Chùa làng

Dân gian có câu: ”Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Hiếm có làng nào vắng bóng một ngôi chùa. Làng tôi cũng vậy. Chùa làng tôi có tên hiệu là chùa Phước Đức. Chùa ở trên một đồi cao, xa khu dân cư đông đúc. Chùa xây gạch, lợp ngói, trước chùa có hồ sen, có cổng tam quan, kế tiếp là sân chùa, chánh điện và các ngôi nhà Tổ, nhà khách, nhà tăng, nhà trù… Vườn chùa có mấy ngôi tháp cổ chôn cất hài cốt các đời Tổ. Từ xóm Nhân Từ nhìn lên, chùa giống như một hoa sen tinh khiết nở giữa đất trời cao lộng và trong veo, con đường đất dẫn lên chùa giống như con rắn khổng lồ dài đến mấy trăm thước đang bò trườn lên chùa mà cái đầu thì ở cổng tam quan, còn cái đuôi ở xóm Nhân Từ. Nghe nói vị Sơ Tổ là một cao tăng người Hoa, đến tu ở chùa Thánh Đức, rồi lên đây lập chùa, vì thấy cảnh ở đây đẹp.

Bà tôi tuổi già sức yếu vẫn siêng năng về chùa. Tôi nhớ mãi hình bóng bà ngồi xếp bằng trong chánh điện, tay lần tràng hạt, miệng lẩm nhẩm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Những lúc ấy nhìn bà, tôi thương lắm mái tóc bà bạc trắng, cả cái lưng bà còng và niềm tin cùng sự thành kính của bà trước đức Như Lai. Người cao tuổi trong làng bảo: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, nhưng mọi thế hệ đều muốn lấy việc tìm về chùa làm niềm an lạc nơi cõi lòng. Người trung niên về chùa tìm sự thư giản, quẳng đi những gánh lo âu của bao công việc đời thường. Chúng tôi thời tuổi còn thơ cũng thích về chùa để được gần Bụt như trong truyện cổ tích, được tung tăng chạy nhảy trong vườn chùa râm mát những bóng cây cổ thụ. Mới đầu tháng tư âm lịch, lũ nhỏ chúng tôi đã mong chờ tới ngày trăng tròn có lễ Phật Đản; mới đầu tháng Bảy, đã mong tới rằm Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân. Thế nào trong những ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi cũng được theo người lớn mặc áo lam về chùa lễ Phật, xem lễ, xem múa lục cúng, phóng sanh đăng… Cho nên, ai ai cũng thích “về chùa”, “lên chùa”. Nhờ lên chùa mà lòng thêm thương mẹ già, biết thêm về đạo hiếu, đạo lớn nhất trong giáo lý Phật Giáo: ”Lên chùa thấy Phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu chưa đền” (ca dao). Biết thêm về đạo cứu khổ, cứu nạn chúng sinh: ”Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người” (ca dao). Lòng thêm yêu cảnh chùa: ”Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái. Lững lờ khe Yến cá nghe kinh” (Chu Mạnh Trinh). Bà tôi cũng như những người cao tuổi trong làng thường bảo con cháu “khép” sẵn quan tài cho mình, xem đó là cái “thọ đường” để “dưỡng già”. Cái “thọ đường” được gởi ở chùa, đến khi có việc “hậu sự” mới lấy về. Cái chết dường như được chờ đón. Người bây giờ đôi khi quan niệm đó là điềm chẳng tốt lành nhưng ông bà chúng ta xưa đã bằng nhiều cách thể hiện ra rằng họ luôn chủ động đón nhận, không có gì phải hoảng sợ đối với cái sự thật ấy. Có lẽ nhớ vậy mà cuộc sống của họ vui tươi hơn và cái chết cũng nhẹ nhàng hơn.

Ở làng An Định xưa, quý thầy ở chùa là những người có học vấn nhất, cho nên ai có việc gì cũng về chùa thưa với thầy. Ông Hương bộ Cảnh làm ăn khá, định làm một việc “bách niên” là cất ngôi nhà ba gian hai chái, về chùa thưa thầy chỉ vẽ bảo ban cho. Ông bầu Được về chùa thưa thầy “cho chữ” để về làm một tấm liễn thêu đi mừng thằng cháu họ vừa mới thi đỗ. Bà Hai Hành có thằng con trai hư, sa đà nát rượu đến nhờ thầy dạy bảo nó. Anh Hai Ẩn nghèo lắm, ráng cất cái nhà tranh, vách đất, giữa chừng thiếu chục cây tre, liền chạy về chùa. Nhà ai có ngày cúng giỗ, về chùa xin mấy bình hoa điệp, hoa vạn thọ đem về cắm trên bàn thờ gia tiên. Từ việc lớn đến việc nhỏ cần đều nhờ tới chùa. Thậm chí, những nhà “hàng xóm” của chùa, tới bữa ăn, thiếu chén tương, miếng dưa cải chua, trái ớt vội trỗ rào băng sang chùa… mà không hề e ngại nhà chùa đóng cửa hay chú tiểu thiếu lòng hoan hỷ.

