Năm tôi học lớp đệ tam, sau một mùa hè dạy kèm tại gia tôi kiếm được số tiền tương đương với một chỉ vàng hồi ấy, bán thêm hai con gà trống được mấy đồng, tôi quyết chí tìm nhà anh Ba Hạnh.
Hồi đó vợ chồng anh Ba Hạnh đã qua đời. Thằng Tư con của anh Ba đã có vợ. Tuy lớn hơn tôi cả năm bảy tuổi, nhưng dáng người ốm nhỏ, trông như trạc tuổi tôi. Được tôi đến thăm và cho quà, vợ chồng nó mừng rỡ và hãnh diện gọi tôi bằng cậu nghe ngọt xớt. Tôi thấy ngượng và bảo rằng: “Chúng mình là bạn, cứ mầy tao mi tớ cho vui, xưng con gọi cậu làm gì khách sáo”. Nó thật thà trả lời: ”Cha con dặn, giấy rách phải giữ lấy lề, đó là đạo lý làm người”.
Hôm ấy tôi ở lại qua đêm với gia đình nó. Tôi hỏi: ”Mầy thứ năm sao lại gọi là Tư?”. Nó giải bày:
– Cha con ngày xưa thứ ba. Cha con chỉ có mỗi mình con là trai, nên cha con đặt tên con là Tư là có ý con phải nối chí cha, sống cuộc đời phải có thủy có chung. Tuy không giàu sang phú quý, nhưng sẽ được người người thương mến. Đó là hạnh phúc của cuộc sống.
Khi sắp sửa đến giờ ăn cơm tối, tôi đến bên bàn thờ thắp một cây nhang. Trên bàn thờ chỉ có độc một bát nhang đan bằng dây giang, không phải bằng sành sứ, lót bằng chiếc lá soạp đổ tro vào và cắm nhang. Khi tôi vái, nó đứng cạnh bên rất vui và nói rằng: ”Cậu Mười con ông Ấm đến chơi và ở lại nhà mình dùng cơm với con. Giờ cậu thắp nhang cho cha. Cha có vui không? Còn con thì vui lắm. Vợ con cũng vui nữa. Cậu còn cho con tiền và quần áo nữa”.
Bửa cơm sau đó thật đạm bạc, chỉ có mắm và rau tập tàng nhưng ăn rất ngon miệng. Bàn ăn là một tấm nong lật ngửa để ở giữa sân, có trăng sao soi sáng làm đèn.
Cơm nước xong, thằng Tư sai vợ rút chiếc chiếu cói cất trên mái tranh ra sau hè rũ bụi, trải trên chiếc chỏng tre ở nhà trên mời tôi nằm nghỉ. Nằm trằn trọc rất lâu không ngủ được, tôi hé cửa bước ra sân. Sương xuống thật nhiều nhưng thằng Tư vẫn còn ngồi trên chiếc nong và say sưa ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Tôi bảo nó đi ngủ, khuya rồi, nhưng nó trả lời: Mỗi khi có chuyện vui, nó thường ngồi đây tâm sự với sao và tiếp: Cha con cũng như con, không được học ở trường ở lớp, nhưng được cái học với trăng sao.
– Học với trăng sao là học như thế nào?
Nó giải thích:
– Quanh cái mặt trăng vào giữa mùa hạ, nếu thấy xuất hiện chòm sao rất nhỏ là chị Hằng đã đẻ sao rua, mình bắt đầu xuống hạt vụ lúa gieo. Muốn cho cuộc sống ấm no thì phải siêng chăm lao động, khi sao Mai xuất hiện ta phải thức dậy lo cơm nước chuẩn bị nông cụ ra đồng. Khi gây gổ xích mích cùng người khác nên nhìn vào sao Hiệp Sĩ mà hành động. Không đánh lén, không đâm sau lưng, không nói xấu, không xúc phạm người. Hiệp sĩ trước khi ra đòn, lùi lại một bước, đưa tay rút kiếm, báo cho địch thủ biết để chuẩn bị rồi mới tấn công. Đồng bào chúng ta thà bị người phụ, chứ quyết không phụ người. Vì thế sức chịu đựng của đồng bào lao động ở miệt vườn là vô cùng to lớn… Muốn có chén cơm đầy, chiếc áo ấm, cậu hãy xem kỹ sao Thần Nông. Ông Thần Nông tay nắm chiếc bắp cày, tay kia cầm một nhánh cây. Đó không phải là cây roi để đánh trâu bò. Bản chất nông dân chúng ta là cái bụng đôn hậu, thương yêu trâu bò. Ông ấy đang cầm một cây thuốc đấy. Cho nên cày ruộng gặp cây lành làm thuốc được, nên nhổ và đặt ở bờ ruộng để nó có thể sống được và khi canh tác rủi có bị tai nạn gì thì biết lấy nó mà dùng, sẽ tai qua nạn khỏi. Khi có chuyện gì phải đi đâu thì đêm ấy hãy nhìn sao Thiên Y. Tay chân phải rửa sạch, quấn hoặc vắt một chiếc khăn lên vai, trước là để xài, sau là làm vũ khí hộ thân… Tôi cắt ngang:
– Vũ khí gì chiếc khăn?
