Rất ít người biết rằng: Vào thế kỷ XIX, hai nước Mỹ và Anh đã từng suýt xảy ra một cuộc chiến chỉ vì một… con heo. Quả thật “cuộc chiến tranh vì… heo” có lẽ là một trong những cuộc chiến tranh “lãng nhách”, “hoạt kê”, “ngớ ngẩn” và “kỳ cục” vô tiền khoáng hậu nhất trong lịch sử thế giới.
Đây hoàn toàn không phải nói về “cuộc chiến Vịnh Con Heo” của Cuba, mà sự vụ cuộc “chiến tranh heo” này xảy ra vào năm 1859 trên đảo San Juan nằm trên vùng biển giữa Canada và vùng lãnh thổ Oregon của Mỹ, nhưng có lẽ chúng ta nên bắt đầu câu chuyện từ năm 1846, khi Mỹ và Anh ký kết “Hiệp ước Oregon” nhằm cố gắng chấm dứt mối tranh chấp biên giới kéo dài giữa Mỹ và vùng Bắc Mỹ thuộc Anh.
Tưởng cũng nên biết rằng, vào thế kỷ XIX, nước Anh kiểm soát nhiều vùng đất trên thế giới, trong đó có 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ; Oregon là một trong số vùng lãnh thổ thuộc địa hai bên cùng chiếm đóng từ khi Hiệp định 1818 ra đời (theo đó, ranh giới giữa Mỹ và vùng lãnh thổ Bắc Mỹ thuộc Anh nằm dọc từ Minnesota đến dãy núi Stony). Từ thời điểm bấy giờ cho đến năm ký bản Hiệp ước Oregon 1846 và sau đó, mãi đến năm 1871, kết thúc cuộc “chiến tranh… heo”, cả Mỹ và lẫn Anh đều cùng tuyên bố chủ quyền ở Oregon.
Hiệp Ước Oregon ký kết giữa Mỹ và Anh vào ngày 15/6/1846 tại Washington xác định lấy vĩ tuyến 49° Bắc làm biên giới giữa Mỹ và Bắc Mỹ thuộc Anh (một trong những thuộc địa của Anh, sau này là Canada), ngoại trừ đảo Vancouver vẫn thuộc về Anh.
Mặc dầu tất cả nghe đều có vẻ đã rõ ràng, nhưng trớ trêu là các nhà đàm phán hiệp ước lại không phân định cụ thể, rành mạch chủ quyền ranh giới các hòn đảo ở Tây Nam Vancouver. Theo hiệp ước, xung quanh khu vực trên, đường biên giới là đường thẳng đi qua “điểm giữa kênh chia cắt lục địa với đảo của Vancouver” và mốc ranh giới là “ở giữa eo biển”; thế nhưng vị trí của các hòn đảo nói trên khiến việc xác định mốc phân chia ranh giới thành ra hết sức phức tạp; các chuyên viên đồ bản vào thời ấy lại có lẽ không rõ rằng, có tới hai eo biển là Rosario và Haro nằm về phía Đông và phía Tây của hòn đảo San Juan trong quần đảo.
Do vào thời điểm ấy, San Juan xem như chưa được xác định thuộc chủ quyền của bên nào, nên cả hai bên đều cho dân của mình đến định cư lập nghiệp. Lúc bấy giờ công dân Mỹ định cư ở phía Nam, còn người Bắc Mỹ thuộc Anh (Canada) thì sinh sống ở phía Bắc hòn đảo mà cả Mỹ lẫn Anh đều tuyên bố chủ quyền đến suốt 13 năm sau đó, với thỏa thuận bất thành văn là cùng kiểm soát đảo cho đến khi vấn đề chủ quyền được giải quyết rõ ràng.
Trên thực tế, San Juan là một trong những đảo lớn và có vị trí chiến lược quan trọng nhất trong quần đảo ở khu vực này vì địa thế án ngữ lối vào eo biển Juan de Fuca. Và với vị trí địa lý, chính trị nhạy cảm như vậy, San Juan được ví như một quả bom nổ chậm chỉ chờ một mồi lửa là phát nổ bất cứ lúc nào.
Năm 1859, đầu tiên có một nhóm gồm khoảng 20-30 người Mỹ di cư tới San Juan khai hoang, mở trang trại, rồi sau đó ngày càng nhiều công dân Mỹ đến định cư, sinh sống bằng sức lao lực, trồng trọt, chăn nuôi ở phía Nam hòn đảo. Đồng thời, người Canada thuộc Anh cũng gia tăng đáng kể sự hiện diện tại đây, họ xây dựng các khu chăn nuôi cừu ở phía Bắc, trong đó có Hudson’s Bay – một công ty Anh, đã thành lập một trang trại cừu khá lớn và xây dựng một trạm xử lý cá hồi trên đảo.
