Ánh sáng từ câu kinh Phật

Thời gian qua thật nhanh, một lần nữa “xuân lạnh” lại về trên đất nước Canada “đất lạnh tình nồng”. Một chút gió nhẹ, một chút lành lạnh của mùa xuân cùng màu trắng tuyệt đẹp của hoa tuyết. Người con Phật mọi nơi quên lạnh, quên bận rộn suốt một năm qua, quên phiền muộn toan tính, hân hoan tụ tập về chùa, hy vọng tìm sự ấm áp tình đồng đạo, hay tìm một chút hương vị an lạc giải thoát của thiền môn.

Có người theo truyền thống, chỉ đến chùa vào dịp đầu năm mới, cầu phước cho mình và gia đình đầu năm đến suốt năm bình yên, hoặc mong cầu thành công về tài lộc, danh vọng hay đền ơn Phật Tổ, chư Bồ Tát đã giúp nhiều may mắn trong năm qua. Cũng có người đi đến chùa rất nhiều lần trong năm, thường được xem như là Phật Tử thuần thành, vẫn muốn cầu nguyện và đền ơn. Có nhiều vị thích phục vụ, công quả nấu cơm, quét dọn, cắm hoa. Cho dù nhân duyên về chùa tuy có khác nhau, các thiện pháp như công quả, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, chay tịnh hay nghe thuyết pháp trong dịp đầu năm mới, cũng đều là những duyên lành cần siêng năng hành trì.

LÀM SAO CẢM NHẬN ĐƯỢC TÂM Ý KINH

Mục đích cứu cánh của đạo Phật là giác ngộgiải thoát. Đức Phật là Bậc Nhất Thiết Chủng Trí – trí tuệ cao tột. Như vậy duyên lành về chùa ngoài việc cầu phước, còn phải thưa hỏi tìm hiểu giáo lý, phương cách phá trừ vô minh, mồi ngọn đuốc trí tuệ từ những lời Phật dạy, thấm nhuần tâm ý câu kinh.

Khi thấy rõ con người thật của chính mình, xấu tốt ra sao, phát tâm sám hối, chuyển đổi hướng thiện, khi đó con người mới có được ánh sáng trí tuệ. Hạnh phúc và bình an thật sự chỉ hiện hữu, khi con người nhận ra những khổ đau, phiền não chỉ là giả danh, nhân ngã thị phi đều không có thật.

Là người con Phật công phu tụng đọc kinh điển đến khàn tiếng, lạy Phật đến thân xác rã rời mệt mỏi, được người thế gian nhìn thấy ngưỡng mộ kính phục. Tuy nhiên, với ý thức mơ màng và tự tôn trong cái vỏ hào quang giả danh đó, thực tế thì muốn chạy trốn hoàn cảnh, lòng thì chất chứa ưu tư phiền não, tâm lại vì tội lỗi bản thân mà cầu xin một chút bình an tạm thời nơi cửa Phật.

Khi đó, con người thật sự khó hiểu và khó cảm nhận thấu suốt được tâm kinh, nghĩa Phật. Cáchtụng kinh hành trì như thế chỉ là sự vay mượn của bản ngã, dễ phát sinh ra nhiều căn bệnh như: tự hào, hơn thua, so sánh, khen mình chê người, khiến người tu nhìn ra bên ngoài, nhiều hơn là tự soi rọi nội tâm.

Thông thường khi con người nhìn ngắm một bức tranh, đa số chỉ thấy được cái đẹp, cái xinh tươi của cây cảnh, hoa lá hoặc màu sắc rực rỡ một cách phiến diện hời hợt bên ngoài, ít ai cảm nhận hay động tâm hiểu được ý nghĩa mà người họa sĩ muốn gởi gắm trong bức tranh.

Cũng vậy, trong mọi khóa lễ ở chùa, con người thường coi trọng và chấp vào hình tướng bên ngoài như: cách thức tụng kinh buộc phải thuộc lòng, giọng đọc phải trầm bổng đúng nhịp. Khi lạy phải đúng nghi thức, hoặc lạy từng câu, từng chữ trong kinh. Cầu nguyện thì phải thành tâm sẽ được như ý.

Sau các thời tụng kinh bái sám xong, người ta thu xếp quyển kinh lại ngay ngắn, đem cất vào kệ, công phu như vậy xem như là hoàn mãn. Điều này không sai, nhưng chưa đủ. Bởi vì như vậy người ta chỉ nhận được sự bình an tạm thời, có một ít thiện phước mà thôi, chưa thấy rõ mục đích cứu cánh và chân lý đạo Phật.

