Ý nghĩa Đức Phật thành đạo

Ngược dòng thời gian hơn 25 thế kỷ, kể từ thời điểm trọng đại đánh dấu một chiến công lẫy lừng trong lịch sử nhân loại, một con người bình thường bằng đấu tranh nội tại đã tự mình vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của khổ đau sanh tử luân hồi. Một đại vĩ nhân xuất hiện…

Những lời tuyên bố đầu tiên của ngài mãi mãi về sau vẫn là một khúc ca khải hoàn, chấm dứt trường chinh chống bọn giặc Ma vương phiền não, đưa một con người từ phàm phu lên vị trí một bậc Giác ngộ, bậc Đạo Sư của trời người. Từ đó nhân gian tôn xưng ngài là Đức Phật — bậc Giác Ngộ tối thượng. Và như thế, hằng năm đến ngày mùng tám tháng chạp, mọi người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón chào một sự kiện lịch sử: Đức Phật Thích Ca Thành Đạo. Hòa với niềm vui chung của muôn loài, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa thành đạo của Đức Bổn Sư.

I/ Khái quát về Đức Phật:

Sống giam mình trong ngục thất vàng ngọc và buộc ràng bởi tình ái thê tử, Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) không có được chút thảnh thơi, an lạc. Cuộc sống luôn bị rình rập bởi già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não… chàng quyết định từ bỏ vinh hoa phú quý, làm một Sa-môn vô gia cư để tìm đường giải thoát cứu mình và nhân loại.

Thời gian trôi qua, gần một năm theo học với đạo sĩ Alara Kalama lãnh đạo phái Samkhya (Số luận) ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly) và với Uddaka Ramaputta (Uất-đầu Lam-phất), lãnh đạo phái Yoga (Du già) tại kinh đô Rajagaha (Vương-xá), Sa-môn Gotama đã thấu triệt những gì mà hai đạo sĩ đạt được, nhưng ngài không thỏa mãn, vì cho rằng chúng chưa là giác ngộ tối thượng. Ngài từ bỏ hai đạo sĩ và đến cùng tu với năm người tu khổ hạnh là Kondanna (Kiều-trần-như), Bhaddya (Bạc-đề), Vappa (Đề-bà), Mahanama (Ma-ha-nam), Assaji (Ác-bệ). Cuộc tìm kiếm chân lý trên đường tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, kết quả chẳng có gì ngoài những cảm giác đau đớn, kiệt sức… Ngài một lần nữa chối bỏ phái tu khổ hạnh và “Tự mình thắp đuốc lên  mà đi”.

Sau 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cội cây Assatha (Tất-bát-la), vào một đêm, sau khi sao Mai vừa xuất hiện, trí giác siêu việt bừng sáng nội tâm, Sa-môn Gotama chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác [1]. Ngài được trời người cung kính với 10 tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn [2].

II. Ý nghĩa thành đạo:

1/ Con người là tối thượng:

Đức Thế Tôn là bậc đại giác ngộ khai sáng đạo Phật. Ngài là một người như bao nhiêu người nhưng tự giác ngộ chân lý, rồi đem sự giác ngộ ấy dạy lại cho con người. Chúng ta đừng lầm lạc, khi dán sau lưng ngài những nhãn hiệu mà chính ngài không thừa nhận. Do đó, chúng ta không nên xem ngài như là một vị Giáo Chủ của một tôn giáo thông qua sự tôn thờ ngài bằng lòng sùng kính của một tín đồ, vì đây không phải là bản ý của ngài. Ngài là một nhà văn hóa bởi vì ta đã nhìn ngài bằng cặp mắt của một nhà văn hóa. Ngài là một nhà triết học bởi vì ta đã tìm hiểu ngài qua những kiến thức triết học của ta. Đúng ra, chúng ta chỉ có thể nói rằng ngài là người đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của một xã hội, đáp ứng một cách toàn vẹn, nhờ giác ngộ, nhờ đức độ vô biên, nhờ ý chí bất khuất của ngài. Đức Phật đã tuyên bố, ngài không phải là Thượng Đế, Thiên Sứ hay Thần Linh ở một thế giới xa xăm nào xuất hiện giữa cuộc đời.

