“Thật chẳng giống con giáp nào cả!”. Cái câu đầu lưỡi đó nào ngờ lại áp dụng đúng với họ hàng nhà rồng chi lạ. Khi nhắc đến chú chuột láu lỉnh, bác trâu hiền lành thậm chí cả chàng heo ụt ịt, ta đều dễ dàng phác thảo những nét đặc trưng của từng con giáp. Chỉ riêng có họ nhà rồng thì khác hẳn.
Từ xưa đến nay, rồng vẫn là một vật thần thoại nhuốm vẻ kỳ bí, biểu tượng của sức mạnh uy quyền trong quan niệm cả Đông lẫn Tây Phương. Ấy thế mà chẳng hiểu sao, theo tử vi Đông Phương, rồng ta lại phải xếp hàng thứ năm sau cả nàng miu miu nữa mới lạ.
Ngoài “bí danh” Thìn trong tử vi Đông Phương, rồng ta còn được biết nôm na như: long, dragon. Nếu cầu kỳ hơn, còn khá nhiều tên gọi theo loại, như: rồng biển, rồng đất, drake, gibraltar, syssiphus, scourge, daksdraudangas, wyrm (iyeiskjadryllja, sahara, pumoch-tannal), amphiptere, amphisbaena, basilisk, cockatrice, chimera, faerie, griffin, hydra, kazin, k.koike, lindworm, manticore, naga, narlaq, ouroboros, quetzelcoatl, salamander, scandinavian dragon, sea serpent, wayntley dragon, wyvern, vv… và vv…
Dù sự hiện hữu của họ nhà rồng vẫn là một nghi vấn, nhưng “chân dung” rồng ta vẫn được phác thảo theo… trí tưởng tượng phong phú của loài người. Thử kể sơ về mầu sắc, ta thấy có: bạch long (rồng trắng, được tin là có quyền làm mưa), hoàng long (rồng vàng, tượng trưng cho sức mạnh uy quyền thường dành riêng cho vua chúa thời phong kiến), hắc long (rồng đen), xích long (rồng đỏ, là biểu tượng của Wales), tử long (rồng tím), thanh long (rồng xanh), vv… và vv…
Về hình dáng lại càng đa dạng hơn nữa. Theo Tây Phương, rồng được chắp thêm đôi cánh dơi với thân hình dài, dầy dặn, da có vẩy, đầu hình tam giác, cổ dài, bốn chân khỏe với móng sắc, thường được xem như thở ra lửa. Một vài loại có tài đổi mầu sắc. Một số lại có tài đổi hình dạng, có lúc biến thành dạng có đuôi dài và nhọn, có lúc lại mang hình dáng tương tự như… khủng long. Theo truyền thuyết, rồng chỉ ăn một lần mỗi tháng với các loại thực phẩm “tươi sống” như bò, cừu hay thậm chí cả loài người.
Theo Đông phương, rồng biết bay dù không có cánh, thân mình dài ngoằn ngoèo như trăn, có vây mọc suốt từ đầu kéo dài đến tận đuôi, da có vảy như cá, đầu có sừng ngắn và cong, bốn chân, đuôi ngắn xòe hình quạt… mo. Có ba loại rồng chính: chân có ba móng (Nhật,…), chân có bốn móng (Đại Hàn, Indonesia,…) và chân có năm móng (Trung Hoa, Việt Nam,…). Ngoài ra, rồng còn có những nét kết hợp của nhiều loài vật: đầu lạc đà, mắt thỏ, mũi kỳ lân, tai bò, bàn chân hổ với móng sắc nhọn như vuốt loài ó, bụng cóc, bờm sư tử quanh cổ, cằm. Dù được xem là uy vũ với đôi mày dài và dầy rậm, nhà họ rồng lại chỉ có mỗi hai cọng râu dài phất phơ hai bên mép để… làm duyên. Tuy có cặp mắt giống thỏ, nhưng rồng không có vẻ hiền lành nhút nhát tí nào, nhất là khi chàng ta vểnh râu, ngoác miệng rộng phô bày hàm răng trắng toát với những chiếc nanh nhọn hoắt. Rồng thuộc loại ưa làm biếng, làm điệu và làm… dữ nên ta thường nghe nhắc đến hình ảnh rồng nằm, rồng ẩn, rồng chầu, rồng uốn khúc lượn trên mây, rồng bay, rồng múa, rồng hút nước, rồng nhe nanh xòe vuốt…
