Sống bình an – Chết mĩm cười

hiepky1.jpgĐã đôi lần trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng đã chuẩn bị cho mình những chuyến đi xa. Trước lúc ra đi, chúng ta chuẩn bị cho mình tiền bạc, áo quần, túi xách, đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, có một chuyến đi xa rất quan trọng mà ai cũng phải ra đi, đi mãi không về, đó là cái chết, vậy mà chúng ta đã chuẩn bị hành trang cho chuyến ra đi đó chưa? Chúng ta có biết mình sẽ đi về đâu chưa? Hay là mặc cho số phận đưa đẩy, an bài? Nếu buông xuôi như thế là một sai lầm rất lớn, là tránh né một sự thật mà nhiều người rất sợ; thậm chí họ còn sợ nhắc đến chữ chết, vì cho rằng đó là điềm gở. Những quan niệm cho rằng chết là mất hết, không còn gì cả; hay chết rồi thì sẽ sanh lại làm người, không cần phải lo nghĩ gì, là hoàn toàn sai lầm. Thật ra sau khi chết, người ta có thể bị đọa vào địa ngục, sinh làm súc sanh, sinh lại làm người, sinh lên cõi Trời hay về thế giới chư Phật…Do vậy, người tu học cần dành cả cuộc đời lúc sống để lo chuẩn bị cho cái chết, chuẩn bị cho cuộc đời mới tiếp ngay sau cái chết, như chuẩn bị một cái áo mới thật tốt để thay khi cởi bỏ chiếc áo mà mình đang mặc. Chúng ta biết rằng con người là sự kết hợp của thể xác và tâm thức, khi chết thì chỉ có cái thể xác tạm bợ mất đi, còn tâm thức thì vẫn còn sống mãi và tiếp tục hành trình tái sinh của nó. Chúng ta tu học là để lúc sống cũng như khi chết, tâm thức của chúng ta luôn an lạc, luôn thăng tiến để đi đến quả vị giải thoát. Cho dù thân xác này có phải chịu bao nhiêu cảnh khổ đi nữa thì cũng nhất quyết không để cho tâm thức đi xuống những nẻo đường luân hồi, không để vướng bận cảnh sinh ly tử biệt mà lạc vào đường tà. Và chúng ta cũng không níu kéo, cản trở sự thăng tiến tâm thức của người thân bằng sự khóc than khi họ chết đi, mà bình tâm tiễn họ với sự cảm thông, chia sẻ, chí thành cầu nguyện cho họ vững bước về thế giới an lành, làm nhiều việc phước thiện rồi hồi hướng cho họ.

Vậy phải chuẩn bị cho mình những gì trước lúc chết? Sẽ có nhiều người trẻ tuổi bật cười, vì mình còn trẻ mà phải lo gì chuyện đó, để đến lúc già, lúc sắp chết rồi tính sau! Nhưng có chắc là mình sẽ sống đến già hay không? Chỉ một tai nạn xảy ra, hay trúng một luồng gió độc, còn đâu nữa mà lo chuẩn bị? Mà đã gọi là tai nạn thì đâu ai có thể biết trước được lúc nào nó xảy ra. Và lúc ấy, tâm hồn mình sẽ hoảng loạn, thần trí mê mờ, không dám tin là mình đã chết, cố bám víu vào cái thân đã cứng lạnh, cố kéo níu người thân họ hàng, nhưng nào có ai thấy mình đâu? Rồi mình thèm ăn, thèm uống, tiếc nuối của cải… nhưng than ôi, lúc đó còn đâu thân xác để mà ăn uống, để mà thỏa mãn cơn thèm như lúc còn sống. Và những thèm khát, sân hận nổi lên, cảnh địa ngục lập tức xuất hiện…

Tập sách nhỏ này xin ghi lại những điều mà chúng tôi đã học hỏi được khi đến sinh hoạt ở GĐPT và sau khi đọc cuốn sách “Tạng thư sinh tử”. Trước hết, tập sách như là một nhắc nhở cho chính bản thân mình: muốn hết khổ thì phải hiểu rõ khổ là gì? vì sao mình khổ? làm thế nào để hết khổ? muốn chết bình an thì phải biết cái chết diễn ra như thế nào? mình sẽ đi về đâu sau khi chết? và mình cần chuẩn bị như thế nào?… Đây là nhận thức cá nhân dựa trên sách vở, dựa vào tướng sanh diệt và tâm phân biệt mà trình bày nên còn những hiểu biết kém cỏi, và những sai lầm là không thể tránh khỏi. Chúng tôi xin tất cả mọi người chân tình đóng góp ý kiến, chỉ bảo để không bị lạc lối trên bước đường tu học.

Chúng tôi xin đê đầu sám hối tất cả những kiến giải sai lầm trong tập sách này, thành tâm sám hối những lỗi lầm mà bản thân đã tạo ra trong nhiều đời kiếp, và xin phát nguyện trọn đời niệm Phật, tu học theo Chánh pháp để lúc lâm chung, cùng hết thảy chúng sanh, được vãng sanh về cõi nước Phật.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. 

SỐNG BÌNH AN

Lạy Phật! qua bài học “Tứ Diệu Đế”, chúng sanh đã thấm thía rằng cuộc đời là đau khổ, khởi đầu bằng chữ SINH và kết thúc bằng chữ CHẾT.

Nhìn lại những đau khổ trong quãng đời vừa qua, chúng tôi chợt ý thức rằng mình đã quá chú trọng lo lắng cho xác thân giả tạm này mà ít chú ý chăm lo cho tâm thức, và từ nay mình phải tinh tấn thực hành theo lời Phật dạy để quãng đời về sau bớt đi những khổ đau, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho cái chết và sự tái sinh sau khi chết. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng dù có thuộc lòng bài học mà không áp dụng vào thực tế thì cũng như ngồi miêu tả một cái bánh ngon, miệng thao thao bất tuyệt về hình dạng, thành phần của cái bánh mà bụng vẫn đói meo, không có lợi ích gì hết.

Khởi đầu là bài học về Khổ đế. Thưa mẹ! Trước khi ra đời, thân con nằm trong bụng mẹ, giữa mớ bòng bong ruột gan của mẹ, tối tăm chật hẹp, sống bằng chất dinh dưỡng của mẹ truyền cho, khi con khó chịu cựa mình thì mẹ đau đớn, biếng ăn, mất ngủ. Con mỗi ngày mỗi lớn thì mẹ càng thêm mệt mỏi, nặng nề. Lúc sinh con ra, mẹ đau đớn xé lòng, con giãy dụa trong máu huyết tuôn trào của mẹ. Vừa ra khỏi bụng mẹ, con đã cất tiếng khóc chào đời: “Khổ a… khổ a…!”, mẹ thì ngất lịm đi vì mất sức.

Rồi con lớn lên, đi học, vào đời, phải cần lao kham khổ, đổ mồi hôi vì bát cơm tấm áo, bị người phỉnh gạt áp bức, kẻ oán thù khinh bỉ. Cuộc đời con hy vọng cũng nhiều mà thất vọng ê chề cũng không ít.

Con chứng kiến những người thân yêu của nhau phải xa lìa nhau. Gia đình đang sống trong cảnh sum vầy, rồi vì sa cơ lỡ vận, mỗi người tha phương cầu thực mỗi nơi, lòng nhớ mong nhau khắc khoải. Cũng có người ra đi mãi không về, như người em trai con, buổi tối ngồi ăn cơm vui vẻ cùng gia đình, ăn xong lấy xe máy đi công việc, 15 phút sau, có người điện thoại báo em bị tai nạn, khi cả nhà tức tốc lên bệnh viện thì em đã qua đời…

Và còn những khổ đau của một con người khi yêu thương ai đó mà không được đáp trả, hay khi cầu mong một điều mà không được toại ý. Khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng thì sân hận nổi lên, như một ngọn lửa đốt cháy trong lòng, và đốt luôn những công đức đã tạo được. Rồi vì lòng ngã mạn, cho mình là hơn hết mà chẳng chịu học hỏi thêm, không nghe lời nói phải; chấp thân dơ bẩn giả tạm này là của mình, vì quý chuộng phụng sự cho nó mà tạo ra lắm điều tội lỗi.

Con bị bệnh loét dạ dày hành hạ, nửa đêm thức dậy ôm bụng quằn quại vì đau, bác sĩ bảo đây là bệnh kinh niên khó chữa, còn con biết đây là do nghiệp xấu của con trổ quả mà thành bệnh, và căn bệnh nhắc nhở rằng con chưa tinh tấn trong việc tu học.

Rồi con chứng kiến bệnh tật, già nua đang hành hạ ba mẹ. Lúc trước con hư, ba mẹ đánh con, đã có lúc con đau quá sinh ra giận hờn ba mẹ. Nay con hư, ba mẹ không còn đủ sức cầm roi để đánh con nữa rồi, vì mắt đã mờ, tai đã lãng, thân thể nhiều bệnh tật, sức khỏe đã giảm sút. Con lại thầm mong ba mẹ khỏe mạnh để đánh con thật đau những lúc con lỗi lầm, nhưng nào có được.

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió

Quay lại cùng trong bể khổ thôi…

Nhìn lại quanh mình thấy ai cũng khổ. Những cảnh khổ cuộc đời nằm ngay trước mắt con, bên tai con, ngay chính trong con. Những sự thật có thể nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ được, chứ không phải những sự thật ở đâu xa lạ. Những thứ phiền não ấy là do tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến gây ra. Chúng có mãnh lực trói buộc và sai sử con người, khiến họ trầm luân trong vòng sanh tử luân hồi từ đời này đến kiếp nọ, phải chịu không biết bao nhiêu điều khổ não.

