Có tình với quê hương, mới yêu thương sông núi, mới mến quý đồng ruộng, lũy tre.
Có tình với nhân sinh, mới trân trọng, ấp yêu lẽ sống.
Có tình với gia tộc, mới thương kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nội ngoại tôn thân.
Có tình với Tam Bảo, mới quy kính Thầy Tổ, yêu mến đệ huynh, pháp lữ.
Tình Đời đã quý,
Nghĩa Đạo càng quý hơn.
Trong định luật vô thường, thành trú hoại không, sanh trụ dị diệt nào có ai tránh khỏi. Thế nhưng, một giờ, một ngày, một tháng, một năm, gặp nhau, biết nhau, sống gần nhau, chung vai gánh vác việc Đạo, việc Đời vui buồn vinh nhục, sướng khổ chung phần, khi chia xa ai tránh khỏi chạnh lòng hoài cảm, vì đâu phải đất đá cho cam.
Nên những dòng, những chữ trong quyển sách nhỏ này phát xuất tự tâm can để tưởng nhớ ơn thầy nghĩa bạn (đã đăng trong các tập kỷ yếu, trong các lễ tưởng niệm hoặc mới viết chưa in sách báo nào). Tôi gom lại gọi là chút ân tình nhắc nhau, nhớ nhau cho ấm nồng nghĩa sống.
Cẩn bái.
Phật Ân Tự, Mùa Phật Đản 2552
Thích Trung Phong (Minh Tâm)
——— oOo ———
35 NĂM BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN
Diễn giảng tại Đạo Tràng Diệu Pháp Liên Hoa – Tổ Đình Quán Thế Âm, quận Phú Nhuận, Tp. HCM ngày mồng 2 tháng 4 năm Mậu Dần (1998).
– Kính bạch Chư Tôn Đức, cùng Chư Tăng Ni.
– Kính thưa quý vị thức giả cùng toàn thể nam nữ Phật Tử.
Như quý vị đã biết, 12 vị Giảng sư, Giáo thọ và quý vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Giáo sư, Học giả đảm trách 18 buổi giảng chủ đề Bồ Tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân năm 1963 mà ngày 20 tháng 4 âm lịch sắp đến chúng ta cử hành lễ kỷ niệm năm thứ 35.
Như lời giới thiệu của Thượng Tọa trụ trì Tổ đình Quán Thế Âm, ngôi chùa thứ 31, di tích cuối cùng của Bồ Tát, Người đã hy sinh vì đạo pháp và dân tộc mà hôm nay chúng ta đang tụ hội quây quần trước di ảnh của Ngài, dưới mái chùa này, nếu không phải là một phước báo, một túc duyên thì thật khó mà có được!
Trong 12 buổi giảng, 12 đêm và 6 đêm của các Hòa Thượng, Thượng Tọa, Học giả Phật Giáo diễn thuyết trước khi cử hành lễ kỷ niệm. Đây là một việc làm nên tán thán vì rất cần thiết để làm tăng thêm ý nghĩa ngày lễ và hôm nay chỉ mới là buổi giảng thứ hai theo sự phân nhiệm của Ban Giáo Thọ.
– Kính bạch Chư Tôn Đức.
– Kính thưa quý vị.
Những người năm nay 40 tuổi thì năm 1963 chỉ mới 5 tuổi, chắc chắn chưa hiểu rõ về sự việc xảy ra lúc bấy giờ, huống gì người năm nay 30 tuổi thì chắc chắn là không biết gì hơn, có chăng chỉ biết qua sách vở nên chỉ biết mù mờ. Chính vì vậy, chúng ta, những người đã nhiều tuổi, những nhân chứng thời đó phải có trách nhiệm nói rõ, nói lại cho đàn hậu học để “ôn cố tri tân” và sự hiểu rõ tường tận ấy sẽ mang một ý nghĩa thâm sâu, nhất là thâm sâu ở trong lòng Phật Tử, những người đến với Đạo tràng Diệu Pháp Liên Hoa – Tổ đình Quán Thế Âm lại càng cần phải biết rõ hơn nữa.
Chính vì vậy, chúng ta ôn lại bài học lịch sử trước đây 35 năm, một bài học mà bất cứ ai, dù Phật Tử hay không phải Phật Tử, dù đang nắm thế quyền hay giáo quyền đều nên ôn lại quá khứ, một quá khứ đau thương không chỉ cho riêng Phật Giáo mà còn cho cả dân tộc nữa.
Năm ấy (1963) tôi mới 26 tuổi, là một trong hàng triệu nhân chứng lịch sử, hơn thế tôi lại là một trong hàng triệu nạn nhân. Hôm nay, thưa chuyện với Chư Tôn Đức cùng quý Phật Tử không dám đứng về sứ mệnh giáo thọ hoặc sứ mệnh giảng sư, mà chỉ xin được trình bày với tư cách của một nhân chứng, một nạn nhân, như vậy, có lẽ sẽ trung thực và cụ thể hơn.
Chúng tôi tin chắc quý vị Giảng sư khác sẽ trình bày những vấn đề, những khía cạnh chung quanh cuộc đời của Bồ Tát Quảng Đức hoặc ý nghĩa cuộc tự thiêu của Ngài một cách đầy đủ.
Phần tôi, trước hết muốn cùng quý vị hiểu rõ nguyên nhân tại sao Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Có hiểu rõ như thế mới thấy được ý nghĩa cao cả về sự hy sinh của Ngài.
Nguyên nhân gần nhất là Ngài hưởng ứng cuộc vận động cho 5 nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo Việt Nam dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Dưới chế độ đó, Phật Giáo Việt Nam bị kỳ thị, bị đàn áp dã man, bị khủng bố liên tục và toàn khắp. Có nhiều Tăng Ni và Phật Tử bị thủ tiêu, bị đọa đày trong các nhà giam bí mật có, công khai có. Nếu hôm nay chúng ta vì vô tình không hiểu rõ, hay vô tâm không nhớ nghĩ đến, thì quả chúng ta là kẻ ăn trái mà không nhớ kẻ trồng cây, là người vong ân bội nghĩa.
Thứ đến, nguyên nhân trực tiếp là sự kiện Chính quyền Ngô Đình Diệm triệt hạ cờ Phật Giáo vào mùa Phật Đản.
Sự việc xảy ra tại Huế vào chiều ngày 14 tháng 4 âm lịch, khi những người con Phật chuẩn bị sáng Rằm đón lễ Phật Đản một cách trang trọng bằng cách treo cờ đèn, kết hoa, thiết hương án để cúng dường Phật Đản.
Ngay chiều ngày 14 tháng 4 âm lịch, lệnh của Văn phòng Phủ tổng thống tại Sài Gòn được gởi đi khắp nơi ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo, không cho treo cờ trong các tư gia Phật Tử. Ngay chiều hôm đó, Chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa và Phật Tử ở Huế đã đến tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên gặp ông Tỉnh trưởng để được biết sự việc, gần 5.000 Tín đồ Phật Giáo tụ tập trước Tỉnh đường để hỗ trợ việc này. Tỉnh trưởng Thừa Thiên, ông Nguyễn Văn Đẳng đổ thừa cho cảnh sát làm sai thượng lệnh. Sáng hôm sau (15 tháng 4 âm lịch), đoàn rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm để cử hành lễ Phật Đản đã trở thành cuộc tuần hành có tính tự phát của quần chúng Phật Tử, vì có nhiều biểu ngữ đòi hỏi bình đẳng tôn giáo và phản đối chính quyền triệt hạ cờ Phật Giáo. Quý Thầy trong Ban Tổ Chức giải thích và tạm thu biểu ngữ này thì lại có biểu ngữ khác trương lên với nội dung tỏ rõ lập trường và ý chí cương quyết rất mạnh mẽ của quần chúng Phật Tử – Chứng tỏ một thái độ bất mãn chế độ đến cực điểm, nhưng đa số Phật Tử cũng tỏ ra có kỷ luật rất cao, nên đoàn rước cũng đã đến chùa Từ Đàm đúng giờ quy định.
Các biểu ngữ do quần chúng Phật Tử tự động trương lên trong đoàn rước có nội dung cương quyết là:
– Phản đối chính sách bất công, gian ác.
– Đã đến lúc chúng tôi bắt buộc tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.
– Phật Giáo Đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh.
– Cờ Phật Giáo không thể bị triệt hạ.
Tăng Tín Đồ nhất tâm bảo vệ lá cờ Phật Giáo chính là bảo vệ lý tưởng tôn giáo của mình. Cũng như mỗi quốc gia có lá cờ tượng trưng cho tinh thần quốc gia đó vì có biết bao liệt sĩ đã nằm xuống để bảo vệ lá cờ của tổ quốc mình.
Thường lệ hằng năm và cũng đã được đồng ý trước, nội dung lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm được thu vào băng nhựa để tối 15 tháng 4 âm lịch sẽ phát lại trên làn sóng của đài phát thanh Huế.
Tối hôm ấy (15 tháng 4 âm lịch), đồng bào mở sẵn radio để nghe truyền thanh lại buổi lễ, và chỉ nghe đài phát thanh Huế phát toàn nhạc. Đã bất mãn lại càng bất mãn hơn, đã nghi ngờ chính quyền lại càng thêm nghi ngờ. Đồng bào Phật Tử tự động kéo tới đài phát thanh tìm hiểu và đòi hỏi phải cho phát thanh lại buổi lễ Phật Đản sáng đó tại chùa Từ Đàm.