Mặc dù có nhiều điểm khác biệt khi mô tả “dung nhan” họ hàng nhà rồng, nhưng cả Đông lẫn Tây Phương đều đồng quan điểm khi cho rằng rồng di truyền bằng cách đẻ trứng. Sau một thời gian ấp, trứng nở thành rồng con. Thậm chí, một số người Tây Phương còn phác thảo ra cả chu kỳ sinh trưởng của loài rồng nữa chứ. Theo họ thì trứng rồng tương tự như trứng gà, nhưng chiều cao cỡ 2 đến 4 feet. Vỏ mầu trắng đục, rất dầy và cứng. Từ khi sinh ra, trứng rồng phải được ấp khoảng 8 tháng thì các nhóc tì rồng mới dùng đuôi chọc thủng vỏ trứng để chính thức nhập vào xã hội loài… rồng với tên gọi Hatchling. Trong 6 tháng đầu, rồng mẹ cần nhai và mớm mồi cho các con. Sau đó, nhóc ta tự chập chững theo mẹ kiếm mồi. Rồng bố thường rất đại lãn, hiếm khi chịu giúp vợ săn mồi nuôi con; thường thì các ông bố rồng sẽ tìm cớ để rút lui có trật tự về lãnh thổ riêng. Khi mới cất “tiếng rú chào đời”, nhóc rồng cao từ 2.5 đến 4 feet. Sau khoảng 4 năm lủi thủi theo mẹ, nhóc ta sẽ cao vọt lên cỡ 5 đến 10 feet và bắt đầu rời tổ ấm để đi “lập nghiệp” như một Dragonet. Từ 4 đến 30 tuổi, rồng nhí nhà ta sẽ tự tìm mồi, tiếp tục phát triển chiều cao từ 7 đến 30 feet, và tập tành các chiêu thức bay, bơi… độc đáo riêng của họ nhà rồng. Khi bước vào lứa tuổi từ 30 đến 200, rồng ta đã đủ khôn ngoan, chính chắn và “công lực” để chính thức tham gia hàng ngũ Drake. Lúc này, tốc độ tăng trưởng về thể lực từ từ chậm lại (trung bình Drake cao cỡ 20 đến 80 feet), nhưng lại phát triển mạnh về mặt trí tuệ cũng như “nội công”. Đây cũng là lúc rồng “dậy thì” và bắt đầu tập tành kết đôi rồi sinh sản. Lập lại cái vòng luẩn quẩn của dòng họ rồng. Từ tuổi 200 đến 1000 năm, rồng mới được chính thức coi như là Dragon với đặc quyền được học hỏi các “bí truyền” của tổ tiên. Khi này, rồng đã cao được từ 60 đến 300 feet và hầu như bất tử trừ khi bị hạ dưới những phép mầu đặc biệt. Sau khi đã qua lứa tuổi thiên tuế (1000 năm) với chiều cao từ 200 đến 300 feet, rồng được coi như Wyrm. Đây là giai đoạn cuối của loài rồng, rồng đã trở thành bất tử trừ khi muốn… “tự tử”.
Ở Tây Phương, rồng tượng trưng cho yêu quái, sự chết chóc và tàn phá, bị xem như điềm xấu, chuyên mang đến những tai họa như: mất mùa, động đất, núi lửa, trẻ con bị mất tích, vv… vv… cần được tiêu trừ. Điều này được nhắc đến trong nhiều giai thoại, chẳng hạn như: St. Georges and the Dragon, Beowulf and the Dragon, Draco trong phim DragonHeart,… Vlad Drakul có nghĩa như con của rồng, còn được hiểu như là yêu quái. Có truyền thuyết cho rằng ăn tim rồng có thể hiểu được tiếng loài chim, ăn lưỡi rồng có thể thắng trong mọi cuộc tranh luận, bôi máu rồng lên da sẽ không bị tên đạn làm bị thương,… Hải tặc Vikings thường khắc đầu rồng trên mũi thuyền. Ngày nay, cờ Wales còn mang hình rồng đỏ trên nền xanh lá cây hay trắng và rồng đỏ được xem như là biểu tượng của nước.
