Trong chương trình Phật Pháp của GĐPT, Bố Thí Pháp nằm trong 2 bài học quan trọng là Tứ Nhiếp Pháp và Lục Độ.
A. TỨ NHIẾP PHÁP: là 4 phương pháp lợi tha để thu phục chúng sanh quay về với Phật pháp. 4 phương pháp ấy là:
- Bố thí tức “bố thí nhiếp”– nghĩa là đem những gì mình có để cứu giúp người khác, cảm phục họ, để họ thân mến mình mà quay về với đạo.
- Ái ngữ tức “ái ngữ nhiếp”– nghĩa là khéo léo dùng lời hòa nhã làm cho người khác mến phục, rồi từ đó họ mới theo chúng ta về với đạo.
- Lợi hành tức “lợi hành nhiếp”– nghĩa là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói, hay hành động, khiến người sinh lòng cảm mến mà theo mình học đạo.
- Đồng sự tức “đồng sự nhiếp”– nghĩa là cùng làm chung một công việc, xem công việc như một phương tiện để gần gũi, giúp đỡ cho những người cùng làm công việc với mình để họ cảm phục mình mà về với đạo.
Trong nhiếp pháp đầu tiên là Bố Thí lại có 3 phần: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
a) Tài thí: là đem tiền của, vật chất mà bố thí, để cứu giúp người đang nghèo khổ, hoạn nạn. Tài thí gồm có Nội tài, tức là tài sản ngay nơi tự thân của chính mình, như thân thể, công sức; và Ngoại tài, tức là tiền bạc, vật chất mình sở hữu.
b) Pháp thí: là đem những giáo pháp quý báu của Đức Phật mà bố thí, giảng dạy cho chúng sanh. Hoặc đem những phương pháp làm ăn, nghề nghiệp dạy cho người khác, giúp họ sinh sống một cách ổn định.
c) Vô úy thí: là đem đến cho chúng sanh sự không sợ hãi, che chở, bảo vệ, giúp họ được bình tĩnh, yên ổn.
B. LỤC ĐỘ hay quan niệm cao hơn nữa là Lục Độ Ba-la-mật, nghĩa là sáu pháp môn thực hành (hay 6 nhánh) để đưa chúng sinh sang bờ bên kia, tức là thoát khỏi bờ sinh tử, qua được bờ Niết Bàn. 6 pháp môn đó là:
- Bố thí – tức là chia sẻ, là cho để trừ lòng tham.
- Trì giới – tức là giữ giới để trừ ô nhiễm.
- Nhẫn nhục – tức là nhường nhịn để trừ giận hờn.
- Tinh tấn – tức là siêng năng để trừ lười biếng.
- Thiền định – tức là chuyên chú để trừ loạn tâm.
- Trí tuệ – tức là sáng suốt để trừ si ám.
Như chúng ta đã thấy trên đây, trong 4 phương pháp của Tứ Nhiếp Pháp hay trong 6 pháp môn hành trì của Lục Độ thì Bố Thí là pháp môn được đặt lên hàng đầu. Vậy Bố Thí là gì?
Bố là cùng khắp; Thí là cho, là trao tặng. Bố Thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi không phân biệt. Bố Thí là cách tu tập để thực hiện hạnh xả bỏ.
Ở đây, trong phạm vi đề tài, chúng ta sẽ chỉ bàn về một trong 3 phương tiện hay 3 cách bố thí: Đó là Pháp Thí tức là BỐ THÍ PHÁP.
Bố Thí Pháp nghĩa là đem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quý báu của Đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác. Hoặc y theo giới luật của Phật mà tu hành chân thật để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh.
