Ngày nay trên phương diện giáo dục thanh thiếu nhi người ta thường chia ra làm ba ngành, vì ba trạng thái sinh họat tâm lý khác nhau.
– Đồng niên từ 8 đến 12 tuổi.
– Thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi.
– Thanh niên từ 18 đến 35 tuổi.
Sự phân chia như vậy dựa theo đặc thức tâm lý ( Typepyschologie ) trong các giai đọan phát triển của tâm lý trẻ. Sơ lược sự phân chia như sau :
– Từ sơ sinh cho đến 6 tuổi : thời kỳ quan năng ( Périodesensorielle ).
– Từ 6 đến 12 tuổi : thời kỳ lệ ứơc ( Bắt chước ) (Périodeimitative).
– Từ 12 đến 18 tuổi : thời kỳ trực giác ( Périodeintuitive ).
– Từ 18 đến 20 tuổi : thời kỳ lý tính ( Périoderationelle ).
Aldophe Ferrère, một nhà xã hội học cho rằng sự tiến phát tâm lý của một con người là sự tiến phát của lịch sử xã hội loài người thu ngắn lại, đại để :
Thời kỳ quan năng ( Khả năng quan sát ) là rút lại thời kỳ cổ sơ, thời kỳ săn bắn của con người thượng cổ thời đại, thời kỳ quan năng của con người rất tinh vi, tai mắt mũi rất tinh, rất thính cũng giống như dân mọi rợ ngày nay.
Thời kỳ lệ ước ( Bắt chước rập khuôn theo cái đã có trước ) ăn nhập với thời đại canh tác của con người cổ bắt đầu từ chế độ Bộ lạc lưu động đến chế độ định cư, vì vậy nên trong giai đọan này trẻ em thích trồng trọt, làm vườn, xây dựng nhà cửa, về tinh thần cũng là giai đọan tín ngưỡng thần thọai cho nên tâm hồn của các em chứa đầy những ý thức huyền hoặc nhìn sự vật một cách kỳ bí. Thời kỳ này cũng là thời kỳ phát minh lối vẽ, chữ viết, thương mại và đổi chác cho nên cũng là hoa tay và tính toán của trẻ.
Thời kỳ thứ ba là thời kỳ trung cổ thời đại, giai đoạn phát triển của nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa, giai đoạn này có nhiều biến động xã hội và tín ngưỡng, biến chuyển đột ngột trong lãnh vực văn hóa, chính trị, xã hội : Đặc biệt là sự phát triển tinh thần văn nghệ ( văn hóa lãng mạng ) cho nên tâm hồn thiếu niên trong giai đoạn này cũng nhiều biến chuyển, tư tưởng bộc phá, giao động dễ cảm.
Tiếp theo là thời kỳ văn minh cận đại, triết học hệ thống được xây dựng, khoa học đựơc mỡ mang và cũng là thời kỳ phát triển toàn diện lý trí của con người.
Thực ra chủ thuyết này chưa hẳn là chính xác; tuy nhiên, đó là những đặc tính tâm lý phổ quát nơi tất cả mọi người, ngọai trừ những trường hợp đặc biệt gây nên những dị đồng hy hữu mà thôi.
LẬP THUYẾT THEO TÔN GIÁO :
Kinh Mahvagga kể lại câu chuyện khi đức Phật ngộ đạo dưới gốc cây Bồ đề. Ngài lưỡng lự giữa hai con đường : truyền giáo và im lặng đi vào Niết Bàn, vì Ngài thấy giáo pháp của Ngài thì cao siêu, mà tâm địa của chúng sanh thì muôn màu, muôn sắc, chênh lệch nhau, làm sao nhận chân được Chánh pháp vô cùng thâm sâu của Ngài.
Đứng trước một hồ sen, thấy có những hoa sen đang chìm dưới nước, lại có những hoa sen trỗi lên và nở thơm ngào ngạt. Ngài quyết định tùy thuận căn cơ chúng sanh mà hướng dẫn lần lần đến giải thoát, như tất cả hoa sen đều cố gắng vươn lên để đón nhận ánh sáng mặt trời.
Thêm vào đó, Ngài đã nhạn ra rằng những tâm hồn thiếu niên là những tâm hồn trong sáng, rất dễ cảm hóa. Chính trước đây Sujata ( Tuxàđa ), một bé gái 13 tuổi đã dâng sữa cho Ngài, khi Ngài tu khổ hạnh bị ngất xỉu. Svastica ( Vathica ), bé trai 11 tuổi cúng dường cỏ mềm cho ngài làm nệm khi tu Thiền định. Sau ngày thành đạo, Ngài ở lại rừng một tuần, tiếp xúc giáo hóa các mục đồng ở ven rừng ( thường là những chuyện tiền thân, các em rất thích thú ).
