MÙA GẶT ÁC
Bi kịch – 4 màn
Tác giả: VÕ ĐÌNH CƯỜNG
———=oOo=———
NHÂN VẬT:
- HÁCH: 45 tuổi, một tay gian hùng, quyền thế.
- HƯƠNG: 32 tuổi, vợ kế của Hách.
- PHƯƠNG HẠNH: 22 tuổi, con chồng trước của Hương.
- HÙNG: 20 tuổi, em ruột của Phương Hạnh.
- BẢO: 25 tuổi, con trai riêng của Hách.
- NGUYỆT: 18 tuổi, người ở gái của Hách và Hương.
- TRƯỞNG PHÊ: 45 tuổi, ông thân của Nguyệt.
- HÀI NHI: Con mới sinh của Hách và Hương.
- MỘT THẦU KHOÁN vào khoảng 40 tuổi.
THỜI GIAN & KHÔNG GIAN:
Xảy ra vào một buổi chiều 30 Tết trong giai đoạn chiến tranh Việt Pháp, tại một thị xã miền Bắc.
oOo
MÀN I
KHUNG CẢNH: Tại một nhà tranh vách đất, trong cùng là một bàn thờ xiêu vẹo, trên có một bát nhang, hai cây đèn gỗ, một ly nước trong và một bức chân dung của người quá cố. Bên tả, một cái giường tre; bên hữu một cái bàn và hai cái ghế. Trên bàn có vài tờ báo Tết.
NHÂN VẬT:
- PHƯƠNG HẠNH.
- HÙNG.
- BẢO.
- NGUYỆT.
Màn kéo lên trong lúc Phương Hạnh, y phục tầm thường, đang đứng quét dọn, sắp đặt bàn thờ. Một chốc có tiếng gõ cửa, Phương Hạnh nhìn ra. Bảo bước vào, âu phục chỉnh tề, tay xách kẹp da nhỏ, thứ mà người ta thường dùng để đựng bạc hay súng lục.
BẢO: Cô Hạnh làm gì đấy?
HẠNH: Chào anh Bảo! Tôi đang quét dọn bàn thờ. Chà! 29, 30 Tết rồi mà anh còn thời giờ đến thăm. Mời anh ngồi chơi.
BẢO: (ngồi xuống ghế, để kẹp da trên bàn, bên cạnh tập báo Tết): Đến thăm cô thì lúc nào cũng có thời giờ hết. Vả lại, sắp sang năm mới rồi, tôi cũng cần gặp cô lần cuối để giải quyết cho xong vấn đề… (ngập ngừng) vấn đề còn dây dưa giữa chúng ta.
HẠNH (giả vờ ngạc nhiên): Vấn đề… giữa chúng ta? Giữa chúng ta có vấn đề gì đâu? Vấn đề riêng của anh thì có.
BẢO (lúng túng lật qua lật lại mấy trang báo): Vâng, thì riêng của tôi. Nhưng lại do cô giải quyết. Cô Hạnh ạ! Hơn hai năm rồi, cô bắt tôi chờ đợi và còn chờ đợi không biết đến bao giờ nữa?
HẠNH: Anh nói oan cho tôi. Tôi bắt anh chờ đợi đâu? Ngay từ đầu, tôi đã nhất quyết bảo rằng tôi không thể lập gia đình với anh được. Tôi đã có vị-hôn-phu rồi và tôi chờ đợi ngày về của anh ấy.
BẢO (mỉa mai): Ngày về! Biết có ngày về không? Hay đã mục xương dưới đất, hay đã theo duyên mới rồi? Thời loạn ly, ai giữ mãi được trung thành.
HẠNH: Vâng, có thể như thế lắm, nhưng trong lúc chưa có tin tức gì chắc chắn thì tôi cứ đợi, đợi mãi…
BẢO (cười khẩy): Cứ đợi! Nhưng tuổi xuân có đợi cô đâu?
HẠNH: Vâng, thì tôi sẽ già vậy! Và tôi cũng mong cho mau già để người ta đừng khuấy rầy tôi nữa.
BẢO (nói có vẻ đau đớn): Khuấy rầy! Cô bảo mối tình chân thành của tôi, mối tình đeo đuổi trong hai năm trời là một sự khuấy rầy, như một con ruồi, như một con muỗi đoanh vây bên cô! (đứng dậy, vịn tay vào thành ghế, nhìn thẳng giữa không trung, như nói với mình): Trời ơi! Đau đớn, nhục nhã! Tôi biết người ta khinh tôi, khinh tôi chỉ vì tôi là con một người mà thiên hạ thường cho là đại gian, đại ác.
HẠNH (ngừng quét, đặt chổi xuống, xây mặt về phía Bảo, nói như van xin): Anh Bảo, xin anh đừng gán cho tôi những ý nghĩ ấy. Anh nói như thế là anh cố ý giết tôi rồi. Địa vị tôi bây giờ còn dám khinh ai nữa: nghèo hèn, túng thiếu, mồ côi cha mẹ, anh em không có, tứ cố vô thân… Chính người ta khinh, chê tôi, cười tôi thì có. Khinh, cười, chê… vì trong thời loạn mà không lợi dụng cái loạn để bước lên địa vị giàu sang. (Cười mai mỉa) Vâng, trong lúc nước đục mà cò vẫn không béo, thì con cò ấy là con cò ngu, con cò dại, có phải không anh?
Có tiếng tằng hắng ở ngoài cửa, Hạnh dừng lại. Nguyệt bưng một khay trái cây đi vào.
HẠNH: À! Em Nguyệt.
NGUYỆT (vui vẻ): Chào cô ạ! Có cả cậu Bảo đây nữa; thảo nào ông gọi cậu mãi không có.
BẢO: Thật à? Thế thì tôi phải về đã (lật đật nắm mũ, bỏ quên cặp da lại dưới tờ báo mà Bảo đã dở ra xem). Chào cô Hạnh, tôi về nhé!
HẠNH: Chào anh! (xây lại phía Nguyệt) Em đem gì thế?
NGUYỆT (đặt khay trái cây xuống bàn): Thưa cô, bà em bảo đem mấy trái cây này sang để cúng ông trong ba ngày Tết. Bà em mới ở cữ ra nên chưa sang thăm được.
HẠNH (giọng mỉa mai): Quý hóa quá! Bà em vẫn không bao giờ quên tình nghĩa cũ. Thật ít người chung thủy như Bà. Em về bẩm lại với Bà là chị xin đội ơn Bà nhé!
Nguyệt để dĩa trái cấy xuống bàn, Hạnh lấy dĩa khác thay mấy trái cây sang. Nguyệt lấy dĩa và khay, chào Hạnh.
NGUYỆT: Thôi, thưa cô em về.
HẠNH: Em ngồi xuống đây chơi đã (kéo tay Nguyệt, bảo ngồi xuống).
NGUYỆT: Dạ (ngồi xuống).
HẠNH (ngồi bên cạnh): Em đến ở với ông bà lớn được mấy năm rồi nhỉ?
NGUYỆT: Dạ được 3 năm. Đến Tết nầy là hết hạn.
HẠNH: Em không ở thêm nữa?
NGUYỆT (cười chua chát): Chừng ấy là nhiều quá rồi. Ở bên ấy sao em thấy ngột thở quá cô ạ. Bệ vệ, quan cách! Trong nhà, chỉ có cậu Bảo là phúc hậu, biết thương người, còn ông bà thì…
HẠNH: Thì sao em?
NGUYỆT (cười kín đáo): Thì sao, cô cũng biết rồi… (đứng dậy) Thôi thưa cô, em về kẻo bà em trông.
HẠNH (cũng đứng dậy): Ừ, thôi em về. Khi nào rảnh sang chơi.
NGUYỆT: Chào cô! (đi ra).
Nguyệt ra, Hạnh ngồi lại một mình, nhìn dĩa trái cây.
HẠNH: Ghê tởm thật! Không biết trên đời này còn có người đàn bà nào giả dối, nguy hiểm đến thế nữa không? Nó mượn hình thức này đến hình thức khác để che mặt thiên hạ. Nhưng nó làm sao che được mắt cha con tôi chứ! (đi tới bàn thờ, nhìn ảnh cha) Cha ơi! Con biết như thế này là khổ nhục lắm, nhưng con không thể nào làm khác được. Mối thù của cha, con mang canh cánh trong lòng không bao giờ nguôi. Ngày nào chưa rửa hờn được cho cha, là ngày ấy con chưa sống yên ổn.
Rút một nắm hương, quẹt diêm đốt, cắm vào bình hương rồi đứng chắp tay bên bàn thờ, lâm râm khấn: Hôm nay là ngày 30 Tết, nhà người ta thì cha con, chồng vợ sum vầy, vui vẻ, khói hương nghi ngút. Còn gia đình ta thì trơ trọi một mình con. Em Hùng bị tù tội oan ức không biết bao giờ về, bặt tin tức. Bàn thờ cha chỉ vỏn vẹn có một ly nước lạnh và một nắm hương tàn (nhìn ra phía dĩa trái cây) À! Còn dĩa quả phẩm kia thì lại không thể để lên đây được, vì là của con ác phụ! Trời ơi! Sao lại mỉa mai, nhục nhã thế này, cha ôi! (gục đầu xuống bàn thờ, nức nở).
Trong khi ấy, Hùng mặc quần ka-ki vàng, áo sơ-mi bạc màu, một tay ôm gói áo quần, một tay nắm mũ, rón rén đi vào; dừng lại nhìn quanh, rồi bước rất nhẹ đến bên cạnh Hạnh, vỗ vào vai chị.
HÙNG: Chị!
