I. LƯỢC SỬ
1. Thân thế và đạo nghiệp :
Thiền sư gốc người ở huyện Trinh Hương, phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông, con nhà họ Tạ, sanh vào giờ Tuất ngày 18 tháng 05 năm Mậu Tý (08.07.1648). Viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (20.11.1728).
Năm 19 tuổi (1666) thiền sư cát ái từ thân, xuất gia học đạo với Hòa thượng Bổn Quả – Khoáng Viên ở chùa Bảo Tự , được ban Pháp danh là Nguyên Thiều pháp tự Hoán Bích, pháp hiệu Thọ Tông thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33.
Thiền sư theo thuyền buôn sang Đại Việt năm 1677 (Đinh Tỵ) trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ban đầu Ngài cư trú tai phủ Quy Ninh (Bình Định bây giờ), lập chùa Thập Tháp Di Đà để hoằng dương chánh pháp, chùa được xây dựng trên đồi Long Bích phía bắc thành Trà Bàn (Đồ bàn) thuộc địa phận làng Thuận Chánh huyện Tuy Viễn (Sau chùa có 10 ngôi cổ tháp người Chàm trước đây nên gọi là Chùa Thập Tháp). Chùa lập năm Đinh Tỵ (1677) và khánh thành năm Quí Hợi (1683). Năm 1683 Ngài ra Thuận Hóa làng Hà Trung dựng chùa Phổ Thành (hay chùa Hà Trung) (1) thuộc huyện Phú Lộc, rồi dựng chùa Vĩnh Ân (sau đổi là chùa Quốc Ân, chùa được khánh thành năm Giáp Tý – 1684 đời chúa Hiền) ở Phú Xuân và xây tháp Phổ Đồng năm 1684, chùa tọa lạc tại ấp Phúc Quả. Chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho liễn đối có ghi đạo hiệu của chúa “ Thiên Tùng Đạo nhân ” (sách Đại Nam thống chí ghi rằng : Tháp Phổ Đồng được xây trước chùa Quốc Ân, sau đó bị chiến tranh tàn phá).
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Trăn chúa có nhờ Ngài Nguyên Thiều qua Trung Hoa thỉnh pháp khí, pháp tượng và mời các cao Tăng như sau :
– Thiền sư Giác Phong (khai sơn chùa Hàm Long tức chùa Báo Quốc ở Phú Xuân).
– Thiền sư Từ Lâm (khai sơn chùa Từ Lâm ở Phú Xuân)
– Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung (khai sơn chùa Ấn Tông nay là chùa Từ Đàm ở Phú Xuân).
– Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam).
– Thiền sư Hưng Liên – Quả Hoằng (trụ trì chùa Tam Thai trên núi Ngũ Hành Sơn Quảng nam) và một số thiền sư khác thuộc phái Tào động.
Sau khi hoàn thành sứ mạng tốt đẹp, Tổ sư Nguyên Thiều được chúa Nguyễn hỗ trợ mở một Đại Giới đàn để truyền giới cho các thiền sư thuộc phái Lâm Tế ở Trung Hoa mới sang Đàng Trong và các thiền sư thuộc phái Trúc Lâm trước đây, cùng một số tăng sĩ ở Đàng Trong theo thọ pháp với phái Lâm Tế.
Sau khi ở chùa Quốc Ân một thời gian khá lâu, đến năm 1692 vì có một cuộc nỗi loạn do một số người Hoa lãnh đạo, khiến cho chúa Nguyễn Phước Châu xuống sắc đưa Tổ sư Nguyên Thiều lại về trụ trì chùa Hà Trung. Đến năm 1694, Nguyễn Phước Thông và Nguyễn Phước Huệ lại âm mưu chống chúa Nguyễn Phước Châu, âm mưu bị lộ cả 2 đều bị giết, sau đó năm 1695 một người Hoa ở Qui Nhơn, tên là A Ban hợp cùng một người tên Linh nổi loạn ở Quảng Ngãi – Qui Nhơn. Vì vậy tổ sư Nguyên Thiều và một số đệ tử của Ngài vào miền Nam lánh nạn ẩn tích và hoằng hóa ở vùng đất Đồng Nai (người Việt và người Hoa đến làm ăn sinh sống khá đông). Ngài lập chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo dinh Trấn Biên (xã Tân Phước, thị xả Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai ngày nay). Ngài viên tịch ở đây ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (20.11.1728) thọ 81 tuổi. Trước khi tịch Ngài cho tập trung Tăng đồ, dặn dò mọi chuyện và truyền lại bài kệ sau :
“Tịch tịch cảnh vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không”
dịch : Lặng lẽ gương không chiếu bóng
Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình
Rõ ràng vật không phải vật
Mênh mông không chẳng là không.
