Tình cờ đi qua đường Phạm Văn Hai, Sài Gòn, người viết bài này thấy một cửa hàng bán “oản” bột. Một loại bánh làm từ bột nếp trộn nước cốt đường mà từ cái tuổi thích chơi ô ăn quan, con trai thích đánh gụ (con vụ, con quay) hay được bà tôi mang oản lộc ở chùa về chia cho chị em tôi mỗi đứa vài cái. Oản hồi ấy có cái bé tẹo bằng hạt mít.
Rồi chiến tranh, rồi đời sống văn hóa xã hội ngày một hiện đại, cái oản bột “khi xưa ta bé” đã lùi lũi đi vào dĩ vãng. Giữa thời Sài Gòn hiện đại hóa công nghiệp, lúc này thấy những phẩm oản bọc giấy bóng màu xanh đỏ, hình ảnh xa xôi của trên nửa kỷ nguyên trước tái hiện khiến tôi phải quành xe lại ngó cái oản xưa và mua một chục phẩm oản về cúng Tam Bảo. Cũng vì thế mà tôi nghĩ đến con đường của phẩm oản.
Nghề làm oản khó làm giàu nhưng thanh tịnh và mang nhiều giá trị ý nghĩa nhân văn. Với lứa tuổi 50 trở về trước, không ai là không biết đến oản bột, một sản phẩm cúng thực lên chư Phật đã có mặt trong đời sống xã hội Việt Nam từ rất lâu đời của văn minh sông Hồng và đã phát triển sâu rộng đến chùa chiền, đền, đình, miếu, tự… từng làng, xã, từng gia đình, từng người, phổ biến nhất là cố đô Thăng Long xưa.
Phẩm oản có dáng hình trụ như một cái tháp có chóp bằng, đơn sơ, nhỏ nhắn, hình tròn nhưng không góc cạnh như không có giới hạn, không có điểm bắt đầu và không có kết thúc như đức Phật đã nói. Có người lại cho rằng phẩm oản mang hình cái chuông, với màu trắng tinh khiết, ẩn chứa sâu xa những triết lý về tín ngưỡng. Mặc dù người xưa không được giảng giải về ý nghĩa hình dáng của phẩm oản nhưng bất cứ ai lễ chùa, lễ đền, đình, miếu thánh, thần làng hoặc cúng ông bà tổ tiên, trong mâm lễ cúng dường không thể thiếu phẩm oản.
Từ hàng ngàn năm xưa, dân Việt đã tiếp nhận Phật Giáo của người Ấn, Phật Giáo đã nhanh chóng đi vào vào đời sống của nhân dân. Thời ấy, cách thờ cúng, kiến trúc xây chùa, hoa văn điêu khắc ảnh hưởng không ít của văn hóa Phật Giáo Ấn Độ. Những tháp chùa như: Tháp Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Giám (Hải Dương), tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ (Huế), bảo tháp Lục Độ đài sen ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội), các kiểu tháp thờ Tổ… đều thiết kế và xây dựng theo hình dáng các loại tháp ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) Ấn Độ, đây chính là nơi đức Phật thành đạo và được coi là cái rốn của vũ trụ Phật Giáo nói chung.
Do vậy, phẩm oản được tạo ước lệ từ hình dáng chính yếu của các tháp Phật Giáo, chuyển tải nhiều tầng ý nghĩa của con người với chư Phật. Theo Phật Giáo Tây Tạng thì tháp có sự liên kết với sinh – tử và tái sinh của Phật Giáo, là nơi tôn kính thờ phụng linh thiêng.
Xã hội Việt Nam có nền văn hoá mang đậm bản sắc rất riêng được hình thành sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cùng các làng nghề của kinh đô Hoa Lư, Thăng Long, Thành Nam, Huế, Gia Định xưa v.v… ra đời, sản xuất các sản phẩm từ nông sản, thực phẩm; oản bột, oản xôi cũng được ra đời từ đây và đồng hành với từng thời kỳ lịch sử nước Việt.
Thuở vua Trung Tông (thế kỷ 15), khi vua mất, một vị quan tên là Trịnh Kiểm muốn chọn người tài lên làm vua nên đã nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) “cố vấn”, Trạng Trình chẳng nói gì nhiều chỉ vỏn vẹn một câu: “Giữ chùa thờ Phật thì… ăn oản”. Hiểu ý câu nói đó là giữ đạo làm ôi, Trịnh Kiểm liền tìm Lê Duy Bang là đời thứ 6 của nhà Lê lên lập vua – tức là vua Lê Anh Tông. Nhờ lời tiên tri “Giữ chùa thờ Phật thì… ăn oản” của Trạng Trình mà quân đội của Trịnh Kiểm đã nhiều lần đánh tan quân Mạc.
Một chuyện khác, ngày xưa cụ Phan Kế Bính còn là nho sinh, có lần đi đò qua sông Tam Kỳ. Mấy vị Hòa Thượng vừa đi ăn chay về có một đãy (túi) oản cũng đi chung đò, biết Phan Kế Bính đói nên cho vài phẩm oản, vì ít quá ăn không đủ no nên Phan Kế Bính không nhận. Mấy nhà sư đố cụ làm một bài thơ chủ đề về nhà sư và học trò đi cùng thuyền, nếu hay thì tặng hết túi oản. Phan Kế Bính liền xuất khẩu thành thơ, trong đó có hai câu cuối: “… Một chốc lên bờ đà tiễn biệt. Người thì lên Phật, tớ sang ngang”. Mấy vị Hòa Thượng giữ lời tặng hết oản, Phan Kế Bính ăn vèo một lúc hết. Các Hòa Thượng lại cho thêm vài quan tiền và thân mật nói rằng: “Nếu sau này làm quan dẹp giặc ở đâu thì đừng làm hư hỏng chùa. Sau này, Phan Kế Bính dẫn quân đi đánh quân nhà Mạc đều dặn kỹ quân sĩ đi đến đâu cũng phải giữ gìn chùa chiền và bảo vệ nhà sư.
