Một cách tình cờ, hôm nay – 9/4/2013 – tôi mới lạc hậu đọc được thông tin về một sự kiện xảy ra từ hôm 30/3/2013 và các phương tiện truyền thông vừa truyền tải 2 ngày trước, ngày 7/4/2013. Chuyện về hằng trăm học sinh “hào hứng” đồng loạt xé toang những trang đề cương ôn thi môn lịch sử của nhà trường chuẩn bị cho các em rồi ném tung xuống trắng xóa sân trường trong tiếng hò reo phấn khích (!?) khi được thông báo năm nay Bộ Giáo Dục bải bỏ môn thi lịch sử!
Hẳn quý bạn đọc cũng choáng váng, bàng hoàng, sửng sốt như tôi khi đọc những dòng này? Không choáng váng sao được khi biết học sinh cả một trường lại ngang nhiên xé bỏ tài liệu của nhà trường tung xuống sân ngay trước mắt toàn thể thầy cô giáo? Không bàng hoàng sao được khi học sinh lại vui mừng hò reo khi “được” bỏ bớt môn thi? Không sững sốt sao được khi một trong những môn quan trọng của Văn-Sử-Địa lại được ngành Giáo Dục nhẹ nhàng, thanh thản gạch bỏ khỏi chương trình thi tốt nghiệp? Và v.v…
Thế nhưng chuyện gì cũng có lý do của nó! Hệ lụy nào cũng có cái giá của nó! Xin tạm dừng phát biểu ý kiến cá nhân tôi ở ngay đây để quý bạn đọc bình tâm tham khảo những thông tin mà tôi cóp nhặt nguyên văn về đây và sắp xếp theo thứ tự thời gian giúp quý bạn đọc tiện theo dõi quá trình diễn biến dư luận.
oOo
Hàng trăm học sinh xé đề cương sử xôn xao dân mạng
Hôm nay 7/4/2013, cư dân mạng đang truyền nhau clip được ghi lại ở một trường trung học phổ thông ở TP.HCM, học sinh đồng loạt xé giấy thả xuống sân trường.
Theo thông tin bạn đọc cho biết, đoạn clip ghi lại cảnh các học sinh khối 12 của Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé đề cương ôn luyện môn lịch sử khi biết môn này không thi tốt nghiệp.
Clip ghi lại hình ảnh hàng trăm học sinh tập trung ra hành lang, hò reo cùng nhau xé đề cương ôn tập môn lịch sử và đồng loạt thả xuống sân trường.
Được biết, ngày 29/3/2013, sau khi Bộ Giáo Dục – Đào Tạo thông báo sẽ không thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn lịch sử, nhiều học sinh đã hẹn hò trên mạng cùng đồng loạt xé đề cương môn học này. Clip được đưa lên mạng được quay tại Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền vào ngày 30/3/2013.
Sau khi xem clip, rất nhiều ý kiến của bạn đọc đã tỏ ra bất bình trước hành động vô ý thức của các bạn học sinh. Nhiều bạn đọc đưa ra trường hợp “giả sử nếu những thầy cô giáo dạy sử xem clip này thì chắc họ sẽ rất buồn?”.
Một bạn đọc nhận xét: “Học sinh trường này thật vô kỷ luật. Đề thi tốt nghiệp lịch sử cũng chỉ ở mức trung bình, học sinh có thể dễ dàng qua được, vậy mà khi biết không thi lịch sử lại hành động như thế này đây!”.
Thậm chí nick Thắng Nguyễn còn đề nghị “ Yêu cầu riêng trường này phải thi tốt nghiệp môn lịch sử”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến tỏ ra cảm thông với hành động được xem là “bộc phát” của lứa tuổi học trò.
“Đó chỉ là một kỷ niệm vui của lứa tuổi học trò thôi mà!”. Một độc giả thanh minh.
Theo thông tin một số học sinh tại trường này cho biết, đây không phải là năm đầu tiên học sinh xé đề cương môn không phải thi tốt nghiệp mà đã có “truyền thống” từ khóa trước.
Được biết, sau khi hành động này diễn ra, lãnh đạo Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền đã yêu cầu tất cả các em học sinh xé giấy phải xuống sân trường quét dọn.