Trong lúc này Thượng Tọa Thích Trí Quang, ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên và ông Ngô Ganh (Giám đốc Đài phát thanh Huế) đang thảo luận ở trong phòng thì ở ngoài xe xịt nước, xe tăng, thiết giáp, súng trường, súng máy, lựu đạn… do Thiếu tá Đặng Sĩ (một tín đồ Thiên Chúa) phó Tỉnh trưởng Nội an trực tiếp điều khiển đàn áp dã man vào Phật Tử đang tụ tập quanh đài phát thanh Huế. Cuộc đàn áp đẫm máu vào đêm kỷ niệm Phật Đản năm 1963 đã làm cho 8 Phật Tử chết và hàng trăm người bị thương.
Lửa đang cháy, Chính quyền Ngô Đình Diệm lại đổ thêm dầu. Sự đàn áp dã man công khai tại Huế, đau khổ chất thêm khổ đau, uất ức tăng thêm uất hận, chính quyền họ Ngô đã dồn ép Phật Giáo vào thế tự vệ chẳng đặng đừng – sự nhẫn nại của con người có hạn. Máu Phật Tử đã đổ, Phật Giáo phải đứng lên đòi quyền sống của mình, trang sử Phật Giáo Việt Nam lại viết thêm những chữ bằng máu Tăng Tín Đồ. Lá cờ Phật Giáo Việt Nam nhuộm tinh thần bất khuất của người con Phật. Cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo, công bằng xã hội đã chính thức công khai dưới sự lãnh đạo của Chư Tôn Đức Tăng-già. Lá cờ Phật Giáo đang tung bay trước mắt chúng ta hôm nay, lá cờ năm sắc được Phật Giáo quốc tế công nhận, tượng trưng cho Phật Giáo khắp năm châu, tượng trưng cho năm sức mạnh gọi là Ngũ lực: Tín (lòng tin), Tấn (sự nỗ lực cần mẫn), Niệm (phép quán niệm), Định (sự tập trung tâm ý) và Huệ (là trí tuệ, lá ánh sáng giác ngộ). Lá cờ Phật Giáo có năm sắc tươi vui, tượng trưng cho niềm tin của Tín đồ vào ánh sáng Từ bi và Trí tuệ của Chư Phật. Lá cờ đó không thể bị triệt hạ!
Đó là nguyên nhân trực tiếp để nổ ra cuộc vận động 1963 và sự kiện này xảy ra chỉ như một giọt nước cuối cùng nhỏ vào cái ly vốn đã đầy uất nghẹn nên phải tràn ra mà thôi!
Nói như vậy có nghĩa là trước đó còn rất nhiều nguyên nhân. Đã là người Việt Nam ngoại trừ những kẻ vong bản, phản quốc không ai có thể cam tâm làm thân trâu ngựa phục vụ cho các thể chế phi đạo đức, phi nhân bản, phi dân tộc trong cái thời Bắc thuộc với Tàu, Tây thuộc với thực dân Pháp.
Hòa Thượng Thích Quảng Đức sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử dân tộc đang bị sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp – Cả dân tộc Việt Nam, cả đạo Phật của dân Việt Nam bị những kẻ tay sai của Pháp tiếp tay với Pháp chà đạp lên quyền lợi tối thượng của dân tộc, muốn tiêu diệt nền văn hóa Việt Phật để dễ bề thống trị lâu dài, Pháp lợi dụng việc truyền đạo Thiên Chúa để cướp nước Việt Nam. Gia Long lợi dụng vũ khí của Pháp để cướp nước từ trong tay Nguyễn Huệ, vì bả lợi danh, vì chiếc ngai nhơ bẩn, Gia Long không từ chối phương thức “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Rước voi về dày mả tổ”, thiết lập triều Nguyễn được mấy đời – Cũng may cho dân tộc Việt Nam, con cháu Gia Long cũng lắm người yêu nước như Minh Mạng, Hàm Nghi, Duy Tân đã có những hành động yêu nước nên đã rửa bớt cái nhục cho tổ tông, gây được ý thức đuổi giặc trong quần chúng – tầng lớp sĩ phu, các nhà cách mạng yêu nước cũng đứng lên đuổi giặc, nhưng giặc khó đuổi được vì một số người tay sai đắc lực theo Pháp – quần chúng thì lớp này đến lớp khác đứng lên bị giặc giết – kẻ tay sai thì thế hệ này qua, Pháp đào tạo thế hệ khác tiếp tục bán nước. Thực dân Pháp thì cứ lợi dụng số người này, cứ vơ vét tài nguyên quốc gia – cứ đào tạo lũ gia nô để sai bảo.