Đức Phật dạy cách tu như thế nào? Hành trì ra sao? Đức Phật thuyết pháp 45 năm, để lại cho đời tam tạng kinh điển là vô ích hay sao? Tâm kính Phật trọng Pháp phải hiểu như thế nào đây?

Khi gặp nghịch cảnh, gặp những chuyện bất trắc, bất như ý, đa số người đời đi tìm quên trong thú vui thế tục, hoặc người có đạo tâm thì tìm nguồn an ủi nơi cảnh chùa thanh vắng. Còn những người thường hay đi chùa cầu phước, tụng kinh lễ Phật, hãy lắng tâm suy nghĩ, xem trong đời về chùa tụng kinh, hoặc đã thuộc nằm lòng tất cả bao nhiêu bộ kinh, lạy Phật bao nhiêu lạy, hầu như không còn tính được nữa. Tuy nhiên tâm trí vẫn bất an, nội tâm vẫn còn bị tổn thương vì những hạt giống khổ đau phiền não vẫn còn tồn tại, con người chưa thấy được phương cách nào để loại trừ. Biết rằng ai cũng có tánh giác, nhưng do con người mãi hướng ngoại tìm cầu suốt cuộc đời, nên các vị Tổ thường nhắc nhở rằng: “Như người vác Phật tìm Phật, người cỡi trâu tìm trâu”. Mãi mãi quẩn quanh trong vòng luân hồi sanh tử, làm sao thấy được Phật.

Dù tụng nhiều kinh điển
Buông lung không thực hành
Như trẻ đếm bò người
Không hưởng quả đạo hạnh.

(Kinh Pháp Cú)

Có người cảm thấy khinh an tự tại sau mỗi thời tụng kinh niệm Phật, công phu bái sám. Điều này thực quá tốt quá hay. Tuy nhiên, nếu không bước thêm bước nữa, không tư duy, không suy ngẫm, không hiểu thấu đáo tâm Phật ý kinh, để áp dụng trong đời sống hàng ngày, thời tụng kinh trở thành sự trả nợ chùa, trả nợ thế gian, không ích lợi bao nhiêu cho mình cho người cả.

Chư Tổ thường quở trách rằng: “Tu như vậy là đi tìm sừng thỏ hay lông rùa”. Sừng thỏ hay lông rùa là những thứ không có thật. Tu hành như vậy cho đến ngày bỏ lại xác thân phàm tục, cũng khó mà thấy Phật.

Phật pháp tại thế gian,
Mê ngộ có chậm mau,
Bôn ba qua một kiếp,
Người lỗi ta không lỗi,
Bỏ đời đi tìm Thánh,
Sừng thỏ kiếm sao ra.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, khi đến lễ Lục Tổ Huệ Năng, một vị Tăng hiệu Pháp Đạt khoe: “Tôi đã tụng Kinh Pháp Hoa đến ba ngàn bộ rồi”. Lục Tổ bèn nói kệ dạy rằng:

Lạy vốn phá tự kiêu,
Đầu sao không sát đất,
Hữu ngã tội liền sanh,
Quên công phước thật lớn.
Người tên là Pháp Đạt,
Siêng tụng hoài không dứt,
Tụng không theo âm thinh,
Minh tâm mới gọi Phật,
Ngươi nay bởi có duyên,
Ta mới nói chân Pháp,
Tin chắc Phật không lời,
Liên hoa không do  miệng.
Tâm mê Pháp Hoa chuyển
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa,
Tụng lâu không rõ ý,
Kinh nghĩa ấy thù ta.

Vị Tăng Pháp Đạt nghe kệ xong, liền ăn năn sám hối: “Đệ tử tụng kinh nhưng chưa hiểu được nghĩa lý của kinh, chỉ tụng theo văn tự, tâm thường cao mạn cũng có chỗ nghi chưa thấu rõ, từ nay xin giữ hạnh khiêm tốn. Kính xin Ngài thương xót, lược giải nghĩa lý trong kinh.” (Kinh Pháp Bảo Đàn).

