Website truyền thông Phật Giáo không thể "cướp – giết – hiếp"!

“Cướp – giết – hiếp” là một thuật ngữ báo chí mới được “sáng tạo” gần đây để chỉ tính chất tiêu cực, loạn xạ của truyền thông xã hội Việt Nam trong những năm gần đây. Báo chí hiện tại đầy dẫy những tin tức giật gân, gây sốc nhằm lôi kéo độc giả. Trong các buổi họp mặt tôi có dịp anh Điệp Văn, giám đốc hãng phim Sen Việt và trao đổi về vấn đề này. Anh cũng đồng ý với góc nhìn của tôi và nói thêm rằng truyền thông Phật Giáo cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng hiện tượng này. Bằng chứng là trong năm 2012 đã xảy rất nhiều sự kiện Phật Giáo ồn ào tốn không biết bao nhiêu giấy mực như Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” nhà sư Pháp Định, clip Đường Tông thỉnh bao cao su… và gần đây nhất là sự việc bức ảnh Đức Phật ôm thiếu nữ khỏa thân. Hầu hết các sự việc này được các trang báo mạng, website trong ngoài Phật Giáo khai thác rất triệt để.

Chuyện không muốn cũng đã xảy ra. Bài viết này tôi không có ý định đào bới chuyện cũ mà muốn phân tích để thấy rằng đối với truyền thông Phật Giáo, nếu không biết làm hoặc làm qua loa thì rất nguy hiểm. Truyền thông vốn dĩ là một phương tiện sắc bén để truyền bá giáo lý Phật đà lại trở thành vũ khí phá hoại nền tảng đạo pháp.

Nghệ thuật câu view!

View hay Page View là số lượt tải của một trang web. Càng có nhiều lượt view, độc giả càng đông thì độ phổ biến trang web càng lớn. Đây là niềm vui của những người làm báo mạng.

Giật tít là để thu hút sự quan tâm của độc giả là điều rất bình thường. Trong thế giới internet, giật tít để câu view cũng không có gì lạ. Sự việc chỉ trở nên quá đà khi chúng ta vì quá mong muốn tăng lượt đọc mà cố tình giật tít đăng bài một cách vô đạo đức đánh vào thị hiếu rẻ tiền tầm thường của độc giả. Những bài viết dạng này thỏa mãn được tính tò mò nhưng kích thích sự bạo động của độc giả và đi ngược lại phong tục tập quán, truyền thống văn hóa Phật Giáo.

Không như báo giấy, báo mạng còn có sự tương tác với độc giả. Một bài viết được viết ra với mục đích chỉ trích cá nhân hoặc cố tình cực đoan một phía sẽ luôn nhận được rất nhiều bình luận tranh cãi ở cả hai phe, phe chỉ trích và phe bị chỉ trích. Cố nhiên với tư cách là người làm truyền thông, sự việc càng được chú ý tranh cãi kịch liệt thì người tung tin càng thành công.

Tuy vậy, xét về mặt kỹ thuật, câu view bằng hình thức này rất hạ đẳng. Những người làm web chuyên nghiệp luôn thuộc nằm lòng câu nói “nội dung là vua”. Ý nói để một trang web đến được với độc giả điều quan trọng nhất vẫn là nội dung. Nếu nội dung mang lại lợi lạc đích thực thì không sợ gì lượt view không cao.

Tướng tự tâm sinh

Đạt được sự quan tâm bình luận góp ý của độc giả là hạnh phúc của những người làm truyền thông. Nhưng điều ít ai biết là chính trang web khi đăng những bài viết như thế sẽ vô tình tạo ra một lớp độc giả tìm đến với tâm lý mong mỏi những bài viết theo kiểu “hý luận thiền môn”. Điều này rất nguy hiểm vì nó nuôi dưỡng những mầm mống bất thiện. Nó tạo ra một mảnh đất màu mỡ để cỏ rác tha hồ mọc. Nó làm mục rỗng nên tảng đạo Pháp từ bên trong.