Gia đình họ Ngô là điển hình, nên khi Ngô Đình Diệm về nước, hứa trung thành với Bảo Đại để được làm Thủ tướng, rồi vì tham vọng thành kẻ bất nghĩa, bất tín, bất trung. Tổ chức “trưng cầu dân ý” gian lận, phản bội, hạ bệ Bảo Đại “Xanh bỏ giỏ (Bảo Đại), Đỏ bỏ bì (Đình Diệm)” khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa, thành lập Đảng Cần Lao Nhân Vị, duy trì Đạo dụ số 10 lập Ấp Chiến Lược, tiêu diệt các tổ chức đối lập đứng đầu là Phật Giáo; đưa bà con giòng họ lên nắm quyền, thực hiện chính sách kỳ thị Phật Giáo. Chính đó mới là nguyên nhân chủ yếu và là nguyên nhân sâu xa nhất để có cuộc vận động của Phật Giáo và đó cũng là nguyên nhân chính để Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Phật Giáo Việt Nam chưa bao giờ đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, người thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo chưa có ai phản bội quê hương giống nòi. Phật Giáo Việt Nam bao giờ cũng tiên phong sát cánh với dân tộc trong việc cứu nước và dựng nước, cùng chịu với dân tộc trong mọi thịnh suy. Do đó thực dân Pháp và các tổ chức tay sai của Pháp bao giờ cũng đặt đối tượng để triệt tiêu là Phật Giáo, nhà Ngô duy trì và áp dụng Đạo dụ số 10 do Pháp để lại cũng nhằm mục đích ấy.
Như đã nói: “Hòa Thượng Thích Quảng Đức sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử đó, cùng với dân tộc chịu chung số phận đó và cũng cùng dân tộc nuôi dưỡng tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho sự tồn vong của đất nước và của Phật Giáo Việt Nam”. Đạo dụ số 10 là một văn kiện phi nhân bản, cực kỳ bất công với các tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa Giáo do chính thực dân Pháp truyền vào được đặc quyền, đặc lợi. Vụ triệt hạ cờ Phật Giáo là một âm mưu trong muôn ngàn âm mưu khác để củng cố địa vị quyền hành, ngoài đời cho Nhu, Diệm, Cẩn và trong đạo Thiên Chúa cho đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục.
Vậy rõ ràng từ nguyên nhân xa đến nguyên nhân gần, để khi gặp nguyên nhân trực tiếp là bùng nổ. “Mưu thâm họa diệt thâm”, một bài học nhớ đời cho mọi thời đại, mọi con người.
Từ vụ thảm sát ở đài phát thanh Huế, các vị lãnh đạo Phật Giáo phát động phong trào vận động cho công bình xã hội, tự do tín ngưỡng, ra Tuyên ngôn đòi hỏi 5 nguyện vọng chính đáng và tối thiểu là:
1. Yêu cầu Chính phủ thâu hồi vĩnh viễn lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo.
2. Yêu cầu Chính phủ phải để Phật Giáo được bình đẳng như các tôn giáo khác (hủy bỏ Đạo dụ số 10 bất công).
3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố Phật Giáo.
4. Yêu cầu để Tăng Ni tự do hành đạo và truyền đạo.
5. Yêu cầu Chính phủ bồi thường xứng đáng cho các Phật Tử chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải bị trừng trị.
Phương pháp vận động của Phật Giáo là biểu tình, tuyệt thực, đưa thỉnh nguyện thư trong tinh thần bất bạo động. Một phương pháp mà Thánh Gandi đã thành công tại Ấn Độ để giành độc lập, đúng tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng cảm của Phật Giáo. Hòa Thượng Thích Quảng Đức là vị Thánh Tăng đã áp dụng tinh thần bất bạo động đến tuyệt đỉnh, bằng sự tự thiêu của Ngài.
Trong tư thế kiết già, ấn Cam Lồ với đôi tay từ ái, một pho tượng bằng xương bằng thịt trong chiếc y vàng rực rỡ uy nghiêm. Đầu giờ Ngọ ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (11/06/1963) ngay giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu bây giờ), trung tâm thành phố Sài Gòn, pho tượng ấy đã tự biến thành một ngọn đuốc thiêng, ngọn đuốc tẩm xăng cháy bốc cao ngọn.
Các ký giả ngoại quốc kinh ngạc, các nhà báo trong và ngoài nước bàng hoàng, các nhiếp ảnh gia quốc tế trố mắt nhìn xúc động. Các ống kính, các nhãn quang tập trung hướng về cây đuốc sống.