HẠNH (giật mình, ngước đầu lên, nhìn Hùng): Trời ơi! Em Hùng! Có thật là em không, hay là ma? Em về từ bao giờ thế? Sao em về được? Ra đây chị xem nào (nắm tay Hùng kéo ra giữa nhà, nhìn thẳng vào mặt Hùng, hai tay bóp vào hai cánh tay của Hùng…)
HÙNG (cười): Chị xem em có phải ma hay là người thật?
HẠNH (cũng cười): Người thật. Sao em về được?
HÙNG: Nhân dịp Tết Nguyên Đán, em được thả ra. Vừa về sáng nay. (Nhìn quanh) Sao nhà vắng vẻ thế này, chị? Dì Hương đâu?
HẠNH: Thì có ai nữa đâu mà không vắng? Như chị đã gởi thư năm kia cho em: sau khi thầy mất, dì Hai đã bỏ đi theo người khác, chỉ còn một mình chị ở đây thôi.
HÙNG: Khi thầy mất, em có nhận được thư chị, nhưng chị không cho em rõ vì sao thầy mất ?
HẠNH: Ừ, chị thấy không tiện nói rõ. Vả lại… (vẻ mặt xịu xuống) vả lại, em ơi! Cả một thiên trường hận, viết làm sao cho hết được…
HÙNG: Nhưng bây giờ thì chị không thể không cho em biết được! Chị Hạnh, vì sao thầy mất?
HẠNH: (nhìn em, đau khổ): Em ơi! Mỗi lần nói ra là mỗi lần đứt cả ruột. Uất ức trào lên tận cổ.
HÙNG: Chị kể mau đi! Em nóng lòng muốn biết lắm.
HẠNH: Nhưng em hãy hứa với chị là em sẽ bình tĩnh để nghe hết câu chuyện; và sau khi nghe xong, em đừng nóng nảy làm một việc gì có thể sinh hậu hoạn.
HÙNG: Vâng, em xin hứa như thế. Chị kể mau đi.
HẠNH: Em ơi! Dì Hương thật là con ác phụ. Nguyên là hồi tản cư, gia đình ta ở bên cạnh nhà lão chánh Hách. Lão ấy thường qua lại nhà ta chơi và lợi dụng sự quen thân ấy để tư thông với dì Hương. Thế rồi mặt trận vỡ, gia đình ta hồi cư về đây cùng một lần với chánh Hách. Thầy chúng ta nhất thiết không chịu ra làm việc lại; trong khi ấy thì chánh Hách với thủ đoạn gian hùng, với tài nịnh hót đã trở thành một tay quyền thế. Chính nó đã lập kế đưa súng cho dì Hương bỏ vào nhà ta. Thế là thầy bị bắt. Trong lúc ấy thì ngoài mặt, nó giả bộ tử tế với chị, hứa hẹn sẽ can thiệp để thầy được thả ra…
HÙNG: Nhưng thầy được thả ra thật kia mà.
HẠNH: Phải, thầy được thả ra thật. Nhưng thả ra để mà chết trong tay chị với nỗi uất hận không cùng. Ngày thầy mất, dì Hương khóc nhiều hơn ai hết, tỏ vẻ đau đớn hơn ai cả. Chị thấy mà ghê! Mười tháng sau, nó công khai về ở với chánh Hách, vênh vang làm bà lớn.
HÙNG (nóng nảy, đứng dậy): Vậy bây giờ chúng nó ở đâu?
HẠNH (kéo tay em, bảo ngồi xuống): Đấy! Em lại đã mất bình tĩnh rồi! Em hãy ngồi xuống đây đã nào! Chị đã kể hết đâu. Từ ngày nó làm vợ lão Hách đến nay, đến ngày kỵ thầy hay ngày Tết, nó vẫn đem lễ vật sang cúng, để che mắt thiên hạ. Đấy em xem: dĩa trái cây kia là của nó đem sang cúng đấy.
HÙNG (vùng dậy, chạy đến nắm dĩa trái cây): Trời ơi! Nó đểu giả, gian ác đến thế à! Cúng? Cúng nầy! (hất dĩa trái cây xuống đất, dĩa vỡ, mấy quả cam và táo tây lăn lóc trên nền nhà, Hùng thét to): Tôi phải giết chúng nó mới được! (mắt trừng trừng nhìn chung quanh, đi qua đi lại như tìm vật gì. Bỗng thấy cặp da của Bảo để quên trên bàn dưới tập báo Xuân, nắm lên, bóp…) Cặp da của ai thế nầy? (mở ra) À! Một khẩu súng lục.
HẠNH (vẻ lo lắng): Chết! Của ai thế này? (sực nhớ) À, phải rồi, của con thằng chánh Hách. Nó vừa đến tán tỉnh chị ở đây ra.
HÙNG (vẻ nghi ngại): Nó bỏ quên hay là…
HẠNH (sực nghĩ ra): …Hay là nó bỏ lại để vu oan cho chị? Trời ơi! Khổ tôi quá! Ai biết được lòng người nham hiểm đến đâu! (vẻ luống cuống) Hùng, làm thế nào bây giờ đây, em?
HÙNG (vẻ cả quyết): Được, chị để em. Điềm thằng cha nó đã đến ngày tận sổ rồi đây (bỏ súng vào túi quần).
HẠNH (lo lắng): Hùng, em lấy súng làm gì? Đưa đây chị, để chị chạy theo trả lại cho nó.
HÙNG (giọng cương quyết): Không bao giờ! Thằng con đã đem súng đến đây để chúng ta kết liễu đời gian ác của cha nó. Một cơ hội tốt không thể bỏ qua được.
HẠNH (níu áo Hùng): Chị lạy em! Chưa phải đến lúc trả thù. Em chỉ đem nạp mạng cho nó thôi. Đừng dại dột như thế em. Đợi đến ngày hòa bình, chúng ta sẽ đưa ra ánh sáng công lý cũng không muộn.
HÙNG: Em không thể đợi được! Em không có thời giờ để đợi.
Có tiếng giầy ở ngoài đi lại gần…
HẠNH (nhìn ra): Chết! Có người đến. Em hãy vào ẩn phía sau, (đưa cặp da cho Hùng) đem cặp da nầy giấu đi luôn.
Hùng đi ra ngả sau; Hạnh có vẻ luống cuống, cúi xuống nhặt mấy trái cây và mảnh dĩa vỡ ở dưới đất. Bảo bước vào.
BẢO (nhìn mấy trái cây dưới đất): Cô Hạnh sao thế?
HẠNH (vừa nhặt vừa nói): Tôi định đặt lên làm quả phẩm, nhưng dĩa trơn quá nên xẩy tay. (cười gượng).
BẢO: Thế à? Cô Hạnh nầy, hình như tôi có bỏ quên cái kẹp da lại đây thì phải?
HẠNH (giả bộ ngạc nhiên): Thật à? Anh xem có để lạc đâu đó không? Nãy giờ tôi bận dọn dẹp đằng sau nhà, không để ý.
BẢO (tìm quanh quẩn hết bàn đến ghế, nhìn vào bàn thờ…): Lạ quá, không thấy đâu cả.
HẠNH (giữ vẻ bình tĩnh): Nhà tôi chỉ có chừng ấy thôi. Bên này là buồng xép. Hay là anh vào tìm luôn cho khỏi nghi ngại.
BẢO: Thôi, thôi đủ rồi. Có lẽ tôi quên đâu ngoài phố trước khi đến đây. Xin lỗi cô nhé! Tôi về đây.
Bảo ra, Hạnh để tay lên ngực, phía trái tim, thở ra một hơi dài, như trút hết nỗi lo ngại.
HẠNH: May quá! (nhìn vào trong) Hùng ơi! Hùng. (Vẫn không có tiếng trả lời. Hạnh đi vào phía trong) Hùng! Em đâu? (kêu to) Hùng! Hùng! (cuống cuồng…) Hùng đi đâu mất rồi? Nó lại đi sanh chuyện đây rồi. Trời ơi! Khổ tôi quá! (xách nón chạy ra…)
(MÀN HẠ THẬT NHANH)
oOo
MÀN II
THỜI GIAN: Vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều ngày 30 Tết.
CẢNH: Tại phòng khách nhà chánh Hách. Phòng trang hoàng rất sang trọng, rực rỡ. Chính giữa là một bộ xa-lông lớn. Trên bàn xa-lông có một bình hoa huệ. Bên phía tay phải ở ngoài, một cây quạt máy “Marelli” lớn. Trong cùng ở giữa là một tủ búp-phê, trên búp-phê phía tả có một cái lư đồng, phía hữu một bình hoa mai, chính giữa một bức chân dung của chánh Hách. Trên một cái ghế nhỏ trong góc phòng có mấy chai rượu và vài hộp bánh “bích-quy”. Trên tường sau búp-phê là một bức trướng đồ sộ.
NHÂN VẬT:
- HÁCH.
- HƯƠNG.
- NGUYỆT.
- HÀI NHI (con của Hương mới sanh trên một tháng).
- HÙNG.
- HẠNH.
- BẢO.
- MỘT NHÀ THẦU KHOÁN.
Màn vừa mở, người ta thấy vợ chồng chánh Hách đang ngồi trên ghế xa-lông. Hách mặc một bộ âu phục đắt tiền, ngồi dựa ngửa trong ghế xa-lông, hút thuốc thơm phì khói lên trần nhà. Hương phục sức sang trọng đang ngồi cắt móng tay.
HƯƠNG (xây lưng vào trong gọi): Bay ơi! Con Nguyệt qua bên nhà cô Hạnh đã về chưa?
Có tiếng của Nguyệt từ nhà trong đưa ra: Bẩm bà lớn con vừa về đây ạ!
Nguyệt bước ra.
