Những dòng thơ đời của TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

HUỆ THIÊN

Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung, ông là con trai cả của Trần Liễu, anh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Thiện Cảm Hoàng hậu (húy là Thiều, vợ của vua Trần Thánh Tông). Ông sinh năm 1230, mất năm 1291. Hưng Ninh Vương là tước do vua Trần Thái Tông ban cho ông vì cảm cái nghĩa của cha ông là An Sinh Vương Trần Liễu khi Trần Liễu qua đời.

Nói về thơ văn và con người của Tuệ Trung, Nguyễn Huệ Chi đã viết: «Tìm ra thơ văn của nhà sư uyên bác đồng thời là một võ tướng có nhiều công lao dẹp giặc này là một cống hiến vô cùng quý giá. Nó làm hiện diện trước chúng ta một nhân cách, một cá tính phong phú, trong cái thế giới thanh tịnh nói chung, cái thế giới tiêu diệt mọi ‘ngã kiến’ của đạo Thiền. Ít nhiều, nhân cách đó giống như là một sự ngấm ngầm tuyên chiến của một con người khí phách ngang tàng đối với tất cả những gì đi ngược lại quy luật cuộc sống.» [1]

Là thiền sư, Tuệ Trung là bậc thầy của phái Trúc Lâm đời Trần, là người mà «vua Dụ Lăng (tức Trần Thánh Tông [Huệ Thiên chú]) mộ tiếng từ lâu nên sai sứ vời vào cửa khuyết. Phàm những lời hầu chuyện của nhà vua đều là lời siêu tục, do đó vua suy tôn người là Sư huynh và ban cho tên hiệu hiện nay.» [2] Còn chính Trần Nhân Tông thì đã nhận ông làm thầy. Nhà vua viết: «Một ngày kia, ta hỏi người về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng Sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được.” Ta bỗng dưng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo tôn người là thầy.» [3]

Là võ tướng, Hưng Ninh Vương Trần Tung đã «cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Và trong cuộc kháng chiến (chống quân Nguyên – HT) lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần đến đồn trại giặc vờ ước hẹn trá hàng, làm cho quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến cướp doanh trại giặc.» [4]

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ lý do vì sao sau cuộc kháng chiến thắng lợi thì tên tuổi của ông lại hầu như không được nhắc đến. Đành rằng sau đó, theo Thượng Sĩ hành trạng của Trần Khâm, ông có nhậm chức Tiết độ sứ, trông coi phủ Thái Bình nhưng chẳng được bao lâu ông lại lui về ấp Tịnh Bang để lập Dưỡng Chân trang mà theo đuổi nghiệp Thiền. Đây rõ ràng là một điều bí ẩn trong cuộc đời của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, và nguyên nhân đích thực của điều bí ẩn này có lẽ đã là động cơ – nghĩa là thi hứng ! – khiến ông viết thêm nhiều bài thơ hoặc câu thơ đầy ẩn ý mà giọng điệu khi thì rất chua chát, lúc lại khá gay gắt. Với những giọng điệu đó và bên trong những ẩn ý đó, đã toát ra một tâm trạng bất mãn và cô đơn.

Ngay trong bài Dưỡng Chân 養真 (nuôi dưỡng chân tính), chúng ta cũng đã thoáng thấy được cái duyên cớ đã làm cho ông phải xa lánh chốn quan trường mà đi vào cõi thiền:

Thân xác hao gầy há đáng than,

Phải đâu hạc cả lánh gà đàn;

Nghìn xanh muôn thuý mờ non nước,

Góc biển lưng trời: nơi dưỡng chân. [5]

(Suy táp hình hài khởi túc vân,Phi quan lão hạc tị kê quần;Thiên thanh vạn thuý mê hương quốc,Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân.) 衰 颯 形 骸 豈 足 云非 關 老 鶴 避 雞 群千 青 萬 翠 迷 鄉 國海 角 天 頭 是 養 真