Xe cộ dừng lại, Tăng Ni, Phật Tử và bộ hành trên đường phố bao quanh. Niềm kính cẩn dâng cao, sự yêu thương lan tỏa, một cảnh tượng hào hùng chưa từng thấy, những âm thanh phừng phực vi diệu chưa từng nghe. Hằng vạn vạn con tim thổn thức. Hằng triệu triệu lá phổi nghẹn ngào. 15 phút ngồi yên trong lửa đỏ – 15 phút gió như ngừng thổi, mây như ngừng bay – 15 phút cả Sài Gòn rúng động – mấy giờ sau cả thế giới chuyển mình. Ngài đã chứng thành quả vị!
Hình ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu, một sự hy sinh cao cả vì dân vì nước, vì thương đạo mến đời, một ngọn đuốc thắp sáng lòng người, phản đối bất công, ủng hộ 5 nguyện vọng tối thiểu và chính đáng của Phật Giáo. Cả chế độ kỳ thị gian ác rung rinh, những kẻ cầm quyền si mê hoảng hốt. Hệ thống truyền hình, báo chương quốc tế hết lời ca tụng, tràn ngập hình ảnh vụ tự thiêu của Ngài chiếm gần trọn trang đầu. Các giới, yếu nhân, chính khách hướng về Việt Nam, cả nhân loại hướng về Đông Nam Á.
Thế là, cuộc vận động của Phật Giáo lan rộng trở thành một phong trào đấu tranh của quần chúng. Không chỉ có những người Phật Tử tham gia, mà tất cả mọi thành phần, nhất là giới trí thức, đều hưởng ứng, kể cả những người Thiên Chúa giáo có lương tri – mạnh mẽ nhất là giới giáo sư đại học, giáo viên trung học, sinh viên, học sinh, nhân sĩ, bác sĩ, kỹ sư cho đến công thương gia, tiểu thương, các giới lao động, quân đội, công nhân, xích-lô, khuân vác… Nam Bắc hai miền, ai ai cũng ủng hộ hoặc trực tiếp tham gia, hoặc gián tiếp ủng hộ cuộc đấu tranh một còn một mất này. Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức đã thắp sáng lòng người.
Các Tông phái Phật Giáo như Nam Tông, Tịnh Độ Cư Sĩ…, mười một Tập đoàn đều quy tụ thành một ban gọi là “Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo”. Mặc nhiên trên toàn quốc đã có sự lãnh đạo chung thống nhất đường lối và phương pháp vận động, do Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ đạo, đứng đầu là Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ.
Chính quyền nhà Ngô cấp tốc thành lập Ủy Ban Liên Bộ để gặp Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo giải quyết hòa đàm.
Phật Giáo thì chân tình thành thật, Chính quyền nhà Ngô thì mưu mẹo dã tâm, lùi một tiến ba, vẫn bí mật chỉ đạo cho các địa phương không những không giảm mà còn tăng thêm tốc độ triệt tiêu Phật Giáo.
Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã phát tâm tự thiêu từ ngày 27/5/1963, các cấp Giáo Hội không đồng ý. Im lặng, nhưng Hòa Thượng vẫn giữ vững lập trường.
Thật sự, nếu ngày 27/5/1963, Hòa Thượng phát tâm như vậy, mà chính quyền chấm dứt đàn áp Phật Giáo thì chắc không có ngày 11/6/1963. Trên đường tu hành, Hòa Thượng đã thấy rõ sự đau thương của Phật Giáo và Dân Tộc dưới triều Ngô nên Hòa Thượng vẫn giữ ý nguyện của mình, Ngài đã để lại những vần thi kệ mang đậm nét từ bi:
“Một tu sĩ không thể ngồi nhìn đạo pháp suy vong, một công dân không thể điềm nhiên khi quốc gia lụn bại vì bị hôn quân tham bạo”.
Thư của Ngài để lại trước khi tự thiêu, Ngài vẫn giữ được bản chất của một bậc tu hành chân chính, trong thư không hề mang một ý hận thù, không hề có một chút yếm thế, bi quan hay thất vọng.
Trong thư mang một ý chí dũng mãnh, yêu thương cuộc đời, trang trải lòng từ bi cùng khắp và một niềm tin tưởng mãnh liệt là Phật Giáo sẽ thành công, đất nước sẽ sáng lạng, quần chúng sẽ an vui. Tâm hồn của Ngài đúng là tâm Bồ Tát. Hòa Thượng nguyện sau khi Ngài tự thiêu, Ngài mong muốn rằng:
1. Qua vụ tự thiêu của Ngài, mong thức tỉnh Ngô triều sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo.
2. Ngài mong Phật Pháp được trường tồn, để đem an lạc cho chúng sanh. Cuộc đời vốn đau khổ, chỉ có ánh sáng từ bi và trí tuệ của đạo Phật mới giúp cho cuộc đời bớt đau thương và giúp con người biết sống có ý nghĩa.
