Tinh thần nhân bản hậu chiến

Trong Việt sử của chúng ta – và cả trong Minh sử của Trung Hoa – có nhiều đoạn ghi lại chuyện vua (Lê) nước Nam sau khi thắng trận đã nhân từ cấp ngựa, thuyền, lương thực cho người, ngựa của tàn binh phương Bắc trở về nước an toàn mà không tiếp tục chém giết hay hành hạ.

…Tháng 12, ngày 12 năm 1427 được quân ta cấp cho ngựa, cỏ, lương thực, lại có người dẫn đường nên Vương Thông đã sai quân bộ vượt sông Lô đi trước về nước.  (tương đương, Minh sử  quyển 31 chép: Tháng 11 – vua Minh – dụ cho Thông và quan tam ti triệt hết quân dân về Bắc. Chiếu chưa đến thì Thông đã bỏ Giao Chỉ do đường bộ về Quảng Tây. Trung quân Sơn Thọ và Mã Kỳ cùng các quan tam ti là Thú Lệnh thì do đường thủy về Khâm Châu)…

…Quân thủy gồm 8.600 người do Mã Kỳ, Phương Chính theo đường thủy rút về nước với 500 chiếc thuyền được quân ta cấp phát và lương thực đầy đủ…

…Trước khi về nước các tướng giặc đều đến dinh Bồ Đề lạy tạ (vua) mà về. Bọn Phương Chính, Mã Kỳ vừa cảm ơn vừa xấu hổ đến chảy nước mắt… (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Tập 2 – Tr.75).

Tại Atlanta thuộc Georgia, Hoa Kỳ nếu đến viếng thăm Stone Mountain Park sẽ thấy có hòn núi đá lớn khắc hình 3 vị lãnh tụ của phe miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ kéo dài 4 năm từ tháng 4/1861 đến tháng 4/1865.

Ðó là hình Tổng Thống Liên Minh Miền Nam Jefferson Davis, Tướng Tổng Tư Lệnh Liên Minh Robert E. Lee và Tư Lệnh Phó Thomas Jackson.

Tác phẩm điêu khắc này là do sáng kiến của “Hiệp Hội Những Người Con Gái Của Liên Minh” (United Daughters of the Confederacy), khởi công từ năm 1962, sau bao nhiêu trắc trở, được hoàn thành vào 10 năm sau, năm 1972.

Jefferson Davis chính là vị tổng thống lãnh đạo Liên Minh gồm 11 tiểu bang miền Nam ly khai chống lại chính sách giải phóng nô lệ da đen của Tổng Thống Abraham Lincoln, lãnh đạo 25 tiểu bang miền Bắc.

Ðược gọi là những người “ly khai”, “phản loạn”, cuối cùng họ vẫn được tôn vinh và tưởng nhớ trong lòng người dân Mỹ. Người thua trận mà cũng được vinh danh hay sao?

Cuộc chiến tranh tương tàn Nam-Bắc kéo dài đúng 4 năm thiếu 3 ngày; 750.000 quân hai phía và một số lượng thường dân thương vong không kiểm kê được; ước tính số người chết chiếm 10% toàn bộ số nam giới miền Bắc từ 20 đến 45 tuổi, và 30% đàn ông da trắng miền Nam trong độ tuổi từ 18 đến 40.

Bị phong tỏa đường biển, thiếu tiếp vận, nhất là sau sự thất bại của trận Gettysburg tại ngay vùng đất của mình, cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc vào ngày 9 tháng 4 năm 1865 khi Tướng Robert E. Lee, tư lệnh phe Liên Minh, ký nhận đầu hàng vô điều kiện ở Appomattox Court House, Virginia, dưới sự chứng kiến của tướng miền Bắc Ulysses S. Grant. Tướng Lee đã an ủi quân sĩ của mình: “Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và anh hùng chưa từng thấy, Binh Đoàn Bắc Virginia (của Liên Minh Miền Nam) bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng mà hậu thuẫn quá to lớn.”

Các điều kiện đầu hàng được soạn thảo hoàn tất vào khoảng 4 giờ chiều ngày 9 tháng 4. Khi Lee lên ngựa rời nơi ký văn kiện đầu hàng thì binh sĩ miền Bắc không giấu nỗi sự mừng rỡ đã reo hò, nhưng Grant nghiêm khắc ra lệnh ngưng ngay thái độ này. Ông nói: “Những người miền Nam bây giờ là đồng bào của chúng ta, và chúng ta không nên có thái độ đắc chí trên sự suy sụp của họ”.

Hiệp ước Appomattox không có điều khoản nào giam giữ, kỳ thị với 200.000 tù binh miền Nam và phe thắng trận thi hành đúng những điều khoản này. Sĩ quan thua trận được giữ vũ khí cá nhân của mình và tất cả đã được an lành trở về với gia đình trong sự tôn trọng của phe đối nghịch; được xem như là hiệp ước của những người hào hiệp (The Gentlemen’s Agreement). Theo lời yêu cầu Robert E. Lee, quân lính miền Nam được tiếp tục cho giữ lừa, ngựa để trở về quê quán giúp họ trong công việc của nông trại, và được quân đội miền Bắc cấp ngay 25.000 khẩu phần lương thực vì những người lính thua trận đang bị đói khát mấy ngày qua.

Trước đó, trong trận đánh nổi tiếng ở Gettysburg vào tháng 7/1863, sau 3 ngày giao tranh, phe Liên Bang Miền Bắc chết 3.000 người, phe Liên Minh Miền Nam mất 4.000 người. Tổng Thống Abraham Lincoln đã ra lệnh đem cả 7.000 thi hài của cả hai bên để an táng chung một nơi. Ngày 19 tháng 9 năm 1863, khánh thành nghĩa trang này, Lincoln đã đọc bài diễn văn công bố chiến trường Gettysburg là Nghĩa Trang Quốc Gia.

40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hàn gắn vết thương chia rẽ của dân tộc, năm 1990, Tổng Thống William Mc Kinley đã cho thu thập khoảng 30.000 nấm mộ của tử sĩ Liên Minh Miền Nam trong trận nội chiến rải rác trong vùng Washington, cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong Nghĩa Trang Arlington gọi là Confederate Section.

CÁO LỖI: Đoạn diễn tiến cuộc chiến giữa 2 Liên Minh Nam-Bắc Hoa Kỳ được lấy tư liệu của một tác giả khác nhưng sơ ý đã thất lạc danh tánh. Xin tác giả hoan hỷ thứ lỗi.

QUANG MAI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.