HƯƠNG: Mầy qua có gặp cô Hạnh không? Cô có nói gì không?
NGUYỆT: Dạ bẩm có. Cô bảo con về thưa lại vói bà lớn rằng: Cô xin đội ơn bà. Cô lại nói thêm với con: Thật không ai chung thủy như bà (nói đãi giọng ra…)
HƯƠNG (có vẻ khó chịu): Thật à! Thế mầy có thấy trong nhà có sửa soạn để ăn Tết không?
NGUYỆT: Dạ không có gì hết. Hương tàn vắng lạnh! Trên bàn thờ trống rỗng không có lấy một cành hoa.
HÁCH (vẫn ngồi dựa ngửa nhìn lên trần nhà, như nói với mình): Cái con cũng lạ thật! Với cái sức học của nó, với cái nhan sắc của nó mà vẫn không kiếm ra ăn. Đồ ngu!
HƯƠNG: Nó muốn làm sạch! Thì để cho nó chết! (xây lại phía Nguyệt hỏi): Thế trong nhà có ai nữa không?
NGUYỆT (vẻ lém lỉnh): Bẩm bà lớn, chỉ có cậu Bảo và cô Hạnh thôi ạ!
HƯƠNG: Thật à? (nói với Hách) Ông này! Thằng Bảo cũng đa tình thật. Nó theo con bé ấy có trên hai năm mà hình như cũng không có kết quả gì. Lòng dạ cái con sắt đá làm sao!
HÁCH: Thằng ngốc! Nó có muốn lấy con ấy làm vợ thì cứ nói với tôi một tiếng là xong. Cần gì phải theo chéo áo nó năm nầy qua năm khác, mà còn bị nó khinh cho nữa. Đời bây giờ chỉ cần có tiền, có tiền cho nhiều. “Có tiền mua tiên cũng được” kia mà; huống hồ cái con bé ấy! Vả lại tôi mà đã nhúng tay vào thì mười con Hạnh cũng không dám từ chối chứ con Hạnh.
HƯƠNG: Ông thì khi nào cũng đem thế lực và đồng tiền ra dọa. Ông không hiểu tâm lý của hạng thanh niên đời nay gì cả. Người ta muốn chinh phục trái tim bằng tình cảm, bằng ái tình kia. (Quay lại hỏi Nguyệt): Thế mầy xem hai cô cậu nói chuyện với nhau có tương đắc không?
NGUYỆT: Dạ có lẽ có.
HƯƠNG (tò mò, vui thích): Sao? Mầy kể lại nghe.
NGUYỆT: Dạ! Khi con sang gần đến cửa thì con nghe cô Hạnh đang nói gì nhiều lắm mà lại có vẻ buồn. Con đứng dừng lại, nghe lỏm được mấy câu sau…
HƯƠNG: Câu gì?
NGUYỆT: Cô nói (vẻ ngập ngừng như để tìm chữ) cô nói… “người ta khinh tôi, cười tôi, vì sống trong thời loạn mà không giàu sang” (ngừng) À, “nước đục mà cò vẫn không béo, thì con cò ấy là con cò ngu, con cò dại…”
HÁCH (phá lên cười, vẻ khoái chí): Chí lý! Chí lý! Con bé kể ra cũng khôn đấy chứ!
HƯƠNG: Khôn thì khôn tuyệt rồi.
HÁCH: Ít ra, cái chết của cha nó trong cảnh nghèo túng cũng phải làm cho nó sáng mắt ra một chút chứ.
HƯƠNG (lườm chồng có vẻ trách): Ông thì cứ bạ đâu nói đó. Người ta đã chết rồi thì cứ để cho người ta yên có được không? (quay lại phía Nguyệt) Thôi cho mầy xuống bếp. (Ngồi chồm tới phía Hách) Ông nầy…
HÁCH: Gì thế? (chú ý lắng tai nghe).
HƯƠNG: Dạo này, tôi cứ nằm mộng thấy ông ấy về luôn, mắt trừng trừng nhìn tôi, hai tay như chực bóp cổ. Tôi sợ quá!
HÁCH: Sợ gì? Đó là tại thần kinh mình yếu. Để ra Tết, tôi mời đốc-tờ đến. Hiện giờ ở đây có một bác sĩ Pháp chữa bệnh thần kinh hay lắm.
Có tiếng gõ cửa…
HÁCH: Ai đấy ? Cứ vào!
Một thầu khoán, âu phục gọn gàng, xách cặp bước vào.
THẦU KHOÁN: Chào ông lớn, bà lớn ạ!
HÁCH: À! Ông thầu, mời ông ngồi.
HƯƠNG: Mời ông ngồi chơi (đứng dậy di vào trong, gọi Nguyệt): Nguyệt ơi, đem nước ra đây con!
HÁCH: Hôm qua tôi có điện thoại cho ông mà người nhà bảo ông đi vắng.
THẦU KHOÁN: Dạ, tôi có nghe nói lại. Chính lúc ấy, tôi đang lo chạy “mandat”. Chao! Họ làm chậm quá. Sáng nay, phải “cầm tay” đi lấy mới lãnh được (vừa nói vừa mở cặp da, rút ra một hộp giấy để trên bàn) Dạ! Thưa thật với ông lớn, trong vụ thầu nầy tính xong xuôi rồi tôi chỉ còn thu được độ 300 ngàn. Tuy thế, công việc còn nhờ ông lớn lâu dài, tôi xin y ước, kính gởi ông lớn 50 lượng (nói thấp giọng).
HÁCH (hỏi lại cho rõ): Mấy?
THẦU KHOÁN: Dạ, 50 lượng. Lúc nầy Tết nhất vàng cũng có lên giá đôi chút.
Nguyệt bưng nước ra.
HÁCH (giấu hộp vàng dưới tờ báo, nói sang chuyện khác): À, ông xem có sở nhà nào kha khá, mách cho tôi một sở nữa?
THẦU KHOÁN: Dạ! Ông lớn muốn mua phố hay villa? Nếu phố, thì hình như ở Ngã Năm có một sở muốn bán.
HÁCH: Độ bao nhiêu?
THẦU KHOÁN: Độ một triệu rưỡi. Dạ! Bây giờ ở Ngã Năm đắc địa nhất, nên phố lên giá. Mấy năm trước thì chỉ độ 50 vạn.
HÁCH: Ông hỏi cho rõ rồi tin lại cho tôi nhé!
THẦU KHOÁN: Dạ vâng! (uống một hớp nước, sửa lại cà-vạt, đứng dậy) Thôi, bây giờ ông lớn cho phép tôi về. Tết nhất đến nơi rồi, nhiều việc quá. Từ sáng đến giờ tôi chưa về nhà.
HÁCH (bỏ hộp vàng vào túi, xây vào trong): Nguyệt ơi! Bà mầy đâu rồi, mời ra đây.
Có tiếng “Dạ” ở trong, Hương ra.
HƯƠNG: Lão ấy đem đến hả?
HÁCH (gật).
HƯƠNG: Bao nhiêu?
HÁCH: 50 lượng.
HƯƠNG: Chỉ có 50 lượng thôi?
HÁCH: Thì mình bảo với nó chừng ấy chứ mấy nữa? Vả lại lần này xem chừng nó cũng không lời mấy. (Móc túi lấy hộp vàng đưa cho Hương) cất vào trong tủ phía trên nhé.
HƯƠNG (cười duyên): Không phải số nầy ông hứa để dành cho thằng cu Tý làm quà đầy tháng sao?
HÁCH: Ừ nhỉ! Thì bà giữ cho nó. Thôi coi nhà, tôi còn sang bureau có chút việc.
HƯƠNG: À, ông này! (Hách sắp đi ra, đứng dừng lại) ông đã hỏi cho sở nhà nào chưa?
HÁCH: Có rồi! Độ triệu rưỡi. Xem rẻ thì mua không thì thôi. Thời buổi này để vàng lợi hơn; có việc gì xách va-ly đi là tiện hơn cả (đi ra).
Hương ngồi một mình, mở hộp vàng ra đếm từng gói một, Có tiếng động ở ngoài cửa. Hương bỏ mấy gói vàng vào hộp, đậy lại.
HƯƠNG: Nguyệt ơi, ra xem thử có ai hỏi gì thế?
NGUYỆT (vào): Dạ! (ra phía cửa, một chốc đi vào): Bẩm bà anh Thâm gác cửa vào hỏi có để cho một thanh niên tên Hùng, em cô Hạnh vào hầu thăm bà không?
HƯƠNG (sau một phút ngần ngại…): Cứ cho vào.
Một chốc Hùng vào.
HÙNG: Xin chào dì ạ!
HƯƠNG: À! Anh Hùng. Về khi nào đấy?
HÙNG: Dạ, mới được thả ra trong dịp Tết.
HƯƠNG: Mời anh ngồi đây. Cứ ngồi tự nhiên.
HÙNG: Dạ, (ngồi xuống, nhìn quanh tứ phía) Thưa dì, dượng… ông đi vắng?
HƯƠNG: Ông mới qua bên sở, cũng sắp về bây giờ. Sao, anh về đây có thấy khác hơn xưa nhiều không? Đèn điện sáng rực, xe cộ như nước. Muốn bơ có bơ, muốn sữa có sữa. Anh đã đi phố chưa? Hàng Tây, hàng Mỹ chất đầy cứng như thế đó, mà bao nhiêu cũng hết.
HÙNG: Dạ, tôi mới về, tìm nhà chị Hạnh tôi không ra nên đến thẳng đây, trước để thăm dì, sau để nhờ dì nói hộ với ông lớn giới thiệu cho một chỗ làm.