Trong khi đó ở Đông Phương, rồng lại được xem như điềm tốt mang lại gió, mưa và sự được mùa, như biểu tượng của thịnh vượng và hòa bình. Rồng thuộc về dương, mang hình tượng của lý trí, ý chí quật cường, quyền lực phát huy đến cao độ với trạng thái tinh thần thăng hoa hòa nhập thành một với thể trời. Vì thế, với người Đông phương, rồng là vật linh thiêng cao quý, biểu trưng sức mạnh quyền uy và sự cao sang. Người Trung Hoa tin rằng có bốn loài rồng: Tien-lung bảo vệ lãnh thổ do trời ban, Shen-lung điều khiển mưa gió, Ti-lung điều khiển sông nước và Put’s-lung bảo vệ các tài nguyên khoáng sản cùng đá quý. Thời phong kiến, rồng được dành riêng để chỉ nhà vua. Rồng được dùng để trang trí cung điện, bàn ghế, chén đĩa vua ăn, thêu áo, khăn của vua mặc, chạm trổ trên xe vua đi,… Thuyền rồng là thuyền của vua dùng khi còn thời phong kiến. Sau này chỉ những chiếc thuyền chạm trổ hình rồng cầu kỳ. Sân rồng là nơi các quan tụ họp. Giấc rồng ám chỉ giấc ngủ của vua. Mình rồng, thân rồng chỉ nhà vua. Trứng rồng ngụ ý chỉ con cái của vua. Ngoài ra, giường vua ngủ gọi là long sàng. Long bào là áo thêu rồng vua mặc khi ra bàn việc nước. Áo lễ thì gọi là long cổn. Xe vua đi còn gọi là long giá hay long xa. Long nhan ngụ ý ám chỉ dung mạo gương mặt vua. Còn long thể chỉ thân mình vua.
Trong dân gian, các cột kèo của chùa đình cũng được phép chạm trổ hình rồng, nhưng chân rồng chỉ có 3 móng. Chỉ riêng rồng trong cung đình mới được chạm 5 móng. Khi viếng thăm Đại Nội nằm ở bờ bắc sông Hương, bước vào bên trong cửa Ngọ Môn, qua khỏi cầu Trung Đạo là Điện Thái Hòa với những con rồng vàng nằm trên các cột nhà sơn đỏ trông thật uy nghi.
Theo tài liệu, hình tượng rồng xuất hiện từ rất sớm với các bộ tộc Bắc Việt ở lưu vực sông Dương Tử. Sau đó, rồng trở thành vật tổ của dân Lạc Việt, tức Việt Nam ngày nay. Vào thời đó, dân chúng sống chủ yếu bằng nghề đánh cá với tục cạo tóc, xăm mình cho giống giao long để tránh nguy hiểm khi lặn ngụp dưới biển. Phải chăng vì thế, người Bách Việt còn được gọi là Giao Chỉ. Nếu hiểu “Giao” là viết tắt của chữ giao long, “Chỉ” là đất thì “Giao Chỉ” là vùng đất có nhiều giao long, hay là nơi ở của nhiều người xâm hình giao long, chứ không phải là chỉ tật có hai ngón chân cái (chỉ) giao nhau. Sau này, khi Hán tộc từ châu thổ sông Hoàng Hà tràn xuống xâm chiếm, các bộ tộc Việt mới bắt đầu di cư về phương Nam theo hai đường: một nhóm theo đường bộ, một nhóm theo đường biển. Phải chăng đây chính là nguyên nhân phát sinh ra truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (con Rồng cháu Tiên)?
