HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
NHỮNG HẠT PHẤN THÔNG VÀNG
Tham luận của Huynh Trưởng Thị Nghĩa – Trần Trung Đạo
trong Khóa Hội Thảo “Gia Đình Phật Tử Giữa Giáo Hội (Tông và Hệ Phái)”
của Gia Đình Phật Tử Miền Quảng Đức
thuộc Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ.
—=oOo=—
Câu chuyện trở thành Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) của tôi rất tình cờ như một nhân duyên chợt đến chứ không qua một trại huấn luyện nào.
Cách đây khoảng 25 năm, Hòa Thượng Thích Trí Chơn viếng thăm chùa Lục Hòa ở Boston. Trong một buổi lễ, Huynh Trưởng Tâm Chí – Trương Xuân Bảo, hiện đang sống ở Boston, lại gần và nói nhỏ với tôi: “Em nên phát nguyện làm Huynh Trưởng.” Tôi vẫn nhớ lời anh khuyên “Gia Đình Phật Tử quá cần những Huynh Trưởng đã từng là Đoàn Viên lâu năm và có điều kiện học hành ở cả trong lẫn nước ngoài để hướng dẫn các em sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại.”
Tôi hiểu ý anh. Đáp ứng với hoàn cảnh lịch sử và các biến đổi hết sức nhanh của thời đại, người Huynh Trưởng phải có khả năng thích nghi và vận dụng các đổi mới không ngừng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Truyền thống sẽ trở thành thói quen và mai một theo thời gian nếu không ngừng hiện đại hóa.
Nhưng tôi không nhận lời vì biết mình không thể gánh vác thêm trọng trách. Tôi có quá nhiều việc phải làm. Ngoài đời sống áo cơm ra, tôi phải đi nhiều nơi và dành thời gian để viết về những vấn đề mà đất nước đang đương đầu. Cuộc cách mạng tin học vừa mở ra một không gian mới cho đất nước, trách nhiệm của những người cầm bút là phải soi rọi ánh sáng vào. Những lời dặn dò “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của nhà cách mạng Phan Chu Trinh vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Tuy nhiên khi lễ bắt đầu, Trưởng Tâm Chí vẫn xướng danh Thị Nghĩa – Trần Trung Đạo. Tôi ngượng ngùng đứng lên để nói vài lời. Đứng trước Tam Bảo uy nghiêm, với ánh mắt của Hòa Thượng Trí Chơn đang nhìn về phía tôi, Trưởng Tâm Chí và đồng bào Phật Tử đang chờ câu trả lời, tôi không biết làm thế nào để nói lời từ chối. Hôm đó, tôi phát nguyện làm một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử.
Tôi viết khá nhiều bài có liên quan đến GĐPT nhưng thường ký với tư cách một Đoàn Viên. Nhưng sau lễ phát nguyện đó tôi nghĩ mình dù muốn hay không đang là một Huynh Trưởng. Một Huynh Trưởng trong GĐPT Viên Lạc ở Boston tặng tôi chiếc áo Đoàn.
Thời gian dần trôi, duyên nghiệp cuốn tôi theo nhiều ngả nhưng trong lòng vẫn luôn nghĩ chỉ có một tổ chức tôi có trách nhiệm với sự thịnh suy là Gia Đình Phật Tử.
Trong vài phút đứng trên bục, trí nhớ tôi hiện ra hình ảnh căn phòng khá rộng bên cạnh gốc đa già ở chùa Viên Giác là văn phòng Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Nam, hình ảnh Sư Phụ chúng tôi từng là Trưởng Ban Hướng Dẫn tỉnh, rồi Đặc Ủy Thanh Niên và trước ngày viên tịch là Chánh Văn Phòng Viện Hóa Đạo trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN). Tôi mỉm cười tự nhủ, chiếc lá bay đi và chiếc lá lại bay về.
Nơi tôi đã phát nguyện gia nhập GĐPT lúc chỉ mới sáu hay bảy tuổi là chùa Ba Phong, thuộc quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngôi chùa nhỏ cách bờ sông Thu Bồn thơ mộng một đoạn không xa là nơi Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, khi chưa xuất gia là Liên Đoàn Trưởng đầu tiên của GĐPT Ba Phong, và tôi đã lớn lên.
Tôi mồ côi mẹ khi mới ra đời, không anh chị em, nên GĐPT còn là gia đình riêng của tôi. Các chị Trưởng vá chiếc áo Đoàn duy nhất cho tôi mặc, các anh Trưởng tập tôi hát “Dòng A Nô Ma”. Các anh chị là những giọt sương mai trên ngọn cỏ đời tôi.
Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh là một trong số ít giảng sư thuộc Giảng Sư Đoàn của Giáo Hội khi GHPGVNTN vừa được thành lập năm 1964. Giống như một giảng sư khác là Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Hòa Thượng Tâm Thanh có lối thuyết pháp như đọc thơ, nhẹ nhàng và lôi cuốn. Chúng tôi gặp nhau lần cuối năm 1980 khi tôi về thăm quê và chùa trước khi ra đi. Ngồi trong chánh điện của chùa Ba Phong chúng tôi ôn lại những kỷ niệm thời tôi còn thơ ấu. Cố Hòa Thượng là Cố Vấn Giáo Hạnh của GĐPTVN.
Sau lễ phát nguyện ở chùa Lục Hòa, Dorchester, Massachusetts một thời gian, tôi viết tiểu luận “Người Huynh Trưởng thời đại” đăng trên Hoa Đàm và các em in thành tập sách mỏng với tiếng Việt và Anh để chia sẻ quan điểm về hướng đi của GĐPT. Bài viết có nội dung thẳng thắn nhưng văn phong đủ nhẹ nhàng để anh chị em đọc tới dòng cuối mà không ném bỏ hay cất vào ngăn kéo.
Tôi nhấn mạnh trong bài các mục tiêu chính của hiện đại hóa GĐPT: “Mục đích đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần vào việc cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại có đạt được hay không, và thậm chí tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại có tồn tại hay không, tùy thuộc vào việc chúng ta chọn lựa một hướng phát triển thích nghi với thời đại.
Tổ chức Gia Đình Phật Tử thời đại phải phát triển thích nghi trong một môi trường mới với một hệ thống xã hội mở; kính trọng các nguyên tắc dân chủ; mở rộng việc phát triển Đoàn vào các cấp trung học, đại học và các tầng lớp chuyên gia tại các công tư sở, phát động phong trào học Phật (Buddhism Study) trong giới trẻ tại các đại học; mở rộng mạng lưới liên kết để học Phật trong giới trẻ với các tổ chức Phật Giáo tại các quốc gia mà chúng ta đang cư ngụ; các trại huấn luyện được thay bằng các lớp giáo lý ở chùa; các hội nghị Phật học bằng hai thứ tiếng do Chư Tôn Đức giảng dạy mỗi mùa hè; khuyến khích Đoàn Viên ghi học các môn Phật học tại đại học; tổ chức các hội thảo chuyên đề về giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật để đào tạo Đoàn Viên thành những chuyên viên giỏi, đa dạng về chuyên môn lẫn tư cách lãnh đạo (leadership); dấn thân vào các hoạt động văn hóa, xã hội để đem lại lợi lạc cho địa phương nơi Đoàn Viên đang cư ngụ thay vì quanh quẩn trong Đoàn Quán của mình; đơn giản hóa các thủ tục và hình thức kể cả đồng phục; trẻ trung hóa và sinh động hóa hoạt động của Đoàn.”
Tôi rất vui vì các Trưởng mang trọng trách đều đọc. Đọc là mừng rồi. Trước khi chia tay nhau vĩnh viễn tại một bịnh viện ở San Diego, Trưởng Tâm Huệ – Cao Chánh Hựu còn nhắc lại như trối “Anh hy vọng vào thế hệ của em”. Tôi hiểu ý anh nên khi có điều kiện tôi vẫn cố gắng đóng vai trò của một Huynh Trưởng GĐPT.
Vụ Gia Đình Phật Tử quan trọng nhất trong sáu Vụ thuộc Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN. Lý do được gọi quan trọng nhất vì GĐPT là một tổ chức đông đảo, có kỷ cương, hệ thống chặt chẽ sâu rộng khắp tám Miền Giáo Hội (Vạn Hạnh, Liễu Quán, Khuông Việt, Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Vĩnh Nghiêm, Quảng Đức). Các Vụ khác như Thanh Niên Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử ít hơn nhiều và hai vụ Hướng Đạo Phật Tử và Phật Tử Thiện Chí chỉ có tính đại diện nhưng không có văn phòng hay sinh hoạt nào cụ thể được biết đến.
