TVGĐPT – Một thời gian dài cho đến nay – có thể nói là sau cái mốc ‘1975; và bỏ qua giai đoạn phục hoạt Gia Đình Phật Tử vô vàn gian nan – các chương trình văn nghệ sân khấu của GĐPT ai cũng nhận thấy có xu hướng thiên về Ca và Vũ, đặc biệt là kết hợp Ca-Vũ-Nhạc (múa minh họa cùng nhạc), mà gần như “thiêu-thiếu” bộ môn Kịch, nhất là trường kịch, bi hùng kịch nhiều màn, nhiều cảnh. Có chăng là thấy xuất hiện những vở hài kịch, thoại kịch ngắn, nhạc cảnh, hoạt cảnh…
Cảm thấy “tiêng-tiếc” cái dư âm củ, Thư Viện GĐPT cố gắng sưu tầm lại những vở kịch quen thuộc một thời, đăng tải lại, hầu giúp quý anh chị Huynh Trưởng GĐPT nếu thấy cần, có thể có nguồn tài liệu khiêm nhường đem tập tành cho các em, phục vụ những buổi trình diễn văn nghệ của đơn vị mình mỗi dịp có nhân duyên cúng dường lời ca, tiếng hát, điệu múa “cây nhà lá vườn” dung dị, thuần túy và truyền thống của tổ chức áo lam GĐPT.
Đầu tiên hết chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải lại kịch bản của hai vở bi hùng kịch khá quen thuộc với anh chị em Đoàn Viên GĐPT thế hệ thứ nhất, thứ hai – mà chắc chắn nhiều anh/chị đã từng là “diễn viên” hay “đạo diễn” – đó hai kịch bản Suối Từ và Mùa Gặt Ác (đều của tác giả Võ Đình Cường). Còn rất nhiều kịch bản khác cũng quen thuộc không kém nhưng e là đã “thất bản” như: Thái Tử Đản Sanh, Giờ Ra Đi, Đêm Thành Đạo, Mục Liên Cứu Mẹ, Thái Tử Tu-đại-noa, Cặp Mắt Thái Tử Câu-na-la… v.v… Nếu quý anh chị em nào còn lưu giữ được mà có hảo ý gởi về Thư Viện GĐPT để đăng tải cho sự hữu ích chung, chúng tôi rất hân hoan và trân trọng tiếp nhận.
SUỐI TỪ
Thoại kịch – 5 màn
Tác giả: VÕ ĐÌNH CƯỜNG
———=oOo=———
KHUNG CẢNH VÀ THỜI GIAN: Chuyện xảy ra tại một tiểu quốc ở Ấn Độ trong một thời xa xưa, khi đạo Phật còn cực thịnh.
NHÂN VẬT:
- THƯỜNG LẠC VƯƠNG: 52 tuổi, vua sẩy ngôi của một tiểu quốc ở Ấn Độ.
- THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN: 25 tuổi, con Thường Lạc Vương.
- ĐẠI LỰC VƯƠNG: 50 tuổi, người đã cướp ngôi của Thường Lạc Vương.
- ĐẠI THẦN HUYỀN VỊ: 60 tuổi, lão thần của cả hai triều: cũ và mới.
- CÔNG NƯƠNG QUỲNH NHƯ: 21 tuổi, con của Đại-thần Huyền Vị.
- NGƯỜI THỢ SĂN: 40 tuổi.
- NGƯỜI LIÊN LẠC: 27 tuổi.
- HAI PHẠM NHÂN: từ 25 đến 30 tuổi.
- CÁC QUAN HẦU, NỘI GIÁM, LÍNH.
Y PHỤC: Theo kiểu Ấn Độ thời xưa.
oOo
MÀN I
CẢNH: Trong một khu rừng xứ Ấn Độ, nơi ẩn trú của Thường Lạc Vương và Thái-tử Trường Sơn, sau khi bỏ ngai vàng trốn đi. Một khoảng thưa cây, gần bên một dòng suối. Đây đó vài ba cây cổ thụ vươn cao, vài bụi rậm. Ở gần chính giữa, trước một cây cổ thụ, có một phiến đá dùng để ngồi. Bầu trời trong trẻo. Ánh sáng non nẻo lọc qua vòm lá, in từng đám sáng xuống cỏ xanh. Vài tiếng chim thỉnh thoảng trổi lên trên điệu nhạc trầm bồng của dòng suối, làm tăng thêm vẻ yên tĩnh…
THỜI GIAN: Khi mặt trời vừa lên sau rặng cây.
NHÂN VẬT:
- THƯỜNG LẠC VƯƠNG phục sức theo lối các vị Tăng-già Tiểu Thừa, y vàng, gậy và bình bát.
- THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN phục sức theo lối võ sĩ, áo quần ngắn, có dây buộc ở giữa lưng, mang dép có dây buộc quá mắt cá.
- NGƯỜI LIÊN LẠC ăn mặc như một người dân thường Ấn Độ.
- NGƯỜI THỢ SĂN choàng một tấm áo bằng da thú.
- CON CỪU CON.
(MÀN MỞ)
Thái-tử Trường Sơn đang đàm đạo với người liên lạc. Thái-tử đi đi lại lại có vẻ suy nghĩ, trong lúc người liên-lạc ngồi ở trên phiến đá nhìn theo Thái-tử.
THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN (đi vài bước rồi dừng lại, nhìn người liên lạc hỏi): Thế ngươi đã gặp quan Đại-thần Huyền Vị chưa?
NGƯỜI LIÊN LẠC: Thưa Thái-tử, tôi đã gặp Đại-thần trước khi lên đây.
THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN: Đại-thần nói thế nào?
NGƯỜI LIÊN LẠC: Đại-thần nhắn với Thái-tử ráng đợi ít lâu nữa. Vua mới, triều đình mới, đám quan lại khó dò lắm. Vả lại trong tổ chức, có người vừa bị bắt. Nó khai có liên lạc với Thái-tử, nên thằng Đại Lực lại cho tầm nã riết Cựu-vương và Thái-tử. Xin Thái-tử hãy ráng đợi ít lâu.
TRƯỜNG SƠN: Vâng, thì ráng đợi. Nhưng phải có một thời hạn chứ. Để lâu quá, cơ đồ nó ổn định, lòng dân chóng nguôi quên, ta làm thế nào để lật đổ nó, chiếm lại ngai vàng? Ngươi về thưa lại với quan Đại-thần Huyền Vị là ta đặt tất cả tín nhiệm nơi Đại-thần, và giao trọn quyền cho Đại-thần định liệu. Nhưng cần phải quyết định gấp rút, không thể kéo dài thời gian mãi được.
NGƯỜI LIÊN LẠC: Thưa vâng.
TRƯỜNG SƠN: Thôi ngươi về đi. có lẽ Cựu-vương đi ngoạn cảnh cũng sắp về đây rồi, đừng để cho Ngài gặp. Nếu Ngài gặp, thì cơ mưu sẽ bại lộ, đại cuộc sẽ dở dang. Lần sau, chúng ta sẽ gặp nhau ở khu rừng trước kia, ở đây bất tiện. Thôi ngươi về đi. Ta chúc ngươi trở về bình yên vô sự.
NGƯỜI LIÊN LẠC: Chúc Thái-tử ở lại khương an (cúi chào).
TRƯỜNG SƠN (đưa theo mấy bước, rồi dừng lại dặn thêm): À, ngươi có gặp Công-nương Quỳnh Như, con của Đại-thần Huyền Vị thì bảo là ta có lời gởi thăm, và hãy yên lòng chờ đợi một ngày không xa ta sẽ trở về.
NGƯỜI LIÊN LẠC: Vâng ạ! (đi ra hẳn).
Thái-tử đi vào phía một gốc cây sau cùng, lấy một cái giỏ mây để bên cạnh gốc cây, tính đi hái trái cây. Thái-tử vừa đi vừa chăm chú cột lại mấy múi mây sút ra trên miệng giỏ. Thường Lạc Vương đi vào, một tay ôm một bó cỏ tươi nhỏ, một tay nắm gậy dài đi đường – nắm chứ không phải chống, vì Thường Lạc Vương còn khỏe mạnh.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (dừng lại, dộng mạnh cây gậy xuống đất vẻ bất bình): Trường Sơn!
TRƯỜNG SƠN (giật mình nhìn lên): Kìa, cha đã về!
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (hỏi, giọng chế giễu): Trường Sơn! Con định bao giờ trở về cướp lại ngôi vua đấy?
TRƯỜNG SƠN (tái sắc mặt, trả lời lúng túng): Thưa cha, thưa cha… con có định gì đâu.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (dộng mạnh chiếc gậy xuống đất): Thôi, đừng giấu quanh nữa. Những lời mày căn dặn thằng liên lạc ban nãy, ta đã nghe qua tất cả rồi. Đừng chối vô ích! Mày lại muốn gây lại can qua, tưới máu đám thường dân vô tội đế chiếm lại ngai vàng, xưng hùng xưng bá?
TRƯỜNG SƠN: Thưa cha, con chỉ lấy lại những gì người ta đã cướp đoạt trên tay cha con chúng ta thôi.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Nhưng mày lấy gì để cướp lại ngôi báu? Mày có đem thân mạng mày ra chăng! Hay mày sẽ trải thây trăm họ để bước lên đài vinh quang?
TRƯỜNG SƠN: Thưa cha, cha hãy nghĩ đến dòng họ nhà ta, mấy đời vua chúa, nghĩ đến tổ tiên chúng ta, đã ra công dựng nghiệp…
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (dịu giọng): Con ạ, cha đã nghĩ nhiều lắm rồi, tiên tổ chúng ta đã dựng nghiệp trên xương máu của thần dân nhiều lắm rồi, cha không muốn bây giờ chúng ta lại gìn giữ cái cơ nghiệp ấy cũng bằng xương máu một lần nữa.
TRƯỜNG SƠN: Nhưng, còn danh giá của nhà ta đang bị thằng Đại Lực chà đạp? Cha có nghĩ đến chăng?
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Có, cha có nghĩ đến con ạ! Danh giá nhà ta xưa kia được xây dựng và giữ gìn bằng gươm giáo, oai quyền; được tô vẽ bằng vàng son châu ngọc, bây giờ cha chỉ muốn cái danh giá ấy được tạo nên bằng đức độ, bằng tình thương và được bảo vệ trong cái áo vàng đơn sơ này.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (ngồi xuống trên phiến đá, chỉ tay về phía gốc cây đã cưa): Con hãy ngồi xuống đấy đã. Con ạ! (đôi mắt xa vời) Cái đêm cha con ta lìa bỏ kinh thành, cung điện ra đi cha cũng đã cân nhắc, suy luận, phấn đấu với cha nhiều lắm. Đêm ấy, trong lúc hai quân đang lăm le xáp chiến, sát khí đầy trời, chỉ chờ một tiếng lệnh của cha thi lăn xả vào nhau mà chém, mà giết… trong lúc trên thành, bên cạnh ta, các trung thần giục giã: “Đội ngũ đã sẵn-sàng, xin Bệ-hạ mau ra lệnh tiến binh”.
TRƯỜNG SƠN: Thôi, cha đừng nhắc lại nữa, con đã biết cả rồi.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Con hãy để cho cha nói tiếp! Con chưa biết hết cả ý nghĩ của cha trong đêm ấy đâu! (Thường Lạc đứng dậy) Ta đứng trên thành nhìn xuống: mấy vạn quân đang nằm san sát sau bờ thành, dưới hào lũy… và xa hơn nữa, trước mặt họ, những quân thù – ta bảo là thù, chứ họ có thù gì nhau đâu, cũng chỉ là những người dân cày vô tội mà thôi – những toán quân của Đại Lực cũng đang tuốt gươm hờm sẵn. Cha bỗng thấy xót thương cho họ quá. Họ có tội tình gì đâu? Chỉ hai gia đình giành giựt nhau một ngôi vua mà họ phải phơi thây trên chiến địa, phải đui què, tàn phế! Ừ, không lẽ vì gia đình ta và gia đình thằng Đại Lực mà thành kia vấy máu, hồ kia ngập xác người, nhà tan, cửa mất! Xuất quân ư? Chắc gì đã thắng? Mà nếu thắng thì cũng chỉ là người giết người, có gì vui sướng hãnh diện đâu? Gây chiến tranh thì làm sao tránh được cảnh mẹ già khóc con; vợ trẻ mỏi mắt chờ chồng; và những em bé ngây thơ, con ạ, chúng có tội tình gì đâu mà bắt chúng phải côi cút, sống không tình thương và đói lạnh? Không, không thể được! Cha không muốn chỉ vì cái ngai vàng nhỏ mọn ấy mà toàn dân trong nước phải khổ đau; không muốn đập tan hạnh phúc của bao nhiêu gia đình khác để xây đắp hạnh phúc riêng cho gia đình ta… Đấy! Vì thế mà cha đã rời bỏ cung điện, dắt con ra đi, sau khi đã truyền lệnh mở cửa thành cho quân của Đại Lực tiến đến.
TRƯỜNG SƠN (nói một cách buồn tủi): Mấy ai đã biết được vì những ý nghĩ thương người, yêu đời mà cha đã rời bỏ cung điện ra đi? Hay người ta chỉ nghĩ rằng cha đã trốn đi vì sợ thua, sợ chết?
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (tiến đến phía con, đặt tay lên vai Trường Sơn nói một cách dịu dàng): Con ạ! Mấy năm qua, chuyện ấy đã xóa mờ trong đầu óc cha rồi. Mỗi lần nhớ lại, cha không chút ăn năn hối tiếc. Nếu ai có tưởng lầm rằng cha đã đi trốn vì hèn nhát, thì cũng mặc họ. Miễn là trong thực tế, cha đã tránh cho hàng vạn người thoát khỏi khổ đau chết chóc. Con hãy nghe cha, đừng nhen nhúm lại lửa hận thù xưa nữa. Ngày mai nhân loại sẽ tồn tại vì Tình Thương chứ không phải vì thù hận. Từ Bi là nguồn sống, là ý nghĩa của cuộc đời, Trường Sơn con có nghe cha không? (nhìn vào mặt con một cách hiền dịu, nhưng như soi tận đáy lòng).