Như đã nêu ở trên, rồng đứng hàng đầu trong tứ linh (long, lân, quy, phụng) nên chiếm một địa vị quan trọng trong xã hội Đông Phương. Do đó, dù không hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, rồng vẫn thường được nhắc đến trong nhiều chuyện thần thoại, cổ tích, lịch sử thậm chí trong các câu đố, ca dao, tục ngữ…
“Sông Cửu Long chín cửa hai dòng
Người thương anh vô số
Nhưng anh chỉ một lòng với em”
Đầu rắn, đuôi công
Chân rồng mũi thỏ
Là cá rồng sao
Giống Nam Dương
Sống trên bờ đẻ trứng
Khi chết đuôi ngậm trong mồm”
“Đầu rồng đuôi phụng le the
Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con”
“Trên trời có mây hóa kiểng
Dưới biển có cá hóa long
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em”
“Thế gian được vợ mất chồng
Đâu phải như rồng mà được cả đôi”
“Thuyền phải theo lái, gái phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng phải theo”
“Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Có cha có mẹ mới có ta
Con nên là bởi mẹ cha vun trồng”
“Vóc rồng thì để hầu vua
Vải thô lụa xấu thì chừa cho dân”
“Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người quân tử lạc loài tới đây”
“Rồng nằm bể cạn phơi râu
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi”
“Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình”
“Lỗ mũi em thì tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà…”
“Một đêm tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài”
“Ngồi buồn gởi bức thư sang
Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời
Vậy nên thư chẳng tới nơi
Trong thư ai biết những lời làm sao”
“Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất, anh thương
Anh đi mua gỗ đóng giường tám thang
Bốn góc thì anh bịt vàng
Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng”
Câu “rồng bay phượng múa” để khen nét chữ phóng khoáng, đẹp mà không gò bó. Câu “rồng mây gặp hội” (hay long hổ phong vân) ý nói gặp lúc thuận lợi để thực hiện ý nguyện của mình, thời xưa thường dùng để ám chỉ việc thí sinh gặp kỳ thi để mong đỗ đạt. Những người đỗ đạt cao thường được khen là “cá hóa rồng” hay “cá hóa long” ngụ ý nói xưa là cá chép nay nhờ đỗ đạt (vượt vũ môn) nên được hóa thành rồng. Câu “cá gặp nước, rồng gặp mây” chỉ việc gặp dịp có những điều kiện thuận lợi hợp ý muốn để hoạt động. Để khích lệ người tuy chậm chạp nhưng vững vàng rồi dần dà cũng đạt mục đích như người nhanh nhẩu, người ta hay nói “ngựa long cương ngựa cũng đến bến, voi thủng thỉnh voi cũng đến đò”. Với kẻ bị thất bại vì không có tài mà lại muốn làm việc lớn, người đời thường hay chế giễu “vẽ rồng nên giun”. Hay để chê người cứ vẽ chuyện làm cho công việc thêm phức tạp thì có câu “vẽ rồng, vẽ rắn”. Hay tương tự như câu “chạm rồng, trổ phượng” chỉ việc ưa tô điểm rườm rà. Câu “ăn như rồng cuộn, làm như cà cuống lội nước” ngụ ý chế giễu người ăn nhiều, ăn tham nhưng khi làm việc thì lại lười biếng. Để khuyên ta khi đắc thế phải nghĩ đến khi thất thế, câu “sa cơ, rồng cũng như giun khác nào” thường được nhắc tới. Câu “trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu” ý nói con nhà dòng dõi thì giỏi giang như cha mẹ, con nhà dân thì phải chịu thấp hèn. Phải chăng câu ca dao này không còn hoàn toàn đúng trong xã hội ngày nay nữa? Câu “rồng đến nhà tôm” thường được dùng với ý nhún nhường hay bông đùa khi gặp bạn lâu ngày mới đến thăm mình. Câu “rồng rồng theo nạ, quạ theo gà con” (rồng rồng là cá chuối con mới nở, nạ là mẹ) ý nói cá con theo mẹ thì đúng, nhưng quạ theo gà con để rình bắt đi, ám chỉ người chỉ rình làm hại người khác. Tương tự như câu “vàng thau lẫn lộn” còn có câu “long xà hỗn tạp” ám chỉ việc phức tạp khó biết rõ thật hư, nếu sơ ý thì dễ bị lầm lẫn. Câu “long tranh hổ đấu” chỉ sự tranh đấu quyết liệt. Để ám chỉ chỗ hiểm yếu, người ta hay nói “long hàm, hổ cứ” hay “long đàm, hổ huyệt”. Câu “rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa” (rồng là cơn lốc từ biển vươn lên trời) là một kinh nghiệm dân gian nhận xét màu mây mà đoán mưa hay nắng. Người Việt chúng ta thường tự hào là “con Rồng cháu Tiên” do lấy ý từ tích Lạc Long Quân là giống rồng kết hợp cùng Âu Cơ là giống tiên sinh ra trăm trứng nở ra trăm con, khởi sinh ra thời đại Hùng Vương là tổ tiên của dân Việt.