HƯƠNG: Được, được. Tưởng gì chứ cái ấy thì lo gì. Anh muốn đi làm thì cử thưa với ông một tiếng là được ngay. Chẳng giấu gì anh, ông ở nhà, nhờ trời cũng giữ được một chức vị khá cao, thế lực cũng lớn, nên giúp đỡ cho người ta cũng nhiều. Như người ở địa vị ấy thì giàu đến bạc ức bạc triệu, nhưng ông ở nhà chất phác quá, nên làm được chừng nào tiêu chừng ấy. (Ngừng, gọi vào trong): Nguyệt ơi! Đem thuốc ra đây con.
Nguyệt đem thuốc ra mời Hùng, Hùng lấy một điếu quẹt diêm châm hút.
HƯƠNG: Anh đi xa không biết, chứ hồi thầy anh còn sinh tiền, ông đây cũng giúp đỡ nhiều lắm. Nhưng khổ quá (sụt sịt như khóc) tôi đã khuyên: đừng theo họ làm chi, mà thầy anh không nghe, cứ vào Ban Ám Sát cho được, để đến nông nỗi ấy. Chị Hạnh, còn trẻ người non dạ không hiểu, có ý trách ông ở nhà, Chứ thật ra, nhờ ông nó đã chạy chọt, can thiệp hết chỗ nầy đến chỗ khác, thầy anh mới được tha ra, Nhưng khi được tha ra thì thầy anh yếu lắm rồi không làm sao chữa được nữa. Tôi cứ cảm cái ơn ông ở nhà đây mà phải bước thêm bước nữa.
HÙNG (phì khói thuốc): Vâng, dượng… ông lớn tốt lắm. Ở trong lao tôi cũng đã nghe tiếng đồn.
HƯƠNG: Đó, tôi có nói sai đâu!
HÙNG: (vẻ sốt ruột nhìn ra ngoài trời): Gần tối rồi mà ông chưa thấy về.
HƯƠNG: Ông về ngay bây giờ! Anh ngồi chơi. Tôi ra sau nhà xem chúng đã sắp đặt đồ cúng xong chưa. Nguyệt ơi, bưng nước ra mời cậu xơi, con.
Hương đi vào. Nguyệt bưng nước ra để trên bàn xa-lông rồi cũng đi vào. Hùng đứng dậy đi qua đi lại nhìn các cửa. Đến bên búp-phê, nhìn chân dung chánh Hách. Có tiếng động ở ngoài cửa. Hùng quay phắt lại, tay bỏ vào túi quần. Hạnh vào, tay xách nón, vẻ hớt hải…
HẠNH (nói như kêu): Em!
HÙNG (bực tức đi ra ngoài để gặp Hạnh): Chị đến đây làm gì?
HẠNH (đến bên Hùng, nắm tay): Chị lạy em, em hãy về với chị. Em thương chị! (nắm tay Hùng kéo bừa đi…)
HÙNG (hất tay chị ra): Chị về đi! Em có nói là em được thả, về thẳng đây, không việc gì đến ai cả.
HẠNH (bực tức): Nào phải vì chị lo cho chị đâu!
Có tiếng giày ở sau đi ra. Hai người dừng câu chuyện, nhìn về phía ấy. Hương bồng hài nhi đi ra.
HẠNH: Chào dì ạ.
HƯƠNG: À, chị Hạnh. Đến bao giờ thế?
HẠNH: Thưa, vừa mới đến. Cháu nghe Hùng vừa được thả về, vào đây. Cháu mừng quá, vội xách nón chạy qua thăm, và thưa dì, để đưa em nó về.
HƯƠNG: Về làm gì gấp thế? Ngồi chơi đã.
HẠNH: Dạ gần tối rồi, dì cho em nó về.
HÙNG: Chị về trước. Em còn đợi ông về để xin một cái giấy giới thiệu cho một chỗ làm đã. Chị về trước đi!
HẠNH: Em về với chị! Chị em lâu ngày không gặp nhau, ngày mai sẽ sang xin.
HÙNG (giọng cương quyết): Không, xin sớm được ngày nào hay ngày ấy.
HẠNH: Có gấp gáp gì đâu một cái giấy giới thiệu. Về đi em! (đứng thụt lùi về phía sau lưng Hương, chắp hai lạy lạy Hùng).
HƯƠNG (xây lui phía Hạnh): Hay chị Hạnh về trước, để anh Hùng đợi xin cho được giấy đã. Ngày mai mồng một rồi, chắc ông nó cũng không rảnh.
HÙNG: Phải rồi! Ngày mai mồng một, ai lại đi xin việc bao giờ, (nói có vẻ gắt) chị về đi, để mặc em.
HẠNH (đến bên Hùng, giả bộ vui vẻ, thân mật nắm tay Hùng kéo dậy): Hùng nầy, chị vừa được một tin vui lắm. Đi về chị nói cho mà nghe, gấp lắm. Thôi chào dì mà về em. (nắm tay Hùng kéo bừa đi, Hùng lưỡng lự nhưng rồi cũng phải theo Hạnh, quên cả mũ lại).
HẠNH: Xin chào dì ạ. (Hạnh cố kéo Hùng ra…)
HƯƠNG (bồng con nhìn theo Hạnh, nói có vẻ tức giận): Cái con khó chịu thật, nó không muốn cho em nó đến thăm đây. Đến thăm thì thêm nhớp nhà người ta chứ được gì đấy mà làm bộ. Nguyệt ơi!
NGUYỆT (ra): Bà lớn gọi con.
HƯƠNG: Lấy chổi quét cái ghế xa-lông ấy cho sạch (chỉ cái ghế Hùng ngồi), và đem cái tách thằng ấy mới uống ra chùi thật sạch cho tao. (Nhìn thấy mũ của Hùng để quên lại) Đem cái mũ của thằng ấy ra sau bếp luôn. Tởm quá! (xách mũ lên với hai ngón tay trao cho Nguyệt).
Nguyệt lấy chổi quét ghế xa-lông, bưng tách và nắm mũ của Hùng đi vào.
HƯƠNG (nhìn ra): À! Ông đã về.
HÁCH (đi vào, nắm mũ đưa lên chào Hương, rồi trao cho Hương để bồng hài nhi): Ồ Chou-chou, Chou-chou của tôi ngoan quá! (nhìn Hương) À, nhà có ai đến không mình?
HƯƠNG: Có thằng Hùng, em con Hạnh mới ở tù ra đến thăm. Cái mặt con Hạnh sinh sỉnh dễ ghét quá. Ai đời em nó mới đến hút chưa tàn điếu thuốc, nó đã chạy đến lôi cổ về cho được. Lần sau thằng Hùng có đến xin việc lại, nhất thiết đừng cho. Để cho chúng nó chết đói, nhăn răng cả lũ cho bõ ghét!
Có tiếng nói ở ngoài: Bác cho vào lấy cái mũ. – Vâng, cậu cứ vào.
HƯƠNG (lắng nghe): À, thằng ấy quên cái mũ đến lấy đấy.
HÙNG (vào): Chào ông lớn, chào dì ạ.
HƯƠNG: À, anh quên cái mũ phải không?
HÙNG: Dạ vâng.
HƯƠNG: Nguyệt ơi! Lấy cái mũ đưa cho cậu, mầy!
Có tiếng “Dạ” của Nguyệt ở nhà sau.
HÁCH (nhìn Hùng rồi hỏi Hương): Anh Hùng đấy hả?
HƯƠNG: Vâng, mới ở tù ra đấy!
HÁCH (vẫn bồng hài nhi trên tay đi đến gần Hùng nói vẻ khuyên bảo): Thôi lần này ở tù ra, lo làm ăn cho lương thiện nhé!
HÙNG (trả lời chậm rãi, tay bỏ vào túi quần): Dạ bao giờ cũng lương thiện cả. Thật ra, tôi có ăn cắp, ăn trộm gì của ai đâu. Tôi cũng không ăn hối lộ, không hãm hại người ta, mà cũng không âm mưu giết người, cướp vợ người ta.
HÁCH (nhìn Hùng cười khảy): Anh này nói lạ! Thế thì ở đây, ai là người giết người, cướp vợ người ta?
HÙNG (cười mỉa mai): Ai? Chính mày chứ ai nữa! (rút súng chĩa vào Hách) Đứng im! Chính mày đã âm mưu giết cha tao, và mày, (chĩa vào Hương) con ác phụ đã giết chồng. Bây giờ đến lượt chúng mày đền tội! Bỏ con xuống! (nạt) Bỏ xuống không thì chết cả ba.
Hương đứng run rẩy sau lưng Hách, còn Hách thì không chịu bỏ đứa con trên tay. Có tiếng Hạnh ở ngoài kêu: “Hùng! Hùng! Hùng!”. Hùng bối rối bắn hai phát súng lục rồi nhảy qua cửa sổ.
HÁCH (ngơ ngác nhìn tay chân mình, rồi chạy đến phía cửa sổ la lên): Bắt lấy nó! Thằng ám sát! Nó đang chạy đấy kìa!
Bảo và Nguyệt chạy vào.
BẢO: Có ai việc gì không?
HÁCH (nhìn Hương): Không can gì, nó bắn trật. Chạy theo bắt cho được nó.
Bảo chạy trước, Hách trao con cho Nguyệt, chạy theo Bảo… Hương vẫn chưa hết sợ ôm ngực rồi ngồi qụy xuống ghế. Nguyệt bồng hài nhi thấy có máu dính ở tay, phanh tã ra. Một đám máu dính ướt cả tã.
NGUYỆT (la lên): Bà ơi! Em bị trúng đạn rồi!
Hương thất sắc, chạy đến nhìn con, nắm lấy tay con.
HƯƠNG (kêu lên): Trời! Con tôi, nó đã chết rồi! (ngã quỵ nằm vật trên ghế, bất tỉnh nhân sự).
HẠNH (ở ngoài chạy vào hớt hải nhìn quanh, rồi chạy đến bên hài nhi): Thôi chết tôi rồi!
(MÀN HẠ NHANH)
oOo
MÀN III
CẢNH: Như màn II.
THỜI GIAN: 7 giờ sáng ngày mồng một Tết.
NHÂN VẬT:
- HÁCH.
- BẢO.
- HẠNH.
- NGUYỆT.
- HƯƠNG.
Màn mở, Hách đang ngồi dựa ngửa trên ghế xa-lông, vẫn mặc bộ âu phục như trong màn trước, nhưng có vẻ lôi thôi, xốc xếch, nút sơ-mi ở cổ sút ra, cà-vạt hơi xệch về một bên, vẻ mệt nhọc.
BẢO (nhè nhẹ từ trong đi ra): Ba không đi nghỉ một chút cho đỡ mệt? Em con nhập liệm xong rồi. Thưa, ba định mấy giờ đem chôn?
HÁCH (đứng dậy dang hai tay, ngáp dài rồi nhìn đồng hồ tay): Bây giờ là bảy giờ sáng, độ hai, ba giờ chiều chôn cũng được. Để ba vào nghỉ một tí đã. À, con này! Cái thằng Hùng ấy, con bảo giam riêng ra. Đừng để cho đứa nào tra khảo hết, nó sẽ khai bậy bạ thêm lôi thôi.
BẢO: Thưa ba, ba định làm gì nó?
HÁCH (cười có vẻ chế nhạo): Làm gì? Thủ tiêu chứ làm gì nữa? Nhưng việc này cần phải kín đáo một chút. Tối mai, con đi với thằng Thâm đem nó ra ngoài bãi mà cho nó ba phát vào đầu cho yên chuyện. Nhớ là bắn ở phía sau để sau này ai có hỏi thì cứ đổ là vì nó chạy trốn.
BẢO (vẻ do dự): Thưa ba…
HÁCH: Gì đấy nữa?
BẢO: Thưa ba, xử như thế có nặng không?
HÁCH (cười khảy): Nặng? Nặng gì? Giết người thì đền mạng, có gì đâu mà nặng? (chăm chú nhìn Bảo, chậm rãi đến bên Bảo, đặt tay lên vai con, nói như khuyên lơn) Con cứ thi hành như ý ba đi. Đừng ái ngại, đừng có sợ mất lòng con Hạnh. Giết em mà vẫn lấy được chị như thường. Có lẽ lại càng dễ hơn nữa. Nếu cần ba sẽ giúp cho con một tay… À này, ba hỏi thật, con thương con bé ấy lắm sao?
BẢO: Thưa ba, con ngần ngại không phải vì thế. Nhưng…
HÁCH (vẻ tò mò): Nhưng sao?
BẢO: Nhưng con thấy ba… thấy nhà mình đối với ông thân nó cũng đã quá lắm rồi! Nó trả thù, chứ nó có gây ác đâu? Ba thả nó ra mới cao thượng. Nó sẽ phục ba và không dám trả thù nữa.
HÁCH (cười chế nhạo, khinh bỉ): Ha… Ha…! Thằng nầy bây giờ lại tập cái giọng đạo đức! Mình không giết nó thì nó giết mình! Chỉ cái tội nó biết chuyện… nó vu khống cho ba âm mưu với dì để giết cha nó cũng đủ chết rồi, huống hồ là nó đem súng đến đây để giết em mầy nữa? Thôi ba xin đi! Đừng có bập bẹ cái giọng bác ái, công bằng ấy nữa. Không sống được đâu con ạ! Làm trai trong cái thời loạn nầy là phải tàn nhẫn! Tàn nhẫn! (vừa nói vừa bặm tay, vặn qua vặn lại như muốn bẻ một vật gì) Thôi! con ra báo bọn nó giam riêng thằng ấy ra.
Bảo sắp đi ra…
HÁCH (nói với theo): Một giờ khuya nầy con nhé!
BẢO (đi ra): Vâng.
HÁCH (vươn vai, ngáp dài): Mệt quá! (nhìn quanh) Chỉ trong một đêm, tan hoang nửa gia đình! (xây vào trong) Nguyệt ơi!
NGUYỆT (đi ra): Ông lớn gọi con?
HÁCH: Mầy coi nhà, tao vào nghỉ một tí, cả đêm không ngủ. Bà mầy thế nào? Đã tĩnh chưa?
NGUYỆT: Bẩm ông lớn, bà nổi cơn đã ba lần rồi. Bây giờ bà mới nằm thiếp đi được một tí.
HÁCH: Mầy xem chừng bà mầy nhé! Đừng để bà phá phách trong nhà. Và đóng các cửa lại, đừng để bà chạy ra ngoài đường (đi vào trong).
NGUYỆT: Dạ.
Nguyệt đi đến sửa lại mấy cành hoa trong bình. Một chốc nghe ở phía ngoài cửa có tiếng cãi nhau.
TIẾNG NGƯỜI GÁC CỬA: Tôi đã nói là không được mà.
TIẾNG HẠNH: Bác làm ơn cho tôi vào một tí thôi.
TIẾNG NGƯỜI GÁC CỬA: Ông lớn đã truyền không cho ai vào hết.
TIẾNG HẠNH: Thôi, thì nhờ bác làm ơn vào gọi chị Nguyệt ra cho tôi một tí.
NGUYỆT (nhìn ra, nói với ra ngoài cửa): À! Cô Hạnh. Bác để cho cô ấy vào, bác ạ!
Hạnh vào.
HẠNH (vẻ sung sướng): May quá! Nhờ có em không thì bác ấy nhất thiết không cho vào.
NGUYỆT (lo ngại): Nhưng cô đến làm gì lúc này? Ông lớn đang giận lắm. Còn bà lớn…
HẠNH (lo lắng): Bà lớn thì sao em?
NGUYỆT: Bà lớn nổi điên từ đầu hôm đến bây giờ.
HẠNH: Thế à? Thế mà chị định đến cầu xin với bà…
NGUYỆT: Bà em bây giờ có biết gì nữa đâu? Suốt đêm bà cứ bồng con búp-bế đi từ phòng này sang phòng khác, nói gì đâu đâu không ai hiểu gì hết.
HẠNH: Thế còn ông lớn đâu?
NGUYỆT: Ông mới vào nghỉ trong phòng.
HẠNH: Để chị ngồi đợi ông dậy, chị xin cho em chị.
NGUYỆT (lo sợ): E không được đâu! Ông lớn đang giận mà lại thấy mặt cô chắc ông giận thêm. Cô đi về đi, để khi khác, ông hơi nguôi nguôi rồi hãy tới lại.
HẠNH: Không! Chị sợ chậm mất rồi. Dù ông lớn có la mắng đánh đập, chị cũng cam lòng. Nếu em chị mà có điều gì thì chị cũng không sống được.
Có tiếng ru em ở trong: “Hờ ơi! Con kiến mày ở trong nhà, tao đóng hết cửa mày ra đàng nào?” Hương đi dần ra, tay bồng một con búp-bế, tóc bỏ xõa, y phục như màn thứ II, vẻ bơ phờ, mệt nhọc. Hạnh và Nguyệt lùi vào một góc phòng, im lặng đứng nhìn vẻ lo sợ…
HƯƠNG (nhìn xuống con búp-bế): Ngủ đi con! Con ngủ thẳng đi, để mẹ thức, mẹ ru cho! Hò ơ!… Mẹ gà con vịt chít chiu, mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng. Không, tôi thương nó lắm, mà tôi giết chưa được (cười rũ rượi, rồi đưa tay chỉ quanh như theo dõi một người nào). Mầy chạy đằng trời, tao cũng bắt được, tao sẽ giết mầy (nhìn lại con búp-bế). Nín đi con. Con nín, mẹ cho con một lượng vàng nhé! Con không bằng lòng à? Thì 2 lượng, 5 lượng, 7 lượng, 10 lượng, 15 lượng, 20 lượng, 50 lượng. À, con tôi nín rồi (cười rũ rượi…) Con tôi ngoan quá! Ừ để mẹ xây lầu cho con ở nhé! (kể chậm rãi…) 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng, 5 tầng, 10 tầng, 15 tầng, 20 tầng, 50 tầng. Con ở tầng trên hết, mẹ ở tầng dưới hết (cau mày vẻ khó chịu). Nhưng như thế này thì mẹ con mình xa nhau quá. Xa quá! Xuống đây con, xuống đây! (ngước nhìn lên, tay ngoắc) Trời ơi! Con tôi nó cứ vượt lên mãi, lên mãi… (bỏ con búp-bế trên bàn xa-lông, quỳ xuống, hai tay chắp lại, ngước lên trần) Mẹ lạy con! Xuống đây với mẹ. Đừng bỏ mẹ một mình tội nghiệp. Trời ơi! Con tôi ác quá, nó bỏ tôi nó đi rồi (úp mặt xuống bàn, hai tay gác ngang trên mình con búp-bế khóc nức nở).
NGUYỆT (một chốc sau, đi nhè nhẹ tới cúi xuống lay vai Hương): Bà, bà đừng khóc nữa. Để con đỡ bà vào trong nằm nghỉ cho khỏe.