TRƯỜNG SƠN (cúi đầu xuống, nói một cách ấp úng, miễn cưỡng): Con… con xin nghe lời cha. Con sẽ cố gắng nghe theo lời cha.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (tỏ vẻ hài lòng): Thế thì không có gì làm cho cha vui sướng bằng. Nhưng đừng bao giờ quên lời cha nhé! Con có nghe tiếng suối mà cha đã đặt tên là Suối Từ đó không? Tiếng suối Từ reo chảy đêm ngày ấy sẽ nhắc con nhớ lời cha dặn. Thôi con đi hái trái đi, mặt trời đã lên cao rồi. Cha cũng sửa soạn tham thiền đây.
TRƯỜNG SƠN (vái chào cha): Thưa cha, con đi.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Con đi đi!
Trường Sơn đi khuất, Thường Lạc Vương chống gậy đứng nhìn theo, mắt chứa đầy trìu mến… Thường Lạc Vương quay lui vài bước, bỗng thấy con cừu con từ phía sau gốc cây chạy ra. Thường Lạc Vương vui vẻ chạy đến ôm lấy nó, bồng lên đến ngồi trên phiến đá.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Con đói rồi chắc? Anh con hôm nay đi hái trái cây trưa quá. À, có nắm cỏ non ta mới nhổ hồi sáng đây, cho con ăn tạm. (Trải nắm cỏ trên bàn tay, để trước miệng cừu con) Anh con không biết thật đã nguôi thù hận chưa. (Cúi xuống đỡ đầu cừu con lên, nhìn vào mặt nó) Con có bao giờ oán thù ai không? Ừ, nếu oán thù, thì con có quyền oán thù cả nhân loại, giống người ác độc đã ăn thịt cha mẹ con, anh em con, họ hàng con, giống nòi con, mà không một chút ăn năn. Ta chắc con không biết oán thù đâu, đôi mắt của con trong trẻo quá. Thế mà hay! Oán thù mấy cho vừa! Vả lại loài người có tốt lành, nể nang gì với nhau đâu? Họ có phải chỉ giết chúng con đâu, họ cũng giết họ nữa. So với sự giết hại chúng con, thì sự giết hại lẫn nhau giữa họ còn nhiều gấp mấy. Họ giết chúng con vì sự sống, nhưng họ giết họ còn vì tiền tài, danh vọng hương sắc, thú vui nữa… Ôi kể mấy cho rồi những ác độc của loài người, mà những triết gia thường ca tụng là tối linh thiêng. Thật ra, loài người còn mê mờ lắm. Và càng mê mờ lại càng khổ. Nhưng có lẽ nỗi khổ sẽ làm cho loài người sáng mắt và biết thương nhau hơn. Ta tin rằng tình thương sẽ thắng, loài người sẽ thôi giết nhau. Cái ngày họ thôi giết chúng con để ăn thịt có lẽ còn lâu, nhưng không phải là không đến. Ta tin rằng Từ Bi sẽ là đóa hoa cuối cùng phải nở trong lòng nhân loại…
Trong lúc ấy, một người thợ săn đứng núp sau một gốc cây, đi ra, chiếc cung gài tên sẵn nhắm về phía Thường Lạc Vương.
TÊN THỢ SĂN (nạt): Ngồi im! Nếu người có ý tẩu thoát thì ta bắn ngay.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (nhìn lên người thợ săn, cười không chút sợ hãi): Ngươi hãy hạ cung xuống, Ta không muốn trốn thoát đi đâu cả. Ngươi muốn lấy gì thì cứ lấy. Nhưng ta là một kẻ tu hành, có gì đâu mà lấy. Con cừu non này nhỏ quá, người có thể đi săn những con thú khác trong rừng, thịt nhiều hơn.
TÊN THỢ SĂN (tiến thêm vài bước, buông thõng chiếc cung xuống): Ta không muốn lấy gì của ngươi cả, mà cũng không muốn lấy con cừu con. Cái mà ta muốn lấy là thân mạng ngươi.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (cười mỉa mai): Thân mạng ta? Thân mạng ta lại còn tồi hơn cả con cừu con nữa. Thịt của con cừu, còn non mềm hơn.
TÊN THỢ SĂN: Người đừng bỡn cợt. Thân mạng ngươi thật không đáng gì nhưng ngươi đã trót mang cái danh là Cựu-vương Thường Lạc và chính đó là cái ta muốn lấy. Ta đã theo dõi người từ bấy lâu nay mới gặp.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: À, ra thế. Ta chết vì cái danh hiệu!
TÊN THỢ SĂN: Ngươi bảo rằng ngươi không quý giá gì, nhưng thật ra ngươi quý lắm. Ta đi săn suốt đời cũng không gặp được một con mồi quý giá như ngươi. Ta sẽ bắt ngươi về nạp cho Đại Lực Vương, lấy thưởng. Ta sẽ được chức quyền, bổng lộc, vợ con ta sẽ giàu sang, sung sướng.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (nói một cách khinh bỉ): Ngươi thật là trân tráo! Ngươi có biết xấu hổ, liêm sỉ không?
TÊN THỢ SĂN: Người ta chỉ biết xấu hổ, liêm sỉ khi đứng ngoài cuộc nhìn người khác làm, hay khi quỵền lợi nhỏ nhoi không đáng kể. Chứ ngươi đối với ta là cả một kho vàng.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (cười một cách chua chát): Ngươi thật đã trắng trợn. Nghề nghiệp của ngươi đã làm cho ngươi mất hết cả nhân tính. Nhưng ít ra, ngươi cũng còn thành thật hơn nhiều kẻ khác. Có lẽ vì ngươi thấy không cần làm mặt nhân nghĩa với ta nữa chăng?
TÊN THỢ SĂN: Chính thế! Nhân nghĩa chỉ cần khi lợi quyền chưa nắm chắc. Chứ còn ngươi thì đã nằm gọn trong tay của ta rồi, không cần phải dùng cái mặt nạ ấy nữa.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Ngươi lầm! Ngươi chưa nắm được ta đâu. Con ta sẽ về trong chốc lát. Trước sức mạnh của nó, ngươi thật không nghĩa lý gì hết.
TÊN THỢ SĂN (đưa cung lên hờm sẵn): Nếu nó về, ta sẽ bắn chết ngay trước khi nó kịp đề phòng. Ngươi có thương con thì hãy đi theo ta gấp, đừng để cho nó chết lây vô ích.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (thả con cừu nãy giờ ôm trong tay, đứng dậy, vẻ cương quyết): Ta không đi! Ngươi hãy bắn, hãy giết ta đi, Ta không muốn về triều, chết trước mặt bọn gian ác đã cướp giật ngôi ta. Ngươi cứ giết ta đi rồi lấy thủ cấp đem về lãnh thưởng.
TÊN THỢ SĂN (làm ra vẻ hung hăng trương cung nhắm bắn, nhưng Thường Lạc Vương vẫn thản nhiên đứng nhìn nó. Tên thợ săn hạ cung xuống, có vẻ lúng túng, rồi bỗng chắp tay dịu giọng nói): Thưa Ngài, Ngài hãy thương tôi, thương gia đình tôi. Ngài hãy cho tôi được bắt sống đem. Về triều, tiền thưởng của tôi sẽ nhiều hơn.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (cười mỉa mai): Lòng tham của người thật không đáy.
TÊN THỢ SĂN: Thưa Ngài, nét mặt của Ngài đã thay đổi nhiều quá sau mấy năm tu hành, nếu tôi đem thủ cấp về, chưa chắc Đại Lực Vương đã cho là thật. Và nếu Tân-vương không tin, thì thần dân vẫn còn bị khổ, đau đớn vì những sự ruồng xét, tra tấn để tìm bắt Ngài.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (vẫn mỉa mai): Ngươi lại dùng đến cái mặt nạ nhân nghĩa, đạo đức rồi!
TÊN THỢ SĂN: Không, thưa Ngài, thật là như thế đấy. Đại Lực Vương đã ra lệnh tầm nã Ngài rất dữ, đã tra tấn, giết chóc không biết bao nhiêu người vô tội, vì nghi họ chứa chấp Ngài. Nhân dân rất nhọc nhằn, lo sợ, không biết cái họa ấy đến bao giờ mới hết.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (nói có vẻ buồn): Thật thế sao? Ta không ngờ ta đã hy sinh tất cả mà vẫn có người còn đau khổ vì ta. Nhưng ta đã nguyện hy sinh thì hy sinh cho trót.
TÊN THỢ SĂN: (quỳ xuống van xin): Vâng, xin Ngài hãy hy sinh cho trót.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Thân mạng này rồi cũng có ngày tan rã, có đáng gì đâu. Ngươi ạ! Nếu ngươi bắt ta mà nhân dân đỡ lo sợ, gia đình ngươi được sung sướng, thì ta nào tiếc chi. Nhưng trước khi theo ngươi ta cần để lại một vài lời nhắn nhủ con ta đã. Ngươi đưa cho ta mượn con dao.
TÊN THỢ SĂN (vẻ lo ngại): Thưa Ngài, đừng tự tử.
THƯỜNG LẠC VƯƠNG: Không, không, ta cần con dao để cắt một chút đầu ngón tay viết cho con ta bằng chữ máu. Ta thấy như thế mới cảm hóa được con ta.
TÊN THỢ SĂN (rút con dao nhỏ giắt bên hông đưa cho Thường Lạc Vương một cách do dự): Nhưng xin Ngài đừng tự tử!
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (nghiêm nghị): Ta đã hứa là không!
Lấy con dao, cắn răng cứa một chút đầu ngón tay trỏ, quỳ xuống bên phiến đá, trải mảnh y phía trong ra, hý hoáy viết. Viết xong đọc lại. Xé mảnh y rời ra, đứng dậy, trương ra trên cây, quay đầu nói với người thợ săn: Ngươi đưa cho ta hai cây tên.
Người thợ săn rút hai mũi tên sau lưng đưa cho Thường Lạc Vương, Thường Lạc Vương găm hai góc phía trên miếng vải vào thân cây với hai mũi tên, rồi lui ra xa ngắm…
TÊN THỢ SĂN: Ngài viết gì đấy?
THƯỜNG LẠC VƯƠNG (đọc to): “Cha đã bị bắt đưa về kinh. Con ở lại tiếp tục tìm Đạo. Hãy tưới tình thương xuống hận thù. Đừng hao giờ lấy gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời hỷ xả, từ bi. Hãy lắng nghe tiếng suối Từ mà nhớ lời cha dặn…”
Đứng nhìn một lát, có vẻ ngậm ngùi nhớ thương… Bỗng nhìn thấy con cừu, đi đến cúi xuống vuốt ve nó: Thôi con ở lại. Anh con sẽ săn sóc con. Ta còn đi trả sạch nợ đời. Ta tin chắc rằng sự hy sinh của ta sẽ gây ảnh hưởng tốt cho người sau. Ta chết, yên lòng với niềm tin tưởng ấy (vừa nói vừa cột con cừu vào gốc cây). Thôi ta đi!
Hai người đi ra… Giữa khu rừng chỉ còn lại con cừu con đang ngơ ngác kêu lên những tiếng kêu sợ hãi, tiếng suối trổi giọng, nghe rõ hơn…
Một chốc, Thái-tử Trường Sơn đi vào, tay xách một giỏ trái cây, vẻ hớn hở.
TRƯỜNG SƠN: Hôm nay trái cây nhiều và tốt quá. Ít ra ăn cũng được vài ngày. (Nhìn quanh) Cha đâu? Mà sao con cừu lại cột đây? Cha đâu?
Vẻ lo ngại, trật nhìn lên thân cây thấy tấm vải viết bằng chữ máu. Chạy đến chăm chú đọc. Đọc xong, đánh rơi giỏ trái cây xuống đất, vẻ hốt hoảng điên cuồng: Chao ôi! Cha bị bắt mất rồi!
Đứng gục đầu vào thân cây, thổn thức. Một lát lấy tay chặm nước mắt, ngước đầu dậy, vẻ giận dữ: Thằng Đại Lực thật là tàn ác! Cha càng hy sinh, nó càng lợi dụng. Cha đã ruồng bỏ tất cả, giang sơn, ngai vàng, châu báu… thế mà vẫn chưa vừa, nó còn tìm cách để sát hại cha nữa. Cha dạy con phải từ bi, nhưng từ bi sao được giữa loài lang thú, tưới tình thương lên hận thù? Không! Phải lấy hận thù trả lại hận thù, lấy gươm giáo trả lời gươm giáo. Ta phải đi về kinh đô ngay mới được.
Đi ra, sực nhìn thấy con cừu đang bị cột bên gốc cây, đi đến mở dây nói với nó: Thôi, con hãy ở lại, tự liệu lấy mà sống. Hận thù chưa dứt, ta còn trở lại cõi đời, tắm mình trong máu và nước mắt (đi ra).
(MÀN HẠ NHANH)
—oOo—
MÀN II
CẢNH: Tại tư dinh của quan Huyền Vị. Nhà làm theo kiểu Ấn Độ, cột bằng đá to tướng, sau cùng phía tả có một cửa cuốn cao rộng có rèm che, ăn thông vói các phòng phía sau. Phía hữu có một sập để gần trong góc, ở trước có màn vén lên. Tường phía tả có một cửa sổ, có thể mở nhìn ra phía đường được. Ở giữa phòng có một cái bàn và hai cái ghế bành kiểu xưa dùng để tiếp khách. Cửa đi vào ở phía hữu đàng trước có một lan can.
THỜI GIAN: Vào khoảng xế chiều, trời nóng bức.
NHÂN VẬT:
- THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN.
- CÔNG NƯƠNG QUỲNH NHƯ.
- ĐẠI THẦN HUYỀN VỊ.
- MỘT NGƯỜI LÍNH.
Ở hậu trường vọng ra tiếng ồn ào, náo nhiệt của đám dân chúng đang chứng kiến cuộc thiêu sống Thường Lạc Vương và tiếng lửa reo cháy…
(MÀN MỞ)
Thái-tử Trường Sơn cải trang thành ông lão, râu bạc, lưng còng, đang chống chiếc gậy đứng trước lan can của tư dinh Đại-thần Huyền Vị, mắt láo liên nhìn vào trong nhà. Nhà vắng vẻ. Thái-tử đằng hắng vài tiếng, vẫn không thấy trong nhà có ai ra. Thái-tử lấy chiếc gậy gõ vài ba cái vào lan can. Từ phòng sau Công-nương Quỳnh Như đi vội ra.
QUỲNH NHƯ (vừa đi vừa nói): Chết! Gia nhân đi xem vắng cả! Thưa cụ hỏi ai?
TRƯỜNG SƠN: Thưa Công-nương, đây có phải là tư dinh của Huyền Vị Đại-thần không?
QUỲNH NHƯ: Thưa, chính đây ạ.
