Sự tích Đức Phật Dược Sư

Theo Phật Giáo, tất cả chư Phật, Bồ-tát ứng thân thị hiện ra đời vì lòng thương cứu độ chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử. Vì chúng sanh vô lượng vô biên nên chư Phật cũng thị hiện vô số, tùy theo nghiệp lực, căn tánh của chúng sanh mà các Ngài kiến tạo quốc độ và lập đại nguyện để giáo hóa, đưa chúng sanh thoát khỏi phiền não khổ đau, có đời sống an lạc tự tại. Đức Phật Dược Sư là một trong vô số chư Phật, có quốc độ và hạnh nguyện riêng của mình.

Danh hiệu & ý nghĩa danh hiệu Đức Phật Dược Sư:

Phật Dược Sư  theo tiếng Phạn là Bhaiṣajyaguru; chữ Hán: 藥師佛 (nghĩa là “vị Phật thầy thuốc”); Dược Sư Như Lai tiếng Phạn là Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajyah, gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, hay thường được gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật. Các danh tự(*) của Ngài:

  • Dược Sư Lưu Ly Quang Phật – Bhaiṣajyaguruvaidūrya-prabha-buddha; 藥師琉璃光佛
  • Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai – Bhaiṣaijya guru vaiḍuria prabhà ràjàya tathàgatàya.
  • Dược Sư Như Lai – Bhaiṣaijya guru tathàgatàya.
  • Dược Sư Lưu Ly Như Lai – Bhaiṣaijya guru vaiḍuria tathàgatàya.
  • Đại Y Vương Phật – Mahà Bhaiṣaijya ràja buddha.

Do bổn nguyện của ngài là “cứu tất cả các bệnh khổ cho chúng sinh” cho nên còn có tên là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. Ngài là vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả, ngự cõi phía Đông tên là cõi Tịnh Lưu Ly.

Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “Về phương Đông, cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ, có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.

Vì sao có tên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai? Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, nhờ trong khi tu hành Bồ-tát phát 12 đại nguyện giải trừ hết thảy bệnh khổ cho chúng sanh, khiến họ đầy đủ căn lành và hướng về giải thoát nên khi thành Phật, Ngài trụ ở thế giới Tịnh Lưu Ly, trang nghiêm như thế giới Cực Lạc, cùng với hai vị Đại Bồ-tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu làm quyến thuộc để giáo hóa chúng sanh.

Bổn nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sanh, cứu độ chúng sanh ra khỏi sanh tử khổ đau.

Vì Dược Sư Như Lai có bổn nguyện thanh tịnh như vậy nên ánh sáng trong suốt hoàn toàn thanh tịnh (Lưu Ly Quang) như lưu ly vô ngại hiển hiện trên thân của Ngài, và quốc độ của Ngài cũng như vậy nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang.

Cũng như các Đức Phật trong mười phương, Đức Dược Sư có đầy đủ thập hiệu: Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

— oOo —

Sự tích Đức Phật Thích Ca kể chuyện Đức Phật Dược Sư:

Một thuở nọ, đức Thế Tôn đang trú tại thành Tỳ-xá-ly với 36 ngàn vị đệ tử Bồ-tát. Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù hiện thân là một vị đệ tử ở địa vị tu Bồ-tát đạo. Với lòng từ bi của mình, Bồ-tát Văn Thù nhận thấy rằng, trong tương lai, Phật pháp sẽ suy giảm và chúng sinh ở thế giới này sẽ rất khó tu học giáo pháp thanh tịnh cũng như chứng đạt các loại trí huệ thanh tịnh. Ngài hiểu rằng sẽ rất khó khăn cho những chúng sinh này để điều phục được tâm, và như thế, họ sẽ thuận theo tâm tánh mà làm các việc xấu ác như giết hại, trộm cắp, chấp thủ tà kiến. Kết quả là họ sẽ nhận lấy những bệnh tật khủng khiếp và những nỗi đau tinh thần không sao chịu nổi. Thế gian sẽ tràn ngập chướng ngại, hiểm nguy và nghịch duyên. Cảm thấy những khổ đau này khó có thể chịu nối, Văn Thù bạch Phật:

