Quan điểm của Phật Giáo về sự đau đớn và bệnh tật
Người ta thường đề cập đến quan điểm của các tôn giáo về cái chết, nhưng không mấy khi được nghe bàn luận về việc phải làm thế nào để đối đầu với sự đau đớn và bệnh tật. Thế nhưng con người lại thường hay đau ốm mà chưa chết ngay. Là những người Phật giáo, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem mình nên phản ứng ra sao trước sự đau đớn và bệnh tật có thể xảy đến với mình?
Tất nhiên là chúng ta sẽ không quan tâm đến các hình thức cúng kiến, cầu nguyện, dâng lễ…, thường thấy trong tất cả các tôn giáo nói chung. Ngay cả đối với những người không hề tin vào tôn giáo đi nữa, thế nhưng đến khi bất thần phải đối đầu với các thử thách đó thì ngoài việc chữa chạy thuốc men, họ cũng sẽ không biết phải làm gì hơn và đôi khi cũng đành phải chịu cầu khẩn các đấng thiêng liêng, hay ông bà, cha mẹ đã qua đời, kể cả ông Táo, ông Địa… giúp mình qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo. Người tu tập Phật Giáo cũng như tất cả mọi người, sẽ không sao tránh khỏi những lúc đau yếu, như vậy thì sự tu tập của họ có thể giúp gì được cho họ khi phải đối đầu với những khó khăn ấy hay không? Nhằm giải đáp phần nào câu hỏi trên đây, chúng tôi xin trình bày ba bài giảng ngắn của các nhà sư thuộc ba tông phái khác nhau dưới đây:
– Bài 1: Cái chết là một thứ “bệnh ung thư”, do vị tỳ kheo Thái Lan tu tập theo Phật Giáo Theravada là Ajahn Liem (1941-) thuyết giảng.
– Bài 2: Y khoa cũng chỉ là phép luyện đan, do vị sư Tây Tạng là Dilgo Kyentsé Rinpoché (1910-1991) thuyết giảng.
– Bài 3: Không nên hẹn sang ngày hôm sau, do thiền sư Nhật Bản thuộc thiền phái Tào Động là Đạo Nguyên (Eihei Dôgen, 1200-1253) thuyết giảng.
Bài 1
Cái chết là một thứ bệnh “ung thư”
Ajahn Liem
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người dịch:
Bài giảng dưới đây của nhà sư Ajahn Liem Thitadhammo được ghi lại từ một buổi giảng theo cách “hỏi-đáp” giữa các người tu hành và thế tục, tổ chức ở chùa Bodhivana ở Úc Châu vào tháng 6, năm 2004. Ajahn Liem Thitadhammo sinh năm 1941 trong vùng đông bắc Thái Lan, xuất gia rất sớm và năm 20 tuổi thì được thụ phong tỳ kheo. Năm 1969 ông gia nhập hệ phái Khất Sĩ và được thụ giáo với nhà sư danh tiếng Ajahn Chah, trụ trì ngôi chùa Wat Pah Pong trên miền bắc Thái, người được xem là một trong các vị thiền sư lỗi lạc nhất của thế kỷ XX. Năm 1982 nhà sư Ajahn Chah ngã bệnh và giao việc quản lý chùa cho Ajahn Liem. Khi bệnh tình trở nên trầm trọng và không còn nói năng được nữa thì tăng đoàn liền bầu Ajahn Liem chính thức giữ chức trụ trì cho đến nay.
Cách thuyết giảng của nhà sư Ajahn Liem thật trong sáng, giản dị và thực tiễn, vượt lên trên các khái niệm mang tính cách lý thuyết, giúp cho nhiều người có thể theo dõi dễ dàng. Cũng mạn phép xin lưu ý rằng giảng những điều thật sâu sắc và khúc triết một cách giản dị và dễ hiểu không phải là chuyện dễ vì người giảng phải đạt được một cấp bậc hiểu biết thật cao. Nếu độc giả nào thấy thích lối giảng này thì nên tìm đọc các sách của ông. Độc giả có thể xem bài giảng dưới đây bằng tiếng Anh trong quyển No Worries của Ajahn Liem, xuất bản tại Úc năm 2005, hoặc bằng tiếng Pháp trong quyển Aucune inquétude do bà Jeanne Schut dịch. Cả hai quyển sách này đều có thể đọc trên mạng:
-Bản tiếng Anh:http://www.watnongpahpong.org/ebooks/liemenglish/no_worries.pdf
-Bản tiếng Pháp: http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/liem/aucune_inquietude.pdf
— oOo —
(Hỏi): Cô bé gái đang ngồi đây bi ung thư não. Bác sĩ cho biết là cô bé sẽ được chữa khỏi, thế nhưng cái bướu ung thư hiện vẫn còn nguyên. Vậy cô bé phải làm thế nào để sống với nó?
Nhà sư Ajhan Liem bật cười và trả lời rằng : Đã là người thì tất cả đều mang bệnh “ung thư” – kể cả chúng ta đang ngồi đây ! Tất cả mọi người đều bị “ung thư”, đấy là một thứ bệnh ngặt nghèo không sao chữa lành được: ấy là cái chết. Dù có chữa chạy cách mấy đi nữa thế nhưng loại “ung thư” này không sao chữa lành được. Các bạn có hiểu được điều ấy hay chăng?
Chúng ta không thể suốt đời cứ tin rằng rồi đây mình sẽ vượt thoát tất cả mọi thứ khó khăn (có nghĩa là bệnh nào cũng sẽ chữa lành được). Thân xác con người là cả một ổ bệnh tật – bản chất của nó là như thế. Không nên quá lo nghĩ… thế thôi. Hãy tận dụng những gì mình đang có một cách hữu ích. Lo lắng và buồn phiền chỉ là cách tạo ra thêm sự lo sợ và gây trở ngại cho sự vận hành suông sẻ của toàn thể thân xác.
Chính tôi cũng đang mang bệnh “ung thư” trong người. Tôi đi khám bệnh, sau khi khám xong bác sĩ bảo rằng nhịp tim của tôi không đều: “Không được bình thường lắm”. Tôi đáp lại ngay: “Không, phải nói là bình thường chứ! Trái tim của tôi hoạt động đã lâu rồi, nay nó thấm mệt, chỉ có thế thôi”.
Trong kiếp sống của con người, vào một lúc nào đó thân xác sẽ suy sụp. Tất cả mọi sự đều vận hành phù hợp với các quy luật thiên nhiên – chẳng có gì phải lo lắng cả. Khi thời điểm đã đến thì mọi sự cũng sẽ tự động xảy ra, đúng với những gì sẽ phải xảy ra. [Vị sư Ajahn Liem nở một nụ cười thật nhân ái]. Hãy cố giữ sự thư giãn. Nếu tim mình không bị xao động thì mình cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc.
Dù phải tiếp tục sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì Đức Phật cũng đều khuyên chúng ta nên giữ thái độ “ai mà biết được” (xem mọi sự “là như thế”), và nên tiếp cận với sự sống này như thế nào hầu giúp mình buông xả và để cho mọi sự vận hành phù hợp với dòng luân lưu của chúng. Nếu biết buông xả thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Chỉ khi nào vác lên người đủ mọi thứ thì chúng ta mới cảm thấy nặng nề. Vác lên người các thứ ấy có nghĩa là bám víu vào chúng và xem chúng là thuộc của mình, thế nhưng trên thực tế thì chẳng có gì trong thế giới này là của mình cả.
Có hai thế giới: Thế giới bên ngoài – tức là những gì trên mặt hành tinh này – và thế giới bên trong. Thế giới bên trong gồm có các thành phần thân xác tạo ra một con vật mà chúng ta gọi là “chính mình”. Dầu sao cũng không thể nào bảo rằng cái tổng thể gồm các thành phần ấy là “chính mình” được, bởi vì đến một ngày nào đó thì nó cũng sẽ phải sụp đổ. Tất cả những gì hiện hữu sẽ phải tan rã. Tất cả đều biến đổi và sau cùng sẽ đưa đến một tình trạng mà chẳng còn có gì thuộc về mình nữa .
Đức Phật khuyên chúng ta nên nhìn vào cuộc sống của mình theo chiều hướng ấy, đấy là cách giúp chúng ta nhận biết mọi sự một cách đúng đắn. Nếu không sẽ khiến chúng ta nắm bắt và bám víu vào chúng; và đấy cũng chính là cách tự tạo ra cho mình đủ mọi thứ lo buồn và mang lại cho mình cảm tính bị bủa vây và trói chặt bởi đủ mọi thứ ràng buộc –chúng ta sẽ không còn một chút tự do nào nữa.
Dù các bạn phải gánh chịu bất cứ một thứ bệnh tật nào thì tôi cũng xin các bạn đừng xem đấy là một vấn đề to lớn. Tất cả cũng là tự nhiên mà thôi. Bất cứ gì hiện ra sẽ phải biến đổi khác đi. Thật hết sức bình thường.