TRƯỜNG SƠN: Thế thì may quá! Đại-thần có nhà không?
QUỲNH NHƯ: Thưa, phụ thân tôi đi vắng. Xin rước cụ vào nhà nghỉ đã.
TRƯỜNG SƠN (đi vào nhà): Tôi ở xa mới đến. Xưa kia tôi cũng là bạn đồng liêu với cụ nhà. Hôm nay nghe có cuộc xử thiêu Cựu-vương Thường Lạc, tôi về xem, tiện đường ghé lại thăm cụ nhà.
QUỲNH NHƯ: Xin rước cụ ngồi. Cụ mà cũng thích xem cảnh xử thiêu ấy à?
TRƯỜNG SƠN (ngồi xuống): Thích lắm chứ! Có gì thích bằng được xem một người đang vùng vẫy, quằn quại trên giàn hỏa, trong lúc những ngọn lửa như những cái lưỡi đỏ của bầy thú dữ thi nhau liếm, táp, giựt xé từng miếng thịt…
Quỳnh Như tỏ vẻ ghê tởm, hai tay víu vào thân áo, mắt mở to, rùng mình, quay đầu đi như không muốn nghe tiếp.
TRƯỜNG SƠN (nhìn thấy, dừng lại một giây, rồi tiếp): Sao? Công-nương không thích nghe những chuyện ấy à? Vui lắm chứ. Suốt đời có mấy lần được nghe những tiếng rên, tiếng thét, tiếng rú của nạn nhân, à quên, của tội nhân trên giàn hỏa, nhất là khi tội nhân ấy là một ông vua. Sao Công-nương không đi xem cho biết? Cụ nhà đi xem rồi chắc?
QUỲNH NHƯ: Vâng, phụ thân tôi phải đi dự cùng triều thần. Hôm nay, có cả Đại Lực Vương đến dự nữa.
TRƯỜNG SƠN: Ừ, thế nào cũng có. Còn gì thích thú bằng được thấy kẻ thù của mình giẫy giụa, rên siết trên giàn hỏa. Và tôi chắc e cũng có cả Thái-tử Trường Sơn, con của Cựu-vương Thường Lạc nữa.
QUỲNH NHƯ: Tôi chắc Thái-tử Trường Sơn đã tẩu thoát rồi. Nếu Thái-tử muốn nuôi chí phục thù, thì Thái-tử phải cẩn-thận lánh xa chốn này.
TRƯỜNG SƠN: Không, theo ý tôi, nếu Thái-tử Trường Sơn muốn nuôi chí phục thù thì phải trở về đây chứng kiến cái cuộc hỏa thiêu nầy chứ. Chứng kiến để in sâu vào tâm khảm cái cảnh quằn quại rẫy chết của người cha trên giàn hỏa để hăng chí phục thù chứ.
QUỲNH NHƯ: Nhưng nếu Thái-tử về đây thì chẳng khác gì tự vào hang cọp. Làm sao tránh khỏi những con mắt dò xét cẩn mật của quan quân canh phòng được?
TRƯỜNG SƠN: Sao lại không tránh được? (nhìn quanh như để dò xem có ai khác) Sao lại không tránh được? Chỉ cần thêm bộ râu giả nầy vào (bứt chòm râu ra), thêm một ít than và phấn (lấy vạt áo lên lau mặt), chiếc gậy và lưng còng (để chiếc gậy xuống ghế và ngồi thẳng dậy) là đi đâu cũng được.
QUỲNH NHƯ (nhận ra Trường Sơn, kêu lên): Thái-tử Trường Sơn! (chạy đến sụp quỳ bên chân Trường Sơn, tựa đầu vào vế chàng, khóc nức nở).
TRƯỜNG SƠN (xích ra, bảo): Công-nương đừng làm như thế, gia nhân thấy được bất tiện.
QUỲNH NHƯ (ngước lên, mắt nhòa nước mắt): Gia nhân đều đi xem hỏa thiêu tất cả. Thái-tử hãy để cho em được khóc, được than, được chia sẻ nỗi đau thương cùng tột với Thái-tử, cho em được trút ra đây nỗi xót xa vô tận khi được tin Cựu-hoàng bị bắt.
TRƯỜNG SƠN (đứng dậy): Giờ đây không phải là lúc khóc than mềm yếu. Nếu em còn nghĩ đến mối tình của chúng ta, thì hãy nung thêm cho ta ngọn lửa phục thù, mài thêm cho ta lưỡi gươm rửa hận. Khóc than nào có ích gì, chỉ thêm nhụt lòng chiến đấu (hậu trường vang dội một hồi trống xen lẫn với tiếng xôn xao của người đi xem). Kìa, hình như trống lệnh đã bắt đầu cuộc hỏa thiêu, ta phải cải trang đi ra nhìn mặt người cha thân yêu một lần cuối.
QUỲNH NHƯ (đứng dậy, dang tay cản): Không! Thái-tử không nên đi, em sợ khó bảo toàn tánh mạng. Pháp trường ở sát ngay đây. Nếu Thái-tử muốn, chúng ta có thể mở cửa sổ đứng đây nhìn ra rõ lắm.
Quỳnh Như đến mở cửa sổ phía tay trái mình; ánh lửa hồng ở giàn hỏa ùa vào phòng một lần với những tiếng xôn xao, khi hai cánh cửa sổ mở ra. Thái-tử đi theo, đến đứng phía sau Quỳnh Như.
QUỲNH NHƯ (với tay kéo một cánh cửa, khép nữa chừng cho bớt lộ liễu): Thái-tử hãy đứng phía sau em để tránh những con mắt nhòm ngó ở ngoài. Ngọn lửa đã bắt đầu bùng cháy. Thái-tử có thấy rõ không? Cựu-hoàng vẫn bình tĩnh quá! Người ta có cảm tưởng như Ngài không nghe, không thấy ngọn lửa đỏ đang gầm ghè, hùng hổ chồm tới, liếm quanh Ngài, chụp lấy Ngài… À, mà hình như Ngài đang nói gì (lắng nghe, rồi xây lui hỏi Trường Sơn) Thái-tử có nghe Ngài đang nói gì đấy không?
Hậu trường có tiếng ồn ào xen lẫn tiếng lửa cháy…
TRƯỜNG SƠN (nãy giờ đứng sau lưng Quỳnh Như, tất cả tâm hồn căng thẳng, tay vấu vào vạt áo, vò nát trong tay, mắt trừng trừng nhìn qua cửa sổ. Nghe Quỳnh Như hỏi, Trường Sơn hơi chồm tới để nghe rồi trả lời): Không nghe gì hết, tiếng ồn ào của dân chúng át mất cả. Có lẽ lại căn dặn phải mở rộng lòng từ bi, phải tưới tình thương lên thù hận chứ gì! (cười tức tối) Tình thương! Từ bi! Để cho quân tàn bạo tự do làm ác!
QUỲNH NHƯ (lắng nghe): Thái-tử nghe gì không? Hình như có tiếng nức nở than khóc, lẫn tiếng la ó của dân chúng.
Hậu trường có tiếng khóc tấm tức, tiếng chào xáo, tiếng lửa reo cháy, tiếng nổ của những ống tre và tiếng gào thét: “Hãy mở trói! Thả Ngài ra!”
QUỲNH NHƯ (bỗng rùng mình, thụt lùi, cắn mạnh vào nắm tay mà nãy giờ nàng đè sẵn trên môi, như để trấn áp một tiếng kêu hãi hùng): Ghê quá! Từng mảnh áo vụt cháy, bay lên! (Đưa tay lên che mặt, quay hẳn người lại, gục đầu trước ngực Trường Sơn, khóc tấm tức): Không, em sợ lắm! Em không muốn nhìn thấy nữa.
TRƯỜNG SƠN (nãy giờ, đôi mắt trừng trừng phản chiếu ánh lửa đỏ trên giàn hỏa, hai hàm răng cắn chặt, làm nổi bật những bắp thịt ở quai hàm, tay mặt chắp sau lưng, nắm lưng áo thỉnh thoảng lại giật, giật… như để cho hả cơn giận. Khi thấy Quỳnh Như quay lại khóc, liền nắm hai cánh tay nàng, bắt xây mặt trở lại phía cửa sổ, nói một thôi, giọng đầy căm thù): Không! Phải quay lại, mở mắt cho to mà nhìn cho rõ cảnh hành hình tàn ác, dã man ấy! Hãy in sâu vào mắt những cái giãy dụa ấy! Hãy thu vào tai tiếng xèo xèo của thịt da đang cháy ấy! Hít vào tận buồng phổi cái mùi khét nồng của xương tóc ấy! Hãy biến ngọn lửa đang cháy hừng hực trên giàn hỏa ấy thành những ngọn lửa căm thù trong lòng chúng ta; hãy để cho nó chảy bừng bừng trong đôi mắt, trong đầu; hãy để cho nó đốt cháy tất cả, và đốt cháy… (chậm lại và hổn hển) luôn cả lòng ta (buông hai cánh tay Quỳnh Như ra, rã rời té qụy xuống, ho sặc sụa vì khói từ giàn hỏa bay vào).
QUỲNH NHƯ (quay lui, thấy Trường Sơn sắp ngã, cúi xuống đỡ dậy, hốt hoảng kêu): Thái-tử! Thái-tử sao thế! Thái-tử hãy vào đây nghỉ cho khỏe (dìu Thái-tử vào nằm trên một cái ghế đệm dài ở gần cuối phòng, lấy gối kê dưới đầu Thái-tử, đi rót một chén nước, đến gần bên Thái-tử, cúi xuống đổ nước cho Thái-tử, vẻ âu-yếm).
Trong lúc ấy có tiếng dép bước lên thềm phía ngoài lan can. Quỳnh Như quay lui hồi hộp chờ xem. Thấy bóng người sắp đi vào, nàng vội buông tấm màn treo trước ghế đệm chỗ Trường Sơn nằm, đi ra.
Người lính đi vào.
NGƯỜI LÍNH (đứng ở lan can, chào Quỳnh Như): Kính chào Công-nương.
QUỲNH NHƯ (vừa đi vừa nói): Ngươi cứ vào đây. Có việc gì thế?
NGƯỜI LÍNH: Thưa Công-nương, nhà có người lạ nào không?
QUỲNH NHƯ (ấp úng): Không… không…, chuyện gì thế?
NGƯỜI LÍNH: Thưa Công-nương, có một bọn xúi dân làm loạn trong lễ xử Thường Lạc. Chúng đã bị bắt nhưng còn vài đứa thoát thân được. Quan Đề-đốc truyền lệnh phải canh phòng cẩn mật, không cho người lạ mặt vào lẩn trốn ở các tư gia.
QUỲNH NHƯ: Thế à? Ở đây không có ai lạ cả. Khi nào có người lạ đến, tôi sẽ bảo cho quan Đề-đốc biết ngay.
NGƯỜI LÍNH (có vẻ đắn đo trước khi nói): Thưa Công-nương, Công-nương bỏ lỗi cho. Người ta vừa báo cho hay hình như có một ông già mới vào đây.
QUỲNH NHƯ (làm ra vẻ nhớ lại): Một ông già? À có! Ông vào hỏi thăm thân phụ tôi, nhưng không gặp, nên lại ra ngay. Ông ta đi ngả nầy (chỉ phía bên trái).
NGƯỜI LÍNH: Thế à? (vẫn đứng, có vẻ muốn nói gì nữa…).
QUỲNH NHƯ (cố làm ra vẻ tự nhiên, mỉm cười): Hay nếu người không tin thì cứ vào soát xem cho chắc.
NGƯỜI LÍNH (thoái thác): Không, không, Công-nương thứ lỗi cho. Ai lại vào soát nhà một quan đại thần bao giờ. Tôi hỏi như thế là sợ có bọn gian phi vào lẩn trốn mà Công-nương không hay. Thôi xin kính chào Công-nương (sắp đi ra..).
QUỲNH NHƯ (làm bộ vồn vã): Người hãy ở lại uống chén nước đã. Trời nóng nực quá, thêm giàn hỏa gần một bên cạnh.
NGƯỜI LÍNH: Xin cảm ơn Công-nương. Phận sự còn nhiều lắm. Công-nương cho phép một lần khác (cúi chào ra đi).
Quỳnh Như thở ra một hơi dài như trút được gánh nặng, đứng nhìn theo người lính, rồi quay vào. Thái-tử Trường Sơn ở trong cũng vừa vén màn đi ra.
QUỲNH NHƯ: Thái-tử hãy cẩn thận. Bọn quan quân đang đi lùng xét gắt lắm. Và có người đã bị bắt.
TRƯỜNG SƠN: Vâng, ta đã nghe rõ cả rồi.
QUỲNH NHƯ: Thái-tử có dính dáng gì với những người vừa bị bắt ấy không?
TRƯỜNG SƠN: Không. Đấy có lẽ là những người tự động do sự phẫn nộ trước cách hành hình dã man của thằng Đại Lực gây nên. Nó càng làm ác thì đại cuộc lại càng chóng thành công.
QUỲNH NHƯ (nghe tiếng động, nhìn ra phía lan can): Kìa, phụ thân em đã về. Em phải lánh ra đàng sau để khỏi bị phụ thân em quở trách (đi vào phòng, sau).
HUYỀN VỊ ĐẠI THẦN (đi vào, vẻ mệt nhọc, buồn bã. Nhìn thấy Trường Sơn): Kìa Thái-tử! (chạy đến ôm Thái-tử vào lòng. Trường Sơn cũng choàng tay qua vai Huyền Vị. Huyền Vị sụt sùi khóc, nói giọng đầy nước mắt): Lão đã cố cản ngăn Đại Lực Vương, cố kéo dài thời gian trước khi xử thiêu Cựu-vương để tìm cách đánh thoát mà không được. Thằng Đại Lực nó truyền xử ngay để không ai có thể trở tay kịp. Lão thật là có tội với Tiên-vương, có tội với Thái-tử. Lão đã nhẫn nhục làm một tên phản thần để mong xoay lại nghiệp lớn, thế mà nghiệp lớn chưa thành, Tiên-vương lại còn bị hành quyết một cách quá đớn đau. Càng cảm phục cái đức độ cao dày của Tiên-vương, lão lại càng thẹn thùng cho tài hèn đức mọn của lão. Nếu biết cớ sự ra nông nỗi thế này thì thà trước kia lão đi theo Tiên-vương cho trọn đạo quân thần, cho tròn danh tiết, chứ ở lại triều đình làm gì cho mang tiếng phản thần mà vẫn không vun tròn nghĩa cả.
