Hằng năm, nhiều địa phương trên khắp nước ta, cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Mồng Năm. Vậy Tết Đoan Ngọ là Tết gì?
Theo sách “Phong Thổ Ký” thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Sở dĩ Tết này gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng 5 là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Theo quan niệm Đông phương thì phương Nam là chính Ngọ, mà Ngọ là ngôi Dương cho nên Tết này gọi là Tết Đoan Dương. Ở Trung Hoa, họ gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ (hay Tết Đoan Ngũ – QM) vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5.
Ngày xưa, lúc ban đầu, ngày Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vì oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau này, để thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm Khuất Nguyên và các thầy thuốc, và cũng nhân ngày đó kỷ niệm hai chàng Lưu – Nguyễn vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp Tiên.
Khuất Nguyên làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương bên Trung Hoa, có tài và liêm chính. Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến đời vua Tương Vương, ông còn bị đi đày vì nhà vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông buồn nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 5. Được tin đó, nhà vua vô cùng hối hận và thương tiếc, người dân làm cỗ đem ra bờ sông cúng rồi ném xuống nước cho ông hưởng.
Còn Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế Thần ở đình, đền; ở thôn, xóm thì cúng ở miếu; tại gia đình thì sắm sửa lễ phẩm cúng Tổ tiên và Thổ công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh Sư.
Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục giết sâu bọ; tục nhuộm móng chân, móng tay; tục tắm nước lá mùi; tục xỏ lổ tai cho trẻ em; tục “khảo cây lấy quả“(1); tục hái thuốc vào giờ ngọ; tục treo ngải cứu để trừ tà… Phần lớn các tục lệ trên nay đã phôi phai, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc. Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ Ngọ họ đi tắm sông, tắm biển gọi là “tắm mồng năm”.
Ở một số nơi còn giữ tục lệ tết nhà vợ (hay thông gia bên vợ của con trai); tết thầy học, tết thầy lang trong dịp này để thắt chặt tình đoàn kết, bày tỏ sự hiếu đạo, trả ơn sự dạy dỗ của thầy giáo, đền ơn cứu chửa bệnh của thầy lang…
Cũng như nhiều các lễ tiết khác, Tết Đoan Ngọ nguyên sơ từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam nhưng đến nước ta được biến đổi mang một hình thức và ý nghĩa văn hoá khác. Những tập tục trong lễ tết được xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức truyền thống. Những mỹ tục tết nhà vợ; thông gia; thầy giáo; thầy thuốc; biếu tặng những người đã thi ân cho mình đã chứng tỏ rằng, lễ giáo của nước ta rất được tôn trọng và những ân sâu nghĩa trọng thì không bao giờ quên.
Tết Đoan Ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong dân chúng với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó. Ăn tết Đoan Ngọ, chúng ta cần tìm hiểu giá trị và tinh thần của ngày Tết này…
Tác giả: Nguyễn Nhân Thống – Quang Mai nhuận sắc, bổ sung.
“Bách khoa toàn thư” TẾT MỒNG NĂM với các quốc gia Đông Á
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày tết truyền thống tại Trung Hoa cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên, Việt Nam.
Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Đoan Ngọ, lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trái đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong năm. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là “Tết Mồng Năm” (miền Trung và miền Nam) “Tết Giết Sâu Bọ” (miền Bắc), người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết.
Truyền thuyết về lịch sử ngày mùng 5 tháng 5 được lưu truyền khác nhau ở Việt Nam, Trung Hoa và Triều Tiên.
Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên:
Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở Từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với họa mất nước.
Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy gạo bỏ vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên, quan Tả Đồ của nước Sở (Trung Hoa cổ đại) cách đây hơn 2.000 năm. Khuất Nguyên vì can ngăn Sở Hoài Vương không thành, bị cách chức thành thứ dân, về quê sinh sống. Chị gái ông tên là Tu đi lấy chồng xa, nghe tin liền về thăm em.
Thấy Khuất Nguyên tóc xỏa rối bù, mặt mày nhem nhuốc, hình dung hốc hác, vừa đi vừa ngâm thơ ở bờ sông, chị bèn bảo: “Vua Sở dẫu không nghe lời em nhưng em đã hết lòng rồi, còn lo nghĩ làm gì? May mà nhà còn có ruộng. Sao không dùng sức cày cấy để tự nuôi mình, hưởng hết tuổi trời?”.
Khuất Nguyên than: “Việc vua Sở đã đến thế này, ta không nỡ thấy tôn miếu bị diệt vong. Cả đời đục chỉ có mình ta trong”.
