Dược Xoa Thập Nhị Thần Tướng

Dược Xoa Thập Nhị Thần Tướng (藥 師 十 二 神 將) nghĩa là 12 vị tướng thần Dược Xoa (cũng gọi là Thập Nhị Dược Xoa Đại Tướng, Thập Nhị Thần Vương, Thập Nhị Thần Tướng) là:

  1. Cung Tỳ La – còn gọi là Kim-tỳ-la, dịch ý là Cực Úy.
  2. Phạt Chiết La – còn gọi là Bạt-chiết-la, Hòa-kỳ-la, dịch ý là Kim Cang.
  3. Mê Súy La – còn gọi là Di-khứ-la, dịch ý là Chấp Nghiêm.
  4. An Đế La – còn gọi là Át-nể-la, An-nại-la, An-đà-la, dịch ý là Chấp Tinh.
  5. Át Nể La – còn gọi là Mạt-nể-la, Ma-ni-la, dịch ý là Chấp Phong.
  6. San Để La – còn gọi là Bà-nể-la, Tố-lam-la, dịch ý là Cư Ngoại.
  7. Nhân Đạt La – còn gọi là Nhân-đà-la, dịch ý là Chấp Lực.
  8. Ba Di La – còn gọi là Bà-da-la, dịch ý là Chấp Ẩm.
  9. Ma Hổ La – còn gọi là Bạc-hô-la, Ma-hưu-la, dịch ý là Chấp Ngôn.
  10. Chân Đạt La – còn gọi là Châu-đổ-la, Chiếu-đầu-la, dịch ý là Chấp Tưởng.
  11. Chiêu Đổ La – còn gọi là Chu-đổ-la, Chiếu-đầu-la, dịch ý là Chấp Động.
  12. Tỳ Yết La – còn gọi là Tỳ-già-la, dịch ý là Viên Tác.

Tuy nhiên, mặc dù về căn bản thì nhiều điểm tương đồng, nhưng có nhiều truyền thuyết dị biệt nhau về tiểu sử, hành trạng, hạnh nguyện… của 12 vị Thần Tướng này.

A/ 12 vị Đại Tướng Dược Xoa là những vị thần hộ vệ Đức Phật Dược Sư và những ai hành trì kinh Dược Sư. Dược Xoa cũng dịch là Dạ Xoa, 12 vị Đại Tướng Dược Xoa được giới thiệu trong Kinh Dược Sư chính là chỉ cho những vị Thiện Dạ Xoa có lòng nhiệt thành hộ pháp.

12 vị Dược Xoa này ở cung trời Tỳ Sa Môn Thiên Vương thống nhiếp và lãnh đạo rất nhiều bộ chúng, vì vậy nên còn gọi là Đại Tướng. Bộ chúng của 12 Đại Tướng Dược Xoa rất đông, tổng cộng đến tám vạn bốn ngàn người.

12 Đại Tướng Dược Xoa tượng trưng cho 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư và cũng chính là hóa thân của Đức Phật Dược Sư hiện tướng Dược Xoa để hàng phục tâm cang cường của chúng sanh, phá trừ những tà ma ngoại đạo.

Chư Phật và Bồ Tát vì lòng từ bi thương chúng sanh nên sau khi thành đạo, bằng thần thông và nguyện lực, các Ngài có thể ứng thân thị hiện muôn hình muôn vẻ, thiết lập cảnh giới để hóa độ vô lượng chúng sanh, tùy theo nghiệp lực căn tánh của chúng sanh mà các Ngài thuyết pháp dìu dắt muôn loài tu tập giải thoát. 12 vị Thần Tướng Dược Xoa là một trong những cách thị hiện của chư Phật, chư Bồ Tát. Hình tướng của 12 vị Thần Tướng (hay Đại Tướng) ấy như sau:

  • Cung-tỳ-la thân màu vàng, tay cầm bảo xử.
  • Phạt-chiết-la thân màu trắng, tay cầm bảo kiếm.
  • Mê-súy-la thân màu vàng, tay cầm bảo bổng hoặc độc cổ.
  • An-đế-la thân màu xanh lục, tay cầm bảo chùy hoặc bảo châu.
  • Át-nể-la thân màu đỏ, tay cầm bảo xoa hoặc mũi tên.
  • San-để-la thân màu khói lam, tay cầm bảo kiếm hoặc loa bối.
  • Nhân-đạt-la thân màu đỏ, tay cầm bảo côn hoặc cây mâu.
  • Ba-di-la thân màu đỏ, tay cầm bảo chùy hoặc cung tên.
  • Ma-hổ-la thân màu trắng, tay cầm rìu báu.
  • Chân-đạt-la thân màu vàng, tay cầm quyên sách hoặc bảo bổng.
  • Chiêu-đổ-la thân màu xanh, tay cầm bảo chùy.
  • Tỳ-yết-la thân màu đỏ, tay cầm bảo luân hoặc tam cổ.

B/ 12 vị Thần Tướng Dược Xoa là những vị Thần hộ pháp hộ trì những hành giả tu tập Dược Sư Pháp. Dược Xoa cũng chính là Kim Cang Lực Sĩ, được phân chia làm Thiên Hành Dược Xoa, Không Hành Dược Xoa, Địa Hành Dược Xoa.

Các thần tướng Dược Xoa được dịch là Dũng Kiện, tức là hiển thị sức mạnh dũng cảm, không bị điều gì tồi phục được, mà còn có thể tồi phục tất cả. Các Ngài còn được gọi là Tật Tiệp, vì ba loại Dược Xoa đều hiển thị được oai đức tự tại, qua lại rất nhanh trong cõi người và cõi trời, mạnh nhanh như gió, do đó mà có tên là Tật Tiệp.

Bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa Phật Giáo, Hộ Thế Tứ Đại Thiên Vương, Thần Chúng Dược Xoa đều là những vị Hộ Pháp quan trọng trong Phật Giáo, các ngài có đầy đủ những thiện nguyện. Các Thần Tướng Dược Xoa có thệ nguyện rất sâu rộng để hộ trì Phật Pháp.

Theo Kinh Dược Sư: 12 vị Dược Xoa lên tiếng bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Chúng con nay nhờ oai lực Chư Phật nên được nghe danh hiệu Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Chúng con chẳng còn sợ đọa vào các nẻo ác. Chúng con bảo nhau đồng lòng tin theo Phật, Pháp, Tăng cho đến trọn đời. Thề nguyện gánh vác cho hết thảy hữu tình, làm những việc nghĩa lợi, nhiêu ích, an lạc. Dù là thôn quê, thành thị, đồng vắng, rừng sâu, bất cứ nơi đâu mà có người lưu hành, phân phát kinh này, hoặc có người thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hoặc cung kính cúng dường, chúng con và quyến thuộc sẽ theo hộ vệ những người ấy, khiến cho thoát khỏi tất cả nạn khổ. Như có mong cầu điều chi, đều làm cho được thỏa mãn. Hoặc có người nào bệnh tật, tai ách cầu được độ thoát, cũng nên đọc tụng kinh này, dùng những tấm lụa năm màu mà kết danh hiệu của chúng con vào; sau khi được như nguyện rồi sẽ tháo gỡ ra.”

Mỗi vị Thần Tướng thống lãnh 7.000 Dược Xoa, tổng cộng là 84.000 vị Thần hộ pháp.12 vị Thần Tướng Dược Xoa cũng được cho là điều khiển 84.000 lỗ chân lông của da trong việc bảo vệ sức khỏe cho những chúng sanh tín kính, trì niệm danh hiệu, cúng dường và tu tập theo Đức Phật Dược Sư.

C/ 12 Thần Tướng Dược Xoa là hóa thân của các Đức Phật, Bồ Tát và là Thấn Bổn Mạng để bảo vệ chúng sanh. Nếu lấy 12 chi (12 con giáp) phối hợp với 12 vị Thần Tướng thì mỗi vị là Thần Bổn Mạng của một con giáp như sau:

  1. Tỳ-yết-la là hóa thân của Phật Thích Ca, thần hộ mạng tuổi Tý.
  2. Chiêu-đổ-la là hóa thân của Kim Cang Thủ Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Sửu.
  3. Chân-đạt-la là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Dần.
  4. Ma-hổ-la là hóa thân của Phật Dược Sư, thần hộ mạng tuổi Mão (Mẹo).
  5. Ba-di-la là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Thìn.
  6. Nhân-đạt-la là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Tỵ.
  7. San-để-la là hóa thân của Hư Không Tạng Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Ngọ.
  8. Át-nể-la là hóa thân của Ma Lợi Chi Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Mùi.
  9. An-để-la là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Thân.
  10. Mê-súy-la là hóa thân của Phật A Di Đà, thần hộ mạng tuổi Dậu.
  11. Phạt-chiết-la là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Tuất.
  12. Cung-tỳ-la là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát, thần hộ mạng tuổi Hợi.