Khởi Nguyên (V.T.C) – Diễn Dàn Dân Trí ngày 07/04/2013 – 13:43
Đừng xé sách lịch sử nữa các bạn nhé!
Một đoạn video vừa được tung lên mạng, đưa hình ảnh hàng trăm học sinh của một trường trung học phổ thông tại TP.HCM xé đề cương môn lịch sử và hò reo sung sướng khi được thông báo năm nay môn học này không thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Xem đoạn video mà ruột thắt, mà buồn đến não lòng. Đề cương môn lịch sử bị xé nát, vứt thành một đống rác trắng xóa sân trường. Có thể các bạn trong một lúc bộc phát, bắt chước nhau thực hiện một hành động thiếu suy nghĩ. Nhưng có thể hành động đó có nguyên nhân sâu xa, đó là chán ghét môn lịch sử.
Đã bao mùa thi rồi, lịch sử vẫn là môn thi nhiều điểm 0 và nhiều điểm kém nhất. Mặc dù người đứng đầu ngành giáo dục từng phát biểu điểm 0 môn lịch sử nhiều là chuyện bình thường(!?), nhưng thực ra là rất không bình thường.
Thử đi tìm nguyên nhân vì sao học sinh chán ghét môn lịch sử? Chỉ khi tìm đúng nguyên nhân mới có thể trị liệu được. Lịch sử là môn học hấp dẫn, thú vị, giàu kiến thức, phong phú cảm xúc, nhưng các em nuốt không trôi.
Có lẽ là do chúng ta dạy lịch sử với tiêu chí định sẵn, ta luôn thắng, địch toàn thua. Ta vĩ đại còn địch tầm thường. Trận nào ta cũng thắng, địch chạy dài, ta thu được nhiều chiến lợi phẩm, đếm rất nhiều xác quân thù…
Không! Lịch sử không chỉ có hào hùng mà còn bi tráng, không chỉ có thắng lợi mà còn thất bại, không chỉ có hạnh phúc mà muôn triệu đắng cay. Để có chiến thắng quân Minh, dân Đại Việt phải trả giá nhiều năm làm nô lệ cho giặc phương Bắc “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô Đại Cáo). Để có chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288, dân Đại Việt phải “nhìn thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt Tể Phụ” (Hịch Tướng sĩ). Đại Việt có nhiều võ tướng tài danh, văn quan nức tiếng, thì cũng có những Trần Ích Tắc ôm chân ngoại bang.
Thời nào cũng thế, ngoài chiến thắng, lịch sử ghi lại những sai lầm phải trả giá bằng máu xương, bằng sự đói nghèo, bằng những bước đi lùi trong lạc hậu của dân tộc. Nếu đừng tô hồng mà dạy lịch sử bằng tất cả sự trung thực thì học sinh sẽ rơi nước mắt bởi những trang sử huy hoàng đồng thời cũng sẽ thấu hiểu những khó khăn mà đất nước đã trải qua tại những thời điểm nhất định.
Lịch sử sống động về các trận hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam. Ai đã chiếm biển, chiếm đảo của Việt Nam? Vì sao chúng ta để mất biển, mất đảo? Những trang sử đó không thể không nóng bỏng trên bục giảng.
Các bạn trẻ đừng coi thường lịch sử bởi nếu được biết một cách chân thực, chắc chắn các bạn sẽ khóc vì niềm tự hào cũng như sự cay đắng. Các bạn sẽ hiểu được sự thật và yêu lịch sử đất nước với tất cả cảm xúc, sẽ ân hận vì từng chán ghét môn lịch sử.
Đừng xé sách lịch sử nữa các bạn nhé.
Lê Chân Nhân – Diễn Đàn Dân Trí ngày 08/04/2013 – 07:53
Video clip học sinh xé đề cương sử
Thấy gì từ clip học trò xé đề cương sử?
Clip ghi lại cảnh học sinh Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé đề cương ôn luyện môn lịch sử khi biết môn này không thi tốt nghiệp khiến nhiều người xôn xao. Có thể việc xé đề cương môn không thi tốt nghiệp là thói quen của học sinh trường này, nhưng độc giả không khỏi băn khoăn…
Clip hàng trăm học sinh xé đề cương lịch sử vì không thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn sử được đăng trên trang chia sẻ video Youtube vào cuối tuần qua đã nhanh chóng lan truyền trên nhiều trang tin, diễn đàn, và thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người.