Pháp thí có một giá trị lớn lao hơn rất nhiều so với Tài thí, vì Tài thí chỉ giúp người khác bớt túng thiếu về phương diện vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Còn Pháp thí giúp đỡ người được rất nhiều về phương diện tinh thần, không riêng gì đối với người nghèo khó, mà cả người giàu sang, chức tước; và không phải chỉ có ảnh hưởng tốt trong một giai đoạn, mà gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau. Vì những lẽ đó, nên người Phật Tử chân chính không bao giờ bỏ mất một dịp nào mà không thực hành Pháp thí, cả về phương diện khẩu giáo (nghĩa là dùng lời lẽ đúng Phật pháp để chỉ dạy) lẫn phương diện thân giáo (nghĩa là dùng đời sống chân chính hợp đạo lý để làm gương).
Khi so sánh giữa 2 phương tiện Tài thí và Pháp thí, chính Đức Phật đã nói: “Trong hai loại bố thí này, thì Pháp thí là trên” Chúng ta hãy thử tìm hiểu vì sao?
Có nhiều lý do:
- Phước báo của Tài thí vẫn thuộc cõi Dục giới: còn phước báo của Pháp thí có thể nằm trong 3 cõi hoặc ngoài 3 cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).
- Sự bố thí “tài” (tiền của, đồ vật…) có giới hạn; còn bố thí “pháp” thì không có giới hạn, vì tiền của cho lâu rồi cũng hết, còn giáo pháp cho hoài không bao giờ hết.
- Quả báo của bố thí “tài” còn thuộc về hữu lậu; trong khi quả báo của bố thí “pháp” thì thuộc vô lậu.
- Bố thí “tài” cần phải đòi hỏi nhiều tiền tài, sức lực; trong khi bố thí “pháp” chỉ cần sự nhiệt thành, thông minh và trí tuệ.
- Chỉ có bố thí Pháp mới có thể gặt hái được (cho mình) những phước báo giống như các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật hay Bồ Tát.
- Chỉ có bố thí Pháp mới có thể dẫn người khác đến con đường giác ngộ.
- Có thể thực hành bố thí “tài” trong bất cứ thời đại nào, dù có Phật hay không có Phật ở đời. Ngược lại, chỉ trong thời đại có một Đức Phật ra đời ta mới có thể thực hiện bố thí “pháp” được. Vì vậy Pháp thí hiếm hơn Tài thí.
Chúng ta có thể nêu ra ở đây nhiều lý do nữa, nhưng tóm lại bố thí “pháp” sẽ gặt hái được nhiều công đức cho mình và đem đến nhiều lợi lạc cho người hơn là bố thí “tài”.
oOo
Đa số các Phật Tử chúng ta đều thực hành bố thí dạng tài thí như: Làm từ thiện, cúng dường đóng góp chùa, giúp đỡ quần áo, tiền bạc cho những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, cứu trợ bảo lụt, người già neo đơn, người bệnh nặng không đủ tiền thuốc men…
Sự thực hành Tài thí rất nhiều, nhưng việc thực hành Pháp thí còn mới hạn chế ở việc in, ấn tống một số kinh sách. Và thực tế, nhiều Phật Tử ấn tống kinh sách theo phong trào thì cũng chẳng khác gì Tài thí là mấy.
Đa số các Phật Tử thường chú trọng về vật thí, mà quên đi phần pháp thí trong khi giúp nhau làm việc thiện. Giả sử khi có thiên tai, dịch bệnh, mỗi phần quà được trao cho người nhận, chỉ dăm ký gạo, vài thùng mì gói, một ít quần áo hoặc tiền v.v… thì liệu giúp họ được bao lâu? Rồi đói lại hoàn đói; nghèo khổ, thiếu thốn, đau đớn, bệnh tật tuy có được phần nào an ủi nhưng khổ vẫn hoàn khổ. Có một điều tối quan trọng. Là cái khổ sở của cuộc đời này, khổ về vật chất hay khổ về tâm linh nó hành hạ con người, mà con người đang ôm lấy, vật lộn, đau đớn với nó, chẳng qua vì chưa hiểu được một cách tường tận: Tại sao ta khổ? Khổ từ đâu đến? Và diệt khổ như thế nào? Nếu giáo pháp của Phật được hiểu một cách tường tận, rồi từ đó áp dụng vào cuộc sống đơn giản, thì cái khổ này không những được hóa giải bớt đi, và còn đem lại sự tin yêu cho đời sống, vì đã hiểu và biết cách điều trị cái bệnh khổ.
