TRÒ CHƠI TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
(Tài liệu HLHT A Dục – Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN – tu chỉnh 2001)
Trong bài “Ứng dụng Phật Pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử”, chúng ta đã thấy rõ: Trò chơi là phương tiện để thể hiện chủng tử, thể hiện cá tính của mỗi Đoàn Sinh. Chúng ta sẽ thấy, trò chơi là một phương tiện để huân tập những chủng tử tốt vào tâm hồn các em. Chính vì vậy, Gia Đình Phật Tử lấy Trò Chơi – không phải chỉ làm phương tiện giải trí lành mạnh mà cốt yếu là để giáo dục các em.
Có 2 loại trò chơi:
– Trò Chơi Nhỏ thường áp dụng trong những buổi sinh hoạt.
– Trò Chơi Lớn thường thực hiện trong các kỳ trại.
A. TRÒ CHƠI NHỎ:
I/ THẾ NÀO LÀ TRÒ CHƠI NHỎ:
Trò Chơi Nhỏ là trò chơi chỉ trong vòng một vài phút, xen vào trong các buổi sinh hoạt để thêm phần linh động, tươi vui, giải trí lành mạnh.
II/ MỤC ĐÍCH CỦA TRÒ CHƠI NHỎ:
Như đã trình bày ở trên, mục đích của trò chơi nhỏ không những chỉ có giải trí vui chơi lành mạnh mà mục đích chính là để giáo dục Đoàn Sinh bằng phương pháp hoạt động và huân tập, phù hợp với tâm sinh lý trẻ.
Một buổi sinh hoạt mà thiếu những trò chơi thì thật là buồn tẻ, gây sự nhàm chán cho Đoàn Sinh với Gia Đình Phật Tử. Trò chơi còn là phương tiện để đưa giáo lý vào tâm thức các em một cách nhẹ nhàng tự nhiên như những trò chơi gợi lên lòng Từ bi, những trò chơi phát huy Trí tuệ, những trò chơi cũng cố hoặc khắc sâu những điều giáo lý vừa học như: Trò chơi “Người mù cỏng người què” (tình tương trợ), trò chơi “Bi Trí Dũng” khắc sâu châm ngôn của Gia Đình Phật Tử, trò chơi “Hái hoa” (gây ý niệm vô thường), trò chơi “Luân hồi” v.v…
Tóm lại, mục đích của Trò Chơi Nhỏ nhằm:
– Tập cho rrẻ những đức tính tốt.
– Luyện giác quan.
– Phát triển thân thể.
– Giáo dục theo phương pháp Hoạt Động và Huân Tập.
III/ PHÂN LOẠI TRÒ CHƠI:
Dựa vào mục đích chúng ta có thể chia trò chơi nhỏ ra làm nhiều loại:
1) Trò chơi luyện thân thể: Ví dự như nhảy cừu; ném bóng; người què cỏng người mù chạy loạn…
2) Trò chơi luyện giác quan: Ví dự như họa sĩ mù (người mù cỏng người què vừa luyện thân thể vừa luyện giác quan); tìm đồng hồ (cất dấu dồng hồ, nghe tiếng kêu của đồng hồ mà tìm); chim bay – cò bay; tìm nhạc trưởng…
3) Trò chơí luyện trí nhớ: Ví dự như hóa trang; kim; ngắm hoa trong vườn (tạo một vườn hoa bằng vòng tròn vạch trên mặt đất, bỏ vào nhiều loại hoa trong đó, sau 3 phút, di chuyển đi nơi khác, mỗi em liệt kê lại trên giấy, em nào liệt kê lại đầy đủ là thắng cuộc)…
4) Trò chơi tập nhanh nhẹn: Ví dự như giật cờ; đổi lồng…
5) Trò chơi luyện tinh thần đồng đội: Ví dự như kéo co; chạy tiếp sức (cũng là trò chơi luyện thân thể)…
Ngoài ra còn có thể chia ra trò chơi Động, trò chơi Tĩnh.
1) Trò chơi động: Đa số các trò chơi đều hoạt động, hoặc hát hò hay la hét.