Được biết, clip này được quay tại Trường Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) vào ngày 30/3/2013, một ngày sau khi Bộ Giáo Dục – Đào Tạo thông báo 6 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học, địa lý, sinh học). Thông tin từ một số học sinh Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền cho biết, đây không phải là năm đầu tiên học sinh xé đề cương môn không phải thi tốt nghiệp mà đã có “truyền thống” từ khóa trước.
Những lời chê bai thái độ học sinh:
“Vô ý thức quá”
Hành động học sinh xé đề cương này có thể là một trò bồng bột của các em, nhưng các độc giả vẫn rất bất bình vì cho rằng đây là một hành động vô ý thức. Xin trích đăng một số ý kiến:
“Quá buồn cho học sinh thời nay, vô ý thức quá, mà sao nhà trường xử nhẹ vậy? Đề nghị nhà trường xử thật nặng với tất cả hình thức vô kỷ luật này.” – Ngô Quang Hùng (taodeobet05@yahoo.com.vn).
“Những hành động như vậy là không thể chấp nhận được, như vậy có khác nào các em đã xé bỏ đi những gì mình đã học được từ thầy cô? Phải có biện pháp xử lý những hành động này trong môi trường giáo dục.” – Đinh Hữu Phúc (dinhhuuphuc1990@gmail.com).
“Một hành động vô giáo dục” – (chanhung1984@gmail.com).
“Lãnh đạo trường vẫn còn nhẹ tay quá. Một con sâu làm rầu nồi canh. Phải liệt vào điểm tổng kết.” – (nheanh562004@yahoo.com).
“Không thể chấp nhận được” – buivucuong (buivu.cuong@yahoo.com.vn).
“Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường mà có hành động như vậy thì cần phải có biện pháp xử lý ngay.” – Nguyen Hung (hungit2002@gmail.com).
“Thực sự khi xem những hình ảnh này tôi cảm thấy rất bất bình, rất buồn cho một bộ phận học sinh phổ thông hiện nay, thích sống phô trương, hình thức, sống ảo, mà quên đi nhân cách và ý thức công dân, hành động này cần phải lên án mạnh mẽ. Cần phải có hình phạt thích đáng cho những học sinh này” – Phạm Văn Xanh (phamxanh280790@gmail.com).
“Tôi thật bức xúc khi học sinh có những hành động như vậy, cần xử lý nghiêm khắc để làm gương” – vuong thi thuy (caphedangvamua@gmail.com).
“Các bạn thật quá bồng bột.” – (maihongtuoi89@gmail.com).
“Học trò mà đi xé sách (cho dẫu là đề cương học) ở ngay tại trường. Đây được gọi là: vô giáo dục!” – Nguyễn Văn Dân (dan@ckv.com).
“Cháu cũng rất là thích lịch sử, tuy cháu mới học tiểu học nhưng cháu đã rất muốn nghiên cứu lịch sử, cháu rất buồn khi các anh chị lại xé đề cương lịch sử như thế.” – Nguyễn Anh Thư (anhthu1692003@gmail.com).
“Các bạn không nên làm như vậy, kiến thức không có thừa đâu. Mình thì rất thích học sử?” – Hoai Nguyen (hoai12@ymail.com).
“Các em làm như vậy là sai. Mà hãy cất chúng đi biết đâu một ngày nào đó ta lại cần đến chúng. Học nữa, học mãi và mãi mãi.” – (tuanromano@gmail.com).
“Dân ta phải biết sử ta – khẩu hiệu đó ai cũng biết. Nhưng các em học sử chỉ để đối phó với thi cử thôi sao? Các em nghĩ không thi là không học thì thật đáng buồn” – (vumanhhung758@yahoo.com).
“Học đâu chỉ để thi mà để hiểu biết, dân ta phải biết sử ta” – Nguyen Thanh (hoacodai_92@gamail.com).