Rời chùa Viên Giác và sau đó vào đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tôi có duyên được đảnh lễ nhiều Tôn Đức trong Giáo Hội, lắng nghe và học hỏi nơi các Thầy. Tôi dự các lớp học, các buổi thảo luận chuyên đề dù các lớp học đó không liên quan trực tiếp đến ban ngành hay tín chỉ đại học của tôi.
Ngay tại Trung Tâm Quảng Đức trên đường Công Lý, Sài Gòn trước đây, văn phòng của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN cũng chiếm gần hết dãy bên trái từ lối vào của trung tâm. Trước 30-4-1975, Trung Tâm còn là nơi cư ngụ của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng đầu tiên của Tổng Vụ Thanh Niên. Phòng nghỉ của Cố Đại Lão Hòa Thượng trong khu nhà bên phải Trung Tâm nhưng Thầy thường đi bộ dọc hai hành lang Trung Tâm trong những buổi chiều. Sau này khi nhớ về Thầy tôi viết trong thơ: “Bước chân thầy đi khập khiễng những buổi chiều, dọc hai hành lang Trung Tâm Quảng Đức, vết thương nặng dù nhiều năm đau nhức, vẫn cố nghiêng người mang Đạo Pháp trên vai, Thầy còn đây với biển rộng sông dài…”
Rồi mùa bão tới, những Huynh Trưởng và Đoàn Viên GĐPT chịu chung số phận của đất nước và Giáo Hội. Một số đông các anh bị nhốt trong lồng sắt ở quê hương, một số không nhỏ các em bay ra biển đảo quê người. Những mùa đông rất dài trong chốn lao tù và cũng không kém lạnh lùng nơi đất khách. Những biến cố từ bên ngoài và cả bên trong đã làm gián đoạn sự cảm thông.
Phân tích cho cùng, những gián đoạn đó là hệ quả tự nhiên và khách quan của thời thế không thể nào tránh khỏi. Các lực tác động từ bên ngoài quá lớn và quá mạnh lên những tấm thân gầy yếu về cả thể lực lẫn tinh thần của các anh, các chị.
Như một lần tôi viết, giá trị của một con người không phải ở chỗ người đó ngã quỵ xuống mà ở chỗ người đó biết đứng lên. Xúc động biết bao khi các anh, các chị đã đứng lên được và tiếp tục hành trình của những người Huynh Trưởng.
Với một vết thương sâu và mưng mủ lâu năm như vết thương Việt Nam, không thể chữa bằng thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây hay thuốc Mỹ; thuốc đổ thừa, thuốc oán trách, mà bằng thuốc từ tâm trong sáng. Trong trường hợp chúng ta, tâm trong sáng của một người Phật Tử để thấy đúng và sai, thấy những phương pháp một thời thích hợp đã không còn thích hợp. Đức Bổn Sư dặn dò trong những phút cuối cùng “Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi!”
Mỗi Huynh Trưởng, mỗi Đoàn Viên GĐPT nên lắng lòng nhìn lại chính mình để vượt qua những danh vọng ảo, giới hạn hẹp hòi của Tông Phái; “Giáo Hội”; “thầy nào trò nấy”; “anh chị nào các em nấy”, để sống trong yêu thương dưới mái nhà Lam và vì tương lai của GĐPT. Chúng ta phải tự vượt qua, phải sống thật. Nếu mỗi chúng ta không vượt qua được những yếu tố tiêu cực của bản thân mình, rồi những “niềm tin”, “quyết tâm”, “đoàn kết” chỉ là sáo ngữ. Hãy để lại dấu chân mình trên con đường trước mặt. Đừng ngồi đó chờ ai đến mà hãy tìm đến nhau, cầm tay nhau và khi chia tay nhớ cùng nhau hát bài “Dây thân ái”. Ngày trước Trưởng Phan Cảnh Tuân đi khắp nơi chỉ bằng chiếc xe đạp cũ, Trưởng Nguyễn Thị Thu Nhi đội chiếc nón lá và đi bộ một quảng đường dài đến đất trại. Anh chị vẫn mỉm cười và không hề than thở. Những nhạc phẩm hay nhất của GĐPT được các Trưởng Lê Cao Phan, Phạm Mạnh Cương, Lê Mộng Nguyên, Đỗ Kim Bảng, Ngô Mạnh Thu v.v… viết trong những chiếc lều vải, bên ánh đèn dầu. Những tạp chí, bích báo viết bằng ngòi bút lá tre hay sau này quay “ronéo” lem luốc. Ngày nay chúng ta có quá nhiều thứ. Nhưng với tất cả phương tiện đang có mà không làm được gì thì thật có lỗi với các anh chị đi trước và với các em sau này biết bao nhiêu!