Suy nghĩ như vậy nên khi thực hành Pháp thí, tôi cố gắng đem những đạo lý, Phật pháp để cố giải thích cho người khác nghe, khiến cho họ không đi lầm đường, không gây tội lỗi, hoặc thân tâm được an lạc v.v… Tức là giúp họ thoát khổ không chỉ trong đời này mà còn ở nhiều đời sau. Thêm vào đó, nếu thấy ai hơn, tôi không những không mang lòng đố kỵ, ganh ghét mà còn cố gắng tùy hỷ công đức hoặc đưa ra những lời khích lệ và tán thán v.v… tôi cho đó cũng là một phương pháp thực hành bố thí Pháp.
Ví dụ, trong thời gian gần đây mọi người trong nước đều đang hướng tâm về miền Trung để theo dõi, lo lắng, thăm hỏi khi những cơn bảo đang đổ bộ vào, gây thiệt hại, nguy hiểm về tính mạng và tài sản cho đồng bào ruột thịt, thì thâm tâm tôi cũng luôn góp phần cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát che chở, cứu giúp cho họ giảm bớt đi phần nào đau thương, mất mát để sớm trở lại với một cuộc sống thanh bình và an lạc, tôi nghĩ đó không chỉ là một phương pháp thực hành bố thí Pháp hết sức hữu hiệu mà còn mang đậm tính nhân bản, nhân văn.
Với các em Đoàn Sinh của tôi, tôi coi bố thí Pháp cho các em như là một trách nhiệm thường xuyên của người Huynh Trưởng. Không chỉ chiều chủ nhật đến đơn vị, giảng dạy Phật pháp và các bộ môn khác cho các em mà bất kỳ lúc nào, tại đâu gặp các em và có cơ hội thuận tiện tôi đều gắng sức chỉ dẫn, bày biểu hướng các em tuân theo luật Đoàn, luật GĐPT và sống noi theo hạnh lành chư Phật, sống đúng giáo pháp đức Phật. Tôi đặc biệt chú trọng việc khuyên nhủ các em thực hành bố thí để gieo chủng tử thiện lành và huân tập đức tính từ bi, thương yêu người và vật như chính bản thân mình.
Qua quá trình sinh hoạt, kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, không phải việc lên lớp giảng Phật pháp cho các em mà đã chắc có hiệu quả nếu chúng ta không gần gũi, chăm lo, để mắt thường xuyên đến các em, bởi sau một tuần học tập mệt mỏi ở học đường, đến chiều chủ nhật đến chùa lại tiếp tục ngồi nghe anh chị Trưởng “lên lớp” thao thao bất tuyệt những lời lẽ cao siêu, hoa mỹ mà không thực tế, thì chắc chắc việc thâu nhận giáo pháp của các em là không đáng kể, chứ chưa nói đến việc các em học thuộc lòng nhưng có ảnh hưởng tích cực, có thực hành không hay lại chỉ là “học như vẹt” mà thôi!
Kinh nghiệm cũng cho thấy, phương pháp “huân tập” trong giáo dục của GĐPT là vô cùng thực tiễn và quan trọng, do vậy muốn thực hành Bố Thí Pháp thực sự hiệu quả, tức là được các em tin theo, nghe theo, làm theo thì người Huynh Trưởng phải thực hành triệt để việc dạy bảo các em bằng chính thân giáo, ý giáo, khẩu giáo của mình. Vì với tâm lý các em là thích nhận xét, so sánh và nhất là hay bắt chước, chúng ta không thể nào hướng dẫn cho các em nghe theo khi mà chúng ta “nói một đằng, làm một nẻo”.