Những lời thông cảm với học sinh và nhắn gởi ngành Giáo Dục:
“Từ clip học trò xé đề cương sử, lại nghĩ về việc dạy môn Sử“
Phàn nàn về hành động của các học sinh trong clip trên, nhân đây, nhiều độc giả cũng bày tỏ băn khoăn quanh việc dạy và học môn sử:
“Thật buồn cho sự học ngày nay. Chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn lại chương trình dạy. Có thể chương trình dạy của ta hiện nay quá nặng đối với học sinh không? Cần giảm tải. Đối với học sinh phổ thông, theo tôi chỉ cần học những kiến thức cần thiết cho cuộc sống thường ngày, không nên quá ôm đồm để quá tải. Thi tốt nghiệp phổ thông thì nên thi tất cả các môn đã được học.” – Việt An (vietan2013@gmail.com).
“Đây là biểu hiện của việc không thích học môn lịch sử. Các nhà giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục cần xem lại cách dạy và học lịch sử trong nhà trường.” – Trần Ngọc Ánh (ngocanhdl0809@gmail.com).
“Suy cho cùng là do lịch sử là môn học nhàm chán và lý thuyết. Nếu môn sử trở nên linh động như phim từ học sinh nào lại làm thế?” – (phamvanloc397@yahoo.com.vn).
“Cần phải nhìn lại, tại sao học sinh lại xé môn lịch sử? Cái gì cũng có lý do. Cách dạy học môn lịch sử của chúng ta làm cho học sinh thấy chán ngán, như vậy bảo sao sự việc kia không xảy ra chứ. Đừng chỉ trách những em học sinh!” – (toisedoiban09@yahoo.com)
“Lịch sử thì mình rât thích còn riêng lịch sử lớp 12 hay nói chính xác là “lịch sử học để thi” thì mình cảm thấy rất ngán ngẩm. Nhớ lại mấy năm trước đúng là ác mộng. Suốt ngày tụng kinh. Trận nào, trận nào quân ta giết bao nhiêu địch, bao nhiêu máy bay… Toàn số và địa điểm mà chẳng có gì thú vị. Thi tốt nghiệp xong ra khỏi trường, học sinh (có mình) thi nhau xé và vất đề cương sử vào thùng rác. Không biết ai nghĩ gì, còn mình nghĩ là thoát khỏi 1 cuốn sách nhàm chán” – (vcb.ibking@gmail.com).
“Lịch sử rất cần thiết khi ra trường đời, nhưng học lịch sử phải không bị nhồi nhét thì người học mới thấy cuốn hút, khi người học cảm thấy có ích thì đuơng nhiên môn học sẽ làm họ hăng say tìm kiếm học hỏi. Học hỏi và yêu thích không thể gượng ép.” – (anhhai@hotmail.com)
Những ý kiến xác quyết & câu hỏi dành cho ngành Giáo Dục:
“Hệ quả của việc quá coi trọng thi cử?”
Một số bạn đọc cũng đặt câu hỏi liệu rằng đây có phải là một minh chứng của thực trạng rằng việc học ở nước ta quá coi trọng các kỳ thi, thi cử gây áp lực không nhỏ cho các em học sinh.
“Chuyện này xảy ra thật đáng buồn, nhưng cũng thấy rằng học tập ở nước ta quá coi trọng vào các kỳ thi. Đến bao giờ áp lực thi cử nhỏ đi để các em có thể học thoải mái hơn và theo nhu cầu của bản thân.” – (sanhhp@gmail.com).
“Đó là kết quả của việc học để thi và chỉ có thi thì mới học.” – Lưu Trần Tuân (luutrantuan86hb@gmail.com).
“Đây là hậu quả của việc học không phải để hiểu biết mà là để thi” – Thanh Hà (thanhnien4x@yahoo.com).