Trong tương lai, khi giáo pháp của Ngài và sự tu tập các thiện pháp khác suy giảm; khi nhân loại trong thế giới này cạn kiệt về tinh thần; khi sự tham ái, sân hận và si mê của chúng mạnh mẽ và khó chế ngự đến độ chúng phải hứng chịu những khổ đau liên tục về mặt vật lý cũng như tâm lý, những nỗi sợ hãi, những mối nguy hại, và đặc biệt là nhiều bệnh tật không thể trị liệu; ai sẽ là người làm cho chúng vơi đi những đau khổ này và bảo vệ chúng khỏi những nguy hại? Ai sẽ giúp đỡ chúng chiến thắng ba thứ độc tố tinh thần?

Để trả lời cho câu hỏi của Bồ-tát Văn Thù, đức Phật đã giảng kinh “Tám ngàn kệ tụng” chủ yếu trình bày những giáo huấn về đức Phật Dược Sư (Sutra of Eight Thousand Verses Principally Revealing the Instructions on Medicine Buddha). Nhiều chúng sinh đã nghe được giáo pháp này. Ngoài ra còn có ba mươi sáu ngàn đệ tử Bồ-tát thế gian, hàng triệu đệ tử Bồ-tát khác từ nhiều cõi Tịnh Độ cùng với những chúng sinh từ các cõi khác như Rồng, 12 Đại Thần Tướng Dạ-xoa… Trước hội chúng gồm các vị đệ tử, đức Phật giảng giải những gì liên quan đến đức Phật Dược Sư – những phẩm hạnh siêu tuyệt của Ngài, tịnh độ của Ngài, và làm thế nào, trong tương lai, bằng việc tín phụng đức Phật này và chỉ cần nghe danh hiệu của ngài mà chúng sinh có thể khỏi được những bệnh tật trầm kha về tâm hồn và thể xác, đặc biệt là căn bệnh si mê. Ngài cũng dạy làm cách nào để tương thông với đức Phật này, lợi ích của sự tín phụng ngài, và làm sao để thực hành những giáo huấn của đức Phật Dược Sư.

Trong khi đức Phật giảng giải nghĩa lý này, bằng tha tâm thông, Bồ-tát Văn Thù đã nhận thấy nhiều Người và Trời trong thính chúng đang khởi lên những nghi hoặc, hoang mang đối với lời dạy của đức Phật về sự hiện hữu của đức Phật Dược Sư. Vì thế, Ngài rời chỗ ngồi đứng lên cung kính nhiễu quanh đức Phật ba vòng, đảnh lễ dưới chân ba lần, xong rồi quỳ gối trái xuống đất theo truyền thống và thưa với đức Phật:

Để trừ mối nghi hoặc trong tâm của các đệ tử, kính mong đức Thế Tôn chỉ rõ đức Phật kia tồn tại như thế nào, ngài đang hiện diện ở đâu và công hạnh của ngài như thế nào.

Đức Phật liền nhập vào đại định, từ ngực ngài hóa hiện vô số tia sáng, mời bảy đức Phật Dược Sư đến thành Tỳ-xá-ly để mọi người có thể nhìn thấy. Đức Dược Sư đã đến với hai vị đại đệ tử – Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu – cùng với hội chúng đông đảo gồm hàng ngàn vị đệ tử khác nữa. Sáu đức Phật Dược Sư còn lại cũng đến cùng với hội chúng của mình. Mọi người khi ấy nhìn thấy rõ ràng bảy đức Phật Dược Sư cùng với hội chúng của các ngài, mối nghi ngờ của họ lập tức tan biến. Đức Thế Tôn giới thiệu từng đức Phật, như nói: “Đây là đức Phật Dược Sư. Ngài đến từ cõi tịnh độ phía đông có tên gọi là Lưu Ly. Cõi nước của đức Phật này là bản tánh của trí tuệ với ánh sáng của ngọc lưu ly. Toàn mặt đất của cõi ấy được trang nghiêm bởi ánh sáng của vị Phật này.”; và những lời tương tự như vậy.

