Như các bạn đã biết: Thái Lan từ lâu đã được gọi là một quốc gia Phật Giáo. Cảm nhận đầu tiên của bạn về ảnh hưởng của Phật Giáo đối với đất nước này là ngay từ khi vừa bước chân lên nấc thang chiếc phi cơ của các hãng hàng không Thai Airways, Bangkok Airways… bạn sẽ được các tiếp viên, chiêu đãi viên hàng không chào đón bằng đôi bàn tay chắp thành búp sen xinh xắn vái chào. Lối chào bằng hình thức vái – tiếng Thái đọc là wai – là phong tục xã giao truyền thống của mọi tầng lớp dân tộc Thái Lan khi chào hỏi, cảm ơn, tán thành hay xin lỗi; y như truyền thống của đất nước Ấn Độ, xuất xứ Phật Giáo vậy.
Với tỷ lệ 95% dân số theo Phật Giáo, Thái Lan lấy đạo Phật làm Quốc Giáo. Trên lãnh thổ được mệnh danh là “xứ sở Chùa Vàng” này có đến hơn 30.000 khu chùa tháp, đền đài, tu viện, tịnh viện lớn nhỏ khắp nơi. Tuyệt đại đa số các hình thức biểu thị cho đất nước và con người Thái Lan thường được lấy hình ảnh và ý nghĩa của đạo Phật để làm biểu tượng, ngay cả quốc kỳ Thái Lan cũng mang ý nghĩa Phật Giáo
Xuất phát từ đời sống tâm linh như vậy nên dân chúng Thái Lan rất chú trọng các quy tắc lễ nghi; dẫu rằng trong mắt nhiều du khách quen thuộc với Thái Lan trong số trung bình chừng 30 triệu du khách hằng năm, Thái Lan là một điểm đến thoải mái với một cộng đồng cởi mở, thân thiện; với các trung tâm thương mại, giải trí tràn ngập; với nhiều món đặc sản bình dân hảo hạng, “khoái khẩu”; và với mức chi phí du lịch rất thấp, rẻ bằng khoảng 1/2 so với nhiều quốc gia khác trong cùng khu vực.
“Đất có lề, quê có thói” nên “nhập gia tùy tục” là một cách ứng xử giao tiếp khôn ngoan. Để có được một chuyến viếng thăm và những ngày lưu trú thoải mái hoàn toàn trên đất Thái, thì thấu đáo được những quy tắc kiêng kỵ truyền thống của cộng đồng cư dân Thái nhằm tránh phiền phức không đáng có âu cũng là điều cần thiết cho hành trang kinh nghiệm của bạn trước khi bạn lên đường. Và kinh nghiệm quý báu nhất mà bạn cũng đã biết nhưng cần nhớ vẫn là: Hãy luôn mỉm cười với mọi người, trong mọi việc; và nếu không biết chắc về một điều gì đó thì hãy quan sát và làm theo người bản địa…
Giữ sự tôn nghiêm tại đền chùa:
Bạn có thể tự do vào chùa, đền hay cung điện hoặc phải mua vé tham quan, du lịch và theo giờ giấc quy định, nhưng cần chú ý mặc trang phục chỉnh tề:
– Không được mặc quần short, áo lót, juyp hay váy ngắn, không mang dép (dép “lê”, dép Lào, dép Thái Lan…).
– Hãy cởi giày, dép trước khi bước qua cửa vào chánh điện hay các nơi thờ tự khác nói chung.
Tôn kính ảnh tượng Phật, Bồ Tát:
– Phải thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với tượng Phật. Không được sờ vào ảnh, tượng Phật; đặc biệt là vào đầu tượng Phật, Bồ Tát hay các Thần Linh theo truyền thống dân gian Thái.
– Không được leo lên, trèo qua hay ngồi lên bệ tượng Phật (thường là để chụp hình) dù là tượng lớn hay nhỏ, mới hay cũ.
– Nếu thỉnh hay mua tượng Phật, kinh Phật về thờ, tụng đọc hoặc chỉ là làm quà lưu niệm cũng không được để kinh, tượng chung với túi đựng quần áo, điều này bị cho là xúc phạm nghiêm trọng tới Đức Phật.
Cẩn trọng đối với tu sỹ:
Là một quốc gia theo Phật Giáo nguyên thủy; mỗi người đàn ông Thái Lan trưởng thành đều phải ít nhất trải qua 2 lần xuất gia trong đời. Do đó trên đường phố hoặc đường quê Thái Lan, hằng ngày bạn sẽ thường xuyên thấy hình ảnh các tu sỹ Phật Giáo. Hãy lưu ý vài phép tắc ứng xử với tầng lớp được cộng đồng dân chúng Thái tôn kính nhất xã hội:
– Không được giẫm lên hay bước qua cái bóng của các tu sĩ (vào những lúc có nắng) nếu bạn phải đi qua trước mặt hay sau lưng họ vì quan niệm của người Thái là cái bóng của Sư, Sãi cũng chính là bản thân vị ấy; bước qua hay giẫm lên cái bóng cũng tức là giẫm lên thân thể của vị ấy. Đây là hành vi thể hiện sự bất kính cùng cực.