Câu «Phi quan lão hạc tị kê quần» là một câu thơ đầy ẩn ý. tại làm sao tác giả lại phải thanh minh rằng việc mình đi tìm nơi chốn để nuôi dưỡng chân tính không phải là để tránh cái cảnh «hạc lập kê quần» (con hạc đứng giữa bầy gà)? Không phải tức là phải. Đây là một câu qua đó chính tác giả hình như muốn hé mở cho chúng ta thấy được niềm tâm sự tưởng chừng như sẽ không bao giờ được tiết lộ của ông. Và «kê quần» ở đây đương nhiên không phải là ai khác hơn quần thần của triều Trần lúc bấy giờ. Đây là cái dấu hiệu đầu tiên cho chúng ta thấy hình như Tuệ Trung là một con người bất đắc chí. Những chi tiết quá ít ỏi được ghi nhận về hoạn lộ của ông cũng cho chúng ta thấy được hẳn ông phải là một nhân vật lỗi lạc không những về quân sự, mà cả chính trị lẫn ngoại giao. Về quân sự, như đã thấy, ông đã từng cùng em trai đánh giặc Nguyên một trận nảy lửa, đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Về ngoại giao, ông đã từng là nhà thương thuyết vào thẳng nơi đồn trại của quân Nguyên và đã đánh lừa được kẻ địch để thực hiện kế hoạch tác chiến. Ấy thế cuối cùng ông lại phải lui về Dưỡng Chân trang. Rõ ràng đây không phải là một điều dễ hiểu.

Bài Giản để tùng 澗底松 (cây tùng ở đáy khe) khuyến khích chúng ta tin tưởng thêm ở những điều đã suy diễn bên trên:

Thương cội tùng xanh tuổi bấy niên,

Đừng than thế mọc lệch cùng xiên;

Cột rường chưa dụng người thôi lạ,

Cỏ dại hoa hèn trước mắt chen.

(Tối ái thanh tùng chủng kỉ niên,Hưu ta địa thế sở cư thiên;Đống lương vị dụng nhân hưu quái,Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.) 最 愛 青 松 種 幾 年休 嗟 地 勢 所 居 偏棟 樑 未 用 人 休 怪野 草 閑 花 滿 目 前

Cây tùng xanh «trồng bao năm» (chủng kỉ niên), nghĩa là thực ra đã trồng tự không biết bao nhiêu lâu rồi, mà lại bị «trồng lệch», nghĩa là trồng không đúng chỗ, đúng thế: tận dưới đáy khe thay vì tít trên đỉnh núi. Chung quanh nó chỉ có toàn là «cỏ dại hoa hèn». Và không phải người ta không lấy làm lạ về việc không có ai đốn nó đem về làm rường, cột cho nhà cửa, mà thảm hại hơn nữa là người ta đã «thôi lấy làm lạ» (hưu quái) về việc đó, vì điều này đã trở nên nhàm chán. Người ta đã quên cây tùng dưới đáy khe rồi. Đương nhiên trên đây chỉ là nghĩa đen. Bài thơ thật ra là cả một thể phúng dụ sâu sắc, mà chua chát, qua đó tác giả đã không ám chỉ ai khác hơn là chính mình. Và cội tùng mọc giữa đám cỏ dại hoa hèn này cũng là một với thân hạc đứng giữa bầy gà lớ ngớ kia. Quả là một bài thơ tự thán thấm thía đầy thương cảm. Người ta đã quên bẵng đi cái tài lương đống của Trần Tung rồi. Nói cho đúng ra, hình như người ta đố kị nó.

Đành rằng đi vào cõi Thiền, Tuệ Trung vẫn là một thiền sư cự phách, nhưng ông đâu có phải là kẻ câu nệ, cố chấp; ông đâu có phải là kẻ chủ trương hễ muốn đi vào Thiền thì tất yếu phải từ bỏ chốn quan trường và xa lánh cuộc đời. Ông cũng có thê có thiếp, có kẻ hầu người hạ. Mà ông cũng chẳng ăn chay. «Thượng Sĩ trộn lẫn với thế tục, hoà cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời (…) Ngày kia, Thái hậu (xưa là cô Thiều, em gái của chàng Tung), làm tiệc lớn đãi người. Người dự tiệc, gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?” Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh (…).» [6] Một con người như vậy hẳn đã phải có ước vọng sử dụng tài năng của mình để cống hiến cho nước cho đời không những về mặt giáo lý Thiền tông, mà cả về mặt quốc kế dân sinh. Nhưng hoạn lộ của Trần Tung lại trở thành một ngõ cụt. Thế thì làm sao mà không tự thán cho được! sau đây là một bài thơ tự thán nữa. Đó là bài Chiếu thân (soi mình):

Sém đầu giập trán vận kim bào,

Ta bấy năm nay: chốn xưởng tào;

Hễ đã hơn người và vượt bậc,

Vẻ vang rồi lại đến lao đao.

(Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào,Ngũ thất niên gian thị xưởng tào;Túng dã siêu quần kiêm bạt tụy,Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.) 焦 頭 爛 額 被 金 袍五 七 年 間 是 廠 槽縱 也 超 群 兼 拔 萃一 回 放 下 一 回 高

Thành ngữ «tiêu đầu lạn ngạch» (cháy đầu nát trán) có ý nhắc đến «Hoắc Quang truyện» trong Hán thư: những kẻ chữa cháy cho nhà chủ bị hoả hoạn, hễ ai bị «cháy đầu nát trán» thì được chủ nhà mời ngồi trên trong tiệc mừng cơn lửa bị dập tắt, còn người bày vẽ cho chủ nhà cách tránh hoả hoạn (mà chủ nhà không nghe, nên nhà mới cháy) thì lại bị quên đi. Điển tích này cho chúng ta thoáng thấy rằng có lẽ Trần Tung đã từng giữ vai trò tham mưu quan trọng cho nhà Trần và sách lược của ông chắc đã đem lại nhiều thành công – hoặc ít nhất sau đó đã được thực tế chứng minh là đúng – cho dòng họ này, đặc biệt là trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên. Nhưng sau khi thắng lợi thì được «mặc kim bào» là những kẻ đã bươu đầu sứt trán, còn người mưu lược như Trần Tung thì lại cam chịu phận «xưởng tào». Xưởng là nơi làm việc, còn tào là cái máy ép hoặc cái chày giã. Tuệ Trung tự ví mình với cái máy ép hoặc cái chày giã trong xưởng thợ phải cật lực vận hành, nghĩa là ông đã phải làm cái công việc nặng nhọc của những kẻ vai u thịt bắp, trong khi chính bọn này thì lại được thăng quan tiến chức.[7]

Có thể tiếp tục soi sáng thêm cho việc tìm hiểu tâm sự của Tuệ Trung là bài Hoạ Hưng Trí Thượng vị hầu 和興智上位侯 (hoạ lại thơ của Hưng Trí Thượng vị hầu).[8] Ngay từ câu phá đề, Tuệ Trung đã gây cho người đọc cái ấn tượng rằng ông sẽ chỉ hoàn toàn luận về Thiền lý: Vẻ Thiền không trước cũng không sau (Thiền phong vô hậu diệc vô tiền 禪風無後亦無前). Và trong toàn bài, người ta đọc thấy nào là: Thiền phong, vô hậu, vô tiền, bản thể, như như, tự nhiên, tâm cơ, khẩu nghiệp, niệm, nghiên (ngôn)…, nhưng bốn câu cuối lại là bốn câu đáng chú ý:

Nghĩ ngợi cõi lòng không chút vướng,

Nói năng nghiệp miệng mệt nhiều chi;

Nhắn với Nguyên quân Trần xử sĩ,

Tiếng nhàn đơn lạnh lướt trời sương.

(Tâm cơ bất quải ti hào niệm,Khẩu nghiệp hà lao gián trạch nghiên [ngôn];Vị báo Nguyên quân Trần xử sĩ,Nhất thanh lãnh nhạn độ sương thiên.) 心 機 不 掛 絲 毫 念口 業 何 勞 揀 擇 言為 報 元 君 陳 處 士一 聲 冷 雁 度 霜 天

Hoá ra đây chỉ là bài thơ Thiền hiển ngôn, còn về mặt ẩn ngôn thì nó lại là một bài thơ rất đời – nói đời là để đối với đạo, chứ không có nghĩa là tầm thường. Và hàm nghĩa của bốn câu thơ đời trên đây là: ở trong lòng của họ, họ đã không mảy may nghe nghĩ đến những điều chúng ta nói, thì chúng ta việc gì phải vì cái nghiệp miệng mà lựa lời hay ý đẹp để nói với họ cho mệt. Vậy xin nhắn rõ với Nguyên quân, người ở ẩn họ Trần, rằng tiếng của chúng ta chỉ là một tiếng kêu của một con nhạn rét mướt bay xuyên qua bầu trời đầy sương mà thôi.

Tại sao Tuệ Trung lại khuyên Hưng Trí như thế? Là vì, theo ông, họ là những kẻ:

Tràng hoa chuỗi hạt voi không ngó,

Phím ngọc dạo đàn trâu chẳng nghe.

(Ngọc tháo nhập cầm ngưu bất thính,                  玉 橾 入 琴 牛 不 聽

Hoa trang anh lạc tượng hà tri.)                           花 粧 瓔 珞 象 何 知

[Vật bất năng dung 物不能容]

Nếu dùng nhũng lời lẽ dân gian, hẳn nhà thơ đã nói rằng họ là những kẻ «có mắt như mù», còn cái nghiệp miệng của ông và Hưng Trí chẳng qua chỉ là chuyện «đàn gảy tai trâu».