3. Ngài mong cho Tăng Ni và Phật Tử tránh được tai nạn khủng bố, đàn áp, đánh đập, giam cầm, tàn sát của chế độ độc ác đương thời.
4. Ngài cầu cho đất nước được thanh bình, cho nhân dân an lạc.
Hòa Thượng hy sinh và mong cho cả dân tộc được an vui chứ đâu chỉ có riêng gì cho Phật Tử? Những người khác tôn giáo, những người không tôn giáo cũng được Ngài cầu nguyện.
5. Ngài mong chính quyền thi hành những chính sách đúng đắn để tịnh yên nước nhà.
6. Và ước nguyện sau cùng là Ngài mong muốn Tăng Ni và Phật Tử phải đoàn kết để bảo toàn Phật Pháp.
Khi chúng ta hiểu rõ mục đích việc tự thiêu của Ngài, 35 năm qua chúng ta đã làm được những gì để duy trì và phát huy tinh thần Bồ Tát Quảng Đức? Chúng ta đã thực sự đoàn kết với nhau để bảo toàn Phật Pháp chưa? Mỗi một tu sĩ, mỗi một Phật Tử, chúng ta tự kiểm điểm để thấy xứng đáng hay chưa xứng đáng là con cháu của Ngài, nhất là giai đoạn hiện tại.
Lúc đó, sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, kết quả liền thấy rõ:
Thứ nhất: Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức đã có sức mạnh tụ hội tất cả các Tông phái Phật Giáo, thống nhất ý chí và hành động, yêu thương và đoàn kết với nhau.
Thứ hai: Nhà cầm quyền họ Ngô đã hoang mang lo sợ – họ lo sợ trước sức mạnh của con tim, của khối óc, của tinh thần vô úy, của chính nghĩa đại đa số quần chúng, nên họ đã nhượng bộ, ký bản Thông Cáo Chung với Phật Giáo.
Thứ ba: Sự vĩ đại của ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức đã lay chuyển được lòng người. Cả nhân loại hướng về Việt Nam, thấy rõ hào khí của dân tộc Việt Nam, tinh thần vô úy của người con Phật, của Phật Tử Việt Nam.
Thứ tư: Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức có khả năng chiếu rọi vào tâm thức mọi tầng lớp nhân dân và họ tự nguyện tham gia hưởng ứng, ủng hộ cuộc vận động của Phật Giáo: công xưởng thì đình công, chợ quán thì bãi thị, học đường thì bãi khóa, công sở, cơ quan thì lãng công. Từ Quảng Trị đến Cà Mau nhất tề hưởng ứng.
Trước sức mạnh quần chúng như nước vỡ bờ, chính quyền phải thương lượng với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo dời ngày cử hành tang lễ của Bồ Tát Quảng Đức vào ngày 20/6/1963 thay cho ngày 16/6/1963 như dự định.
Khi hỏa thiêu với sức nóng mấy ngàn độ, quả tim của Ngài vẫn không cháy, điều vi diệu này để chứng minh cho nhân loại thấy được ý nghĩa của “Tâm kim cang bất hoại”. Cho đàn hậu bối chúng ta vững tin vào chân lý: Có tu có chứng ngộ. Quả tim bất diệt của Ngài nói lên Phật Giáo bất diệt, tinh thần của Phật Tử Việt Nam bất diệt, cuộc vận động của Phật Giáo sẽ thành công, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam bất diệt.
Ngọn lửa Bồ Tát Thích Quảng Đức đã bắt buộc Ngô triều phải ký bản Thông Cáo Chung, nhưng họ lại tìm cách phản bội. Các nhà lãnh đạo Phật Giáo cũng biết rõ dã tâm của họ. Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Trưởng phái đoàn của Phật Giáo đã thưa trước Chư Tôn Đức rằng: “Nếu chúng tôi ký bản Thông Cáo Chung có những điểm nào sai lầm thì nguyện đem thân mạng này hy sinh cho đạo pháp để khỏi phụ lòng kỳ vọng của Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam”.
Điều đó chứng tỏ rằng Phật Giáo sẽ phải còn tiếp tục chịu nhiều thử thách, cam go, cay đắng hơn nữa.
Quả đúng như thế, tiếp nối ngọn lửa Bồ Tát Thích Quảng Đức, là ngọn lửa Thích Nguyên Hương, 23 tuổi, đã thắp lên tại Phan Thiết vào ngày 04/8/1963; đã bị nhà cầm quyền Phan Thiết cướp xác đem đi!
Ngọn lửa kế tiếp là lửa Thích Thanh Tuệ, một Tăng sĩ trẻ, 18 tuổi, tự thiêu trước chùa Phước Duyên (Huế) vào ngày 13/8/1963, đã để lại tâm thư thức tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm; và cũng bị cướp xác đem đi.