Căn cứ vào sự hiểu biết, vào trình độ của mỗi lớp người. Ngành Gia Đình Phật Tử cũng tùy thuận căn cơ, tâm lý, tùy thuận nghiệp cảm con người trong từng lứa tuổi. Theo các đặc thức tâm lý phổ quát để hướng dẫn cho phù hợp với tâm lý, sinh lý và khả năng phát triển tâm linh của Đoàn sinh chúng ta.
Thử phát họa một vài nét căn bản về phương thức hướng dẫn từng ngành :
Ngành Đồng :
Dung hòa giữa thời kỳ quan năng và thời kỳ lệ ước. Đặc tính tâm lý là bắt chước.
Thời kỳ này chú trọng rèn luyện các cơ năng giác quan thật tinh tế, vì đây là thời kỳ huân tập giác quan rất dễ dàng bén nhạy. Qua thời kỳ này sự rèn luyện cơ năng giác quan trở thành khó khăn và chậm chạp hơn.
Trong thời kỳ này cũng chú trọng đặt trẻ vào đời sống tập đoàn, một cuộc sống tin yêu, hòa thuận, sẽ gieo cho các em những đức tính tốt ; cần thiết phải có những Huynh trưởng gương mẫu, thân cận để các em bắt chước, vì bắt chước là đặc tính tâm lý giai đọan của sự phát triển tâm lý của các em.
Ngành Thiếu :
Thời kỳ trực giác, cũng là thời kỳ phát hiện những bản hửu chủng tử đã tích lũy qua các đời kiếp và biểu lộ thành xu hướng, cá tính hay ý dục của mình. Kích thích cho những bản hửu chủng tử vô lậu phát triển và huân tập cho những chủng tử tân huân vào ý thức. Bởi vậy các họat động văn nghệ, gây cảm xúc theo chiều hướng thanh cao, sẽ là những cơ duyên cho những chủng tử vô lậu phát sinh.
Cũng trong thời kỳ này, phải để cho các em tập quản trị lấy mình. Tập quen với sự chịu đựng gian khổ. Sự chịu đựng như thế rất cần thiết đề rèn luyện nghị lực. Sự sinh động và biến hóa vô cùng của những chủng tử gây nên những đam mê tha thiết cả về hai phương diện thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, tùy thuận theo căn cơ, có thể gây được những tác dụng mạnh mẽ. Đây là thời kỳ hoạt động nhất và cũng dễ rèn luyện nhất nếu biết đưa vào tâm lý các em.
Ngành Thanh :
Thời kỳ lý trí nảy nở, giảo nghiệm theo trực giác hay theo luận lý thuần túy để đi dần đến khả năng phân tích và tổng hợp.
Thời kỳ này thích ứng theo các pháp môn Thiền định, dựa trên cơ sở trực quan nội tâm. Chỉ trong sự trự c giác nội tâm, trong đời sống tâm lý ổn định, người ta mới hy vọng dễ nhập chân lý cuộc đời.
Tất Đạt Đa, qua thời kỳ này, trí tuệ mới phát triển đầy đủ để thông đạt được chân lý giác ngộ.
KẾT LUẬN :
Ý nghĩa việc chia Ngành, chia ngành trong Gia Đình Phật Tử thật là quan trọng, để chúng ta tùy thuận căn cơ đặt phương pháp và ứng dụng chương trình cho phù hợp với sự tiến triển trong các giai đọan tiến phát của đoàn sinh chúng ta.
Sự chuyển ngành trở nên vô cùng cần thiết để khỏi phản lại sự tiến triển tâm sinh lý của Đoàn sinh.
Phải đi sâu vào ngành mới nắm vững được yếu tố cần thiết cho sự giáo dục các em .
Nếu không có ý thức được tầm quan trọng của việc chia ngành sự giáo dục sẽ lệch lạc và không mang đến những hiệu quả thiết thực.
Ngoài ra trong đơn vị Gia Đình Phật còn có hai ngành Nam, Nữ cùng sinh họat song hành với nhau – đây là sự phân ngành theo giới tính để các anh chị có thể dễ dàng giáo dục luân lý, đạo đức, thuận hợp với sự phát triển tâm sinh lý của đoàn sinh.