn là một phi công làm việc trong quân đội Đức. Trong thời gian được điều động qua Hoa Kỳ tham gia lớp huấn luyện cho các phi công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông được nghe nhiều câu chuyện ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam. Như nhiều người Đức chân chính yêu hòa bình khác, trong ông lúc ấy chỉ có hai lựa chọn: Hoặc xuống đường phản đối chiến tranh, hoặc có hành động gì đó cụ thể để giúp đỡ các nạn nhân. Và ông quyết định nhận một đứa con nuôi người Việt. Khi ấy, Phillip Roesler đang sống trong một cô nhi viện, và mới được 9 tháng tuổi. Cha mẹ nuôi của cậu bé đã đưa cậu về Đức và đặt cho cái tên hiện nay.
Mặc dù vợ chồng người cha nuôi của Philipp Roesler chia tay nhau khi Roesler mới 4 tuổi, song không vì thế mà Roesler không được thừa hưởng một sự chăm sóc, giáo dục ân cần, chu đáo như với một công dân Đức thực thụ. Không ít lần, để cậu bé khỏi mặc cảm với chúng bạn trong lớp, người cha nuôi đã khuyên con: “Tuy con mang hình thể của người châu Á, nhưng phải luôn luôn nhớ là con đã thuộc về cộng đồng Đức”. Thực tế, Roesler đã thực hiện xuất sắc lời khuyên của người cha nuôi: Thời còn theo học Trường Trung Học Lutherschule, ông là một học sinh tiêu biểu, luôn được xếp hạng A.
Trong cuộc trò chuyện với Báo Der Spieegel của Đức hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, khi được hỏi về nguồn gốc của mình, Tiến Sĩ Philipp Roesler cho biết, đến giờ ông vẫn chưa thể biết cha mẹ ruột là ai. Ông kể: “Hồi ở cô nhi viện, các Soeur phải trông nom tới 3.000 trẻ. Họ đã phải tự bịa ra tên và dòng họ cho ngần ấy đứa trẻ bị bỏ rơi để điền vào các phiếu. Bởi vậy mà tôi không thể biết được bất cứ điều gì về cha mẹ ruột của mình”. Những người quan tâm đến vấn đề này cho rằng, nhiều khả năng cha mẹ ruột của Tiến Sĩ Philipp Roesler đã chết vì bom đạn chiến tranh.
Sống ở một quốc gia mà đến nay, những tư tưởng quá khích, “bài ngoại” từng không ít lần trỗi dậy, song Roesler chưa bao giờ có mặc cảm mình là người… xa lạ. Chính vì vậy mà trước câu hỏi: “Có bao giờ ông ước được giống một người Đức?”, Roesler đã thẳng thắn trả lời ngay: “Không! Vì tôi là người Đức và luôn thấy mình là người Đức. Tôi nhớ, hồi tôi còn học tiểu học ở Hamburg, một lần trở về, tôi nói với cha: Cha ạ, ở lớp con có nhiều học sinh nước ngoài lắm. Chẳng là ở trường tôi khi đó có nhiều học sinh người Italia và Tây Ban Nha. Cha tôi nghe tôi nói vậy đã bật cười rất to. Đúng là, không khi nào tôi không cảm thấy mình là người Đức”.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Roesler tham gia quân dịch và suýt nữa được đào tạo để trở thành sĩ quan quân y. Một thời gian sau, ông được miễn quân dịch để theo học tại Trường Đại Học Y Khoa Hannover. Năm 1999, Roesler về thực tập tại bệnh viện quân đội ở Hamburg. Năm 2002, ông được nhận học vị Tiến Sĩ Y Khoa. Hiện Roesler vẫn được xem là một bác sĩ chuyên ngành giải phẫu thuộc loại giỏi.
Philipp Roesler tham gia hoạt động chính trị từ rất sớm. Năm 1992, ở tuổi 19, ông gia nhập Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP), một đảng có cương lĩnh ông cho là hợp với ý tưởng xã hội của ông nhất. Từ đây, bước đường chính trị của ông lên như diều gặp gió. Từ năm 2000 đến 2004, ông là Thư Ký cho Đảng FDP thuộc bang Niedersachsen (còn gọi là bang Hạ Saxony). Năm 2003, ông được bầu vào Nghị Viện của bang Niedersachsen. Tháng 5/2005, Roesler trở thành thành viên Ban Lãnh Đạo Liên Bang của FDP khi giành được tới 95% số phiếu ủng hộ, mức cao nhất trong các ứng viên tại Đại Hội. Một năm sau, tại Đại Hội của FDP, Roesler được bầu làm Chủ Tịch FDP tại Niedersachsen, thay thế ông Uwalter Hirche đã giữ cương vị này 12 năm và không ra ứng cử. Tháng 4/2008, ông tiếp tục được bầu giữ cương vị này với số phiếu ủng hộ vẫn lên tới 95%. Cứ thế, Roesler thăng tiến vù vù, từ những chức vụ ở địa phương tới chức vụ ở trung ương. Từng là Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế của bang Niedersachsen (dưới quyền của Thủ Hiến Wulff, hiện là Tổng Thống Cộng Hòa Liên Bang Đức), tháng 10/2009, Roesler đã được lựa chọn làm Bộ Trưởng Bộ Y Tế Đức trong chính phủ của Thủ Tướng Angela Merkel sau khi nữ chính khách này tuyên bố quyết định thành lập liên minh trung hữu với FDP sau hơn bốn tuần thương thảo. Tiến Sĩ Philipp Roesler đã trở thành vị Bộ Trưởng trẻ nhất của nước Đức ở thời điểm ấy, và là một chính khách gốc Việt đầu tiên giữ cương vị Bộ Trưởng tại một quốc gia châu Âu.