Khi còn nhỏ tôi thường im lặng trước những nghịch cảnh của đời mình và khi lớn lên tôi im lặng trước những chuyện không thể nào nói hết.
Im lặng không phải bao giờ cũng là một thái độ tiêu cực hay đồng ý với một lời phê phán, mà trong nhiều trường hợp lại là cách phản đối tích cực nhất. Im lặng để theo đuổi ước mơ, tâm nguyện và lý tưởng của đời mình. Đường còn xa, không nên vì vài ổ gà, mô đất hay dăm cây gai mà thoái chí hay dừng lại. Lịch sử là lịch sử của trăm năm, ngàn năm chứ không chỉ vài chục năm thôi. Không nên lấy đời mình làm thước đo cho chiều dài lịch sử.
Ước mơ và lý tưởng của tôi đơn giản như nhiều người Việt khác. Tôi mơ ước Việt Nam dân chủ trong tương lai sẽ là căn nhà chung của mọi tôn giáo. Các tôn giáo là những dòng suối tình thương, những dòng sông bác ái hòa vào mạch sống chung của dân tộc, đem lại dòng sinh khí cho quê hương vốn đã bao năm chìm đắm trong hận thù tang tóc. Các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo của Việt Nam tương lai sẽ là những cột kèo, mái vách gìn giữ cho căn nhà đạo đức Việt Nam mỗi ngày một thêm bền vững. Các Ngài sẽ là những bậc thầy đáng kính dạy dỗ cho các thế hệ Việt Nam mai sau được lớn lên trong tình đồng bào ruột thịt, biết yêu thương nhau, bao dung và che chở cho nhau.
Điều đáng mừng, bao nhiêu biến cố đã xảy ra, bao nhiêu đợt sóng ngầm đang dội lại nhưng căn nhà GĐPT chẳng những không bị cuốn trôi mà còn đang vươn lên mạnh mẽ trong hầu hết các lãnh vực.
Văn hóa không chỉ nằm trong sách vở mà còn trong máu, trong suy nghĩ, trong nhận thức được truyền thừa kỷ nguyên này sang kỷ nguyên khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ở hải ngoại, nhiều tác phẩm tưởng chừng như đã mất đi được sưu tầm in lại và cùng lúc nhiều tác phẩm khác của các Cư Sĩ và Đoàn Viên GĐPT lần lượt ra đời. Tác giả của chúng là những nhà văn, nhà thơ đã thành danh trước 1975 nhưng cũng có khá nhiều khuôn mặt mới. Dòng văn học Phật Giáo chở nặng phù sa lại tiếp tục trôi đi tô đắp cho mùa màng dân tộc.
Như bụi lau phải cong xuống trong cơn bão nhưng một khi cơn bão qua đi bụi lau lại đứng lên và cười reo trong gió. Vườn Lộc Uyển bị san bằng. Đại học Nalanda bị tàn phá. Tuy nhiên, ngày nay Phật Giáo có mặt khắp nơi trên trên thế giới từ những vùng sa mạc Phi Châu khô cằn cho tới tận miền Siberia băng giá.
GĐPT không mất mát quá nhiều nên không có nhu cầu chấn hưng hay hồi phục. Nhu cầu lớn nhất mà các thế hệ GĐPT cần phải làm là hiện đại hóa GĐPT.
Thời đại ngày nay là thời đại của các đề án năng động (dynamic project) thay vì theo chức năng, ban ngành (functional organization structure) khô cứng như sáu, bảy chục năm về trước. Các sinh hoạt phải mang tính cấu trúc được đề án hóa (projectized organization structure) để qua đó tận dụng khả năng của mỗi người, của mỗi Gia Đình, mỗi Miền và của toàn đại gia đình GĐPT.
Trong thời đại internet, anh chị em Đoàn Viên GĐPT dù ở đâu trên trái đất này vẫn có thể đóng góp một cách hữu hiệu vào một hay nhiều đề án mà anh chị em có khả năng đóng góp. Hiệu năng sẽ tăng theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng. Như chúng ta từng chơi Trò Chơi Lớn, một Đội Viên không có khả năng ghi “morse” nhanh nhưng lại giỏi gút, giỏi xây lều, băng rừng, vượt suối. Tóm lại, phải tận dụng ưu thế, sở trường của mỗi người qua các đề án.
Rất mừng vì các sinh hoạt mang tính đề án như thế đang được hình thành.