Không những chỉ có những ngọn đuốc Tăng sĩ mà cả nữ tu, chân yếu tay mềm. Tại Khánh Hòa, Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang cũng thắp lên ngọn đuốc bằng chính thịt xương của mình vào ngày 15/8/1963.
Các ngọn đuốc cứ nối tiếp nhau như thế vẫn không đủ thức tỉnh nhà cầm quyền, họ vẫn phản bội bản Thông Cáo Chung, vẫn âm mưu triệt tiêu Phật Giáo.
Chùa Từ Đàm (Huế) là nơi phát khởi cuộc vận động.
Lúc 2 giờ sáng ngày 16/8/1963, ngọn đuốc Thích Tiêu Diêu lại bừng sáng. Vị Tăng sĩ 71 tuổi, trước đó đã tuyệt thực và trì kinh Pháp Hoa trong những ngày chùa Từ Đàm bị bao vây, cúp nước, cúp điện, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trong chùa có trên mấy ngàn người đang tập trung cầu nguyện.
Liên tiếp, khắp nơi biểu tình, tuyệt thực, đình công, bãi thị, bãi khóa… chính quyền vẫn ngoan cố không thức tỉnh, lại vạch một kế hoạch quy mô hơn, tàn bạo hơn, đó là “Chiến dịch Nước Lũ”, tổng tấn công toàn bộ các chùa, am, tịnh thất khắp miền Nam Việt Nam vào đêm 20/8/1963.
Nhà cầm quyền đã huy động một lực lượng lớn gồm cả Cảnh sát, Quân đội, Thanh Niên Cộng Hòa, mở cuộc tổng tấn công bắt giam hàng trăm ngàn người con Phật, từ Hòa Thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết đến chư Tăng, chư Ni, Đạo hữu, các em Gia Đình Phật Tử, các học sinh, sinh viên, giáo sư, tiểu thương Phật Tử đều nhất loạt vào tù. Các nhà giam trung ương, tỉnh, huyện, xã đều chật ních tù nhân Phật Giáo.
Nhà cầm quyền tưởng như thế là đã dứt điểm trong cuộc triệt hạ Phật Giáo thành công. Họ không ngờ chỉ làm tăng thêm công phẫn trong quần chúng.
Ngày 5/10/1963, ngọn lửa Thích Quảng Hương, 37 tuổi, thắp sáng trước chợ Bến Thành (Sài Gòn). Và đến ngày 27/10/1963, ngọn lửa Thích Thiện Mỹ lại bừng cháy trước Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn trong lúc Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đang ở lại tại Sài Gòn điều tra vụ đàn áp Phật Giáo.
Ngọn lửa Thích Thiện Mỹ là ngọn lửa cuối cùng kết liễu một chế độ phi nhân vô đạo.
Từ khi Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu đến các ngọn lửa kế tiếp, bà Trần Lệ Xuân – vợ của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, đệ nhất phu nhân, đã tuyên bố: “Mấy ông thầy chùa điên, muốn nướng cho nướng luôn, không liên quan gì đến chính quyền cả!”
Sau khi chế độ sụp đổ, gia đình tan nát bà đã âm thầm “tu kín” suốt gần 35 năm. Bà Nhu đã hồi tâm sám hối, công khai viết thư xin lỗi và sám hối với Giác linh Hòa Thượng Quảng Đức – 34 năm trôi qua, một con người tràn đầy tội lỗi cũng biết hồi tâm – Nhất điểm lương tâm của bà sau 34 năm đã thức dậy.
Trở lại vấn đề, nếu không có ngày 1/11/1963, nếu nền Đệ Nhất Cộng Hòa chưa sụp đổ, không những còn, mà còn rất nhiều ngọn lửa khác bùng lên – Chính Sư bà Diệu Huệ, mẹ của nhà bác học Bửu Hội đã công khai họp báo từ con, vì Bác học Bửu Hội đã làm tay sai cho Ngô triều (Sau này mới biết: “Bác học Bửu Hội, có công với Phật Giáo chứ không có tội, vì chính ông đã chuyển tất cả hồ sơ đàn áp Phật Giáo Việt Nam đến Liên Hiệp Quốc”) – không những từ con, mà Sư bà còn phát nguyện tự thiêu, noi gương Hòa Thượng Quảng Đức để thức tỉnh lòng người. Và còn rất nhiều vị Tăng Ni, Phật Tử vẫn chuẩn bị noi gương Bồ Tát Quảng Đức.
