Tank Man – “Người biểu tình vô danh” hay “người chặn xe tank” – là một biệt danh đã được biết đến trên khắp thế giới khi người này được quay phim và chụp hình trong khi đang đứng chặn một đoàn xe tăng gồm ít nhất là 17 chiếc trong “sự kiện Thiên An Môn” tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào năm 1989.
Charlie Cole kể lại câu chuyện ông đã chụp được tấm hình đầy kịch tính hồi năm 1989. Đó là hình chụp một người biểu tình đương đầu với một dãy xe tăng của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, trong cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ của sinh viên – học sinh.
Không ai biết điều gì đã xảy ra đối với “người đàn ông xách túi đồ” sau khi ông này bị cảnh sát mật Trung Quốc lôi đi, nhưng sự kiện đã dấy lên sự phản đối quốc tế mãnh liệt.
Và dưới đây là câu chuyện kể của Charlie Cole:
“Ngày hôm sau, ngày 5 tháng Sáu, tôi và Stuard lại ra ban công theo dõi tình hình.
Khi trời sáng, hàng trăm lính xếp hàng trước lối vào quảng trường. Họ nấp sau những chướng ngại vật, chĩa tiểu liên vào sinh viên và dân cư tò mò đang đứng cách đó khoảng 100 mét.
Chúng tôi nhìn thấy là hầu như trên mái nhà nào, kể cả toà nhà chúng tôi đang đứng, cũng có cảnh sát mật mang ống nhòm và đài radio đang tìm cách kiểm soát tình hình.
Vào khoảng trưa, chúng tôi nghe tiếng xe bọc thép nổ máy và bắt đầu rời quảng trường. Để giải tán đám đông ở đại lộ Trường An, một số súng máy đã nhả đạn vào đám đông. Mọi người bỏ chạy vì hoảng loạn.
Ngay sau đó, khoảng 25 xe tăng xếp hàng bắt đầu lăn bánh theo cùng hướng dọc theo đại lộ.
Đột nhiên, chúng tôi thấy một thanh niên bước ra từ lề đường, một tay cầm chiếc áo khoác, tay kia cầm túi siêu thị bước vào lối đi của những chiếc xe tăng với ý định chặn đoàn xe lại.
Thật là chuyện không thể tin được, nhất là sau tất cả những gì đã xảy ra. Không thể tin được điều đó, tôi vừa tiếp tục chụp ảnh, vừa dự đoán về số phận bất hạnh của anh.
Và tôi ngạc nhiên khi thấy chiếc xe tăng đi đầu dừng lại rồi tìm cách đi vòng quanh người thanh niên. Thế nhưng anh lại tiếp tục chặn đầu xe. Cuối cùng, cảnh sát mật tóm lấy người thanh niên và và lôi anh đi.
Tôi và Stuart nhìn nhau, cùng kinh ngạc về những gì mình vừa mới chứng kiến và ghi lại được bằng hình ảnh.
Sau đó, Stuart đi đến trường Đại Học Tổng Hợp Bắc Kinh còn tôi ở lại chờ đón những gì sẽ tới. Ngay sau khi Stuart rời khỏi, các cảnh sát mật đã bật tung phòng khách sạn của chúng tôi. Bốn nhân viên tràn vào, đánh tôi trong lúc một số người khác thì giằng lấy chiếc máy ảnh.
Họ lôi phim ra khỏi chiếc máy ảnh và thu hộ chiếu của tôi. Sau đó, họ buộc tôi viết rằng tôi đã chụp ảnh trong lúc có thiết quân luật, và việc mà khi đó tôi không biết rằng sẽ đi theo một án tù nặng nề. Sau đó, họ để một người canh gác tại cửa phòng.
Tôi đã kịp cất cuốn phim có chụp hình xe tăng trong hộp nhựa rồi giấu trong bể chứa nước của bồn cầu.
Khi họ bỏ đi, tôi đã lấy ra và mang tới Hiệp Hội Báo Chí tráng rửa và chuyển về cho Newsweek ở New York.
