Có bao nhiêu bức ảnh lịch sử Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu?

TVGĐPTLâu nay lịch sử, Phật Giáo Đồ chúng ta, và nhất là báo giới ghi nhận rằng cựu phóng viên người Mỹ Malcolm Browne (vừa qua đời ở tuổi 81) là người duy nhất chụp được bức ảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Nhưng THỰC TẾ CÓ ĐÚNG NHƯ VẬY KHÔNG? Có một nhiếp ảnh gia Việt Nam cũng chụp được bức ảnh tương tự tại thời điểm lịch sử này, và chúng tôi có một số ảnh scan mà đành chịu mình kém cỏi, chưa tìm hiểu được thông tin tác giả…

oOo

Ngày 11.6.1963 (20 tháng Tư năm Quý Mão – Phật lịch 2507), hơn 300 Tăng Ni, Phật Tử sau khi làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị chính quyền Ngô Đình Diệm thảm sát trong công cuộc vận động tự do tín ngưỡng – bình đẵng tôn giáo, tổ chức tại Bửu Tự Phật Đài (đường Cao Thắng, Sài Gòn) đã cùng rước di ảnh, bài vị các nạn nhân đổ ra đường Phan Đình Phùng. Khi đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay đã bị đổi thành Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám) thì dừng lại, lúc này số lưọng tham gia đoàn biểu tình đã lên hàng ngàn.

Cuộc tuần hành rước di ảnh, bài vị các nạn nhân Phật Tử bị bách hại sau khoá lễ cầu siêu.

Lúc 9 giờ 30′ một xe du lịch kiểu 4 chổ ngồi, hiệu Austin chở Hòa Thượng Thích Quảng Đức chạy đến. Hòa Thượng bước ra cùng hai Đại Đức khác. Một vị đặt tấm nệm xuống đường, vị kia lấy từ xe ra một bình xăng 20 lít. Đoàn biểu tình tạo thành nhiều lớp vòng tròn bảo vệ chung quanh và Hòa Thượng Thích Quảng Đức an nhiên ngồi tỉnh tọa giữa ngã tư đường.

Xăng được tưới ướt đẫm lên người Hòa Thượng, Ngài bật quẹt nhưng do đá lửa bị ướt xăng, không cháy được nên Hòa Thượng đã nhận cái hộp quẹt khác rồi bật tiếp. Lửa bùng lên!… Chư Tăng Ni, Phật Tử ngăn kín các ngả đường, đến xe cứu hỏa cũng không vào được. Ngọn lửa bốc cao dần… cao dần… Điều diệu kỳ là Hòa Thượng vẫn ngồi ngay ngắn tự tại trong biển lửa, không vùng vẫy, không chao động, dù lúc này nhiệt độ đã lên cao… rất cao… Ngài ngồi bình yên tĩnh lặng giữa đám lửa hồng cháy rực trong tiếng khóc vỡ òa lẫn tiếng tuyên Phật hiệu rền vang của hằng mấy trăm Phật Tử hiện diện…

Sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu thân để cúng dường Tam Bảo và bảo vệ Phật Giáo, tại thời điểm đó đã làm xúc động mạnh mẽ đồng bào toàn quốc kể cả đồng bào Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo bạn khác. Ngay sau đó bức ảnh do Phóng viên Malcolm Browne chụp được lập tức xuất hiện trên trang nhất của gần như tất cả các tờ báo trên toàn cầu, gây ra làn sóng chấn động khắp cả thế giới. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John F. Kennedy đã phải thốt lên: “Lịch sử chưa có bức ảnh thời sự gây nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như thế!”. Tại tòa Bạch Ốc, Tổng thống Kennedy nói với ông Henry Cabot Lodge – chuẩn bị sang làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn – rằng ông bị shock vì các tấm ảnh, và rằng “chúng ta phải làm gì về chế độ đó?”. Sau đó ông và chính phủ Hoa Kỳ đã phải xét lại chính sách đối với chính quyền đương thời tại Việt Nam.

Theo dữ kiện chúng ta biết được lâu nay, trước đó vài giờ, nhiều phóng viên ngoại quốc ũng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Phật Giáo và các nhà báo có quan điểm trung lập vô tư đã được những người tín cẩn báo trước là sẽ xảy ra một sự kiện gây chấn động vào ngày 11.6.1963. Cũng có những phóng viên có mặt kịp lúc biểu tình nhưng có lẽ do việc tự thiêu quá bất ngờ, cộng thêm sự cản trở kịch liệt của lực lượng Công An, Mật Vụ nên chỉ có Malcolm Browne đến chụp lại được hình ảnh này.