TRƯỜNG SƠN (gỡ tay Huyền Vị ra, an-ủi): Đại-thần đừng quá nhu mì tự trách như thế. Thật ra, Đại-thần đã hy sinh rất lớn cho cơ nghiệp nhà ta, và từ nay, Đại-thần lại là rất cần thiết trong việc lật đổ ngai vàng của thằng Đại Lực, một cột trụ chính cho ta nương tựa để phục thù.
HUYỀN VỊ: Không, cột trụ chính không phải là lão, mà vẫn còn là ở Tiên-vương.
TRƯỜNG SƠN (nhìn Huyền Vị, vẻ suy nghĩ): Đại-thần muốn nói gì, tôi không hiểu.
HUYỀN VỊ: Tôi muốn nói, mặc dù Tiên-vương không còn nữa, nhưng tinh thần của Ngài, ảnh hưởng của Ngài mỗi ngày mỗi lan rộng trong nhân gian và chính nhờ đó mà cơ nghiệp lớn chóng phục hồi. Nhất là hồi nãy, trong lúc bị xử thiêu, vẻ mặt thản nhiên, bình tĩnh và những lời nói chứa đầy đức độ, khoan dung của Ngài đã chinh phục được tất cả lòng người chứng kiến. Thái-tử có biết Tiên-vương đã căn dặn gì không?
TRƯỜNG SƠN: Cha tôi đã dạy bảo gì thế?
HUYỀN VỊ: “Hãy tưới tình thương xuống hận thù! Đừng bao giờ dùng gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời hỷ xả, từ bi…”
TRƯỜNG SƠN: Những lời ấy thì tôi đã nghe nhiều lắm rồi. Nhưng dân chúng đã có những phản ứng như thế nào trước cảnh hỏa thiêu ấy?
HUYỀN VỊ: Có những bà mẹ đã khóc than nức nở, có người đã yêu cầu thả ngay Tiên-vương, có những thanh niên hăng hái, cuồng nhiệt hơn, đã xông tới định phá giàn hỏa để cứu Tiên-vương… Thằng Đại Lực đã thất bại lớn! Trong lúc nó tưởng đã tiêu diệt được kẻ thù cuối cùng là Tiên-vương, thì chính nó đã gây thêm không biết bao nhiêu kẻ thù khác; trong lúc nó tưởng đã xóa bỏ cái ảnh hưởng tinh thần của Tiên vương thì chính nó lại trang trải cái ảnh hưởng ấy rộng xa trong dân chúng. Nó đã nắm đuốc châm vào giàn hỏa, và cùng một lúc, nó đã châm luôn vào ngai vàng mà nó vừa cướp giật được!
TRƯỜNG SƠN: Thế thì chúng ta phải hành động gấp, thổi thêm gió vào cho ngai vàng của nó chóng tiêu tan.
HUYỀN VỊ (vẻ suy nghĩ): Điều làm cho lão phân vân nhất là chúng ta sẽ thổi bằng ngọn gió gì? Gió từ bi hay gió thù hận? Ngọn gió từ bi mà Tiên-vương đã phát ra đã có kết quả lớn. Chúng ta có thể tiếp tục được nữa chăng? Và tiếp tục như thế nào?
TRƯỜNG-SƠN (cương quyết): Từ bi cũng phải có giới hạn. Đến một mức độ nào đó, nó sẽ mất hết cả hiệu lực và trở thành buồn cười. Đối với thằng Đại Lực, chỉ có một cách là tiêu diệt nó.
HUYỀN VỊ: Tiêu diệt nó thì không khó khăn gì cả. Nhưng làm sao để khỏi liên lụy đến thần dân, khỏi gây can qua cho trăm họ như thánh ý của Tiên-vương. Nếu ta làm trái lại, thì không những chúng ta sẽ gây họa lớn cho lương dân, mà còn làm cho sự hy sinh cao quý của Tiên-vương sẽ thành vô nghĩa.
TRƯỜNG SƠN: Vậy Đại-thần có diệu kế gì để trừ diệt nó không?
HUYỀN VỊ (dáng suy nghĩ, đi đi, lại lại…): Thái-tử để cho lão có thì giờ suy nghĩ đã. Trong lúc ấy, Thái-tử hãy cải dạng ở lại đây, giả làm cháu của lão để được an toàn. Thôi, Thái-tử hãy vào sau an nghỉ. (Xây ra sau gọi): Quỳnh Như ơi, ra đây cha bảo.
QUỲNH NHƯ (trong phòng đi ra): Thưa cha gọi con?
HUYỀN VỊ: Con hãy dọn cho Thái-tử một căn phòng để Thái-tử nghỉ. Từ nay Thái-tử sẽ là anh họ của con, nghe chưa?
QUỲNH NHƯ: Thưa cha vâng ạ! (quay lại phía Thái-tử): Xin mời Thái-tử vào phòng sau an nghỉ.
HUYỀN VỊ (nhìn ra phía lan can giục): Xin mời Thái-tử vào gấp cho. Hình như có người đến. (Hai người vào khuất trong lúc Huyền Vị sửa áo đi ra phía cửa).
Một quan hầu đến.
QUAN HẦU (vái chào Huyền Vị): Kính chào Đại-thần.
HUYỀN VỊ: Người ở triều đến? Có việc gì đấy?
QUAN HẦU: Bẩm Đại-thần, Hoàng-thượng truyền mời Đại-thần vào chầu gấp, có việc cần.
HUYỀN VỊ: Thế à? Ngươi hãy vào trước đi. Ta sửa áo đi ngay.
QUAN HẦU (cúi chào): Kính chào Đại-thần (lui ra…)
HUYỀN VỊ: Ngươi đi! (Xây lui gọi Quỳnh Như): Quỳnh Như con ơi!
QUỲNH NHƯ (ở trong phòng ra): Thưa cha gọi con?
HUYỀN VỊ: Con coi nhà, hầu hạ và gìn giữ Thái-tử cho chu đáo nhé! Nếu Thái-tử gặp rủi ro gì… thì mọi sự đều hỏng cả. Cha được lệnh vào cung gấp.
QUỲNH NHƯ (nhìn cha có vẻ lo ngại): Có việc gì thế? Con lo quá. Con nghe có mấy người vừa bị bắt. Cha cũng cần phải phòng bị. Nếu cơ mưu bại lộ…
HUYỀN VỊ (trấn tĩnh con): Không can gì. Cha được Tân-vương tin cậy lắm. Thôi cha đi kẻo trễ. (đi ra).
QUỲNH NHƯ: Thưa cha đi! (lo lắng đứng nhìn theo…)
(MÀN TỪ TỪ HẠ)
oOo
MÀN III
CẢNH: Tại Ngự Uyển của Đại Lực Vương. Từng con đường lát đá phân chia khu vườn thành từng thảm cỏ xanh mướt. Đây đó, vài khóm hoa lá, trong cùng hiện ra một góc nhà lục giác. Rải rác vài tấm ghế đá bên đường làm chỗ nghỉ chân.
THỜI GIAN: Chiều xuống, ánh mặt trời le lói sắp tắt.
NHÂN VẬT:
- ĐẠI LỰC VƯƠNG.
- HUYỀN VỊ ĐẠI THẦN.
- HAI PHẠM NHÂN.
- CÁC QUAN HẦU.
(MÀN MỞ)
Đại Lực Vương đang đi đi lại lại trong vườn, ra chiều suy nghĩ. Vài quan hầu, gươm tuốt khỏi vỏ, đang đứng hầu xa xa…
ĐẠI LỰC VƯƠNG (dừng lại, xây qua hỏi một quan hầu): Còn hai phạm nhân mới bắt hồi nãy, chúng đã khai gì thêm chưa?
QUAN HẦU: Tâu Hoàng-thượng, chúng chỉ một mực xin được chết theo Cựu-vương Thường Lạc, chứ không khai báo gì cả.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (cười, có vẻ khó hiểu): Cũng lạ thật! Người bảo dẫn chúng vào đây ta hỏi.
QUAN HẦU: Phụng mệnh (vái chào đi ra).
ĐẠI LỰC VƯƠNG (xây qua hỏi một quan hầu khác): Ngươi đã mời quan Đại-thần Huyền Vị đến chưa?
QUAN HẦU: Tâu Hoàng-thượng, quan Đại-thần sẽ đến chầu trong chốc lát.
Quan hầu thứ nhất dẫn hai phạm nhân vào. Hai người này tay bị trói ra sau lưng nhưng dáng điệu vẫn hiên ngang, vẻ mặt rắn rỏi.
QUAN HẦU (nạt hai phạm nhân): Quỳ xuống!
Hai người này vẫn đứng.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (nói với quan hầu): Ngươi hãy để cho họ tự nhiên. (Xây qua hỏi hai phạm nhân): Các ngươi có bị tra khảo không?
HAI PHẠM NHÂN: Không!
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ừ! Ta đã truyền lệnh không được hành hạ các ngươi. Vì dù sao, các ngươi cũng là những người nghĩa khí, đáng được trọng nể. Nhưng ta chỉ tiếc các ngươi đã hành động một cách quá nông nổi. Các ngươi tưởng những hành động đơn độc của các ngươi trong lúc đến phá giàn hỏa có thể cứu thoát được Cựu-vương Thường Lạc chăng?
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Ta tin rằng những cử chỉ đẹp đẽ, hy sinh không bao giờ đơn độc, thế nào cũng có người hưởng ứng. Ta tin rằng trong lúc các ngươi bắt chúng ta đây, có từng ngàn, từng vạn người đang phẫn uất; đang tìm cách để đánh thoát cho chúng ta, như chúng ta đã tìm cách đánh thoát cho Cựu-vương Thường Lạc.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (cười mỉa): Các ngươi có biết rằng các ngươi sẽ chết ngay đây trong lúc bè đảng của các ngươi chưa kịp trở tay, cũng như Thường Lạc đã bị xử thiêu sau khi bị bắt?
PHẠM NHÂN THỨ HAI: Chúng ta chết, nhưng tinh thần chúng ta không chết, những cử chỉ nghĩa khí sẽ được tiếp nối mãi mãi. Trái lại trong khi ngươi chém giết cho nhiều để được sống lâu hơn, thì tâm hồn của ngươi lại đã rẩy chết rồi, và chỉ để lại cho đời sau những tiếng nguyền rủa.
QUAN HẦU (nạt): Im mồm! Các ngươi không được phạm thượng! Gươm kề bên cổ rồi mà không biết thân.
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Lũ bay ham sống chứ ta có cần đâu.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (mỉa mai): Các ngươi thật là những vị anh hùng không sợ chết!
PHẠM NHÂN THỨ HAI: Không phải chúng ta không sợ chết. Nhưng có những cái khác đáng sợ hơn, bắt buộc chúng ta phải lựa cái chết.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Những cái gì đáng sợ hơn?
PHẠM NHÂN THỨ HAI: Những gian tham ác độc. Vì chúng làm chết một lần nhiều người hơn. Nếu trừ diệt được chúng, loài người sẽ sung sướng an vui hơn. Cho nên, nếu cần chết một đời mà muôn đời con cháu ta được sung sướng, chúng ta không bao giờ từ nan. Chúng ta vui sướng cái vui sướng của ngày mai mà quên cái đau khổ phải hy sinh hôm nay.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẫn chế giễu): Các ngươi lý tưởng quá! Nhưng ta cần phải thực tế hơn. Các ngươi hãy nói cho ta biết các ngươi có liên lạc với Cựu-vương Thường Lạc như thế nào, và những ai nằm trong tổ chức các ngươi.
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Thường Lạc Vương là cha tinh thần của chúng ta. Tấm gương đức độ và hy sinh của Ngài đã chiếu sáng tâm hồn của chúng ta, và chúng ta phản chiếu lại tấm gương lớn ấy. Ngài đã liên lạc với chúng ta qua “Tình Thương” rộng lớn vô biên mà ngươi không thể hiểu thấu được…
PHẠM NHÂN THỨ HAI (nói tiếp theo): …Và tất cả những người biết yêu chân lý, trọng lẽ phải, quý tình thương đều nằm trong tổ chức của chúng ta.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẫn mỉm cười): Các ngươi lại lý tưởng rồi! Ta muốn các ngươi thực tế hơn.
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Chúng ta khác ngươi ở điểm ấy. Và chính vì thế, nên tương lai thuộc về chúng ta.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Tương lai về tay các ngươi? (mỉm cười) Các ngươi có biết các ngươi sắp chết không?
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Chúng ta biết lắm, khi làm việc này.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (dịu giọng): Ta nói chơi thế thôi, chứ ta không giết các ngươi đâu. Ta giết thêm vài người nữa cũng vô ích. Ta muốn những người có chí khí như các ngươi sẽ giúp ta trị nước, an dân. Các ngươi nghĩ sao?
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Ngươi đừng tưởng có thể dùng cái thủ đoạn mơn trớn của con mèo để lừa phỉnh chúng ta.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không, ta thành thật đấy. Ta muốn các ngươi giúp ta một tay, xoay lại cơ đồ, áp dụng một chính sách mới.
PHẠM NHÂN THỨ HAI: Ngươi đừng nhiều lời vô ích. Nếu chúng ta tham tài lộc, thì chúng ta đã không chống lại ngươi.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (cười có vẻ chế diễu): Các ngươi tỏ ra chưa thạo việc đời lắm. Các ngươi không biết rằng muốn được tài lộc nhiều, trước tiên phải tỏ ra chống đối. Càng chống đối gắt gao lại càng được quyền lợi lớn (xây lại phía quan hầu): Nội-giám, hãy kể cho họ nghe bản danh sách của các triều thần ở trong trường hợp ấy, và kể luôn trường hợp của ngươi nữa.
Quan hầu bối rối, thẹn thùng gãi tai…
PHẠM NHÂN THỨ NHẤT: Ngươi không cần phải kể, ta cũng biết nó dài lắm. Những kẻ cướp, trước khi chia đồ, bao giờ cũng chống đối nhau kịch liệt. Nhưng quốc dân không phải ai cũng là kẻ cướp. Nếu ngươi tưởng lấy danh lợi mà dụ dỗ được chúng ta, ngươi sẽ lầm lớn. Chúng ta chống đối ngươi vì chính nghĩa, chứ phải đâu vì quyền lợi?
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẻ nghiêm nghị): Ngươi đã nói quá lời. Rồi ngươi sẽ hối hận không kịp.
Trong lúc ấy một quan hầu vào, quỳ tâu.