ÁNH SÁNG TỪ CÂU KINH PHẬT

Đức Phật dạy: “Cổ xe trắng tinh đẹp nhất có thể ví như Niết Bàn. Các con tuấn mã ví như tinh tấn và trí tuệ. Biết hổ thẹn và sợ tội lỗi ví như cái thắng. Nhẫn nại và từ bi giống như áo giáp. Thiền định và nguyện lực ví như bánh xe. Cuối cùng quả vị giải thoát là màu trắng tinh khiết của chiếc xe đẹp nhất, vết bẩn không còn tồn tại vì được người phu xe siêng năng, chuyên cần giữ gìn sạch sẽ”. (Kinh Tạp A Hàm)

Tụng kinh một lần, hai lần hay hằng trăm ngàn lần, nhưng duyên sự đi đến chùa vì cầu khẩn, vì tìm kiếm danh lợi mà không mong cầu tu học hay giác ngộ, điều đó thật phí đi thời gian ngắn ngủi của một đời người. Người đó sẽ không thấy được ý nghĩa thâm sâu trong lời kinh Phật.

Nếu chuyển tâm van xin cầu khẩn ích kỷ của một phàm phu, trở thành tâm của một hành giả trên đường đi tìm giác ngộ, quyết tâm mong giải thoát vòng sanh tử luân hồi, con người phải biết dụng tâm và năng lực vào nghiên tầm kinh điển tu học, chắc chắn sẽ thấy được ánh sáng trí tuệ từ câu kinh Phật. Mọi người đều có quyền thừa hưởng kho báu trí tuệ đó. Chìa khóa kho báu vô giá nằm trong tay ai cũng có, chỉ cần bước thêm bước nữa, để mở cánh cửa trí tuệ bát nhã. Đó chính là con đường duy nhất đưa đến giác ngộgiải thoát.

Đức Phật là bậc đạo sư. Kinh sách ghi lại những lời Phật dạy. Ngài chỉ cho con đường vượt ra khỏi khu rừng vô minh tối tăm đầy cạm bẩy. Hành giả là người phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. Sai lầm nặng nề nhất của người tu là ngồi chờ kỳ nhân, mong cầu tha lực, trông chờ phép lạ. Đức Phật cũng là vị lương y đại tài có thể chữa hằng ngàn tâm bệnh của chúng sanh bằng hằng vạn toa thuốc trị tâm bệnh. Chúng sanh cần phải tự uống thuốc và thực hành theo lời dặn, chứ không chỉ tụng đọc toa thuốc mà có thể khỏi bệnh được.

Lợi ích của kinh Phật, chuyển hóa con người từ phàm phu, mê mờ, ích kỷ, thành người trí sáng suốt. Người tu khi giác ngộ Phật Pháp, sẽ tự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, giải đáp mọi nghiệp duyên xảy ra trước mắt.

Sống trong đời, không phải lúc nào cũng có thảm đỏ trải dưới chân cho bước đi được dễ dàng. Con người phải tự lo cho bản thân có đôi giày an toàn bền chắc, để chống chọi với nghịch cảnh và vượt qua chông gai. Đó chính là trí tuệ, là tâm sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh.

Cũng vậy, người tu dù xuất gia hay tại gia đừng tự dễ dãi với chính mình, đừng để danh lợi lôi kéo vào con đường mù mịt tối tăm không lối thoát. Niềm tin chánh tín vào lời dạy của chư Phật, chư Tổ đã chứng đạo và luôn giữ chánh niệm, dùng công phu “phản quan tự kỷ” nhìn lại chính bản thân.

Đó là cơ hội để có thể tự khắc phục, chuyển đổi phiền não của vọng tâm, nguyên nhân gây ra tội và nghiệp, thấy được thực tế rất chân thật “ta là ai? tốt xấu như thế nào?” để biết đường mà tu.

Nếu không hiểu lời Phật dạy làm sao có sự sáng suốt, tu như thế nào là đúng sai, dễ rơi vào tà tín, tà pháp và tà đạo. Người tu cũng không thể hướng dẫn người khác đúng chánh pháp. Tai hại là ở điểm này: Người tu đi sai đường, phổ biến tà pháp, sẽ hướng dẫn rất nhiều người cùng lạc vào tà đạo.

Một số ngôi già lam biến thành chỗ buôn thần bán thánh, xin xăm bói quẻ, tượng Phật bị người đời xem như thần linh, có thể ra oai tác phúc. Đạo Phật mất đi ý nghĩa của đạo giác ngộ giải thoát.