Rồi một ngày, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá tự trẫm mình ở sông Mịch La. Đó là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Người làng nghe tin, đua nhau chở thuyền nhỏ ra cứu nhưng không kịp, sau đó bèn làm bánh nếp có góc quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài ném xuống sông để tế. Tục đua thuyền rồng ở vùng Ngô – Sở cũng bắt nguồn từ đó. Tục cúng “bánh tro” ngày mùng 5 tháng 5cũng bắt nguồn từ đó. Tương truyền, mảnh ruộng Khuất Nguyên cày cấy về sau gạo trắng như ngọc, gọi là “ruộng gạo ngọc”. Tên làng ông ở gọi là làng “Tỷ Quy”, tức là chị về. (Quang Mai bổ sung – đoạn in nghiêng).
Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày tết Đoan Ngọ, nhiều ý kiến cho rằng tập tục tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ; có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.
Như vậy, theo hai truyền thuyết trên thì mùng 5 tháng 5 có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, Việt Nam đã có biến thể riêng của mình thành ngày “Tết Mồng Năm”; “Tết Giết Sâu Bọ” là một bằng chứng của hiện tượng “dân gian hóa” ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa.
Triều Tiên với ngày 5 tháng 5:
Triều Tiên cũng coi ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ theo truyền thống văn hoá của họ. Chưa rõ tục lệ và nguồn gốc liên quan đến ngày mùng 5 tháng 5 của người Triều Tiên như thế nào, nhưng trong bài báo “Đừng đối đãi với di sản văn hóa như bánh mì” đăng trên báo Tuổi Trẻ, trang 16, ngày 22 tháng 6 năm 2004, đã thông tin:
“… Hàn Quốc đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận tết Đoan Ngọ vào ngày 5 tháng 5 là di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc…”
Bài báo cũng cho biết có nhiều tờ báo Trung Quốc xem đó là việc làm xâm phạm văn hóa, nhiều học sinh thành phố Nhạc Dương (Hồ Nam) ký tên bảo vệ tết Đoan Ngọ. Nhiều người Trung Quốc kiến nghị chính quyền đăng ký bản quyền di sản văn hóa. Bài báo có đoạn viết:
“… Dẫu mọi việc chẳng có gì để ầm ỷ; nhưng nhân vụ việc này người Trung Quốc mới thấy giá trị của văn hóa dân gian…”
Việt Nam – Tết Đoan Ngọ; Tết Mồng Năm; Tết Giết Sâu Bọ:
Những truyền thuyết về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ:
Trong văn hóa Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ (Nguồn chưa kiểm chứng xác thực – Quang Mai chú thích – đoạn in nghiêng). Trong dân gian có lưu truyền câu ca dao:
“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.
Ở vùng đồng bằng Nam phần Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 cũng là ngày “Vía Bà”, tức Linh Sơn Thánh Mẫu thờ trên núi Bà Đen – Tây Ninh.
Ở Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày “nước quay”, vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của mùa lũ lụt hàng năm.
Theo Tộc Lê Sĩ: Trong lịch sử Việt Nam, Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ thời vua Lê Đại Hành, một anh hùng dân tộc và cũng là vị vua có sáng kiến “Quân hòa dân trị, quốc gia ư thái hòa”. Vua Đại Hành ra ruộng cày cấy cùng dân đúng mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm và vua từng ban hành chiếu chỉ rằng ngày này là ngày Tết Dân Gian (khác với Tết Ông Bà, 1/1 âm lịch – Tết Nguyên Đán). Đoan: cùng nhau, nghĩa bóng là toàn dân, và Ngọ: giữa ngày, giữa năm… Ngày này đúng là ngày Tết Việt Nam còn Nguyên Đán là Tết của người Trung Hoa. Mùng 5 tháng 5 âm lịch cũng là ngày phô trương tình dân tộc bà con láng giềng không phân biệt tuổi tác, phẩm trật, vua tôi… Ở Làng Phú Lương (Chợ Cầu), Huyện Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên – Huế thời vua Quang Trung, Hội ngày mùng 5 tháng 5 tổ chức cho tài năng thanh niên nam nữ đấu võ, nấu cơm tre, nhảy sào, đua ghe… và có Công Nương làng Đôi ném chiếc bông tai, nhẫn hay 1 trang sức nào đó xuống sông cho các chàng trai mò tìm, ai tìm được sẽ được lấy công nương đó làm vợ hay được thưởng. Tết này rất trân trọng dưới thời Tây Sơn vì tinh thần “Thiên hạ đại tín” và “Huynh đệ chi binh” bắt đầu từ đó. Tết Đoan Dương là của Tàu, khác nghĩa nhưng trùng ngày vậy thôi!…
Những tục lệ chính vào dịp Tết Đoan Ngọ:
Trước ngày tết, người ta mua rất nhiều trái cây để cúng và ăn. Hầu hết mọi gia đình cũng mua hoặc làm rươu nếp, bánh tro.
Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp tức thì sau khi họ ngủ dậy.
Ngoài các tập tục như đã trình bày trên trong đoạn bài viết của Nguyễn Nhân Thống như: tục nhuộm móng chân, móng tay; tục tắm nước lá mùi; tục xỏ lổ tai cho trẻ em; tục khảo cây lấy quả, một số địa phương còn có tục nhìn mặt trời giữa ngọ, tức là đúng giữa trưa ra sân nhìn lên mặt trời vì người ta tin rằng ánh sáng mặt trời vào thời điểm ấy có tác dụng làm sáng mắt(?).
Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng. Vì ngày này, theo quan niệm dân gian, khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc Đông Y (thầy thuốc Bắc; thầy thuốc Nam) thường lên núi hái thuốc.
Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ.
Nhưng tại sao người ta lại chọn ngày mùng 5 tháng 5 mà không chọn ngày Ngọ đầu tiên của tháng 5 âm lịch làm tết giết sâu bọ?
– Thứ nhất là để mọi người dễ nhớ.
– Thứ hai là để tưởng nhớ Khuất Nguyên.
– Thứ ba, theo lịch cổ thì ngày này xuân vận đã hết, hạ vận chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa dể gây bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa.
– Thứ tư, mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu (cơm rượu), chè kê, bánh đa (bánh tráng), uống rượu xương bồ… để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can (gan khí), hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm và hệ thống mạch máu.
Nhiều người cho rằng vào tết Đoan Ngọ, cây cối sẽ tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt. Do đó nhiều lương y tổ chức hái thuốc vào trưa mùng 5 tháng 5 để mong có hiệu quả cao nhất. (Trích báo Khoa Học & Đời Sống).
Tục hái thuốc mùng 5 bắt đầu từ giờ Ngọ, bởi theo quan niệm dân gian đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư.
Nhiều địa phương (nhất là miền Trung VN) còn có quan niệm rằng, đúng vào giờ Ngọ ngày này, hái bất kỳ thứ hoa, lá nào cũng đều là dược thảo, có thể uống để tiêu trừ bệnh tật.
Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi… Cây và lá đủ loại hái về, băm nhỏ trải dài dọc lối đi, sân nhà, hẻm xóm… mùi nồng thơm thoang thoảng cả một vùng.
“Lá mồng năm” sau khi phơi vài nắng cho khô, sẽ cho vào giỏ hay bao, cất lên giàn bếp, lúc hữu sự mới lấy ra dùng. Đó có thể xem là một tủ thuốc gia đình, một vị lương y đắc dụng trong những cơn đau bụng, ngộ độc thức ăn, đi tả… nửa khuya gà gáy cấp kỳ. Chỉ cần một nắm nhỏ, cho vào om đất (một loại nồi bằng đất sét nung), sắc đặc queo, mùi thuốc bay sực nức, uống vào, bệnh sẽ thuyên giảm ngay.
Nhiều nhà “ghiền” loại lá này đến mức độ gần đến ngày tết Đoan Ngọ đã háo hức chờ đến ngày này rồi khi vừa bước vào giờ Ngọ là để nguyên mâm cơm cúng còn nghi ngút khói hương, tập trung cả nhà ra vườn và quanh xóm hái thật nhiều lá cây và hoa đem về chờ phơi khô treo lên giàn bếp để dành uống (và đãi khách) thay nước chè hay trà nhiều tháng trong năm, gọi là uống “nước lá mồng năm”.
Trước đây, ở các chợ miệt quê miền Trung cũng bày bán khá nhiều loại “lá mồng năm” này một thời gian dài sau tết Đoan Ngọ..
Tuy vậy, một điều chắc chắn là mọi người đều hái toàn những loại hoa, lá thông dụng có tác dụng y dược quen thuộc trong dân gian, chưa thấy ai dám thử hái những loại hoa lá đã biết chắc là có chứa độc tố nên xưa nay hầu như chưa có trường hợp đặc biệt nào chết người do uống loại nước lá mồng năm này. (Quang Mai bổ sung – đoạn in nghiêng).
Trong ngày này, nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Những địa phương ở ven biển đúng giờ Ngọ thì đi tắm biển, gần sông thì đi tắm sông, gọi là “tắm mồng năm”.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm thường dùng 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm cành xương rồng, ngãi cứu treo trước cửa hay trong nhà để đuổi tà ma.
Những món ẩm thực đặc biệt trong tết Đoan Ngọ:
Ngoài rất nhiều loại trái cây, bánh tro đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở Việt Nam, nhất là vùng Quảng Nam, Đà Nẵng. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú tro; bánh gio; bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương.
Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Đặc biệt, bánh tro được gói với rất nhiều dây cột bên ngoài lá bánh và cột thành từng chùm, có lẽ bắt nguồn từ tục cột chỉ ngũ sắc như đã nói ở trên.