D/ Thần Tướng Dược Xoa là quyến thuộc của Đức Phật Dược Sư. Đó là 12 vị Dược Xoa có thệ nguyện ủng hộ và bảo vệ những người trì tụng kinh Dược Sư, theo bản địa thì:

  • Cung-tỳ-la lấy Bồ-tát Di Lặc làm bản địa.
  • Phạt-chiết-la lấy Bồ-tát Đại Thế Chí làm bản địa.
  • Mê-súy-la lấy Phật A Di Đà làm bản địa.
  • An-để-la lấy Bồ-tát Quán Thế Âm làm bản địa.
  • Át-nhĩ-la lấy Bồ-tát Ma Lợi Chi làm bản địa.
  • San-để-la lấy Bồ-tát Hư Không Tạng làm bản địa.
  • Nhân-đạt-la lấy Bồ-tát Địa Tạng làm bản địa.
  • Ba-di-la lấy Bồ-tát Văn Thù làm bản địa.
  • Ma-hổ-la lấy Phật Dược Sư làm bản địa.
  • Chân-đạt-la lấy Bồ-tát Phổ Hiền làm bản địa.
  • Chiêu-độ-la lấy Bồ-tát Kim Cương Thủ làm bản địa.
  • Tỳ-yết-la lấy Phật Thích Ca Mâu Ni làm bản địa.

12 vị Thần Tướng này 12 giờ trong ban ngày; 12 giờ trong ban đêm, 12 tháng trong 4 mùa thay phiên nhau gìn giữ, hộ trì chúng sinh. Nếu phối hợp 12 Thần Tướng với 12 địa chi ngược lên thì:

  • Cung-tỳ-la thuộc Hợi.
  • Phạt-chiết-la thuộc Tuất.
  • Mê-súy-la thuộc Dậu.
  • An-đề-la thuộc Thân
  • Át-nhĩ-la thuộc Mùi.
  • San-đề-la thuộc Ngọ.
  • Nhân-đạt-la thuộc Tỵ.
  • Ba-di-la thuộc Thìn.
  • Ma-hổ-la thuộc Mão (Mẹo).
  • Chân-đạt-la thuộc Dần.
  • Chiêu-độ-la thuộc Sửu.
  • Tỳ-yết-la thuộc Tý.

Quan hệ phối hợp 12 địa chi, bản địa và vật cầm tay của 12 vị Thần Tướng như bảng sau:

  12 Thần Tướng 12 Địa chi Bản địa Vật cầm tay
01 Cung Tỳ La Hợi thần Di Lặc Chày báu
02 Phạt Chiết La Tuất thần Đại Thế Chí Gươm báu
03 Mê Súy La Dậu thần A Di Đà Chày 1 chĩa
04 An Để La Thân thần Quan Thế Âm Ngọc báu
05 Át Nhĩ La Mùi thần Ma Lị Chi Mũi tên
06 San Để La Ngọ thần Hư Không Tạng Tù và
07 Nhân Đạt La Tỵ thần Địa Tạng Cây mâu
08 Ba Di La Thìn thần Văn Thù Cung tên
09 Ma Hổ La Mão thần Dược Sư Rìu báu
10 Chân Đạt La Dần thần Phổ Hiền Gậy báu
11 Chiêu Độ La Sửu thần Kim Cương Thủ Dùi báu
12 Tỳ Yết La Tí thần Thích Ca Chày 3 chĩa

Nhận định:

Trong kinh Dược Sư không hề đề cập đến thuyết phối hợp 12 Thần Tướng Dược Xoa với 12 địa chi; trong Nhất Hạnh A Xà Lê Thuyên Tập và Kinh Diệu Kiến Bồ Tát Thần Chú v.v… cũng không thấy có ghi chép nên không rõ thuyết này đã do ai truyền(?) Vả lại trong Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập (Q.23) có nêu lên thuyết 12 con thú, rất có thể do “con số” 12 Thần Tướng với con số 12 địa chi phù hợp nhau nên đời sau, nhất là tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á có sử dụng Thiên Can – Địa Chi để chỉ phương hướng, bốn mùa, năm, tháng, ngày và giờ; lấy 12 con giáp (thập nhị chi) làm tuổi sanh v.v… – liên tưởng mà tùy tiện đặt ra các thuyết này thêm vào trong việc giải thích về Dược Xoa Thập Nhị Thần Tướng chăng?

ĐÀN DƯỢC SƯ
VÀ HÌNH TƯỢNG 12 VỊ ĐẠI TƯỚNG DƯỢC XOA

Trong Phật Giáo, thông thường các chùa chiền, tự viện thường khai đàn Dược Sư vào dịp đầu năm để kỳ nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; cầu nguyện cho Thiên Nam, Tín Nữ trong đạo tràng cùng thập phương bá tánh chúng sanh ngày đêm sáu thời đều an lạc.