HƯƠNG (vùng dậy, thụt lùi, nhìn Nguyệt với đôi mắt lạ lùng kinh hãi rồi chỉ tay vào mặt Nguyệt): Mầy định ám sát tao hả? Trời ơi! con này nó cũng phản tôi nữa! Tao có ghét mầy đâu mà mầy định giết tao? Tao giết chồng tao thôi chứ! (ngừng một lát, nhìn quanh) Lạy ông! Ông tha cho tôi! Ông đừng nhìn tôi như thế, tôi sợ lắm (đưa dần hai tay lên che mặt, rồi bỏ dần xuống, chắp tay trước ngực) Tôi lạy ông! Ông tha cho tôi, tha cho con tôi. Ông không tha? (vẻ thất vọng) Thế thì tôi chết mất rồi, (ôm mặt khóc. Một chốc nín khóc, ngước mặt lên nhìn quanh như ngạc nhiên. Bỗng thấy Hạnh đứng trong góc phòng, Hương chỉ tay vào phía Hạnh, thét lên): Trời ơi! Con nầy nó rình nó giết tôi (vừa chạy vào vừa la): Có ám sát! Có ám sát!
HÁCH (từ một ngả khác chạy ra, áo “sơ-mi”, vẻ hơ hải): Cái gì thế?
NGUYỆT: Thưa, bà lại lên cơn.
HÁCH (gắt): Vào khóa cửa lại!
NGUYỆT (chạy nhanh vào): Dạ vâng!
HẠNH (đứng xó ró trong góc): Lạy ông lớn! Ông lớn mở lượng hải hà tha cho em tôi.
HÁCH (quay phắt qua phía Hạnh): À! Cái con nầy nữa! Em mầy vừa giết con tao; mầy lại định đến giết vợ tao nữa sao? (chỉ tay ra cửa) Đi ra mau! Một lũ sát nhân. Cha đã vào Ban Ám Sát, bây giờ đến lượt con nối nghiệp.
HẠNH (chắp hai tay trước ngực): Xin ông lớn dung thứ cho em tôi, trẻ người non dạ, đã bồng bột, điên cuồng trong một lúc…
HÁCH: Đừng xin vô ích! Giết người thì đền mạng, đó là lẽ công bằng.
HẠNH: Trời ơi! Ông lớn nỡ xử như thế sao? (quỳ xuống gần bên cạnh ghế xa-lông, chắp hai tay trước ngực mắt ngước lên nhìn Hách như van xin, như cầu khẩn) Lạy ông lớn! Ông lớn hãy nghĩ thương đến gia đình tôi. Gia đình tôi chỉ còn nó là trai. Nếu ông lớn xử như thế thì còn gì là dòng họ nhà tôi nữa!
HÁCH: Cái dòng họ giết người thì cũng nên để cho nó tuyệt đi cho rồi. Không thể dung thứ được cái bọn giết người. Cần phải trừ cho sạch trên đất nước nầy cái bọn khủng bố, giết người, cướp của, làm những điều phi pháp. Mầy nghe rõ chưa?
HẠNH: Bẩm ông lớn, xin ông nghĩ lại cái tình nghĩa xưa kia giữa ông lớn và thầy tôi mà mở lượng khoan dung cho em tôi được nhẹ bớt tội.
HÁCH (cười gằn): Cái tình nghĩa! Thế thằng Hùng có nghĩ đến tình nghĩa giữa tao và thầy mầy đâu? Nếu trước kia mầy biết khuyên em mầy như thế thì bây giờ đâu có xảy ra cái tai họa tày trời trong gia đình tao thế này: con chết, vợ điên?
HẠNH: Thưa ông lớn, tôi đã khuyên can nó nhiều lần mà không được.
HÁCH (nhìn Hạnh, đi lại gần như khám phá ra điều gì): À! Té ra mày có khuyên can nó nữa? Nghĩa là mày có biết trước vụ ám sát này? Mày biết mà mày không tìm cách cản ngăn, báo tin cho dì mày biết để đề phòng. Như thế nghĩa là trong vụ này mày cũng có nhúng tay vào rồi, không chừng là chủ mưu cũng nên. Con này giỏi thật! Thế mà còn vác mặt đến đây nữa. Khôn hồn thì bước ra mau! Nếu không, tao tống cố vào lao ngay bây giờ.
HẠNH: Ông lớn dạy oan cho tôi quá! Trời ơi! ai hiểu thấu uẩn khúc này cho (úp mặt vào tay ghế khóc).
HÁCH: Khôn hồn thì đứng dậy, bước ra ngay (Hạnh vẫn úp mặt khóc). Nguyệt! Vào tống cổ con này ra cho tao. Cả một lũ sát nhân.
Nguyệt chạy ra, đến bên cạnh Hạnh cúi xuống đỡ dậy, trong lúc Hách giận dữ, bỏ đi vào trong.
NGUYỆT: Thôi cô hãy dậy mà về. Đừng làm ông thêm giận.
HẠNH (vẫn níu chặt tay ghế, khóc): Không, nếu em tôi chết thì tôi cũng chết ở đây thôi!
Bảo đi vào.
BẢO: Cái gì thế, Nguyệt?
NGUYỆT: Dạ! Cô Hạnh vào xin cho cậu Hùng mà ông lớn dạy đuổi ra.
Trong lúc ấy, phòng trong có tiếng đập phá và tiếng của Hương: “Trời ơi! Tôi giết cha nó, giờ nó giết con tôi”.
BẢO: Nguyệt, mày vào xem bà làm gì mà ồn ào thế? Dìu bà vào trong phòng mà đóng cửa lại.
NGUYỆT: Dạ! (đi vào).
Hạnh vẫn úp mặt bên tay ghế, khóc. Bảo tới gần nhìn xuống có vẻ ái ngại.
BẢO (sau một chốc): Cô Hạnh! Thôi đừng khóc nữa! Cô về đi! Đừng để ba tôi giận không hay.
HẠNH (ngước mặt lên): Bây giờ đến lượt anh đuổi tôi nữa à? Tôi không ngờ… Vâng, anh không đuổi, chứ anh đuổi thì tôi xin về ngay (lấy nón đi ra).
BẢO (nhìn Hạnh đi ra… Nhưng khi Hạnh sắp ra khỏi phòng, Bảo gọi giật lại): Cô Hạnh!
HẠNH (đứng dừng lại): Anh đuổi thì để tôi về vậy!
BẢO: Không phải là tôi muốn đuổi. Tôi chỉ sợ cho cô nếu cha tôi nổi giận…
HẠNH: Thân tôi, nếu có chết tôi cũng cam lòng, miễn là em tôi khỏi bị hại. Anh thử nghĩ: Tôi còn can đảm nào sống để chứng kiến hết cái chết này đến cái chết khác của người thân. Mồ côi mẹ đến mồ côi cha, rồi bây giờ đến lượt mất em! Mấy năm trời tôi sống trong cô đơn, hiu quạnh, nhưng vẫn mong đợi ngày về của đứa em thân yêu. Nào ngờ hôm nay nó về, về để mà chết! Trời ơi! em tôi chưa quá hai mươi tuổi đầu, còn trẻ dại… Em ơi! Nếu chị có thể chết thế được cho em, thì chị sung sướng lắm. Đời chị, một cuộc đời vô dụng, tang tóc liên miên… (bưng mặt khóc nức nở, đứng không muốn vững).
BẢO (đến dìu Hạnh vào ngồi trên ghế xa-lông): Cô hãy ngồi xuống đây đã, và nín đi. Những tiếng khóc của cô làm tôi khó chịu lắm.
HẠNH (ngước lên nhìn Bảo): Thật tình anh thương tôi đến thế à?
BẢO (ngồi xuống ghế): Phải nói là yêu mới đúng. Nếu không yêu, thì bây giờ cô đã nằm trong nhà lao rồi, chứ không còn tự do ngồi đây đâu!
HẠNH (vẻ ngạc nhiên): Ạnh nói gì tôi không hiểu.
BẢO: Vì chính cô là chủ mưu trong vụ ám sát này.
HẠNH (cười mai mỉa): À, ra anh yêu tôi như thế đấy! Anh yêu tôi đến nỗi tố cáo tôi là thủ phạm!
BẢO (vẻ bực tức): Không! Tôi không có ý tố cáo cô đâu. Trái lại tôi còn che giấu cho cô nữa là khác. Nhưng tôi nói như thế là để cho cô hiểu rằng tôi không đến nỗi u mê mà không rõ những hành vi của cô. Này, khẩu súng lục mà tôi quên ở nhà cô, ai đưa cho nó, nếu không phải là cô?
HẠNH: Trời ơi! Anh nghi oan cho tôi. Chính tôi can ngăn nó, lạy lục nó đừng hành hung mà không được. Trong lúc nó vừa về, còn tức giận vì mối thù cha, thì gặp ngay khẩu súng của anh bỏ quên lại. Khi anh đến tìm súng, đáng lẽ tôi phải giao lại… Nhưng anh cũng hiểu cho rằng: trước kia, thầy tôi cũng vì một khẩu súng người khác bỏ quên trong nhà mà chết oan. Thì nay chúng tôi đâu dám để vật ấy sờ sờ trong nhà nữa? Tôi bảo thằng Hùng giấu đi, ai ngờ nó đã lợi dụng cái cơ hội ấy mà đến gây sự ở đây. Sau khi Hùng trốn đi rồi, tôi chạy theo nó đến đây, kéo nó về, nhưng nó lại lừa tôi mà đến đây gây sự lại. Khi tôi chạy theo đến, thì tai biến đã xảy ra rồi, không làm sao cản được. Nếu buộc tội một cách máy móc thì anh cũng có tội, vì anh đã bỏ quên khẩu súng lại nhà tôi; dì Hương cũng có tội vì dì Hương cứ khuyên nó ở lại đợi ông về.
BẢO: Nhưng việc làm của tôi cũng như của dì Hương đều hoàn toàn vô ý thức.