Đạo Phật mình có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh, hữu tướng vô tâm tướng tùng tâm diệt” nghĩa là tâm là gốc, nếu giữ được tâm trong sáng thì hình tướng bên ngoài sẽ đẹp đẽ, bằng tâm xấu ác thì không sớm thì muộn sẽ lộ ra hình tướng bên ngoài. Đọc một trang web mà chúng ta không thấy hướng thượng, an lạc mà toàn cảm thấy bực bội vì những thông tin tiêu cực thì cái lỗi này nằm ở Ban Biên Tập. Độc giả bình thường sẽ không chú ý nhưng nếu là Phật Tử thuần thành, có tu học sẽ phần nào hiểu được tâm ý và trình độ tu tập của Ban Biên Tập.

Không phải cứ thuộc một trăm bài thơ đường là biết làm thơ. Không phải cứ rành rẽ về kỹ thuật, chuyên môn là có tự mình làm một trang web Phật Giáo. Làm website Phật Giáo mà không tu tập trì giới thì giống như người chột dẫn kẻ mù không sớm thì muộn cũng sẽ lạc đường.

Cách thu hút độc giả như trên bạo phát bạo tàn bởi nó không dựa trên một căn bản vững bền. Chúng ta quý trọng một con người bởi tâm hồn của người ấy, chúng ta đọc và tìm hiểu một trang web là vì nội dung ẩn tàng bên trong nó. Và cũng chỉ có những người đến với chúng ta vì tâm hồn cao đẹp mới đích thực là những người bạn đáng quý.

Tâm bình thế giới bình

Nhiều admin, Ban Biên Tập website Phật Giáo có trao đổi với tôi rằng nếu là cái xấu của Phật Giáo thì mình nói ra, tuy đau lòng nhưng giống như phẫu thuật cắt khối u ung thư nếu không chịu đựng thì không thể lành bệnh. Không phải là tôi không đồng ý với ý kiến này. Nhưng tôi cho rằng cái quan trọng là cách làm. Nếu làm với tâm mong cầu danh lợi khác hẳn với việc làm với tâm từ bi.

Viết báo, làm web với tâm mong cầu chắc chắn chúng ta sẽ bất chấp thủ đoạn để được danh lợi, quan tâm đến bề nổi dĩ nhiên sẽ thiếu sót phần đóng góp cho đạo pháp và xã hội.

Với lòng từ bi chúng ta không chỉ biết chỉ trích mà còn biết bao dung những lỗi lầm. Với lòng từ bi chúng ta có thể tha thứ những thiếu sót, tìm hiểu nguyên nhân bởi có hiểu mới có thương mới biết chấp nhận. Xét cho cùng xã hội cũng có người xấu kẻ tốt, sự việc nào cũng có hai mặt phải trái. Nếu chỉ chăm chăm xét lỗi người thì tất sẽ tìm thấy điều uế trược. Người có công phu đầy đủ tự dưng sẽ nhìn thấy khía cạnh tích cực của sự việc từ đó mở ra con đường tốt đẹp, đưa ra được giải pháp thấu đáo vẹn toàn.

Tôi cho rằng những người làm công tác truyền thông Phật Giáo đích thực là những vị Bồ Tát trụ thế muốn đem ánh sáng Phật pháp biến nhân gian thành tịnh độ. Cõi tịnh độ đích thực không phải với cảnh trí nghiêm lệ mà được xây dựng bởi tâm thanh tịnh của chúng sanh. Tâm bình thế giới bình vậy!

Làm truyền thông Phật Giáo dễ mà khó; dễ vì chỉ cần có một tấm lòng với đạo pháp là đủ; khó là vì truyền thông có sức ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, một bước lỡ lầm thì cái hại cũng không thể nào kể hết. Đối với quý vị trong Ban Biên Tập thì càng cần phải hiểu rõ sứ mạng của mình để cân nhắc, cẩn trọng không thể để website truyền thông Phật Giáo ngày càng “cướp – giết – hiếp”!

Người Áo Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.