I. MỞ ĐẦU:
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Trên đời này có không biết bao nhiêu nghề, mỗi người tự chọn lấy một nghề để hợp với khả năng và chí nguyện của mình.
Điều khiển dìu dắt một Đội/Chúng vững mạnh, theo đúng chương trình của tổ chức không phải bất cứ ai cũng làm được, mà phải đòi hỏi ở người điều khiển một tinh thần và một khả năng chuyên nghiệp. Cho nên khi chọn nghề Đội/Chúng Trưởng phải thận trọng, đắn đo, vì:
– Người Đội/Chúng Trưởng cũng như Đoàn Trưởng có bổn phận dắt dìu Đoàn Sinh trong đường tu học.
– Nhiều công việc của Đoàn được giao phó cho Đội/Chúng Trưởng.
– Đội/Chúng Trưởng là người then chốt của hàng Đội/Chúng tự trị.
II. HIỂU RỎ HỆ THỐNG TỔ CHỨC HÀNG ĐỘI/CHÚNG:
“Đội/Chúng là cơ sở căn bản của tổ chức Gia Đình Phật Tử. Đội/Chúng – về phương diện giáo pháp – là hình thức biệt nghiệp, cộng nghiệp; theo thế gian pháp là sự thực hiện một căn bản dân chủ; với tổ chức Gia Đình Phật Tử là nền móng của Đạo – Đời.” ( “Khai lối….” – Sổ Tay Đội Chúng tập 2 của Diệu Đạo, Tâm Bản). Đội Chúng gồm những người nhỏ suýt soát tuổi nhau, cùng làm việc, cùng chơi, cùng theo kỷ luật và cùng chung bổn phận.
Một Đội/Chúng điển hình gồm có 8 em: Đội/Chúng Trưởng, Đội/Chúng Phó và 6 Đội/Chúng Sinh, mỗi em giữ một công việc của Đội/Chúng.
III. HỌC NGHỀ:
1/ Hướng đi:
Đường đi thật dễ nhưng tìm một phương thức nào đó để đi cho khỏi lạc hướng, không vướng víu, không bị cám dỗ mới khó. Là Đội/Chúng Trưởng, sau lưng mình còn biết bao con mắt trông theo, hoặc tìm một vẻ đẹp, hoặc xoi mói, hoặc thán phục. Vì thế người Đội/Chúng Trưởng cần phải có một hướng đi chắc chắn, từ tư tưởng nội tâm đến việc làm cần phải có một đức tin tuyệt đối:
– Tin ở Đức Phật.
– Tin ở chính mình.
– Tin ở tổ chức.
2/ Yêu nghề:
Đã chọn cho mình một hướng đi, người Đội/Chúng Trưởng có bổn phận yêu mến, chăm sóc lối đi đó bằng cách luôn luôn yêu mến lấy nghề của mình, vì:
– Có yêu nghề mới thấy thích thú, sung sướng, thỏa mãn khi điều khiển.
– Có yêu nghề mới thấy hăng say trong bổn phận.
– Có yêu nghề mới chịu đựng được mọi gian lao, trở ngại.
– Có yêu nghề mới chịu trau dồi nghề để tiến kịp đà tiến chung quanh.
3/ Sứ mạng:
Những quyến rủ ở đời như dòng nước chảy mạnh, tự mình không thể cho dòng nước cuốn đã là khó, làm cho kẻ khác khống bị lôi cuốn lại càng khó hơn. Đừng xét mình là một giọt nước của biển cả, thử hỏi không có sự góp nhặt của những giọt nước làm gì có được đại dương? Hãy tạo cho giọt nước trong để có một đại dương xanh.
4/ Lý tưởng:
Không say mê vì những cảnh đẹp, không chán nản vì những chông gai. Bình tĩnh tiến bước, can đảm vượt qua những trở ngại để tiến đến đích của con đường đã chọn cho đời mình.