2) Trò chơi tĩnh: là trò chơi giữ rất im lặng, tập trung tư tưởng. Ví dụ: Trò chơi đánh điện tín (một bản điện tín đánh đi theo 2 phía, chia vòng tròn làm 2, một nửa gởi đi về bên phải, một nửa gởi đi về bên trái – Chuyền tai nhau nói nhỏ. Người cuối cùng nào nhận được như bản gốc hay ít sai nhất là thắng cuộc); trò chơi kim; trò chơi ngắm hoa; trò chơi bất động (đang làm một công việc gì đang chơi một trò chơi gì, hay người điều khiển cho mỗi nhóm làm điệu bộ một con vật hay một người đặc biệt nào, nhưng khi nghe tiếng còi là phải giữ nguyên điệu bộ đó và tất cả im lặng trong một phút, ai lúng túng là thua cuộc)…
IV/ CHUẨN Bị TRÒ CHƠI:
Người Huynh Trưởng phải biết nghiên cứu, lựa chọn trò chơi cho thích hợp với lứa tuổi (ngành Thiếu, ngành Đồng), thích hợp giới tính; Thiếu Nữ không thể chơi trò chơi ”trăn uốn khúc” mà có thể thay vào đó trò chơi “đi chợ”; phải biết lựa chọn trò chơi cho phù hợp với chủ đích chúng ta đề ra. Ví dụ: Lâu nay, Đoàn sinh hoạt trầm trầm, không hoạt động năng nổ, ta có thể cho những trò chơi mạnh, năng động. Ngược lại lâu nay Đoàn chỉ ồ ạt bên ngoài mà nội dung tu học chưa có bao nhiều, các em lại quá ồn ào trong lúc sinh hoạt thì chúng ta cho những trò chơi tĩnh để đối trị.
Tóm lại, trò chơi phải thích hợp vớI mục đích và tâm lý trẻ, vừa sức; thờI gian không quá 10 phút cho Ngành Thiếu và 5 phút cho Ngành Đồng. Nên chuẩn bị 2 trò chơi cùng một lúc – 1 dùng ngoài trời, và một ở trong phòng, để có thể thực hiện khi thời tiết thay đổi bất ngờ.
Khi chuẩn bị trò chơi phải biết những vật dụng cần thiết cho trò chơi để đem theo như khăn tay, dây, gậy, hoa, lá v.v… Mỗi buổi sinh hoạt, ít nhất phải chuẩn bị 4 trò chơi. Chúng ta không quên dự liệu những trò chơi trong phòng, để đề phòng khi trời mưa.
V/ NGHỆ THUẬT ĐIỀU KHIỂN TRÒ CHƠI:
– Giải thích rõ ràng và đầy đủ các nguyên tắc, quy luật và phương thức chơi, cho mọi người hiểu trước khi chơi.
– Giới thiệu một cách tự nhiên phù hợp với thực tế bài học hoặc phù hợp với chủ đích cần đề ra. Ví dụ: Cho trò chơi ngắm hoa (luyện trí nhớ), chị Trưởng giới thiệu với các em Oanh Vũ: “Hôm nay chị sẽ dẫn các em đi xem một vườn hoa, không phải là những thứ hoa kỳ lạ, trang quý như những thứ hoa trong vườn ngự uyển (vườn hoa của vua chúa) mà chỉ là những hoa đồng cỏ nội nhưng cũng khá nhiều sắc hương. Và các em sẽ kể lại cho chị biết những thứ hoa đó, sau khi đã dạo một lượt quanh vườn”.(trong vòng tròn rải nhiều hoa: hoa bưởi, mãng cầu, phượng, mận v.v…, những thứ hoa tầm thường, tối thiểu là 20 loại). Các em phải thưởng thức trong yên lặng, thưởng thức bằng cái tâm lắng đọng của mình…
– Tránh chọn những trò chơi gây chế diễu hoặc trò chơi dễ gây hiểu lầm.
– Một trò chơi vui nhộn, hứng thú, cũng không nên kéo dài, vì như vậy sẽ không còn hứng thú nữa trong những lần chơi sau.
– Trò chơi quá tẻ nhạt, hoặc các em chưa nắm vững cách chơi một cách đồng đều thì cũng nên cắt đứt trò chơi ngay kẻo gây sự nhàm chán.
– Điều cần nhất là phải biết “Phật hóa trò chơi”. Như trò chơi “bắn – hàng” hay “mèo đuổi chuột” thật trái hẳn với tinh thần từ bi của đạo Phật, thế mà nhiều đơn vị cũng đưa ra trò chơi nầy, ta có thể thay đổi là “bắn – báo”, “mèo theo con” (đã đề cập đến ở bài “Ứng dụng Phật Pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử” ở Trại Lộc Uyển); hoặc trò chơi “cách chào” (chào Ring, chào Go, chào Sạc-lô, chào cụ Đồ – em chào Cô giáo…), nhìn kỷ chúng ta thấy chào Sạc-lô gây ấn tượng hấp tấp, không điềm đạm, chào cụ Đồ hình như chế diễu lối chào khúm núm của các em chào thầy ngày xưa, không hay chút nào cả, chứ chưa nói đến không có một thoáng gì của đạo Phật trong đó. Nếu trò chơi nầy cho chơi sau bài “Chào kính” thì hay lắm: Chào anh chị (Huynh Trưởng mặc đồng phục: bắt ấn); chào Tăng-Ni (chắp tay trước ngực); chào bạn thân (bắt tay cười to ha ha ); chào Thầy-Cô (xuôi tay, hơi nghiêng mình xuống, không đan tay chéo trước bụng và khom lưng như chào cụ Đồ).
Việc Phật hóa trò chơi tùy thuộc rất nhiều ở ý thức và sáng kiến của các anh chị. Một trò chơi lành mạnh ở học đường chúng ta cũng có thể xử dụng được nếu biết Phật hóa. Phật hóa trò chơi là đã làm giàu thêm trò chơi cho Gia Đình Phật Tử.
Có những trò chơi hiện nay đang dùng trong những tổ chức khác nhưng lại không thể đưa vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Ví dụ: trò chơi “ngắm sao” (một nam một nữ nắm tay nhau nhảy quanh vòng và tất cả cùng hát tập thể: “…Ngôi sao xanh kia chính là anh, ngôi sao hồng chính là chị đây. Không có ngôi sao nào gọi là ngôi sao đơn…“ rồi mời một anh hay một chị ra thay cầm tay nhau nhảy, và cứ tiếp tục như thế). Nó không phù hợp với Gia Đình Phật Tử và không mang mảy may nào tinh thần Phật Giáo (nhớ là theo Nội Quy, Gia Đình Phật tử sinh hoạt riêng biệt nam nữ).
– Sau trò chơi, Huynh Trưởng phải tập họp Đoàn Sinh thành vòng tròn hay bán nguyệt để nhận xét, và tuyên bố kết quả trò chơi theo các tiêu chuẩn: Tinh thần người chơi; kỳ luật trong khi chơi; và mục đích đã đạt được.
VI/ QUAN SÁT:
Khi các em chơi, người Huynh Trưởng phải tinh mắt quan sát mới nhận thấy được em nào nhanh nhẹn, em nào rụt rè, em nào thật thà, em nào chưa trung thực v.v… Từ đó mới tìm cách giáo dục riêng các em còn chưa tốt. Những cá tính mỗi em đều thể hiện ra trong khi chơi; thậm chí có em hay khoe tài năng của mình bằng miệng, qua trò chơi chúng ta mới nhìn được sự thực.
VII/ SƯU TẦM NGHIÊN CỨU:
Các anh chị ĐoànTrưởng phải ra công sưu tầm nghiên cứu, ghi chép vào một cuốn sổ riêng có thể lấy nhan đề: ”Trò chơi Gia Đình Phật Tử”, trong đó các trò chơi đặc biệt của Gia Đình Phật Tử được sắp xếp theo từng loại để dễ dàng khi cần lựa chọn; những trò chơi của các đoàn thể khác cũng cần sưu tầm ghi riêng vào một phần khác trong sổ, để rồi suy tư Phật hóa dần dần.
Loại trò chơi nên ghi ra thành 2 cột: Chưa Phật hóa, đã Phật hóa. Ghi cụ thể tiến trình trò chơi, tên trò chơi. Lúc có thời gian chúng ta sẽ suy nghĩ để Phật hóa dần dần, khi Phật hóa xong ta ghi vào ngay. Ví dụ:
Trò chơi chưa Phật hóa |
Trò chơi đã Phật hóa |
01 … | 01 … |
02 … | 02 … |
03 … | 03 … |
VIII/ LỢI ÍCH CỦA TRÒ CHƠI:
1) Đối vớI Đoàn:
– Gây tinh thần đoàn kết đồng đội.
– Đề cao sự hy sinh và chịu đựng.
– Giải trí lành mạnh.
2) Đối vờI Huynh Trưởng:
– Hiểu rõ tính tình của Đoàn Sinh.
– Biết khả năng mọI người.
IX/ KẾT LUẬN:
Điều khiển 1 Trò Chơi Nhỏ không phải là khó, một em Đầu Đàn Oanh Vũ, một em Đội Chúng Trưởng Thiếu Nam hay Thiếu Nữ, thậm chí một em Đoàn Sinh cũng có thể điều khiển được một trò chơi nhỏ. Nhưng đó chỉ là để giải trí lành mạnh trong chốc lát.
Người Huynh Trưởng điều khiển một trò chơi là phải nhắm đến hiệu quả giáo dục của nó, đồng thời quan sát được cá tính của mỗi em mà giáo dục. Vì vậy phải nói là “giáo dục bằng trò chơi”. Điều nầy đòi hỏi ở Huynh Trưởng phải dày công nghiên cứu, tư duy, lựa chọn, đặt đối tượng giáo dục và mục đích giáo dục của mỗi một trò chơi. Điều nầy phải tốn rất nhiều công phu và mất không ít thời gian. Ngoài ra, người Huynh Trưởng còn phải trau luyện nghệ thuật điều khiển trò chơi. Nhưng rồi với một chí hướng giáo dục các em, thương yêu các em mà rèn luyện các em trở thành những người Phật Tử xứng đáng, xây dựng cho quê hương, cho đạo pháp trong tương lai, thì không có sự khó khăn nào mà người Huynh Trưởng không vượt qua.
B. TỔ CHỨC – ĐIỀU KHIỂN TRÒ CHƠI LỚN
I/ TRÒ CHƠI LỚN LÀ GÌ?
Trò Chơi Lớn là sự kết hợp nhiều trò chơi dưới một đề mục; diễn tiến trên một địa bàn, thời gian dài; người chơi cần có sức khỏe để hoạt động liên tục. Bởi thế việc tổ chức trò chơi lớn phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và tùy theo khả năng cùng sức khỏe của Đoàn Sinh để ấn định những hoạt động thích hợp. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 12 tuổi (Oanh Vũ) không nên cho chơi trò chơi lớn vì tính cách trò chơi không hợp với hạng tuổi nầy.
II/ TRÒ CHƠI LỚN TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
Với các tổ chức thanh niên khác, trò chơi lớn thường là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm để tìm kiếm kho vàng hay nhắc lại những cuộc chiến tranh đẩm máu của một thờI đại nào đó, một cuộc đi săn rùng rợn hay một cuộc xâm chiếm đất đai của kẻ mạnh đi chinh phục kẻ yếu…
Gia Đình Phật Tử chúng ta có vô số trò chơi lớn sống động và đầy ý nghĩa, như Thái tử Tất Đạt Đa nhẫn nhục đi tìm chân lý; A Dục Vương trí tuệ xây dựng 84,000 Phật tích để lưu truyền; Huyền Trang Tam Tạng tinh tấn vượt núi băng rừng để thỉnh kinh; Vạn Hạnh Thiền Sư hỷ xả và từ bi đã mang lại thanh bình thịnh vượng cho đòi Lý… Các Trại họp bạn, họp Ngành, huấn luyện Đội/Chúng Trưởng cũng đều xoay quanh các đề tài có liên quan đến tên trại (các trại này thường lấy tên các Phật tích hoặc danh hiệu của các vị Tổ sư Phật Giáo làm tên trại). Do đó, trò chơi lớn của chúng ta cũng không thể đi ra ngoài mục đích của tên trại.
II/ LỢI ÍCH CỦA TRÒ CHƠI LỚN:
Trò chơi lớn là một lợi khí giáo dục, một cơ hội tốt để cho Huynh Trưởng quan sát, tìm hiểu, kiểm soát trình độ tu học và sức khỏe của Đoàn Sinh. Trò chơi lớn rất cần thiết trong sinh hoạt trại của Gia Đình Phật Tử vì là dịp để cho Đoàn Sinh ôn lại Phật Pháp và ứng dụng chuyên môn, thực hành văn nghệ, cũng như thi hành kỷ luật trong cuộc sống. Do vậy, trò chơi lớn sẽ mang lại cho Đoàn Sinh tham dự những lợi ích cụ thể như sau:
– Vui, thỏa mãn tính hiếu động và óc mạo hiểm của trẻ.
– Luyện tính khí: Nẩy nở sáng kiến, sự vâng lời, tinh thần thượng võ, tinh thần kỷ luật, đức hy sinh; phát huy tinh thần đồng đội; tập kiên nhẫn chịu đựng; quả cảm; tháo vát; tự chủ.
– Nẩy nở cơ thể – vì trò chơi lớn là một môn thể thao tự nhiên, trong đó trẻ vận động tất cả các bộ phận của cơ thể.
– Thực hành các bài học chuyên môn đã học như truyền tin, dấu đi đường, dấu chân vật, gút, phương hướng, cấp cứu…
Đối với Huynh Trưởng thì trò chơi lớn giúp cho Huynh Trưởng có cơ hội quan sát, tìm hiểu tâm lý, tính tình, khả năng chuyên môn, sức khỏe của Đoàn Sinh.
III/ TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU KHIỂN TRÒ CHƠI LỚN:
Trò chơi lớn là một lợi khí giáo dục. Muốn đạt được kết quả tốt, Huynh Trưởng phải chuẩn bị chu đáo trong việc tổ chức, và khéo léo trong việc thực hiện đúng đắn về phần điều khiển. Sau đây là những điểm cần lưu ý:
1) Phần tổ chức:
a. Đích trò chơi: Phải nhắm trước mục đích muốn đạt đến: Làm nẩy nở ở người chơi những đức tính gì? Muốn Đoàn Sinh ứng dụng những chuyên môn nào? Nội dung và những hoạt động của trò chơi lớn phải được sắp đặt thật phù hợp vớI mục đích đã định.
b. Thời gian: Tùy theo trình độ, sức khỏe, khả năng của người chơi, một trò chơi lớn có thể kéo dài từ 2 đến 2 giờ 30 (trường hợp trại một ngày) hoặc từ sáng đến chiều (trại dài ngày) cho trại bay, trại hè, trại huấn luyện của cấp Gia Đình hay Tỉnh, Miền.
c. Đề tài trò chơi: Có thể khai thác phạm vi trong đạo, lịch sử nước nhà, chuyện phiêu lưu mạo hiểm hoặc có tính chất xã hội… (nên luôn thay đổi đề tài để trò chơi lôi cuốn hơn).
d. Đất chơi: Phải nghiên cứu địa thế. Rừng núi nhiều cây cối là nơi thích hợp nhất để tổ chức trò chơi lớn. Bờ bể, làng mạc, thành phố cũng là nơi có thể tổ chức trò chơi. Tùy theo khung cảnh thiên nhiên hay địa thế mà bố trí trò chơi cho thích hợp.
e. Các giai đoạn trong trò chơi: Thường diễn tiến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn trình bày, giải thích trò chơi; giai đoạn trò chơi khởi diễn và diễn tiến; giai đoạn kết thúc. Cần giải thích rõ ràng, phân công hợp lý, bố trí khéo léo; đề phòng trước mọi trở ngại có thể xảy ra.
g. Các hoạt động trong trò chơi lớn: Tùy sáng kiến và kinh nghiệm của Huynh Trưởng mà có thể có nhiều hình thức hoạt động vui, ý nghĩa và hấp dẫn. Sau đây là những hoạt động chính:
– Hoạt động luyện trí: Dịch mật thư, ấn định chiến lược lúc thủ thành, khi tấn công, bố trí, phân công nội bộ, ẩn núp, cải trang…
– Hoạt động luyện sức: Vượt núi, băng sông, nhảy hố, cầm cự phe địch…
– Hoạt động thử thách tinh thần: Phát huy tinh thần đồng đội, tinh thần hiệp sĩ, tinh thần tôn trọng kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, quả cảm…
– Hoạt động kiểm soát chuyên môn và Phật Pháp: Cấp cứu, thắt nút, tìm hướng đi, đọc họa đồ, giải đáp các khúc mắc của giáo lý…
Những hoạt động nêu trên sẽ tùy theo mục đích mình muốn đạt tới mà Huynh Trưởng tùy nghi lựa chọn, phối hợp để trò chơi có những đặc điểm cần thiết: Vui, hoạt động, liên tục, hữu ích và có tính cách giáo dục.
2) Phần điều khiển:
Sau khi đã chọn đất, ấn định thời gian, sắp đặt, nghiên cứu đề tài, đất chơi, ấn định hoạt động và mọi vật dụng cần thiết cho trò chơi, nghĩa là hoàn thành phần chuẩn bị. Bây giờ đến giai đoạn thực hiện. Vấn đề điều khiển là then chốt mà ta phải am hiểu:
Một trò chơi lớn thường diễn tiến qua 3 giai đoạn:
– Giai đoạn trình bày, giải thích trò chơi.
– Giai đoạn diễn tiến.
– Giai đoạn kết thúc.
Cả 3 giai đoạn đều liên đớI ảnh hướng lẫn nhau rất mật thiết. Nếu giải thích không rõ và đầy đủ, ngườI chơi không nắm vững nội dung và luật lệ trò chơi, thì lúc chơi sẽ bỡ ngỡ, phạm lỗI chơi và gây sự chậm trể, đổ vở; nếu phân công không rõ ràng, bố trí không khéo léo, điều khiển không vững vàng thì chỉ mang lại sự thất bại cho ngườI điều khiển, và sự chán nản cho ngưởi chơi mà thôi. Ngoài ra, nếu kết thúc vụng về, có thể gây chia rẽ, bất hòa, ganh tỵ, kiêu mạn trong nội bộ, kết quả sẽ gây tai hại không ít cho tổ chức. Bởi thế, ngườI điều khiển trò chơi lớn cần nhận định sự quan hệ của mỗI giai đoạn để phòng ngừa trước mọI trở ngại có thể xẫy ra.
a. Giai đoạn trình bày, giải thích trờ chơi: Trò chơi lớn có thể bắt đầu bằng nhiều cách, nhưng hay hơn cả là trình bày sơ lược về nội dung trò chơi dướI một câu chuyện đạo hay một đoạn lịch sử oai hung của dân tộc. NgườI kể chuyện hấp dẫn thế nào để cho Trại Sinh có cảm tưởng là mình đang sống trở lại dướI thờI huy hoàng hay điêu linh của Phật Giáo, hoặc của Dân Tộc… Việc hóa trang thành những nhân vật trong câu chuyện của trò chơi lớn bằng những vật liệu sẵn có ở trại và của thiên nhiên càng tăng thêm thích thú và kết quả cho trò chơi.
b. Giai đoạn diễn tiến trò chơi: Lúc phân công ngườI phụ trách các tram, nên nhờ vài Huynh Trưởng phụ trách theo dõi và kiểm soát hoạt động của các em để kịp thờI giải quyết các bất trắc, những khiếu nại (Huynh Trưởng này phải vô tư, đừng gà cho Đội này, Chúng kia). Những Huynh Trưởng này nên trực gần nơi các tram hay nơi gần đích và sẵn sàng hộp cứu thương để xử dụng khi cần.
Riêng vớI các em Trại Sinh phải tích cực chơi trong tinh thần thượng võ, chơi như thật, chơi đúng luật, chơi đến mãn cuộc. Chơi như thế nào mà vẫn không xa rời tinh thần Bi – Trí – Dũng của Gia Đình Phật Tử.
c. Giai đoạn kết thúc trò chơi: Khi chung cuộc nên để các em nghĩ ngơi và giải lao ít nhất là 15 phút, sau đó tập họp để kiểm diện Đoàn Sinh, hỏi thăm sức khoẻ và cho phép các em nêu lên những thắc mắc, khiếu nại nếu có. NgườI điều khiển phải khéo léo, thân mật, vui vẽ, hòa nhã và đưa ra những nhận xét chung về tinh thần kỷ luật, kỹ thuật chơi, khen những Đội/Chúng khá, khích lệ, nâng đỡ những Đội/Chúng kém và tuyên bố kết quả cuộc chơi.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sau khi tuyên bố kết quả, bên thua thường sinh ra bất mãn, nên ngườI điều khiển trò chơi lớn phải thật khéo léo, làm sao cho phía thua không chán nản, ganh tỵ; và bên thắng cũng không tự phụ, kiêu căng. Lối xử sự là bên thua cuộc làm băng reo mừng bên thắng, và bên thắng đáp lễ bằng một bài hát cảm ơn.
3) Lời dặn thêm:
a. Đối với người chơi:
Trước khi vào cuộc chơi, Huynh Trưởng nên nhắc cho các em rõ:
– Chơi thật, nghĩa là chơi ngay thẳng, không gian xảo; chơi đúng luật; chơi cho đến mãn cuộc. Phải thắng hoặc thua trong vinh dự: dắt khăn tay đúng cách, mang số rõ ràng, kêu trúng số thì nhận v.v…
– Phải mang theo túi cứu thương Đội và hộp cứu thương cá nhân, mang theo đủ đồ dùng.
b. Đối với người điều khiển:
– Cẩm nang: Nên cho mật thư sát với trình độ Đoàn Sinh, tuy nhiên để tránh tình trạng bế tắc vì không dịch nổi mật thư, Huynh Trưởng nên dự liệu trước mỗi mật thư một cẩm nang, ấn định giờ mở và số điểm sẽ bị trừ.
– Hồi sinh: Có thể cho thêm trường hợp hồi sinh một lần khi bị loại lần thứ nhất để các em tiếp tục cuộc chơi bằng cách tìm Huynh Trưởng (vị Tiên, Bồ-tát, Thái tử…) để qua cuộc thử thách về Phật Pháp và chuyên môn.
– Trình bày trò chơi: Nên trình bày một cách tự nhiên, lời lẽ hấp dẫn, danh từ thông dụng để các em dễ hiểu và thích thú. Cũng có thể trình bày bằng cách dùng lời lẽ và điệu bộ thích hợp với nội dung trò chơi. Thể lệ chơi nên giản dị dễ hiểu và giải thích rõ ràng.
– Dấu hiệu: Nên ấn định trước những dấu hiệu cần thiết trong khi chơi (bằng thủ lệnh).
Đối với ngành Đồng (Oanh Vũ), nếu có cho chơi trò chơi lớn thì không nên dùng những hoạt động quá mạnh và kéo thời gian quá dài có hại sức khỏe cho các em.
IV/ KẾT LUẬN:
Trò chơi có thành công hay không là do ở người điều khiển soạn trò chơi kỹ càng, phối hợp các hoạt động khéo léo, phù hợp trình độ người chơi, bố trí các trạm, phân công người phụ trách đúng chỗ, trình bày hấp dẫn, kiểm soát chặt chẻ, kết thúc hay, thì sẽ được gặt hái kết quả tốt .
Đừng dạy các em chỉ bằng lời nói suông mà phải dạy chính bằng cuộc sống của mình. Đó là phương pháp “thân giáo” thần hiệu của Nghề Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử.