Thời xa xưa, khi chưa có những cái giếng tư của các gia đình khá giả trong cộng đồng dân cư, loại giếng duy nhất phục vụ sinh hoạt cộng đồng thời bấy giờ là các giếng nước công cộng với những tên gọi bình dân và phổ biến mà đa phần là căn cứ vào chủ thể kiến lập ra nó cùng với vị trí nó tọa lạc như: “giếng làng”, “giếng đình”, “giếng chùa”… một số giếng có tên hay và ngắn gọn do cư dân dựa vào một truyền thuyết dân gian hay một sự linh ứng đã được cộng đồng trải nghiệm và xác thực như: “giếng Ngọc”, “giếng Tiên”, “giếng Phật”…
Cũng ngay từ thời rất xa xưa ấy, ông cha ta đã biết kiến tạo giếng theo các nguyên lý rất khoa học và mỹ thuật. Giếng vừa là nơi cung cấp nguồn nước bảo đảm vệ sinh, đáp ứng nhu cầu nước uống trong lành và các sinh hoạt khác cho cuộc sống, đồng thời vừa có tính thẩm mỹ, nét hài hòa trong tổng thể cảnh quan kiến trúc chung của làng xóm, cảnh chùa hay ngôi đền hiện hữu.
Chính vì vậy rất nhiều nơi, giếng là một “tụ điểm” sinh hoạt quen thuộc cho các bà nội trợ khi lao tác việc nhà hay việc đồng áng; là điểm dừng chân, chuyện trò thân ái của những nông phu – sau khi uống ngụm nước nguyên chất mát lạnh múc lên từ giếng – trên đường đi cày bừa, cấy hái từ ruộng nương về hay gánh đôi bó lúa vàng trĩu nặng về làng trong mùa gặt; nên thơ hơn, giếng là nơi hò hẹn và nãy sinh những mối tình quê chân chất của những đôi trai gái làng trên xóm dưới…
Cũng như gốc đa, bến nước, sân đình, cổng làng, lũy tre, đường xóm… Giếng nước là một trong những nét đặc trưng của kiến trúc và sinh hoạt làng xã “một thời lưu luyến ấy” trong tâm khảm của những người Việt tha thiết tình quê và hoài cổ.
Xin dành một dịp khác, một bài khác để nói về những đề tài “muôn thuở còn thương” đang dần lụi tàn trong lãng quên bởi bon chen giật dành cơm áo gạo tiền; bởi mê đắm tiện nghi xa hoa hiện đại; bởi làn sóng đô thị hóa tràn về mọi ngóc ngách làng quê, văn minh kỷ thuật lung lay tận gốc rễ những giá trị tinh thần và nhổ bật những kiến trúc nhân văn xưa củ dù ai có còn hoài công thẩn thờ tiếc nuối…
Trong bài này cũng chưa dám lạm bàn đến lịch sử và mỹ thuật kiến trúc thiên hình vạn trạng của rất nhiều những giếng làng, giếng xóm, giếng đình, giếng miếu, giếng đồng, giếng cồn… xưa cổ thực sự quý báu (về mặt lịch sử và kiến trúc) trên khắp mọi miền đất nước địa linh, văn hiến nước Việt đã và đang dần bị vùi lấp, hủy hoại theo thời gian khắc nghiệt hay theo trào lưu đô thị hóa từng ngày từng giờ; cả những giếng cổ tuy vẫn còn phát huy tác dụng như xưa, tức là vẫn hào phóng cung cấp nguồn nước ngon ngọt cho đời, nhưng hình thể thì không còn bình dị thân thương như củ, bởi những bàn tay hiện đại đã khoác cho giếng những lớp vật liệu tân thời hào nhoáng hơn, “sang trọng” hơn, nên vô hình chung giếng đã thay hình đổi dạng.
Mục tiêu của bài này nhỏ bé hơn nhiều, chỉ khiêm tốn thu hẹp trong phạm vi “Giếng Chùa” và chỉ nhặt nhạnh – trong điều kiện khả dĩ – một số nhỏ hình ảnh các giếng chùa thuộc loại cổ xưa, cũng như những giếng chùa vốn đã có tiếng là cổ xưa nhưng đã bị thời gian cùng thiên nhiên hủy hoại, những giếng chùa đã bị bàn tay con người hiện đại hóa một cách đáng tiếc. Nhặt nhạnh để lưu lại như là một chút kỷ niệm thời gian trước khi hình thể và tên gọi “Giếng” có thể sẽ hoàn toàn mất dạng…
Thông tin thêm về giếng cổ chùa Phúc Lâm: Sở dĩ kết luận giếng cổ nhất vì theo các nhà nghiên cứu, chùa Phúc Lâm được thành lập vào năm 1224, thời nhà Lý, đến nay đã gần 800 năm. Đặc biệt, căn cứ vào các vết tích người xưa để lại khi dùng dây kéo nước, trên thành miệng giếng hiện nay còn lại những rãnh đá bị mòn lõm sâu, có thể đặt vừa cả ngón tay. Giếng đá cổ được xây bằng những tảng đá lớn nguyên khối, phần “cổ giếng” được tạo bởi hai khối đá cao 30cm, đường kính của giếng khoảng 80cm. Dưới bàn tay khéo léo, tài tình của những người thợ xưa, giếng đá cổ được xây rất đẹp mắt và vững chắc. Chính vì thế, qua thăng trầm của thời cuộc, giếng đá cổ vẫn tồn tại vững vàng như một biểu tượng về văn hóa, lịch sử của đất Hà thành. (Theo Vietnam Records Books).