Thế rồi, đức Phật dạy về cách thức tụng thần chú cho chính bản thân và người khác, cho người bệnh và người sắp chết… và cách thức thực hành nhiều nghi thức chữa trị khác. Mọi người hoan hỷ và phát khởi đức tin bất hoại. Nghe xong bài pháp này, bảy triệu thần Dạ-xoa đã đạt được chánh kiến đối với chân lý cao tột và phát nguyện hộ trì những ai tin nhận pháp môn tu tập của đức Phật Dược Sư. Mười hai Đại Thần Tướng Dạ-xoa đã được thọ ký quả vị Chánh Giác và đã được liệt vào số 51 Thiên Thần trong mạn-đà-la của đức Phật Dược Sư.

Thực hành theo đức Phật Dược Sư là một pháp môn rất hiệu nghiệm để trị liệu cho bản thân và những người khác, và để chiến thắng những căn bệnh trong tâm như tham trước, sân hận và si mê. Nếu chúng ta tín phụng đức Phật Dược Sư với đức tin thanh tịnh thì nhất định chúng ta sẽ nhận được hạnh phúc từ những thành tựu này.

— oOo —

Mười hai đại  nguyện của Đức Phật Dược Sư:

Trong kinh Dược Sư, hiện nay bản gốc chỉ còn bản chữ Hán và chữ Tây Tạng, đọc thấy 12 lời nguyện của Ngài thệ nguyện cứu độ chúng sinh với sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát và 12 vị Hộ Pháp, Thiên Vương.

1. Nguyện khi ta thành đạo Bồ-đề, thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, hào quang sáng khắp vô lượng thế giới, khiến các chúng sinh cũng được như ta.

2. Nguyện khi ta thành Phật, trong ngoài sáng chói hơn ánh sáng mặt trời, tự tại làm Phật, khiến các chúng sinh ở chỗ tối tăm đều nhờ ơn khai thị.

3. Nguyện khi ta thành Phật, đầy đủ vô lượng phương tiện trí tuệ, làm cho chúng sinh đầy đủ các món thọ dụng nơi thân tâm.

4. Nguyện khi ta thành Phật, nếu các chúng sinh tu theo tà đạo đều xoay về chánh đạo; hàng Nhị Thừa thì đều hướng về Nhất Thừa.

5. Nguyện khi ta thành Phật, nếu có chúng sinh theo giáp pháp của ta mà tu hành thì đều được hoàn hảo, dù có phạm giới mà nghe đến tên ta thì cũng trở thành thanh tịnh giới khỏi phải sa vào ác đạo.

6. Nguyện khi ta thành Phật, nếu chúng sinh nào có thân thể hèn yếu hay xấu sa, đui điếc hay câm ngọng, một phen nghe tên ta, niệm tên ta thì được khỏi bệnh, lại được tốt đẹp khôn ngoan

7. Nguyện khi ta thành Phật, nếu có chúng sinh không bà con thân thuộc, nghèo thiếu ốm đau, không ai giúp đỡ, mà nghe được tên ta thì thân tâm yên lành quyến thuộc giúp đỡ cho đến chứng đạo Bồ-đề.

8. Nguyện khi ta thành Phật, các nữ nhân thường bị khinh dể thấp kém, nếu nghe được tên ta thì bỏ thân nữ nhân, thành tướng trượng phu cho đến chứng quả.

9. Nguyện khi ta thành Phật, thì các chúng sinh thoát vòng ma đạo ác kiến, về nơi chánh đạo, tu Bồ-tát hạnh mau chứng đạo Bồ-đề.

