Những cây cầu Việt Nam

Là một đất nước sở hữu nhiều sông ngòi, kênh rạch, vì vậy Việt Nam cũng có những cây cầu gắn liền với dòng lịch sử dân tộc hay kiến trúc độc đáo mà người Việt chúng ta nên biết…

1.  CẦU TRƯỜNG TIỀN – Cây cầu nên thơ  và là cầu sắt cổ nhất:

01.CauTrangTien_7.jpg

Cũng như cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương ở Huế, ngay sát kinh thành. Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép (Trước đó những cây cầu được xây dựng đều là những cây cầu ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững).

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), cầu Trường Tiền được viên khâm sứ Trung Kỳ Levécque giao cho hãng Eiffel của nước Pháp (nổi danh với công trình Tháp Eiffel ở Paris) thiết kế. Cầu được khởi công xây dựng sau đó và đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành. Như vậy, cầu Trường Tiền có tuổi nhiều hơn cầu Long Biên ở Hà Nội (1899-1902) – cây cầu thép nổi tiếng về quy mô, lớn nhất Đông Dương và châu Á thời bây giờ.

Khi hoàn thành, cầu Trường Tiền có cấu trúc 6 vài 12 nhịp, chiều dài cầu 401m, bề ngang lòng cầu 6m20, mặt cầu lúc đó chỉ mới lát bằng ván gỗ lim. Các vòm nhịp cầu có hình bán nguyệt (người Huế hay gọi là dáng răng lược) rất điệu đà duyên dáng, hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay. Chi phí xây cầu hết khoảng 400.000.000 đồng, là một số tiền rất lớn thời bấy giờ.

Từ khi ra đời, cầu Trường Tiền có nhiều tên gọi: Cầu Thành Thái (tên vua triều Nguyễn đương thời), cầu Clémenceau (tên của một thủ tướng Pháp thời đệ I thế chiến), cầu Nguyễn Hoàng (tên chúa Nguyễn đã có công khai phá, mở mang vùng đất Thuận Hoá giữa thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII)… nhưng tên gọi cuối cùng cho tới bây giờ là cầu Trường Tiền (Tràng Tiền), do vị trí cầu bắc qua sông Hương gần xưởng đúc tiền xưa kia của triều đình nhà Nguyễn. Trước khi cầu Trường Tiền được xây dựng, nơi đây có một bến đò ngang cũng mang tên Trường Tiền.

2. CẦU LONG BIÊN – Cầu sắt cổ nhất Hà Nội:

02.CauLongBien.jpg

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1899-1902 với chi phí khoảng 6.200.000 franc Pháp.

Ban đầu cầu đặt tên là Doumer, theo tên của viên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, người đã phải đối mặt với sự phản bác của cả người Pháp và người Việt về việc xây cầu. Riêng người dân gọi nó là cầu Sông Cái.

Cầu dài 2.500m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Các đường giao thông trên cầu gồm đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đặc biệt luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Sau khi hoàn thành, ngoài cầu nối giữa sông Hồng và ngoại thành, Hà Nội và Trung Hoa. Cầu Long Biên cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các phố, ví dụ như phố Lò Rèn.

3. CẦU VĨNH TUY – Cầu rộng nhất:

03.CauVinhTuy.jpg

Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn hai quận Long Biên và Hai Bà Trưng là cây cầu rộng nhất Việt Nam (38m).

Cầu được khởi công xây dựng ngày 3/2/2005 và sử dụng vào ngày 2/9/2009, có tổng chiều dài 5.830m, mặt cắt ngang rộng 19,25 m. Theo đánh giá, đây là cây cầu hiện đại nhất Việt Nam với kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là 8 nhịp liên tục, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất.

4. CẦU DAKRONG – Cầu treo đầu tiên do Việt Nam thiết kế và xây dựng, được thi công nhanh nhất:

04.CauDakrong.jpg

Cầu Đak’rong bắc qua sông Sépon (Xê-pôn) thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm bên quốc lộ 9 ở km50, tại điểm khởi đầu của quốc lộ 14A, thuộc thị trấn Đak’rong, huyện Đak’rong – tỉnh Quảng Trị. Nếu đi từ  Cổ Thành Quảng Trị lên Lao Bảo, khoảng 60km thì thấy cầu Đak’rong nằm vuông góc với quốc lộ 9 tại km42, trước đây nó thuộc quốc lộ 14, giờ là quốc lộ HCM.