Người xưa chú ý đến rồng với một sự suy nghĩ có phần đặc biệt, khác hẳn với chúng ta ngày nay. Do đó, rồng đã thành một trong những hình ảnh trang trí có ý nghĩa rất quan trọng trong suốt đời nhà Lý. Theo tài liệu, có thể thấy rằng trong thời Bắc thuộc đã có một nền văn hóa dân gian rất độc đáo riêng biệt của Việt Nam được phổ biến, thậm chí còn tỏ ra trội hơn hẳn nền văn hóa của Trung Hoa. Nền văn hóa đó được thể hiện về mặt nghệ thuật chủ yếu qua các nét vẽ và khắc trên mặt phẳng của những chất liệu dễ tìm nhưng không bảo tồn được lâu dài như tre, gỗ hay bằng nét chạm của đồ trang sức bằng kim loại hết sức tinh vi. Những vết tích cuối cùng của rồng đời Lý mãi đến giai đoạn sau đời vua Lê Thánh Tông mới hoàn toàn mất hẳn.
Rồng còn là đề tài để sáng tác trong các công trình họa, điêu khắc… Múa rồng là một loại trình diễn đặc biệt của Trung Hoa với những mầu sắc lộng lẫy, tiết tấu nhịp nhàng vui nhộn trong tiếng chiêng, trống và tiếng pháo nổ giòn giã. Tục đua thuyền rồng là một môn thể thao vừa nhuốm mầu sắc truyền thống, vừa lý thú bổ ích luôn thu hút được sự tham gia và chú ý của nhiều người. Các cột gỗ, rui, mè, khung treo chuông thường được nghệ nhân điêu khắc hình rồng phượng rất tinh vi. Rồng tượng trưng cho thịnh vượng, an lạc nên thường được trang trí trong nhà hàng, thiệp và tiệc cưới, thiệp báo hỉ,… và ngay cả trên áo cưới nữa. Chiếc áo dài cưới bằng nhung đỏ được kết hình rồng phượng thêu hay rắc kim tuyến thật khéo léo trông vừa lộng lẫy vừa làm tăng nét yêu kiều của cô dâu, rất được nhiều người ưa chuộng và tán thưởng. Trong nhiều gia đình, vào ngày cưới trên bàn thờ tổ tiên còn cần phải thắp cặp nến (đèn cầy) long phượng như một điềm lành cho đôi vợ chồng mới. Có khi người ta còn dùng gối và chăn long phụng trải giường trong phòng tân hôn tương tự như lời chúc phúc mong hai người sẽ luôn hạnh phúc đầm ấm như “long phụng hòa hiệp”.
Tuy vậy, chẳng hiểu sao khi đặt tên, người ta lại “kỵ húy” nên chỉ dùng chữ Thìn hay Long, như: Gia Long là đế hiệu của Nguyễn Ánh khi lên ngôi, mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn. Tương truyền, khi còn thất thế, trong một kỳ bị quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết nhờ có một cồn đất nổi lên cản nên Nguyễn Ánh mới thoát nạn. Vì thế, sau đó cồn đất này được gọi là cồn Rồng. Nhắc đến Gia Long, ta có nhớ đến tên gọi ngôi trường nữ trung học lớn nhất miền Nam mà sau 1975 đã bị đổi tên thành NTMK. Cổ Long (tên một tác giả chuyên viết truyện kiếm hiệp), Tùng Long (tên một tác giả viết truyện tâm lý xã hội), Thành Long, Lý Tiểu Long, Địch Long (là những tài tử Trung Hoa nổi tiếng), Triệu Tử Long (là một danh tướng dưới trướng của Lưu Hán Đế), Ngọa Long là danh hiệu của vị quân sư nổi tiếng thời Tam Quốc Khổng Minh Gia Cát Lượng…. Thử điểm sơ qua một số tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung, ta thấy có: Tiểu Long Nữ là nhân vật nữ nổi tiếng rất được nhiều người mến chuộng trong bộ Thần Điêu Đại Hiệp, Thần Long Giáo tại Long Xà đảo là một môn phái rất lợi hại được đề cập đến trong bộ Lộc Đỉnh Ký, môn võ Giáng Long Thập Bát chưởng được nhắc đến trong cả bộ Anh Hùng Xạ Điêu lẫn Thiên Long Thập Bát Bộ, Tử Sam Long Vương là một trong tứ đại hộ pháp của Minh Giáo trong bộ Cô Gái Đồ Long vv… Đồ Long Đao, Thanh Long Đao là những cây đao nổi tiếng theo truyền thuyết. Trà Ô Long và Long Tĩnh là hai loại trà ngon và quý. Bảo Hiên Rồng Vàng là tên một tiệm bánh nổi tiếng từ trước 1975.
