“…ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi…” tiếng ca chùng xuống trên căn gác của Linh Sơn Tự, xoay vòng trong không gian nhỏ bé rồi len lõi ra khỏi mái ngói, thoáng một chút ngập ngừng để rồi hòa với tiếng hô canh của Thầy Viên Giác bay vút trên núi đồi chập chùng của thành phố ngàn sương.
3 giờ chiều, chuyến xe từ Sài Gòn khởi hành lúc 7g sáng uể oải, chậm rãi bò vào bến xe Đà Lạt. Chúng tôi có mặt đón HT Minh Châu của Thiền Viện Vạn Hạnh, HT Thiện Châu từ Pháp về và TT Trung Hậu ghé thăm Đà Lạt. Bụi đường xa vẫn không xóa đi nụ cười đôn hậu của quý Ngài. Trên đường, Thầy Trung Hậu nói nhỏ với tôi: “Tối nay con chuẩn bị cho quý Ôn đêm văn nghệ mini nghe”. Đến Linh Sơn mượn chiếc dame của Thầy Minh An tôi chạy 1 vòng quanh Đà Lạt báo cho anh em văn nghệ của Đạo Tràng Pháp Hoa và quay ngược về chùa thực hiện thời khóa công phu chiều đã định trong mùa An Cư. Hơn 8g30 tối, hành lang trên căn gác nhỏ của HT Từ Mãn vô cùng ấm cúng. Quý Ôn, quý Thầy không thích ngồi ghế mà cùng chúng tôi trải chiếu ngồi trên sàn gổ. TT Chơn Thiện cũng xếp lại bản thảo “Tư tưởng Kinh Pháp Hoa” ra tham gia cùng chúng tôi.
Tiếng guitar dập dìu của Hải, tiếng violon réo rắt của Vũ làm nền cho những bài hát của các em trong ban văn nghệ của Đạo Tràng. Theo dự kiến chương trình chủ đạo là những bài đạo ca của Phạm Duy. Oanh Vũ Tín Nghĩa với đoản khúc số 8 “Tình xuân” của Thầy Minh An, Oanh Vũ An Pha với “Hôm nay em lễ chùa” của NS Nguyễn Hiệp, bé Giang của chú Tâm Minh Ngô Tằng Giao với “Trở về mái nhà xưa”, thầy Viên Như với “Mùa thu Paris”. Và điểm nhấn chương trình chính là 4 bài Đạo ca của nhạc sỹ Phạm Duy với giọng ca của Thiếu Nữ Diệu Trang. Cô bé lúng túng và ngượng ngập trong bộ áo dài trắng tinh khôi (em mới thực hiện xong nghi lễ cắt đai lên Đoàn chưa đến 1 tuần).
Dựa trên nhịp điệu andantino và thể hiện tinh thần nhập vào sự thực của Lý công nhiên (vérité) bài hát “Quán Thế Âm” được thể hiện khá tinh tế. Nữa như tuyệt vọng trong thời gian, nữa như siêu thoát trong đoạn cuối của một bà mẹ đang dần mất đi niềm hy vọng. Diệu Trang đã làm cho không gian chùng xuống. Một nỗi buồn mơ hồ len lõi trong tim tôi khi đã 3 năm chưa về lại quê nhà nơi miền Trung đầy nắng gió. Diệu Trang mới đến tuổi thiếu nữ, nhưng hình như sự đồng cảm với hình tượng Ngài Quán Thế Âm và những đêm cùng chúng tôi lặng nghe pháp nhũ của Ôn Từ Mãn, Thầy Minh An nơi chùa Linh Sơn mà em cũng đã “già” hơn một chút trong đường tu học.
Biến tấu trên cung đô trưởng của nhịp lento, đạo ca 8 “Giọt chuông cam lộ” được thể hiện thành công nhất trong đêm đạo ca. Tiếng hát em vút cao, kỹ thuật đôi chỗ còn non nớt, nhưng sự tinh khiết trong giọng ca của em đã xé tan màn đêm vốn dĩ huyền ảo nơi Đà Lạt. Có những lúc tiếng ca chùng xuống, dập dìu trên nền violon, tiếng guitar nhẹ nhàng như nâng, như đỡ, như trói buộc… để rồi chợt ngộ ra cái vòng lẫn quẫn giam hảm trong thời điểm chấp mê, chấp ngộ. Giọng hát vượt thoát những ràng buộc kỹ thuật thông thường để cho ta hình ảnh âm ba của giọt chuông vang vọng trong không gian lãng đãng ngàn sương.
Gần 30 năm sau, tôi về lại Đà Lạt, Ôn Từ Mãn đã ra đi. Chùa Linh Sơn nhiều thay đổi theo luật vô thường. Ngồi ở quán cafe nơi dốc Hoà Bình tôi gặp lại em cùng người bạn đời của mình. May mắn cho em, anh Nguyễn Vũ Hoàng thấu hiểu và đồng cảm với niềm vui cúng dường Phật Pháp nên đã nâng đỡ và giúp em rất nhiều trong con đường ca nhạc Phật Giáo. Mỗi mùa lễ lớn em cùng đoàn văn nghệ của mình lại thực hiện các “tour” cúng dường văn nghệ cho các chùa trong tỉnh hoặc những nơi có yêu cầu.
Rời thành phố cao nguyên, tôi về lại tệ xá, em gởi cho tôi 2 đĩa nhạc mới thực hiện dưới sự trợ giúp của chồng mình. Giọng ca điêu luyện hơn, kỹ thuật tốt hơn nhưng nét trinh nguyên đã phai mờ theo năm tháng.
Chúc em hoàn thành tâm nguyện của mình, và cũng xin cám ơn Giám đốc Trung Tâm Lễ Hội Văn Hóa Du Lịch Tỉnh Lâm Đồng đã dìu bước Diệu Trang – cô gái hát nhạc Phật Giáo.
QUẢNG CHUYÊN