Sư Bà Hải Triều Âm hay "Chị Ni" thuở thiếu thời: Vài sự kiện & hình ảnh GĐPT Bắc Việt

Hội Nghị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ:

Từ ngày 24 đến 26 tháng 4 năm 1951, chị Nguyễn Thị Ni – nay là Ni Trưởng Thích Nữ Hải Triều Âm tân viên tịch mà anh chị em Gia Đình Phật Tử quen trìu mến gọi là Sư Bà Hải Triều Âm – đã đặt những bước chân từ miền Bắc Việt vào ngôi chùa Từ Đàm lịch sử trên đất thần kinh Huế. Ngôi chùa ghi dấu nhiều sự kiện ấy trong những ngày lịch sử đó đang diễn ra Hội Nghị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ (tức Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam kỳ I), một Đại Hội Huynh Trưởng đầu tiên được triệu tập với sự tham dự của 8 tỉnh miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Thuận, Di Linh, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng, cùng các đại diện chính thức của Gia Đình Phật Hóa Phổ miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chị Ni là một trong những Huynh Trưởng đại biểu chính thức đầu tiên đại diện Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Bắc Việt vào tham dự hội nghị.

Chị Nguyễn Thị Ni cùng các em Gia Đình Phật Tử Hải Phòng. (Ảnh chụp năm 1954). Chị là một trong những Huynh Trưởng đầu tiên của Gia Đình Phật Hóa Phổ Bắc Việt vào tham dự Đại Hội thống nhất GĐPT tại chùa Từ Đàm, Huế năm 1951.

Thành phần Đại Biểu tham dự Đại Hội lúc bấy giờ gồm:

Miền Bắc: Anh Lê Văn Lãm, chị Tuệ Mai, chị Tuệ Ngọc, chị Diệu Minh, chị Ni,  chị Tý.

Miền Nam: Quý anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Nguyễn Văn Thục.

Miền Trung: Quý anh Võ Đình Cường, Lê Mộng Đào, Nguyễn Đắc An, Mai Quang Hòa, Dương Xuân Nhơn, Dương Xuân Dưỡng, Phan Cảnh Tuân, Hoàng Anh Cung, Nguyễn Khoa Đánh, Cao Chánh Hựu, Nguyễn Xuân Quyền, Lữ Hồ, Nguyễn Khắc Từ, Nguyễn Khoa Việt, Phan Văn Gái, Phan Xuân Sanh… Quý chị: Hoàng Thị Kim Cúc, Lương Thị Đào, Đặng Tống Tịnh Nhơn…

Huynh Trưởng Tuệ Mai cũng là một trong những Huynh Trưởng đầu tiên tại Bắc Việt vào tham dự Đại Hội nói trên cùng chị Ni. Chị là một nữ sĩ có nhiều thi phẩm giá trị. Sau khi vào Saigon chị đã góp công không nhỏ trong việc xây dựng GĐPT.

Dĩ nhiên một Đại Hội quan trọng như vậy thì thành quả thu gặt được gồm nhiều nội dung, nhưng quan trọng và đáng nhớ không thể nào quên là Đại Hội lịch sử này đã:

– Quyết nghị chuyển đổi danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
– Biểu quyết chấp thuận bản Nội Quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Chị Tuệ Ngọc, chị Tuệ Mai, chị Tý (GĐPHP Bắc Việt) và các em Gia Đình Phật Hóa Phổ Hà Nội.

Một sự kiện ngoài lề đáng nhớ nữa là: Vui mừng trước nổ lực và thành công rực rỡ của Đại Hội, Trưởng Phan Xuân Sanh đã vẽ lại tại chỗ tặng Đại Hội bức tranh các em Đồng Nam, Đồng Nữ sắp thành hàng rào danh dự dàn chào từ chùa Từ Đàm đến chùa Diệu Đức, nghênh đón các phái đoàn đại biểu, với bản nhạc “Gia Đình Thân Ái” trên bức tranh.

Lễ Công nhận Chính thức GĐPT Minh Tâm (chùa Quán Sứ, Hà Nội) năm 1952 nhân mùa Thành Đạo.

Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bắc Việt:

Sau Đại Hội Gia Đình Phật Tử lần thứ nhất kể trên, Gia Đình Phật Tử miền Bắc ngày càng phát triển mạnh mẽ, bắt đầu từ các GĐPT Minh Tâm, Liên Hoa, Minh Đạo, Từ Quang, lan dần đến các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên… Nhu cầu điều hợp các đơn vị Gia Đình trở nên cấp thiết, do đó Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bắc Việt nhanh chóng được hình thành, sinh hoạt trực thuộc Hội Việt Nam Phật Giáo (Bắc Việt).

Đoàn Thiếu Nữ GĐPHP Minh Tâm, tiền thân GĐPT Minh Tâm (Hà Nội). Ảnh chụp năm 1952.

Đoàn Đồng Nữ Liên Hoa GĐPT Minh Tâm – 1952.

Đoàn Thiếu Nữ GĐPT Minh Tâm với Chị Trưởng dạy Nữ công Gia chánh – 1952.
Đoàn Nữ Phật Tử GĐPT Minh Tâm trong Lễ Công Nhận – 1952.

Thành phần Ban Hướng Dẫn Bắc Việt đầu tiên lúc ấy gồm:

– Trưởng Ban: Anh Chân Minh – Nguyễn Văn Nhã.
– Phó Trưởng Ban Ngành Nam: Anh Lê Vinh.
– Phó Trưởng Ban Ngành Nữ: Chị Tuệ Mai.
– Thư Ký: Chị Tuệ Nga.
– Ủy Viên Văn Nghệ: Anh Chân Quang – Trần Thanh Hiệp.
Chị Ni là một trong số các Ủy Viên khác trong Ban Hướng Dẫn.

Trưởng Bùi Ngọc Bách với đội văn nghệ hóa trang của một GĐPT thuộc Vĩnh Yên (Bắc Việt) – 1952.

Nền tảng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được xây dựng và đang có chiều hướng phát triển sâu rộng, lan dần từ thành thị đến tận miền quê bất kể chiến tranh đang trong thời kỳ ác liệt những năm 1953-1954. Sức sống và sự trưởng thành của tổ chức thôi thúc phải tổ chức Đại Hội kỳ II để duyệt xét lại Nội Quy, chương trình tu học và hình thức sinh hoạt.

Đây là Đại Hội Huynh Trưởng lần thứ 2 được triệu tập vẫn còn đầy đủ đại diện của 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm 63 Đại Biểu, họp tại chùa Từ Đàm – Huế từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 1 năm 1953.

Trưởng Bùi Ngọc Bách và một đơn vị GĐPT Vĩnh Yên – 1952.

Số lượng Đại Biểu tham dự Đại Hội:

– Bắc Việt: 7 Đại Biểu gồm 3 Gia Đình Liên Hoa (Hà Nội), Liên Hoa (Hải Phòng) và Minh Tâm (chùa Quán Sứ, Hà Nội).

– Nam Việt: 1 Đại Biểu (Trưởng Nguyễn Văn Thục đại diện chính thức cho GĐPT Nam Việt).

– Trung Việt: 55 Đại Biểu.

Đến thời điểm Đại Hội này thì chị Ni đã xuất gia (vào năm 29 tuổi) và hiện chúng tôi chưa xin phép truy lục tài liệu được để tham khảo nên chưa dám xác quyết tại Đại Hội này chị có tham dự với tư cách đại biểu cho GĐPT Bắc Việt hay không. Khi có được tư liệu chính xác chúng tôi sẽ xin bổ sung sau. Anh chị em Lam Viên và quý độc giả còn tư liệu hay hình ảnh về chị Nguyễn Thị Ni (Cố Ni Sư Hải Triều Âm) chia sẻ cho, chúng tôi xin hết lòng cảm niệm. Xin gởi: thuvien.gdpt@gmail.com 

QUANG MAI

oOo

Nguồn tài liệu & hình ảnh: “Gia Đình Phật Tử Việt Nam 50 Năm Xây Dựng” – GĐPTVN Tại Hải Ngoại xuất bản – Hương Quê ấn hành – California, USA, 1995.

———=oOo=———

PHỤ LỤC CẬP NHẬT

Tiểu sử Cố Đại Lão Sư Trưởng
HẢI TRIỀU ÂM

(Ni Chúng chùa Dược Sư, Sài Gòn cẩn sọan)

Đôi nét về Tôn Sư Hải Triều Âm

Tôn Sư sanh năm 1920 tại tỉnh Hòa Bình, Bắc Việt. Vì mang trong người 2 dòng máu Pháp–Việt, nên thế danh Tôn Sư là Nguyễn Thị Ni và tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan. Cha tên Etienne Catallan. Mẹ tên Nguyễn Thị Đắc.

Lấy xong bằng tốt nghiệp Diplôme D’étude Primaire Supérieur, Tôn Sư đi dạy học. Ngay khi còn tại gia, Tôn Sư đã biểu lộ lòng từ bi. Ngày ngày dạy học, ngoài thời giờ Tôn Sư vào các bệnh viện, trại mồ côi, dưỡng lão để giúp đỡ an ủi động viên những mảnh đời bất hạnh.

Cơ duyên được biết Phật pháp là do Sư cụ Thích Tuệ Nhuận. Bài pháp đầu tiên được nghe Sư cụ giảng tại chùa Quán Sứ là kinh Lăng Nghiêm, phẩm Quán Âm Quảng Trần và chương Đại Thế Chí niệm Phật. Lãnh hội được sự vi diệu của Phật pháp đem lại niềm an vui cho mọi người, Tôn Sư in những cuốn kinh nhỏ phát cho những Phật Tử tới chùa tụng kinh hàng ngày.

Quy y với Hòa Thượng Pháp Chủ đương thời là ngài Thích Mật Ứng, được Ngài đặt cho pháp danh là Hải Triều Âm.

Tôn Sư thành lập Gia Đình Phật Tử, mở các hội trưởng lão, thanh thiếu niên, nhi đồng ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra Tôn Sư còn viết báo cho tòa soạn báo Bồ Đề của Sư cụ Thích Tuệ Nhuận dưới bút hiệu là Cát Tường Lan. Các bài pháp rất thực tế, đưa Phật pháp vào tư tưởng thanh thiếu niên thời bấy giờ.

Năm 29 tuổi, thâm ngộ lẽ vô thường, dù phước thiện thế gian có hay đến đâu cũng không thể đưa đến giải thoát. Tôn Sư xuất gia với Hòa Thượng Thích Đức Nhuận ở chùa Đồng Đắc, Hà Nội. Y chỉ và thọ giới với Ni Sư Tịnh Uyển, chùa Thanh Xuân, làng Phùng Khoang, Hà Nội.

Đến năm 1954, vâng lời Hòa Thượng di cư vào Nam. Nhập chúng ở chùa Dược Sư, Gia Định, Sàigòn; vừa lo tu học, vừa hầu mẹ già bị bệnh bán thân, vừa lãnh việc chuyên giảng dạy cho Phật Tử. Tôn Sư tinh trì giới luật, nghe kinh Kim Cang lãnh ngộ được tông chỉ niệm Phật. Tu quán Tứ Niệm Xứ để khai tuệ giác tỉnh, sở đắc về bộ kinh Lăng Nghiêm để khai tri kiến Phật.

Sau khi mẹ mất, vì muốn báo hiếu công ơn mẹ, thấy rằng không gì bằng công đức tu hành, Tôn Sư nhập thất 5 năm ở chùa Vạn Đức, Thủ Đức, Sài Gòn chuyên tâm niệm Phật. Sau chuyển lên Phú An, Đức Trọng, Lâm Đồng nhập thất 7 năm tại ngôi tịnh thất nhỏ Linh Quang, những mong nhập Niệm Phật tam muội. Nhưng từ hoài bi nguyện độ sanh không bỏ, tại đây Tôn Sư bắt đầu độ chúng, lúc đó chỉ có vài chục người. Đến nay đã thành lập 8 chùa: Ni Liên, Linh Quang, Liên Hoa, Viên Thông, Hương Sen, Dược Sư, Lăng Nghiêm, Bát Nhã. Đủ các căn cơ, già trẻ, lớn bé cho đến người tàn tật, trẻ mồ côi Tôn Sư đều đưa tay tế độ, mong họ được kết duyên với Phật pháp. Phật Tử quy y thì không biết bao nhiêu mà kể.

Mặc dù giác biết chúng sanh huyễn có, vẫn dùng pháp huyễn để độ chúng sanh. Ngày ngày lên lớp giảng dạy, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, lời lẽ uyên bác, chỉ mặt phải, răn mặt trái. Nhắc đi nhắc lại, cặn kẽ từng lời, mong sao cho các con thấm nhuần kinh pháp. Lời giảng dạy của Tôn Sư ai nghe cũng thấy đúng với tâm trạng của mình, hợp thời, hợp cơ, giản dị dễ hiểu, lại rất thực tế.

Đối với đại chúng, Tôn Sư khiêm cung, giản dị, từ hòa; nhưng nghiêm khắc đưa đại chúng vào khuôn khổ giới luật, nội quy. Sửa trị những xấu ác, nhưng bao dung những lồi lầm, chỉ cốt cho đại chúng thành những bậc pháp khí trong Phật pháp.

Tôn Sư một lòng lo cho đại chúng, từ tinh thần đến vật chất, hy sinh sức khỏe thời giờ, tận tình từ đời sống tạm thời đến rồi đi, tới đời sống đạo vị lợi ích vĩnh viễn trong kiếp tương lai. Suốt ngày trọn đêm không giờ phút nào Tôn Sư ngơi nghỉ trong bổn phận tự giác giác tha.

Tấm gương vô ngã vị tha của Tôn Sư, không lời lẽ nào có thể kể hết được. Những hạnh đức của Tôn Sư đã gieo vào tâm thức chúng tôi những ấn tượng khó phai. Lúc Tôn Sư ở Chùa Liên Hoa, Bình Thạnh, Sài Gòn, học chúng đổ về học pháp rất nhiều, không đủ chỗ, Tôn Sư sửa lại phòng tắm làm chỗ nghỉ cho mình, nhường phòng mình làm chỗ ở cho Chúng. Còn nhớ những ngày đông giá rét ở xứ lạnh cao nguyên, ai ai cũng co ro lo tìm sự an ổn cho mình. Riêng Tôn Sư, áo mền ấm áp nhường tất cả cho các con, ráp những tấm vải thô vừa nặng, vừa chẳng đủ ấm làm phần của mình.

Thấy đàn hậu lai trí kém, tuệ ít, Tôn Sư toát yếu lại những bộ kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, luật Tỳ-kheo-ni v.v… lời văn giản dị, xác thực để học chúng dễ nắm được yếu chỉ của kinh luật. Mắt đeo kính, dưới ánh đèn dầu, Tôn Sư miệt mài đọc sách dịch kinh. Từng bộ kinh Hán văn dày cộm đầy những chữ, với bộ óc tuổi già thật mỏi nhọc, Tôn Sư vẫn hết sức cố gắng cặm cụi dịch sang Việt ngữ để đàn hậu lai có sách học tập. Tôn Sư đã biên dịch, biên soạn, toát yếu gần 100 đầu sách và in ấn không biết bao nhiêu mà kể. Bậc chân tu liễu đạo thường ẩn danh, nên mỗi một cuốn sách viết ra Tôn Sư không để tên mình bao giờ, mà lấy tên của các đệ tử đặt vào sách. Ấn tống các kinh Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư gởi khắp Bắc, Trung, Nam để các Phật Tử có kinh tiếng Việt. Mang bệnh giật cơ trên đầu mấy chục năm nhưng chưa từng vì đó mà nghỉ ngơi. Có lần vì muốn làm cuốn “Hai Cánh Nhà Ni” cho các Tỳ-kheo-ni mới thọ giới nắm vững giới điều, Tôn Sư đã thức suốt cả tháng.

Một lòng tôn kính Phật Pháp Tăng, gặp bất cứ hình tượng Phật nào Tôn Sư đều thành kính đảnh lễ. Tận tình học pháp, nghiên cứu pháp, truyền bá giáo pháp, cả đời Tôn Sư nêu cao tấm gương vì pháp quên thân. Đối với Tăng, Ni, Tôn Sư khiêm cung, kính trọng, dạy hàng đệ tử chúng tôi suốt đời phải thực hành Bát Kính Pháp; dạy chúng tôi nếp sống lục hòa, trên kính dưới nhường, lấy Giới Định Tuệ làm sự nghiệp chính của mình.

Tôn Sư thường răn nhắc chị em phải tinh tấn tu hành để đền ơn thí chủ. Đời sống giản dị, tiết kiệm từng hạt gạo, tấm vải. Thường răn dạy chúng tôi không được phung phí vật dụng Tam Bảo, phải biết yêu tiếc như giữ tròng con mắt. Tôn Sư kiệm đức, kiệm phước trong từng hành động; 70 tuổi vẫn tự giặt áo, giăng mùng, không phiền nhọc một người hầu hạ. Mãi đến 80 tuổi, Phật sự đa đoan, tuổi già mỏi nhọc, Tôn Sư mới cho hàng đệ tử chúng tôi trợ giúp. Đến nay già lão, thân suy yếu lại bệnh nhưng chưa bao giờ Tôn Sư hiện tướng mỏi nhọc buồn phiền, gặp ai cũng nở nụ cười từ ái. Ai đến gần Tôn Sư đều cảm nhận được sự mát mẻ từ bi, tất cả bao phiền não đều tiêu tan.

Bởi vì thấu đạt được chân lý “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nên con sâu con kiến, hàm linh bão thức, các loài chúng sanh, đã có duyên với Tôn Sư đều được thừa hưởng ân đức Tôn Sư ban bố, được thấm nhuần pháp vị. Lòng từ bi của Tôn Sư không chỉ nhân loại được hưởng mà thấm nhuần đến từng cỏ cây, loài vật. Với chúng sanh, đói Tôn Sư cho ăn, khát Tôn Sư cho uống, rét Tôn Sư cho áo mặc, niệm Phật để nó kết duyên với Phật pháp từ đời này đến đời sau. Tôn Sư răn dạy chúng tôi “Đó chính là những huynh đệ chúng ta từ kiếp trước, chỉ vì một chút lỗi lầm phải đọa làm thân chó, nên các con phải tận tình thương xót”.