Ý ngài muốn khai thị chúng tăng : thể pháp thân thanh tịnh trong sáng như tấm gương, tuy hiện tiền sự vật có sai khác nhưng đều là một thể pháp thân biến hiện, thể pháp thân vắng lặng mà không phải là không, tức là lý chơn không diệu hữu vậy.
Sau khi Ngài thị tịch Tháp cùa Ngài được đồ chúng lập tại chùa Kim Cang (phát hiện vào ngày 26.12.1988 – đã đăng trên báo Giác Ngộ số 316 và 317 năm 1989) và được đồ chúng trong môn phái Thiền Lâm Tế trùng tu nhiều lần và lần cuối cùng vào thập niên 1900 – 1910 do 3 vị đứng đầu trong một trường Hương được tổ chức ở chùa Kim Cang cùng chư Tăng trong tông phái Lâm Tế ở các tỉnh miền Nam đứng ra trùng tu gồm :
– Pháp sư là Hòa Thượng chùa Sắc Tứ Từ Ân ở Gia Định.
– Thiền Chủ là Hòa thượng chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một (Bình Dương).
– Chủ Hương là Yết ma chùa Phổ Quang Biên Hòa
Và 3 Hòa thượng chứng minh công trình trùng tu là :
– Hòa thượng chùa Hưng Long Thủ Dầu Một (Bình Dương)
– Hòa thượng chùa Đức Sơn Thủ Dầu Một (Bình Dương)
– Hòa thượng chùa Long Thạnh Gia định.
Sau khi Tổ sư viên tịch ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), đồ chúng ở phủ thành Phú Xuân và Thuận Hóa lập “ tháp vọng ” để thờ ở chùa Hà Trung và xin với chúa Nguyễn Phước Trú (1725-1738) ban cho bài Minh. Nhân lễ Phật Đản năm Kỷ Dậu (1729) chúa Nguyễn Phước Trú ban thụy hiệu cho Tổ sư là “ THIỀN SƯ HẠNH ĐOAN ” và ban cho bài Ký Minh trên tháp “ Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp Ký Minh ”. Bài minh khắc vào bia để ca tụng đạo hạnh của Ngài như sau :
Dịch :
Ưu ưu Bát Nhã Cao vút trí tuệ
Đường đường Phạm thất Phạm hạnh vun trồng
Thủy nguyệt ưu du Giới dao một lưỡi
Giới trì chiến lật Trăng nước thung dung
Trạm tịch cô kiên Ngài đứng một thân
Trác lập khả tất Trăng lặng kiên cường
Quán thân bốn không Hoằng pháp lợi người
Hoằng pháp lợi vật Quán thân vốn không
Biến phú từ văn Mây từ che khắp
Phổ chiếu tuệ nhật Trời tuệ chiếu cùng
Chiêm chi chiêm chi Ngắm đi ngắm đi
Thái sơn ngật ngật Thái sơn oai hùng)
Sau khi chúa Nguyễn Phước Trú ban cho Tháp của Tổ sư ở Chùa Sắc Tứ Hà Trung bài “ Ký Minh ”, đồ chúng ở Phú Xuân lập Tháp “ Hóa Môn ” để thờ. Tháp Ngài dựng bên một ngọn đồi nhỏ thuộc xóm Thuận Hòa, làng Dương Xuân Thượng, cách đàn Nam Giao (Huế) khoảng 1km về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km theo đường bộ (nay ở gần chùa Trúc Lâm thuộc làng Thủy Xuân, thành phố Huế).
2. Ảnh hưởng kế thừa :
Thiền sư Nguyên Thiều là vị tổ truyền phái Lâm Tế đầu tiên ở miền Trung nước ta và cũng là người đầu tiên đem đạo Phật truyền bá vào Thuận Hóa (Thừa Thiên bây giờ). Nối tiếp Ngài là những pháp tử và pháp tôn nổi danh, cùng đại chấn tông phong phái Thiền Lâm Tế ở Đàng Trong và còn truyền thừa đến tận ngày nay như :
a. Thiền sư Minh Giác Kỳ Phương hay Thành Đạo (1682-1744)
Là người kế thế Tổ sư trụ trì chùa Thập tháp – Di Đà ở Qui Nhơn sau đó ra trụ trì chùa Thiên Mụ và chùa Quốc Ân, ngài có đệ tử là Phật Tỉnh – Từ Nghiêm ở chùa Hưng Long.
b. Thiền sư Minh Vật – Nhứt Tri (? – 1786)
Là người kế thế Tổ sư trụ trì chùa Kim Cang (Đồng Nai), ngài có đệ tử nổi danh như :
– Thiệt Thành – Liễu Đạt hay Hòa Thượng Liên Hoa ở chùa Từ Ân và Khải Tường Gia định, có thời được cử làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ (1817-1823).