Chúng ta chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu. 12 vị Giáo thọ, Giảng sư và 6 vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Học giả sẽ trình bày 18 buổi diễn giảng chung quanh đề tài Bồ Tát Quảng Đức, chắc chắn chúng ta sẽ được nhuần triêm công đức của Bồ Tát Quảng Đức. Chúng ta nhắc lại sự kiện lịch sử này chỉ có mục đích là “ôn cố tri tân” để cho lễ kỷ niệm ngày tự thiêu của Ngài thêm ý nghĩa và lợi ích thiết thực.
Chúng ta không có ý niệm khơi lại việc đã qua để gây thù hận, chúng ta không khờ khạo làm việc đó, lại càng không dại gì mà tốn công, tốn của, mất thì giờ, để làm một việc vô ích. Xin đừng ai đem tâm của kẻ tiểu nhân mà đặt để vào lòng quân tử. Chúng ta phải biết rõ việc mình làm, phải nghe rõ lời mình nói.
Chúng ta là con cháu Bồ Tát Quảng Đức, phải theo đúng tinh thần của Bồ Tát Quảng Đức. Bồ Tát Quảng Đức đã tự thiêu không những cho Phật Giáo Việt Nam, mà cho cả dân tộc Việt Nam và cả nhân loại lẫn muôn loài.
Chúng ta có bổn phận phải nhớ kỹ, nhớ rõ và truyền lại cho con cháu những sự kiện lịch sử này, một bài học lịch sử cần thiết trong nhiệm vụ giữ nước, giữ đạo. Muốn giữ nước phải lo giữ đạo của nước, đạo giữ nước chứ không phải đạo bán nước, Phật Giáo là đạo của nước, thương nước phải thương đạo, mến đạo phải yêu nước, phá đạo của nước mình đang sống tức là bán nước. Bài học lịch sử của chế độ Ngô triều trong thời đại cận kim đã nói lên điều đó. “Mưu thâm họa diệt thâm” là vậy!
Như thế, chúng ta nói đến tinh thần Bồ Tát Quảng Đức, nhớ đến ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức, và những ngọn lửa của các Thánh Tử Đạo. Chính chúng ta hâm nóng lòng yêu nước và tâm mến đạo của chúng ta. Cũng như nhắc đến Lê Lợi, Quang Trung, Trưng Vương, Triệu Thị Trinh… chúng ta theo gương các bậc tiền bối để quyết tâm đuổi giặc. Nhớ đến Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc để triệt tiêu cái tư tưởng bán nước cầu vinh.
Chúng ta phải duy trì và phát huy nền văn hóa Việt Phật tức là thắp sáng ngọn đuốc Bồ Tát Quảng Đức. Dù Phật Tử hay không là Phật Tử, chúng ta cũng đều là con Lạc cháu Hồng, các tư tưởng phân chia Nam Bắc, các hành động kỳ thị, đố kỵ, chia rẽ chỉ làm cho tiềm lực quốc gia suy yếu. Là con dân đất nước, phải cảm mến giang sơn cẩm tú có sông Hồng miền Bắc, sông Hương miền Trung, sông Cửu Long miền Nam; có dãy Trường Sơn hùng vĩ; có trái ngọt, có hoa thơm trải khắp mọi miền đất nước.
35 năm qua, 35 mùa lá rụng, ai quên, ai nhớ, ai phản bội, ai trung thành?
Chúng ta, phải, trong chúng ta, những tu sĩ, những cư sĩ, những con người Việt Nam, ai đã cống hiến gì cho đạo pháp, cho dân tộc? Ai đã bắt chước Quang Ngọc, Nguyễn Thân? Ai đã noi gương Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu:
Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ.
Thế mà, đau đớn thay, giữa thời đại văn minh tiến bộ, thời đại vi tính này, vẫn còn có những âm mưu đen tối, tôn vinh kẻ bán nước làm thầy. Các cấp lãnh đạo Việt Nam đang kêu gọi trở về nguồn cội, bảo vệ văn hóa giống nòi, chúng ta đã làm gì để đáp ứng lời kêu gọi ấy?
Ngày 20 tháng 4 âm lịch năm nay, chúng ta tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, tưởng niệm công ơn chư vị vị pháp thiêu thân, chư Thánh Tử Đạo, chư anh hùng liệt sĩ, phải chăng, chúng ta đang trở về nguồn, đang thắp sáng ngọn lửa Bồ Tát Thích Quảng Đức trong mỗi chúng ta. Thắp sáng chưa đủ, mà phải bằng tất cả tấm lòng, bằng hành động cụ thể thương nước, mến đạo, trong niệm tri ân và đền ân thì ngày đại lễ 20 tháng 4 mới thật sự có ý nghĩa.
Nam Mô Đại Hùng Lực Quảng Đức Bồ Tát tác đại chứng minh.
Tỳ-kheo THÍCH MINH TÂM