Ba nhiếp ảnh gia khác cũng đã chụp được hình ảnh này từ những góc độ khác nhau.
Rất nhiều cơ quan và các tạp chí đã tìm cách xác định danh tính người thanh niên và những gì đã xảy ra với anh sau đó. Một số người nói anh tên là là Vương Duy Lâm, nhưng không chắc chắn lắm.[1]
Cá nhân tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc có lẽ đã thủ tiêu anh. Có lẽ để anh xuất hiện thay vì phải im lặng thì sẽ có lợi hơn cho chính phủ trước sự giận dữ của thế giới.
Nhưng họ không làm vậy. Khi đó, nhiều người đã bị xử tử với những hành vi ít nghiêm trọng hơn nhiều so với hành động của anh.
Tôi tin rằng hành động của anh đã chinh phục trái tim mọi người ở khắp nơi. Với thời điểm đó, có thể nói, anh hùng đã tạo nên thời thế, chứ không phải là thời thế tạo anh hùng.
Anh trở thành biểu tượng, tôi chỉ là một người cầm máy. Tôi thấy tự hào vì mình đã ở nơi đó.” (Trích “Những bức ảnh làm thay đổi thế giới”).
Phiên bản các bức ảnh chụp “Tank Man”:
Video dưới đây ghi lại hình ảnh người thanh niên chặn xe tăng từ phút thứ 1:42
—— oOo ——
[1] Lúc bấy giờ, họ chưa biết được người thanh niên ấy tên gọi là gì nên gọi anh là “người biểu tình vô danh”, “người anh hùng của thế kỷ 20”, và xem hành động của anh như là một biểu tượng của việc “dùng hòa bình để chống lại bạo lực”. Nhiều tạp chí đã đánh giá người thanh niên này là một trong số những người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới của thế kỷ 20. Sau đó, tạp chí Sunday Express cho biết người thanh niên can đảm ấy là anh Vương Duy Lâm, 19 tuổi. Rất nhiều người đã vào cuộc để tìm hiểu xem số phận của anh Vương sau đó như thế nào.
Năm 1990, Barbara Walters, một phóng viên truyền hình nổi tiếng của Mỹ, khi phỏng vấn cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã cầm bức ảnh này và hỏi về tung tích của anh Vương, ông Giang khi đó úp mở nói rằng “Người này không bị xe tăng nghiền chết, nhưng không biết tung tích của anh ta”.
Đài V.O.A khi phỏng vấn ông Ngô Nhan Hoa, một nhân chứng đã trải qua sự kiện Thiên An Môn, để hỏi về tung tích của anh Vương. Ông cho biết theo thông tin từ một vị giáo sư, có 3 thanh niên mặc thường phục đến bắt anh Vương Duy Lâm rồi ra hiệu cho xe tăng tiếp tục tiến vào. Vị giáo sư này nói anh Vương bị bắt ngay tại hiện trường, có thể lành ít dữ nhiều.
Trong cuốn sách “Giang Trạch Dân kỳ nhân” có đoạn miêu tả: Việc truyền thông nước ngoài ca ngợi dũng khí của người thanh niên chặn cả đoàn xe tăng đã khiến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, khi ấy là thị trưởng Thượng Hải, vô cùng tức tối và ông đã đã ra lệnh bí mật xử anh Vương Duy Lâm.
Năm 2000, phóng viên giàu kinh nghiệm Wallace của Công Ty Truyền Thanh Colombia (Mỹ) khi phỏng vấn ông Giang đã đưa ra bức ảnh chặn xe tăng và hỏi: “Ông có khâm phục dũng khí của vị thanh niên này hay không?” Không ngờ ông Giang trả lời rằng: “Anh ta tuyệt đối không bị bắt. Tôi không biết hiện giờ anh ta đang ở đâu.” Câu trả lời này mặc dù không đúng chủ đề câu hỏi nhưng lại để lộ ra “đáp án” về số phận của người thanh niên quả cảm Vương Duy Lâm (Theo DKN.tv).