10. Nguyện khi ta thành Phật, nếu chúng sinh bị pháp vua trừng trị, trói buộc đánh đập, giam vào ngục tối, cắt xẻ v.v… mà nghe tên ta thì đều thoát khỏi.

11. Nguyện khi ta thành Phật, những chúng sinh bị đói khát, cầu ăn mà tạo nghiệp dữ, nếu nghe tên ta, chuyên niệm thọ trì, thì ta trước hết cấp cho món ăn được no đủ, sau nói pháp khiến họ tu hành được hoàn toàn an vui.

12. Nguyện khi ta thành Phật, những chúng sinh nghèo không có áo mặc, muỗi mòng chích đốt, nóng lạnh, ngày đêm khổ sở, nếu nghe tên ta, chuyên niệm thọ trì, thì ta theo tâm mong cầu ấy khiến được đầy đủ y phục hoa hương.

Thập nhị nguyện của Ngài có một số kinh sách Việt dịch và tóm tắt:
  1. Phát hào quang chiếu sáng mọi chúng sinh.
  2. Cho chúng sinh biết đến Nhất thiết trí của mình.
  3. Cho chúng sinh thực hiện được ước nguyện.
  4. Hướng dẫn chúng sinh đi trên đường Đại Thừa.
  5. Giúp chúng sinh giữ giới hạnh.
  6. Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra.
  7. Chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh.
  8. Cho phụ nữ tái sinh trở thành nam giới.
  9. Tránh cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiếp và giúp trở về chính đạo.
  10. Tránh cho chúng sinh khỏi tái sinh trong thời mạt pháp.
  11. Đem thức ăn cho người đói khát.
  12. Đem áo quần cho người rét mướt.

— oOo —

Bảy tôn tướng của Đức Phật Dược Sư:

Đức Phật Dược Sư là một đấng Toàn Giác. Để hiểu rõ Ngài là ai, bản thể của Ngài là gì, vai trò của Ngài như thế nào… trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là một chúng sinh giác ngộ. Thông thường, “chúng sinh” là chỉ cho bất cứ sinh thể nào cảm nhận được cảm giác (có cảm thọ) – dễ chịu, khó chịu và trung tính. Như thế, chúng ta là những chúng sinh, và các loài sinh vật khác cũng là những chúng sinh; nhưng nhà cửa và cây cỏ thì không phải là chúng sinh bởi vì chúng không có cảm giác.

Có hai loại chúng sinh: Hàm Thức và Giác Ngộ. Một chúng sinh hàm thức, hay là một sinh thể đang sống, là chúng sinh mà tâm của nó đang bị bóng tối vô minh bao phủ. Một chúng sinh giác ngộ là một chúng sinh đã hoàn toàn thoát khỏi bóng tối của vô minh.

Cũng như các loài hàm thức có nhiều khía cạnh sai biệt, các vị đã giác ngộ cũng thế. Các vị đã giác ngộ biến hóa ra vô số hình thức sai khác để lợi lạc muôn loài sinh linh. Có khi họ xuất hiện dưới dạng những thiên thần; có khi như loài người; đôi khi lại như những loài phi nhân. Có khi họ xuất hiện như những vị Tỳ-kheo; có khi lại như những vị ngoại đạo sư; có khi như một người điên hoặc xấu ác; và thậm chí có khi như những vật thể vô tri giác. Các hóa thân của những đấng giác ngộ biến mãn khắp các thế giới, nhưng vì tâm chúng ta bị bao phủ bởi vô minh nên chúng ta không nhận ra được.

Đức Phật Dược sư là một đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô biên đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại và giúp họ trừ diệt ba độc tố – tham trước, sân hận và si mê – cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y Vương Toàn Giác.

Theo các Kinh điển Phật Giáo thì Đức Dược Sư Như Lai có 7 tôn tượng. Có thuyết cho là mỗi vị có mỗi đại nguyện và ứng thân riêng từng vị. Có thuyết cho là các Ngài từ nhất thể là Đức Dược Sư Như Lai mà phân thân ứng hiện (ứng thân). Danh hiệu của các Ngài là:

  1. Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai.
  2. Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai.
  3. Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai.
  4. Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai.
  5. Pháp Hải Lôi Âm Như Lai.
  6. Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai.
  7. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

Trì tụng và thờ cúng Đức Phật Dược Sư:

Tranh tượng của Phật Dược Sư thường được vẽ với tay trái cầm thuốc chữa bệnh và tay phải trì Ấn Thí Nguyện. Tôn  tượng Phật Dược Sư thường được thờ cùng với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và tượng Phật A Di Đà, trong đó Phật Dược Sư phía bên trái còn Phật A Di Đà phía bên phải Phật Thích Ca. Tại Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam, Phật Dược Sư được thờ cúng rất nhiều.

Về công phu trì niệm hồng danh Đức Dược Sư, mặc dù Ngài có nhiều danh hiệu nhưng trì niệm hồng danh thường là Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật hay Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Theo sách Dược Sư Kinh Sám (HT. Trí Quang dịch), phần Niệm Phật ghi rõ niệm “Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật”. Các hành giả tu tập pháp môn Tịnh Độ, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, phải đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh và niệm đến nhất tâm. Cũng vậy, khi tu tập pháp môn Dược Sư, hành giả niệm danh hiệu Phật Dược Sư cũng phải đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh. Có thể niệm thầm, niệm ra tiếng, lần tràng hạt v.v… và niệm cho đến nhất tâm giống như các phương thức niệm Phật A Di Đà.

Về ý nghĩa Thánh hiệu: Dược sư, nghĩa đen là thầy thuốc chữa bệnh. Lưu ly là một loại ngọc màu xanh trong suốt. Quang là ánh sáng. Lưu ly quang là ánh sáng ngọc lưu ly. Dược Sư Lưu Ly Quang Phật là vị Phật có danh hiệu thầy thuốc chữa bịnh, ánh sáng như ngọc lưu ly (Dược Sư Kinh Sám – HT.Trí Quang, tr.203). Đức Dược Sư được hiểu như là vị thầy thuốc hiểu biết và thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, Ngài có thể chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ của chúng sanh, những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra. Ánh sáng của Phật Dược Sư thật không nghĩ bàn: “Trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi”. Ánh sáng ấy chiếu đến đâu đều phá hết tăm tối vô minh của chúng sanh, đem lợi lạc và diệt tất cả những bệnh khổ thân tâm của chúng sanh, khiến cho họ xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Về công năng của việc trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư, có thể nói là không thể nghĩ bàn. Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, đại dụng của danh hiệu Phật Dược Sư, điển hình có năm lợi lạc sau:

1. Diệt sự tham lam mà phát tâm bố thí: Nhờ trì niệm danh hiệu Đức Dược Sư mà mở rộng tấm lòng, không còn tham lam, ích kỷ chỉ lo tích cóp cho riêng mình; đồng thời luôn chia sẻ, ca ngợi và thực hành bố thí.

2. Diệt sự phạm tội mà được sự giữ giới: Đối với những tội lỗi, lầm lỡ đã gây tạo, nhờ niệm danh hiệu Ngài mà được chuyển hóa; đồng thời phát nguyện sống đạo đức, lương thiện theo Chính pháp.

3. Diệt sự ganh ghét mà được sự giải thoát: Do nghiệp lực ganh ghét, đố kỵ người khác nên chịu quả báo hèn hạ, thống khổ; niệm Phật Dược Sư sẽ khiến cho hành giả phát tâm tu học, diệt trừ khổ não, thành tựu giải thoát.

4. Diệt sự hại nhau mà được sự thương nhau: Những ý niệm oán kết, thù hận dẫn đến hành động tiêu diệt lẫn nhau; nhờ niệm danh hiệu Đức Dược Sư mà được hóa giải. Không những không còn làm hại nhau mà còn hiểu biết, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau.