HẠNH (chậm rãi): Vô ý thức? Hay là NGHIỆP BÁO nó xui đẩy như thế đấy? Sự thật là như thế, nhưng nếu anh muốn bắt tôi thì đây (đưa hai tay ra) anh cứ còng tay tôi lại.
BẢO (dậm chân, có vẻ tức bực): Khổ quá! Cô không hiểu tôi. Tôi đã bảo tôi làm ngơ chuyện khẩu súng ấy để cô khỏi liên lụy kia mà.
HẠNH: Anh Bảo! Nếu anh thật tình thương tôi thì anh hãy bắt tôi đi! Giết tôi đi! Tôi không muốn sống sót sau khi em tôi chết, sau khi gia đình, dòng họ tôi tan hoang. Chao ôi! Tôi đã làm gì nên tội mà đời nỡ tàn ác với tôi như thế này? (úp mặt thổn thức).
BẢO (đến bên Hạnh, để tay lên vai, cúi xuống): Cô Hạnh! Nín đi, tôi khổ tâm lắm. Cô không thể chết được. Tôi không thể để cho cô, cho Hạnh chết, Hạnh ạ!
HẠNH (ngước mặt lên, sung sướng, nhìn Bảo): Anh để cho tôi sống? Nghĩa là anh cũng để cho Hùng sống? (lo lắng đợi câu trả lời của Bảo).
BẢO (nhìn quanh gian phòng một lượt như để tìm xem có ai đứng rình, rồi nhìn Hạnh, từ từ gật đầu): Tôi sẽ cố gắng, nhưng không dám chắc đâu.
HẠNH (đưa tay nắm tay Bảo nhìn vào mắt Bảo âu yếm): Không, anh hãy hứa chắc đi, anh!
(MÀN HẠ)
oOo
MÀN IV
CẢNH: Tại phòng giấy nhà Hách. Giữa phòng một bàn lớn, trên có những vật phụ tùng bàn giấy và một máy điện thoại. Trước bàn có hai ghế ngồi và phía sau một cái. Một chậu hoa đặt ở góc phòng phía ngoài. Trên tường có vài bức tranh phong cảnh.
THỜI GIAN: Vào khoảng 9 giờ sáng mồng ba Tết.
NHÂN VẬT:
- HÁCH.
- BẢO.
- HƯƠNG.
- NGUYỆT.
- TRƯỞNG PHÊ.
Sau màn thỉnh thoảng có tiếng la hét, đập phá của Hương. Mở màn, Hách đang đi đi lại lại trong phòng, đầu cúi xuống, dáng suy nghĩ, vẻ mặt mệt nhọc, già hơn trước.
HÁCH (một lát sau, ngẩng đầu lên nhìn vào trong, gọi): Nguyệt ơi! Gọi cậu Bảo ra đây tao bảo.
Có tiếng “Dạ” của Nguyệt ở sau màn, nửa phút sau Bảo ra.
BẢO: Thưa ba gọi con?
HÁCH: Việc ấy đã xong chưa?
BẢO: Thưa ba xong xuôi rồi. Con để cho nó chạy mấy bước rồi con chạy theo, cho nó ba phát vào gáy. Nó ngã gục chết không kịp kêu.
HÁCH: Đáng kiếp! Để làm gương cho cả bọn chúng. Thế bây giờ con định nói với con Hạnh thế nào?
BẢO (vẻ suy nghĩ): Con sẽ nói là người ta dẫn nó đi, nhưng nó bỏ chạy nên người ta bắn chết.
HÁCH (cười chế nhạo): Thằng ngốc! Nói thế thì làm sao lấy nó được? Phải nói là thằng Hùng còn sống chứ! Phải cho con bé ấy cái hy vọng là em nó có thể khỏi chết thì con mới còn lui tới được nhà nó và được cảm tình của nó chứ!
BẢO: Vâng, ba dạy rất phải!
HÁCH: Thì có bao giờ ba dạy cái gì không phải đâu. Ở đời phải gian hùng một chút mới sống được. Con, con ba mà không giống ba gì cả.
BẢO: Dạ. Con sẽ cố gắng học ba.
HÁCH: Ừ, phải cố gắng nhiều lắm nữa! (ngừng một lát) À con này! Từ nay về sau, con phải cẩn thận giữ gìn một chút, giữ gìn cho con, giữ gìn cho ba. Thằng này chết, còn thằng khác. Con phải bảo bọn nó canh gác cho cẩn thận. Lòng người bất trắc, không biết đâu mà lường được. Phải để ý từ người ngoài cho đến người trong nhà, cho đến cả con Nguyệt nữa. Ai cũng có thể phản mình được cả. Dì Hương con bây giờ có cũng như không rồi; trong nhà, ba chỉ tin cậy ở nơi con.
BẢO: Vâng! Con xin nghe lời ba dạy. Bây giờ ba cho con ra phố có tí việc.
HÁCH: Con đi đi, nhanh mà về.
BẢO: Dạ. (đi ra).
HÁCH (nhìn theo Bảo, lắc đầu, tỏ ỷ thương hại, nói một mình): Thật thà chất phác quá, như mẹ nó hồi xưa. Khó mà sống được trong thời buổi này.
Đi vào ngồi ở bàn giấy, lấy một tập hồ sơ ra đọc, Thỉnh thoảng một tiếng động ở phía này hay phía khác làm Hách giật mình. Hương, tóc bỏ xả, đi ra nhìn Hách cười rũ rượi, rồi lại trở vào. Hách nhìn theo, lắc đầu, tỏ vẻ thất vọng, bực tức, rồi lại cúi xuống đọc tiếp. Lần thứ ba, trong lúc Hách đang cúi đọc thì Hương đi nhè nhẹ vào, vứt mạnh con búp-bế giữa phòng, Hách giật mình đánh thót một cái ra phía sau.
HÁCH (bực tức nhìn Hương): Cái gì thế?
HƯƠNG: Con của ông đấy! Tôi không nuôi nữa! Tôi trả cho ông đấy (vừa cười ngặt nghẹo vừa đi vào).
HÁCH (tức giận, hất tập hồ sơ đang xem xuống đất): Như thế này thì còn làm ăn cái quái gì được! (gọi to): Nguyệt!
NGUYỆT (chạy ra): Bẩm ông…
HÁCH (đập tay xuống bàn, quát): Tại sao tao chỉ bảo mày có một chuyện mà mày không nghe, hử? Nhốt bà mày lại trong phòng ngủ. Nhất thiết không để cho đi ra khỏi phòng. Nghe chưa, cái con chết bằm!
NGUYỆT: Dạ vâng. (sợ sệt chạy vào).
Trong phòng có tiếng đập phá, chén bát rơi loảng choảng, tiếng khóc la: “Trời ơi! Mầy giam tao vào ngục thì tao chết mất. Mày phản tao! Tao giúp mày giết chồng tao, bây giờ mày trở lại giết tao hả? Trời ơi! Thằng đại gian ác!”
Hách vẫn ngồi sau bàn giấy, hai tay bịt hai tai, nhắm mắt lại tỏ vẻ khó chịu. Một chốc tiếng Hương xa dần, im bặt…
HÁCH (bỏ tay xuống, nói): Thật là điên khùng, không thể chịu được.
Có tiếng chuông điện thoại…
HÁCH (mệt nhọc nắm lấy ống điện thoại nói một cách uể oải): Alô! Có đây. Có tôi đây. (bỗng ngồi thẳng người dậy, mắt mở to, suy nghĩ rồi nói một cách lễ phép) Dạ. Bẩm nó chết rồi, Dạ nó bị bắn vì cố ý chạy trốn. (Ngừng một chút để nghe, vẻ kinh ngạc lộ dần…) Dạ, dạ… Thật tôi không hiểu gì cả! (nghe) Dạ. Tôi xin đến hầu ngay (bỏ ống điện thoại xuống, nói một mình): Như thế này có chết tôi không! Nguyệt ơi!
NGUYỆT (vào): Bẩm ông lớn gọi con?
HÁCH: Thằng Bảo đâu rồi?
NGUYỆT: Dạ bẩm cậu đi ra phố chưa về.
HÁCH: Khi nào nó về, bảo nó đợi tao ở đây nghe chưa. (Đứng dậy lấy cái mũ, xây lui nói với Nguyệt): Tao đi một tí về ngay. Mày coi nhà và lượm tập giấy lên (chỉ tập hồ sơ rơi xỏa trên nền nhà) sắp lại trên bàn cho có thứ tự.
NGUYỆT: Dạ.
Hách đi ra. Nguyệt cúi xuống lượm giấy tờ bỏ vào tập bìa; tò mò lật qua lật lại mấy tờ giấy, thỉnh thoảng lại cúi xuống đọc nói một mình: Ghê gớm quá! Thế này mà làm được! Thật là đốn cây sống trồng cây chết (đặt tập hồ sơ lên những chồng giấy khác). Càng sống lâu ở đây càng thấy nhiều chuyện độc ác, nhiều cái nhơ nhớp, thối tha… Không thể ở mãi đây được, cần phải tìm lối ra, càng sớm càng hay.
Có tiếng gọi: “Nguyệt! Nguyệt!” ở ngoài. Nguyệt nhìn ra, mừng rỡ: À cậu! Cậu vào đây.
Trưởng Phê – ông thân của Nguyệt đi vào, mặc áo đen dài, quần trắng ống cao ống thấp, bịt khăn đóng, kẹp dù trong nách.
NGUYỆT: Cậu mới lên hả? Nhà mình có thường không cậu? Cậu ngồi đây (chỉ một cái ghế trước bàn giấy).
TRƯỞNG PHÊ (xắm rắm tìm chỗ để dù, cuối cùng ngồi xuống, kẹp cái dù giữa hai đầu gối: Nhà mình cũng thường cả. Tết nhất, tao lên trước để thăm ông bà, sau nói với mày một chuyện…
NGUYỆT (ngồi đối diện với cha): Chuyện gì thế hở cậu?