Con nhớ mãi lời dặn dò của ba mẹ: “Thân bệnh nhưng đừng để tâm bệnh”; phải hiểu rõ các cảnh khổ ở thế gian để gặp cảnh khổ không sợ hãi mà vững vàng đón nhận và tìm cách giải quyết; không tham cầu để khỏi bị hoàn cảnh chi phối, và phải gắng sức tu hành để thoát khổ. Có người khuyên con rằng lúc chào đời thì ta cất tiếng khóc khổ đau trong sự mừng rỡ cười vui của những người thân, nhưng hãy sống làm sao để khi chết, ta ra đi với một nụ cười an lành trên môi trong niềm tiếc thương của những người ở lại. Và không nên coi bệnh tật và khổ đau là thứ tàn phá con người, rồi vì thế mà chịu thất vọng, ngã lòng. Trái lại, phải coi đó là cuộc trắc nghiệm xem chúng ta đã hiểu lời Phật dạy tốt đến đâu, và chúng ta có thể áp dụng sự hiểu biết đã học được tốt đến mức nào. Hạnh phúc chân thật không đâu xa vời, mà chính là khi đã diệt trừ được đau khổ. Ðau khổ lùi chừng nào thì hạnh phúc đến chừng ấy, như bóng tối tan đi đến đâu thì ánh sáng thay vào đến đó. Do cái nhìn của mỗi người đối với cuộc đời mà có khổ hay không. Nếu không bị sự chấp ngã, dục vọng, phiền não khuấy động chi phối thì cuộc đời sẽ đầy an lạc, hạnh phúc.

Con biết con khổ là do con tham lam quá độ, được một cầu hai, đứng núi này trông núi nọ, xét nét người này, tìm lỗi người kia, rồi sân hận nổi lên, gây ra phiền não. Con biết con si mê lầm lạc, không biết phân biệt phải trái, đúng sai, để cho vô minh vọng tưởng điều khiển cuộc đời mà cứ tưởng mình hay, mình đúng. Con kiêu ngạo với những thành công ở thế gian, cho mình là hơn người, là hiểu biết, con đâu biết đó chỉ là giả tạm, vô thường, là chướng duyên trên bước đường tu học. Chứng kiến lòng người đổi trắng thay đen, con đâm ra mất niềm tin vào những người xung quanh, nghi ngờ cuộc đời, nghi ngờ chính mình…Con biết hạnh phúc giả tạm ở thế gian như những giọt mật nằm trên lưỡi dao bén, nếu con say sưa nếm nó thì chắc chắn sẽ có ngày đứt lưỡi. Thỏa mãn những ham muốn, những dục vọng ở thế gian như uống nước muối để giải khát, chỉ tạm hết khát lúc uống, nhưng chỉ ít lâu sau, lại càng khát nhiều hơn.

Con biết thân con là một cái bọc chứa đựng máu mủ, thịt xương và các thứ dơ bẩn. Các lỗ bài tiết trên người đều tiết ra những thứ hôi thối như phân, nước tiểu, nước

giãi, nước mũi, ghèn, cứt ráy, mồ hôi…Một miếng ăn ngon chỉ cần con bỏ vào miệng rồi nhả ra lại thì ngay chính con cũng không dám ăn lại, chứ chưa nói nó trôi xuống bụng rồi tiêu hóa thành phân dơ. Cái thân này vài ngày chưa tắm đã thấy bẩn thỉu hôi hám; còn khi đau ốm thì đàm, mũi thúi tha tanh hôi không sao chịu được, nhất là gặp những bệnh nan y thì thật là không ai dám lại gần. Ðến khi chết thì da thịt rã rời, lỡ để vài ngày chưa bỏ vào quan tài thì ruồi bọ rúc rỉa, mùi hôi xông lên, nước xanh nước vàng từ thân chảy ra… ngay cả người thân dù tiếc thương cũng không dám lại gần. Nếu chiếu qua máy X quang, thì cái đầu lâu của con hay của một người đẹp đến đâu đi nữa cũng giống y như cái đầu lâu trắng phêu đang nằm lăn lóc ngoài nghĩa địa. Vậy mà vì vô minh nên con mới yêu quí cái thân dơ này, làm nô lệ cho nó, gây bao nghiệp ác để phải chịu nhiều quả báo.

Vạn vật xung quanh con đổi thay không ngừng. Ví như trong giấc chiêm bao hiện ra cảnh nầy cảnh khác. Người chiêm bao khi đó cũng lầm tưởng là cảnh thật có, đến khi thức dậy mới nhận ra đó là cảnh giả dối trong chiêm bao. Con người cũng thế, vì mê lầm nên không nhận ra được sự giả tạm của sự vật. Trong khi tâm duyên với cảnh, cảnh duyên với tâm, vạn pháp hiện ra giữa vũ trụ, rồi tưởng là thật có. Thật ra, các pháp đều không tự tướng, đều là vô ngã,  sự vật xung quanh đều là giả tạm, như khói, như mây, có rồi lại mất.

Thân con thì dơ bẩn, nhưng cái “tâm vô thường” mới là đáng sợ hơn cả. Con không nhận biết tâm chân  thật của con vốn là thể chơn như rộng lớn cùng khắp cả vũ trụ, mà lại nhận lầm cái tâm phân biệt là con, thật là quá mê lầm. Thì ra lâu nay con chứa chấp tâm phân biệt này, nuôi dưỡng nó, bị nó sai khiến như nuôi ong tay áo, như nuôi giặc trong nhà mà con không biết. Cái trí hiểu biết của thế gian mà con thường tự hào chẳng qua chỉ là một mớ hiểu biết chắp vá, khập khiễng, không toàn hảo; nó thu nhặt những kiến thức thế gian, những phong tục tập quán do con người đặt ra, những điều nó cho là hay, là đúng làm kiến thức của riêng nó. Rồi nó lại đem cái kiến thức chắp vá ấy áp đặt vào người khác, bắt họ phải theo nó, rồi nhìn nhận sự việc qua cái định kiến của nó và làm méo mó thông tin nhận được. Nếu không theo ý nó thì nó phiền não, và nó bắt con phải phiền não theo nó. Nó lải nhải suốt ngày đêm trong đầu con những toan tính thiệt hơn, những lăng xăng vô bổ, nó bảo với con là người này tốt, người kia xấu, âm thanh này hay, âm thanh kia dở, nó xúi con chửi lại những người khác… Nó là nguồn gốc phát sinh bệnh tật trong cơ thể con, làm cho con điên đảo. Con phiền não với mọi người xung quanh cũng chỉ vì con chỉ nhìn thấy cái “tâm vọng tưởng” của người đó bằng cái “tâm vọng tưởng” của con; chứ nếu để cái tâm này lắng xuống, con sẽ thấy hiển lộ tâm tánh thanh tịnh nơi con và nơi người ấy là không sai khác. Thế nên Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” và Bồ Tát Thường Bất Khinh đảnh lễ tất cả những người ngài gặp: “Lạy ngài, tôi không dám khinh suất các ngài, vì nhân duyên trước sau các ngài sẽ thành Phật”.

Giờ đây con phải để cái “tâm vọng tưởng” này vào sự tĩnh lặng bằng trí tuệ và từ bi, cho nó nghỉ ngơi thật sâu và hợp nhất nó với sự tĩnh lặng sâu lắng của nội tại bên trong. Lúc đó làm gì còn sự phân biệt, làm gì còn có oán hờn, tham lam nào nữa. Thay vì đàn áp nó hay bị lôi cuốn theo nó, con sẽ ngắm nhìn nó và bất cứ thứ gì khởi lên trong tâm, với sự chấp nhận và bao dung, cởi mở. Một người đến xúc phạm con, con sẽ

thực tập ngồi yên lặng, quán xét cái tâm vọng tưởng đang nổi lên trong con và đang sai khiến người kia để cảm thông với họ, con sẽ cảm ơn họ vì họ đã tạo nhân duyên để con được thử thách về tiến hóa tâm linh, con quán xét Phật tính rỗng lặng, bất sanh bất diệt nơi họ để thấy họ chính là con.

Phật dạy: hết thảy chúng sinh từ vô thủy đến nay sống chết nối luôn, đều do không biết thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chân tâm mà lại chỉ dùng các vọng tưởng, vì vọng tưởng đó không chân thật nên mới có luân hồi. Các pháp phát sinh là duy tâm biến hiện, tất cả nhân quả, thế giới, vi trần, đều nhân cái tâm mà có thể tính. “Sinh tử là tâm ngươi, Niết bàn cũng là tâm ngươi; tất cả lạc và khổ, tất cả vọng tưởng không hiện hữu tách biệt với tâm ngươi”.

Như luồng gió mạnh thổi tan đám mây, để lộ mặt trời sáng chói và bầu trời rộng mở, cũng thế sự tu học có thể vén mở cho ta hé thấy bản tính tự nhiên của tâm, là gốc rễ của trí tuệ. Đó là một sự tỉnh giác trong sáng nguyên thủy có tính chất thông minh, biết nhận thức, sáng chói và luôn luôn tỉnh thức. Bản chất tự nhiên của tâm không phải chỉ có trong tâm ta mà thôi, kì thực nó là bản chất của mọi sự vật; trực nhận bản tính tự nhiên của tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của mọi sự vật. Cũng như một cái bình trống; khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không bên ngoài. Chỉ có những bức thành của cái bình đã ngăn cách không gian bên trong với bên ngoài. Tâm Phật trong ta bị vây kín trong những bức thành của tâm thông tục. Nhưng khi ta giác ngộ, thì cũng giống như cái bình vỡ tan thành mảnh vụn. Khoảng không gian “bên trong” liền tan hòa ngay vào không gian “bên ngoài”. Cả hai trở thành một.

Bài học về Đạo đế cũng dạy con rằng một việc lành dù nhỏ cũng phải cố công mà làm cho được, một việc ác dù nhỏ cũng không được làm. Con phải có lòng tin mạnh mẽ vững chắc vào con đường giải thoát, dũng mãnh tinh tấn trên bước đường tu tập không bao giờ thối lui, từ đó phát sinh trí huệ sáng suốt, thâm nhập được chân tướng của vạn pháp.

Qua phần Đạo đế, con hiểu rằng người tu hành, nhờ trí sáng suốt, nhận biết là có thêm cái gì thì khổ thêm cái đó, nên tâm không bám giữ một thứ nào hết, dù quý báu bao nhiêu; nếu mình đã có vật đó thì không sinh tâm dính mắc, nếu chưa có thì cũng không sinh tâm mong cầu. Ngay trong sự tu hành cũng vậy, không nên trụ trước ở các pháp mình đã tu, đã chứng; trái lại nên xả bỏ những gì mình đạt đến, để tiến triển trên bước đường đi đến giải thoát. Nếu người tu hành cứ mãi say đắm vào quả vị mình đã chứng, thì sẽ bị trầm vào nơi đó, không bao giờ có thể tiến lên để đạt thành đạo quả vô thượng. Người tu thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc. Và khi đã biết cảnh giả, vật dối, thì mắt không chăm, tâm không chú; còn khi rõ biết cảnh vật thật, lời lẽ chân, thì chuyên tâm vào sự lý chân thật làm cho đèn huệ sáng ngời. Họ thường xét nghĩ đạo lý cao siêu, suy tìm thể tánh nhiệm mầu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối. Họ không bao giờ nói sai sự thật, rất thận trọng lời nói; luôn giữ gìn mọi hành động của mình để khỏi làm tổn hại đến người khác, và nếu cần, có thể hy sinh quyền lợi hay tánh mạng mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác. Họ dùng trí huệ để quán tưởng những pháp chân chính, hoặc ngồi Thiền, niệm Phật… để giữ gìn thân, khẩu, ý cho thanh tịnh.

Phần Đạo đế trình bày 37 phẩm trợ đạo, nhưng con được biết rằng đừng nên thấy quá nhiều pháp môn mà vội nản lòng, thối chí. Vì căn cơ chúng sinh không đều, nên đức Phật cần chế ra nhiều pháp môn để mỗi người có thể tùy theo căn cơ mình mà lựa pháp môn thích hợp để tu hành. Tất nhiên một người có thể tu nhiều pháp môn nếu có đủ khả năng, trí tuệ, sức khỏe; nhưng nếu không đủ điều kiện, thì tu một pháp môn cũng được. Khi tu thành tựu một pháp môn, thì các pháp kia đều thành tựu, vì nó nhiếp thuộc lẫn nhau. Khi thành tựu rốt ráo, kinh Bát Nhã có nói:“…vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc”, nghĩa là không còn gì gọi là khổ, tập, diệt, đạo (tứ diệu đế), không còn “trí” là người tu chứng và cũng không còn “đắc” là đạo quả để chứng. 

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Tứ Diệu Ðế là giáo lý căn bản của đạo Phật, là nền tảng chắc chắn có thể đưa người tu hành đến quả vị A La Hán. Trên nền tảng này, người tu tự chọn cho mình một trong những pháp tu thích hợp như Tịnh Độ tông, Thiền tông, Mật tông… để tiến đến quả vị Bồ Tát và quả vị Phật. Con không dám nói nhiều về phần này vì con chỉ đọc trên sách vở, chưa đặt chân đến đó bao giờ, chỉ đang trên đường mò mẫm đi, nhưng với lòng tin chắc chắn, nguyện lực chân thật và tu hành tinh tấn, con tin là mọi người sẽ đến được nơi mong muốn. Diệt đế là chân lý chắc thật nói về quả vị Niết Bàn, là sự thể nhập vào chân tánh bản lai thanh tịnh sáng suốt của vũ trụ, đó không phải tịch nhiên bất động, cũng không phải là cái trống không, mà là trạng thái an lạc, hạnh phúc tuyệt đối khi tâm ý đã vắng bặt tham, sân, si. Muốn thấy được Niết Bàn thật, phải tự mình thân chứng, phải thể nhập Niết Bàn.

Hầu hết các pháp môn tu học đòi hỏi người tu phải dứt hết phiền não, nhiễm ô, dứt hết nghiệp quả tội chướng mới được giải thoát. Chỉ riêng pháp môn Tịnh độ thì Đức Phật A Di Đà cho phép người tu pháp môn này “đới nghiệp vãng sanh”, nghĩa là người tu còn mang nghiệp quả chưa trả hết mà vãng sinh về thế giới của ngài. Chẳng khác nào như hòn đá tự nó lướt qua bể cả không được, nhưng nếu có thuyền bè chở qua biển, dù nhiều hòn đá cũng vượt bể khơi được như thường. Còn một hòn đá dù nhỏ xíu nhưng không có thuyền nâng đỡ, thả xuống nước lập tức chìm ngay. Chiếc thuyền đó chính là từ lực rộng lớn và sự tiếp dẫn của đức Phật A Di Đà. Đới nghiệp ở đây là nghiệp cũ trước lúc tu học thì có thể mang theo về thế giới Tây phương, vì lúc đó do vô minh mà tạo tội; còn khi đã bắt đầu tu học rồi mà còn phạm giới, nghiệp tội tạo ra lúc này là do giãi đãi, không kính trọng pháp tu, biết sai mà cố ý phạm, nghiệp này không thể mang theo được. Vì tu giả dối thì không thể có quả chân thật, như người nấu cát không thể mong thành cơm, cây đắng không thể cho quả ngọt. Cõi Cực lạc phải có sự tiếp dẫn của chư Phật và Bồ Tát thì người tu mới vãng sanh về đó được, vì nó cách cõi Ta bà rất xa, không thể tự sức mình mà đi đến. Ở cõi này có chín phẩm sen cao thấp khác nhau, tùy theo sự hành trì mà người tu vãng sanh về một trong chín phẩm đó.

Với niềm tin chắc chắn vào Đức Phật và giáo pháp của ngài, với nguyện lực chân thành, thiết tha sanh về cõi Phật, với sự tinh tấn hành trì niệm Phật, tụng kinh, làm việc thiện, chúng ta tin chắc khi nhắm mắt xuôi tay sẽ vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Pháp môn Tịnh độ cần phải đầy đủ ba điều kiện: Tín, Nguyện, Hạnh.

Tín là niềm tin, chúng ta phải tin tự (tin ở nơi mình): tin tất cả đều do ở nơi tâm của mình tạo ra, mình đầy đủ tư cách để đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Nếu mình niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật A Di Đà tiếp dẫn không sai. Tin tha (tin ở nơi người): chúng ta tin chắc rằng pháp môn Tịnh độ là do đức Phật Thích Ca nói ra, và Phật không bao giờ nói dối; tin chắc 48 lời nguyện của Phật A Di Đà là như đinh đóng cột, tin đích thật có thế giới Tây phương Cực lạc, nếu như y theo Pháp môn Tịnh độ mà hành trì tất sẽ được đức Phật A Di Đà tiếp dẫn sinh về Cực lạc. Tin nhân quả: tức là tin rằng niệm Phật chính là gieo nhân vãng sinh giải thoát và sự vãng sinh chính là kết quả. Phải tin chính mình trong quá khứ đã có căn lành, nay mới gặp được pháp môn Tịnh độ và nhờ căn lành mới có thể đầy đủ tín, nguyện, hạnh. Tin sự: tức là tin cảnh giới Tây phương Cực lạc và tất cả các sự tướng ở nơi cõi ấy đều là có thật, tin rằng đức Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng ta rất lớn, Ngài nhất định trợ giúp chúng ta thành Phật. Tin lý: tin rằng một tâm của mình bao trùm khắp cả mười phương quốc độ của chư Phật. A Di Đà Phật do niệm Phật và tu hành tinh tấn mà thành Phật A Di Đà, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cũng có thể thành Phật A Di Đà.

Nguyện là ý nguyện của mình, thiết tha cầu sinh về Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, vì cõi Ta bà có vô lượng sự khổ. Nguyện tận lực cứu giúp tất cả các loài chúng sinh cùng được vãng sanh. Nguyện khi mình lâm chung, thấy đức Phật A Di Đà cùng chư Bồ tát, chư Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn về Tây phương.

Hành là sự thực hành, khi đi đứng nằm ngồi đều chí tâm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tâm và miệng niệm, tai lắng nghe rõ ràng từng chữ. Niệm khẩn thiết như mẹ nhớ con, như người sắp chết trên biển chỉ còn một cái phao để bám víu, cái phao đó là câu niệm Phật. Cùng với câu niệm Phật là sự nghiêm trì giới luật, phụng dưỡng cha mẹ, hành hạnh Từ bi, cứu giúp mọi loài chúng sanh, tu tập để phát triển trí tuệ. Khi vãng sinh về Cực lạc là vĩnh viễn không bị thoái chuyển nữa và tiếp tục tu tập để đạt được quả vị Phật.

Nếu người niệm Phật mà lúc thực hành không thể kềm chế được ái cảnh thì khi lâm chung khó có thể tự làm chủ được, dễ bị dẫn dắt vào lục đạo luân hồi. Do đó, ngay bây giờ phải biết thiết tha niệm Phật, có tâm thiết tha đoạn trừ sanh tử. Đối với pháp môn Tịnh Độ, nguyện tu mà chưa quyết chắc, việc này không cần phải hỏi người khác, chỉ xem tự mình có vì việc sanh tử hay không. Nếu muốn tịnh cõi Phật, thì phải thanh tịnh thân tâm. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn, thì lúc lâm chung, cảnh giới Tịnh Độ hiện ra trước mắt, tự nhiên không bị sanh tử trói giữ, bèn cảm Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn. Nếu xưng niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh Độ, mà không trì tịnh giới, phiền não không thể đoạn trừ, tâm địa vẫn còn cấu uế, thì người này khó có thể thành tựu.

CHẾT MỈM CƯỜI 

Giờ đây, chúng ta nói đến việc chuẩn bị để đón nhận cái chết thật thanh thản, vì ai cũng phải chết. Thời Phật còn tại thế, một phụ nữ có đứa con duy nhất mới chừng một tuổi, bỗng nhiên ngã bệnh mà chết. Quá đau khổ, bà ôm xác con tới cầu xin Phật cứu giúp. Phật bảo chỉ có một cách là bà hãy xuống phố, xin về một hạt mù tạt từ một nhà nào chưa hề có người chết để làm thuốc cứu con. Bà gõ cửa tất cả các ngôi nhà

trong phố, và tất cả đều trả lời: nhiều người đã chết trong nhà này. Cuối cùng bà nhận ra rằng cái điều kiện mà Phật đặt ra không thể nào thực hiện. Bà bèn đem xác con đến chôn ở nghĩa địa rồi trở về xin tu hành theo Phật.

Sách Tạng Thư sinh tử viết: “Người nào biết sống một cách tỉnh thức thì sẽ chết tỉnh thức, và một khi đã tỉnh thức thì họ có thể chuyển thần thức, tránh được sự lôi kéo của nghiệp và thoát khỏi sinh tử luân hồi. Đa số con người vì bị vô minh che phủ nên khi chết thì họ cũng không thể làm chủ được hoàn cảnh khi ấy, dĩ nhiên họ sẽ hoàn toàn để nghiệp lực lôi kéo và trôi nổi trong sáu nẻo luân hồi”. Theo sách này, vòng luân hồi có thể tạm chia ra làm bốn phần hay bốn giai đoạn như sau: giai đoạn sống là khoảng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, đó là một kiếp người. Giai đoạn chết là khoảng thời gian từ khi rời bỏ thể xác cho đến khi bước sang Cõi sáng. Giai đoạn thứ ba là lúc sống trong Cõi sáng, một khoảng thời gian rất đặc biệt khi thần thức được khai mở để kinh nghiệm chân tâm. Giai đoạn thứ tư là giai đoạn tái sinh, khoảng thời gian từ lúc chuẩn bị để tái sinh cho đến khi sinh ra. Và trong lúc chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, cơ hội để giải thoát hay để phá tung lưới sinh tử có thể thực hiện được nhờ biết cách chuyển thần thức, không để bị nghiệp tiếp tục dẫn đi vào vòng sinh tử luân hồi. Cũng giống như giây phút “hốt nhiên chứng ngộ” của các vị thiền sư, đó là một khoảng trống mà một người biết sống trong tỉnh thức có thể sử dụng để kéo dài cái trạng thái tĩnh lặng đó, không để cho bộ óc lao xao đầy lý luận lôi kéo và chính đó là cơ hội mà sự giải thoát có thể xảy ra. Phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mỗi người là nên tu tập tâm linh trong suốt cuộc đời mình.

Để đạt đến cảnh giới giải thoát thật sự khi còn sống cũng như khi chết đi, chúng ta phải có một niềm tin vững chắc vào giáo pháp mình tu học, tin chắc vào khả năng thành Phật của bản thân mình cũng như của vạn loại chúng sanh, tin chắc vào luật nhân quả và tin vào sự viên dung của sự và lý. Chúng ta chiêm nghiệm những con đường để đi đến giải thoát, rồi tùy căn cơ, tùy nhân duyên mà tự chọn cho mình một phương pháp tu học thích hợp, chọn rồi thì phải có niềm tin mãnh liệt vào con đường đó, phát nguyện chân thật trọn đời tu tập và tinh tấn thực hành, dù thịt nát xương tan cũng không thối chuyển. Khi đã chọn pháp môn cho mình rồi thì pháp môn đó đối với mình là nhất, là tối thắng, không pháp môn nào hơn để chuyên tâm tu học. Do đó trong kinh Phật dạy rằng pháp môn nào cũng là nhất, cũng là vi diệu, vì pháp môn nào cũng đưa đến quả vị giải thoát, cũng như đỉnh núi chỉ có một, nhưng để leo lên đỉnh núi thì có rất nhiều con đường. Có 84.000 pháp môn để tu học, nhưng khi chúng ta đã chọn một pháp môn rồi, thì hãy đi theo với sự chân thành trọn vẹn, đi cho đến cuối cuộc hành trình, trong khi vẫn giữ thái độ cởi mở kính trọng đối với các pháp môn khác. Vì khi thành tựu được một pháp môn là thành tựu tất cả. Đừng là một khách du lịch về tâm linh, đi khắp nơi chốn mà không bao giờ tới một chỗ nào, không nên khi đang thực hành pháp môn này mà nghe đến cái hay của pháp môn khác thì lại dao động, muốn thực hành thử, làm thế chẳng khác nào đứng núi này trông núi nọ, đang ở con đường này chạy sang con đường khác, rốt cuộc thì lăng xăng chạy qua chạy lại dưới chân núi, không thể leo lên đỉnh của ngọn núi được.

LÚC SẮP CHẾT

Giữ chánh niệm là quan trọng hơn tất cả. Với chánh niệm, những tư tưởng xấu không thể thâm nhập vào tâm chúng ta và chúng ta có thể chết bình tĩnh, thanh thản. Người thân xung quanh giữ chánh niệm cũng giúp ích rất nhiều cho người sắp chết, làm họ cảm thấy yên tâm, bớt lo sợ. Chánh niệm là một đức tính tuyệt vời có thể giúp chúng ta trong lúc sống cũng như lúc chết, nên chúng ta cần trau dồi và phát triển nó trong cuộc sống. Người tu theo Tịnh độ thì lúc sắp chết chỉ bám giữ câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” để giữ chánh niệm. Người nhà nên mời ban hộ niệm đến niệm Phật, tụng kinh Thủy sám…để giúp cho người sắp chết an tâm mà ra đi và giảm bớt nghiệp chướng cho họ.

Một yếu tố quan trọng chi phối việc tái sanh là nghiệp. Có nhiều loại nghiệp như tập quán nghiệp được huân tập bởi một thói quen trong đời sống hàng ngày, tích lũy nghiệp được gom góp dần trong quá trình sống, cực trọng nghiệp là các nghiệp xấu ác cực mạnh, và cận tử nghiệp là nghiệp xuất hiện lúc sắp chết. Nghiệp này cực kỳ hệ trọng trong việc hướng dẫn nghiệp thức đi tái sinh. Những tư tưởng cuối cùng của người sắp chết sẽ tạo nên một cận tử nghiệp quyết định nơi tái sinh. Một người có thể đã làm nhiều điều ác, nhưng trước lúc tắt thở, tự nhiên họ sanh tâm ân hận, tập trung nhớ lại những điều thiện trong đời, và nhờ ý lực đó có thể tái sinh vào cõi lành (việc này rất khó gặp vì khi đó tâm đã bấn loạn, thân xác đau đớn, nghiệp ác tự xuất hiện, người sắp chết khó làm chủ được ý thức). Ngược lại, một người làm được nhiều việc thiện, nhưng trước lúc tắt thở lại khởi tâm sân hận, luyến ái…và vì ý lực bất thiện đó sẽ bị tái sinh vào cõi xấu, nhưng vẫn được hưởng phước do những việc thiện làm được, ví dụ như sinh ra làm con chó, nhưng là chó trong một gia đình giàu có, được chủ nhà chăm sóc chu đáo.

Tất cả những hành động thiện hay ác mà con người làm đều được lưu vào trong tàng thức (A lại gia thức) như những hạt giống được gieo vào và nằm im trong lòng đất, cho đến khi sắp chết hoặc chết, thân thể và các giác quan không còn hoạt động, lúc bấy giờ chỉ có tâm thức hoạt động. Tuy nhiên, tâm thức lúc đó không phải là tâm thức ở trạng thái định tĩnh, tự chủ, linh hoạt, mà trái lại nó rơi vào trạng thái bất tỉnh, hôn mê, hoảng hốt, phách lạc hồn xiêu… Và ngay lúc bấy giờ, mọi tạo tác của con người hoặc thiện hoặc ác từ trong quá khứ sẽ tạo thành dòng nghiệp thức gồm những ý lực cực mạnh để thôi thúc thần thức của con người đi tìm cảnh giới tái sinh. Cần lưu ý rằng, các tập quán, thói quen, nhất là sự luyến ái, chấp thủ khi còn sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cận tử nghiệp. Do đó, nếu sống an lạc thì chết cũng an lạc. Sống mà khổ đau vì tham, sân, si thì hầu hết chết cũng khổ đau như thế; vì sống và chết chỉ xuất hiện trên một tiến trình, như thức và ngủ. Vì vậy, để có sự giải thoát, ngay tại đây và bây giờ, cần phải luôn luôn hướng tâm đến với sự xả ly thanh tịnh, xóa bỏ mọi sự tham ưa và bám víu. Thánh nhân có dạy rằng: “Thế gian như một con thuyền, hãy đi trên nó chứ đừng mang vác nó trên vai…”

Khi sắp chết, tâm thần thường rối loạn, sợ hãi vô cùng. Phần thì xót thương cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái từ đây đoạn tuyệt, phần thì lo mình một thân cô quạnh, bước sang thế giới mịt mù xa lạ. Những người đã chuẩn bị kỹ cho chuyến ra đi của mình thì họ không sợ chết. Khi biết mình sắp chết, họ quyết tâm chịu đựng sự đau đớn

và cái chết với một nụ cười, giữ được chánh niệm và tự tại cho đến lúc cuối cùng; vì một khi thanh lọc được tất cả những ô nhiễm của tham, sân, si thì cái đau thể chất không làm họ sợ nữa.

Còn đối với những người không đủ phước duyên chuẩn bị sẵn cho cái chết, họ thường rất sợ hãi. Họ lo lắng về công việc dang dở họ để lại, hoặc họ vẫn còn ôm ấp mặc cảm phạm tội hay oán ghét người khác. Họ cảm thấy họ sắp mất cả thế giới của họ, mất tất cả, nên lúc thì họ sợ hãi, lúc thì giận dữ, có lúc lại đau buồn. Đây là những chướng ngại trong việc tái sinh của họ.     Nếu chẳng may người sắp chết mất bình tĩnh và lộ vẻ sợ hãi, lo âu hay đau đớn, người thân, bạn bè nên nhắc lại những việc làm tốt của họ khi còn sống để người ấy an tâm. Sau đó nhẹ nhàng khuyên họ rằng ai cũng phải một lần bỏ thân xác này để tái sanh sang kiếp khác, hãy bình tâm để được sanh về cảnh giới an lành, nên chí thành niệm Phật cầu vãng sanh. Những người thân và bạn bè hãy thành tâm hứa với người sắp chết là sẽ hoàn thành những công việc mà họ đang làm dang dở. Đừng sợ hãi hay xa lánh người sắp chết, vì lúc đó họ đang rất đau khổ, cô đơn, rất cần sự giúp đỡ và chia sẻ.

Hãy thiết lập một không khí bình an để người sắp chết cảm thấy thoải mái mà nói ra những ý nghĩ, lo sợ và cảm xúc của họ. Người nghe đừng ngắt lời, từ chối hay giảm nhẹ những gì họ nói mà phải vận dụng tất cả khéo léo và tình cảm, sự cảm thông của mình để giúp họ thổ lộ tâm can. Hãy nhìn người sắp chết trước mắt mình và nghĩ họ cũng có những nhu cầu giống mình, muốn được hạnh phúc, muốn tránh đau khổ, họ cũng có nỗi cô đơn, nỗi sợ đối với cảnh giới chưa biết, cũng có những lãnh vực buồn khổ âm thầm, cũng có những cảm giác bơ vơ mà họ chỉ mơ hồ nhìn nhận. Người sắp chết thường muốn trả hết nợ nần, hoàn thành những việc đang dở dang, hòa giải với tất cả mọi người; lúc này họ trở nên bao dung và thánh thiện hơn. Hãy đặt mình vào địa vị người sắp chết. Tưởng tượng mình đang nằm trên giường, đang đối diện cái chết, đau đớn và cô độc, rồi thực sự tự hỏi mình: Lúc này mình cần gì nhất, thực sự mong muốn gì từ nơi người thân xung quanh? Đó chính là được yêu thương, đồng cảm, được chấp nhận.

Sau đó, hết sức thoải mái nói về pháp môn mà người sắp chết đang tu tập, những điều họ thật sự thích nghe, hoặc nói về những cảnh giới tốt đẹp; tuyệt đối tránh nhắc đến những điều khó chịu hay một pháp tu tập mà người đó không thích, vì điều đó có thể làm họ sanh tâm sân hận.

Hãy quán tưởng người sắp chết như là một vị Phật sắp thành vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, và họ có hào quang sáng chói, mọi sự đau khổ, kêu la than khóc của họ chỉ là một đám mây mù và trước sau sẽ tan ra khi ánh sáng của Phật tánh chiếu sáng. Mỗi khi gặp người nào đang trải qua nỗi thống khổ ghê gớm, thì nên tha thiết cầu khẩn sự giúp đỡ của chư Phật và thánh chúng, với trái tim hoàn toàn  rộng mở hướng về người sắp chết, tràn đầy bi mẫn đối với nỗi đau của họ. Thu hết năng lực của lòng sùng kính tin tưởng, hãy quán hình ảnh các ngài đầy ánh sáng đang ở trên đầu người sắp chết, từ bi nhìn xuống họ và chan hòa ánh sáng ân sủng lên họ, thanh lọc ác nghiệp họ trong quá khứ và nỗi đau đớn trong hiện tại. Tưởng tượng những tia sáng trút xuống người hấp hối, tịnh hóa bản thể họ, và người ấy đang tan thành ánh sáng, nhập vào ánh sáng của Phật. Rồi cầu nguyện cho người ấy không còn khổ nữa, được giải thoát bình an.

LÚC MỚI CHẾT

Đừng vội đụng chạm vào thân thể người chết vì lúc này tuy họ đã tắt thở nhưng thần thức vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi thân xác, đụng vào người họ lúc này khiến họ rất đau đớn và dễ khiến họ sanh tâm sân hận. Để yên ít nhất là 8 tiếng đồng hồ, sau đó mới tiến hành tắm rửa, thay đồ cho họ. Tuyệt đối không được khóc lóc, gây ồn ào trong lúc này vì dễ làm cho người chết tán loạn hay sanh tâm luyến tiếc, điều này dễ khiến họ bị đọa lạc vào cõi xấu. Hãy giữ không khí bình an, thanh tịnh, mọi người ngồi quanh người chết chí thành và nhẹ nhàng niệm Phật.

Phải hiểu rõ rằng người chết không thể mang theo được của cải, áo quần, trang sức hay bất cứ thứ vật chất nào khác. Chỉ có một thứ họ mang theo được, đó là nghiệp tốt hay xấu của chính họ. Do đó, nên tập trung lo cho sự giải thoát của tâm linh người chết hơn là lo tổ chức hình thức đám tang rình rang. Câu chuyện về bốn bà vợ nhắc nhở chúng ta điều này: Có một ông vua có bốn bà vợ, vua yêu người vợ thứ 4 nhất và luôn chiều theo mọi sở thích của bà. Kế đến là người vợ thứ 3, nhà vua lúc nào cũng sợ mất bà, đi đâu cũng luôn muốn đưa bà đi theo. Bà vợ thứ 2 là chỗ dựa tinh thần của nhà vua, bà rất tử tế, luôn lắng nghe, khuyên nhủ vua. Người vợ thứ nhất của vua là trung thành nhất, giúp vua trị vì và làm cho đất nước ngày càng giàu có nhưng nhà vua lại không dành nhiều tình cảm cho bà. Không may một ngày nọ, vua lâm bệnh và biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa, nhà vua lần lượt hỏi bốn bà vợ có ai có thể chết theo nhà vua được không. Chỉ có bà vợ thứ nhất là đồng ý theo vua đến bất cứ nơi đâu, còn ba bà vợ thứ 2, 3 và thứ 4 đều từ chối. Nếu xem mỗi chúng ta cũng giống như nhà vua đó, thì ai cũng có bốn bà vợ. Người vợ thứ 4 của chúng ta chính là thân thể; ai cũng lo lắng, chăm sóc đến bản thân nhiều nhất, nhưng khi chúng ta ra đi, cơ thể ấy cũng từ từ tan rã, không đi theo ta. Người vợ thứ 3 là địa vị và của cải, đây chính là những thứ dễ mất nhất, ngay cả khi chúng ta đang sống; còn khi chúng ta chết đi, địa vị và của cải sẽ thuộc về người khác. Người vợ thứ 2 chính là gia đình và bè bạn, họ luôn quan tâm và giúp đỡ, nhưng họ chỉ có thể chăm sóc ta đến những phút cuối và đưa ta đến nghĩa trang. Người vợ thứ nhất chính là tâm thức của ta. Không phải ai cũng nhớ đến và lo cho tâm thức của họ khi sống trong một thế giới vật chất đầy dục vọng, tham cầu. Thế nhưng tâm là thứ duy nhất luôn đi cùng với ta tới bất cứ nơi nào ta đến và chi phối sự tái sinh của chúng ta. Sướng hay khổ, tốt hay xấu, lành hay dữ đều do tâm thức này quyết định tất cả.

Theo sách ghi lại, những người chết trong trạng thái tâm thiện đều có cảm giác mình từ trong bóng tối thoát ra ánh sáng, loại bỏ sự khổ đau và đạt được hạnh phúc. Có nhiều trường hợp người bệnh rất nặng, đến lúc gần chết đã nói ra những điều tốt đẹp thoải mái thay vì nói đến căn bệnh của họ. Còn đối với người bệnh tuy nhẹ nhưng nỗi sợ hãi quá lớn, giai đoạn cuối cùng này tâm họ luôn hoảng hốt, nên họ có cảm giác mình từ nơi ánh sáng đi vào trong bóng tối và bị rơi vào cảnh khổ đau. Một số người, thân thể ấm áp của họ đã bị suy yếu qua cơn bệnh nên họ trở nên khao khát muốn hơi nóng, và họ có khuynh hướng tái sinh vào cõi địa ngục nóng bức hoặc một nơi có khí hậu nóng. Những người khác thích cái mát lạnh, thích uống nước lạnh và khiến cho

khuynh hướng tái sinh của họ hướng vào nơi lạnh lẽo như địa ngục hàn băng hay một nơi có khí hậu lạnh. Vì thế điều quan trọng là tránh khởi những ý niệm tham ái trong lúc chết và trực tiếp hướng tâm đến những điều thiện. Một số sách kể rằng người chết phải di chuyển trong hơi nóng ngột ngạt qua Cánh đồng quên lãng, đó là một sa mạc không có cây cối. Khi chiều đến, họ cắm trại gần Con sông thất niệm, và khi họ uống nước ở dòng sông này thì quên hết mọi sự, do đó khi tái sinh sang kiếp sau, họ không còn nhớ gì về đời sống ở kiếp trước của họ.

Khi hơi thở đã ngừng, thần thức người chết chuyển thành thân trung ấm, được hiểu nôm na là sự sống sau khi chết, trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào cõi nào đó. Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thì trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu trong thời gian này, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày, sau đó thần thức lại chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt này cứ lập lại cho đến khi thần thức đi tái sinh. Trong thời gian ở lại với cõi trung ấm này, vào những ngày đầu, người chết không nhận ra mình đã chết, họ quay lại gia đình để gặp những người thân nhưng không ai hay biết, họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời, họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ tự phát hiện ra họ không có bóng hình trên đất, không có ảnh trên gương, họ mới biết là mình đã chết. Giờ đây, họ lần lượt nhớ lại những thiện và ác nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời sống vừa qua. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau trong suốt đời họ hiện ra trước mắt như một cuộn phim. Nếu là người vốn từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, sống cuộc đời tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương ứng với nghiệp lực của họ. Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thần thức của người ấy nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy, họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người. Còn một đồ tể nhìn thấy một con cừu, anh ta muốn đuổi bắt và giết chết nó, nhưng lập tức anh ta thấy bóng mờ xuất hiện nên anh ta giận dữ, cơn giận đã làm kết liễu thân trung ấm và thần thức của anh ta rơi vào bụng một con cừu mẹ hay bị đọa vào địa ngục.

Theo nghiệp luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những nghiệp đó. Nghiệp theo ta như bóng với hình, nó được lưu giữ lại trong A lại gia thức, nó là chủ nhân ông quyết định việc tái sinh. Khi chúng ta chết thì không mang theo được gì, dù chỉ một đồng xu; cũng chẳng có thể mang được người thân nào để cùng đi. Chúng ta đến thế gian này một mình theo nghiệp quả của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình với những nghiệp quả. Nếu hiểu rõ nghiệp luật, thì chúng ta sẽ cảm thấy sống một cuộc đời lương thiện quan trọng đến như thế nào trong khi còn sống. Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn.

