Trong lúc mọi tín đồ Phật Giáo trên thế giới đang nô nức chuẩn bị và tùy theo lịch địa phương (local calendar) theo múi giờ, hân hoan tổ chức Đại Lễ Phật Đản hay Vesak Thế Giới (Lễ Tam Hợp) mừng kỷ niệm ngày Đức Thích Ca Mâu Ni đản sanh (Phật lịch 2.561 – Dương lịch 2017) thì Tăng Ni, Phật Tử xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn – một xã nằm ở phía tây bắc Sài Gòn, Việt Nam – không thể trọn vẹn thể hiện niềm vô ưu cùng chung với toàn thể Phật Giáo Đồ trong mùa vui Khánh Đản nếu không nói là đang rất bất mãn vì một văn kiện “bất thường”! Văn kiện bất thường ấy là văn thư thông báo số 531/UBND ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Ủy Ban Nhân Dân Xã Bà Điểm do ông Nguyễn Phước Thành, phó chủ tịch, ký thay vị chủ tịch xã.
Nội dung cái gọi là công văn quái gở “V/v treo cờ, biểu ngữ, pano tại các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên địa bàn xã nhân dịp đại lễ Phật Đản PL.2561” này nguyên văn như sau:
Kính gửi: Các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Nhằm đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị và xây dựng tuyến đường văn minh – mỹ quan đô thị gắn với việc thực hiện phong trào “xây dựng nông thôn mới – văn minh đô thị” trên địa bàn xã.
Nâng cao vai trò trách nhiệm cộng đồng dân cư đối với việc xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp trên địa bàn xã.
Nhân dịp đại lễ Phật Đản PL.2561, UBND xã Bà Điểm kính đề nghị các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên địa bàn xã:
+ Chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về tổ chức đại lễ Phật Đản PL.2561, chỉ treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, biểu ngữ Kính Mừng Phật Đản v.v… trong khuôn viên của các cơ sở.
+ Không được treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi khuôn viên của các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, không được treo băng ngang qua đường, trên các vỉa hè, lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị nhằm góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tạo mỹ quan đô thị, giúp các tuyến đường giao thông được thông thoáng, sạch đẹp.
Kính đề nghị các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên địa bàn xã thực hiện tốt theo nội dung công văn này./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ấn ký)
Nguyễn Phước Thành
Tại sao gọi văn bản này là quái gở? Bởi:
Một: Trước hết, trong cùng một quốc gia, áp dụng cùng một hệ thống luật pháp – có thể nói là cùng một hệ thống hành chánh nữa vì… “trực thuộc”(!!!) – lẽ nào việc ban hành các văn kiện về việc tổ chức một đại lễ quan trọng nhất của một tôn giáo lớn lại không nhất quán? Hay là bản Thông bạch hướng dẫn tổ chức đại lễ Phật Đản PL.2561 số 37/2017/TB.HĐTS ngày 3-3-2017 của Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sư Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã vi phạm pháp luật chăng? Bởi chữ nghĩa rành rành trong thông bạch trên trong phần hướng dẫn về hình thức (phần III) ghi rõ như sau (nguyên văn):
………………………………..
III. Hình thức tổ chức Đại Lễ Phật Đản:
1. Để kính mừng Phật Đản, đề nghị quý Ban Trị Sự:
– Tổ chức Đại Lễ Phật Đản và Tuần Lễ Phật Đản quy mô trọng thể.
– Tổ chức xe hoa, thuyền hoa và diễu hành theo lộ trình đăng ký với cơ quan chức năng địa phương.
– Thời gian xe hoa diễu hành vào tối ngày 14 và tối ngày 15-4 âm lịch. Đặc biệt, sáng ngày 15-4 âm lịch, các xe hoa tập trung về lễ đài chính để đồng kính mừng đại lễ Phật Đản. Ban Tổ Chức liên hệ với các cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ.
2. Treo cờ, phan, phướn, lồng đèn; thiết lập vườn Lâm-tỳ-ni; biểu ngữ Kính Mừng Phật Đản v.v… tại văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và tại tư gia Phật Tử trong cả nước. Để việc treo cờ được trang nghiêm, cờ Tổ Quốc bên tay trái, cờ Phật Giáo bên tay phải (từ mặt chính diện trụ sở nhìn ra).
Trường hợp treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi địa điểm tổ chức lễ đài, cần trình Sở, Phòng Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
3. Tổ chức hoa đăng, phóng sinh đăng tại những nơi có điều kiện.
4. Tổ chức tọa đàm về ý nghĩa ngày đại lễ Phật Đản (nếu có điều kiện).
5. Tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang và đài liệt sĩ.
6. Tổ chức văn nghệ kính mừng Phật Đản tại các lễ đài, cơ sở tự viện, nhà văn hóa, nhà hát công cộng do các Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, thành hợp đồng.
7. Tổ chức triển lãm văn hóa phẩm Phật Giáo như: thư pháp, tranh ảnh tự viện, pháp khí v.v…
8. Tổ chức thăm viếng và tặng quà các gia đình có công với nước, thương binh, liệt sĩ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi, trại dưỡng lão v.v…
………………………………..