Thực tế không phải là vậy. Tại cùng thời điểm lịch sử đó, còn có người thứ 2 – là một phóng viên tự do người Việt Nam – chụp được khoảnh khắc cực kỳ hiếm hoi này: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông.

Theo nhà báo Lê Việt Nhân của báo Kiến Thức, qua một lần trò chuyện với nhạc sĩ Lê Cao Phan – tác giả bài Giáo ca Phật Giáo Việt Nam – ông tình cờ biết được lúc Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, bên cạnh có một chiếc xe hiện đang được lưu giữ ở chùa Thiên Mụ, Huế. Ông liền ra đi tìm gặp Thượng Tọa Thích Thiện Bình, trụ trì chùa Thiên Mụ – nơi đang đang bảo tồn chiếc xe Austin lúc bấy giờ Hòa Thượng đi đến chỗ tự thiêu – và được Thượng Tọa cho biết khi nhìn thấy bức ảnh do nhà báo Lê Việt Nhân đưa ra: Đó chính là bức ảnh do người Việt Nam chụp và tác giả hiện đang sống tại Sài Gòn, ông tên là Nguyễn Văn Thông. Sau đó nhà báo Lê Việt Nhân về lại Sài Gòn cất công tìm kiếm các Phật Tử ngày đó, rồi may mắn gặp Cư sĩ Võ Đình Cường – người đồng sáng lập phong trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam – nên đã lần ra nơi ở của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông trong khu Cư xá Đô Thành, quận 10, Tp.HCM. Ông Lê Việt Nhân được Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông kể lại:

“Năm 1963 tôi là một phóng viên tự do chuyên cung cấp ảnh cho Ảnh Xã (cơ quan chuyên cung cấp ảnh cho báo chí thời ấy). Qua một vài nguồn tin, tôi biết được sắp tới sẽ có một cuộc biểu tình lớn của Tăng Ni, Phật Tử nên có chuẩn bị sẵn.

 “… Lúc đó, tôi cùng một số phóng viên nước ngoài đã chụp ảnh (phóng viên người Mỹ Malcolm Browne làm cho hãng thông tấn AP cũng có mặt vào thời điểm này). Tôi chụp ảnh và khóc, tay tôi run lên… Về rửa film, tôi đặt tên bức ảnh tên là “Vị Pháp Vong Thân” và phóng một tấm lớn 50x60cm tặng cho chùa. Sau đó vì nhiều lý do của “thời cuộc”, tôi phải giấu bức ảnh này.

“Trong khi đó, bức ảnh chụp cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu của phóng viên Malcolm Browne đã được đưa ra và đoạt giải nhất ‘Ảnh Báo Chí Thế Giới’ năm 1963”.

Với sự kiện lịch sử vĩ đại là hành động vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Quảng Đức, chúng ta hãy vô tư loại ra ngoài những suy đoán lý do Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông không công bố bức ảnh vào thời điểm khốc liệt ấy, mà hãy để tâm tìm hiểu thêm tư liệu về 2 tác giả – phóng viên và lắng lòng xem lại góc độ của những bức ảnh lịch sử thiêng liêng đầy xúc động ngày nào:

Cố phóng viên MALCOLM BROWNE:

Ông Malcolm Browne sinh ngày 17.4.1931 tại New York, tốt nghiệp đại học với bằng hóa học, sau đó nhập ngũ năm 1956 và được quân đội gởi đến Triều Tiên để lái xe thiết giáp, nhưng rồi tình cờ ông viết cho một tờ báo quân đội, và từ đó quyết định đổi sang nghiệp báo chí. Ông gia nhập Thông Tấn Xã AP năm 1960 và được gởi đến Sài Gòn năm 1961 để dẫn dắt văn phòng của hãng tại Nam Việt Nam đặt bản doanh ở Sàigòn.

Malcolm Browne cùng các phóng viên đến miền Nam Việt Nam đầu tiên như David Halberstam, Neil Sheehan, Charles Mohr, Nick Turner thường viết nhiều về các đề tài tham nhũng và yếu kém quân sự tại Việt Nam. Họ luôn bị những người chỉ trích ở Sài Gòn và Washington cáo buộc là giúp đỡ đối thủ cộng sản.

Bức ảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu của ông đã đoạt giải nhất “Triển lãm Ảnh Báo Chí Thế Giới” năm 1963.