– Không được chạm vào thân thể của Chư Tăng, Ni. Người Thái đặc biệt cấm kỵ phụ nữ đưa bất kỳ vật gì cho các nhà sư một cách trực tiếp. Muốn đưa một vật gì cho nhà sư, phụ nữ phải đưa qua một người đàn ông, hoặc nhà sư dùng một chiếc khăn để nhận lấy vật ấy. Do đó khi ở chỗ đông người, hãy chú ý tránh chạm vào vai các vị tu sỹ.
Nghiêm túc về Hoàng Gia
Người Thái Lan rất tôn trọng, ngưỡng mộ Vua và Hoàng Gia. Những hình ảnh nhà vua và hoàng hậu xuất hiện khắp mọi nơi tại đất nước này. Vì vậy bạn nên cẩn thận khi thể hiện thái độ hay nói về hoàng gia. Không nên có hành động chế giễu, đùa cợt với vua hay các hoàng thân trong hoàng tộc để tránh sự phiền phức không đáng có.
Tôn trọng quốc kỳ – quốc ca – quốc thiều:
– Dĩ nhiên không ai chấp nhận quốc kỳ của nước mình bị đem ra làm trò đùa, và Thái Lan cũng vậy. Nếu bạn có ý định cuốn chiếc cờ thành váy hay xà-rông quanh mình, hãy cân nhắc kỹ trước khi phát sinh hệ lụy.
– Hằng ngày, vào lúc 8g00 và 18g00, quốc ca hoặc quốc thiều Thái Lan thường được cử lên tại những nơi công cộng. Khi ấy, hầu hết mọi người sẽ tạm ngưng công việc và đứng nghiêm trang. Bạn cũng nên nhìn để làm theo đám đông rồi trở lại với công việc của mình sau khi nghi thức này chấm dứt. Tại Việt Nam chúng ta trước đây ai cũng dừng lại đứng nghiêm khi nghe quốc ca, quốc thiều nên bạn hẳn không bở ngỡ mà xem thường việc này để bị cư dân địa phương nhận xét là mình thiếu tôn trọng.
– Ngoài ra, tại các rạp chiếu phim hay một số tụ điểm giải trí, bài ca Hoàng Gia cũng thường được phát trước chương trình. Bạn cũng nên quan sát để làm theo nếu thấy mọi người đứng dậy.
Lưu ý trang phục nơi công cộng:
– Ở Thái Lan, việc ở trần nơi công cộng là hành động phạm pháp, bạn có thể bị cảnh sát phạt một khoản tiền đáng kể nếu khi gặp thời thiết quá nóng nảy bạn cởi phăng áo ra giữa nơi công cộng. Trường hợp trên người không mặc gì, chắc chắn bạn sẽ phải nộp phạt một khoản tiền khá lớn.
– Cởi trần thì bị phạt đã đành, nhưng mặc quần áo cũng cần lưu ý! Thái Lan có 2 phe phái chính trị được nhận biết bằng biểu trưng áo màu vàng và màu đỏ nên trang phục ở đất nước này cũng có thể biểu lộ màu sắc chính trị. Do đó, có lẽ bạn cũng nên hạn chế mặc hai màu này tại những vùng xung đột hay nhạy cảm hầu tránh phiền lụy do những hiểu lầm không liên quan đến mình.
Hành vi đúng mực chỗ đông người:
– Người Thái Lan có tính cách ứng xử nhẹ nhàng, mềm mỏng trong đối thoại và giao tiếp. Bạn đừng bao giờ to tiếng nơi đông người cho dù bạn có giận dữ đến đâu.
– Hãy cố gắng nói nhỏ tiếng khi mua sắm trong các cửa tiệm hay lúc gọi món, dùng bửa tại nhà hàng nếu không muốn nhận lấy những ánh mắt thiếu thiện cảm của những người chung quanh.
– Bạn có thể thoải mái ôm hôn nhau nơi công cộng nếu đang đi du lịch tại các nước Âu – Mỹ; nhưng ở Thái Lan, những hành động thân mật như vậy không mấy phù hợp. Nếu để ý một chút, bạn thấy rằng việc ôm nhau, hôn nhau ở nơi đông người chỉ thấy ở các du khách chứ không có người bản địa.
– Việc công khái tán tỉnh bâng quơ một phụ nữ Thái Lan cũng là điều nên tránh. Đừng bao giờ cố tình “ve vãn” một phụ nữ Thái. Hãy nhớ: dù quảng cáo, đồn đãi thế nào về “kỹ nghệ sex”, tại Thái Lan cũng chỉ có 1% phụ nữ hoạt động trong ngành “công nghiệp tình dục” so với tỷ lệ phụ nữ còn lại làm việc ở những ngành, nghề đứng đắn khác.