Ca dao có câu: “Ba mươi, mùng một và rằm. Ai muốn ăn oản thì năng lễ chùa”. Hoặc dân gian còn truyền miệng câu tục ngữ “Khư khư như ông từ giữ oản”. Vì ông Từ coi đền chỉ ăn oản thôi, ban đêm chuột hay rình rập ăn oản nên ông phải đuổi chuột đi mà giữ oản chứ.
Ngày xưa, trong các làng, xã, mỗi lễ hội còn phân công một chức sắc phải có trách niệm đăng cai đóng oản dâng lễ cúng và phát cho cả làng, thậm chí có người đúng đến lượt mình thì đang mắc nợ phải bán cả nhà để đóng oản cúng Thần Hoàng làng.
Oản bột đã được xem là một sản phẩm dân gian song hành với văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam rất lâu đời. Những họa tiết được người xưa tạo ra quanh phẩm oản, cái thì có khía thẳng bao quanh oản như cột trụ, cái được khắc hình rồng ôm ngang oản, ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa về lòng tôn kính các đấng linh thiêng, thể hiện rất rõ nét tinh hoa của xứ kinh kỳ xưa và nhằm nâng cao nhận thức mọi thành viên trong xã hội hiểu biết và tôn vinh những sản phẩm được tạo ra từ sức lao động của những người làm nông, mang tính kết nối cộng đồng bền chặt trong đời sống văn hóa xã hội một cách có truyền thống của người Việt xưa và nay.
Tại làng Yên Lãng nay là phường Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hàng năm cứ đến tháng 3 và tháng 4 là mùa hội của làng, mỗi chủ lễ phải chuẩn bị 180 phẩm oản cùng hoa quả cúng chùa. Hoặc tại đình Mai Dịch, trong lễ hội hàng năm của đình, chính quyền phường Mai Dịch còn tổ chức cho người dân trong địa bàn tham gia thi đóng oản. Phẩm oản vì thế cũng không thể thiếu trong kho tàng của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Rõ ràng, phẩm oản đã từng có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt và đang được nhân dân và chính quyền một số địa phương trân quý bảo tồn và gìn giữ. Do đất nước liên tục có ngoại bang xâm lược gây chiến, văn hóa oản trong lễ hội đã dần bị mai một. Chỉ còn lại những người lớn tuổi vẫn bảo tồn nét văn hóa này.
Sau ngày hòa bình năm 1954, người ta thấy dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Buồm, Hàng Giầy sặc sỡ sắc màu giấy bóng kính gói oản bột. Nay chỉ còn lại vài cửa hàng luyến tiếc nghề truyền thống ông bà nên vẫn “giữ lửa” đến ngày nay.
Vì vậy, tại Sài Gòn – Gia Định mua oản bột càng khó, vì phẩm oản ra đời từ đất cố đô Thăng Long, chỉ những người làm oản rời đất Bắc vào Nam sinh sống vẫn giữ nghề thì người Sài Gòn mới biết đến phẩm oản.
Bà Trần Thị Kim Oanh đã ngoài 50 tuổi, chủ tiệm bán bánh và oản bột tại số 203 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cho biết: “Tôi theo gia đình vào thành phố này từ bé, bố mẹ tôi là người Nam Định chuyên làm bánh cốm, bánh su-sê. Khi lớn lên theo chồng, bố mẹ chồng cũng làm bánh và làm cả oản bột. Khi bố mẹ chồng mất, tôi giữ nghề của ông bà nên vẫn làm oản bán. Gia đình làm oản bán tại thành phố này cho đến nay cũng trên 60 năm rồi”. Chỉ đơn giản là yêu nghề làm bánh của người đi trước nên “nàng dâu” này đã trở thành người giữ nghề truyền thống làm oản của gia đình nói riêng, tiếp tục cùng những người làm oản ở các địa phương trong nước lưu giữ nét tinh hoa của tổ tiên. Vì phẩm oản cũng là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc do người Việt Nam tạo ra.
Tuy vậy, oản bột tại Sài Gòn vẫn thưa thớt khách, chỉ vào các dịp lễ, tết mới đông người mua. Có một số Việt Kiều khát khao tình cảm quê hương đã mua rất nhiều oản bột về Mỹ để cúng gia tiên và làm quà. Bởi vì có nhiều người về Sài Gòn và ngay cả rất nhiều người ở thành phố này muốn mua oản nhưng không biết địa chỉ. Hơn nữa, oản bột lại để được rất lâu, có thể để được vài tháng.
Oản cúng từ tay người làm ra hay theo tay Việt Kiều sang nước ngoài thì đều chung một đạo lý tốt đẹp giữ gìn và truyền bá bản sắc văn hóa ẩm thực của người Việt.
Phẩm oản ra đời và phát triển cùng thời với chùa chiền, đình, đền ở Việt Nam, là nét văn hóa tín ngưỡng quan trọng có truyền thống tốt đẹp trong đời sống nhân dân. Có thể coi oản bột cũng là một di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Ngày nay, trải qua bao thăng trầm, phẩm oản không chỉ đơn thuần là… oản, mà phẩm oản đã có hẳn con đường đi xuyên qua chiều dài lịch sử của đất nước. Vì thế, những người Hà Nội thấy oản ở Sài Gòn là không khỏi nhớ lại con đường của phẩm oản trong đời sống…
NGUYỄN THỊ NGỌC TRÂM
Phật Tử Việt Nam