TAY VÔ SỰ
Đời Đường, tướng quốc Bùi Hưu là một cư sĩ học thiền, ông cho mình tham thiền được tâm đắc, nên dùng văn tự ghi chép và biên soạn thành sách. Sau đó ông đem đến cung kính trình với Thiền Sư Hoàng Bá, hy vọng rằng Thiền Sư xem xong sẽ có lời chỉ dạy.
Thiền Sư Hoàng Bá nhận sách của Bùi Hưu, để trên bàn không xem. Sau thời gian khá lâu, sư hỏi tể tướng Bùi Hưu:
– Ông hiểu ý ta chăng?
Bùi Hưu thành thật đáp:
– Không.
Thiền Sư Hoàng Bá phương tiện khai thị:
– Thiền là giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, ông bày tỏ Phật Pháp trên văn tự bút mực, đó là giết chết chân nghĩa Phật Pháp và chôn vùi tông chỉ của ta, nên ta không xem.
Bùi Hưu nghe xong liền khế nhập lý thiền và càng kính trọng Thiền Sư Hoàng Bá, rồi làm một bài tụng khen tặng:
Từ khi Đại Sư truyền tâm ấn
Trán có viên châu bảy thước thân
Treo tích mười năm nơi Thục Thủy
Ngày nay ôm bát đến Chương Tân
Tám năm long tượng tùy cao bước
Muôn dặm hương hoa kết thắng nhân
Quyết chí theo thầy làm đệ tử
Chẳng hay đem pháp dạy xa gần.
Thiền Sư Hoàng Bá xem bài tụng này, hoàn toàn không có ý kiến gì cả, chỉ làm một bài tụng đáp lại:
Tâm như biển cả không ngằn mé
Chỉ nhả sen hồng dưỡng bệnh thân
Từ khi có được tay vô sự
Chưa từng lễ lạy rảnh nhàn thân.
Lời bình:
Trong sử Thiền Tông Trung Quốc, Thiền Sư Hoàng Bá là người chánh trực nhất. Ngài và Thiền Sư Lâm Tế là thủy tổ gậy, hét. Lúc sáu mươi lăm tuổi, Ngài trụ chùa Long Hương – Giang Tây, Bùi Hưu đem những lời thuyết pháp của Ngài biên tập thành quyển thượng Truyền Tâm Pháp Yếu. Năm bảy mươi hai tuổi, Ngài ở chùa Khai Nguyên – Hà Nam, Bùi Hưu đem những lời khai thị của Ngài biên tập thành quyển hạ Truyền Tâm Pháp Yếu. Nhưng đối với ký lục của Bùi Hưu, Ngài không thèm đọc. Đủ thấy rằng cao phong thiền môn của ngài không phải dễ.