QUAN HẦU: Tâu Thánh-thượng, có tên thợ săn đang đứng đợi ở sân rồng, chờ lệnh được bệ kiến.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Cho nó vào. Dẫn hai phạm nhân này ra giam lại, nhưng cấm không được tra tấn nếu chưa có lệnh ta.
QUAN HẦU: Phụng mệnh! (xây lại giục hai phạm nhân): Đi! Mau lên!
Tên thợ săn vào.
TÊN THỢ SĂN (quỳ một chân chắp tay cúi đầu vái): Thánh-thượng vạn tuế!
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Cho ngươi đứng dậy. Ta có lời ban khen ngươi đã tận trung với ta, đã giúp ta bắt được tên giặc cuối cùng là Thường Lạc để trừ hậu hoạn cho nước nhà.
TÊN THỢ SĂN: Tâu Thánh-thượng, kẻ bầy tôi đã khổ công tìm kiếm mấy năm trời, lặn lội trong rừng sâu nước độc mới thấy tung tích lão Thường Lạc ấy. Đã bao lần kẻ bầy tôi tưởng đã bỏ mình trong hang hùm miệng hổ.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ta biết lắm, ngươi không cần phải kể lể dông dài. Ngươi muốn được thưởng bao nhiêu?
TÊN THỢ SĂN: Tâu Thánh-thượng, kẻ bầy tôi suốt đời cơ cực cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vợ con đói khát, nay mong được chút ít vàng bạc, của tiền để thoát được kiếp bần cùng, vợ con no ấm.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ta sẽ cho ngươi được như ý muốn. (Xây lại phía quan hầu): Ngươi hãy vào kho lấy cho nó mười thỏi vàng, mười thỏi bạc.
QUAN HẦU (vái chào lui ra): Phụng mệnh.
Tên thợ săn đứng gãi đầu, gãi tai tỏ ý muốn nói gì nữa…
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ngươi còn muốn gì nữa không?
TÊN THỢ SĂN: Tâu Thánh-thượng! Thánh-thượng đã rủ lòng thương xuống kẻ bầy tôi mà ban cho của tiền vàng bạc, kẻ bầy tôi chỉ biết kết cỏ ngậm vành mà đền đáp ơn sâu. Nhưng giàu mà không có chút phẩm hàm, danh phận thì cũng xấu hổ với làng, với nước. Dám mong Bệ-hạ cho kẻ bầy tôi chút phẩm hàm để tổ tông được rạng mặt, con cháu muôn đời được thơm lây.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (suy nghĩ một lát): Ngươi đã thỉnh nguyện, ta cũng chẳng hẹp chi. (Xoay lại phía quan hầu): Ngươi hãy trình lại với quan Lại-bộ Thượng-thư cho nó hàm Ngũ phẩm.
QUAN HẦU: Phụng mệnh!
Tên thợ săn đứng gãi đầu, gãi tai tỏ ý muốn nói gì nữa…
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ngươi còn muốn nói gì nữa không?
TÊN THỢ SĂN: Hồng ân của Thánh-thượng rộng như trời biển, kẻ bầy tôi muôn kiếp khôn đền. Nhưng Thánh-thượng đã thương thì thương cho trót. Nay kẻ bầy tôi đã có tiền có bạc, có chức tước, phẩm hàm; nhưng còn tánh mạng kẻ bầy tôi thật khó bề yên ổn, nhất là sau vụ bắt được Cựu-vương Thường Lạc, kẻ thù của bầy tôi chắc nhiều lắm. Vậy mong Thánh-thượng gia ân cho kẻ bầy tôi một đội lính hầu để bảo toàn tánh mạng.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (nổi giận): Hồng ân của ta rộng như trời bể, mà lòng tham của ngươi còn rộng hơn cả trời bể. Ngươi thật là u mê, không biết phận. (Xoay lại quan hầu): Nội-giám! Hãy đem thằng này ra chém đầu cho ta.
QUAN HẦU (đến quỳ, chắp tay vái): Phụng mệnh.
TÊN THỢ SĂN (rập đầu xuống đất vừa lạy vừa van xin): Muôn tâu Thánh-thượng! Muôn tâu Thánh-thượng! Kẻ bầy tôi ngu dại, xin Thánh-thượng rộng dung. Kẻ bầy tôi không dám xin thêm lính tráng gì nữa.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không được! (bảo quan hầu): Dẫn nó đi!
QUAN HẦU (đến kéo tay tên thợ săn dậy): Đi ra pháp trường mau!
TÊN THỢ SĂN (vẫn cúi lạy): Dạ, kẻ bầy tôi cũng không dám xin phẩm hàm chức tước nữa!
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không được! (bảo quan hầu): Cứ dẫn nó đi!
TÊN THỢ SĂN (vẫn cúi lạy khẩn cấp hơn): Dạ, muôn tâu Thánh-thượng kẻ bầy tôi cũng không dám xin được ban thưởng của tiền vàng bạc gì nữa.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không được! (nạt quan hầu): Ta đã truyền dẫn nó ra, sao các ngươi không tuân lệnh?
QUAN HẦU (thộp tay vào lưng áo tên thợ săn, kéo dậy): Đi! Đi mau, không kêu ca gì nữa.
Tên thợ săn bị dẫn đi, miệng mếu máo, vẻ mặt hãi hùng, tay chân run cầm cập. Đại Lực Vương đứng nhìn theo…
TÊN THỢ SĂN (trước khi sắp đi khuất, bỗng quay lại, chắp tay nói to): Xin Thánh-thượng cho kẻ bầy tôi được đoái công chuộc tội (dừng lại chờ, nhìn Đại Lực Vương vẻ mặt thiểu não).
ĐẠI LỰC VƯƠNG (sau một phút suy nghĩ): Ngươi sẽ làm gì để chuộc tội?
TÊN THỢ SĂN: Tâu thánh-thượng! Nguyên Thường Lạc Vương có đứa con trai cùng lẩn trốn với nó trong rừng. Khi kẻ bầy tôi đến bắt nó, thì con nó đi vắng chưa về. Vậy xin Thánh-thượng cho một đạo quân theo kẻ bầy tôi để đi bắt nó.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẻ suy nghĩ): Ngươi có chắc nó còn ở đấy không?
TÊN THỢ SĂN: Tâu Thánh-thượng! Khi Thường Lạc Vương bị bắt, nó có để lại cho con nó một bức thư bảo không được tìm cách trả thù, và phải lẩn trốn ngay. Nhưng mới chưa đầy một ngày, dù nó có lẩn trốn, chắc cũng chưa đi được đâu xa. Nếu có một đạo quân đi lùng bắt thì thế nào cũng gặp.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Cha nó có bảo là đừng trả thù à?
TÊN THỢ SĂN: Dạ, nó bảo là: Hãy lấy nước tưới… à không, lấy tình thương tưới trên lửa… lửa oán thù…
ĐẠI LỰC VƯƠNG (suy nghĩ): Nó bảo thế? Nếu thế thì cũng không đáng lo ngại. Thôi tha cho nó cao chạy xa bay.
TÊN THỢ SĂN: Xin Thánh-thượng cũng rộng tha cho kẻ bầy tôi luôn (nhìn van lơn…)
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ừ! Cũng tha cho ngươi luôn. Nội-giám! Thả cho nó về.
QUAN HẦU: Phụng mệnh.
TÊN THỢ SĂN (mừng rỡ): Đội ơn Thánh-thượng (vái lia lịa và chạy ra. Khi gần đi khuất, xây lui hỏi quan hầu, vẻ thất vọng): Vậy bây giờ không còn được ban thưởng gì hết?
QUAN HẦU (nạt): Còn… chặt đầu nữa!
Tên thợ săn giật mình, chạy mất.
Một quan hầu vào.
QUAN HẦU: Tâu Thánh-thượng! Quan Đại-thần Huyền Vị đang đứng đợi nãy giờ ngoài cửa vườn thượng uyển.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Truyền cho vào.
QUAN HẦU: Phụng mệnh (lui ra).
Đại Lực vương đi đi lại lại, cúi đầu, vẻ mặt trầm tư…
HUYỀN VỊ (đi vào vái chào): Thánh-thượng vạn tuế!
ĐẠI LỰC VƯƠNG (nhìn Huyền Vị): Khanh đã đến! (ngồi xuồng ghế đá, đưa tay chỉ một tấm ghế khác trước mặt, mời Huyền Vị ngồi): Khanh hãy ngồi xuống đây. Trẫm cần hỏi khanh một việc quan trọng đã làm trẫm băn khoăn rất nhiều. Khanh có biết hai thằng phá giàn hỏa vừa bị bắt ấy không?
HUYỀN VỊ: Tâu, thần có nghe nói đến.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Khanh có biết chủng nó ở trong tổ chức nào không?
HUYỀN VỊ (đắn đo, chậm rãi trả lời): Tâu Hoàng-thượng cũng khó mà biết được. Nhưng theo ngu ý, thì có lẽ chủng nó đã tự động chứ không ở trong tổ chức nào cả. Trong lễ hỏa thiêu vừa rồi, nếu không có những lời can ngăn của Thường Lạc thì chắc còn có nhiều đứa sẽ xông vào phá phách nữa.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Trẫm cũng nhận thấy như thế, nên mới triệu gấp khanh vào để tìm cách đối phó. Khanh ạ! Bây giờ trong triều, trẫm chỉ còn trông cậy ở nơi khanh. Một số triều thần đã công khai hay ngấm ngầm phản trẫm, mặc dầu là trẫm đã ban cho không biết bao nhiêu là bổng lộc chức tước. Ngoài khanh, trẫm chẳng biết trông cậy vào ai. Cho nên khanh phải hết lòng giúp trẫm để đối phó với thần dân đang xao xuyến, vận nước đang lâm nguy.
HUYỀN VỊ: Tâu Hoàng-thượng, bây giờ Thường Lạc Vương đã chết, con nó chắc cũng cao chạy xa bay, mối họa chính đã trừ, chắc cũng không có gì đáng lo ngại lắm.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không, Thường Lạc đã chết, nhưng tinh thần nó sống mạnh trong lòng dân, nhất là sau lễ xử thiêu vừa rồi mà nó đã tỏ ra rất khoan dung, đức độ. Ta đã tính sai nước bài khi đem xử thiêu nó, vì đã khơi dậy trong lòng dân nỗi phấn uất đối với ta, và cảm tình đối với Thường Lạc. Sau khi châm lửa vào giàn hỏa, ta mới nhận thấy tai hại của việc làm, và càng tức giận thằng thợ săn đã xúi giục ta làm việc ấy ta lại càng trách triều thần không ai ngăn cản ta.
HUYỀN VỊ: Tâu Hoàng-thượng, hạ thần cũng đã hết lời can gián mà Hoàng-thượng không nghe.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ừ, chỉ có một mình khanh can gián. Vì thế, nên giờ đây ta lại càng tin cậy ở sự sảng suốt của khanh. Chính hôm nay ta triệu khanh vào đây, là để hỏi ý kiến về việc đối xử với hai phạm nhân vừa bị bắt. Sự đối xử này sẽ có ảnh hưởng đến toàn dân.
HUYỀN VỊ: Tâu Hoàng-thượng, theo ngu ý, thì nên đem chúng ra xử thiêu nữa.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Sao lần này khanh lại nghiêm khắc thế?
HUYỀN VỊ: Tâu, vì chúng ta đã lỡ dùng chính sách nghiêm khắc thì phải dùng cho luôn. Nếu chúng ta nhân nhượng, dân chúng sẽ tưởng là chúng ta sợ, lại càng lên mặt làm càn.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Nhưng nếu đem xử thiêu chúng, thì chẳng khác gì đổ dầu thêm vào lửa. Lần trước còn có Thường Lạc Vương để dập tắt giùm ta ngọn lửa căm hờn với cái thuyết mà nó gọi là “Từ Bi” ấy, chứ lần này ai dập tắt?
HUYỀN VỊ: Tâu, để cho nó cháy bừng mà còn ít nguy hiểm hơn là dập tắt, miễn là chúng ta phòng bị trước đừng để cho nó cháy lan đến chúng ta.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Tại sao khanh lại bảo là để cho nó cháy bùng còn ít nguy hiểm hơn dập tắt?
HUYỀN VỊ: Tâu Hoàng-thượng, vì khi cháy bùng, lửa căm hờn sẽ gây nhiều tai hại cho dân chúng. Những kẻ biết suy nghĩ – số này rất ít – sẽ quy tội về chúng ta; nhưng phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nguyên nhân gần gũi là cái bọn phá hoại ấy. Chúng nó sẽ chia một phần lớn sự oán ghét của dân chúng đỡ cho ta. Trái lại Thường Lạc Vương nó có gây tai họa cho ai dâu, dân chúng cảm phục nó, mà ngay chúng ta, mặc dù không muốn, cũng phải mang ơn nó. Như thế phương pháp của nó còn nguy hiểm hơn. Nó chỉ đỡ chứ không đánh lại, nhưng lại càng nguy hiểm bằng mười đánh lại ta.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Chính vì thế, nên ta cũng muốn áp dụng phương pháp của nó. Ta sẽ tha bổng hai tội phạm kia. Khanh nghĩ sao?
HUYỀN VỊ (vẻ suy nghĩ): Như thế cũng được! Thả chúng nó ra để lấy cảm tình của dân chúng, rồi sẽ tìm cách ám hại sau. Tâu, có phải như thế không?
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không, khanh chưa hiểu ý trẫm. Trẫm thành thật muốn áp dụng một chính sách khoan dung độ lượng, khác với chính sách trước. Trẫm đã nghĩ kỹ lắm rồi. Chính sách nghiêm khắc bấy lâu nay không gây được kết quả gì hết, thần dân mỗi ngày mỗi oán giận, mà cơ nghiệp mỗi lúc một lung lay. Thường Lạc Vương nó bỏ ngai vàng, nhưng nó được ngồi giữa lòng dân chúng. Trẫm ngồi trên ngai vàng, nhưng chỉ ngồi trên gỗ đá vô tri… (nghĩ một lát, có vẻ buồn) Khanh ạ, bấy lâu nay trẫm phiền muộn lắm, ăn không ngon, ngủ không yên, nhưng không ai hiểu thấu cho trẫm.