Ngày nay phương tiện truyền thông phát triển rất rộng rãi: Sách báo, truyền thanh, truyền hình, các hệ thống toàn cầu với những thư viện điện tử, diễn đàn điện tử… lan rộng từ thành thị tới thôn quê nên rất nhiều người đã tham dự được vào các tiện nghi này để đọc kinh sách, thảo luận, nghe giảng Phật pháp, tải tài liệu v.v…. Nhờ vậy, có một số người, nhất là giới trẻ, do tham khảo, nghiên cứu từ internet mà trình độ Phật học của họ khá thâm sâu, cho nên cơ hội để chúng ta thực hiện bố thí Pháp sẽ cũng hiếm hơn trước.
Vậy mà trong thời buổi công nghiệp, với cuộc sống tất bật và áp lực như hiện nay, một lời khích lệ, hoặc một câu nói đúng đạo lý lại rất cần và sẽ khiến cho họ giảm đi không ít áp lực. Trong xã hội hiện nay, nhiều người về mặt vật chất tuy được sung túc dồi dào, nhưng đôi khi tinh thần của họ thật là trống rỗng, hoang mang vô định, họ thực sự cảm thấy bất an về nhiều mặt. Ví dụ, tiền nhiều như thế thì tiêu như nào, hoặc nay gia sản có cả ngàn tỷ đồng, nhưng qua một đêm lại tay trắng thì sao? Quả thật là nỗi lo chồng chất nỗi lo. Thế nên, chúng ta hãy đừng xem họ là “biển”, hãy đừng bao giờ xa lánh họ, vì biển càng rộng càng cô đơn. Do vậy, những người thầy tâm linh, những người bạn tinh thần đối với họ quả là vô cùng cần thiết.
Tóm lại, bố thí Pháp thí chính là đem chân lý và trí tuệ để thuyết giảng cho người khác nghe, khiến cho họ bỏ ác làm lành, tạo niềm an lạc và tìm cầu đến một cuộc sống Chân – Thiện – Mỹ. Thêm vào đó, nếu chúng ta bớt đi lòng đố kỵ, ích kỷ, hẹp hòi, mà thay vào đó bằng sự khích lệ, tán thán thì đó cũng chính là một biện pháp thực hành bố thí Pháp. Hơn nữa, khi thường xuyên xem xét lại bản thân, thì về mặt tâm linh chính chúng ta ngày càng tiến bộ.
Như vậy có thể thấy, chỉ cần có đủ khả năng về tiền bạc vật chất, cộng với tấm lòng tương thân tương ái là chúng ta đã có thể thực hiện được việc giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn hoạn nạn – tức là Tài thí. Tuy nhiên, đây chỉ là đối với những người có lòng nhân ái, vị tha và biết thương người như thể thương thân mà thôi. Còn đối với những kẻ trọng phú khinh bần, một đồng cũng không chịu bỏ ra thì đây quả là một việc làm hết sức khó khăn đối với họ. Trong trường hợp này, đối với việc bố thí Pháp quả là một việc làm không đơn giản. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ có kiến thức, trí tuệ và lòng vị tha là đủ, mà điều quan trọng là phải có sự kiên nhẫn và thời gian thì mới có thể thuyết giảng đạo lý cho họ nghe được.
Có thể nói, trong hai việc, bố thí tiền tài và bố thí Pháp, thì Pháp thí là một việc làm phải mang tính kiên trì, thường xuyên, lâu dài và thậm chí là phải có “kỹ xảo” thì mới thực hiện được. Tuy nhiên, giúp đỡ về mặt tinh thần nó là một tài sản vô giá, đặc biệt là đối với những người đang cần sự trợ giúp về mặt tinh thần. Bởi lẽ, đôi khi chỉ một lời nói, hoặc một lời khuyên đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp nó sẽ có tác dụng cho cả cuộc đời họ mà nếu làm được, chúng ta đã thực hành đúng lời Phật dạy và mục đích của GĐPT.
TRUNG HIẾU