– Ậy! Có học như cậu sao lại nói thế? Quyền khăn là biến thức của quyền roi; đao kiếm chém không đứt; hóa giải lực đạo của binh khí. Trói chặt được địch thủ mà không sát hại đối phương.
Nói xong thằng Tư liền biểu diễn. Nó bước qua trái, tiến lên, hoành thân qua phải rồi thối hậu. Hai tay cầm hai chéo khăn, luân chuyển một cách đẹp mắt. Tôi đứng trố mắt nhìn. Nó thu quyền ngồi xuống. Tôi vổ vai nó tán thưởng:
– Mầy thật thông minh và có tài!
Nó bẽn lẽn cúi đầu:
– Cậu lại trêu con, con mà tài cán chi!
Tôi tò mò:
– Trời có nhiều sao thế kia, chắc mầy còn biết nhiều sao khác nữa?
– Cha con dạy nhiều lắm, có đến hàng mấy trăm sao.
– Mầy kể tiếp đi!
– Cậu có thấy một dãy sao li ti như cát, trải dài kia không? Đó là dòng sông Ngân Hà. Đó là một dòng Sao trên trời. Mắt nhìn về phương bắc, bên nầy có chòm sao Ngưu. Đó là thằng chăn trâu. Nhìn dòng nước chảy mà học được đạo lý. Nếu mình nhìn chăm chú sẽ thầy ánh sáng sao đi thành một luồng từ Nam ra Bắc như một dòng nước chảy. Như thế là chảy thuận và quần lưu cuối dải bầu trời bạc là biển trời. Khi chăm chú nhìn và thấy quầng sáng nghịch lại, từ Bắc vô Nam, là hạn hán, mất mùa vì nước biển trời tràn lên sông, hại cả hoa màu. Trời nhiều sương vào mùa thu thì mùa màng mất trắng, mình phải tích lũy lương thực, phòng đói kém. Chăn trâu là nói nông nghiệp đấy. Phía bên kia có chòm sao Chức Nữ, bạn đời của thằng chăn trâu. Chòm sao ấy có hình cô gái ngồi dệt lụa, có khung cửi hẳn hoi. Đó là biểu thị của nền thủ công nghiệp. Cậu biết không, khi dòng Ngân Hà chảy ngược, sao Ngưu và sao Chức Nữ biến mất.
Câu chuyện đang lúc hấp dẫn, vợ thằng Tư mang một rổ lạc rang và một bát nước chè tươi còn nóng mời tôi và chồng nó cùng dùng.Tôi bảo:
– Nhà Tư có hiểu và thuộc tên một số vì sao như thằng Tư không?
Nó vân vê tà áo trả lời:
– Anh Tư dạy cho con nhiều lắm. Con thương những vì sao của ảnh rồi lấy ảnh luôn.
Nói xong nó vụt chạy vào nhà. Thằng Tư xoay qua tôi:
– Lấy nhau gần ba năm rồi mà nó còn mắc cỡ.
Bổng một đoàn người cầm đuốc hối hả khiêng một người chạy vào. Thằng Tư đứng phắt dậy, nhìn tôi đang hốt hoảng nó trấn an:
– Cậu bình tỉnh, không có chuyện gì đâu, chắc là có người đi soi bị rắn cắn.
Quả vậy, một ông lão nhà quê đi chân đất, ở trần, chỉ vận một chiếc quần đùi, lắp bắp:
– Tư ơi cứu dùm thằng Tèo nhà bác. Nó bị rắn hổ đất cắn ở mắt cá chân.