HUYỀN VỊ: Tâu Hoàng-thượng, nên tìm thú giải khuây để gìn giữ mình vàng. Từ lâu việc nước bận rộn, Hoàng-thượng đã quên lãng việc đi săn bắn. Nay, nhân hạ thần có đứa cháu ở xa mới về thăm, rất có tài săn bắn, xin cho nó vào hộ giá Hoàng-thượng đi săn.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Nếu thế thì hay lắm. Trẫm cũng thử giải sầu một chuyến xem sao. (Xây lại quan hầu): Nội-giám, truyền cho triều thần sắp đặt sẵn sàng để cùng theo ta đi săn bắn. (Xây lại nói với quan Đại-thần Huyền Vị): Thôi, khanh hãy về nghỉ để tối cùng đi. Hãy bảo cháu khanh sẵn sàng cung nỏ nghe!
HUYỀN VỊ (khúm núm chắp tay): Tâu Hoàng-thượng, hạ thần tuổi già sức yếu, lại mấy ngày nay tiện thể bất an, mong Hoàng-thượng rủ lòng thương cho hạ thần được ở lại triều đường, hạ thần sẽ bảo cháu nó thay hạ thần phò thánh giá.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Nếu khanh không đi được, trẫm cũng không hẹp lượng ép nài.
HUYỀN VỊ (vái chào trước khi lui ra): Muôn đội ơn Hoàng-thượng (đi ra).
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Thôi khanh về! (định quay về cung, nhưng sực nhớ lại, truyền với quan hầu): Nội-giám! Hãy truyền cho quan Đề-đốc thả cho hai phạm nhân phá giàn hỏa về (đi vào).
(MÀN HẠ)
oOo
MÀN IV
CẢNH: Ở tư dinh quan Đại-thần Huyền Vị (như cảnh màn II).
THỜI GIAN: Hoàng hôn bắt đầu xuống.
NHÂN VẬT:
- THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN.
- CÔNG NƯƠNG QUỲNH NHƯ.
- HUYỀN VỊ ĐẠI THẦN.
- MỘT NỘI GIÁM.
(MÀN MỞ)
Thái-tử Trường Sơn đang đứng trong tư dinh quan Đại-thần Huyền Vị nhìn qua cửa sổ ra ngoài (cửa sổ mà Trường Sơn đã đứng nhìn cảnh hỏa thiêu) vẻ mặt buồn bã, xót đau. Quỳnh Như ở phòng trong đi ra, đến gần Thái-tử.
QUỲNH NHƯ: Thái-tử không vào phòng nghĩ cho đỡ mệt? Đứng mãi đấy làm gì cho thêm đau lòng.
TRƯỜNG SƠN (vẫn nhìn đăm đăm qua cửa sổ): Không thể nghỉ ngơi được em ạ. Nỗi xót xa không sao nguôi được. Chiều càng lắng xuống, nỗi thương nhớ càng dâng lên. Mới hồi sáng còn linh động nói cười đó mà bây giờ trở thành cát bụi tro than. Trong không khí, mùi khét vẫn chưa tan. Ta muốn hít vào tận buồng gan, lá phổi mùi đắng khét ấy để giữ lại một chút dư vị của người cha thân kính. Ta muốn nhìn xem cái đống tro tàn của da thịt lẫn than củi chưa dọn kịp ấy sẽ theo gió bay đi tới những phương nào. Ở những nơi xa xôi có ai biết mà đón nhận một chút trong lòng bàn tay chăng? (bỗng xây lại nói với Quỳnh Như): Em làm sao lấy cho ta một chút tro tàn ấy?
QUỲNH NHƯ: Thật là khó… khó mà qua lọt được những con mắt dòm ngó của bọn quan quân. Mà nếu làm cho chúng nó sanh nghi thì đại sự sẽ hỏng.
TRƯỜNG SƠN: Thôi! Ta nóng lòng muốn giữ lại một chút kỷ niệm của người cha thân quý, nhưng nếu không được thì đành thôi vậy. (Xây lại phía cửa sổ, nhìn xa xăm): Thế là từ nay, con không giữ lại được một chút gì của cha cả. Tinh thần từ hòa của cha, con không theo kịp; những lời trối trăn của cha, con không thể làm theo; và cho đến một chút tro tàn vật chất cũng không nắm giữ được trong tay! (gục đầu vào tường đưa tay lên bóp trán, vẻ vô cùng xót đau…)
QUỲNH NHƯ (vội chạy đến đóng cửa sổ lại): Thái-tử đừng làm như thế, lỡ người ngoài thấy được không hay. Thái-tử hãy trấn tĩnh lại. Nhiệm vụ nặng nề còn đợi Thái-tử (dìu Trường Sơn đến ngồi xuống ghế). Chúng ta sống trong một trường hợp đặc biệt mà khóc cũng không được, than cũng không được, nói thật cũng không được…
TRƯỜNG SƠN: …Và chết cũng không được, mà sống cũng không yên! Ừ, sống cũng không yên! Cựu-vương đã xả bỏ tất cả, trốn lánh trên rừng xanh núi đỏ, mong sống một đời đạm bạc, để được yên thân. Thế mà thân cũng không yên được. Cuộc đời thật tàn nhẫn không lường.
QUỲNH NHƯ: Thôi, Thái-tử đừng suy nghĩ lắm thêm mệt. (Nhìn ra ngoài) Phụ thân em vào triều đến bây giờ vẫn chưa thấy về. Em lo quá. Nếu có xảy ra việc gì thì thật nguy to. Thái-tử cần phải đề phòng, lỡ có việc gì thì phải tẩu thoát ngay. Em đã lựa cho Thái-tử một bộ võ phục rồi. Thái-tử hãy đi vào thay đổi y phục đi.
TRƯỜNG SƠN: Ta chắc không can gì đâu. Nghe nói Đại-thần được nó tin cậy lắm.
QUỲNH NHƯ: Vâng, có thế. Nhưng nếu có người bị bắt khai ra?
TRƯỜNG SƠN: Có khai cũng chưa chắc nó tin. Còn cần phải dò xét tra hỏi đã chứ. (Nhìn ra ngoài) À, mà hình như Đại-thần đã về.
Quỳnh Như nghe nói, mừng rỡ đi ra phía cửa. Trường Sơn đứng lên đi theo sau. Quan Đại-thần Huyền Vị vào.
QUỲNH NHƯ (mừng rỡ): Cha đã về! Con lo quá.
TRƯỜNG SƠN: Đại-thần về tối quá, chắc ở triều có nhiều việc quan trọng?
HUYỀN VỊ (kéo Trường Sơn vào phía trong, nhìn quanh…): Vâng, rất quan trọng. Đại Lực đã bắt đầu lung lay. Nó không còn tự tin như trước nữa. Nó thấy thần dân đều chống nó, nên dự định mở đầu một chính sách khoan dung.
TRƯỜNG SƠN: Một chính sách khoan dung? (vẻ suy nghĩ) Nó định làm gì?
HUYỀN VỊ: Nó sắp bắt chước chính sách từ hòa của Tiên-vương.
TRƯỜNG SƠN (đi vài bước, đứng lại cười mai mỉa): Nó mà cũng từ hòa?
HUYỀN VỊ: Vâng! Nhưng dù sao cũng đã chậm rồi. Lão nhân cơ hội ấy đã sắp đặt một diệu kế để kết liễu đời nó.
TRƯỜNG SƠN (vội hỏi): Kế gì thế?
HUYỀN VỊ: Lão đề nghị với nó mở cuộc săn bắn tối hôm nay để nó giải khuây. Lão đã giới thiệu với nó Thái-tử là cháu lão, rất có tài săn bắn, sẽ đi theo hộ giá. Vậy tối nay, lúc vào rừng, Thái-tử sẽ tìm cơ hội thích khách nó.
QUỲNH NHƯ (có vẻ sợ hãi cho Trường Sơn): Nhưng làm thế nào mà thích khách được trong lúc nó có quan quân theo hầu? Cha làm như thế chẳng khác gì dẫn Thái-tử vào miệng hổ.
TRƯỜNG SƠN: Em đừng lo. Ta đã có cách…
QUỲNH NHƯ: Nhưng em sợ lắm.
HUYỀN VỊ (mắng Quỳnh Như): Quỳnh Như! Việc đại sự, con là phận gái, không được xen vào. (Nói với Trường Sơn): Thái-tử hãy cố giết cho được nó trong đêm nay. Còn lão, lão sẽ ở lại triều đình để sắp đặt mọi việc và trấn tĩnh lòng dân.
TRƯỜNG SƠN: Tôi sẽ cố gắng làm tròn phận sự mà Đại-thần đã giao phó. Tôi xin cảm ơn Đại-thần đã sớm cho tôi một cơ hội để trả thù.
HUYỀN VỊ (giục): Thái-tử hãy vào cải trang gấp để đợi quan Nội-giám đến là đi ngay. Thời giờ gấp rút quá, chúng ta không có cơ hội để nói nhiều.
TRƯỜNG SƠN: Vâng, Đại-thần đợi tôi một chút nhé! (đi vào phòng trong. Còn lại Quỳnh Như và Huyền Vị).
HUYỀN VỊ: Quỳnh Như ạ! (âu yếm để tay trên vai Quỳnh Như) Chúng ta sắp qua một cơn nước lửa một còn một mất. Ngày mai, hoặc đại sự sẽ thành, hay đầu cha sẽ mất. Nhưng dù thành hay bại, con cũng cần lánh xa trong đêm nay. Con hãy đến ẩn trú tại nhà dì con. Vì dì con là người độc nhất đã thương yêu con như khi mẹ con còn sanh tiền. Nếu việc thành, cha sẽ báo tin cho con hay, nếu thất bại, con hãy đi ẩn trú nơi khác. Con đừng khóc!… Hãy đặt nợ nước trên tình nhà. Lúc quốc gia hữu sự, nhi nữ cũng có bổn phận như nam nhi.
QUỲNH NHƯ (úp mặt trong chiếc khăn tay): Thưa cha, con biết lắm. Con cố trấn tĩnh, nhưng nước mắt cứ tuôn trào… Nước mắt đã thắng. Cuộc đời tầm thường đã thắng. Con không ngờ có những phút giây này. Con không chuẩn bị trước, nên không đủ can đảm để cầm được nước mắt. Nhưng, nước mắt có nghĩa lý gì đâu (ngước đầu nhìn cha gượng cười trong nước mắt): Cha hãy làm phận sự của cha đi. Còn con, con sẽ tự lo liệu lấy. Cha đừng bận nghĩ đến con.
HUYỀN VỊ: Con can đảm lắm. Cha rất bằng lòng có một đứa con gái như con. Hãy lau cho ráo nước mắt. Đừng để cho Thái-tử thấy. Chỉ có những phút này người ta mới đánh đúng giá trị của một người đàn bà.
QUỲNH NHƯ (lau ráo lệ): Vâng, con sẽ cố gắng bình tĩnh. Nhưng thưa cha…
HUYỀN VỊ: Con muốn nói gì?
QUỲNH NHƯ: Cha đã nghĩ kỹ về nhiệm vụ của Thái-tử chưa? Cha đã bắt Thái-tử dấn thân vào công việc nguy hiểm quá.
HUYỀN VỊ (mỉm cười): Con lo cho Thái-tử nhiều quá!
QUỲNH NHƯ (vẻ thẹn thùng, bối rối): Không, con sợ đại cuộc sẽ không thành.
HUYỀN VỊ: Con không lo, cha sẽ sắp dặt một số quan hầu trung thành với Tiên-vương tiếp tay cho Thái-tử khi cần. Cha muốn Thái-tử tự tay giết Đại Lực, vì đó là việc nước, mà còn là thù nhà nữa.
QUỲNH NHƯ: Nhưng cha có bao giờ nghĩ đến lời của Tiên-vương căn dặn không?
HUYỀN VỊ (vẻ đắn đo trước khi trả lời): Cha cũng đã nghĩ nhiều về điều ấy. Tiên-vương căn dặn không được trả thù, có lẽ sợ chỉ vì mối thù giữa hai gia đình mà gây can qua cho trăm họ, làm khốn khổ muôn dân. Nhưng cha đã sắp đặt rồi, trong việc này, chỉ có một mình Đại Lực phải đền tội chết. Một số ít đình thần trung thành với nó sẽ không trở tay kịp, lương dân sẽ không chịu ảnh hưởng gì. Xét cho cùng, một ông vua lên hay một ông vua xuống, nếu tránh được họa binh đao, thì người dân cày cũng vẫn là người dân cày, không có gì thay đổi. Nhưng chúng ta, cái đám quần thần, đã gọi là trung thành, thì chỉ thờ một chúa. Chúng ta cần phải thi hành cho được lời dạy của thánh hiền “dĩ ân báo ân, dĩ oán báo oán”, kẻ cướp ngôi sẽ bị cướp ngôi lại, kẻ giết người sẽ bị người giết lại, để răn đời. Chúng ta cần phải theo cái nguyên tắc cũ, giữ cái trật tự đã sẵn có để trị nước, an dân.
Trường Sơn trong phòng đi ra, mặc bộ vũ phục đen; hàm râu quai nón lún phún dưới cằm, đôi lông mày kẻ đậm hơn, vẻ mặt trở thành rắn rỏi già dặn, vai mang cung tên.
HUYỀN VỊ (nhìn Trường-Sơn): Thật không ngờ được đó là một thanh niên hai mươi mấy tuổi đầu. Bộ vũ phục đâu thế?
QUỲNH NHƯ: Của cha hồi xưa đấy. Hồi chiều con đã soạn cho Thái-tử để phòng khi cần đến.
TRƯỜNG SƠN: Đại-thần xem thế nào? Có ai nhận ra không?
HUYỀN VỊ: Khác lắm! Đến lão cũng không nhận ra được nếu không biết trước. Thôi, bây giờ Thái-tử hãy đợi đây để Nội-giám đến mời đi. Lão còn lắm việc cần kíp phải sắp đặt với mấy vị triều thần trung tín suốt đêm nay. Chúc Thái-tử thành công. Ngày mai chúng ta sẽ gặp lại…
QUỲNH NHƯ (tiếp thêm): …Hay không bao giờ nữa!
HUYỀN VỊ: Không, cha tin thế nào cũng gặp lại.
TRƯỜNG SƠN: Vâng, thế nào cũng gặp lại ngày mai.
HUYỀN VỊ: Thôi lão đi kẻo chậm lắm rồi. (Nói với Quỳnh Như): Con cũng sửa soạn gấp đi, đừng đợi cha làm gì, có lẽ sớm mai cha mới về được (sắp đi ra…)
QUỲNH NHƯ (đưa cha ra vài bước): Thôi cha đi! (vẻ đau khổ).
TRƯỜNG SƠN: Đại-thần đi chóng thành công!
Huyền Vị đi khuất. Còn lại Thái-tử và Quỳnh Như.