Xếp đặt cho các con trong hiện tại đã đủ mọi bề khó khăn, lại còn lo mai này Thầy về cõi Phật, các con nương tựa vào đâu? Tôn Sư làm chùa, xây dựng cho hậu lai nơi ăn chốn ở. Nhưng thế sự vô thường, không bền chắc, chỉ có Phật pháp mới là nơi nương tựa vững vàng nhất. Tôn Sư vì đàn hậu lai mở ra một đường lối tu hành rõ ràng. Năm 1988, Tôn Sư viết một bài di chúc để lại cho đàn hậu lai chúng tôi. Đó vừa là lời dặn dò, vừa là con đường tu hành của bản thân Tôn Sư và cũng là kim chỉ nam chỉ lối đưa đường cho đàn hậu lai chúng tôi trên bước đường tu học, gọi là BỐN MÙA HOA GIÁC.

Qua bao thăng trầm thế sự, Tôn Sư vẫn như núi kia bất động trước cảnh đời dâu bể, vẫn cúi xuống tận lực đùm bọc che chở, nuôi dưỡng thánh chủng cho hàng đệ tử chúng tôi. Sức an định của Tôn Sư như núi cao bất động trước phong ba của tám gió. Trí tuệ của Tôn Sư như trăng sáng chiếu soi, phá tan bao hắc ám của đời sanh tử. Dù nói bao nhiêu cũng không đủ lời để tán dương hạnh đức Tôn Sư.

Năm 2009, ngày 6 tháng 7 âm lịch, Tôn Sư để lại bút tích:

Ký ca ký cóp
Đóng góp nên công
Nhẹ như lông Hồng
Bay về Cực Lạc
Hào quang sáng quắc
Vẫy gọi muôn phương
Cái bướm con mèo
Trời người muôn loại
Mau mau tỉnh giấc
Thoát xác vô minh
Giải nghiệp hữu tình
Lên đường giải thoát.

Bốn năm sau ngày Tôn Sư để lại bút tích; mùng 4 tháng 4 năm Quý Tỵ (13/5/2013) là ngày vía Đức Văn Thù Bồ-tát, cũng là ngày kỷ niệm 64 năm xuất gia của Tôn Sư, một vầng hào quang rực rỡ xuất hiện trên đỉnh tháp khoảng từ 8 đến 12 giờ trưa.

Trước ngày thị tịch, Tôn Sư cho biết đã nhìn thấy Đức A Di Đà, Đức Văn Thù Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát cùng các Thánh chúng đến đón.

11 giờ 56 phút ngày 31 tháng 7 năm 2013 (nhằm ngày 24 tháng 6 năm Quý Tỵ) Tôn Sư thu thần thị tịch, hoa sen trắng thẳng vãng trời Tây. Thượng thọ 94 thế tuế, 60 hạ lạp.

Thí chủ xây Kim Quang bảo tháp cúng dường tại Ni viện Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, nơi an nghỉ cuối cùng của nhục thân trần thế.

Thần thức lên miền An Dưỡng
Nghiệp chướng bỏ lại trần lao
Hoa khai chín phẩm sen vàng
Phật rủ Nhất Thừa thọ ký.

Trong suốt những ngày tang lễ đều có vầng hào quang xuất hiện trên đỉnh tháp dưới sự chứng kiến của những người tham dự. Liên tiếp các ngày tuần thất cho đến tuần chung thất cũng đều có hào quang xuất hiện và mây ngũ sắc trên bầu trời.

Tôn Sư đã thị hiện vô thường, để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi cho hàng trăm, hàng ngàn đệ tử xuất gia và tại gia trên khắp thế giới. Chúng con mạo muội viết lên ít dòng để nêu lên một phần nào công hạnh của Tôn Sư, mong rằng những người hữu duyên được mông ân pháp vũ.

Nam Mô Kim Quang Tháp Tào Động Phái Pháp Húy Hải Triều Âm Tự Đại Thành Hiệu Bác Tế Từ Hòa Đại Lão Sư Trưởng Giác Linh.

Ngày 7 tháng 7 năm 2014
Chùa Dược Sư chúng con
trân trọng kính ghi
đền ơn pháp nhũ.

oOo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.