Ngài nói, tất cả những gì ngài thực hiện được, đạt đến được và hoàn thành được, đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ con người. Con người, và chỉ có con người, mới có thể thành Phật. Cho nên cái ý tưởng cho rằng ngài là một nhân vật thần linh vạn năng, có thể ban phúc trừ họa là một ý tưởng sai lạc. Chúng ta kính yêu Đức Phật vì bản thân ngài là một thực thể đúc kết bằng những yếu tố nhân bản và trí tuệ. Đức độ và giáo lý của ngài là những châu ngọc đúc kết bằng những chất liệu con người. Chúng ta kính yêu Đức Phật vì chúng ta thấy ở ngài hình bóng của chính ta. Cũng bởi vì vậy, cho nên trong suốt hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử, đạo Phật là một nguồn sống tràn đầy tính chất nhân bản. Đức Phật là người khơi mở nguồn sống ấy, khơi mở chứ không phải là hóa hiện, là tạo dựng. Chúng ta có thể gọi ngài là một con người tuyệt luân. Ngài quá toàn thiện trong nhân tính của ngài đến nỗi về sau trong tôn giáo của đại chúng, ngài được xem là một siêu nhân. Đức Phật dạy, nếu ai hiểu một cách chân chính thì hãy hiểu rằng, ngài là một vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc nhân loại, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người (Trung Bộ I, Kinh số 4, tr 53).

Cho nên đạo Phật cho rằng vị trí con người là tối thượng. Con người là chủ nhân ông của chính mình, và không có một thực thể hay quyền năng nào trên cao để định đoạt số phận của nó. “Người là nơi nương tựa chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa?”.

2/ Con đường Trung Đạo từ bỏ hai cực đoan:

Bằng kinh nghiệm tự thân, đức Thế Tôn đã vạch rõ tư tưởng sai lầm của hai phái. Một là đắm nhiễm dục lạc; hai là khổ hạnh ép xác, nói cách khác là phái chủ trương lạc quan và phái chủ trương bi quan. Phái lạc quan sẽ bị vật chất hóa, thiên nhiên hóa, khoái lạc chủ nghĩa. Phái chủ trương bi quan tự chán ghét đời sống tạm bợ, thân thể đầy nhơ nhớp, nên dùng phương tiện ép xác, nhịn đói, khổ thân để mau bỏ xác thân này và cầu thân hạnh phúc tốt đẹp đời sau.

Theo đức Thế Tôn, hai chủ trương này không có lợi ích gì và đó chỉ là tâm niệm bất chánh, kết quả chỉ là khổ thôi. Từ bỏ hai cực đoan này. Đức Thế Tôn thực hành Bát Chánh Đạo. Và ngài đã tìm cực lạc thật sự trên con đường này. Đây là con đường Trung Đạo đưa đến sự giác ngộ tối thượng. Như vậy, ngài nói con đường tu tập trung đạo mà ngài tìm thấy, đó là kết quả giác ngộ qua quá trình thực hành Giới, Định, Tuệ. Trong kinh Pháp Cú, phẩm Đạo, tr 152 có ghi:

“Tám chánh, đường thù thắng,
Bốn câu, lý thù thắng.
Ly tham, pháp thù thắng.
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng.”

Hay:

“Đường này, không đường khác
Đưa đến kiến thanh tịnh
Nếu người theo đường này
Ma quân sẽ mê loạn”.

3/ Hãy nương tựa chính mình

Từ bỏ hai Đạo Sĩ thời danh và năm người bạn đồng tu để “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, là bài pháp thân giáo sinh động, thể hiện sự tự tu, tự chứng ngộ của bậc Đạo Sư của chúng ta đang tiến bước trên lộ trình giác ngộ giải thoát.

Ngài luôn dạy đừng giao phó thân mạng; tư tưởng; lý tưởng; mục đích sống cho bất cứ ai, chủ thuyết nào, ý thức hệ nào dù chúng đã trở thành truyền thống, tập tục. Vì chỉ có mình là chủ nhân tác nghiệp, tạo nên khổ đau hay hạnh phúc. Đức Phật nói: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình“. Và ngài dạy: “Nếu thấy việc này là xấu, những việc này là bất thiện, những việc này bị người có trí chỉ trích, những việc này nếu tuân theo và thực hiện sẽ mang lại tai hại và xấu xa, thì hãy từ bỏ”, còn “Nếu thấy việc này là tốt, những việc này là thiện, những việc này được người có trí tán thán, những việc này nếu tuân theo và thực hành sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp, thì hãy chấp nhận chúng”.

