1 giờ 30 phút – Những cuộc viếng thăm tinh thần

Tranh thủ với thời gian trong dịp tổ chức cửu tuần anh Cả, mười bốn Anh Chị Em trở lại thăm trại trường Đà Lạt thân thương! Ý nghĩa biết bao khi một trong hai người ngày ấy dựng tượng ngài Quán Âm trên đài Lục Hòa – biểu tượng dấn thân thực hiện hạnh độ tha – hôm nay cùng có mặt. Đó là Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai.

Trời Đà Lạt âm u, mưa phùn dần nặng hạt, trước quầy bán vé nhìn vào bên trong khuôn viên, trời chiều, bổng nhiên trời bừng sáng! Ánh nắng chiều hoe vàng như sưởi ấm những con tim…

Chúng tôi phải mua vé du lịch để vào thăm lại mảnh đất máu thịt của chính mình. Thật oái ăm thay!

Khu Trại Trường của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên đồi bên thắng cảnh Hồ Than Thở giờ đặt tên là Đồi Phật Bà.

Trên con đường củ – người xưa tìm về…

Lối xưa ngày ấy… người xưa đâu?

Di tích Đài Lục Hòa may mắn không bị triệt phá, còn được dùng phục vụ kinh doanh du lịch.

Nguyện cầu – Hữu nhiễu – Tưởng nhớ ngày qua…

Bên cạnh chị khao khát ghi lại lưu niệm một ngày về – Một vòng tay anh ôm lấy Lục Hòa Đài – Một cánh tay anh chỉ chỗ đứa em mới đây lấy thân thắp lửa cảnh tỉnh đời người và nguyện làm tinh anh giữ gìn Lam địa.


Phải rồi! Đây là Lam địa! Đây là Trại Trường Gia Đình Phật Tử! Đây là Lục Hòa Đài! Đây là di tích nơi Tâm Trí – Nguyễn Thái Cường phát sáng châu thân!

Những bàn tay nối kết những bàn tay quanh gốc cây song thọ đã cháy sém một cành, Thái Cường! Em đã nằm xuống trong muôn vàn tiếc thương, trong ân tình siêu phương, trong Lam sử ngát hương.

Anh chị em cùng nghẹn ngào mà rắn rõi vút cao tiếng hát: “GANG THÉP TA CHIA TAY ĐỪNG BUỒN”.

Tiếc nuối chi mà thông chiều than thở, đại tước kia có phải nơi dung chứa nước mắt những cuộc tình. Bình sinh mỗi khi bình minh lên, những tia nắng đầu ngày soi xuống, dưới đáy hồ vàng có kẽ ngắm trăng tan. Hơn một trăm năm sống bằng huyền  thoại, tiền hậu chủ hề, cuộc đời  như cơn mê!…

Trong tấm hình này ngoài một Tâm Kiểm – Bạch Hoa Mai còn đó, đã tự tay tạc bức tượng này cho Trại Trường toàn quốc cùng Tâm Phát – Võ Văn Phác đã từ lâu ra người thiên cổ theo luật vô thường; còn một người nữa có nhân duyên chung tay trong số Lam viên Đà Thành chuyển kim thân tượng xuống tàu trên bến Bạch Đằng ngày ấy để được chuyển vào xứ sương mù an trí trên Lục Hòa Đài.

Tạm biệt Trại Trường thân yêu, rồi có ngày chúng tôi quay lại…

Tạm biệt Nguyễn Thái Cường! Hãy thay toàn thể Lam Viên bảo toàn linh địa nghe em!

— oOo —

Chiếc xe đưa anh chị em về căn nhà anh Nhật Hồng – Nguyễn Để. Từ sau chợ  nhìn sang, có biểu tượng hiệu kỳ SEN TRẮNG nhạt nhòa theo năm tháng nơi vị trí cao nhất, trang trọng nhất của ngôi nhà. Trần gian là hữu hạn, cần nhất chữ ân tình vì “trên hai vai ta đôi vòng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cỏi đi về”…

Con đường nào anh đã ra đi? Con đường nào cần chúng em gánh vác? Con đường nào như canh bạc chúng em phải giả từ? Con đường nào vượt qua sanh tử? Con đường nào vượt bỉ thử thị phi?

Câu văn hay là câu văn không chữ; lời nói hay là lời nói vô thanh; cử chỉ hay là không còn động tác; lời hát hay là không có ngữ từ. Giả từ anh, giả từ chị, văn như thị, tư như thị, như thị tu trì. Hoan hỷ buông, hoan hỷ bỏ, dép cỏ đăng trình, bình minh cuối nẻo đường hầm đó anh…

ThamAnhDe-Dalat_09.jpg

PHƯỚC VIỆT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.