Nhìn sơ qua vết thương, cả bàn chân sưng to. Môi miệng bệnh nhân run cầm cập. Mình nóng như lửa đốt. Thằng Tư vội vã rút con dao xếp lận ở cạp quần rạch một vệt ngắn gần vết thương rồi nằm sấp xuống đất tay bóp miệng hút máu ra phun xuống đất. Một hồi độ vài ba phút, vợ nó cầm một cây thuốc vừa nhổ sau vườn ra nhai ngấu nghiến cả đất cát, vạch miệng thằng Tèo nhã vào rồi bóp mũi nó. Thằng Tèo nuốt đánh ực ba bốn tiếng liên tiếp. Lúc ấy thằng Tư mới ngồi dậy, lấy phần cây còn lại trên tay vợ thong thả nhai và đắp lên vết thương. Mọi người yên lặng ngồi bệt dưới đất lấy thuốc rê ra vấn hút.
Một lúc sau thằng Tèo trở mình rồi ngồi dậy. Ông lão mừng quá chắp hai tay lạy thằng Tư và nói:
– Tư ơi! Mầy nhân đức quá, mầy đã cứu thằng Tèo tao rồi.
Thằng Tư đỡ ông lảo dậy, hôn vào má ông đánh chụt một cái nói:
– Có gì đâu, bác làm con tổn thọ, con bắt đền bác đấy.
Lúc bấy giờ họ mới phát hiện ra tôi. Thằng Tư hiểu ý giới thiệu:
– Cậu chủ của cha con đấy. Cậu đến thăm vợ chồng con, ở lại ngủ với con, mai mới về thành phố.
Ông lão xoa tay xuýt xoa:
– Nhân đức quá! Tôi thường nghe anh Ba Hạnh nói về ông cụ rất nhiều. Tôi thay mặt bà con kính chào cậu ạ.
Rồi như nhớ ra đêm đã khuya, tất cả đứng dậy cảm ơn, chào ra về. Tôi vỗ vai Tư:
– Mầy lại là thầy thuốc nửa à?
– Thầy bà gì đâu cậu. Con theo cha lên trại chăn trâu cho ông, con nhìn thấy một con rắn mối và một con rít cắn nhau. Con rắn mối bị con rít cắn cho mấy phát, bỏ chạy lại cây chùm rượu cắn vào gốc cây nầy nhai và nuốt xong, nó chạy lại chỗ con rít đang bị thương, cắn nhau tiếp. Cuối cùng nó ăn luôn cả con rít. Một hôm khác con bị rắn lục cắn. Con liền chạy đến cây chùm rượu nhỏ nhổ lên cắn nhai cả gốc rễ nuốt luôn thấy bớt. Con liền nhổ một ít cây chùm rượu trồng ở ảng nước sau nhà. Sau mấy lần áp dụng đều có kết quả, con trở thành ông thầy chửa rắn cắn thế thôi.
Vợ thằng Tư từ trong nhà bước ra nói chen vào:
– Anh ấy dấu tài với cậu đấy. Ảnh mát tay lắm, còn biết chích lễ và chửa nhiều thứ bệnh khác nữa.
Thằng Tư mắng yêu vợ:
– Chị mầy lại bốc thơm chồng mình rồi. Không khéo cậu cười cho đấy.
Từ trong nhà bước ra với một miếng mít to vừa cắt cùi xong, đặt lên chiếc mâm gỗ, vợ nó nói:
– Ông Chín vừa mới chui rào từ vườn sau biếu một trái mít mật ngon hết chỗ nói, để anh mời cậu dùng khuya.
Thằng Tư đùa:
– N. Bộ mầy xực thử trước cậu hay sao mà biết mít ngon?
– Em mới ăn thử có một múi, xem ngon dỡ mới mời cậu với anh dùng chứ bộ.
Tôi mời chị Tư cùng ngồi ăn mít cho vui. Chị Tư nhìn chồng, thằng Tư bảo:
– Cậu cho phép, sao mình không ngồi xuống đi.
Sau khi dùng mít no nê, chúng tôi vào nhà ngủ. Sáng hôm sau tôi từ giả, vợ chồng Tư biếu tôi cả một bao tải đựng bí, bầu, mít, đậu… cả hơn hai mươi ký. Tôi từ chối, cả hai vợ chồng đều khóc. Tôi hối hận bèn cột cả bao quà lên xe đạp rồi lên đường. Hai vợ chồng chạy theo xe một đoạn, chúc tôi bình an, còn dặn với thêm: ”Lâu lâu nhớ ghé lên chơi với bọn con cậu nhé, bọn con chờ trông cậu đấy”.
Ra đến đầu làng nhìn lại, vợ chồng thằng Tư còn chạy lúp xúp trong bờ tre đưa tay vẫy vẫy. Tôi thực sự xúc động và sung sướng, thấy mắt mình cay cay…
Vâng! Tôi đã khóc./.