Chỉ riêng hải ngoại, trong thời gian vừa qua, các Huynh Trưởng thuộc thế hệ trung niên đã lên đường. Trên Amazon tràn ngập sách Phật Giáo Việt Nam do nhóm Hoa Đàm âm thầm thực hiện suốt hơn mười năm qua. Các văn nghệ sĩ Phật Tử được khuyến khích và giúp đỡ in thêm nhiều tác phẩm. Chương trình giới thiệu các tác phẩm văn học Phật Giáo “Có Mặt Cho Nhau” được tổ chức tại nhiều nơi. Các hệ thống truyền hình Phật Giáo được thành lập và đang phát rộng rãi trên internet. Chương trình học bổng Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vừa được ra đời. Họ không hỏi anh chị gốc gác ở đâu, Thầy Tổ là ai, thuộc Tông Phái nào, thuộc “Giáo Hội” nào, chùa nào, cấp nào. Họ nhìn nhau bằng ánh mắt thương yêu, bắt ấn Tam Muội chào rồi nắm tay nhau bắt tiếp những nhịp cầu. Họ chỉ có một mục tiêu để theo đuổi: Hiện đại hóa GĐPTVN.
Nội dung chi tiết của hiện đại hóa cần phải được thảo luận và đúc kết qua nhiều hội nghị chuyên đề nhưng những công việc anh chị em vừa thực hiện ở trên đây là những bước đầu đáng khuyến khích và ca ngợi.
Hiện đại hóa không đồng nghĩa với kỹ thuật hóa. Tài năng dễ kiếm nhưng đức độ khó tìm. Ngay từ những ngày đầu, Trưởng Giả Tâm Minh – Lê Đình Thám và các Trưởng thành lập đã muốn nhấn mạnh Gia Đình Phật Tử không chỉ là một hội đoàn, một tổ chức như các tổ chức, hội đoàn khác trong sinh hoạt xã hội mà trước hết là một “Gia Đình” với tất cả những ý nghĩa trách nhiệm, tin yêu, đùm bọc và hy sinh. Dù là Gia Đình Phật Hóa Phổ (1943) hay Gia Đình Phật Tử (1951) mục tiêu “đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần vào việc cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo” vẫn không thay đổi. Lịch sử GĐPT cho thấy sợi chỉ màu lam đó đã nối dài và chưa hề đứt đoạn sau bao nhiêu thăng trầm của GĐPT suốt gần tám chục năm qua.
Hiện đại hóa GĐPT cũng không có nghĩa là thay đổi mục đích, nội dung hay ngay cả hình thức của chiếc áo lam nhưng phát triển những truyền thống, những giá trị tuyệt vời của GĐPT vốn đã có một cách sâu rộng và thích nghi với xã hội mở ngày nay.
Hiện đại hóa GĐPT sẽ khó thành công và không trọn vẹn nếu thiếu đi sự chăm sóc tinh thần, cố vấn giáo hạnh của Chư Tôn Đức giáo phẩm. GĐPTVN không phải tự thân ra đời mà là nhánh thế hệ trẻ của cao trào Chấn Hưng Phật Giáo trong hai thập niên 1930, 1940.
Trong hai mươi năm đầy thử thách đó của lịch sử dân tộc, nếu không có tiếng gậy trúc của Chư Tổ: Thập Tháp, Giác Tiên, Giác Nguyên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Từ Quang, Khánh Hòa, Khánh Anh, Vĩnh Nghiêm, Tuệ Tạng v.v… chỉ đường, GĐPT đã đi lạc ngay trong những ngày đầu thành lập và có thể đã trở thành công cụ cho một thế quyền nào đó. Ngày nay cũng thế. Thách thức khó khăn vẫn còn đầy. Nhưng nếu nhận được sự chăm sóc tinh thần chu đáo của Chư Tôn Đức giáo phẩm, GĐPT sẽ thành công trong nỗ lực hiện đại hóa.
Người Huynh Trưởng GĐPTVN như những hạt phấn thông vàng bay trong gió. Không ai biết ngày mai sẽ rơi xuống ngọn đồi nào. Nhưng dù ở đâu trong mỗi hạt phấn đã có sẵn mầm Bi-Trí-Dũng và nơi đó sẽ mọc lên thành cây xanh, đâm chồi tươi tốt.
Tinh Tấn!
Thị Nghĩa TRẦN TRUNG ĐẠO
Nguồn: sentrangusa.com