QUỲNH NHƯ (quay vào vẻ buồn bã): Một người thân đã ra đi! Một người thân nữa cũng sắp ra đi! Không ngờ trong một chốc, hai lần ly biệt.
TRƯỜNG SƠN: Chỉ ly biệt một đêm thôi.
QUỲNH NHƯ: Một đêm dài dằng dặc, và không chắc còn có ngày mai (im lặng một chốc) Thái-tử! Em hồi hộp quá. Suốt đêm nay chắc em không làm sao chớp mắt được. Hay Thái-tử cho em cùng đi theo Thái-tử với. Chết cùng chết, sống cùng sống bên nhau. Chứ nếu có chuyện gì chẳng may, em cũng không thể sống một mình được.
TRƯỜNG SƠN: Em hãy để cho ta rảnh tay làm tròn phận sự. Em ở nhà, hãy cầu nguyện cho ta. Ta tin tưởng ở ngôi sao sáng của em. Đêm nay trong khu rừng âm u, nó sẽ chiếu sáng con đường ta đi, nó sẽ chiếu sáng cả cõi lòng ta trong u tối. Oán thù tràn ngập cõi đời với máu lửa, ta chỉ còn một mình em là tượng trưng một chút gì của tình người, tươi trong và mát dịu. Ta không muốn em lấm láp vào những cuộc tương tàn, tương sát.
QUỲNH NHƯ: Em cũng không muốn Thái-tử lấm vào những cuộc ấy (dừng một lát, nhìn Thái-tử): Thái-tử! Hay chúng ta rời bỏ cõi đời ác độc này, lánh xa loài người để đi tìm một cuộc sống trong sạch, an lành giữa thiên nhiên, với cỏ cây, chim bướm… Đi! Đi Thái- tử, mặc cho loài người họ chém giết lẫn nhau.
TRƯỜNG SƠN: Tiên-vương đã lánh xa loài người mà vẫn bị loài người xử thiêu trên giàn hỏa. Ta chắc gì thoát khỏi cái cảnh ấy? Vả lại, dầu ta có đi lên tận rừng xanh núi đỏ mà lòng vẫn không yên tĩnh, thì cũng như không. Lòng ta đang ngùn ngụt cháy, lửa hận thù đang đốt cháy tim gan, dù có đi đâu cũng không tìm được hạnh-phúc.
QUỲNH NHƯ (nhìn Thái-tử, van lơn): Thái-tử hãy trấn tĩnh hận thù xuống, kiềm chế nó lại, loại dần nó ra… Một ngày kia…
TRƯỜNG SƠN (lắc đầu): Thật tình, ta không thể làm được. Lửa hận thù nó mạnh hơn cả ta, nó đốt cháy tất cả, ta không thể dập tắt được!
QUỲNH NHƯ (nói như lẫy): Em không ngờ nó mạnh đến thế! Nó mạnh hơn cả lời trối dạy của Tiên-vương, nó mạnh hơn mối tình của chúng ta! Mối tình mà Thái-tử bảo là tươi trong, mát dịu, cao đẹp ấy, thì ra không có nghĩa lý gì bên cạnh mối thù của Thái-tử! (úp mặt khóc tấm tức).
TRƯỜNG SƠN (đứng nhìn, vẻ bối rối không biết phải nói gì, xử trí ra sao thì nghe có tiếng giày ở ngoài. Thái-từ nhìn ra vội nói): Nội-giám đã đến, em hãy lau vội nước mắt đi nhanh lên! (Quỳnh Như xây mặt vào phía trong, lau vội nước mắt).
Thêm Nội-giám.
NỘI GIÁM (vào, cúi chào): Chào Công-tử, chào Công-nương. Hoàng-thượng sắp ngự giá. Xin mời Công-tử hãy vào cung ngay để kịp giờ khởi hành.
TRƯỜNG SƠN: Vâng, tôi sắp đặt cả rồi, đang chờ lịnh đây. Thôi chúng ta cùng đi. (Xây lại chào Quỳnh Như): Ngày mai sẽ gặp lại.
QUỲNH NHƯ (gượng vui): Chúc anh đi gặp nhiều may mắn, giết được… cọp.
TRƯỜNG SƠN: Thế nào anh cũng giết được cọp cho em xem.
NỘI GIÁM: Xin cáo từ Công-nương.
Hai người đi ra. Quỳnh Như đứng giữa phòng rõi mắt trông theo một lát, vẻ xót đau, rồi úp mặt xuống hai bàn tay, thổn thức…
(MÀN TỪ TỪ HẠ)
oOo
MÀN V
CẢNH: Tại khu rừng, nơi Thường Lạc Vương và Trường Sơn đã ẩn trú (như cảnh màn I), Cảnh vật mờ mờ dưới ánh trăng. Bức thơ của Thường Lạc Vương viết trên tấm vải vẫn còn treo ở trên cây, nhưng sút mất một góc. Tiếng suối Từ vẫn reo chảy, du dương, trầm bổng…
THỜI GIAN: Vào khoảng quá nửa đêm về sáng.
NHÂN VẬT:
- ĐẠI LỰC VƯƠNG.
- THÁI TỬ TRƯỜNG SƠN.
- MỘT CÁI BÓNG ĐỎ RỰC (tương trưng cho hận thù).
- MỘT CÁI BÓNG XANH NHẠT (tượng trưng cho từ bi).
(MÀN MỞ)
Trường Sơn trong bộ vũ phục, một tay nắm cung tên, một tay nắm đuốc, đang soi đường đi, Đại Lực Vương vẻ mệt nhọc và sợ hãi, theo sau.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Trẫm mệt quá không đi nổi nữa.
TRƯỜNG SƠN (xây lại): Tâu Hoàng-thượng, chúng ta hãy tạm dừng nghỉ ở đây. Đầu canh tư rồi, chỉ còn vài giờ nữa là sáng. Chúng ta mãi theo mồi, đã lạc đoàn hộ giá xa quá rồi.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (nhìn quanh): Chỗ này rộng rãi quá! Hình như đã có người ở.
TRƯỜNG SƠN: Tâu, hình như thế (bước vào phía trong): Rước Hoàng-thượng vào trong này, ngự tạm xuống phiến đá này đã. Đề bầy tôi đi kiếm củi đốt lên cho ấm.
Đại Lực Vương ngồi xuống phiến đá, vẻ mệt nhọc, đầu hơi gục xuống hai tay chống lên hai đầu gối trong lúc Trường Sơn đi kiếm củi phía sau.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ngươi đừng đi xa, nguy hiểm.
TRƯỜNG SƠN (cúi xuống ôm bó củi, vừa đi ra, vừa nói): Tâu, có sẵn đây. May quá!
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẻ mừng rỡ): Ở đâu mà kiếm nhanh thế?
TRƯỜNG SƠN: Tâu, ai đã để sẵn sau gốc cây ấy. Chắc đã có người đến ở đây rồi (vừa nói vừa sắp củi để đốt ở giữa khoảng trống, gần chỗ Đại Lực Vương ngồi).
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Sao lại có người đến ở một nơi xa xôi, hẻo lánh thế này?
TRƯỜNG SƠN: Tâu, có lẽ họ đi lánh đời.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Thế sao bây giờ lại không ở nữa?
TRƯỜNG SƠN: Tâu, có lẽ họ đã bị thú dữ ăn thịt, hay loài người ác độc giết mất cũng có.
Châm đuốc vào củi, ngọn lửa sáng lên bập bùng…
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vui vẻ xoa tay): Ngọn lửa sáng và ấm quá! Quý thật!
TRƯỜNG SƠN (cũng ngồi xuống trên gốc cây): Nhưng xin Hoàng-thượng miễn thứ, (cười có vẻ bí hiểm) nếu Hoàng-thượng xích sát vào một chút nữa thì sẽ bị nó thiêu mất, chẳng quý chút nào, như Thường Lạc Vương hồi trưa.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẻ buồn bã): Thôi, ngươi đừng nhắc lại chuyện ấy nữa. Trẫm muốn đi săn bắn cho giải khuây, không ngờ lại gặp rủi ro như thế này. Ngươi có chuyện gì vui kể cho trẫm nghe với, cho qua đêm nay.
TRƯỜNG SƠN: Tâu, đời bầy tôi chỉ gặp toàn những chuyện buồn. Nhưng chuyện buồn nhiều khi nghe cũng hấp dẫn lắm. Mẹ bầy tôi chết sớm vì bệnh tật, cha bầy tôi lánh lợi danh, đi vào ẩn trong rừng, thì vừa rồi, bị… cọp dữ ăn thịt. Bầy tôi làm nghề săn bắn từ thuở nhỏ. Lúc mới tập bắn, bắn chết con nào thì thấy thích thú, hãnh diện lắm, quên nghĩ đến những nỗi đau thương, oan ức của những con thú vô tội bị bắn chết. Nhưng càng lớn lên, thấy nghề săn bắn không còn hứng thú nữa, chỉ thấy gieo rắc chết chóc quanh mình. Có nhiều con vật trước khi tắt thở, đã chảy nước mắt ròng ròng, có lẽ chúng nó cũng thương cha nhớ mẹ chăng? Có những con mẹ đã cản đường cho con chạy, chịu hứng mũi tên cho con. Một lần bầy tôi bắn được một con nai con, trong lúc nó đang quằn quại trong vũng máu thì con mẹ vẫn đứng quấn quít bên con, kêu lên những tiếng kêu não nùng, quên cả nguy hiểm. Từ đó bầy tôi bỏ nghề săn bắn cho đến nay.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Hôm nay ngươi đi bắn lại, có lẽ chỉ vì muốn được làm vui trẫm chăng?
TRƯỜNG SƠN (nói một cách đắn đo): Tâu, cũng không hẳn thế… Bầy tôi muốn nhân cơ hội này, để trả thù… một con cọp trong vùng này đã vồ mất cha bầy tôi.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Hèn gì hồi nãy, gặp nai ngươi không bắn, để cho nó chạy mất.
TRƯỜNG SƠN: Tâu, thật có như thế. Bầy tôi chỉ muốn được giết cọp.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Nhưng cọp thì không giết được, mà chưa chắc còn bị cọp vồ nữa.
TRƯỜNG SƠN (nói vẻ cả quyết): Không, bầy tôi chắc thế nào cũng giết được trong đêm nay.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Đêm nay chỉ còn vài giờ nữa thôi, mà chúng ta đang ở trong cơn nguy khốn, ngươi làm thế nào mà giết được.
TRƯỜNG SƠN: Chính vì biết chúng ta trong cơn nguy khốn nên cọp mới dẫn xác đến để rình chúng ta… và sẽ bị tôi bắn chết.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (nhìn quanh, có vẻ sợ hãi): Ngươi nói làm cho trẫm lo quá. Hãy đốt lửa cho thêm sáng, và lắp sẵn cung tên, đề phòng cẩn mật cho trẫm nhé!
TRƯỜNG SƠN (vừa thêm củi vào đống lửa, vừa cười có vẻ mỉa mai): Hoàng-thượng mà cũng sợ cọp à? Xin Hoàng-thượng miễn thứ cho, cọp có giết người, bất quả cũng chỉ giết một vài người là cùng, so với Hoàng-thượng…
ĐẠI LỰC VƯƠNG (có sắc giận): Ngươi đừng nói thế. Ta chỉ giết những kẻ làm loạn, phản nghịch để giữ vững ngai vàng, trị nước an dân.
TRƯỜNG SƠN (chắp tay xin lỗi): Bầy tôi nói có quá lời, xin Hoàng-thượng rộng dung. Nhưng có một điều bầy tôi rất băn khoăn, khó hiểu, như là chuyện Thường Lạc Vương đã bỏ ngai vàng, vào rừng tu ẩn dật, có làm loạn hay phản nghịch gì đâu mà cũng bị xử thiêu trên giàn hỏa?
ĐẠI LỰC VƯƠNG (có vẻ cấn cái khó chịu): Trường hợp của Cựu-vương Thường Lạc lại khác, nếu… (dừng lại).
TRƯỜNG SƠN: Tâu, nếu… thế nào?
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Không, trẫm đã đinh ninh không nhắc đến chuyện ấy nữa rồi. (Đứng dậy, đi vài bước, đứng lại lắng nghe…) Có tiếng chim kêu, hình như gần sáng rồi, may quá!
TRƯỜNG SƠN (cũng đứng dậy): Tâu, chưa chắc đã là may. Càng gần sáng, lại càng nguy hiểm: thú rừng cần phải gấp rút kiếm cho được mồi trước khi sáng; và… cọp chắc cũng sẽ đến đây.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (đi vài bước, chợt nhìn lên thân cây, thấy tấm vải vàng găm dưới mũi tên, đi đến, nói): Cái gì thế này? (căng ra đọc): “Cha đã bị bắt đưa về kinh. Con ở lại tiếp tục tìm Đạo. Hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận thù. Đừng bao giờ lấy gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời hỷ xả, từ bi…” – Của Thường Lạc Vương dặn con, nhưng sao lại găm vào đây? (nhìn Trường Sơn hỏi, có vẻ suy nghĩ).
TRƯỜNG SƠN: Có lẽ chỗ này là nơi cha con Thường Lạc Vương đã ẩn trú.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Có lẽ nào lại lạ lùng như thế? Trẫm đã cố tránh không muốn nhớ đến chuyện ấy nữa, sao lại dẫn xác đến đây?
TRƯỜNG SƠN (cười có vẻ bí hiểm): Tâu, có lẽ duyên nợ còn dài, oán thù chưa dứt… Ở đời, có lắm điều mình muốn một đường, mà việc nó xảy ra một nẻo.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ngươi nói đúng! Như trong việc Thường Lạc Vương này, Trẫm tưởng giết được nó là yên; nào hay càng thêm rối rắm. Nhất là trong lương tâm trẫm không được yên ổn. Trẫm không ngờ, thật không bao giờ ngờ Thường Lạc Vương có những tư tưởng và hành động khác đời như thế. Nếu biết rõ thì trẫm đã đối xử một cách khác. Thằng thợ săn, nó có cho trẫm biết những chi tiết này đâu. Ừ, làm sao có thể ngờ được? Có bao giờ một kẻ thù lại dung thứ một kẻ thù?
TRƯỜNG SƠN (nói nhanh): Tâu, Hoàng-thượng dạy rất phải, có bao giờ một kẻ thù lại dung thứ một kẻ thù, có bao giờ người lại dung thứ cọp?
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Thế mà đây, Thường Lạc Vương đã dung thứ một kẻ thù, mà lại còn dặn con đừng trả thù nữa. Lạ thực!