Cảnh ngộ của Tuệ Trung và Hưng Trí có lẽ chỉ là một: cả hai đều bị thất sủng. Một người là bác (Trần Trung là anh của Trần Quốc Tuấn), một người là cháu (Trần Quốc Tuấn là cha của Trần Quốc Nghiễn, tức Hưng Trí) và họ vô hình trung đã trở thành đôi bạn vong niên. Tuệ Trung đã trịnh trọng gọi cháu là Nguyên quân, kèm theo tước Hưng Trí Thương vị hầu, họ là những người bạn tri âm. Mà tri âm thường lại hiếm. Bởi thế, Tuệ Trung cảm thấy cô đơn. Đây cũng là một nét tâm trạng khác được thể hiện khá rõ trong thơ ông.

Ngay cả khi làm thơ về đạo, ông cũng dẫn dắt người đọc đến với những tứ thơ về sự cô đơn của chính mình:

Trời suông chỉ thấy vòng trăng lẻ,

Đêm thu ngập bể Phật trong veo.

(Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt,                長 空 只 見 孤 輪 月

Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.)                            剎 海 澄 澄 夜 漫 秋

[Thị tu Tây Phương bối 示修西方輩]

Thậm chí có lúc người ta còn có thể có cái cảm tưởng là Tuệ Trung hình như chỉ mượn đạo để nói đời. Chứng thực là bài Phỏng Tăng Điền đại sư 訪僧田大師 (thăm đại sư Tăng Điền) với hai câu cuối:

Sáng rạng nghìn non người thấy suốt,

Rừng sâu vượn lẻ hú ai nghe.

(Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu,                      人 間 盡 見 千 山 曉

Thuỳ thính cô viên đề xứ thâm.)                            誰 聽 孤 猿 啼 處 深

Thơ văn Lý Trần (tập II, quyển thượng) đã chú giải kỹ về câu cuối: «Nghe tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng sâu thẳm: tức là nghe âm thanh tại nguồn phát ra nó, ở đó nó còn trong lắng, nguyên thể, chưa hiện hữu thành sắc tướng. Đó là cái mà Thiền học gọi bằng ‘bản lai diện mục’, đó tức là thấy tính.»[9] Thế nhưng nếu người ta mạnh dạn tin tưởng sự thật về tâm trạng cô đơn của Tuệ Trung như đã sơ bộ chứng minh thì người ta lại còn thấy thêm rằng đó cũng là những câu tự thán lâm li và rất chân thành.

Còn sau đây là cảnh cô đơn thực thụ trong bài Giang hồ tự thích 江湖自適 (thoả ý nơi cảnh sông nước – bài I):

Sông dài thuyền nhỏ nổi lênh đênh,

Dìu dặt chèo khua vượt bãi ghềnh;

Nhạn lạ xứ nào kêu một tiếng,

Gió thu cao lộng khắp mười châu.

(Tiểu đĩnh tràng giang đãng dạng phù,Du dương trạo bát quá than đầu;Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn,Trắc giác thu phong biến thập châu.) 小 艇 長 江 蕩 漾 浮悠 揚 棹 撥 過 灘 頭一 聲 何 處 新 來 雁陟 覺 秋 風 遍 十 洲

Một mảnh thuyền con, một mái chèo nhẹ, một tiếng nhạn kêu, một giang khách đơn độc; còn chung quanh là sông dài, bãi rộng và gió lộng khắp mười châu. Cũng lại là những hình ảnh về cô đơn, những câu thơ của bài Giang hồ tự thích 江湖自適 (bài II):

Sớm kéo buồm đơn băng sóng vỗ,

Chiều nâng sáo ngắn thổi mây sông;

Tạ Tam nay bặt vô âm tín,

Để lại thuyền không ghếch cát nông.

(Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,Vãn hoành đoản địch lộng yên ba;Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức,Lưu đắc không thuyền các thiển sa.) 曉 掛 孤 帆 凌 汗 漫晚 橫 短 笛 弄 湮 波謝 三 今 已 無 消 息留 得 空 船 閣 淺 沙

Một cánh buồm đơn, một chiếc sáo ngắn, Tạ Tam nay đã không còn tin tức, chỉ để lại độc một chiếc thuyền không và chung quanh là nước rộng mênh mông, sóng khói lộng ngút cùng bãi cát trơ trọi. Vẫn cứ là cảm giác cô đơn. Đã cô đơn, nhưng chính Tuệ Trung lại muốn dấn thân vào chốn cô đơn:

Chợt đến; họa xong rồi lại phúc,

Bói chốn thâm u gởi tấm thân.

(Thảng lai hoạ phúc bất đơn hành,                儻 來 禍 福 不 單 行

Nhàn bốc u thâm ký thử sinh.)                        閑 卜 幽 深 寄 此 生

[Thoái cư 退居]

Chính nhà thơ đã chọn nơi sâu vắng để «gởi kiếp sống này» (ký thử sinh) của mình ở đấy. Quả là mâu thuẫn: tỏ ra ái ngại về cảnh cô đơn, mà lại muốn tìm sống ở nơi xa xăm cách trở. Mâu thuẫn này có nguyên nhân không phải hoàn toàn khó hiểu. Như đã nói, ông là người tỏ ra tha thiết với công việc triều chính, không phải vì hám danhhám lợi, mà chỉ vì muốn cống hiến cho nước, cho đời. Nhưng hình như chính triều đình đã khước từ ông. Vì thế ông đâm ra chán ghét nơi đô hội và chốn cung đình. Ông muốn lui về ở một nơi thật xa:

Về vui với đạo thôi, ẩn sơn lâm,

Xa bỏ lợi danh thôi, lánh thị triều.

(Qui dư đạo ẩn hề sơn lâm,                           歸 歟 道 隱 兮 山 林

Khôi khước lợi danh hề triều thị.)                   灰 卻 利 名 兮 朝 巿

[Trừu thần ngâm 抽脣吟]

Tại sao ông lại muốn lui về chốn sơn lâm mà xa lánh chốn triều đình và nơi thị tứ? Có lẽ là vì người ta đã không thấy hết, ói đúng hơn, đã không chịu thấy, cái tài kinh bang tế thế, cái chí di sơn đảo hải của ông, nên đã không trao cho ông những trọng trách xứng đáng với tài đức, mà chỉ phân cho ông những công việc tầm thường, cho nên, ông mới sinh ra bất mãn. Sự bất mãn này đã phát lộ ra cả ngay khi ông làm thơ về Thiền:

Lò cả mà đúc chi dùi bỏ túi,

Hổ khoẻ có sá gì con đói thịt;

Thuyền tốt há lại ngại cơn sóng gió,

Sắc thuần lẽ nào sợ màu tía hồng.

(Hồng lô bất chú hề nang chuỳ,Mãnh hổ bất miết hề nhục ki [cơ];Lương chu khởi ngại hề phong ba,Chính sắc hà phương hề hồng tử.) 洪 爐 不 鑄 兮 囊 錐猛 虎 不 瞥 兮 肉 饑良 舟 豈 礙 兮 風 波正 色 何 妨 兮 紅 紫

[Trừu thần ngâm 抽脣吟]

Đây rõ ràng là sự bộc lộ không úp mở một mặc cảm tự thị – một sự tự thị chính đáng và xứng đáng, mà mối ẩn ức thường trực đã dấy lên trong tâm não của Tuệ Trung một cách tự nhiên và đột xuất không thể kìm hãm lại được. Mà nhiều khi hình như chính ông cũng đã tỏ ra không cần che giấu điều này. Quả là cái cảnh ngộ của Tuệ Trung đã tạo cho ông một mối ẩn ức thường trực. Ở đâu, lúc nào, với ai ông cũng có thể liên tưởng đến cảnh ngộ đó, mà thốt lên nỗi bất đắc chí. Cả khi vịnh cảnh vật ở Phúc Đường, nơi hành đạo của thầy mình là thiền sư Tiêu Dao, Tuệ Trung cũng đã có thể viết được như sau:

Chưa nhằm thời thuận hiền nhân xuất,

Vui tạm rừng sâu thụy thú tàng.

(Vị phùng thời thái hiền nhân xuất,               未 逢 時 泰 賢 人 出

Thả hỉ lâm thâm thụy thú tàng.)                    且 喜 林 深 瑞 獸 藏

[Phúc Đường cảnh vật 福堂景物]

«Hiền nhân» đây không phải ai khác hơn là Tuệ Trung. Mà «thụy thú» (con muông tượng trưng cho điềm lành) thực ra cũng chỉ là một ẩn dụ, để chỉ không phải ai khác hơn là chính tác giả bài thơ. hai câu trên cho chúng ta thấy rõ: tâm lý của Tuệ Trung là một tâm lý chờ thời.

Thế nhưng cuối cùng ông vẫn là một nhân cách cao thượng, có thể nói là siêu phàm nữa (vì quả trong cuộc đời thật thì hiếm có người như ông). Ông không tự cho phép mình thi thố tài năng và thực hiện ý chí mà làm tổn hại đến người khác, nhất là những người thấp cổ bé miệng. Ông không sa vào cảnh thấp hèn của biết bao nhiêu kẻ tham quyền cố vị, đã lôi bè kéo cánh để tranh giành ngôi thứ mà cái kết cục thường chỉ là «trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết». Cho nên ông đã tự nhủ:

Bủa rộng lưới mầu để bắt phượng hoàng,

Chớ hứng chí dụ én, sẻ đồng mưu;

Nay muốn buông câu nhữ giống kình nghê,

Đừng làm lụy đến họ hàng ếch nhái.

(Quảng đại trương phượng hoàng diệu võng,Mạc phóng chí yến tước đồng mưu,Kim dục phao kình nghê điếu câu,Khước lụy sầu hà mô đẳng loại.) 廣 大 張 鳳 凰 妙 網莫 放 志 燕 雀 同 謀今 欲 拋 鯨 鯢 釣 鉤卻 累 愁 蝦 蟆 等 纇

[Trữ từ tự cảnh văn 抒辭自警文]

Chính vì quan niệm như thế mà ông đã không tiếp tục hành động gì thêm về mặt đời, để chỉ tầm đạo. Mà về mặt đạo thì ông rõ ràng là một thiền sư siêu việt và độc đáo. Tiếc rằng do sự thiển cận và sự ích kỷ của triều đình – có lẽ là đúng như thế – mà ông đã không có điều kiện để cống hiến cho nước, cho đời theo đúng cái tài và cái chí của ông. Nếu lúc bấy giờ sự sáng suốt và lẽ công bằng đã ngự trị được nơi ngai vua và trong chốn triều đình, thì ngày nay hẳn chúng ta không những đã có một Tuệ Trung Thượng Sĩ uyên thâm về thiền học, mà sẽ còn có thể có cả một Hưng Ninh Vương tài kinh bang tế thế lừng danh.●

HUỆ THIÊN

CHÚ THÍCH


[1] Thơ văn Lý Trần, tập I, Hà Nội, 1977, tr. 113-114.

[2] Trần Khâm tức Trần Nhân Tông, Thượng Sĩ hành trạng, trong Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng, Hà Nội, 1999, tr. 545.

[3] Sđd, tr. 546.

[4] Sđd, tr. 223.

[5] Những câu thơ dịch trong bài viết này là của chúng tôi. Phần thơ chữ Hán của Tuệ Trung Thượng Sĩ được dẫn hoặc được trích từ Thơ Văn Lý Trần của Viện Văn Học. (HT)

[6] Trần Khâm, Sđd., tr.545.

[7] Thơ Văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng, giảng hai tiếng «xưởng tào» là «nơi xay giã» và chú thích như sau: «Nơi xay giã: nguyên văn là xưởng tào. Chính ra là phải viết tào xưởng mới đúng, nhưng vì âm vận của câu thơ nên tác giả đã viết đảo ngược lại. tào xưởng là nơi xay thóc giã gạo của nhà chùa. Tác giả mượn ý này để nói việc xuất gia tu hành.» (Sđd., tr.241, chú thích 3). Cách giảng này có 3 điểm không hợp lý: 1. Cho rằng tác giả đã gượng đảo «tào xưởng» thành «xưởng tào», trong khi «xưởng tào» là một kết cấu hoàn toàn đúng ngữ pháp tiếng Hán (định ngữ + bị định ngữ) có nghĩa là «cái máy ép hoặc cái chày giã nơi xưởng thợ»; 2. Cho rằng tác giả ám chỉ việc xuất gia tu hành trong khi sự thật là tác giả đã không hề xuất gia. 3. Cho rằng tác giả đã so bì việc xay giã (xuất gia tu hành) với việc mặc kim bào (làm quan) tức là đánh giá thấp Tuệ Trung Thượng Sĩ về mặt đạo nghĩa.

[8] Hưng Trí tức là Trần Quốc Nghiễn, con trai thứ hai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có tham gia kháng chiến chống quân Nguyên, nhưng vì bất tuân thượng lệnh nên đã bị thất sủng, rồi về ở ẩn.

[9] Sđd., tr.288, chú thích 3.