Không dừng ở đó, vào ngày 13/5 vừa qua, sau khi Chủ Tịch FDP Guido Westerwelle từ chức, Philipp Roesler đã được Đại Hội toàn quốc của đảng này nhất trí bầu giữ trọng trách Chủ Tịch FDP, điều này đồng nghĩa với việc ông trở thành Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Y Tế của CHLB Đức.
Hầu hết dư luận người dân Đức đều đánh giá cao Philipp Roesler ở cả hai phương diện tài năng và tư cách. Ông được xem là một nhà tổ chức bẩm sinh, một diễn giả hùng biện. Bộ Trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schauble ca ngợi tân Phó Thủ Tướng Philipp Roesler là một người hiểu biết, đáng mến và có khiếu hài hước. Còn theo nhận xét của báo Spiegel thì Roesler tuy thuộc tuýp người mềm mại song ông cũng rất kiên định với những gì đặt ra.
Tất nhiên, không phải không có người e ngại Tiến Sĩ Philipp Roesler còn quá trẻ, sẽ khó chèo chống cho con thuyền FDP đang ở thời “sóng to gió lớn”. Cũng có người cho rằng, những năm tới vị Tiến Sĩ này sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là việc cải cách hệ thống y tế Đức. Cũng theo nhận định của tờ Spiegel thì trong nội các Đức, việc điều hành Bộ Y Tế là một trong những việc gặp nhiều khó khăn, khúc mắc nhất hiện nay.
Tiến Sĩ Philipp Roesler lập gia đình từ năm 2003. Vợ ông là một nữ bác sĩ người Đức, tên gọi Wibekeng. Cách đây 3 năm, bà đã sinh hạ cho ông 2 cô con gái (sinh đôi). Philipp Roesler luôn cảm thấy viên mãn với hạnh phúc gia đình hiện có. Mặc dù rất thành công trên con đường chính trị, song Roesler lại dự tính sẽ sớm từ bỏ chính trường để tập trung cho gia đình và lĩnh vực chuyên môn (ông vốn là một bác sĩ mổ tim có tiếng). Roesler từng kể rằng, ngày ông chuẩn bị lên làm Bộ Trưởng Bộ Y Tế Đức, trong một cuộc liên hoan, có một người đàn ông da màu đã tiến tới chỗ ông chỉ để phát biểu cảm tưởng: “Thật không sao tin được một người trong chúng ta lại lên tới vị trí quan trọng hàng đầu”. Câu nói khiến ông rất vui. Trước đó, Roesler từng thổ lộ với báo giới rằng với ông, gia đình là quan trọng, “khi nào tôi cảm thấy chính trị đáng làm tổn hại tới gia đình, tôi sẽ rời bỏ nó ngay lập tức”.
Tính đến nay, Tiến Sĩ Philipp Roesler mới trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình có một lần, và khá muộn: Năm 2006. Ông cho biết: Lý do thúc đẩy ông về thăm Việt Nam là xuất phát từ câu nói của vợ ông: “Chúng ta rồi sẽ có con. Em muốn có thể kể cho chúng nghe những điều mắt thấy tai nghe về mảnh đất đã sinh ra cha chúng”. Theo Roesler thì đó là chuyến đi rất vui, người dân quê cứ ngỡ ông là Việt kiều ở Mỹ về. Ông ấn tượng về Việt Nam như một đất nước của những phong cảnh tuyệt đẹp và những món ăn để lại nhiều dư vị.
Trả lời câu hỏi “Liệu người Việt Nam có tự hào với sự thành đạt của Philipp Roesler?”, tân Phó Thủ Tướng của nước Đức không ngần ngại bày tỏ nỗi lòng: “Hiện có một số tour du lịch từ Việt Nam sang đã dừng lại ở văn phòng của tôi, với sự xuất hiện của nhiều người Việt Nam”, và ông cho rằng: “Đó là một điều đặc biệt”.
Nguồn: BáoMới.Com