Bệnh tật là một thứ gì đó thật bình thường và tự nhiên. Vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta hãy xem nó như một đề tài để khảo sát và nghiên cứu hầu giúp mình khám phá ra các phương pháp thích nghi nhằm tìm hiểu nó. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hướng sự cảm nhận của mình vào con đường giúp mình loại bỏ mọi thứ chướng ngại. Thể dạng an bình, tươi mát hay một hình thức an trú nào đó đều có thể hiện ra với chúng ta từ bệnh tật.
Trái lại nếu chúng ta cố tình bám víu vào mọi sự vật, thì các yếu tố khác theo đó cũng sẽ hiện ra và bủa vây chúng ta, chẳng hạn như giận giữ, thèm muốn và vô mình. Dục vọng, ác cảm và các ý niệm sai lầm là những nguyên nhân chính yếu nhất mang lại đủ mọi thứ khó khăn tàn phá chúng ta. Đức Phật dạy chúng ta nên luyện tập và tìm hiểu thấu đáo mọi sự vật và nhờ đó chúng ta sẽ có thể ngăn chận các thể dạng bất an không thể xảy ra được nữa. Một cách thật ngắn gọn thì trên đây là cốt lõi của toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy.
Sở dĩ dukkha (khổ đau) hiện hữu là do nguyên nhân thèm khát(ham muốn, dục vọng)làm phát sinh ra nó. Sự thèm khát ấy sẽ trở nên thật mạnh mẽ nếu cứ mặc cho nó tự do tung hoành. Trái lại nó sẽ phải giảm xuống nếu chúng ta biết cách ngăn chận nó và ý thức được là tại sao lại phải ngăn chận nó. Nếu muốn loại bỏ khổ đau thì chúng ta phải biết buông xả. Do đó chúng ta phải cần một số phương pháp giúp mình buông xả các thứ bám víu ấy. Chúng ta phải tập trung sự chú tâm vào các phương pháp luyện tập nhằm giúp mình làm giảm bớt cảm tính về “cái tôi”, tức là sự nắm bắt mà Đức Phật gọi là attavâdupâdâna: sự bám víu vào cái ngã.
Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp thật đơn giản nhằm làm giảm bớt sự nắm bắt “cái tôi ” và xem nó như là một thứ gì đó thật quan trọng: đấy là cách phải biết dừng lại và phát huy một thể dạng tâm thức gọi là ekaggatâ (tập trung vào một điểm duy nhất) – nói cách khác là phải hoàn toàn tỉnh thức trong từng giây phút của hiện tại – tức là trong khoảnh khắc hiện đang xảy ra. Tự đặt mình trong khoảnh khắc hiện tại với một tâm trí thật cảnh giác sẽ mang lại cho chúng ta không những một thể dạng thăng bằng và vững chắc mà còn giúp chúng ta hiểu được chính mình (trở về với con người của mình hầu hiểu được chính mình là gì).
Các phương pháp mà Đức Phật đem ra giảng dạy cho chúng ta cũng không đến nỗi nào quá phức tạp. Đấy là cách phát huy sự chú tâm và khảo sát những gì hiện ra với một tâm thức đã hoàn toàn loại bỏ được mọi sự lo lắng, hoang mang và mọi hình thức lo sợ.
Trước hết chúng ta hãy tập trung sự chú tâm vào các thành phần vật chất của thân xác, các cấu hợp và các cơ duyên tác tạo ra nó, sau đó sẽ tiếp tục suy tư về toàn bộ thân xác và các ý niệm quy ước của thế giới thường tình về chính cái thân xác ấy(có nghĩa là tự hỏi thân xác từ đâu mà sinh ra, nó có trường tồn hay không, nó có phải là “cái tôi” của mình hay không, hay đấy chỉ là những thứ cấu hợp tạm thời, mang đầy bệnh tật và khổ đau. Các tên gọi như đầu, mình, chân, tay, đẹp, xấu, đàn ông, đàn bà, thơm tho, hôi hám… cũng chỉ là những quy ước của thế giới thường tình), và sau cùng sẽ tự hỏi xem có thứ nào thuộc của mình hay không (đầu, tóc, lông, đàn ông, đàn bà, thơm tho, hôi hám… có phải là “cái tôi” của mình hay không?). Người ta có thể phân chia thân xác ra nhiều thành phần: trên đầu có tóc, trên thân thể có lông, móng chân, móng tay, răng và sau hết là một lớp da bao trùm toàn thể những thứ ấy.
