Theo đồng hồ đếm ngược thì khi bài này được post lên, chỉ còn 20 giờ 45 phút và vài giây nữa, để hưởng ứng sự kiện “Earth Hour” (GIỜ TRÁI ĐẤT) toàn cầu do tỗ chức WWF (Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên) khởi xướng, hằng tỷ ngôi nhà trên toàn thế giới sẽ đồng loạt tắt đèn điện và các thiết bị tiêu thụ điện năng không cần thiết khác (miễn không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt) trong một giờ đồng hồ; tức là sự kiện thế giới này sẽ bắt đầu vào đúng 20g30′ và kết thúc hồi 21g30′ ngày 25/3/2017 theo giờ địa phương (local time) tùy theo quốc gia, thành phố nằm trên “múi giờ” nào.
Như vậy cũng có nghĩa là sẽ có hằng chục tỷ công dân trên thế giới cùng tham gia vào sự kiện toàn cầu thường niên này. Vậy nhưng mục đích “Giờ Trái Đất” là gì? Giờ Trái Đất phát xuất đầu tiên từ đâu và bao giờ? WWF là tổ chức như thế nào mà chiến dịch của họ có tầm ảnh hưởng lớn đến thế? Thiết tưởng cũng đáng bỏ thời giờ để cùng nhau tìm hiểu.
- GIỜ TRÁI ĐẤT (Earth Hour):
GIỜ TRÁI ĐẤT (tiếng Anh: Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm mang tính toàn cầu do Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) khởi xướng, kêu gọi mọi cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức trên toàn thế giới nhất loạt tắt đèn điện và ngắt nguồn điện năng các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng một giờ đồng hồ vào thời điểm 20g30′ đến 21g30′ (giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm.
Mục đích:
Mục tiêu của sự kiện Giờ Trái Đất nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm điện năng và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, giảm phát thải khí CO2 gây ra “hiệu ứng nhà kính”, góp phần bảo vệ môi trường trước tình trạng biến đổi nghiêm trọng khí hậu trái đất. Ngoài ra, hành động “đồng loạt tắt đèn” này cũng giúp vào sự cố gắng làm giảm ô nhiễm ánh sáng (một ngẫu nhiên thú vị: Giờ Trái Đất năm 2008 đã từng trùng khớp với thời gian bắt đầu “Tuần Lễ Quốc Gia Về Bầu Trời Tối” – National Dark Sky Week, cũng là một chiến dịch thường niên của Hoa Kỳ).
Phát khởi:
Giờ Trái Đất được phát động và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại Sydney, Australia và số người tham gia lúc bấy giờ chỉ có 2.000.000 người. Do mục đích chính đáng và khẩn thiết đồng thời một phần cũng nhờ vào phương tiện truyền thông hiện đại, năm 2008 số người tham gia đã là 50.000.000, và năm 2009 đã lên đến hơn 1.000.000.000 người. Cho đến nay, sự kiện này đã được 172 quốc gia, vũng lãnh thổ hưởng ứng tích cực và tham gia hằng năm.
Việt Nam chính thức tham gia sự kiện Giờ Trái Đất vào năm 2009 với sự hường ứng tại 6 thành phố lớn, nhỏ gồm: Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Cần Thơ, Hội An và thủ đô Hà Nội.
Thời điểm:
Như đã nói trên, thời điểm diễn ra sự kiên Giờ Trái Đất trên toàn cầu bắt đầu vào 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm, tính theo giờ địa phương (local time). Từ năm phát động sự kiện đến nay, thời điểm của Giờ Trái Đất các năm trước đây đã diễn ra vào các ngày:
- Năm 2007: Ngày 31 tháng 3.
- Năm 2008: Ngày 29 tháng 3.
- Năm 2009: Ngày 28 tháng 3.
- Năm 2010: Ngày 27 tháng 3.
- Năm 2011: Ngày 26 tháng 3.
- Năm 2012: Ngày 31 tháng 3.
- Năm 2013: Ngày 23 tháng 3
- Năm 2014: Ngày 29 tháng 3.
- Năm 2015: Ngày 28 tháng 3.
- Năm 2016: Ngày 19 tháng 3.
Năm nay (2017), “Giờ Trái Đất” sẽ rơi nhằm ngày Thứ Bảy, 25 tháng 3.