Theo Kinh Phật, sau khi chết chúng ta hoặc sẽ luân hồi trong 6 phàm cảnh là cõi trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục; hoặc sẽ đạt đến 4 thánh cảnh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Xét về mức độ ô nhiễm hay thanh tịnh thì có các cảnh khác nhau như trên, nhưng về phương diện tuyệt đối thì tất cả đều cùng một tâm thể như nhau, một chân tâm bình đẳng. Bản đồ pháp giới tánh có vẽ hình mười cõi này trên một hình tròn ở giữa là chữ TÂM.

Về sự tu tập, nếu từ vị trí con người mà tu hành Tam quy ngũ giới và những nếp sống hiền lành chân thật thì kiếp sau sẽ sinh ra làm người; nếu ứng dụng pháp Thập thiện và thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền thì sẽ đạt được quả vị của chư thiên; nếu ứng dụng pháp Tứ đế để tu hành thì sẽ đạt quả vị Thanh văn; nếu tu theo pháp Thập nhị nhân duyên thì sẽ đạt quả vị Duyên giác; tu theo pháp Lục độ sẽ đi đến quả vị Bồ-tát; còn nếu ứng dụng phương pháp “tức tâm là Phật” tu hành thì chở thẳng đến quả vị Phật. Người chuyên tu niệm Phật cầu sinh về Cực Lạc sẽ được Phật A Di Đà và chư Bồ tát hiện ra tiếp dẫn về Tây phương.

Có sách miêu tả rằng khi con người sắp chết thì thường rất đau đớn về thân xác, như con rùa bị lột xác vì lúc đó các thành phần trong cơ thể bắt đầu tan rã, thần thức thì mê mờ hoảng sợ, sẽ nhìn thấy những bóng ma lôi kéo mình, và những cảnh giới khác nhau sẽ hiện ra với những màu sắc riêng biệt, người chết tùy theo nghiệp lực mà thác sanh vào một trong những cảnh giới đó. Nhìn vào thế giới xung quanh ta, và vào tâm ta, ta có thể thấy quả thực có sáu cõi luân hồi. Trong sách có ví dụ sáu loài chúng sinh nhìn một dòng sông. Loài người thấy con sông là nước, để tắm rửa hoặc để uống; loài cá thấy đó là nhà ở của chúng; loài trời thấy đó là vị cam lồ đem lại phúc lạc; loài A tu la thấy đó là khí giới của họ, loài quỷ đói thấy dòng sông thành ra máu mủ tanh hôi; còn loài địa ngục thì thấy toàn là nước đồng sôi. Nước sông chỉ có một, nhưng được trông thấy nhiều cách khác nhau, nhiều khi hoàn toàn trái ngược. Chúng sanh thấy thế giới này đầy đau khổ, nhưng một người đã giác ngộ sẽ thấy thế giới này toàn hảo một cách tự nhiên, một cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh sáng chói. Vì tất cả thế giới đều từ tâm biến hiện ra. Cũng như một người thợ kim hoàn đem một thỏi vàng lớn đúc thành nhiều hình tượng khác nhau: tượng Phật, tượng người thợ săn, tượng con trâu, tượng cây hoa…rồi đem những màu sơn khác nhau mà tô lên những bức tượng đó. Khi đem ra trưng bày, khách hàng thấy tượng Phật thì sinh tâm thành kính, cầm tượng bằng hai tay một cách kính cẩn, còn khi thấy những bức tượng khác thì lật qua lật lại xem thường, và tùy mỗi hình dáng mà sinh tâm yêu ghét khác nhau, như một cô gái thích hình bông hoa, ghét hình con trâu…Còn người thợ kim hoàn, khi nhìn những bức tượng với những hình dáng và màu sắc khác nhau đó, ông ta biết rằng tất cả đều bằng vàng như nhau, đều được đúc ra từ chung một thỏi vàng, giá trị đều như nhau, nên tâm ông không sinh ra sự phân biệt nào.

Có sách ghi rằng người phạm tội cực ác hay người tự tử thì sẽ bị cuốn hút vào vùng ánh sáng đen tối màu khói, đó chính là đọa vào cảnh giới địa ngục, chịu muôn ngàn đau khổ; người có tâm tham lam cùng tột, gian manh, vu khống, giết người thì bị cuốn vào vùng ánh sáng màu đỏ bầm dữ tợn (có sách ghi là màu vàng êm dịu) mà sanh vào loài ngạ quỷ với lòng tham vô độ; còn người hay giết hại sinh vật, sống theo bản năng, làm nhiều việc ác thì sẽ đi theo màu xám mờ (có nơi ghi là màu xanh lục) mà vào

bụng của súc sanh, là loài biết vui mừng đau đớn, nhưng không biết diễn tả bằng lời nói, chỉ mong được sống và an phận. Những người lúc sống mà hay sân hận, kiêu mạn vì được người khác kính nể, thích được người khác ca tụng, dù có tu hành nhưng chỉ vì hiếu danh thì khi chết thần thức tự nhiên thích nhập vào luồng ánh sáng mơ hồ, phảng phất màu xanh lá cây (có sách ghi là màu đỏ dịu) để sau đó sinh vào cảnh giới A tu la; còn nếu giữ gìn tam quy, ngũ giới thì do nghiệp cảm sẽ nhập vào vùng ánh sáng màu vàng đục (có sách ghi là màu xanh da trời) để đầu thai vào kiếp người. Người chuyên tu thập thiện và thiền định thì sẽ hòa vào vùng ánh sáng trắng êm dịu mà sinh về cõi trời, một nơi vắng bóng khổ đau, một cõi có sắc đẹp bất biến và mê mẩn theo dục lạc, hưởng hết phước báu lại tiếp tục hành trình luân hồi. Theo cuốn Tử thư, tất cả các hình ảnh nói trên không phải ở bên ngoài đến mà chỉ là sự phóng chiếu của tâm thức bên trong, tùy tâm mà thấy cảnh, cũng như ngài Mục Kiền Kiên thấy bát cơm là bát cơm, nhưng mẹ ngài lại nhìn thấy bát cơm đó là than đỏ; vì tính chất của những cảnh giới đó chính là những tính chất trong tâm của người sắp chết, nên họ không thể nào tránh né nó được. Nếu không được thầy khai thị chỉ bày, không chuẩn bị trước, thì người chết sẽ sợ hãi các hình ảnh và các ánh sáng trí huệ rực rỡ, và sẽ bị thu hút vào các ánh sáng bất tịnh, êm dịu của cõi sanh tử.

Một số bảo rằng nếu sanh vào cõi trời, ta sẽ thấy mình đi vào một thiên cung có nhiều tầng lầu. Nếu tái sanh vào loài a tu la, ta sẽ thấy mình ở giữa những khí giới bằng lửa như thể sắp ra chiến trường. Nếu sanh vào súc vật, ta sẽ thấy mình ở trong một hang lỗ dưới đất, hay một cái ổ rơm. Nếu thấy một gốc cây, một rừng sâu, hay một tấm vải dệt, thì đó là dấu hiệu sắp tái sanh làm quỷ đói. Và nếu sắp sanh vào địa ngục thì ta sẽ thấy mình đang bị dẫn vào một hố đen, xuống một con đường tối, vào một cõi đất mờ mịt có nhà màu trắng và đen, hay về phía một thành phố bằng sắt. Theo Tử thư Tây Tạng, những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong hệ tâm-vật-lý là những huyệt đạo vi tế, nội phong hay năng lực, và nhóm lại ở một vài trung tâm năng lực đặc biệt trong cơ thể. Bởi thế, hạt giống của địa ngục và nhân của nó là giận dữ được định vị trí ở dưới hai gót chân, cõi ngạ quỷ và nhân của nó là tham dục gốc ở bàn tọa, cõi súc sinh và nhân của nó là ngu si thì có vị trí ở rốn, cõi người và nhân của nó là hoài nghi có trị tri ở tim, cõi a tu la và nhân của nó là ganh tỵ nằm ở yết hầu, cõi trời và nhân của nó là kiêu mạn thì có vị trí ở đỉnh đầu. Vì vậy khi luồng hơi ấm cuối cùng thoát ra từ đỉnh đầu thì chúng ta sẽ tái sinh vào một cõi đất tịnh, nếu thoát ra ở gót chân thì bị đọa vào địa ngục…

Người tu hành phải xác định rõ ràng là dù chết bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không sanh tâm sân hận, không luyến tiếc, không đi vào những vùng ánh sáng mờ tối, mà phải trú ngay vào ánh sáng hào quang rực rỡ của chư Phật. Có như vậy thì mình không còn sợ chết nữa, vì mình biết chắc nơi mình sẽ đến, mình không luyến tiếc gì ở đời, không làm việc gì sai trái để ăn năn hối hận, và  khi nhắm mắt lìa đời, mình sẽ mỉm cười. Mình tin rằng mình có Phật tính rỗng lặng, có trí tuệ bát nhã như chư Phật, và có đủ khả năng thành Phật.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta phải thường xuyên tự huấn luyện mình để chuẩn bị cho cái chết, như người tu Tịnh Độ thì ngoài những lúc phải vướng bận công việc  làm ăn, gia đình, lúc trí não rãnh rỗi là niệm Phật ngay, dù trong lúc ngủ cũng niệm, để lỡ khi chết bất thình lình thì theo thói quen được huân tập sẵn, mình sẽ niệm Phật để chắc

chắn được vãng sanh. Còn người tu thiền thì đi, đứng nằm ngồi đều thiền, và cái chết của người đó sẽ diễn ra trong thiền định.