TRƯỞNG PHÊ: Nguyên là bên xóm Đông có mấy cái nhà ngói bị quân đội Pháp đuổi phải dỡ gấp trong mười hai tiếng đồng hồ. Nhà tốt lắm con ạ! Săng gỗ còn mới nguyên. Mỗi nhà tính ra cũng đến hàng chục vạn. Tao thấy…
NGUYỆT: Cậu thấy tội nghiệp định lên xin với ông lớn đây can thiệp chứ gì?
TRƯỞNG PHÊ: Không phải! Để cậu nói hết. Cậu thấy rẻ. Họ không có tiền dỡ chỉ bán lại có hai ngàn mỗi cái. Cũng như của đổ mà hốt, mình không mua cũng uổng.
NGUYỆT: Nhưng mình tiền đâu mà mua?
TRƯỞNG PHÊ: Bởi thế tao mới lên bàn với mày. Mày ở đến Tết này là hết hạn. Thời buổi này về nhà quê cũng không biết làm gì. Tao định lên để cho mày ở thêm hai năm nữa. Hai năm, ba ngàn, mua được cái nhà chục vạn.
NGUYỆT: Không! Không! Con không thể ở thêm trong cái nhà này nữa. Con định nhắn cậu lên để đem con về đây.
TRƯỞNG PHÊ (vẻ bực tức): Sao lại về! Nhà người ta quan quyền giàu có, mình gắng ở để nhờ hơi hưởng về sau. Người ta danh giá thì mình cũng được thơm lây.
NGUYỆT: Danh giá! Danh giá cái quái gì đâu! (Nhìn quanh rồi xích lại gần cha): Cậu ở ngoài không biết, chứ nó thúi inh đi. Mục nát đến xương, đến tủy rồi…
TRƯỞNG PHÊ (dịu ngọt): Thì con cố gắng ở hai năm nữa. Chỉ hai năm nữa mà được cái nhà ngói.
NGUYỆT (lúc lắc đầu, nhăn trán không bằng lòng): Không! Một ngày con cũng không ở nữa. Chẳng thà ở nhà tranh mà thanh bạch hơn. Con thấy cái NHÂN QUẢ xảy đến trong nhà nầy mà khiếp! Chốc nữa ông lớn về, cậu xin cho con về ngay đi, con không ở nữa! (ngó ra ngoài) Ai như cậu Bảo đã về.
Hai người đứng dậy, xắm rắm đi ra thì Bảo vào, vẻ mặt băn khoăn…
TRƯỞNG PHÊ (vái Bảo): Chào cậu ạ!
BẢO: Ông mới lên? Ngồi đấy chơi. (Gọi Nguyệt ra phía ngoài): Nguyệt! Ra hỏi cái này.
NGUYỆT (đến gần Bảo): Cậu hỏi gì ạ?
BẢO: Mày có nghe cô Hạnh đi đâu không?
NGUYỆT: Dạ không! Từ hôm qua đến giờ tôi không bước ra khỏi cửa.
BẢO (như nói một mình): Lạ thật! Không tìm thấy đâu cả. Thôi cho mày vào. Dắt ông ra sau nhà, lấy rượu mời ông uống.
NGUYỆT: Vâng! À, ông vừa mới đi ra, ông có dặn cậu ở đây đợi ông về.
BẢO: Được.
Nguyệt dắt ông thân vào nhà sau. Bảo đi qua đi lại, nhìn mũi giày có vẻ suy nghĩ. Một chốc Hách vào, tay nắm mũ, vẻ mệt mỏi, mái tóc rớt xuống trán, áo “vét” vắt trên tay.
BẢO (chào): Ba đã về!
HÁCH (trừng trừng nhìn Bảo): Cái thằng khốn nạn kia! Mày đã hại cha mày thế nào, biết chưa? Tao không ngờ mày đã xem tình nghĩa của mày với con Hạnh nặng hơn cả tình máu mủ cha con! Mày đã nghe nó mà thả thằng Hùng ra, rồi nó lại còn gửi đơn lên thượng cấp tố cáo tao, vu khống tao, nhục mạ tao. Tao bị cấp trên quở phạt, nhục nhã vì mày, mày có biết không?
BẢO (bình tĩnh): Thưa ba, ba…
HÁCH (nạt): Ba với con gì! Đồ bất hiếu! Đồ phản bội! Mày đã lựa đúng vào lúc tao đang đau đớn, khổ sở nhất mà hại tao. Con chết, vợ điên, gia đình tan hoang chưa vừa sao, mày còn làm cho tao mất địa vị nữa? Tao sẽ tống cổ mày ra khỏi nhà này. Không nuôi ong tay áo nữa.
BẢO: Thưa ba, không phải vì yêu Hạnh mà con đã thả thằng Hùng ra, nhưng con muốn xóa bỏ một phần nào những bất công, những… nhẫn tâm mà ba đã làm đối với cha nó.
HÁCH (trợn mắt): À cái thằng này láo thật! Mày lại dạy luân lý cho cả cha mày nữa à?
BẢO: Con chỉ nói một lần này thôi, và sẽ không bao giờ nói nữa. Con đã khổ sở, nhục nhã trong cái nhà này nhiều rồi! (giọng đau đớn uất ức, nước mắt ràn rụa…)
HÁCH (sấn tới phía Bảo): Thằng này gớm thật! Mày nói với cha mày thế đấy hả?
BẢO (vừa nói vừa thụt lùi…): Mẹ con sớm chết vì ai? Có phải vì sự hành hạ tàn nhẫn của ba không? Cha con Hạnh bị hàm oan mà chết vì ai? Có phải vì ba không? Ba đã gieo rắc biết bao thảm họa vào bao nhiêu gia đình lương thiện. Ba đã…
HÁCH (nạt): Thằng chết chém (sấn tới nữa). Mày im đi! Nếu không tao sẽ giết mày!
BẢO (vẫn đi thụt lùi quanh phòng, giọng nói càng lúc càng nhanh, càng tức tối): Ba đã gieo vô vàn giống ác thì hôm nay chính là ngày ba gặt lấy quả ác!
HÁCH: Im! Tao sẽ giết mày! (nắm cái bình hoa đặt giữa bàn, nâng lên, định ném Bảo).
BẢO: Ba hãy giết con đi! Giết đi. Thật ra con cũng đã chết từ lâu rồi!
Hương đứng trong cửa phòng, vén màn nhìn ra, vỗ tay cười: Ha… Ha… Giết đi! Giết nhau đi! Giết cho chết hết cả đi!…
Hách nhìn Hương rồi nhìn Bảo…, từ từ hạ cái bình xuống đất, buông xuôi hai tay, ngồi phịch xuống ghế, rũ rượi…
Một phút nặng nề trôi qua. Bảo nhìn cha, lưỡng lự một lát rồi nắm mũ đi ra.
Qua cửa sổ mở ra vườn, người ta thấy bóng cha con Nguyệt cũng dắt nhau đi. Nguyệt đội nón lá và ông thân kẹp dù trong nách, rón rén bước…
HÁCH (nhìn thấy, đứng dậy gọi): Nguyệt! Nguyệt! Đi đâu thế ?
Có tiếng Nguyệt trả lời: “Ông cho con về, con sợ lắm…”
HÁCH (chán nản để rơi mình xuống ghế, dáng điệu vô cùng thất vọng, giọng rời rã, mất hết cả sinh khí): Thế là hết! Hết! Hết! Hoàn toàn sụp đổ! Ta không ngờ một kết cuộc như thế này!
Im lặng một chốc, rồi kéo hộc bàn, rút khẩu súng lục, mở ra xem còn đạn không, rồi đóng lại; mân mê khẩu súng lục trên tay, rồi từ từ đưa lên mang tai…
Trong khi ấy, phía trong phòng có tiếng lạch cạch, lạch cạch… Hách dừng tay, giấu khẩu súng lục vào hộc bàn, đứng chờ… Hương từ trong phòng đi ra, một tay kéo xà lết một va-li to tướng, một tay ôm nào hộp, nào gói, nào đồ trang sức, đi dần ra giữa phòng…
HÁCH: Làm cái trò gì thế?
HƯƠNG: Tôi cũng đi.
HÁCH: Đi đâu?
HƯƠNG: Đi trốn cha con thằng Hùng.
HÁCH: Nhưng đi trốn ở đâu chứ?
HƯƠNG (như sực tỉnh): Đi trốn ở đâu? Ừ nhỉ, đi trốn ở đâu bây giờ? Có một chỗ nào cho tôi trốn đây, trời? (nức nở khóc).
HÁCH (bực tức): Im đi! Không ai chịu được!
HƯƠNG: Ai bảo ông chịu đâu? Ông không chịu được thì ông đi chỗ khác.
HÁCH (nói giọng xa vời): Đi thì đi vậy! (lấy khẩu súng lục bỏ vào túi áo).
HƯƠNG: Nhưng ông đi đâu đã chứ?
HÁCH (vừa đi vào, vừa trả lời, giọng rã rời): Đi đâu rồi sẽ biết… Đi luôn! (đi vào hẳn).
HƯƠNG (vẻ khó hiểu): Đi luôn? Đi luôn? Đi luôn là đi đâu? Đi đâu được? Tôi không cho ông đi! (định vào kéo Hách ra).
Bỗng hai tiếng súng lục nổ trong phòng vang ra! Hương kinh hoàng, thét lên một tiếng rồi dần dần té quỵ xuống, đồ đạc rơi vãi chung quanh…
(MÀN HẠ NHANH)
———=HẾT=———