IV. HÀNH NGHỀ:
1/ Tư cách và khả năng:
Việc dìu dắt Đội/Chúng Sinh buộc người Đội/Chúng Trưởng phải là người kiểu mẫu, phải hơn Đội/Chúng Sinh về mọi mặt:
a) Thể xác:
Trước hết người Đội/Chúng phải có sức khỏe, lớn xác mới đủ sức mạnh gánh vác được công việc nặng nhọc, nhất là trong các buổi trại, những lúc Gia Đình có việc… Có như vậy lời nói của người Đội/Chúng Trưởng mới được các Đội/Chúng Sinh nghe theo dễ dàng.
b) Hiểu biết:
Người Đội/Chúng Trưởng phải vượt hẳn về Phật Pháp cũng như chuyên môn, phải biết nhiều hơn và chín chắn hơn. Có như thế mới được tín nhiệm. Nhưng cần hơn hết là người Đội/Chúng Trưởng phải có đời sông kiểu mẫu thường nhật. Ở lớp là học trò tốt, ở nhà là con ngoan, biết hiếu thuận…
2/ Bổn phận:
a) Đối với Trưởng:
Đối với Anh Chị Trưởng, người Đội/Chúng Trưởng phải vâng lời và phải hoàn thành những công việc đã được tin cậy giao phó dẫu khó khăn. Luôn luôn tin rằng Anh Chị Trưởng không bao giờ dành cho mình những công việc quá sức.
Ngoài ra, người Đội/Chúng Trưởng còn có bổn phận làm cho anh chị Trưởng biết rõ Đội/Chúng của mình. Trình bày đúng đắn về tình hình hoàn cảnh của từng Đội/Chúng Sinh. Góp ý với anh chị Trưởng để xây dựng Đoàn. Còn phải làm sao cho tất cả giống mình để anh chị Trưởng nhìn Đội/Chúng Sinh của mình bằng đôi mắt thán phục.
b) Đối với Phụ Huynh Đội/Chúng Sinh:
Đối với gia đình các Đội/Chúng Sinh, người Đội/Chúng Trưởng phải là một người thân mật, lễ phép, là người mà gia đình Đội/Chúng Sinh thương mến, bao giờ cũng muốn cho con em trở nên như mình.
c) Đối với Đội/Chúng Sinh:
Người Đội/Chúng Trưởng phải có bổn phận làm cho Đội/Chúng Sinh xem Đội/Chúng của mình như một gia đình nho nhỏ, có tổ chức, mà các phần tử luôn luôn yêu thương, xây dựng, mong muốn cho Đội/Chúng mình tiến mãi, hơn các Đội/Chúng khác không phải nhờ vả, ỷ lại vào ai, vui buồn theo với thăng trầm của Đội/Chúng; nghĩa là phải xây dựng cho được trong Đội/Chúng Sinh, tinh thần Đội, tinh thần Chúng.
Người Đội/Chúng Trưởng phải tìm hiểu rõ ràng khả năng tình hình mỗi Đội/Chúng, nâng đỡ từng em một để sự hiểu biết của các em được tương đối ngang nhau. Không nên thiếu kiên nhẫn mà bỏ rơi một người bạn đang chậm bước trên đường.
V. ĐIẾU KHIỂN:
1/ Đức tính:
Muốn điều khiển một Đội/Chúng cố nhiên phải có khả năng nhưng cũng phái nghĩ đến vài đức tính trong nghệ thuật điều khiển:
– Giản dị.
– Can đảm, tự tin.
– Vui vẻ, lanh lợi.
– Bình tĩnh và tự chủ.
2/ Nghệ thuật điều khiển:
Nghệ thuật điều khiển tức là cách khéo léo để có thể điều khiển Đội/Chúng Sinh với khả năng và đức tính của mình. Không khéo léo thì việc không thành. Vì vậy mà người kiến thức rộng, đức tính nhiều chưa hẳn đã điều khiển được nếu không có năng khiếu điều khiển:
– Kiểm soát.
– Thưởng, phạt.
Tuy thế, việc thưởng phạt còn tùy theo từng Đội/Chúng Sinh mà áp dụng, phân biệt hai loại người trong Đội/Chúng của mình với hai tâm lý:
– Người sống bên trong.
– Người sống bên ngoài.
Ngoài ra, để việc thưởng phạt được nghiêm minh, chứng minh giá trị của việc thưởng phạt, và tầm quan trọng của lỗi lầm mà Đội/Chúng Sinh đã phạm. Tha thứ cũng cần thiết nhưng khi đã cân nhắc kỷ lưỡng, thấy cần phạt thì phải cương quyết.
Kiên nhẫn cũng là một đức tính của người điều khiển. Như thế điều kiện sau cùng của nghệ thuật điều khiển là:
– Nghiêm minh và cương quyết.
(Theo Sổ Tay Đội Chúng Trưởng 2 của Diệu Đạo và Tâm Bản).
VI. CHỌN LỰA ĐỘI CHÚNG PHÓ:
Người thay mặt và trợ giúp đắc lực cho Đội/Chúng Trưởng là Đội/Chúng Phó. Do đó khi chọn lựa Đội/Chúng Phó cần phải cân nhắc xem trong hàng Đội/Chúng của mình có ai lớn tuổi, có khả năng, tư cách cũng như uy tín. Đội/Chúng Phó cần phải dồn tâm hợp lực với Đội/Chúng Trưởng, hai người luôn luôn phải sát cánh nhau, giữ uy tín cho nhau; đừng bao giờ gây không khí tẻ nhạt cho Đội/Chúng, hai người phải xem nhau như anh em. Công việc trong Đội/Chúng được điều hòa phát triển cũng do nơi tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa Đội/Chúng Trưởng và Đội/Chúng Phó. Khi chọn lựa Đội/Chúng Phó cũng phải cần cân nhắc dò ý Đội/Chúng Sinh trong Đội/Chúng của mình.
VII. PHÂN CÔNG:
Phân công là phân chia công việc trong Đội/Chúng cho Đội/Chúng Sinh để tạo cho Đội/Chúng Sinh có tinh thần trách nhiệm và tránh được tình trạng người làm không hết, kẻ đi chơi.
Người Đội/Chúng Trưởng phải hiểu rõ và tin nơi khả năng của lừng Đội/Chúng Sinh để sự phân công được hợp lý. Tuy thế, Đội/Chúng Trưởng cũng cần phải theo dõi, kiểm soát, đôn đốc; nhưng khích lệ vẫn là một yếu tố để tạo thành công.
Người Đội/Chúng Trưởng không nên ôm việc làm một mình, mà luôn luôn hội ý với Đội/Chúng Sinh; phát triển những khả năng thầm kín của Đội/Chúng Sinh; gây đức tính tự tin cho Đội/Chúng Sinh, tránh được tính ỷ lại. Muốn Đội/Chúng tiến mạnh, người Đội/Chúng Trưởng phải khéo léo vận dụng khả năng đến mức tối đa của từng cá nhân trong Đội/Chúng của mình.
VIII. LIÊN LẠC:
Muốn công việc của Đội/Chúng được điều hòa, người Đội/Chúng Trưởng cần phải liên lạc với Đội/Chúng Sinh của mình thật chặt chẽ trên mọi lĩnh vực hoạt động, sự sinh hoạt của Đội/Chúng có mạnh là do nơi thiện chí của tất cả.
Người Đội/Chúng Trưởng phải luôn luôn tìm hiểu rõ nguyên nhân và lý do vắng mặt của Đội/Chúng Sinh trong những buổi họp. Việc viếng thăm chẳng những trong lúc đau ốm mà phải thường xuyên để gây tình đồng đội, tình tương trợ, tương ái và xây dựng cho nhau.
Đội/Chúng Trưởng cũng cần phải thường xuyên liên lạc với anh chị Trưởng để bàn luận những công việc của Đoàn, Đội/Chúng.
IX. KẾT LUẬN:
Bất luận nghề nào cũng có vinh có nhục. Đã bước chân vào nghề Đội Chúng Trưởng ta phải hiểu rằng Đội/Chúng Trưởng là một gánh nặng thiêng liêng, cao cả nhất của đời Phật Tử. Làm chủ động tinh thần của một nhóm, đó là niềm sung sướng vô biên cho tinh thần cá nhân mình.
Người Đội/Chúng Trưởng cần phải cố gắng, chịu đựng, nhẫn nại, hy sinh luôn luôn trau dồi nghề nghiệp. Vui buồn theo sự thăng trầm của Đội/Chúng mình và luôn luôn trung thành với lý tưởng.
Một Đội/Chúng Trưởng là một Đoàn Viên, một Gia Đình vững là tổ chức chúng ta mạnh. Đội/Chúng Trưởng là những viên gạch đã được nung chín, là tài sản quý để xây dựng nền móng cho tòa lâu đài Gia Đình Phật Tử ngày mai.
Nguồn: Tài liệu Trại huấn luyện Đội/Chúng Trưởng ANOMA – NI LIÊN – BHD Trung Ương GĐPTVN.