Dân trong làng thức, ngủ, đi làm đồng, đi chợ gần xa hay lũ trẻ nhỏ chúng tôi đi học… đều theo tiếng chuông tiếng trống, kinh hôm, kinh mai từ trong chùa vọng ra. Người đi làm ăn xa về, từ xa nhìn thấy nóc chùa, cổng tam quan quen thuộc là lòng đã nôn nao. Nhìn thấy chùa là biết rằng, chốc nữa đây mình sẽ về tới nhà và cái cảnh “thầy mẹ đợi, em trông” (Xuân Tâm) như đang rõ dần trước mặt, níu chân mình chững lại.

Ngày chùa giỗ Tổ, người dân trong làng ai nấy đều đến chung lo công việc. Vật phẩm cúng dường được mang đến chùa trước ngày giỗ. Họ có gì cúng đó, thường là gạo, nếp, rau quả, khuôn đậu (đậu phụ), chai dầu phụng… Đến ngày, ai cũng về chùa từ sớm để lo việc giúp chùa trong ngày giỗ. Cúng xong, dường như với tâm thể người chủ nhà, sau khi dọn khách rồi họ mới cùng nhau ăn bữa cơm chay thanh đạm mà đầy tình đồng đạo, tình làng nghĩa xóm dưới mái chùa làng của họ. Không ai lấy việc cúng dường nhiều hay ít thành chuyện để nói, mà họ nói cho nhau nghe về sự thành tâm, về những bằng chứng của việc “ở hiền gặp lành”, về những giáo lý Phật Giáo thể hiện sống động trong đời sống hàng ngày ở gia đình họ. Sư trụ trì, quý thầy vẫn xuống làng tụng kinh cầu an hay cầu siêu cho bất cứ gia đình nào hữu sự có tâm nguyện. Và người dân quê có vẻ như thật sự yên tâm nhờ các khóa lễ đó, vì họ tin rằng mình đã được cầu nguyện, được tế độ bằng lòng từ bi vô lượng của đấng Đại Hùng Đại lực. Mỗi khi làng đến dịp “xuân kỳ, thu tế”, hương chức của làng cũng về chùa cung thỉnh sư trụ trì và quý thầy tới đình làng tụng kinh cầu “quốc thái dân an” và dự tế lễ. Gặp năm hạn hán, sợ ruộng đồng thất bát, nếu dân làng có nguyện vọng cầu mưa thì nhà chùa lại thuận ý dân làm lễ tầm Phật và cầu “phong điều vũ thuận”. Gặp năm thiên tai, bão lụt, hạn hán mất mùa, chùa lại đứng ra kêu gọi lạc quyên để cứu trợ người bị nạn. Lễ Vu Lan, rằm tháng bảy hàng năm, chùa có lễ chẩn bần. Những năm chiến tranh, ở đâu cũng sợ bom rơi đạn lạc, người ta kéo nhau về chùa ẩn nấp. Chiến tranh mỗi ngày mỗi ác liệt, bom đạn và lửa chiến tranh không chừa ở đâu. Một ngày kia, làng cháy, nhà dân, nhà Phật Tử cháy, chùa cũng không còn, người dân phải chạy tứ tán. Nhưng khi ngóng chừng bom đạn vừa dứt, người ta trở về, ngồi trên thềm chùa đổ nát, người dân quê không khỏi cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng, trống trải vì vắng bóng quý thầy, vắng bóng ngôi chùa làng ngày nào vô cùng thân thuộc… Người ta còn nhớ, hồi chín năm kháng chiến, nhà chùa cũng phải tăng cường thực hiện “dĩ nông vi thiền”, tăng gia sản xuất để có lương thực tự cấp tự túc.

Các bà, các cô gái quê khi gói bánh ít bằng lá chuối, bẻ cái lá cho có cái chóp, kiểu gói bánh đó gọi là “bánh ít nóc chùa”,  đẹp hơn các kiểu khác.

Người thành thị có dịp đi về đồng quê, thường ghé lại thăm một cảnh chùa quê để tìm ở đó sự thanh tỉnh. Từ dáng vẻ bề ngoài kiến trúc của chùa, với sự thờ phượng bên trong với những pho tượng Phật, tượng La Hán, hoành phi, liễn đối… đều rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là đối với những người có tấm lòng mộ đạo và hoài cổ. Rồi một bữa cơm chay nhà chùa thết đãi, sư trụ trì mời khách dùng một tách trà và vài câu đàm đạo cũng làm cho khách khó quên…

HUỲNH KIM BỬU

(Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.