Lại thêm một văn kiện gây khó dễ, cản trở Phật Tử mừng đại lễ Phật Đản PL.2561

 

Trong khi dư luận của tín đồ Phật Giáo, xã hội cũng như mạng truyền thông vẫn chưa hết bất bình về cái “công văn” quái gở số 531/UBND ngày 21 tháng 4 năm 2017 của UBND xã Bà Điểm “v/v treo cờ, biểu ngữ, pano tại các cơ sở tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên địa bàn xã nhân dịp đại lễ Phật Đản PL.2561” có nội dung ngăn cấm treo cờ, biểu ngữ mừng đại lễ Phật Đản để… giữ vẽ mỹ quan đô thị, an toàn giao thông v.v… (xem thông tin ở đây), thì tôi đọc được bản chụp văn bản số 08/UBND-VP ngày 28/4/2017 của UBND xã Hòa Khương (thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam) do ông Nguyễn Lương Thành – Phó Chủ Tịch, ký thay Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân xã “V/v hướng dẫn quản lý, tổ chức Lễ Phật Đản PL.2561 – DL.2017” cũng có các nội dung cố ý hạn chế những hoạt động kỷ niệm ngày Phật Đản của Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo (nội dung đọc trong hình dưới đây):

Bỏ qua đi những lỗi chính tả và lỗi văn phạm ngớ ngẩn (dân hương… Ban Hằng pháp… năm 2017 âm lịch… v.v…) trong văn bản, thì trong cái gọi là “nội dung hướng dẫn quản lý , tổ chức lễ Phật Đản” của UBND xã Hòa Khương có những điểm phi lý biểu lộ rõ mục đích cố tình gây khó dễ, hạn chế, ngăn cấm các hoạt động tôn giáo chính đàng – cụ thể là của Phật Giáo, trong dịp lễ Phật Đản.

Tại điểm 1 của văn bản:

Chỉ chấp thuận cho các chùa cơ sở tổ chức các hoạt động đón mừng đại lễ như thuyết pháp, văn nghệ, công tác từ thiện nhân đạo, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ… [nguyên văn]. VẬY: “Chùa cơ sở” là chùa loại nào? Chùa cấp nào là “chùa cơ sở”? Và chỉ “chùa cơ sở” cấp nào mới được UBND xã Hòa Khương “chấp thuận cho” tổ chức lễ Phật Đản?

Các vị trong Ban Hoằng Pháp, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng hoặc các vị trong Ban Trị Sự Phật Giáo huyện Hòa Vang mới được thuyết pháp… [nguyên văn]. Ô HAY! Vậy nếu một vị Tăng, Ni trụ trì một chùa nào đó – và cũng có thể là một Cư Sĩ trong các Ban Đại Diện, Ban Hộ Tự, Ban Hộ Trì Tam Bảo ở chùa chưa có Tăng, Ni trụ trì – tổ chức lễ Phật Đản đơn giản hay với quy mô nhỏ, trước hoặc sau buổi lễ Phật nói – hoặc nhờ một vị Tăng, Ni nào đó nói chuyện – với Phật Tử về ý nghĩa đản sanh của Đức Phật, hay ý nghĩa lễ Phật Đản, hoặc sách tấn Phật Tử tu tập theo đức Phật mà họ hiện đang làm lể kỷ niệm đản sanh liệu có phải là thuyết pháp? Liệu có vi phạm cái văn bản “hướng dẫn, quản lý” này? Liệu có bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật (theo văn bản này)?

– Và …âm thanh phục vụ cho việc thuyết giảng chỉ vừa đủ nghe, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của khu dân cư [nguyên văn]. ỪA! Vậy là đúng quá đi chứ! Nhưng bao nhiêu dB (decibel, đề-xi-ben) thì “vừa đủ nghe”? Và các ông bà cán bộ UBND xã có bao giờ nghe âm thanh của một buổi thuyết giảng ở chùa (qua loa phóng thanh) lớn hơn âm thanh một chương trình văn nghệ của các đám cưới trong địa phương quý vị? Âm thanh trong những cái đám cưới đó phải chăng “chỉ vừa đủ nghe“, “không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư“, và mức độ âm thanh trong các trường hợp ấy đã bao giờ quý vị “hướng dẫn, quản lý”? Đọc qua thì nghe cũng có lý, nhưng ngẫm lại tôi thấy có sự bất bình đẳng, không công bằng nếu không nói là bất bình thường và o ép một cách tinh vi, có tính toán đối với tín đồ Phật Giáo ở đây!

Các công tác từ thiện nhân đạo nhất thiết phải có sự thống nhất của UBND xã nhằm mục đích hổ trợ đúng đối tượng [nguyên văn]. ỦA! Ngộ vậy! Giả dụ nhân mùa Phật Đản, nhà chùa phát tâm bố thí theo lời Phật dạy, phát cho Phật Tử trong chùa, trong Đạo Tràng một món quà, vài thứ nhu yếu phẩm nào đó nhằm hổ trợ nội bộ cho các gia đình Phật Tử nghèo túng, khó khăn thì cũng “nhất thiết phải có sự thống nhất của UBND” à? Đó là chưa nói qua sự “nhất thiết” ấy đã chắc sẽ “đúng đối tượng”? Chúng tôi đã từng tham gia nhiều cuộc cứu trợ bão lụt, cứu trợ hỏa hoạn v.v… và đã biết quá rõ tại sao “nhất thiết” phải có “sự thống nhất của Ủy Ban” rồi nhưng sẽ không nói ở đây vì không thuộc phạm vi bài viết này.