Chúng ta thấy rõ, đức Phật bao giờ cũng tôn trọng sự tư duy, nhận xét và quyết định của chúng ta. Ngài không muốn chúng ta nhắm mắt tuân theo ngài, vâng theo sự phán xét của ngài một cách thụ động. Ngài đòi hỏi chúng ta một sự suy tư chín chắn, một ý thức kinh nghiệm bản thân, rồi mới đánh giá sự việc là thiện hay bất thiện, tiếp đến mới có thái độ tuân theo hay từ bỏ. Do đó, ngài khuyên chúng ta hãy là “một nơi nương tựa cho chính mình” và không bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác. Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ võ mỗi người hãy tự tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình, vì con người có năng lực giải thoát mình ra khỏi mọi ràng buộc của trí tuệ và nỗ lực của riêng mình. Đức Phật dạy: “Các người nên làm công việc của mình, vì các đức Như Lai chỉ dạy con đường mà thôi”. Nếu người ta có gọi Đức Phật là một người “cứu thế” đi nữa thì cũng chỉ có nghĩa rằng ngài đã tìm ra và chỉ ra con đường đi đến giải thoát, Niết-bàn. Nhưng tự chúng ta phải bước trên con đường ấy.

4/ Chúng sanh có thể thành Phật

“Tự mình thắp đuốc lên mà đi” chính là tự mình phải khơi dậy ngọn đèn tuệ giác, khơi dậy hạt giống Phật đang tiềm ẩn bên trong mỗi người. Vì rằng, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” (Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tính), tức là ai cũng có thể tu hành thành Phật [3]. Chúng sinh vì lòng tham chấp ngũ uẩn cho là ta, là của ta, là tự ngã của ta… và ý thức rằng thân thể của tôi, tình cảm của tôi, tâm tư tôi, nhận thức tôi… hình thành một cái tôi ham muốn vị kỷ làm che lấp cái thể tánh sáng suốt vốn có của mỗi chúng sinh. Ý niệm này được kinh Pháp Hoa diễn tả hình ảnh một kẻ nghèo khó, vốn có châu báu trong vạt áo nhưng không hay biết mà phải bôn ba khắp nơi để kiếm sống, đến khi có vị thiện trí thức chỉ ra mới hay biết, nhờ đó mà thoát khỏi cảnh khốn khổ. Chúng ta cũng vậy, vì không biết trong mỗi người đều có Phật tính, cho nên trải qua không biết bao nhiêu số kiếp, nhưng vẫn lặn hụp trong biển khổ sinh tử mênh mông. Đức Phật là bậc Đạo Sư, ngài chỉ có trách nhiệm khơi mở chỉ bày phương pháp đạt đến giác ngộ, còn chúng ta phải có trách nhiệm phát huy tiềm năng vốn có. Do đó, tiến trình từ phàm phu đến quả vị Phật, là tiến trình chiến đấu với tự thân, phá trừ tận gốc thành lũy vô minh, tham ái. Đức Phật tuyên bố: “Biển có thể cạn, núi có thể sụp đổ, quả đất có thể băng hoại, nhưng khổ đau không bao giờ chấm dứt đối với con người vô minh và ái dục” (Tương Ưng III, chương I, phần 5, tr 267). Đức Phật đã đoạn tận vô minh, tham ái nên ngài được trời người tôn xưng là bậc Đạo Sư, là người đã vượt lên trên tất cả muôn loài. Ngài đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Nói tóm lại, sự kiện thành đạo của Đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học.

Thời gian trôi đi gần ba thiên niên kỷ, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.

Tỳ-kheo THÍCH TÂM MINH

Chú thích (Bình Anson, 03-2005):

[1] Dựa theo Hán tạng. Theo kinh điển Pàli, Đức Phật tham thiền và thành đạo trong đêm rằm tháng Tư (Vesakha). Sau đó, ngài lưu lại đó trong 49 ngày (7 tuần lễ) để an hưởng quả giác ngộ.

[2] Theo kinh điển Pàli, chỉ có 9 danh hiệu: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, và Thế Tôn.

[3] Đây là quan điểm của Phật Giáo Đại Thừa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.