Anh chị em áo lam mình trên đường tu và thực hiện Lý Tưởng, muốn cho đường đời muôn vạn nẻo hanh thông, không gì hơn là chuyên tâm ghi nhớ vâng làm ba điều cốt lỏi:
1. NHỚ TÁNH LINH PHẬT: Các kinh thường gọi là “xưng tán Như Lai”. Có nghĩa ta và người đều là một vị Phật sẽ thành trong tương lai, nên tuyệt đối không nản chí khi thất bại, không muộn phiền khi bị lăng nhục hay xúc phạm; từ đó không khởi tâm SÂN nên thấy ai cũng xinh đẹp, đáng kính, hiền hòa và vô cùng dễ thương; sứ mạng không lơi mỏi và luôn được cũng cố bền chắc. “Đi sinh hoạt” là nỗ lực phục vụ chính mình, hoàn thiện chính mình. Hướng dẫn các em và trao truyền sứ mạng chỉ là mở rộng phương tiện tích lũy phước đức; san bằng, khắc phục chướng duyên trên đường tu. Do vậy, bỏ tổ chức, quay lưng lại với anh chị em dù với bất kỳ lý do gì đều là một sai lầm đáng tiếc.
2. SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG: Đã mang thân chúng sanh, lên xuống trong 3 cõi, 6 loài là còn trầm luân, chưa tiêu trừ được NGHIỆP CHƯỚNG nên “sám hối” là một điệp khúc du dương, trời người đều hoan hỷ, tha thứ và mến yêu; là liều thuốc thần xóa đi những lầm lẫn sai quấy từ thô đến tế, và là nguồn năng lực vô biên đưa chúng ta siêu xuất tình Phàm lên cõi Thánh.
3. PHÁT ĐẠI BI TÂM, HÀNH THÂM THIỆN HẠNH: Hành thâm thiện pháp là chìa khóa mở cửa “huệ trí”. Chư Phật chưa từng bảo “học thâm” là vào Bát Nhã Trí bao giờ. Học nhiều thì có kiến thức rộng. Nếu biết coi kiến thức là phương tiện thì lợi lạc trên đường tu. Nếu tự hào thì lập tức nó trở thành SỞ TRI CHƯỚNG, một tai họa khôn lường cho hành giả. Việc thiện là cái “dụng” của lòng Đại Bi. Cho nên vào chùa khi nào cũng vào cửa Đại Từ Bi mới có thể sống lục hòa cùng thiện tri thức mà siêng chăm tu tập, và đi ra bằng cửa Đại Trí mới có thể tránh được những sai lầm không đáng có.
Thực hiện được 3 điều trên, CỔ PHÁP sẽ xuất hiện dưới hình thức một chiếc “trống đồng lớn” vang tiếng cao xa, soi ánh sáng vàng vào chốn tối tăm, là thả “thuyền Từ” vào trong biển khổ cứu sinh linh ra khỏi mê đồ. Phật có thuyết một Kinh có mang đầy đủ ý nghĩa nầy và những câu chuyện Đức Thế Tôn đã nhiều kiếp xả bỏ thân mạng thực hiện tâm nguyện Đại Bi mà nên ngôi Chánh Giác. Hòa Thượng thượng Trí hạ Quang có dịch kinh nầy tên là “Ánh Sáng Hoàng Kim”. Các bậc “quốc chủ” mà thực hành kinh nầy thì quốc thái, dân an; nên cũng là kinh “Hộ Quốc Nhân Vương”. Rất nên tìm đọc lắm thay./.
THẠNH KHÔNG