Trong điểm 2 của văn bản:

Các cá nhân đạo hữu Phật Tử đang sinh hoạt tại chùa cơ sở nếu có nhu cầu lập hương án, treo cờ Tổ Quốc, cờ Phật Giáo đón mừng đại lễ tại nhà riêng thì phải xin phép UBND xã Hòa Khương… [nguyên văn]. CHÀ! Vụ này là các ông bà cán bô xã (Hòa Khương) ép người quá đáng và nói trật lất rồi nghe! Không phải chỉ “cá nhân đạo hữu Phật Tử” đâu mà là các gia đình theo đạo Phật; và không phải chỉ vì “có nhu cầu” mà là vì bổn phận tâm linh đối với tôn giáo của họ, vì tôn kính Đức Phật của họ, một Đức Phật mà Liên Hiệp Quốc đã long trọng tôn vinh và hằng năm đều tổ chức trọng đại ngày lễ Vesak (Tam Hợp: Đản sanh, thành đạo, nhập Niết Bàn) hẳn hoi – do đó ngày đại lễ Phật Đản từ lâu đã trở thành ngày lễ quốc tế chứ không riêng gì ở Việt Nam hay xã Hòa Khương đâu nhé! – vậy mà trong dịp đại lễ như thế họ lại “phải xin phép UBND xã” để được “lập hương án, treo cờ Tổ Quốc, cờ Phật Giáo” ngay trong nhà riêng hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của họ với sổ đỏ, sổ hồng chứng nhận quyền sở hữu bất động sản của họ và hằng năm họ đã nộp thuế đầy đủ hay sao?

– …để được hướng dẫn và chỉ thực hiện trong khuôn viên nhà ở trong thời gian từ ngày 3/5/2017 đến hết ngày 11/5/2017 (nhằm ngày 08 đến 16 tháng 4 năm 2017 âm lịch) [nguyên văn] Ồ! Chẳng biết quý vị sẽ “hướng dẫn” lập hương án, làm lễ đài, treo cờ như thế nào nhưng quý vị quy định chỉ trong thời gian từ ngày 3 đến hết ngày 11/5/2017, tức từ ngày 8 đến hết ngày 16.4.ÂL Kỷ Dậu (theo tôi hiểu có lẽ vậy mới chính xác) thì khắt khe với Phật Tử thái quá! Ngộ nhở đến ngày 12/5/2017 chẳng hạn, gia đình có người bị tai nạn giao thông, hoăc tai biến, đột quỵ, hay chuyển bụng đẻ phải đưa đi bệnh viện rồi gia đình phải chăm sóc vài ba ngày, không có ai tháo dỡ “hương án”, cờ xí đã trang hoàng cho kịp thời thì phải làm sao??? Giá nào cũng phải thuê người tháo dỡ để cho đúng lệnh của Ủy Ban xã theo văn bản? Hay Ủy Ban xã sẽ “cưởng chế tháo dỡ” vì vi phạm pháp luật? Tôi chịu, không nghĩ ra biện pháp đối phó với tình huống này! Có lẽ việc làm “đúng” nhất là lại làm đơn “xin phép” UBND xã Hòa Khương cho chậm trể việc chấp hành tháo dỡ vài hôm để khỏi vi phạm văn bản “tổ chức, quản lý lễ Phật Đản” vậy!

Nói tóm lại, không phân tích thêm về chuyện “nhiêu khê” và nhạy cảm là “hoạt động tôn giáo trái pháp luật” như thế nào để “ngăn chặn” và không trái pháp luật là như thế nào để “xin phép“, theo tinh thần văn bản nêu trên; xin để cho các bậc cao minh có học hàm, học vị thật, có bằng cấp thật, đã được bổ nhiệm vào các cơ quan công quyền hữu quan phân tích, lý giải và áp dụng. Với một tín đồ theo đạo Phật hiểu biết có hạn, tôi chỉ nhìn thấy được bấy nhiêu trên và với bổn phận một tín đồ, một công dân tuân thủ luật pháp – không tố giác sai phạm là vi phạm pháp luật – tôi thấy phải công khai cảnh báo để các ông bà cán bộ UBND xã Hòa Khương phải tức khắc có một văn bản khác điều chỉnh, hợp lý hóa lại nội dung văn bản của các vị ký tên, đóng dấu và đã phổ biến rộng rãi trong địa phương nêu trên; còn nhược bằng các vị cứ “mũ ni che tai” thì cấp trên trực tiếp các vị nên học theo gương xử lý sự việc tương tự của UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Tp.HCM một cách kịp thời để Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo xã Hòa Khương phải được đối xử công bằng, đúng luật trong những ngày mừng Phật Đản năm nay, vì trong khi quý vị rề rà giải quyết thi ngày Đại Lễ Phật Đản PL.2561 chính thức của Việt Nam và của thế giới đã cận kề.

Tưởng không cần phải lưu ý quý vị cán bộ UBND xã Hòa Khương rằng trong thời đại bùng nổ công nghệ với những thiết bị kỹ thuật vô cùng hiện đại, cùng với tốc độ truyền thông tăng trưởng đến chóng mặt như hiện nay, không điều gì có thể bưng bít được trong một địa phương nhỏ bé như những thập niên trước đây nữa đâu!

QUANG MAI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.