Ngoài ra, người ta còn ưa chuộng kèm chữ Long khi đặt tên các địa danh. Thử nhìn sơ qua những địa phương từ Bắc xuống Nam, (không theo đúng thứ tự), ta có: Thăng Long (tục truyền vì thấy rồng bay trên mây nên vua mới đặt tên thành là Thăng Long), Hạ Long, Minh Long, Phước Long, Bình Long, Long Khốt, Long Mỹ, Long Phi, Long Toàn, Long Hải, Hải Long, Vĩnh Long, Long Xuyên, Long Khánh, Long An, Long Hồ, Đức Long, Long Đất, Long Điền, Long Lâm, Hải Long, Long Thành,… và sông Cửu Long chín nhánh như chín con rồng uốn khúc.
Tuy ngày nay, họ hàng nhà rồng được coi như tuyệt chủng nhưng vẫn còn tồn tại những bà con dây mơ rễ má thuộc loại “thấy sang bắt quàng làm họ… rồng” như: water dragons (một loại bò sát nhỏ thường được nuôi làm cảnh), komodo dragons (một loài bò sát được tìm thấy từ 1912 dài cỡ 10 feet và nặng cỡ 150 pounds), dragonflies, snapdragon flowers (như tên gọi với miệng đỏ và xoan miệng vàng), draco, kỳ rồng, rồng rồng (cá chuối con hay cá tràu con), giao long (alligator hay còn gọi là thuồng luồng), vv… và vv…
Tiện đây, mạn phép liệt kê luôn những “long”, “rồng” dù chẳng liên quan gì đến họ nhà rồng. Như trái thanh long tên nghe đẹp mà lại ăn ngon. Long nhãn là loại trái nhãn tiến ngày xưa dành riêng để vua ăn, rất ngon vì hạt nhỏ, thịt dầy ngọt thanh. Long mạch tương truyền là mạch núi hình như con rồng nằm uốn khúc, rất tốt cho con cháu. Nếu may mắn cải táng tổ tiên đúng long mạch thì con cháu sẽ phát đạt rực rỡ. Long phi ám chỉ việc vua lên ngôi. Long Trì là tên một ngôi sao tốt trong tử vi Đông Phương. Long bong là tiếng nước vỗ mạn thuyền. Ngựa lanh lẹ thường được gọi là long câu. Long diên hương là một loại hương liệu dẻo như sáp, dùng để trị đàm. Long đình là sân rồng, sân chầu. Long đong là vất vả, không chắc chắn. Long huyệt là huyệt tốt, nơi có khí mạnh của núi non tụ lại. Long lanh có nghĩa sáng lóng lánh. Long não là loại cây có cành lá, nhựa thơm dùng làm vị thuốc, thường được để trong các tủ áo, sách để đuổi gián. Long Beach là tên một bãi biển nổi tiếng bên California. Longines là tên một hiệu đồng hồ nổi tiếng. Long quân hay còn gọi long vương là vị thần làm mưa. Trong Tây Du Ký có nhắc Tứ Hải Long Vương là Bắc Hải Long Vương, Đông Hải Long Vương, Tây Hải Long Vương và Nam Hải Long Vương cùng con ngựa bạch (long mã) do thái tử con của Long Vương vì phạm tội nên phải là ngựa đưa thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh chuộc lỗi. Long tu là một loại rong ăn được. Long thịnh còn có nghĩa hưng long, thịnh vượng. Long trọng đồng nghĩa với uy nghiêm và trang trọng. Long cương chỉ việc dây cương bị tuột. Long đanh là một cách nói chỉ việc bị sút đinh, bị tuột cây đinh ở mối đóng ra. Long sòng sọc ám chỉ tia nhìn dữ dội khiến người ta cảm thấy sợ hãi đến long tóc gáy. Long trời lở đất là thành ngữ thường dùng chỉ sự việc làm đảo lộn trật tự. Vòi rồng là tên gọi vòi xịt nước trong xe cứu hỏa. Đậu rồng là tên một loại đậu ăn khá ngon. Hoa móng rồng mầu sắc đẹp tuy không có hương thơm. Cây xương rồng là một loại cây thường mọc nhiều ở sa mạc, với nhiều loại có hình dạng mầu sắc khác nhau; và được nhắc đến trong một câu đối xưa: “cây xương rồng giồng đất rắn, long lại hoàn long”. Rồng trúc có nghĩa cây gậy trúc hóa thành rồng. Theo tích đời xưa có bậc tiên ném gậy trúc xuống ruộng sắn thì hóa ra rồng. Rồng rắn là một trò chơi của trẻ em rất đơn giản nhưng không kém phần vui nhộn.