Hai: Xem ra theo tinh thần thông bạch trên (và dĩ nhiên là căn cứ vào pháp luật hiện hành) mà Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sư Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã “dám” ban hành văn bản cho các cấp trực thuộc cả nước, thì: giới chức được xin hoặc không phãi xin, cho hoặc không có quyền cho phép treo giáo kỳ, biểu ngữ, poster v.v… nơi công cộng, nơi công lộ ngoài “khuôn viên cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” là ngành Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch mà tối thiểu là cấp Sở, Phòng (cũng như trước 1975 là chức trách của Ty Thông Tin vậy) chứ không phải thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý hành chánh địa phương rồi! Như vậy, “rõ như ban ngày”, cái gọi là công văn kia của UBND xã Bà Điểm là vượt thẩm quyền, sai quy định, phạm luật – không những thế, còn mang tính chất tùy tiện, áp đặt (tôi không nói là áp chế, áp bức).
Ba: Việc tùy tiện, áp đặt trong tinh thần văn bản trên của nhà đương cuộc xã Bà Điểm còn thể hiện ở chỗ không có một căn cứ nào, một đạo luật nào, một văn kiện pháp quy nào của nhà chức trách đương thời quy định “Không được treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi khuôn viên của các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” (nguyên văn); ngoại trừ trong một số văn bản quy định việc tổ chức các hoạt động tôn giáo ngoài phạm vi chùa chiền, tự viện, tịnh xá, tịnh thất… thì phải có sự chấp thuận trước.
Bốn: Nói như ông Nguyễn Phước Thành và UBND xã Bà Điểm trong văn thư 531/UBND ngày 21 tháng 4 năm 2017 thì các hoạt động ngoại vi như tổ chức hoa đăng, phóng sinh; tọa đàm; triển lãm; văn nghệ tại các lễ đài ngoài “cơ sở tự viện” hay nhà văn hóa, nhà hát công cộng do các Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, thành hợp đồng – theo như thông bạch hướng dẫn số 37/2017/TB.HĐTS ngày 3-3-2017 của GHPGVN – có được treo cờ, biểu ngữ, poster? Tổ chức đi đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang và đài liệt sĩ có được mang theo cờ Phật Giáo? Vì những hoạt động này “ngoài phạm vi khuôn viên của các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” (nguyên văn).
Năm: Trong khi cả nước Việt Nam này đang “đau đầu” và “điên đầu” với vấn nạn đặt bảng quảng cáo của doanh nghiệp (và cả poster – áp phích – tuyên truyền; biển báo giao thông của cơ quan công quyền nữa!) tràn lan, đến độ mới đây một quan đấu quận phải đích thân xuống đường dọn dẹp, làm dấy lên đủ chiều dư luận khen chê; liệu địa phương Bà Điểm của quý ông bà chức trách địa phương đã thực sự “xanh – sạch – đẹp”; đã “văn minh – mỹ quan đô thị”; đã “thông thoáng”; đã “trật tự an toàn giao thông”; đã thực sự là “nông thôn mới – văn minh đô thị” nếu Phật Giáo chúng tôi không treo cờ, biểu ngữ trong mấy ngày đón mừng đại lễ Phật Đản?
Sáu: Chúng tôi rất không muốn đề cập đến việc các tôn giáo bạn – điển hình là Thiên Chúa Giáo và Tin Lành Giáo – tổ chức các buổi lễ lớn của họ một cách khá là “thoải mái”, không bị những cản trở phi lý tương tự, vì e rằng sẽ bị anh chị em Tín Hữu các tôn giáo bạn cho rằng chúng tôi “cành-nanh”, tỵ hiềm này nọ… nhưng những phản ứng của dư luận – Phật Giáo và không hẵn là Phật Giáo – trong mội số bài sẽ dẫn chứng trong các liên kết đính kèm bài này dưới đây, rõ ràng là quan điểm của các tác giả rất có cơ sở nhưng không tiện đề cập quá sâu vì lý do vừa nêu. Ở đây xin hiểu: vấn đề đặt ra là với nhà chức trách địa phương chứ không phải là với tôn giáo bạn.
Tóm lại: Không ích lợi gì khi nhận định, phân tích dài dòng mà không đưa ra một giải pháp, một đề nghị, một yêu cầu, một đòi hỏi… hợp tình, hợp lý. Tóm lại một lần nữa, Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo thẳng thẳn khuyên các ông bà tác giả hoặc đồng tác giả của cái gọi là công văn cấm đoán phi lí, phi luật kia nhanh chóng thu hồi và có động thái hóa giải việc thực thi công vụ một cách sai trái như đã nêu trên; đồng thời chúng tôi cũng chờ đợi giới chức thượng cấp hữu quan của các vị ấy phải tỏ rõ sự hiểu biết hơn, thấu đáo hơn thuộc cấp của mình để kịp thời có biện pháp hữu hiệu và minh bạch, rõ ràng, chứng tỏ thiện chí với Phật Giáo Đồ ngay trước khi Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2.561 chính thức được cử hành vào ngày 15.4.ÂL Đinh Dậu, nhằm vào ngày 10/5/2017 đã cận kề.
Chúc quý vị một mùa Phật Đản đầy hoan hỷ và được an lạc cùng Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo toàn thế giới./.
QUANG MAI
* Đọc thêm các bài cùng chủ đề này:
– Phật Đản 2561 và “chỉ đạo lạ” của xã Bà Điểm, Hóc Môn, Tp.HCM
– Cấm treo cờ Phật Đản: Cần câu trả lời xác đáng từ lãnh đạo xã Bà Điểm, huyên Hóc Môn