Có sách nói rằng kinh nghiệm cận tử thường khởi đầu bằng một kinh nghiệm thoát xác. Người ta có thể trông thấy thân thể của chính họ, cũng như thấy hoàn cảnh xung quanh, có thể thấy và nghe bà con đang sống của họ, nhưng không thể nào liên lạc được với họ, và điều này làm họ tức tối. Họ cũng thấy mình có thể du hành rất nhanh, chỉ bằng năng lực của tâm ý. Một trong những nét chính của kinh nghiệm cận tử là cái cảm tưởng di chuyển “với tốc độ kinh khủng” và “cảm giác vô trọng lực” qua một không gian tối đen, “một màu đen kỳ diệu, thanh bình, toàn triệt”, và đi xuống “một đường hầm đen dài”. Khi hành uẩn phân tán, tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mọi sự trở nên một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của chúng ta với hoàn cảnh vật lý đang tan mất. Chúng ta khởi sự có những ảo giác và thấy các cảnh tượng. Nếu trong đời ta đã tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy những hình thù ghê rợn. Những ám ảnh và những giây phút kinh hãi của đời ta bây giờ quay lại, và có khi chúng ta cố la lên vì kinh hoàng. Nếu chúng ta đã sống đời có lòng tử tế xót thương, thì chúng ta có thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, và gặp lại những bạn bè thân yêu, hoặc những bậc giác ngộ.

Chúng ta đã biết cái chết là sự bắt đầu của một sự tái sinh mới. Sống làm sao để khi chết, chúng ta sẽ ra đi một cách an bình, mãn nguyện rằng chúng ta đã làm tất cả những điều chúng ta có thể làm, rằng trong cuộc sống chúng ta đã gieo rắc cảm thông và hạnh phúc, rằng chúng ta đã sống bằng tấm lòng thương yêu, từ bi và trí tuệ. Bất cứ lúc nào chúng ta nhìn thấy một người khổ đau là chúng ta cảm thấy muốn chìa tay ra giúp đỡ cho người ấy. Thấy người sắp chết thì nên khuyên họ từ bỏ thân xác một cách thanh thản vì biết rằng sống hay chết chỉ là hai mặt của một vấn đề, vì hiểu rằng trong khi chúng ta còn sống chúng ta đang chết từng chập một, chết vào mỗi giây phút qua đi và bị tái sinh vào mỗi giây phút mới đến.

Tất cả những điều trình bày trên đây được ghi lại từ sách vở, nhằm giúp chúng ta hiểu thêm về tiến trình của cái chết, những cảnh giới tái sinh sau khi chết…Hiểu biết để chuẩn bị trước, tập luyện trước, khi cái chết xảy ra là tái sanh vào cảnh giới mà mình đã chọn ngay, không phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Như người tu Tịnh độ thì chí tâm niệm Phật, khi chết thì được Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh ngay; còn người tu thiền thì nhập vào cảnh giới thiền định mình đã tu chứng, dứt khoát không đi theo màu sắc của những cảnh giới trong lục đạo. Và ngay từ bây giờ, chúng ta không cần quan tâm đến những  cảnh giới trong lục đạo nữa, chỉ chuyên tâm vào pháp môn mà mình tu tập để chắc chắn rằng ngay khi chết là mình giải thoát ngay.

Ở Việt Nam, khi trong nhà có người chết thì hay nhờ thầy xem ngày giờ cho các nghi lễ tẩm liệm, tịch điện, động quan, di quan, hạ huyệt…Có người cho rằng đã là Phật tử thì ngày giờ nào cũng tốt, không cần phải coi ngày giờ mà chỉ cần trong nhà tự quyết định ngày giờ sao cho thuận tiện. Thật ra, chỉ có những ai đã thoát khỏi sự chi phối của ngũ hành, đã thoát khỏi sự ràng buộc của nghiệp lực, ung dung tự tại trong cuộc đời thì mới dám tuyên bố như vậy, vì lúc đó tốt hay xấu, phước hay họa cũng không chi phối được họ nữa. Còn như chúng ta đang là phàm phu, đang chịu sự chi phối của nhân quả, chưa đủ lực để đón nhận họa, phước thì chúng ta phải nhờ thầy chọn ngày giờ phù hợp

để lo việc an táng cho người chết và để làm an tâm mọi người trong gia đình, đó cũng là một phép an tâm vậy. Chứ nếu cứ khăng khăng không chịu coi thầy, thì mọi người trong nhà phấp phổng lo âu, đôi lúc còn gây mất đoàn kết trong gia đình, thế thì phỏng có ích gì?

Thân nhân nên cung thỉnh chư Tăng, Ni và ban tụng niệm đến để trợ niệm, vừa giúp trấn an cho người chết, trợ giúp thêm sức cho họ trong việc tái sinh, vừa nhằm giúp cho người thân trong gia đình bớt đau khổ; chứ không phải tụng kinh là có thể giải hết nghiệp tội của người chết, như câu chuyện sau đây có giải thích rõ: Một thanh niên đến mời đức Phật và tăng chúng cầu nguyện cho linh hồn của cha anh ta được siêu thoát. Ðức Phật bảo anh ta ra chợ mua về hai cái bình đất và một ít bơ, để bơ vào một bình và để đá vào bình kia, bịt kín lại rồi thả cả hai bình đó chìm xuống một cái ao. Ðức Phật bảo anh ta lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao, bơ thì nhẹ đã nổi lên mặt nước còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao. Rồi ngài bảo anh thanh niên đi mời chư Tăng đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên. Người thanh niên trả lời điều đó ngược lại với quy luật tự nhiên, không thể được. Ðức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời lương thiện thì những hành vi của ông cũng nhẹ như bơ, cho dù thế nào thì ông cũng được giải thoát. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại nghiệp luật thiên nhiên. Nhưng nếu cha con có một cuộc đời bất thiện thì cũng giống như hòn đá nặng, cha con sẽ bị chìm vào địa ngục.” Sự hộ niệm của chư Tăng và người thân chỉ mang tính trợ giúp, như tạo ra một tấm ván có thể tạm thời bỏ viên đá cho nó nổi lên trên mặt nước, nhưng khi không còn tấm ván nữa thì viên đá lại chìm xuống.

Ban hộ niệm có thể chia sẻ hay hồi hướng công đức của mình cho người chết. Sự nguyện cầu chân thật của họ và công năng vi diệu của những bài kinh tụng sẽ kết tụ thành một năng lượng hộ trì, giúp giảm bớt nghiệp chướng của người chết và hướng họ tái sanh vào những cảnh giới an lành. Thân trung ấm của người mới chết, tuy ở trong những cảnh giới riêng của họ, nhưng họ có thể quan sát được bình diện của loài người, nếu họ nhận thức được những năng lượng của việc cầu nguyện hướng về cho họ, những hành vi công đức được làm cho họ, và vui hưởng về điều này, thì họ sẽ có được công đức do sự vui mừng của họ, họ tỉnh táo hơn trong việc tái sinh. Và người trợ niệm khi chia sẻ công đức của mình với người khác thì chính công đức của họ cũng được tăng trưởng. Điều quan trọng nhất là mỗi người phải tự lo cho chính bản thân mình, điều đó là chắc ăn nhất; chứ nếu trông chờ vào sự trợ giúp của người khác thì rất bấp bênh, không chắc chắn, vì chưa chắc mình có được nhân duyên để nhận sự trợ giúp hay không, và được trợ giúp đến mức độ nào… Sự có mặt của các chư Tăng, Ni và ban hộ niệm để tụng kinh Phật và nói Pháp cho những người vừa bị mất đi một người thân cũng giúp họ giảm bớt buồn phiền, và cũng là một sự hỗ trợ tinh thần to lớn. Nên nhắc nhở những thân nhân còn sống về giáo lý vô thường, khổ đau và vô ngã của Ðức Phật, nhắc nhở mọi người chấp nhận sự khổ đau với trí tuệ và phấn đấu chuyên cần hơn để đạt quả vị giải thoát.

LO HẬU SỰ CHO NGƯỜI CHẾT

Thông thường trong nhiều truyền thống Ðông phương, hỏa táng (thiêu) là cách tốt nhất cho người chết. Cái thây của người chết được quán như đại diện cho tất cả nghiệp ác và chướng ngại của họ. Khi cái thây bùng cháy, những ác nghiệp chướng ngại ấy được quán là đang tan rã hoàn toàn thành ánh sáng, và tất cả bất tịnh của người chết được tịnh hóa trong ngọn lửa. Mặt khác hỏa táng giúp người chết không còn quyến luyến thân xác, dễ siêu thoát. Ngoài ra hỏa táng còn có thể giải quyết những vấn đề thực tế như thiếu đất, dân số tăng trưởng, và tiết kiệm chi phí tang lễ cho người thân để có thể hướng vào những công việc từ thiện.

Sau khi hỏa táng xong, tro cốt có thể bỏ lại tại nhà thiêu, có thể gởi hũ cốt thờ ở chùa hay ở những nơi cất giữ tro cốt, hoặc có thể đem rải ở sông biển, rải trên đồi, quanh gốc cây…Không cần thiết phải dâng cúng hay cử hành một khóa lễ nào trước tro cốt vì đó chỉ là những thành phần còn lại của một xác thân đã bỏ đi, trong khi thần thức đã đi vào một cõi tái sinh mới, một xác thân mới trong một kiếp sống mới nào đó. Nếu chúng ta muốn tưởng nhớ và tôn kính người quá cố, chúng ta cần sống một cuộc đời lương thiện và làm những hành vi thiện để tưởng nhớ họ, chứ không phải quỳ lạy mãi trước tro cốt vô tri. Vào ngày giỗ của người quá cố, chúng ta có thể cúng dường tại chùa hay làm lễ tại nhà, không cần phải ra nơi rải cốt để mời người chết về, vì thần thức người chết không còn nằm lại ở nơi rải tro cốt.

Thời gian tốt nhất để tu tập cho người chết là 49 ngày, là lúc thân trung ấm đi tái sanh, mà 3 tuần đầu là quan trọng nhất. Chính trong 3 tuần ấy, người chết có một liên hệ mạnh mẽ với cuộc đời này, làm cho họ dễ dàng nhận sự giúp đỡ của người thân. Bởi thế, chính trong thời gian này sự tu tập của người thân có thể ảnh hưởng đến tương lai của người chết nhiều hơn cả, hoặc giúp họ giải thoát, hoặc giúp họ có tái sanh tốt đẹp. Người thân nên dùng mọi phương tiện có thể để giúp đỡ họ vào 3 tuần đầu, vì sau khi hình dạng vật lý của họ bắt đầu quyết định, thường là khoảng từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 49, thì cơ hội chuyển nghiệp cho họ càng bị hạn chế. Những buổi tụng kinh, làm từ thiện, phát nguyện ăn chay…hàng tuần nhân danh người chết được xem là thiết yếu, vì thân ý sanh trong cõi Trung Ấm đang trải nghiệm lại cái chết của mình đúng vào ngày ấy mỗi tuần. Nếu người chết có đủ công đức do kết quả của thiện nghiệp quá khứ, thì lợi lạc của những pháp hành trì nhân danh họ sẽ làm cái đà để chuyển họ đến một cõi thanh tịnh. Theo phong tục, nếu người chết vào ngày thứ tư trước ngọ, thì tuần thứ nhất sẽ làm vào thứ ba tuần sau đó. Nếu chết sau ngọ, thì làm tuần vào ngày thứ tư tuần sau.