Người đời nhìn hình ảnh các  vị tu sĩ xuất thế gian đáng kính trở thành mấy ông thầy tụng, kinh Phật trở thành kinh tụng đám tang. Khi gặp tu sĩ, người đời có cảm giác như xui xẻo và chết chóc. Tất cả đều do người tu không có chánh kiến, chánh tín và không biết thực hành Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo gồm có:

Chánh kiến là kiến thức thấy biết đúng, hiểu rõ vô thường, nhân quả.
– Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, không trái với chân lý và lẽ phải.
– Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói những lời thô ác, dối gạt.
– Chánh nghiệp là hành vi chân thật, không làm những việc gây ác nghiệp
– Chánh mạng là nếp sống chân chánh, không làm những nghề bất thiện.
– Chánh tinh tấn là chuyên cần trì giới, tu hành, không lười mỏi.
– Chánh niệm là hiểu rõ việc đang nghĩ, đang nói và đang làm.
– Chánh định là tâm bình tĩnh thản nhiên, không còn si mê loạn động.

Một câu chuyện suy ngẫm:

Ngày kia có một người cha già vì duyên sự phải đi xa nhà một thời gian khá lâu. Trước khi ra đi, ông để lại cho hai người con một bức thư thật dài và đầy đủ. Tất cả là những lời căn dặn dạy dỗ các người con, làm thế nào để sống an lành, vui vẻ, hạnh phúc với nhau, khi không có cha ở bên cạnh.

Người con thứ nhất rất kính trọng cha nên mỗi ngày thành tâm tụng đọc đến thuộc nằm lòng và dán bức thư lên tường để luôn nhớ về cha. Tốt hơn thế nữa anh còn siêng năng đọc một chữ, lạy một lạy, lập lại nhiều lần như vậy rất thuần thành. Nhưng thật sự anh vẫn không hiểu và cũng không thực hành được tâm ý người cha mong mỏi!

Người con thứ hai cẩn thận và chậm rãi đọc lá thư, suy tư vận dụng sự thông minh sẵn có để tìm hiểu tâm ý người cha muốn dạy những gì trong lá thư đó. Sau khi anh hiểu được tâm ý trong thư, anh một mực nghiêm túc thực hành tất cả lời cha căn dặn dạy bảo. Bằng tâm bình đẳng, lòng bao dung và khiêm tốn, buông bỏ bản ngã và ích kỷ cá nhân, dẹp tan cố chấp đầy phiền não của tâm tham, tâm sân, tâm si, phục vụ lo lắng chăm sóc và sẵn lòng vì mọi người. Người con nầy tạo được an lạc hạnh phúc cho mình cho đời, đúng như tâm ý người cha mong mỏi.

Qua câu chuyện trên, đời và đạo đều có hai mặt. Trong đạo Phật, công phu tu hành cũng có hai mặt là Tâm và Tướng. Cho nên dù xuất gia hay tại gia việc tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật hay ngồi thiền, tất cả là những điều người tu cần hành trì mỗi  ngày, đó là tu tướng còn là phước đức không thể thiếu. Tuy vậy mục đích cứu cánh đạo Phật là tu tâm. Người biết cách tu, hay nghe thuyết pháp, tìm các bậc thiện tri thức học hỏi, để hiểu lời dạy của chư Phật, lời khai ngộ của chư Tổ được ghi chép lại trong kinh, phát sanh trí tuệ. Thực hành bát chánh đạo, tỉnh giác, thanh tịnh tâm, đó là con đường đi đến giác ngộgiải thoát. Cho nên, phước đứctrí tuệ được xem như hai cánh của một con chim, muốn bay xa, bay cao, chim phải có đầy đủ hai cánh mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực.

Tóm lại, đạo Phật không chủ trương thần quyền hay độc quyền, vì vậy giác ngộgiải thoát không dành riêng cho một vị nào cả. Đạo đi vào đời bằng sự bình đẳng tuyệt đối và sự chân thật vốn có từ vô thủy của mọi người. Nhờ ánh sáng giác ngộ từ những lời kinh mà tự tu, tự cứu, tự lực, tự giác, giải thoát luân hồi sanh tử.

Cao cả đáng kính hơn hết của sự giác ngộ hoàn toàn viên mãn: “Ngoài chẳng nhận là phàm thánh, trong không trụ tự mãn, không chấp phước đức hay công đức”. Khi đó, đạo tràng tụng kinh, chắc không còn ai có tâm cố chấp, tâm phân biệt mà sanh phiền não, bởi vì vị chủ lễ giọng tụng không hay, người thỉnh chuông không đúng lúc, người dẫn mõ quá nhanh hay quá chậm, người kế bên đọc quá lớn. Tất cả chỉ là những chuyện không đáng để bận lòng.

Tuy tụng ngàn chương cú
Không hiểu nghĩa ích gì
Đâu bằng hiểu một câu
Nghe xong liền ngộ đạo.

(Kinh Pháp Cú).

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Tỳ-kheo-ni THÍCH NỮ CHÂN LIỄU