Những ngôi chùa không có… Phật

Nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là chuyện thật. Tại Việt Nam chúng ta có 2 ngôi chùa tuy danh nghĩa là chùa nhưng lại… không thờ một pho tượng Phật hay Bồ Tát nào. Đây là điều hiếm thấy (có thể nói không đâu có), đồng thời chứng tỏ rằng tư tưởng và sinh hoạt đạo Phật đã ảnh hưởng sâu đậm như thế nào đến dân tộc Việt bao đời nay…

1. Chùa “Không Bụt” – Hiếm thấy trong lịch sử:

 

Chùa Cống Phường hay còn gọi là Chùa Không Bụt là một ngôi chùa cổ và lạ trên đất Bắc Giang. Bởi lẽ đây là một công trình kiến trúc tín ngưỡng Phật Giáo mà lại không có tượng Phật thờ. Chùa Không Bụt là hiện tượng hiếm thấy không đâu có.

Chùa nằm trên địa phận thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; tọa lạc trên thế đất hình “Long Xà”, được xây dựng vào trước năm 1713. Chùa Cống Phường là công trình văn hóa tôn giáo cổ, đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ kính và hệ thống kiến trúc thời Lê Trung Hưng. Các cổ vật có những đường họa tiết, hoa văn trang trí chạy quanh thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng từ thời Mạc.

Chùa Cống Phường có quy mô lớn, vững chãi, song không có một pho tượng nào. Trên các bệ chỉ đặt lư hương. Ông Nguyễn Vân Đài, một người dân thôn Hậu cho biết, những năm 70 của thế kỉ XX vẫn còn 3 pho tượng ốc được đặt trên cao. Sau đó và cho đến giờ không còn pho tượng nào được đặt ở đây.

Chùa Cống Phường có giá trị nghiên cứu về lịch sử – văn hóa được thể hiện qua phong cách kiến trúc và niên đại của các hiện vật, cổ vật như: Cây hương đá tạo dựng vào năm 1713, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9; bát hương sành Phù Lãng (thế kỷ XIX); bát hương gốm, men da lươn (thế kỷ XIX) và nhiều tự khí (đồ thờ) cổ có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX) như: Bát hương gốm men nâu, đĩa sứ men lam, mõ thờ v.v…

Cư dân ở đây cho rằng do di tích tọa lạc ngay giữa gáy của Long Xà, nên việc thờ Phật là rất “nghịch”, dân trong thôn người già thì thác sớm, trai tráng ra trận thì tử trận, cây cối, vật nuôi chết nhiều… Tương truyền đây vốn là ngôi chùa âm hồn, thờ cúng những người chết trận.

Sang thời Nguyễn (khoảng thế kỷ XIX), dân chúng địa phương đã làm lễ “hóa” toàn bộ tượng gỗ và tượng đất, chỉ để các bục thờ vọng. Tất cả tượng Phật dân làng thả trôi theo dòng sông Thương tại bến Cống Chuông, cách di tích chùa Cống Phường 800m về phía Tây; toàn bộ tượng đất được “hóa” tại hố Nẻo Bụt, hiện nay là khu dân cư Rừng Thừa, thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung.

Theo ông Kim Anh Huyền, một công chức đã về hưu, người cầm chìa mở cửa chùa Cống Phường mỗi khi có người tới hành hương, kể lại: Từ khi làm lễ “hóa” Phật, dân làng dần từng bước hồi sinh, làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Từ đó dân gian lưu truyền và gọi chùa Cống Phường là Chùa Không Bụt.

Ngày nay, người dân vẫn tới đây thắp hương vào ngày rằm, mùng một nhưng các hoạt động vui chơi, giải trí, họp chợ thì không diễn ra tại khu vực này.

Cây hương đá trước cửa chùa xây dựng năm 1713. Tên phường Cống còn được khắc ghi trên cây hương đá này.

Theo Giáo Dục Việt Nam.

— oOo —

Chùa Cầu – Ngôi chùa không có… Phật

Chùa Cầu – tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Cùng với Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế), Chùa Cầu Hội An là một trong 3 cây cầu lợp ngói ở Việt Nam, được nhiều du khách biết đến.

Cây cầu dài 18m với 7 gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của thành phố Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.

Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù (mamazu) – một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Cứ mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất… Chùa Cầu được coi như một thanh kiếm chằn ngang lưng con Cù, “trấn yểm” loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.

Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.

Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Nơi đây mãi là điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch Đà Nẵng – Hội An. Khách du lịch đến Hội An mà chưa ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì lưu luyến nhớ thương:

“Ai đi phố Hội, Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…”

Hội An – phố Hội là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều phố cổ được xây từ thế kỷ XVI và tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Bên dòng sông Hoài thơ mộng, đô thị cổ Hội An đã một thời (thế kỷ XVII-XVIII) là nơi chứng kiến nhiều cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một trung tâm giao thương có thể sánh với Kinh Kỳ (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên).

Phố cổ Hội An được công nhận là di sản thế giới UNESCO năm 1999, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước. Nơi đây có Chùa Cầu – một công trình kiến trúc độc đáo với những truyền thuyết khó quên…

Theo Dân Việt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.