Ban đầu, không hề có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa hai bên, mọi sinh hoạt diễn ra yên ổn, thuận hòa trong giao thiệp hữu hảo, cho đến một ngày…
Từ cuộc đụng độ của chú heo và những củ khoai tây…
Tháng 6 năm 1859 – đúng 13 năm sau ngày ký kết hiệp ước Oregon – một con heo vô tình đi lạc vào mảnh đất trang trại của Lyman Cutlar, một nông dân Mỹ. Cutlar hết sức rất tức giận nhận thấy con heo lớn đang sục sạo ủi phá và đã ăn mất một số khoai tây ông trồng trọt, chăm bón, chỉ còn chờ thu hoạch. Trong cơn giận dữ không kiềm chế được, Cutlar dùng khẩu súng trường của mình bắn chết ngay con vật phá phách, tàn hại hoa màu. Sở hữu chủ con heo này là một công nhân Anh của công ty Hudson’s Bay tên là Charles Griffin, cư dân ở phía Bắc hòn đảo. Hẳn khi bóp cò súng, Cutlar cũng không lường trước được rằng cơn nóng giận của ông từ một “chuyện nhỏ” như vậy đã trở thành một “mồi lửa” suýt gây ra thảm họa chiến tranh khủng khiếp giữa hai quốc gia lớn!
Hay tin heo chết, Griffin tìm đến nhà Cutlar để “nói chuyện phải quấy”. Cuộc tranh luận diễn ra khá căng thẳng và để giải quyết ổn thỏa, anh nông dân nóng nảy phía Nam chấp nhận bỏ ra 10 dollar bồi thường cho anh công nhân chăn nuôi ngang ngược phía Bắc nhưng Charles Griffin không chấp nhận, đòi một khoản bồi thường cao hơn nên Lyman Cutlar từ chối việc bồi hoàn hậu quả thiệt hại cho con heo chết của Griffin, bởi anh ta cũng bị thiệt hại mùa màng do con heo “vượt biên” kia phá hoại.
Cuộc thương thảo bất thành, Griffin bèn gởi đơn khiếu nại đến đơn vị lính Anh đồn trú trên đảo, yêu cầu bắt và trục xuất cư dân Mỹ Lyman Cutlar ra khỏi đảo San Juan. Chính quyền Anh ở địa phương đe dọa sẽ bắt giữ Cutlar để giải quyết vụ tranh chấp khiến cư dân Mỹ trên đảo rất tức giận. Một đơn kiến nghị yêu cầu quân đội Mỹ can thiệp để bảo vệ công dân lập tức được soạn thảo gởi đi.
…đến cuộc đối đầu quân sự ghê gớm
Lá đơn của những người Mỹ được chuyển tới tay Tướng William S. Harney – một người có tư tưởng bài Anh – chỉ huy đơn vị quân sự phụ trách Oregon. Ông Harney điều động một đơn vị gồm 66 binh sĩ thuộc đại đội của Tiểu Đoàn 9 Lục Quân, do Đại úy George E. Pickett chỉ huy đến San Juan vào ngày 27/6/1859 để theo dõi và giải quyết tình hình.
Tin này tới tai James Douglas, thống đốc bang Columbia thuộc Anh. Để đối phó, ông quyết định cử 2 tàu chiến Anh do Đại úy Geoffrey Hornby chỉ huy cùng lực lượng Royal Marines (Thủy quân lục chiến) đến San Juan thị uy và có hành động đáp trả quân đội Mỹ khi xảy ra xung đột.
Khi các tàu chiến Anh đến nơi thả neo, mặc dù bị áp đảo về quân số, lục quân Mỹ nhất định không chịu nhượng bộ thoái lui. Đại úy Mỹ Picket gọi tiếp viện quân thêm từ Oregon. Đại úy Anh Hornby cũng gọi lực lượng tăng cường từ Vancouver hổ trợ tác chiến.
Tình thế bất ổn kéo dài suốt một tháng sau đó. Hai bên ngày càng dần gia tăng sự hiện diện quân sự của mình; quân đội và vũ khí liên tiếp được gởi đến tiếp viện cho khu vực đảo khiến tình trạng trở nên hết sức căng thẳng, tưởng như một cuộc đối đầu quân sự là không thể tránh khỏi! Cho đến tháng 8/1859, phía Mỹ đã có 461 sĩ quan, binh sĩ tác chiến và 14 khẩu đại bác quanh tiền đồn tại San Juan dưới quyền chỉ huy của Trung tá Silas Casey; còn phía Anh cũng đã điều động đến 5 tàu chiến cùng 2.140 quân nhân lực lượng thủy quân lục chiến tăng cường ứng chiến dưới quyền của Chuẩn đô đốc Robert Lambert Baynes, tổng tư lệnh hải quân Anh ở Thái Bình Dương..
Từ nguy cơ bùng nổ chiến tranh…
Nguy cơ bùng phát chiến tranh tiềm ẩn hết sức nguy hiểm và hai phe sẽ vẫn mãi ở thế đối đầu kịch liệt nếu không có sự tham chiến của viên Chuẩn đô đốc Anh Robert L. Baynes. Khi Baynes đến khu vực nóng San Juan, Thống đốc James Douglas ra lệnh cho ông điều động quân đội tấn công đối phương nhưng Baynes cương quyết từ chối hạ lệnh. Về sau, giới quân sự, chính trị vẫn còn nhắc đến ông và cuộc chiến năm xưa với lời tuyên bố cứng rắn rằng ông sẽ “không bao giờ đẩy hai quốc gia lớn vào một cuộc chiến tranh chỉ vì những tranh cãi nhỏ quanh một con heo”.
Thời điểm tin tức về tình trạng đối đầu nguy hiểm trên vùng đảo San Juan lan đến Washington và London, chính phủ hai nước đều hoàn toàn không ngờ trước tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát: Tuy cả hai quốc gia đều vì trách nhiệm bảo vệ công dân của mình, nhưng nguy cơ đôi bên bị kéo vào một cuộc chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào với một lực lượng quân sự trên dưới 2.600 quân nhân tham chiến và số vũ khí, chiến cụ, quân trang, quân dụng không phải nhỏ, mà nguyên nhân phát sinh xung đột lại chỉ do sự mâu thuẫn “cỏn con” từ… một chú heo thì thật phi lý và ngu xuẩn!
…đến chính trị gia thương thuyết hòa bình
Hy vọng có thể “hạ nhiệt” tình trạng đối đầu nguy hiểm, Tổng thống Mỹ James Buchanan cử Tướng Winfield Scott tới San Juan để đàm phán và tìm biện pháp giải quyết vấn đề. Lo lắng căng thẳng tiếp tục leo thang, phía Anh cũng thỏa thuận đôi bên nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.
Kết quả cuộc hòa đàm đi đến quyết định rằng quân đội hai nước sẽ cùng kiểm soát hòn đảo; cùng rút bớt lực lượng quân sự, chỉ duy trì mỗi bên không hơn 100 quân nhân trên đảo cho đến khi một thỏa thuận về chủ quyền đảo San Juan được giải quyết và được hai bên chính thức công nhận. Quân đội Mỹ sau đó rút hầu hết lực lượng về, chỉ để lại một đại đội trấn phòng phía Nam, trong khi Anh cũng chỉ duy trì một lực lượng quân sự nhỏ kiểm soát phía kia của đảo. Đến tháng 3/1860 thì tình hình vùng đảo San Juan đã trở lại bình yên, việc cùng kiểm soát đảo cũng như sự “chung sống hòa bình” của cư dân trên đảo diễn ra êm thấm, suôn sẻ trong 11 năm trong sinh hoạt bình thường.
Năm 1871, Anh và Mỹ cùng thống nhất thỏa thuận để vua Wilhelm I – Hoàng đế nước Đức (Đức hoàng/Kaiser), đồng thời cũng là Quốc vương cuối cùng của Vương quốc Phổ, đứng đầu một hội đồng với tư cách là bên thứ 3 ở cương vị trọng tài, đứng ra đảm nhiệm giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo San Juan thông qua các cuộc hội đàm. Đường biên giới được thiết lập lại xuống đến eo biển Haro và theo đó, phán quyết cuối cùng được tuyên bố là đảo San Juan thuộc chủ quyền của Mỹ. Sau khi có phán quyết, lực lượng Anh dần rút khỏi đảo, từ bấy giờ San Juan trở thành một phần lãnh thổ Mỹ. Cuộc tranh chấp đến đây đã chính thức kết thúc trong tinh thần hòa hoãn của đôi bên.
Và “cái kết có hậu”
Một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm giữa hai cường quốc đứng bên bờ vực chiến tranh như vậy, với một số lượng binh sĩ và vũ khí như vậy, và tất nhiên, kéo theo sự thiệt hại ngân sách tài chánh quốc gia của chính phủ và quốc dân hai nước đổ ra huy động chuẩn bị cuộc chiến, rất may mắn là đã không có viên đạn nào được bắn ra từ nòng súng bên nào; không có máu và nước mắt đổ xuống chiến trường; chỉ có những giọt mồ hôi của binh sĩ và các nhà ngoại giao, chính khách hai nước phải mất khá nhiều thời gian và kiềm chế để tháo gỡ rào cản từ những rắc rối về hình thể bản đồ địa lý, về những mâu thuẫn chủ quyền lãnh thổ. Một câu chuyện hy hữu nhưng kết thúc thật “có hậu”!
Hiện nay, công viên bảo tàng lịch sử quốc gia trên đảo San Juan vẫn còn giữ lại di tích tiền đồn quân sự của Mỹ cũng như căn cứ thủy quân lục chiến của Anh. Có thể xem như đây là một cách nhắc nhở về bài học quá khứ, là biểu trưng của tinh thần ôn hòa và kiềm chế mãnh liệt của con người đã ngăn chặn thành công một cuộc chiến tranh bắt nguồn chỉ từ một con heo tham ăn và ngu ngốc.
oOo
Còn dưới đây là một trong những video clip mô tả diễn biến suýt gây ra “cuộc chiến tranh vì… heo” do người viết bài sưu tầm mến tặng bạn đọc thưởng ngoạn trong dịp đầu xuân để kết thúc bài viết này. Thân ái thương chúc Quý Độc Giả một năm con Heo hòa bình, an lạc:
QUANG MAI sưu tầm và tổng hợp.