Cầu Dak’rong dài 182m, rộng 8m, là cây cầu treo do Việt Nam thiết kế và thi công lần đầu tiên, vừa thi công vừa tham khảo tài liệu thi công của Trung Quốc. Từ khi khởi công đến khánh thành có 9 tháng. Trong quá trình thi công nó chịu và thử sức đầu tiên cơn lũ lịch sử tháng 11 năm 1999.

5. CẦU MỸ THUẬN – Cầu dây văng đầu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long:

05.CauMyThuan.jpg

Là cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, cầu nằm cách Tp.HCM 125km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu có tổng chiều dài 1.535m được chính thức khởi công ngày 6/7/1997 và hoàn thành vào 21/5/2000. Về mỹ quan, đây là một trong những cây cầu treo đẹp nhất nước ta.

6. CẦU BẢI CHÁY – Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên:

06.CauBaiChay.jpg

Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, có chiều dài 903m, chiều rộng 25,3m, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là cây cầu có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời, cầu Bãi Cháy cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính (435m). Cầu được thiết kế và điều hành xây dựng bởi các nhà thầu Nhật Bản.

7. CẦU BÍNH – Cầu dây văng đẹp nhất miền Bắc:

07.CauBinh.jpg

Đây là cây cầu nối liền hai bờ sông Cấm, nối thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và đi ra tỉnh Quảng Ninh, được đánh giá là cây cầu dây văng đẹp nhất miền Bắc.

Cầu có chiều dài 1.280m, rộng 22,5m, với 4 luồng xe cơ giới và hai luồng xe thô sơ. Cầu được thiết kế theo đường cong để tạo dáng kiến trúc và thẩm mỹ.

8. CẦU PÁ UÔN – Cầu có trụ cao nhất:

08.CauPaUon.jpg

Cầu Pá Uôn khởi công vào ngày 28/5/2007, nối liền vào ngày 18/4/2010, là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà (tại địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai). Cầu có tổng vốn đầu tư gần 740.000.000.000 VNĐ và được thiết kế vĩnh cửu với khả năng chịu được các trận động đất mạnh.

9. CẦU SÔNG HÀN – Cầu quay dây văng duy nhất Việt Nam:

09.CauSongHan.jpg

Cầu quay dây văng sông Hàn được khởi công ngày 2/9/1998, khánh thành ngày 29/3/2000. Cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Đây là cây cầu quay dây văng đầu tiên và duy nhất do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công.

Hàng đêm, vào khoảng 00 giờ 30′ khuya, phần giữa của cây cầu được quay 90o quanh trục, nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua, vào khoảng 3 giờ 30′ cầu quay trở lại như cũ.

10. CẦU RỒNG – Cầu có thiết kế độc đáo nhất:

10.CauRong.jpg

Với thiết kế mô phỏng hình dáng một con rồng đang bay trên sông Hàn, đầu rồng ngẩng cao, thân rồng uốn lượn và cùng với hệ thống đèn chiếu sáng trang trí, cầu Rồng được Hiệp Hội Cầu – Đường Thế Giới ghi nhận là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.

Cầu Rồng do Công Ty Louis Berger Group., Inc. (Hoa Kỳ) thiết kế, khởi công vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Cầu có mức đầu tư 1.498.000.000.000 VNĐ. Theo đó, cầu được xây dựng tại khu vực nút giao thông gần Cổ Viện Chàm nối với nút giao thông Nguyễn Văn Linh nối dài, phía đông là nút giao thông đường Trần Hưng Đạo, kéo dài đến đường Sơn Trà – Điện Ngọc.

11. CẦU THUẬN PHƯỚC – Cầu treo dây võng dài nhất:

11.CauThuanPhuoc.JPG

Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam. Tổng chiều dài cây cầu nối 2 bờ vịnh Đà Nẵng là 1.850m (dài hơn cầu Mỹ Thuận 300 m), rộng 18m, với mức đầu tư gần 1oo.000.000.000 VNĐ.

Cầu khởi công xây dựng vào ngày 16/1/2003; khánh thành ngày 19/7/2009. Cầu cách sông Hàn 2.700m về phía hạ lưu, điểm đầu cầu phía quận Hải Châu, nối với tuyến đường Liên Chiểu – Thuận Phước; điểm cuối cầu phía quận Sơn Trà, nối với tuyến đường từ khu công nghiệp đóng tàu đến khu công nghiệp dịch vụ thủy sản.

12. CẦU CẦN THƠ – Cầu dây văng nhịp chính dài nhất:

12.CauCanTho.jpg

Cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85km với 4 luồng xe, là cây cầu được đánh giá cao nhất Việt Nam nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Cầu được khởi công xây dựng ngày 25/9/2004; khánh thành ngày 24/4/2010 sau nhiều biến cố. Tại thời điểm hoàn thành (2010) là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.

13. CẦU THỊ NẠI – Cầu vượt biển dài nhất:

13.CauThiNai.JPG

Thị Nại là cây cầu vượt biển dài và lớn nhất Việt Nam nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Cầu được khởi công vào tháng 11/2002 và hoàn thành vào tháng 12/2006. Tổng số vốn đầu tư cho xây dựng công trình là 582.000.000.000 VNĐ. Cầu gồm 54 nhịp, có khẩu độ mỗi nhịp là 120m. Nhìn từ xa, cầu Thị Nại đẹp, thanh mảnh như một dải lụa trải ngang biển, đẹp, mong manh nhưng bền bỉ.

14. CẦU RẠCH MIỄU – Cầu thương hiệu Việt:

14.CauRachMieu.jpg

Đây là cây cầu dây văng nối liền 2 tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho) và Bến Tre, là công trình do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế và thi công. Cầu được khởi công từ tháng 4/2002; khánh thành vào tháng 1/2009 (do khó khăn tài chính).

Thời gian thi công lâu như vậy nên trong giới hướng dẫn viên du lịch của tỉnh Bến Tre và Tiền Giang truyền miệng câu chuyện ngộ nghĩnh về một du khách nước ngoài đến thăm nơi này. Lần đầu tiên thấy công trình đang thi công, ông hỏi hướng dẫn viên bao giờ hoàn thành thì nhận được câu trả lời “1 năm nữa”. Song 2 năm sau ông quay lại, thấy cầu chưa hoàn thành, ông lặp lại câu hỏi và được nhận được câu trả lời tương tự. Lần thứ 3, khi người bạn đi cùng hỏi hướng dẫn viên bao giờ cầu làm xong, thì chính ông lập tức trả lời: “Đến khi nào khánh thành thì xây xong”.

Sau khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu rút ngắn thời gian qua lại giữa hai tỉnh này từ 30′ xuống còn 5′.

15. CẦU PHÚ MỸ – Cầu dây văng đầu tiên của Sài Gòn:

15.CauPhuMy.jpg

Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất Tp.HCM bắc qua sông Sài Gòn, kết nối Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm và Khu Đô Thị Phú Mỹ Hưng; nối quận 7 với quận 2 và quận 9, thuộc đường vành đai ngoài của của thành phố. Không chỉ là công trình trọng điểm của Việt Nam, cầu Phú Mỹ còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Cầu Phú Mỹ khởi công ngày 9/9/2005; khánh thành ngày 2/9/2009.

 

PHỤ  LỤC:

CẦU TRƯỜNG TIỀN: NÉT NÊN THƠ & NHỮNG THĂNG TRẦM LỊCH SỬ

Diễn biến thăng trầm:

Cây cầu duyên dáng nằm trên mảnh đất thơ mộng miền Trung lại có số phận không yên ả chút nào. Cầu đã trải qua nhiều thay đổi và cả những biến cố đau thương, mang số phận thăng trầm cùng xứ Huế trong hơn một thế kỷ.

Khi mới hoàn thành, là một cây cầu thép vững chắc với kết cấu và kỹ thuật xây dựng văn minh của phương Tây, cầu Trường Tiền khiến cho chính quyền thực dân không khỏi tự hào. Viên toàn quyền Đông Dương tự đắc tuyên bố: “Khi nào cầu sập thì Pháp sẽ trả độc lập cho nước Nam”. Không ngờ chỉ sau 5 năm (năm Nhâm Thìn – 1904), cơn bão lịch sử đã xô đổ cây cầu thép; cầu có 6 vài thì 4 bị hất đổ xuống lòng sông. Năm 1906, cầu được tu sửa lại, và mặt cầu được đúc bằng bê tông cốt thép.

Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được đại trùng tu. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra – là nơi nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh nhau.

Năm 1946, cầu bị sập hai phía tả ngạn do mìn trong chiến tranh Việt-Pháp. Hai năm sau, cầu được tu sửa tạm để qua lại. Năm 1953 cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ.

Trong biến cố mùa xuân năm Mậu Thân (1968), cầu Trường Tiền một lần nữa lại đổ gục xuống lòng sông Hương. Tại thời điểm ngay sau đó, một chiếc cầu phao được dựng tạm lên bên cạnh để nối đôi bờ; rồi cầu được tu sửa tạm thời.

Sau khi kết thúc chiến tranh (1975); mãi tới năm 1991 cầu Trường Tiền mới được trùng tu lần nữa. Lần khôi phục, trùng tu này kéo dài trong 5 năm (1991-1995). Ở lần trùng tu này có nhiều thay đổi quan trọng: Đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu; lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can (độ rộng lòng cầu của đường chính ở giữa từ 6,20m nay chỉ còn 5,40m); màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc; tấm biển đồng gắn ở đầu cầu ghi chữ “Cầu Tràng Tiền” thay cho “Cầu Trường Tiền” tạo nên một sự thiếu thống nhất về tên gọi cây cầu.

Từ Festival Huế năm 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại, điều khiển bằng phần mềm lập trình. Khi chiều buông, cũng là lúc cây cầu bắt đầu rực rỡ huyền ảo trong ánh đèn màu.

Nét thơ xứ Huế:

Dẫu trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, dẫu có nhiều đổi thay, thì cầu Trường Tiền vẫn soi bóng trên dòng Hương Giang hơn một trăm năm qua, cầu Trường Tiền vẫn là một biểu tượng đẹp lãng mạn của đất Cố D(ô, là một nét thơ xứ Huế. Hình dáng mềm mại, duyên dáng của cây cầu trong khung cảnh thơ mộng đã gợi nên nhiều cảm xúc cho các văn nhân thi sỹ. Cầu Trường Tiền cũng là một địa danh gắn bó với cuộc sống, tình yêu của con người nơi đây:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp, tội lắm em anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa”.

(Ca dao. Cũng có tài liệu cho rằng đây là thơ của ông Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, người Nam Định sáng tác).

Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sỹ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc (nguyên bản) như hình ảnh của chiếc lược ngà:

“…Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”.

(Vài nét Huế – Nguyễn Bính)

Những thăng trầm lịch sử của cầu Trường Tiền cũng được ghi chép lại rất nhiều bằng thi ca, âm nhạc. Năm 1946, cầu bị sập và đã có câu ca mang âm hưởng hò sông thế này:

Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên (năm) qua lại,
Kể tự đời Thành Thái đến nay.
Chạnh lòng biết hỏi ai đây,
Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu?

Đáp rằng:

Chí quyết thắng Pháp Tây
Nên cầu nầy phải phá
Qua sông còn nhiều ngã
Đừng buồn bã em ơi
Nước non khôi phục được rồi
Cầu nầy bắc lại không mấy hồi đó em…

Lịch sử, vị trí và số phận cầu Trường Tiền mặc nhiên đã làm cho cây cầu mang một trọng trách và cũng là niềm tự hào. Cho dù sau này có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hương ở những thời điểm khác nhau, vị trí khác nhau: Cầu Bạch Hổ, cầu Phú Xuân, cầu Bãi Dâu… thì cầu Trường Tiền vẫn là cây cầu số 1, cây cầu đẹp nhất, tiêu biểu nhất của đất Cố Đô.

Có một người con xứ Huế ở phương trời xa đã nói rằng: “Trường Tiền là chiếc cầu định mệnh của Huế. Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi!”. Quả vậy, cố đô Huế dù có bao công trình được xếp hạng di sản văn hóa thế giới, thì cầu Trường Tiền vẫn là một hình ảnh rạng ngời, tiêu biểu. Cây cầu mang dáng vóc nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển… như tâm hồn và tính cách dịu dàng, trầm lắng của người dân xứ Huế; như nét hiền hòa thơ mộng, trong trẻo của dòng Hương Giang. Cầu Trường Tiền in sâu trong lòng mỗi người dân nơi đây và cả những du khách như một biểu tượng của đất Cố Đô.

Hình ảnh những nhịp cầu cong cong soi bóng xuống dòng sông, in trên bầu trời; hình ảnh những tà áo dài nữ sinh bên cầu, những con thuyền trên dòng sông dưới chân cầu, những tán phượng đỏ hoa đầu cầu; hình ảnh cây cầu sáng rực rỡ lung linh trong đêm… mãi là những ký ức đẹp, những âm điệu và ngôn từ đẹp lãng mạn đến muôn đời của bài thơ xứ Huế./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CẦU TRƯỜNG TIỀN XƯA & NAY

 


 

QUANG MAI

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Wikipedia.
– VOV Online.
– Ngôi Nhà Xinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.