TVGĐPT – Để hiểu thêm về ý nghĩa Pháp hội Trai đàn Chẩn tế Thuỷ Lục, chúng ta cùng đọc lại bài pháp ngắn của Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân thuyết giảng trong dịp kiến lập Pháp Hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, chúng dân tử nạn tại Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 18-8-1946…
Hôm nay, các giới chức đồng phát tâm kiến lập Pháp Hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Vì vậy, tôi sẽ giảng thuyết sơ về duyên khởi của sự kiến lập đàn tràng Thủy Lục.
Sao gọi là Thủy Lục? Thủy tức là nước tại sông biển ao hồ. Lục tức là đất đai tại núi non, cao nguyên, đồng bằng. Thủy Lục (đất, nước) bao hàm cả hư không. Nếu là vật có hình tướng thì không vượt ngoài ba vật này (đất, nước, hư không).
Đấng Như Lai của chúng ta khởi tâm đại từ bi, cứu tế khắp loài hữu tình, nên mới lập ra pháp môn này. Duyên khởi của Pháp Hội Thủy Lục là khi Tôn giả A Nan tu tập thiền định trong rừng, có một con quỷ chúa đến cầu xin cứu độ. Tôn giả A Nan liền trở về núi Linh Thứu, cầu Phật dạy bảo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân đó mà thuyết pháp Thủy Lục.
Con quỷ chúa vốn là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Vì thương xót chúng sanh trên đất liền đang chịu bao thống khổ và muốn giúp cho âm hồn trong cõi địa ngục U Minh được vãng sanh lên cõi Cực Lạc, nên thiết pháp siêu độ.
Pháp Hội này khởi đầu từ đời vua Lương Võ Đế ở nước Tàu. Nhà vua phát tâm bồ-đề rất mực chân thành mà cung thỉnh Hòa Thượng Chí Công định chế nghi thức lập đàn tràng “Thủy Lục” để làm lợi ích cho các oan hồn uổng tử.
Sắp đặt đèn cầy xong, vua Lương Võ Đế lễ một lạy, kế đến thắp đèn “Tận Minh”, rồi lễ thêm một lạy. Khi đó, cung điện chấn động. Vua lễ lần thứ ba thì trời mưa hoa báu. Công đức đàn tràng “Thủy Lục” như thế.
Đời Đường, tại chùa Pháp Hải, Thiền sư Anh Công lại kiến lập đàn tràng Thủy Lục để cầu siêu độ cho vua Tần Trang, Dự Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Chẩn Muội v.v… đã bị trầm luân cả ngàn năm, khiến họ siêu thăng cõi trời. Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, Đại Sư Liên Trì đời Minh, v.v…, cùng chư thánh hiền bao đời bổ sung thêm vào, khiến cho nghi thức lập đàn tràng Thủy Lục ngày một hoàn bị. Muôn pháp do tâm tạo. Mọi người đều thành tâm, tất sẽ có cảm ứng.
Hư Vân tôi thể theo lời khẩn thỉnh của các vị Đại hộ pháp mà làm Pháp chủ cho Đàn tràng này, thật khó từ chối được.
Các chiến sĩ trận vong trong thời kỳ kháng chiến xả thân báo quốc, nhưng hồn họ vất vưỡng không nơi nương tựa. Vì tôn sùng ân đức này, chúng ta kiến lập đàn tràng để cầu siêu độ cho họ; nghĩa dân bất khuất, lưu lạc đường hoang, nhà tan người mất, không hàng phục quân địch, trung thành vì nước; cô hồn vô chủ lang thang khắp nơi…; lại có những vong hồn uổng tử, chết vì bị trúng đạn, xe cán, bệnh dịch, chết đuối, chết oan v.v…, chúng ta phải đều cầu siêu độ hết để an ủi chúng sanh ở cõi u linh, kẻ chết được an, người sống được ích lợi, tức là làm lợi ích khắp cõi dương và cõi âm.
Đây là lý nhân quả tuần hoàn. Xoay lại đạo lý nhân tâm, không ngoài các việc ác chớ làm mà phải hành theo những việc lành. Bao việc khổ sở trên thế gian đều do đã trồng nhân xấu đời trước. Nếu tán tận lương tâm, bỏ quên hiếu để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ, cứ làm càn làm bậy, thì khiến lụy đến người hiền, và thế giới mãi mãi vẫn còn loạn lạc.
Đất nước vừa được trùng quang độc lập, phải cực lực hưng thiện, dẹp trừ việc xấu, cải ác theo lành thì mới không bị nước ngoài xâm lăng. Nếu không lo chuyện đại cuộc mà vẫn cứ khởi nội loạn thì nhân dân không biết sẽ chết nơi nào. Lúc này, nếu người có lương tâm phải sớm giác ngộ, biết đoàn kết, giải trừ kiếp vận cho đất nước.
Nước Tàu từ lúc Hoàng Đế khởi binh đánh vua nước Cửu Lệ cho đến ngày nay, chiến tranh mãi không dừng. Nếu muốn hòa bình mãi mãi thì mọi người phải nên phát tâm bồ-đề, và tâm đại từ, đại bi. Bồ-đề là chữ Phạn, nghĩa tức là giác. Giác tức là đất tâm sáng chiếu. Sự khác biệt giữa Chư Phật và chúng sanh là việc giác ngộ hay chưa giác ngộ. Những vị đã giác ngộ tất cả các pháp trên thế gian đều do duyên sanh như mộng, như huyễn. Và thể tánh vốn không, chẳng bị nhiễm ô, được gọi là Thánh Hiền. Bất giác tức là vô minh. Một khi vô minh khởi lên thì mê mờ sự lý. Từ tự tâm của chúng ta sanh ra mười pháp giới. Mười pháp giới đều do tâm tạo. Mười pháp giới gồm có bốn pháp giới Thánh Hiền và sáu pháp giới phàm phu. Bốn pháp giới Thánh Hiền là pháp giới của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật. Gọi là cảnh giới Thánh Hiền vì nơi đó các Ngài đã vượt ngoài ba cõi, không còn thọ luân hồi. Nếu phân biệt thì giữa bốn pháp giới Thánh Hiền có phân chia cao thấp. Pháp giới tối thượng tức là pháp giới của Chư Phật. Kế tiếp là pháp giới của Bồ-tát, rồi đến pháp giới của Duyên Giác, và cuối cùng là pháp giới của Thanh Văn. Sáu pháp giới phàm phu vẫn còn nằm trong biển khổ luân hồi là pháp giới của Trời, Người, A-tu-la, Súc sanh, Địa ngục, Ngạ quỷ. Pháp giới của cõi trời có ba mươi ba tầng trời. Sau khi thọ hết phước báu, chư Thiên vẫn bị luân hồi như thường. