Vua sám hối – Pho tượng độc đáo bởi hình tướng và lịch sử hy hữu!

 

Pho tượng Phật trong hình tướng một Thiền Sư tay quyết ấn, vẻ mặt từ bi thanh thoát, thiền tọa trên lưng một vị vua vận triều phục, áo mão nghiêm trang, phủ phục sát đất, tay duỗi thẳng cung kính đảnh lễ là bức “dị tượng” độc đáo hiếm hoi không chỉ “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam mà có lẽ trên các chùa chiền Phật Giáo khắp thế giới cũng không nơi nào có.

Tư thế tượng Phật ngồi trên lưng một người, lại là một vị quân vương, trong nghệ thuật điêu khắc tượng dường như chưa từng có, dường như đã phá bỏ cấu trúc tạo hình thông lệ vốn có trong nghệ thuật tạc tượng Phật, Bồ-tát của Phật Giáo và dân gian thường là ngồi trên đài sen, trên lưng voi hay sư tử.

Pho tượng có một không hai ấy hiện được thờ tại chùa Hòe Nhai, một trong những ngôi chùa cổ với tuổi đời cả ngàn năm, được xây dựng từ thời Lý (1010-1225), tọa lạc tại kinh đô Thăng Long xưa. Trước đây chùa thuộc phường Hòe Nhai về phía Tây Bắc thành Thăng Long, nay gọi là chùa Hồng Phúc, địa chỉ tại số 19, phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

Chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự) – Hà Nội, Việt Nam.

Tương truyền pho tượng này thể hiện hình tướng của chính vua Lê Hy Tông (1663-1716) phủ phục cõng trên lưng bức tượng Phật đang thiền tọa để thể hiện lòng thành sám hối của vua với Đức Phật và Phật Giáo sau một thời kỳ ông đã có những mệnh lệnh, hành động triệt hạ đạo Phật. Khi cho người tạc tượng xong, ông đặt tên pho tượng ấy là tượng “Vua Sám Hối”.

Vua Lê Hy Tông (1663-1716):

Lê Hy Tông (Hán tự: 黎 熙 宗) húy là Lê Duy Cáp hay Lê Duy Hiệp, là vị vua thứ 10 của đời Lê Trung Hưng trong Việt sử. Ông là con thứ tư của Lê Thần Tông với cung nhân Trịnh Thị Ngọc Trúc (hay còn gọi là Trịnh Thị Ngọc Tấn), ông được sinh ra sau khi vua cha đã băng hà (vào tháng 9 năm 1662) chừng 5 tháng.

Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, trước khi qua đời, vua Lê Thần Tông dặn dò Tây Vương Trịnh Tạc trông nom giúp đỡ người con sắp ra đời của mình. Tháng 4 năm 1675, anh ông là Lê Gia Tông qua đời khi tuổi mới 14, chưa có con nối dõi, Trịnh Tạc lập ông làm vua, hiệu là Lê Hy Tông. Ông lên ngôi từ tháng 6 năm 1675.

Thời kỳ Lê Hy Tông trị vì được sách sử nhận xét là thịnh trị nhất thời Lê Trung Hưng. Ông cũng được người đời ca ngợi là vị vua anh minh đức độ bậc nhất thời Lê Trung Hưng. Lúc này chiến tranh với họ Nguyễn ở miền Nam đã kết thúc, hai miền Nam Hà (Đàng Trong) và Bắc Hà (Đàng Ngoài) đều cùng lo củng cố nội trị sau nhiều năm chinh chiến.

Tháng 3 năm 1705, ông nhường ngôi cho Thái Tử Lê Duy Đường (Lê Dụ Tông), để trở thành Thái Thượng Hoàng. Ông qua đời vào tháng 4 năm 1716, hưởng thọ 54 tuổi; lăng miếu tại thôn Phú Lăng, xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tuy sau này được ca ngợi là vị vua anh minh, đức độ, ông cũng đã từng phạm phải sai lầm lúc trị vì. Đó là sự việc năm 1678 niên hiệu Vĩnh Trị, vua Lê Hy Tông ban hành chính sách hạn chế Phật Giáo, “phế bỏ Tăng lữ”, ra lệnh cho quan viên khắp nước: Bất cứ ở đâu, Tăng Ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi, ai không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem xử trảm. Phật Giáo rơi vào thảm cảnh, chùa chiền hoang phế, cướp bóc tàn phá, nhiều vị không chịu được đói rét cơ hàn đã phải cởi áo cà sa quay về nếp sống trần tục.

Chứng kiến cuộc pháp nạn của các Tăng Ni Phật Giáo, một vị Thiền Sư đắc đạo tên Tông Diễn đã quyết tâm tìm gặp vua Lê Hy Tông để giác ngộ tư tưởng nhà vua, cứu lại niềm tin Phật Pháp.

Thiền Sư Tông Diễn (1640-1711):

Thiền Sư Chân Dung – Tông Diễn (真 融 宗 演) hiệu Như Hùng, thuộc đời thứ 32 Tông Tào Động; là Tổ thứ 2 của Thiền Phái Tào Động Việt Nam. Ngài từng học đạo với Thiền Sư Thông Giác – Thủy Nguyệt và nối pháp vị này. Ngài cũng là trụ trì đời thứ 2 chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự, Ba Đình, Hà Nội). Thiền Sư Tông Diễn có công lớn trong việc phát triển Thiền Phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam và cũng là người đã góp sức vào việc phát triển nền Phật Giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Môn đệ Ngài có nhiều vị đắc pháp, trong đó nổi bật nhất là Thiền Sư Từ Sơn – Hành Nhất.

Ngài sinh năm 1640, quê quán có thể ở làng Phú Quân, huyện Cẩm Giang (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương?). Mồ côi cha sớm, người mẹ bán buôn tần tảo nuôi Ngài.

Sau khi đắc pháp, Ngài còn được người đương thời gọi là “Tổ Cua” vì một sự tích vào năm Ngài 12 tuổi, lần nọ mẹ Ngài mua được một mớ cáy (cua đồng), trước khi gánh hàng ra chợ đã dặn Ngài ở nhà giã cáy nấu canh, nhưng khi đem ra để giã, Ngài nhìn thấy chúng sùi bọt nên liền thả hết chúng trở về mương vì cho rằng chúng đang than khóc cho số phận của mình.

Trưa đi bán về, hai mẹ con ăn cơm, bà không thấy món canh cáy liền hỏi nguyên do. Ngài thưa: “Con định đem đi giã, nhưng thấy chúng nó khóc, con thương quá đã đem thả hết.” Bà mẹ vừa đói, vừa nhọc nhằn sau buổi chợ bèn nổi trận lôi đình, bỏ cơm, chạy lấy roi đánh Ngài. Đau và sợ quá, Ngài bỏ chạy. Bà mẹ đuổi theo không kịp, mệt lã trở về. Về phần Ngài sợ hãi và lo lắng chạy một mạch không dám quay đầu ngó lại, trốn lánh rất xa khỏi nhà… Thế rồi sau đó duyên gặp một nhà sư và được vị này đem về chùa làm Sa-di, đặt pháp danh cho xuất gia.

Khoảng hơn 30 năm sau, Ngài đã là Hòa Thượng trụ trì một ngôi chùa, Ngài về quê cũ tìm mẹ, đến một quán nước, có một bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách, dò hỏi biết là đó chính là mẹ mình. Ngài vào quán ngồi, nhưng không thố lộ thân phận, chờ bà lão rảnh, hỏi thăm lai lịch, bà thở dài than:

– Tôi chồng mất sớm, có một đứa con trai đã bỏ đi mất từ khi 12 tuổi. Thân già hôm sớm không ai săn sóc, tôi phải lập quán bán nước kiếm chút ít tiền độ nhật.

Ngài liền hỏi:

– Bà lão có ưng ở chùa không? Tôi thỉnh bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu.

Bà trả lời:

– Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.

Ngài nói:

– Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước, bửa củi, nấu cơm, người yếu quét sân, nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, thì giờ còn lại thì tụng kinh, niệm Phật là tốt.

Bà bèn đồng ý theo Ngài về chùa.

Ngài cho cất am tranh gần chùa, hằng ngày để bà cụ quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy vào tình trạng sức khỏe của bà. Ngài thường ân cần thăm hỏi chu đáo và luôn nhắc nhở bà chăm chỉ tu hành.

Một thời gian sau, bà cụ bệnh, ngài cảm biết thọ mạng bà không còn được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng vài hôm. Tương truyền rằng trước khi đi, Ngài dặn dò trong Chúng: “Nếu bất đồ bà lão có mệnh hệ gì thì Chúng Tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau.” Đúng như lời Ngài dặn, vài hôm sau bà mất, Tăng Chúng làm đúng theo lời Ngài dặn, chỉ liệm bà trong quan tài mà không đậy nắp. Khi trở về, nghe tin bà cụ đã mất, Ngài vào nhìn mặt lần cuối, cho đậy nắp quan rồi nói lớn:

– Như lời Phật dạy: Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh Thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên để chứng minh lời Phật.

Ngài cầm tích trượng nhẹ gõ 3 cái, quan tài từ từ bay lên hư không rồi hạ xuống. Đến lúc này mọi người mới biết bà lão chính là mẹ của Ngài.

Về sau, chỗ quán nước của mẹ, Ngài lập một ngôi chùa tên “Mại Trà Lai Tự” và am bà đã ở để tên là “Dưỡng Mẫu Đường”.

Cuộc gặp gỡ ly kỳ giữa nhà vua và nhà sư:

Quả là một cuộc gặp gỡ hết sức khó khăn cho Thiền Sư Tông Diễn trong hoàn cảnh nhà vua đang kỳ thị đạo Phật và sư sãi lúc bấy giờ. Việc một nhà sư đã bị trục xuất khỏi kinh thành tìm cách để trở lại đã khó; gặp hoàng đế trong khi ông đang mang tư tưởng chống báng đạo Phật, lại để trình bày quan điểm về Phật Giáo thì việc đó là điều không tưởng và có thể nói là điều cấm kỵ. Song, vì đạo pháp, Thiền Sư Tông Diễn đã tìm mọi cách để vượt qua cái gọi là sự cấm kỵ nguy hiểm đó. Xót xa trước cảnh đạo pháp suy vi, Ngài băn khoăn tự nghĩ: “Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đến đá phải gật đầu, giảng kinh đến được hoa trời rơi loạn cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh. Nếu không hoằng dương được chánh pháp thì làm sao xứng đáng đền ơn Phật Tổ. Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời làm thân người.” Vậy là Ngài quyết tâm rời chốn sơn dã về đất thần kinh, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật Pháp trong cơn khổ nạn. Ngài bèn trình thầy xin phép đến kinh đô và được Thiền Sư Thông Giác hoan hỷ nhậm lời.

Đi mấy hôm đến chùa Cổ Pháp, Ngài xin nghỉ lại trong chùa, được vị trụ trì tiếp đãi ân cần. Suốt đêm, Ngài tọa thiền đến khi nghe tiếng chuông sáng mới xả thiền, lên chánh điện lễ Phật. Ngước nhìn lên bức tượng Đức Điều Ngự, Ngài liền thảo một bài thơ dâng lên:

Trước là vua, sau cũng là vua
Xưa sao kính mộ nay chẳng ưa?
Có linh xin nguyện phen này đến
Cửa khuyết ra vào được tự do.

(Tiền quốc vương hề hậu quốc vương
Tiền hà kỉnh mộ hậu hà mang
Hữu linh tương nguyện kim phiên xuất
Ư cửu trùng môn nhập bất phương).

Ba hôm sau, Thiền Sư đến kinh đô, vào cửa Đông thì trời đã tối, nghe có tiếng mõ ở gần khám đường, ngỡ đây là nhà Phật Tử, bèn gõ cửa. Chủ nhân mở cửa trông thấy Ngài liền thỉnh vào nhà, thấy trên bàn thờ Phật hương đèn trang nghiêm, bèn hỏi:

– Tượng Phật thờ là từ đâu có?

Chủ nhà đáp:

– Tôi là cai ngục, nhân đào đất được tượng đồng nên đem về thờ.

Ngài lại bảo chủ nhà:

– Tượng Phật quý như vậy lẽ nào lại thờ nơi thấp bé thế này, tôi muốn cùng ông ngày mai ra phố lạc quyên những nhà hảo tâm để mua cây gỗ cất một mái chùa nho nhỏ để thờ Phật.

Chủ nhà thuận tình.

Sáng hôm sau Ngài ra hàng phố quyên tiền, gặp quan Đề Lĩnh bắt đem về dinh chất vấn:

– Hiện nay lệnh vua truyền khắp nước, tất cả sư sãi già trẻ đều phải vào ở trong rừng núi. Ông sao dám bỏ núi rừng về kinh kỳ đi lại tự nhiên như thế này? Có phải khinh thường pháp luật triều đình không?

Thiền Sư Tông Diễn trả lời:

– Mệnh lệnh của vua mà có ai dám trái phạm, chỉ vì kẻ bần tăng quê mùa này ở trong núi sâu được một viên ngọc quý, định mang đến đây để dâng hiến nhà vua, xin ông đạo đạt lên vua cho tôi dâng ngọc, dâng xong tôi sẽ lại trở về núi.

Viên quan Đề Lĩnh nghe xong liền vào triều tâu lên vua. Vua sai quan Đề Lĩnh ra nhận ngọc đem vào vua xem. Đề Lĩnh về thuật lại, Ngài nói:

– Viên ngọc quý thiêng liêng, vô giá, người ăn cá thịt hôi tanh không thể cầm giữ được, dám phiền ông trình lên nhà vua cho tự tay kẻ hèn này dâng lên nhà vua cho mãn nguyện kẻ trung thành ở nơi hoang vắng.

Quan Đề Lĩnh vào tâu lại, nhà vua không bằng lòng. Ngài than: “Mặt trời tuy sáng tỏ, không khỏi bị mây che. Mặt trăng dù rạng ngời, khó khỏi đám mây phủ, việc này như thế ta biết làm sao?”

Thiền Sư Tông Diễn đã ở đây ba tháng mà không vào được triều đình, bèn nghĩ cách viết ra một tờ sớ biểu, bằng tất cả tâm huyết, Ngài trình bày hết sức rành mạch, rõ ràng với mong muốn làm vua Lê Hy Tông ngộ ra chân lý. Viết xong, Ngài bỏ vào trong một chiếc hộp, niêm phong kỷ lưỡng, rồi thỉnh cầu quan Đề Lĩnh vào triều tâu lên vua một lần nữa: “Xin nhà vua chọn lấy một quan văn trung trực, thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày rồi sẽ ra nhận viên ngọc quý dâng lên vua.”

Vua nghe tâu xong phán truyền cho Viện Hàn Lâm chọn một người tín cẩn, thành tâm trai giới ba ngày rồi đến chỗ vị Tăng quê ấy nhận lấy viên ngọc về dâng vua. Vị quan văn được đề cử giữ đúng trai giới ba ngày xong, liền đến dinh quan Đề Lĩnh hỏi vị Tăng để nhận ngọc. Ngài trao cái hộp, dặn dò cẩn thận dâng lên tận tay vua. Viên quan bưng hộp ngọc đến trước triều dâng lên, nhưng khi vua mở ra xem thì chỉ thấy một tờ biểu chứ không có viên ngọc nào!

Tuy tức giận, sau đó vua vẫn ra lệnh cho vị quan văn đọc tờ biểu lên. Viên văn quan quỳ đọc xong, vua Hy Tông bỗng chốc chợt như bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mộng mị, lập tức cho vời Thiền Sư Tông Diễn vào triều.

Trong tờ biểu của Thiền Sư Tông Diễn, bằng lời văn sáng suốt, ý tứ thâm thầm, Ngài lý giải rõ ràng, minh bạch, có lý có tình về việc tu hành của hàng Tăng Lữ và Phật Tử đạo Phật đã làm yên nhà lợi nước như thế nào; nhắc lại với vua rằng đời Trần, đời Lý, các hoàng đế và triều thần coi trọng đạo Phật, thực hành giáo lý nhà Phật nên quốc gia thịnh trị; dân chúng ấm no, hầu như không còn cướp bóc, tệ nạn. Đạo Phật thời ấy tựa như một viên ngọc quý của quốc gia, hà cớ gì đến giờ lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội? Vậy, sự thịnh trị của quốc gia thời Lý-Trần cùng với sự hưng thịnh của đạo Phật ngày ấy chẳng lẽ không phải là minh chứng hùng hồn mà toàn là hư, là giả hay sao? v.v… và v.v…

Chính vì tờ biểu dung chứa những suy nghĩ, lý luận đúng đắn của vị Thiền Sư khiến vua Hy Tông tỉnh ngộ, vời Ngài vào triều nói chuyện. Lúc đàm đạo, vua hỏi về những sách lược trị quốc an dân, Ngài ứng đối sự lý rất dung thông khiến vua nể phục. Sau đó vua mời Ngài ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng Hoàng nghe tiếng, sai Trung Sứ đến nói với vua thỉnh Ngài vào cung diễn giảng kinh pháp. Nhà vua cũng đến tham dự, càng nghe càng thấu hiểu đạo lý, cho Ngài quyền được ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp. Một ngày, vua Hy Tông đã cúi mình tạ lỗi trước Thiền Sư Tông Diễn về những sai lầm đã gây ra, hứa sẽ tự sửa mình, tiếp sau nữa đã thu hồi sắc lệnh cấm đoán Phật Giáo, đồng thời ra lệnh để Tăng Ni tự ý trở về chùa mình ở các địa phương như cũ tùy duyên giáo hóa.

Bức tượng “Vua sám hối”:

Đã giải được ách nạn của Phật Pháp, Tăng Ni và giáo hóa được vua chúa trong triều, Thiền Sư Tông Diễn tâu vua xin về núi thăm thầy. Vua bằng lòng, ban áo gấm cho Hòa Thượng thầy Ngài ở núi để tỏ lòng ủy lạo, tặng tiền bạc để Ngài làm lộ phí, lưu luyến mong có ngày gặp lại.

Về phần vua Lê Hy Tông, ông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lầm lỗi cũ của mình, bèn cho tạc bức tượng vua quỳ mọp sát đất, cõng trên lưng pho tượng Phật để tỏ lòng thành tâm hối lỗi, thiết trí thờ ở chùa Hòe Nhai.

Về bức tượng thờ này, có quan điểm cho rằng ý nghĩa thể hiện một sự trừng phạt, nhưng thật ra ẩn ý sâu xa chính là triết lý “Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm (kể cả vua), nhưng điều quan trọng là phải thấy lỗi, biết lỗi và dám nhìn nhận, thức tỉnh, sửa sai. Có như thế thì sai lầm sẽ được tha thứ”.

Chính dáng vẻ của pho tượng cũng toát lên triết lý này ở dáng nhà vua quỳ gối phủ phục sát đất và khuôn mặt thể hiện một sự hối lỗi chân thành từ trong tâm ý chứ không hề gượng ép.

QUANG MAI
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.