Không chạm vào đầu người khác:
– Người Thái cho ràng đầu là bộ phận cao quý, thiêng liêng nhất trên cơ thể nên bạn không được âu yếm vò đầu, vuốt tóc hay nghịch ngợm đầu trẻ em. Cử chỉ này được coi là xúc phạm.
– Thân mật vỗ vai, vỗ lưng, thậm chí tỳ cánh tay mình lên lưng ghế bất kỳ một người nào khác đang ngồi cũng sẽ bị đánh giá là thô lỗ, khiếm nhã.
Cẩn thận với bàn chân:
Nếu đầu được cho là tôn quý thì ngược lại, đôi bàn chân được người Thái xem là phần dơ bẩn, “thấp kém” nhất của cơ thể nên phải giấu kín chân của mình khi ngồi. Do vậy bạn hãy lưu ý:
– Một trong những điều cấm kỵ nhất là tuyệt đối không được dùng chân để chỉ người hoặc đồ vật; cũng đừng chĩa mũi bàn chân vào người khác.
– Không dùng chân để gắp một vật bất kỳ hay để mở một cánh cửa.
– Khi ngồi ở bất cứ đâu (chùa chiền, nơi công cộng hay nhà riêng người khác…) chú ý không để chân hướng vào ai, đặc biệt là các tượng Phật hay hình ảnh nhà vua. Ngồi trong đền, chùa, tốt nhất hãy để đầu gối bạn ra trước và giấu những ngón chân vào phía sau.
– Không được ngồi đặt chân lên bàn; không ngồi chéo chân (chúng ta thường gọi là bắt chân chữ Ngũ) để lộ lòng bàn chân ra ngoài khi giao tiếp. Vào nhà một người Thái, nếu chủ nhân ngồi dưới sàn nhà, nền nhà, bạn cũng nên làm theo như vậy với kiểu ngồi giấu bàn chân lui phía sau như nói trên.
– Khi cần buộc lại dây giày, thắt quai dép, hãy quan sát vị trí mà bạn đặt chân lên, tuyệt đối tránh để chân lên một bệ tượng Phật hay Thần Linh nào đó hoặc gác trên ngưỡng cửa, bởi người Thái quan niệm rằng, ngưỡng cửa nhà là nơi Thần Linh ngự trị (vì vậy bạn phải tránh giẫm lên đó và bỏ giày dép ra trước khi vào đền chùa hay vào nhà người khác).
Sử dụng đúng bàn tay:
Tại Thái Lan, dùng ngón tay trỏ để chỉ vào ai đó có thể mang hàm ý “muốn tấn công” cho nên việc sử dụng bàn tay cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc truyền thống của người Thái:
– Không được chỉ ngón tay vào người khác khi nói chuyện vì có thể bị hiểu lầm là một cử chỉ bất kính, khinh miệt hay gây hấn.
– Gọi taxi hoặc tiếp viên trong một nhà hàng hay làm hiệu cho bất kỳ ai đó lại gần, bạn không nên ra hiệu với các ngón tay hướng ngửa lên, đó là cử chỉ thô lỗ, bất lịch sự. Hãy sấp bàn tay, cho lòng bàn tay úp, hướng xuống dưới với các ngón tay khép lại hoặc cũng có thể nắm tay lại khi tay bận nắm, xách vật gì đó.
– Bạn cũng không được vỗ tay, búng ngón tay hay huýt sáo khi vẫy gọi vì người Thái cho rằng đây là cách bạn gọi một chú chó!
– Người Thái quan niệm rằng, tay phải tượng trưng cho sự cao quý còn tay trái là không trong sạch, nên khi đưa cho người khác một vật gì hay trao tặng cho ai một món quà, để thể hiện sự tôn trọng, bạn hãy dùng tay phải để đưa quà cho họ, không được dùng tay trái. Ngược lại, khi nhận bất cứ vật gì bạn cũng phải dùng tay phải hoặc có thể cả 2 tay. Trường hợp được một người Thái tặng quà cho bạn, trước khi nhận hãy chắp tay (wai) hướng vào họ thể hiện lòng biết ơn (và nhớ đừng mở quà trước mặt họ nếu không do họ yêu cầu).
Đừng ký tên bằng bút đỏ
Theo tập tục Thái Lan, mực màu đỏ dùng để ghi tên người đã khuất trên nắp quan tài, cho nên dù trong bất cứ việc gì, bạn tuyệt đối không dùng bút có mực màu đỏ để ký tên.
Chớ huýt sáo lúc nửa đêm
Điều cuối cùng này nghe có vẻ dị đoan nhưng dặn thêm bạn cũng không thừa: người Thái vốn tin rằng huýt sáo lúc nửa đêm là gọi linh hồn người chết về nên sẽ mang lại xui xẻo, vậy nếu có lỡ đi chơi về khuya bạn cũng chớ dại dột mà huýt sáo kẻo không khéo lại phải nghe những lời chê trách, càu nhàu…
QUANG MAI
Sưu tầm và tổng hợp từ internet