Thu Minh tổng hợp – Diễn Đàn Dân Trí ngày 08/04/2013 – 08:47
Hậu sự kiện: Nhà giáo & học sinh biện minh
Học sinh Trường Nguyễn Hiền: Chúng em không ghét môn sử
Theo thầy Hiệu trưởng Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) thì sự việc xé đề cương môn lịch sử chỉ là trò đùa nghịch của học trò nhưng bị người lớn đẩy đi quá xa. Trong khi đó, các học sinh của trường này đang tìm cách thanh minh cho mình…
Chỉ là trò nghịch ngợm
Thầy Nguyễn Cảnh Tân – Hiệu trưởng Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền cho biết sự việc đã bị đẩy đi quá xa. Thầy Tân tường thuật lại rằng sự xảy ra vào chiều thứ sáu tuần trước (29/3/2013), khi biết môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, một số em phấn khích nên xé giấy vụn ném xuống sân trường, sau đó nhiều em hưởng ứng theo thành phong trào. Tuy vậy, đa phần đó là giấy nháp, tờ rơi quảng cáo của các trường đại học đến giới thiệu chứ không chỉ là đề cương môn lịch sử. Thực tế hình ảnh trong clip cho thấy đó là giấy vụn màu trắng trong khi đề cương của môn sử rất dày và có bìa màu xanh. Không thi môn nào thì học sinh cũng mừng chứ không phải riêng môn sử. Nếu từ những hành động này mà đánh giá học sinh ghét sử, không học sử là đánh giá vấn đề sai lệch.
Ngày hôm đó lãnh đạo trường cũng đã đến 14 lớp của khối 12 để nhắc nhở, phân tích cái sai và rút kinh nghiệm trong ứng xử với các em. Ngay sau đó, các em này đã xuống dọn dẹp rác. “Vì là trò nghịch ngợm của học trò, nhất là năm cuối cấp nên chúng tôi cũng giải quyết như thế chứ không kỷ luật các em. Một số em cũng đã đưa clip lên Facebook nhưng chúng tôi thấy vấn đề không có gì nghiêm trọng” – Thầy Tân cho hay.
Tuy nhiên, đến ngày 7/4/2013, một số trang mạng đăng lại clip này kèm theo câu bình luận không đúng sự thật. Thực tế, hiện tại các học sinh vẫn còn giữ tài liệu ôn tập môn lịch sử. Thầy Tân cũng nói thêm rằng học sinh của trường học khá tốt các môn xã hội, đặc biệt là môn sử có nhiều em đoạt giải thưởng Olympic, học sinh giỏi cấp thành phố.
Sự việc ồn ào khiến học sinh của trường bị sốc. Các em cho biết không ngờ chỉ là trò đùa nghịch lại gây sự việc nghiêm trọng như vậy. Em Thanh Nhi – học sinh lớp 12A3 chia sẻ: “Hôm đó em cũng xé giấy nhưng không phải tài liệu ôn sử. Không thi môn sử em cũng không mừng lắm vì môn này em học cũng khá. Hơn nữa tụi em vẫn còn giữ tài liệu môn sử vì cô Vy chủ nhiệm dặn để dành sau này thi đại học”. Nhi cũng cho biết “những ngày qua chúng em buồn lắm, mọi người trên mạng bình luận, nhận xét chúng em như kẻ vô học”.
Còn em Thiện Phú thì cho biết chúng em đang cố gắng lấy lại hình ảnh cho học sinh nhà trường. Từ tối qua, các bạn khối 12 đã phát động với nhau cùng lên Facebook đăng lên avatar hình đề cương môn sử. Nhiều em khối 11 cũng tham gia. Chúng em muốn mọi người biết là chúng em không ghét môn lịch sử.
Phát ngôn của giới quan chức:
Trước sự việc học sinh xé đề cương ôn tập môn Lịch sử vì không thi tốt nghiệp trung học phổ thông gây xôn xao trên cộng đồng mạng cuối tuần qua, Giáo sư Tiến sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa – Giáo dục – Thanh Niên Thiếu Niên Và Nhi Đồng Quốc Hội cho rằng làm như thế là phản cảm.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Đào Trọng Thi thì với một môn lý thuyết như môn lịch sử mà không phải thi thì tất nhiên các em rất là vui nên có hành động bộc phát như thế. Tuy nhiên có nhiều cách mừng, không nhất thiết làm theo cách phản cảm như vậy.
Cũng theo ông Thi, điều này cũng đặt ra là phải thay đổi phương pháp dạy và học ở môn sử và cả các môn khác. Riêng với môn sử thì đang là điểm nóng cần phải thay đổi về chương trình, phương pháp, nội dung để hấp dẫn học sinh và có hiệu quả cung cấp kiến thức với lối sống hiện đại. Không nhất thiết phải nhớ từng con số mà phải giúp học sinh hiểu được ý nghĩa, đánh giá giá trị của sự kiện nào đó.
Chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa – Giáo dục – Thanh Niên Thiếu Niên Và Nhi Đồng Quốc Hội cũng cho rằng về sau thì các môn học cần được đối xử công bằng như nhau ngay cả trong các kỳ thi. Chẳng hạn như thi 6 môn nhưng ngoài văn, toán, ngoại ngữ là bắt buộc thì các môn khác các em có thể tự chọn chứ không nhất thiết phải thi cùng nhau. Thực tế tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay rất cao. Cuộc thi chỉ là cách kiểm tra kiến thức thành thử vì sao không tôn trọng quyền lựa chọn theo sở thích của các em.
Lê Phương – Diễn Đàn Dân Trí ngày 08/04/2013 – 15:55
Lời kết:
Chưa hết những lời khen, tiếng chê thái độ, hành động của các em học sinh xé bỏ tài liệu học tập môn lịch sử; chưa hết những phê phán nhẹ nhàng hay gay gắt về nội dung tài liệu giáo khoa môn lịch sử đang áp dụng hiện nay; cũng chưa hết những bình luận về chương trình học tập, phẩm lượng giáo dục, phương pháp sư phạm của giáo viên và kết quả kiến thức của học sinh vì… chuyện dài nhiều tập này không chỉ dừng lại ở Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Hiền hay kết thúc ở bộ môn lịch sử. Câu chuyện trường kỳ vẫn đang tiếp tục và hứa hẹn còn nhiều gay cấn!… Tuy nhiên, cái gì bắt đầu thì sẽ phải có kết thúc. Bài tạp ghi này cũng vậy. Thế nên chuyện hãy để… xem tiếp kỳ sau, hạ hồi phân giải!
Kẻ đưa tin, nhân sự kiện này chợt chạnh lòng nhớ đến quý thầy dạy sử cho mình thời đi học từ tiểu học đến trung học. Bây giờ nghiệm lại tôi mới nhớ ra lúc bấy giờ mấy thầy dạy sử cho mình không có thầy nào “phương phi, phốp pháp” cả, dáng dấp tuy không phải là tiều tụy nhưng cứ gầy gầy, xương xương thế nào ấy, sắc diện thì cứ hơi hơi có nét khắc khổ (tại “bán cháo phổi” cho học sinh lâu quá rồi chăng?), duy có cặp mắt và giọng nói quý thầy mỗi khi đứng trên bục giảng tôi không thể nào quên được. Lời giảng khi thì sang sảng cao vút, khi lại trầm hùng, có khi chùng lại, thong thả, buồn buồn. Ánh mắt thì vô cùng sinh động, lúc long lanh sáng quắc, lúc như đượm vẽ xót va, u uẩn theo từng trang sách giảng mà lúc đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cảm giác được thầy hoàn toàn không “diễn kịch”. Không! Thầy như nhập vai một cách rất tự nhiên, vô thức, vì tâm tư ý nghĩ thầy luôn hòa quyện vào không phải những chữ nghĩa vô tri mà là vào mạch nguồn quốc sử oai hùng. Học sinh chúng tôi bên dưới ngồi im phăng phắc, xuất thần dõi theo anh mắt, đôi tay thầy diễn đạt (thời ấy ít khi mấy thầy phải cầm “đọc giáo án” soạn sẵn vì sợ bài giảng phạm húy như bây giờ). Chúng tôi nghe như nuốt từng lời, từng chữ của thầy mà tình cảm từng đứa chừng như cũng phấn khích hay u trầm theo lời giảng. Phải nói là thời ấy 2 môn học sử và văn là những môn học mà trên bảng đen luôn ghi số học sinh khiếm diện (vắng mặt) thấp nhất nếu không nói là rất nhiều đứa trong chúng tôi có phần mong đợi đến ngày được học các môn này.