Theo tử vi Đông Phương, người tuổi Thìn có thiên tài về sức khoẻ, nghị lực, can đảm, và nhạy cảm. Họ nói chuyện ngay thẳng và chân thực. Tuổi Thìn thường biểu hiệu cho sức mạnh thần thánh và xuất chúng nhất. Cùng với tuổi Dần, tuổi này có ảnh hưởng rất lợi trong tử vi. Biểu tượng cho đời sống và tăng trưởng người ta nói rồng có bốn điều phúc lợi: đức hạnh, giàu có, hài hoà, và sống lâu. Tất cả những tuổi trong cung tử vi thì tuổi này là tuổi phi thường nhất. Tuổi rồng là người làm rất giỏi, nhưng đôi khi bày tỏ thành ý trong những việc xấu hơn là tốt. Ngạc nhiên thay! Tuổi Thìn rất dễ bị mềm lòng bởi lời nịnh hót. Nóng nẩy, dễ bị kích thích, và rất là cứng đầu, họ để cho hôn nhân vuột khỏi rồi phải đương đầu với sự cô đơn vào tuổi già. Rồng là con vật ngoại lệ, cho dù phun lửa hoặc quấy nhiễu, người tuổi Thìn thường thu hút, và cùng lúc thưởng thức sự chú ý của người khác. Người cầm tinh tuổi rồng đòi hỏi nhiều hơn khi ở nhà những hoàn cảnh mà cần hành động mạnh dạn hơn là những thông lệ trong công việc hàng ngàỵ Người tuổi Thìn thì tự tin và có thể bỏ nhiều sức vô công việc để đương đầu với những đòi hỏi trong lúc ấy – cho tới khi họ có thể đi quá mức và xét đoán sai lầm qua sự thúc đẩy, mệt mỏi, hoặc thiếu sự tra cứu. Từ người yêu, họ được nhiều sự kích thích qua sự hòa đồng. Bởi thế, người bạn đời cần có chung luồng sóng điện rất là cần thiết cho người tuổi Thìn.
Chẳng hiểu tại sao người ta lại biết được là rồng hợp với chuột và khỉ (Thân Tý Thìn tam hợp) và kỵ nhau với chó, trâu và dê (Thìn Tuất Sửu Mùi tứ hành xung). Có lẽ vì chuột và khỉ cũng lí lắc, lanh lẹ và ưa trò nhào lộn như rồng nên mới ý đầu tâm hợp chăng? Nếu đúng vậy thì chẳng trách nào rồng ta không ưa bác trâu già chậm chạp, cụ dê đủng đỉnh với anh chó lăng xăng. Theo ngũ hành, “Thìn” thuộc Dương, hành Thổ, vượng vào các tháng 3, 6, 9, 12. “Canh” thuộc Dương, hành Kim. Như vậy theo quẻ đoán… mò, năm Canh Thìn thuộc Dương sẽ là một năm hưng thịnh với nhiều thành công và những điều thú vị bất ngờ. Nếu bạn nào muốn biết rõ hơn về thời vận năm nay, xin vui lòng liên lạc về 1-800-ĐOAN-MO.
Mến chúc các bạn một năm Canh Thìn (*) an khang, thịnh vượng và đạt nhiều may mắn, thành công trong mọi dự tính cho… thế kỷ 21 nha.
Tứ Diễm
Dec. 15, 1999
(*) Canh Thìn: năm 2000 Đấu thế kỷ XXI. Do tác giả viết bài này năm 1999 (BBT.TVGĐPT).