5. Được sanh Cực lạc hay các sự chuyển sanh khác: Đối với những hành giả phát tâm niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Cực Lạc thì niệm Phật Dược Sư là một sự trợ duyên rất quan trọng. Chư Phật, các Đại Bồ-tát trong Pháp Hội Dược Sư luôn trợ hóa cùng Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc. Nhờ công đức tu tập Thánh hiệu Phật Dược Sư mà hành giả được đầy đủ phước báo, sanh về các thế giới an lành.

Ngoài ra, nhờ năng lực bổn nguyện của Phật Dược Sư, những chúng sanh thọ trì danh hiệu Ngài được tiêu trừ tất cả bệnh khổ và thành tựu mọi sở cầu, sở nguyện.

Đà-la-ni – Chân ngôn – Tiểu chú:

Theo kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức thì khi Phật Dược Sư nhập định gọi là “Định diệt trừ tất cả các khổ não cho chúng sanh” thì Ngài nói Đà-la-ni:

namo bhagavate bhaiṣajyaguru
vaiḍūryaprabharājāya tathāgatāya
arhate samyaksambuddhāya tadyathā:
oṃ bhaiṣajye bhaiṣajye mahābhaiṣajya-samudgate svāhā.

Phiên âm Việt ngữ:

Nam-mô Bạc-già-phạt-đế, bệ-sát-xã, lũ-lô-thích-lưu-ly, bát-lặc-bà, hắc-ra-xà-giả, đát-tha yết-đa-da, a-ra-ha-đế tam-miệu tam-bồ-đề-da, đát-điệt-tha. Án, bệ-sát-thệ, bệ-sát-thệ, bệ-sát-xã, tam-một-yết-đế tóa-ha.

  • Chân ngôn: Trong câu cuối của Đà-la-ni: Oṃ bhaiṣajye bhaiṣajye mahābhaiṣajya-samudgate svāhā được xem như là chân ngôn của Phật Dược Sư. Ngoài ra còn nhiều câu chú khác được sử dụng trong các trường phái khác nhau của Kim Cang Thừa.
  • Tiểu chú có tên gọi là Dược Sư Phật Tâm Chú: Oṃ hulu hulu caṇḍali mataṅgi svàhà.

Tôn Ảnh Phật Dược Sư Theo Mật Tông

Tôn tượng Đức Phật Dược Sư theo Mật Tông

(*) DỊCH ÂM:

  • Việt ngữ:

– Phật Dược Sư.
– Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.
– Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
– Dược Sư Như Lai.
– Dược Sư Lưu Ly Như Lai.
– Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.
– Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.
– Đại Y Vương Phật.

  • Phạn ngữ:

– Bhaiṣajyaguru (भैषज्यगुरु).
– Bhaiṣaijya guru vaiḍuria prabhà ràjàya tathàgatàya.
– Bhaiṣaijya guru vaiḍuria prabhà ràjàya tathàgatàya.
– Bhaiṣaijya guru tathàgatàya.
– Bhaiṣaijya guru vaiḍuria tathàgatàya.
– Mahà Bhaiṣaijya ràja buddha.

  • Hoa ngữ: Yàoshīfó (藥師佛); Yàoshīrúlái (藥師如來).
  • Nhật ngữ: Yakushi (薬師); Kusurishi Nyorai (薬師如来).
  • Hàn ngữ: Yaksayeorae, Yaksabul (약사여래, 약사불).
  • Mông Cổ: Оточ Манла.
  • Tây Tạng: Sanggye Menla སངས་རྒྱས་སྨན་བླ།

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Dược Sư Kinh Sám – Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch.
– Sự tích Phật Dược Sư – Nguyên tác: Geshe Kelsang Gyatso Thanh Hòa dịch – Pháp Uyển ấn hành.
– Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.