Năm 1964, ông được nhận giải báo chí Pulitzer vì những bài tường thuật về chiến tranh Việt Nam cùng với đồng nghiệp David Halberstam – phóng viên tờ Times. Một năm sau ông rời AP và phần lớn cuộc đời còn lại làm việc cho tờ The New York Times rồi về hưu. Trong sự nghiệp 40 năm làm báo, ông Browne đã có tới 30 năm làm việc cho tờ thời báo New York Times và nhiệm vụ chủ yếu là phóng viên chiến trường. Ông Browne đã bị thương 3 lần, bị trục xuất tại nhiều quốc gia và từng nằm trong “Danh sách phải chết” ở Sài Gòn thời ấy.

Ông vừa qua đời hôm 27.8.2012 ở tuổi 81 tại tiểu bang New Hampshire, Hoa Kỳ. Bà Le Lieu Browne – người vợ gốc Việt mà ông gặp ở Sài Gòn – cho biết qua Thông Tấn Xã AP: Ông Browne được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện tối 27/8 do khó thở nhưng đã không qua khỏi. Năm 2000, ông được chẩn đoán mắc căn bệnh Parkinson và đã phải trải qua những năm cuối đời trên xe lăn.

Cựu phóng viên NGUYỄN VĂN THÔNG:

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông sinh ngày 28.10.1925 tại Hà Nội. Ông cầm máy từ khi còn trung học và năm 1951 ông là một trong những người sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam. Lớp bạn học cùng thời của ông là những nghệ sĩ khá nổi tiếng: Võ An Ninh, Đỗ Huân, Bàng Bá Lân, Mạnh Đan, Lê Đình Chữ…

Ngoài ảnh báo chí, Nguyễn Văn Thông còn đoạt khá nhiều giải thưởng lớn ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước.

Năm 1964, ông mới gởi bức ảnh “Vị Pháp Vong Thân” dự thi ảnh báo chí quốc tế. Bức ảnh đoạt huy chương đồng của Phần Lan năm 1964 và giải Ngân Hài Bạc của Sri Lanka – Anh quốc năm 1966. Nhưng phải đến năm 1988, bức ảnh mới được trưng bày chính thức ở triển lãm “Chân Dung Và Thời Đại” tại Tp.HCM, Việt Nam.

Năm 1990, ông đưa bức ảnh tham dự ảnh nghệ thuật Tp.HCM và đoạt huy chương bạc Liên Hoan Ảnh Nghệ Thuật của Hội Nhiếp Ảnh Tp.HCM.

Năm 1998, Nhà Xuất Bản Trẻ trong một cuốn sách có tựa đề “Miền Nam trên đường giải phóng” cũng đã công bố thông tin của nhà báo Lê Việt Nhân cho biết Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông chính là người Việt Nam chụp được hình Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu.

CÁC BỨC ẢNH LỊCH SỬ CỦA 2 TÁC GIẢ:

TÁC PHẨM CỦA CỐ PHÓNG VIÊN MALCOLM BROWNE:

TÁC PHẨM CỦA CỰU PHÓNG VIÊN NGUYỄN VĂN THÔNG:

NHỮNG HÌNH ẢNH BÁO CHÍ NGOẠI QUỐC ĐĂNG TẢI VỀ MALCOLM BROWNE LIÊN QUAN ĐẾN BỨC ẢNH:

Malcolm Browne và đồng nghiệp chăm chú quan sát đoạn film.
Hình Malcolm Browne lồng trong 1 poster Triển lãm ‘Ảnh Báo Chí Thế Giới’ năm 1963.
Trên một tờ báo mạng chú thích về Triển lãm ảnh 1963 và tác giả bức ảnh đoạt giải.

Ở đây có một điểm chúng tôi vẫn chưa rõ: Những tấm hình trong 2 poster trên có vẻ như không phải là chính bức ảnh mà ông Malcolm Browne đã công bố? Hoặc giả ông còn có những bức ảnh chụp ở góc khác chăng? (QM-NQM).

Hình chụp Malcolm Browne năm 1964.
Hình mới đăng sau khi Malcolm Browne qua đời với chú thích: Malcolm Browne với bức ảnh lịch sử của ông.

VÀ CÒN CÓ NHỮNG HÌNH ẢNH Ở CÁC THỜI KHẮC & GÓC ĐỘ KHÁC NHAU MÀ CHÚNG TÔI CHƯA CÓ THÔNG TIN TÁC GIẢ
(Có thể là trong cùng những cuộn film do Malcolm Browne chụp chăng?)

———=oOo=———

Tài liệu tham khảo:

– Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử  – Tuệ Giác, Saigon 1964.
– Thông tấn xã AP.
– Đài BBC.
– Báo Kiến Thức.

Quảng Mẫn NGUYỄN QUANG MAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.