Đàn Dược Sư cũng được kiến lập để chí thành cầu nguyện khi tư gia Phật Tử nào đó có tai nạn hoặc có người bệnh duyên nặng, trong khi gia đình vẫn chạy chữa bằng Tây y hay Đông y, hoặc kết hợp Đông – Tây y.

Đàn tràng được thiết lập tại chùa hay tại nhà, lớn hay nhỏ, thời gian dài hay ngắn gì cũng thuờng cung thỉnh chư vị tôn túc trưởng lão chứng minh và đại chúng Phật Tử luân phiên trì tụng kinh Dược Sư Bổn Nguyện.

Khi kiến đàn Dược Sư, không gian đàn tràng được bài trí thành 7 khu: Trung ương; Thượng phương; Hạ phương; Ðông phương; Tây phương; Nam phương và Bắc phương với 7 hình, tượng Phật cùng các tràng phan, bảo cái:

Thất Phật Trợ Tuyên Dương:

  • Nam Mô Tỳ Bà Thi Phật.
  • Nam Mô Thi Khí Phật.
  • Nam Mô Tỳ Xá Phù Phật.
  • Nam Mô Câu Lưu Tôn Phật.
  • Nam Mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật.
  • Nam Mô Ca Diếp Phật.
  • Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật.

Bát Đại Bồ Tát Giáng Cát Tường:

  • Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
  • Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Nam Mô Ðắc Ðại Thế Bồ Tát.
  • Nam Mô Vô Tận Ý Bồ Tát.
  • Nam Mô Bảo Ðàn Hoa Bồ Tát.
  • Nam Mô Dược Vương Bồ Tát.
  • Nam Mô Dược Thượng Bồ Tát.
  • Nam Mô Di Lặc Bồ Tát.

Thập Nhị Dược Xoa Đại Tướng:

  • Cung Tỳ La Đại Tướng.
  • Phạt Chiết La Đại Tướng.
  • Mê Súy La Đại Tướng.
  • An Đế La Đại Tướng.
  • Át Nể La Đại Tướng.
  • San Để La Đại Tướng.
  • Nhân Đạt La Đại Tướng.
  • Ba Di La Đại Tướng.
  • Ma Hổ La Đại Tướng.
  • Chân Đạt La Đại Tướng.
  • Chiêu Đổ La Đại Tướng.
  • Tỳ Yết La Đại Tướng.

Bộ ảnh “Dược Xoa Thập Nhị Đại Tướng” thường dùng để thiết đàn Dược Sư (phiên bản dưới đây do trang mạng Vô Lượng Công Đức thiết kế từ nguyên bản Trung Quốc):

HÌNH TƯỢNG 12 VỊ THẦN TƯỚNG DƯỢC XOA
TẠI CÁC CƠ SỞ CHẨN TRỊ Y-DƯỢC:

Tại một số cơ sở chẩn trị y-dược, đặc biệt là những cơ sở Đông y từ thiện của các chùa, niệm Phật đường, tự viện, tịnh thất, tịnh xá Phật Giáo, hình tượng 12 vị Thần Tướng Dược Xoa thường được treo tại nơi khám, chữa bệnh miễn phí; có nơi được thờ trang trọng bên bàn thờ Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật với một niềm tin tâm linh chí thành vào đức Phật Dược Vương và 12 Thần Tướng Dược Xoa; cũng là một sự nhắc nhở thường xuyên nuôi dưỡng từ tâm với những lương y phụng sự chúng sanh như cúng dường Chư Phật, đồng thời tạo niềm khích lệ, trấn an cho các bệnh nhân đang âu lo hay tuyệt vọng vì bệnh nghiệp, hằng ngày đến đây điều trị bệnh.

(Minh họa): Bàn thờ Đức Phật Dược Sư và 12 Thần Tướng Dược Xoa tại phòng chẩn bệnh, châm cứu và cấp phát thuốc Đông y từ thiện chùa Hưng Hòa, thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tài liệu tham khảo:

  • Kinh Dược Sư Thất Phật Cúng Dường Nghi Quỷ Như Ý Vương.
  • Kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức.
  • Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bản Nguyện Công Đức Niệm Tụng Nghi Quỷ Cúng Dường Pháp.
  • Kinh Quán Đính – Quyển 12.
  • Kinh Đà La Ni – Quyển 2.
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập – Quyển 23.
  • Kinh Diệu Kiến Bồ Tát Thần Chú.
  • Tịnh Lưu Ly Tịnh Độ Tiêu.
  • Nhất Hạnh A Xà Lê Thuyên Tập.
  • Một số tài liệu khác trên internet…

QUANG MAI
Sưu tầm & tổng hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.