Đức Phật khuyên chúng ta hãy quan sát và phân tích các thành phần thân xác ấy để thấy rằng chúng không hề vững bền và trường tồn. Một ngày nào đó chúng cũng sẽ tan rã và lại trở thành các thành phần căn bản (đất, nước, lửa, khí). Khi nào nhận thấy được điều ấy thí chúng ta cũng sẽ không còn xem chúng là “chính mình” hay thuộc “của mình” nữa. Chúng ta cũng không thể cho rằng mình có quyền giữ nguyên các thành phần ấy trong tình trạng giống như hiện nay. Sư nối kết giữa chúng ta và thân xác chỉ mang tính cách tạm thời.
Có thể ví chuyện ấy như ngủ qua đêm ở một khách sạn hay trong một gian nhà thuê mướn. Thời gian lưu ngụ có giới hạn – một đêm chẳng hạn. Khi giới hạn ấy đã hết thì chủ nhà tất sẽ mời mình ra đi. Kiếp sống của mình cũng chỉ là như thế.
Đức Phật xem các quá trình ấy(tức là sự đổi thay và tính cách tạm thời của các hiện tượng)là các biểu hiện của thiên nhiên, chúng gắn liền với tất cả mọi sự vật. Và các sự vật một khi đã hiện ra thì sẽ phải chấm dứt và cuối cùng sẽ biến mất. Thấu hiểu được sự kiện ấy sẽ khiến các thứ đam mê phải lắng xuống. Nhờ đó chúng ta sẽ bớt bám víu vào các sự vật và các cảm tính cho rằng mình là một nhân vật quan trọng. Chúng ta sẽ không còn lo sợ khi nghe nói đến bệnh tật hay bất cứ thứ gì khác. Tất cả mọi người đều mang bệnh, ít nhất là một thứ bệnh gọi là dukkha vedâna – tức là cảm tính về sự bất toại nguyên – một căn bệnh mà ngày nào chúng ta cũng phải lo tìm cách để chạy chữa: đấy là cảm giác đau đớn do cái đói gây ra. Mỗi khi chúng ta làm cho sự đau đớn của cái đói phải giảm xuống bằng cách đút thức ăn cho thân xác, thì nó lại hiện ra dưới các nhu cầu khác và các đòi hỏi khác, chẳng hạn như phải tiểu tiện và đại tiện, đấy là cách làm phát sinh ra các sự trói buộc khác. Tất cả những thứ ấy đều là bệnh tật.
Bệnh tật là một thứ gì đó cần phải nghiên cứu và suy tư, thế nhưng đồng thời Đức Phật cũng khuyên chúng ta không nên quá lo lắng về các chuyện ấy (nghiên cứu và suy tư để hết sợ, không phải là cách mang thêm lo lắng), chỉ cần luyện tập một cách “nhẹ nhàng”, có nghĩa là chỉ cần vừa phải – chẳng hạn như khi hô hấp, chẳng cần phải cố gắng hít vào mà cũng chẳng cần phải cố gắng thở ra.
Từ bản chất, các thành phần và các cấu hợp thân xác đều biết tự quán xuyến lấy chúng. Đấy cũng chính là cách mà chúng ta phải nhìn vào các hiện tượng nhằm giúp mình tránh khỏi mọi sự nắm bắt và bám víu. Chúng ta phải luôn đặt mình trong một vị thế thật bình thản.
Chúng ta may mắn nhờ sự giảng dạy của Đức Phật) sớm nhận biết được ba đặc tính của sự hiện hữu: anica, dukkha và anatta [vô thường, khổ đau và vô ngã], nhờ đó tâm thức cũng sẽ lắng xuống. Chúng ta hiểu rằng chẳng có gì bền vững và trường tồn cả, và phải chấp nhận hiện thực là như thế. Đấy là phương cách phải nhìn vào mọi sự vật hầu mang lại cho mình một sự quán thấy đúng đắn (và nếu muốn vượt xa hơn tầm nhìn đó thì dù đang ốm đau thế nhưng cũng nên cố gắng ngồi thiền và sử dụng hơi sức còn lại để mang lại một chút lợi ích nào đó cho tất cả chúng sinh).
Bures-Sur-Yvette, 11.10.2013
HOÀNG PHONG chuyển ngữ
Bài 2: Y Khoa chỉ là phép luyện đan chống lại sự đau đớn