TRƯỜNG SƠN: Nhưng tâu Hoàng-thượng, đã chắc đâu người con đã nghe lời cha?
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Trẫm chắc rằng, nếu người con ấy có hiếu, thì sẽ nghe lời cha, nhất là khi những lời ấy lại viết bằng chữ máu trước khi chết.
TRƯỜNG SƠN (nói một cách chua chát): Từ bi và hiếu thảo thật có lợi cho những kẻ… thật có lợi cho Hoàng-thượng quá!
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Nhưng khi trẫm xử thiêu Thường Lạc, trẫm có nghĩ sẽ được che chở bởi những điều ấy đâu? Trẫm chỉ nghĩ rằng sẽ chấm dứt một hậu hoạn. Đấy là một sự tự vệ, như con hổ, nếu nó không giết người thì sợ người giết nó. Trước khi bắt Thường Lạc, trẫm có nghe cha con nó đang tổ chức chống lại trẫm. Nếu trẫm biết Thường Lạc đã có một thái độ thành thật hy sinh và từ bi như thế, thì có xử thiêu làm gì. (Nói có vẻ buồn): Trẫm rất buồn là trong cuộc đối chọi này, trẫm tưởng thắng mà hóa ra bại. Đối với thần dân, trẫm khó mà gây lại uy tín cũ, đối với lương tâm, trẫm thấy… trẫm thấy không được cao thượng. Ấy là điều khổ tâm nhất của trẫm.
TRƯỜNG SƠN: Tâu, Hoàng-thượng ăn năn cũng đã muộn rồi. Phỏng bây giờ, con Thường Lạc Vương đến trả thù thì Hoàng-thượng làm thế nào?
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẻ buồn bã): Làm thế nào? Trẫm còn biết làm thế nào nữa? Trẫm bây giờ như bị trói tay dẫn đến sào huyệt của nó, chỉ còn trông cậy ở lòng hiếu thảo của nó và ảnh hưởng tinh thần từ bi, đức độ của cha nó ở trong nó mà thôi.
Trường Sơn bỗng chụp một chiếc tên giắt ở sau lưng, lắp vào cung đưa lên nhắm về phía Đại Lực Vương. Đại Lực Vương thất kinh vùng đứng dậy chạy về phía Trường Sơn…
ĐẠI LỰC VƯƠNG (hốt hoảng): Cái gì thế?
TRƯỜNG SƠN: Có tiếng động! Hình như có cọp, hay con của Thường Lạc đang rình chúng ta. (Trương cung đợi một lúc rồi hạ cung xuống, mỉm cười): Không có gì đáng sợ, có lẽ một con sóc, hay một con chim đập cánh.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (cười gượng): Ngươi làm trẫm hết hồn.
TRƯỜNG SƠN: Rước Hoàng-thượng về ngồi chỗ cũ. Không có gì đáng lo ngại cả. Đã có bầy tôi.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (về ngồi lại trên phiến đá): Ngươi hãy đề phòng cẩn mật cho trẫm.
TRƯỜNG SƠN: Xin Hoàng-thượng hãy yên tâm. Hoàng-thượng sợ cọp hơn hay sợ con Thường Lạc hơn?
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Cả hai đều đáng sợ. Nhưng con của Thường Lạc Vương đáng sợ hơn.
TRƯỜNG SƠN: Bầy tôi lại sợ cọp hơn. Nhưng thế nào bầy tôi cũng bắn chết được cọp trong đêm nay.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (ngáp, dụi mắt, vẻ mệt nhọc): Mệt quá, chưa bao giờ trẫm phải thức suốt một đêm dài như đêm nay. Rã rời cả tay chân.
TRƯỜNG SƠN: Hoàng-thượng hãy dựa vào gốc cây, nghỉ một lúc cho đỡ mệt. Bầy tôi xin sẽ đề phòng cẩn mật.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (dựa lưng vào gốc cây, chân duỗi dài): Ừ, trẫm cũng thử nhắm mắt một lúc xem sao. Hai mí mắt nặng quá. Hãy đề phòng cẩn mật cho trẫm nhé!
TRƯỜNG SƠN: Tâu Hoàng-thượng hãy yên tâm. Đã có bầy tôi.
Ra phía ngoài, đi qua lại như để canh tuần, nhưng thật ra rất băn khoăn, đầu óc làm việc rất nhiều, thỉnh thoảng lại nhìn Đại Lực ngủ, chiếc tên vẫn lắp sẵn vào cung, kẹp bên nách… Trong lúc ấy, Đại Lực mắt nhắm, đầu nghiêng dần về một bên rồi gục xuống.
TRƯỜNG SƠN (dừng lại, chăm chú nhìn Đại Lực nói một mình): Giờ đã đến…
Bỗng trong khu rừng, một bóng hình người xuất hiện, từ đầu đến chân phủ trong một tấm vải đỏ như lửa, chập chờn trước mặt Trường Sơn. Rồi một tiếng nói giận dữ từ đâu vang lên: “Giờ đã đến! Giờ đã đến! Còn chờ gì nữa? Nó đã giết cha mày, chiếm giang sơn của mày. Còn chờ gì nữa mà không ra tay?”
Trường Sơn đưa cung lên… nhắm Đại Lực… Bỗng một làn gió thổi mạnh qua gốc cây, tấm vải treo trên thân cây phất phơ, lay động… Rồi một bóng hình người, từ đầu đến chân phủ trong một tấm vải màu xanh nhạt, hai tay dang rộng, chậm rãi đi qua đi lại… Một giọng nói hiền từ, chậm rãi vang lên từ trong khu rừng tịch mịch: “Con ơi! Hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận thù. Đừng lấy gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời hỷ xả, từ bi…”
Trường Sơn lại hạ chiếc cung xuống. Vừa lúc ấy, đầu Đại Lực gục mạnh xuống một cái làm Đại Lực tỉnh dậy, hãi hùng nhìn quanh…
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ngươi ạ! Trẫm vừa chiêm bao thấy con của Thường Lạc Vương định đến giết trẫm.
TRƯỜNG SƠN: Tâu Hoàng-thượng, có lẽ vì hơi lạnh thấm vào người nên sanh mộng mị chứ con Thường Lạc Vương làm gì dám đến đây. Đã có bầy tôi canh gác ở đây rồi, xin Hoàng-thượng yên tâm.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Người canh gác cho cẩn thận nhé! (hai tay vòng trước ngực, nhắm mắt lại, đầu dần nghiêng về một bên rồi gục xuống trước ngực).
Trường Sơn nắm cung tên, đứng nhìn trừng trừng Đại Lực, hai chân mày nhíu lại có vẻ suy nghĩ nhiều lắm, rồi cương quyết nói: Còn chờ gì nữa mà không ra tay!
Cái bóng đỏ lại xuất hiện, và một giọng giận dữ vang lên: “Còn chờ gì nữa mà không ra tay, không lấy máu kẻ thù để tế linh hồn cha?”
Trường Sơn từ từ đưa cung lên, nhắm Đại Lực Vương… Trong lúc ấy cái bóng màu xanh lại hiện ra; cái bóng đỏ biến mất. Một giọng nói hiền dịu lại vang lên: “Con ơi! Giết một kẻ thù không khó. Chinh phục được kẻ thù mới khó. Và chỉ có tình thương mới chinh phục được kẻ thù.”
Trường Sơn từ từ hạ cung xuống, dậm chân tức bực, rồi ôm mặt tấm tức. Cái bóng đỏ hiện ra. Một giọng giận dữ lại vang lên: “Sao lại nhu nhược đến thế? Hãy nhớ đến sự nhục nhã của cha mày bị trói trên giàn hỏa, những cái giẫy dụa quằn quại của cha mày khi bị thiêu đốt…”
Trường Sơn lại trừng trừng nhìn Đại Lực, đưa cung lên…: Sao lại không giết? Kẻ thù đang nằm gọn trong tay ta (nhắm ngay Đại Lực Vương, kéo dây cung…)
Nhưng cái bóng xanh hiện ra, dang hai tay đứng cản trước mắt Trường Sơn và xua bóng đỏ ra xa. Bóng đỏ đi xa dần rồi biến mất. Giọng hiền từ ban nãy lại hiện lên: “Con ơi! Con ơi! Cha đã chinh phục được một nửa kẻ thù rồi. Con hãy tiếp tục sự nghiệp của cha đi. Đừng vì gia đình ta mà máu nhân dân lại đổ. Hãy mở một kỷ nguyên mới cho Tình Thương, tình thương không biên giới.”
Ánh sáng chuyển sang màu xanh mát dịu. Bóng xanh đi quanh Trường Sơn làm những cử chỉ êm dịu như vỗ về, mơn trớn Trường Sơn…
Trường Sơn hạ dần chiếc cung, nắm mũi tên vứt xuống đất. Chậm chạp đi đến ngồi trên gốc cây, chống hai cùi tay lên hai đầu gối, đầu cúi xuống trong hai tay, vẻ khổ đau…. Rồi từ từ ngước đầu lên nói: Cha đã thắng, cha đã thắng con rồi!
Bóng xanh làm những điệu bộ tỏ ra hài lòng rồi biến mất, Trường Sơn đứng dậy chỉ tay vào mặt Đại Lực đang mê ngủ, nói: Hỡi Đại Lực! Vì danh giá nhà ta, vì lời dặn của cha ta, vì tình nhân loại, ta sẵn lòng tha thứ cho ngươi.
Đêm tối tan dần, bình minh dâng lên. Vài tiếng chim hót. Ánh sáng tươi trong, mát mẻ. Tiếng suối reo trầm bổng…
ĐẠI LỰC VƯƠNG (chuyển mình vươn vai ngáp, tỉnh dậy, dụi mắt ngơ ngác nhìn quanh): Sáng rồi. May quá, không có việc gì xảy ra cả. Ngươi ạ, trẫm vừa chiêm bao thấy con của Thường Lạc Vương định trả thù, nhưng rồi lại tha chết cho trẫm. Ngươi có biết là điềm gì không?
TRƯỜNG SƠN: Đấy không phải là một điềm chiêm bao, mà là một sự thật. Con của Thường Lạc Vương chính là ta đây.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (vẻ hốt hoảng): Chết! Thế à?
TRƯỜNG SƠN: Đã ba lần ta trương cung nhắm bắn ngươi, nhưng, vì nhớ lại lời dặn của cha ta, vì thấy ngươi đã thành thật hối cải, và vì tình yêu nhân loại, ta đã để cho ngươi sống.
ĐẠI LỰC VƯƠNG (ôm chầm lấy Trường Sơn, nói giọng cảm động như muốn khóc): Ân đức của ngươi thật đã làm cho ta quá xấu hổ. Ta biết làm thế nào để chuộc lỗi bây giờ? Thôi ngươi hãy giết ta đi để báo phụ thù.
TRƯỜNG SƠN (gỡ tay Đại Lực Vương ra): Không! Nếu giết ngươi thì ta đã giết rồi.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Hay ta xin trả lại ngai vàng cho ngươi?
TRƯỜNG SƠN: Cha ta đã từ bỏ ngai vàng, ta không lấy lại làm gì. Vả lại, thay đổi một người, không bằng thay đổi một chính sách. Nhưng thay đổi một chính sách cũng không có hiệu quả gì nếu lòng người không thay đổi. Ta nghe ngươi định thay đổi một chính sách khoan dung độ lượng hơn. Nếu nay, lòng ngươi thật tình lại thay đổi nữa, thì ta chắc thần dân sẽ được an vui. Nếu ngươi làm đưọc như thế, thì vong linh cha ta sẽ được toại nguyện, mà mối thù của ta cũng sẽ tiêu tan.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ta xin hứa sẽ theo đúng những lời ngươi dặn để chuộc lại những lỗi lầm xưa.
TRƯỜNG SƠN: Đối với các triều thần cũ, nhất là đối với quan Đại-thần Huyền Vị, ta mong ngươi hãy cư xử một cách khoan dung độ lượng, tin dùng họ như cũ.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Sau cái đêm kinh khủng nầy, ta như sống lại một đời mới. Ta thề có trời đất, sẽ cố noi theo cái đức độ của Tiên-vương, đối xử từ hòa với tất cả mọi người (dừng một lát): Ngươi ơi, ngươi có biết không, nhờ Tiên-vương và ngươi mà đêm nay, ta đã bắt gặp được những gì cao đẹp nhất của loài người: đấy là Tình Thương, tình thương cao cả và sáng suốt như vòm trời trong xanh rộng rãi đang bao trùm trên đầu chúng ta, trong trẻo như tiếng suối đang reo chảy kia.
Tiếng suối reo vang. Vài tiếng chim ríu rít trên cành, ánh bình minh dần dần tỏ rạng, cảnh vật vui vẻ tươi trong…
TRƯỜNG SƠN (nhìn cảnh vật): Dưới vòm trời trong xanh hôm nay, ngươi có biết có gì thay đổi không?
ĐẠI LỰC VƯƠNG (nhìn Trường Sơn như để tìm câu trả lời, rồi vụt nói): Có, có lắm. Hôm qua, cũng chỗ này ta bắt giết cha ngươi; hôm nay, cũng chỗ này, ngươi tha chết cho ta. Cảnh vật không thay đổi, nhưng lòng người đã có thay đổi… Nhờ có Từ Bi.
TRƯỜNG SƠN: Hôm qua, ta từ giã chốn này, lòng tràn căm giận; hôm nay ta lại từ giã chốn này, lòng nguôi oán thù.
ĐẠI LỰC VƯƠNG: Ngươi sẽ từ giã chốn này? Ngươi đi đâu? Hãy ở lại giúp ta trị nước.
TRƯỜNG SƠN: Ta sẽ cùng người bạn trăm năm, con của Đại-thần Huyền Vị đi xa, sống một cuộc đời ẩn dật, đạm bạc như cha ta, vì bây giờ ta đã nhận chân được giá trị cao đẹp của cái mà cha ta trau dồi, là Tình Nhân Loại, không, rộng hơn cả tình nhân loại nữa, Lòng Từ Bi. Thôi, ta chào ngươi ta đi. Ánh sáng đã lên rồi, ta mong ngươi sẽ không lạc đường một lần nữa.
Trường Sơn sắp đi ra. Đại Lực Vương chồm tới, ôm ngang vai nói một cách cảm động: Ngươi, ta cảm phục ngươi nhiều quá!
(MÀN HẠ NHANH)
———=HẾT=———
Viết xong tại Huế, ngày 6-5-1955.
VÕ ĐÌNH CƯỜNG