Bánh tro đặc biệt được xem trọng trong lễ cúng ngày Tết Mồng Năm tại miền Trung và miền Bắc trong khi chè trôi nước (chè xôi nước, gọi theo miền Trung VN) là một trong những món khó có thể thiếu trong ngày này đối với người miền Nam VN trước đây.
Rượu nếp cũng là món ăn được nhiều người ưa thích trong tết Đoan Ngọ. Uống rượu nếp hoặc ăn cơm rượu (tức cái rượu) nếp với mục đích “giết sâu bọ” trong người.
“Cơm rượu” (miền Nam, miền Trung) hay “cái rượu” (miền Bắc) một loại rượu nếp làm thủ công truyền thống bằng cách ủ cơm nếp với men rượu và không nấu (chưng cất), khi thành rượu thì ăn phần cơm nếp ấy mà không lọc lấy rượu ra, hoặc có nhà lấy bớt rượu nguyên chất ra để… đỡ say. Loại rượu này nếu là rượu để uống thì người miền Trung làm bằng nếp trắng, khi ủ xong đựng trong hủ, bình bằng đất hay sành chôn xuống đất sau 100 ngày mới đào lên, gọi là “rượu bách nhật”, người miền Nam thì làm bằng nếp tím (nếp than) và không chôn, gọi là “rượu nếp than”, và người miền Bắc cũng làm bằng loại nếp tím nhưng gọi là “rượu nếp cẩm”. Một điểm thú vị khác nhau giữa 3 miền nữa là cơm rượu miền Nam thì viên thành viên tròn (trước khi ủ); khi ăn có thể thêm nước đường; cơm rượu miền Trung trái lại, thường có hình dáng vuông vức; còn cơm rượu miền Bắc thì lại để rời và có khi ăn chung với món xôi vò.
Ngoài các thức ăn truyền thống và cây trái trên, cũng như món ăn truyền thống trong ngày “lễ Tạ Ơn” (Thanksgiving) ở Mỹ là ngày giống gà tây bị “thảm sát”, tại Việt Nam chúng ta, “ăn Tết Mồng Năm” cũng có thể xem là ngày thàm sát của loài vịt, vì theo “truyền thống” của cả 3 miền (nhất là miền Trung và miền Nam), thịt vịt cũng là một trong các món “không thể thiếu” trong ngày này (tất nhiên là trừ những người ăn chay), vì người ta cho rằng [theo dược lý Đông y] thịt vịt có tính chất: mát, có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng năng lực; bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều (gọi là bổ hư); chữa cho người nóng sốt cao đến mức lên cơn động kinh co giật (gọi là sài kinh); giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vịt có sắc vàng trắng thì có tác dụng “bổ trung ích khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí.
Người ta nói “thịt vịt hiền và bổ”, ngày Đoan Ngọ khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nên ăn thịt vịt có tính mát để quân bình nhiệt – hàn giữa thời khí và thân thể. Nhưng thật ra (cũng theo dược lý Đông y) thì thịt vịt có tính “âm” và “hàn”, và vì thuộc “âm hàn” nên ăn thịt vịt mà những người tì vị yếu (tức tiêu hóa kém}, rất dễ bị lạnh bụng, khó tiêu (nê tì) thậm chí đau bụng tiêu chảy. Do đó, khi ăn thịt vịt người ta luôn cần một thứ gia vị là gừng, vì tính chất của gừng là vị cay, khí ấm, có tác dụng lợi khí, thông thần, hạ đờm, tiêu thực. Gừng thuộc “dương nhiệt” kết hợp với thịt vịt thuộc “âm hàn” thành ra âm-dương, hàn-nhiệt điều hòa làm món ăn dễ tiêu và không gây hại.
Tại Sài Gòn và các thành phố, thị xã miền Nam, vịt quay vào ngày này thường tăng số lượng bán ra (và dĩ nhiên cũng tăng giá bán) rất nhiều so với ngày thường, dù phần đông người mua đã rất e ngại vịt “chết”, vịt nhập lậu qua đường bộ từ Trung Quốc bị xử lý theo hóa chất và bị ướp, tẩm, nhuộm các chất phụ gia, chất bảo quản độc hại khi chế biến./.
QUANG MAI
Sưu tập – bổ sung – hiệu đính.
(1) Khảo cây lấy quả: Một tục lệ độc đáo của người Việt (nay đã bỏ nhiều). Vào đúng 12 giờ trưa ngày “Tết Mùng Năm” người ta dùng, dao hay rựa, chày, cây, gậy… đánh vào những cây cho ít trái hoặc hay rụng trái non với ý niệm là đến mùa tới cây sẽ “đậu” nhiều trái hơn. (QM).