Giai đoạn 49 ngày chỉ có ý nghĩa tương đối thôi, vì có người sau khi từ trần thì vãng sanh hay đọa địa ngục ngay, có người chỉ ở cõi bên này một thời gian rất ngắn rồi tái sanh, và có những người khác cứ quanh quẩn bên cõi này cả trăm năm vẫn chưa chọn được nơi chốn tái sanh. Do đó sự giúp đỡ người chết không chỉ giới hạn trong 49 ngày sau khi chết, mà không bao giờ quá muộn để giúp đỡ người chết, dù họ chết lâu bao nhiêu về trước. Người mà mình muốn giúp có thể đã chết 100 năm về trước, nhưng nếu ta tiếp tục tu tập cho họ, thì vẫn còn được lợi lạc. Ngay cả khi người ấy đã đạt giác ngộ, họ vẫn còn cần tất cả sự giúp đỡ mà họ có thể dùng để giúp lại kẻ khác.

Tốt nhất là người thân hãy thành tâm cầu nguyện cho người chết. Ðừng bao giờ nghĩ rằng mình cầu nguyện không hiệu quả bằng một vị thầy; vì lẽ mình gần gũi với người chết hơn nên mãnh lực của sự thương yêu và chiều sâu của mối liên hệ sẽ làm

cho sự cầu nguyện của mình có năng lực hơn. Nguyện cầu với tâm thành kính thì sẽ có kết quả tương ưng, đó cũng là lý nhân quả vậy. Mỗi khi người bà con hay bạn bè đã chết hiện lên trong tâm trí ta, hay mỗi khi nghe tên người ấy được nhắc tới, thì hãy gởi đến họ niềm yêu thương của mình và tập trung niệm Phật để họ được vãng sanh.

Cầu nguyện không phải là cách duy nhất mà ta có thể làm để giúp người chết. Chúng ta có thể dùng một phần tài sản của người chết để lại, tài sản của chính mình hay tiền phúng điếu tang lễ để cúng dường cho chùa, bố thí cho người bệnh, người nghèo khổ, phóng sanh, làm từ thiện…và hồi hướng cho người chết để họ có được một tái sanh tốt và hoàn cảnh thuận lợi trong việc tái sanh.

Trong quá trình lo cho người chết, chúng ta cũng cần tránh những việc làm trái ngược mang tính mê tín của chính chúng ta, khiến cho cả người sống lẫn người chết đều bị bối rối, tán loạn, không được nhất tâm cho việc tái sanh. Một ví dụ là chúng ta vừa khóc lóc tiếc thương người chết, lại vừa lo sợ ngày giờ chết của họ không tốt sẽ mang lại những điều xấu cho gia đình mình, rồi mời thầy cúng giải. Sao vừa thương tiếc mà lại vừa sợ người thân của mình hại mình? Chúng ta luôn cầu nguyện cho người chết được siêu thoát nhưng lại rải giấy vàng mã dọc đường để họ nhớ đường về nhà, khi về nhà lại cầu xin đừng thấy bóng ma của người chết trong nhà vì mình sợ, khi thắp nhang lại cầu xin họ phù hộ cho mình, thờ cúng ở nhà chưa yên tâm nên phóng thêm nhiều hình ảnh của họ để thờ ở nhiều chùa khác nhau. Cuối cùng thì người chết biết về đâu: ở nhà, ở nghĩa trang, ở chùa, hay đi tái sanh? Cầu cho họ đừng ở trong nhà vì mình sợ thì sao họ có thể phù hộ cho mình được? Thật ra, điều quan trọng nhất là thành tâm nguyện cầu cho họ vãng sanh về thế giới chư Phật, chứ đừng cầu xin họ điều gì cả, vì xin mà họ không làm được rồi cả họ và mình đều buồn khổ…

Một việc cần làm là nên tổ chức tang lễ đơn giản, nhẹ nhàng, trang nghiêm và thành kính. Không nên trống kèn inh ỏi, yến tiệc linh đình. Phô trương hình thức đôi lúc chỉ làm tăng thêm phiền não. Bầu không khí chung phải thật nhẹ nhàng, trang nghiêm, thanh tịnh và hiểu biết.

Sau khi chết, việc đốt vàng mã, nhà cửa, áo quần… bằng giấy không có lợi gì cho người chết. Vì những thứ này chỉ để phục vụ cho xác thân khi còn sống, lúc chết thì đâu còn thân nữa mà dùng, và chúng ta cũng đâu biết người chết sanh về cảnh giới nào. Giả sử thần thức cũng cần những thứ đó thì không thể nào tất cả các cảnh giới đều dùng một thứ tiền như nhau, và nếu họ cần thì không lẽ họ không đủ khả năng để làm ra hay sao, mà cần chúng ta phải đốt gởi qua? Hơn nữa làm sao có thể đốt cái gì ở nơi đây lại có thể biến thành cái gì ở bên kia thế giới hay ở bất cứ nơi nào, chưa kể là những thứ này được làm từ loại giấy xấu nhất được thải ra, in những hình ảnh tưởng tượng. Và vì mê tín, chúng ta đem những thứ xấu và giả cúng cho người chết…Còn một số nghi thức và nghi lễ về tang chế mang tính trang nghiêm, có ích lợi và được lưu truyền thì có thể chấp nhận được, vì đó là hình thức để thể hiện lòng thành kính, tri ân và muốn chia sẻ công đức cho người chết, và cũng một phần làm cho người sống cảm thấy an tâm. Còn những việc làm mà thiếu sự hiểu biết, chỉ do người khác bày vẽ, do truyền thống, hay sợ bị chê trách… thì đó là mê tín. Do đó, tất cả chúng ta cần có những hiểu biết đúng đắn về cái chết, về các nghi thức tang lễ để mỗi việc làm của chúng ta đều có ý nghĩa đích thực, mang lại lợi ích cho người chết lẫn người sống.

Mỗi chúng ta có thể học được rất nhiều từ nỗi đau thương mất mát nếu biết mở lòng mình ra. Sự đau thương có thể bắt buộc mình phải nhìn thẳng vào cuộc đời mình, tìm một ý nghĩa trong đó mà lâu nay mình chưa thấy. Khi đột nhiên cảm thấy bơ vơ vì cái chết của người thân, thì mình như sống lại một cuộc đời mới và tự hỏi : “Ta sẽ làm gì với cuộc đời này? Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?”. Tự hỏi để rồi tự tìm con đường giải thoát cho chính mình. 

LỜI KẾT 

Trong cuộc sống ai cũng phải lo mưu sinh, nhưng không nên vướng vào kiểu sống chụp giựt, sa đọa, chỉ lo hưởng thụ mà không nhìn thấy một ý nghĩa sâu xa nào của cuộc đời. Công việc của người tu  học là trọn đời quy y Tam Bảo, nghiêm trì giới luật, khéo chọn pháp môn và hành thâm cẩn mật, phát nguyện cứu giúp chúng sinh, làm cho cuộc sống mình càng ngày càng có ý nghĩa hơn. Đừng tưởng rằng cứ cố sức kiếm nhiều tiền là có hạnh phúc, và cũng đừng nghĩ rằng mình trút bỏ hết tài sản để vào rừng tu là sẽ giải thoát ngay. Sự buông xả chính là con đường đưa đến giải thoát, nhưng buông xả ở đây chỉ có ý nghĩa khi buông xả trong tâm ý, chứ cho ai đó một cái áo đẹp, khi về nhà lại sanh ra tiếc nuối, thì đâu đã buông xả, vì cái áo nó vẫn đang hiện diện rõ ràng trong tâm.

Chúng ta cần giảm bớt sự tìm cầu bên ngoài, vì đó là chạy theo tâm vọng tưởng, bám vào pháp sanh diệt, sẽ làm cho tâm càng thêm lăng xăng; mà cần quay về nhận diện chân tâm, quy y Tam Bảo có sẵn trong bản tánh thanh tịnh của mình . Đã có vô số người tu chứng quả giải thoát, lẽ nào ta không làm được? Phật tánh trong ta và trong họ là giống y như nhau, không hề sai khác, chỉ khác là ta phóng tâm ra tìm cầu bên ngoài, còn họ phóng tâm vào nhận chân Phật tánh của họ, nương vào tự tánh thanh tịnh để giải trừ vô minh.

Cuộc sống là vô thường, giả tạm. Có thể chút xíu nữa thôi, khi băng qua đường bị xe đụng, hay đi xe bị lật té, hoặc bị nhiễm một cơn gió độc,… mình đã có thể lìa đời. Cũng có thể đêm nay đi ngủ nhưng ngày mai mình không thức dậy được nữa, và cũng có thể tuần sau, năm sau hay vài chục năm nữa mình mới chết, điều đó không quan trọng vì trước sau gì cũng chết, mà lại không thể biết mình chết lúc nào và chết bằng cách nào. Điều quan trọng là sau khi chết mình sẽ đi về đâu! Phật dạy: muốn biết đời quá khứ, hãy nhìn tình trạng hiện tại của mình; muốn biết đời vị lai, hãy nhìn những hành động hiện tại. Cầu chúc cho tất cả mọi người thân tâm luôn an lành, bồ đề tâm kiên cố, tinh tấn dũng mãnh tu học để giải thoát ngay trong kiếp sống này, mỉm cười tự tại khi chết.   

Quảng Ý – Bùi Nguyễn Hiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.