Ôn cố tri tân – Nhớ chuyện xưa, nghe chuyện nay và soát xét lại vài mẫu chuyện khó tin mà có thật do chính mình tham dự hay chứng kiến, tôi muốn mượn những câu chuyện này làm quà cho quý bạn đọc thư giãn, quên chút muộn phiền vì phải đọc những gì tôi đa sự đem ra đây làm bận lòng các bạn, đồng thời cũng là để kết thúc câu chuyện dài dòng này:
Chuyện thứ nhất là về 2 câu trả lời của thằng con trai “hủ mắm đầu giàn” của tôi, sinh viên khoa công nghệ thông tin sắp ra trường, trong một lần tôi thử kiểm tra kiến thức lịch sử ở học đường của nó: “Chế Mân là nhạc sĩ tác giả bài Hận Đồ Bàn mà cháu ông là Chế Linh hát”; “Huyền Trân Công Chúa là công chúa cuối cùng của nhà Nguyễn dưới thời vua Bảo Đại tính đến cách mạng tháng 8 năm 1945”!
Chuyện thứ hai là chuyện tôi – và chắc là cả quý bạn đọc nửa – cười không nổi khi đứa con gái rượu của tôi sắp thi vào đại học kể vanh vách chuyện vua Càn Long cùng các sự kiện, địa phương ông từng vi hành và kết luận “ông là một vị vua trẻ tài năng và đức độ của Trung Hoa”, nhưng lại không trả lời được một câu hỏi nào của tôi về chỉ 3 địa danh Việt sử: nơi họp Hội Nghị Diên Hồng; bến Bình Than; chiến khu Bải Sậy!
Chuyện thứ 3 xãy ra trong một dịp đầu xuân tôi được mời tham dự buổi khai mạc thư pháp – thư họa nho nhỏ ở địa phương của những người bạn thân quen. Trong buổi trà đàm sau nghi thức khai mạc đơn giản, các “thi nhân mặc khách” đang đối ẩm nói chuyện thơ ca, hội họa mà tôi không sở trường, một người bạn, là cán bộ Phòng Văn Hóa Thông Tin Thể Dục Thể Thao, chỉ tay vào bức thư họa Anh Hùng Áo Vải khá đẹp nói: “Mấy ông dở quá! Dịp tết sao mình không tổ chức vào ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa có phải ý nghĩa hơn không?”. Tôi tủm tỉm giả điên: “Ủa! Nay là mùng bốn, ngày tốt. Ông định nói ngày nào?”. Một người bạn khác, là Trưởng khối Toán-Tin (còn may là không thuộc khối văn hay sử, địa!) nhanh nhảu phán hùng hồn: “Trời! Anh quên lịch sử hết rồi! Ngày mai nè! Ngày vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh, mùng năm tháng giêng năm Mậu Thân 68”!
Chuyện thứ tư thì chắc quý bạn đọc nhiều người biết chứ không chỉ riêng tôi. Số là trong những lần xem các cuộc thi hoa hậu hay vài chương trình hơi có giá trị trên vô tuyến truyền hình (vì có thể ôn lại hay bổ sung kiến thức cho mình) tôi bắt gặp những câu trả lời ngớ ngẫn “khó đỡ” của vài thí sinh – có bằng cấp đàng hoàng mới được vào thi theo như điều lệ dự thi – kiểu như: “Những nữ anh hùng dân tộc Việt Nam em biết gồm Hai Bà Trưng, bà Triệu, bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, bà Nguyễn Thị Định, chị Võ Thị Sáu”; hay khi vị Giám Khảo hỏi: “Theo câu trả lời của em thì những anh hùng lịch sử của nước ta có: Hưng Đạo Vương; Trần Quốc Toản; Trần Hưng Đạo; Trần Quốc Tuấn; Quang Trung, Nguyễn Huệ v.v… Thế em căn cứ vào tài liệu, sách giáo khoa nào để có kiến thức này và cho rằng họ là những người khác nhau?” Trả lời: “Dạ căn cứ vào tên đường tại thành phố chúng ta. Em nghĩ mỗi tên đường là tên một vị anh hùng”!
HẾT CHUYỆN !!!
CHÚ THÍCH:
– Các tiêu đề chỉ mục in đậm màu xanh là do Thư Viện GĐPT Online bổ sung vào.
– Nội dung các bài trích đăng là nguyên văn. Thư Viện GĐPT Online chỉ sửa chửa các lỗi chính tả.
QUANG MAI sưu tầm & tổng hợp.