Thông tin thêm về giếng cổ chùa Báo Thiên: Dưới triều Lý Thánh Tông (1054-1071), năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057), vua cho xây dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên và bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên gần hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm), bên ngoài thành Thăng Long. Suốt hai triều Lý-Trần gần 400 năm, chùa Báo Thiên là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt. Thời thuộc Minh, năm 1426, tướng giặc Vương Thông với chủ trương phá hoại nền văn hoá bản xứ đã cho tiêu huỷ An Nam Tứ Đại Khí (4 bảo vật lớn của nước Nam): Tháp Tư Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền (chùa Diên Hựu), vạc Phổ Minh, lấy đồng đúc khí giới chống lại nghĩa quân Lam Sơn. Trong thời Lê-Nguyễn (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX), chùa Báo Thiên luôn được trùng tu bảo tồn, là nơi cử hành các nghi lễ Phật Giáo cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà.
Năm 1883, thành Hà Nội thất thủ, sau đó Giám Mục Puginier câu kết với Công Sứ Bonnal và Nguyễn Hữu Độ chiếm chùa Báo Thiên, xây dựng nhà thờ Chính Toà. Từ đó, một biểu tượng văn hoá của kinh đô Thăng Long, niềm hãnh diện chung của dân tộc Việt dần dần bị chìm vào quên lãng. Sau này, khi phát hiện giếng đá cổ này nằm trong ngõ của một nhà giáo dân ở phố Nhà Chung, thuộc phần đất nhà thờ cho giáo dân cư trú. Giếng đá bị đổ cát lấp đầy. Nhờ những luồng dư luận đăng tải trên phương tiện thông tin, quý vị thẩm quyền của nhà thờ Chính Toà đã cho khai quật giếng cổ ấy lên, di chuyển vào đặt trước hang đá bên trong khuôn viên nhà thờ cho đến nay.
Về cấu trúc, “cổ giếng” là một khối đá tròn, tạo dáng thắt cổ bồng như lư hương. Miệng giếng hơi bóp vào, đường kính lọt lòng 64cm. Phần thân dưới phình ra, chạm hình cánh hoa sen 2 lớp, đường kính phủ bì 88cm. Bên trong miệng giếng có rất nhiều rãnh mòn do người xưa dùng dây kéo nước tạo nên. Cổ giếng đặt khít khao trên một bệ đá tám cạnh nguyên khối. Bệ giật cấp phân ô, có chạm hoa văn rồng và mây ở gờ trên, hoa lá ở eo giữa, chân choãi ra chạm đầu như ý – phần này trước đây bị chôn vùi dưới đất nên không thấy được. Chiều cao phần nỗi của giếng là 60cm. (Theo nhiều trang báo mạng). Căn cứ niên đại xây chùa, đang có vài nhà nghiên cứu cho rằng giếng cổ chùa Báo Thiên có thể còn “cao tuổi” hơn giếng cổ chùa Phúc Lâm đã xác lập kỷ lục giếng đá cổ nhất Việt Nam nói trên (QM).
Thông tin thêm về giếng cổ chùa Thiên Ấn: Thiên Ấn là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi, tọa lạc giữa phong cảnh kỳ vĩ thơ mộng xưa nay được ngợi ca là “Thiên ấn niêm hà” (Quả triện của trời ấn xuống dòng sông), và đặc biệt nơi đây còn lưu lại truyền thuyết về một chiếc giếng Phật. Giếng chùa Thiên Ấn là một di tích độc đáo. Truyền thuyết kể rằng, vào cuối thế kỷ XVII, vị Tổ Sư khai sơn đã dốc tâm đào giếng ròng rã 20 năm trời, phải kiên trì chiến đấu với những tảng đá cứng, đào sâu xuống 21m mới chạm được tới mạch nước. Khi dòng nước thiêng trong mát thần diệu trào lên, thì cũng là lúc Tổ Sư sức cùng lực kiệt, ngài tịch diệt và để lại cho đời nguyên vẹn giếng nước ngọt ngào. Hàng trăm năm nay dân gian còn lưu truyền câu ca dao ngợi ca công đức của ngài:
Ông thầy đào giếng trên non,
Đến khi có nước không còn tăm hơi. (Theo cổ sử Phật Giáo & truyền thuyết địa phương).
QUANG MAI