– Thiền sư Thiệt Thoại -Tánh Tường khai sơn chùa Huê Nghiêm Thủ Đức.
c. Thiền sư Thành Đẳng – Minh Lượng – Nguyệt Ân (1686-1769)
Hoằng hóa ở chùa Đại Giác (Đồng Nai), khai sơn chùa Vạn Đức Hội An và chùa Bảo Phong Khánh Hòa, ngài có các đệ tử nổi danh như :
– Thiệt Địa – Pháp Ấn khai sơn chùa Kim Sơn, Kim Ấn ở Khánh Hòa.
– Phật Ý – Linh Nhạc khai sơn chùa Từ Ân và Khải Tường ở Gia định
– Phật Tuyết – Tường Quang kế thế trụ trì chùa Vạn Đức
– Phật Tường – Đức Liên khai sơn chùa Quang Hòa (Bình Định)
d. Thiền sư Minh Hằng – Định Nhiên :
Kế thế Tổ sư trụ trì chùa Quốc Ân có đệ từ là Thiền sư Thiệt Tánh – Trí Hải.
e. Thiền sư Minh Phụng :
Khai sơn chùa trên núi Hòn Sấm (khánh Hòa), gần chùa Bào Phong.
f. Thiền sư Thành Ngộ – Nghiêm Am
Hoằng hóa ở chùa Linh Thứu (hiện nay không rõ chùa này ở đâu và truyền thừa ra sao)
g. Thiền sư Thành Chí – Pháp Thông – Minh Dung (1691-1749)
Hoằng hóa ở chùa Hoàng Long.
h. Thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn
Khai sơn chùa Châu Thới và chùa Long Thiền (Đồng Nai) có đệ tử là Phật Chiếu – Linh Quang khai sơn chùa Phước Tường ở Thủ Đức.
i. Thiền sư Minh Hải – Pháp bảo (1670-1754)
Còn gọi là Pháp Hóa hiệu Đắc Trí khai sơn chùa Chúc Thánh QuảngNamvà chùa Thiên Ấn tại Quảng Ngãi.
Chính nhờ ảnh hưởng đạo hạnh của Ngài, các vị tăng ở trên và những vị thừa kế Ngài, sau khi Ngài tịch đã tiếp tục hoằng hóa tích cực xiển dương đạo pháp, dân chúng được ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật.
II. NHẬN ĐỊNH :
Vẫn biết trong thời Trịnh Nguyễn, ngoài Thiền Sư Nguyên Thiều, cũng còn nhiều thiền sư khác nữa đến miền Trung nước ta nhưng Thiền Sư là một trong những vị đến sớm nhất và lại là người có nhiều công lớn với Phật giáo ViệtNamtrong thời nầy. Ngài còn là một trong hai vị Tổ của phái Lâm Tế ở ViệtNam. Ngày nay mỗi lần hàng Phật tử chúng ta tưởng niệm đến Ngài là tưởng niệm một ân tăng trong thời kỳ Phật giáo ViệtNamđang suy đồi.
Qua những tư liệu về lịch sử của Ngài, đến giờ này vẫn chưa có một tư liệu thống nhất về lịch sử, mong rằng một ngày rất gần đây chư vị tôn túc của Phật giáo nước nhà sẽ kết tập và hiệu chỉnh tư liệu để có được một tư liệu đầy đủ và chân xác đối với một danh Tăng từng có công đầu trong việc phục hưng Phật giáo nước nhà.
Chú thích :
(1) : Theo Việt Nam Phật Giáo Sử luận của TT Mật Thể và Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Lang thì năm Ngài sang Việt Nam (Bình Định là năm 1665) và tháp của Ngài được tôn tạo tại chùa Quốc Ân Huế. Nhưng theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức do nhà xuất bản Tp. HCM ấn hành năm 1993 thì năm Ngài đến Việt Nam (Bình Định) là năm 1677 và tháp có nhục thân của Ngài được tôn trí tại chùa Kim Cang (Đồng Nai).
SÁCH THAM KHẢO :
– “ Việt Nam Phật Giáo sử lược ” của Thượng Tọa Thích Mật Thể.
– “ Việt Nam Phật Giáo sữ luận ” tập II của Nguyễn Lang do nhà xuấn bản Văn học Hà Nôi tái bản lần thứ 3 năm 1994.
– “ Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong ” của Nguyễn Hiến Đức do nhà xuất bản TP.HCM ấn hành năm 1993