Biểu trưng:
Biểu trưng chính thức cho sự kiện Giờ Trái Đất đầu tiên được thiết kế từ ý tưởng lấy nền của bản đồ địa cầu cắt thành con số 60 với ý nghĩa là số phút kêu gọi cộng đồng tắt đèn điện. Hiện nay logo biểu trưng của sự kiện Giờ Trái Đất được thêm dấu + vào sau con số 60, tượng trưng rằng Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà thời gian tiết kiệm năng lượng cũng như các hoạt động vì môi trường nên nhiều hơn thế nữa…
- TỔ CHỨC W.W.F (World Wildlife Fund):
W.W.F là tên gọi tắt của Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (tiếng Anh: World Wide Fund For Nature). Dịch theo tiếng Việt, tên tổ chức này hiện nay có nhiều cách gọi chưa thống nhất: Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên; Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế; Quỹ Thiên Nhiên Thế Giới; Quỹ Bảo Vệ Thiên Nhiên Toàn Cầu; Quỹ Toàn Cầu Cho Thiên Nhiên; Quỹ Toàn Thế Giới Vì Thiên Nhiên; Quỹ Quốc Tế Về Bảo Tồn Thiên Nhiên; Tổ Chức Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới. Tên cũ trước đây của tổ chức này (kể từ năm 1986) là Quỹ Động Vật Hoang Dã Thế Giới (tiếng Anh: World Wildlife Fund – viết tắt là W.W.F). Đây là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên.
Lịch sử:
W.W.F được thành lập ngày 11 tháng 9 năm 1961 (cũng có tài liệu ghi là 29/4/1961?) tại quốc gia trung lập Thụy Sĩ. Ngay năm đầu tiên, tổ chức này đã có chi nhánh tại Vương Quốc Liên Hiệp Anh, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và đương nhiên là cả Thụy Sỹ, nơi khai sinh ra nó. Tiếp sau đó, những chi nhánh ở Áo, Đức, Hà Lan,và Nam Phi được hình thành. Hiện nay, W.W.F đã có chi nhánh tại 59 quốc gia trên thế giới; và trên phạm vi toàn cầu với chừng 4.000 nhân viên của hơn 100 quốc gia đang hoạt động cho tổ chức này trong khoảng 300 khu vực được W.W.F bảo hộ, cộng với hơn 5.000.000 người trên thế giới ủng hộ nhiệt thành.
Năm 1986, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập và với nhu cầu mở rộng phạm vi hoạt động, W.W.F quyết định đổi tên thành World Wide Fund For Nature.
Về tên viết tắt W.W.F cũng có một chi tiết thú vị: Vào năm 2002, W.W.F tranh kiện với một công ty hậu thân của Liên Đoàn Đấu Vật Thế Giới (World Wrestling Federation) và đã thắng cuộc tranh kiện này khiến World Wrestling Federatio phải đổi tên thành World Wrestling Entertainment (Công Ty Đấu Vật Giải Trí Thế Giới) với tên gọi tắt là W.W.E vào ngày 6/5/2002. Website chính thức của công ty cũng chuyển từ wwf.com thành wwe.com
Mục tiêu:
Tiêu hướng hoạt động của W.WF được ghi trong biên bản thành lập là: Bảo vệ động vật, thực vật, rừng, cảnh quan, nước, nền đất và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Căn cứ vào đó W.W.F đưa ra mục tiêu như sau:
W.W.F mong muốn giảm bớt sự tàn phá thiên nhiên nhằm xây dựng một tương lai mà con người sống hòa hợp với thiên nhiên.
– Bảo tồn sự đa dạng sinh học của thế giới.
– Bảo đảm duy trì sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh.
– Xúc tiến việc giảm bớt ô nhiễm môi trường và tiêu thụ phí phạm.
Biểu tượng:
Biểu tượng của W.W.F phác họa theo mẫu một con “gấu trúc lớn” tên ChiChi đã được chuyển từ Sở Thú Bắc Kinh, Trung Quốc đến Sở Thú Luân Đôn nước Pháp năm 1958, ba năm trước khi thành lập W.W.F.; và phải chăng W.W.F chọn Gấu Trúc Lớn làm logo biểu tượng còn nhằm nhấn mạnh ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường sinh thái vì loài này lúc bấy giờ đã nằm trong nguy cơ tuyệt chủng?
QUANG MAI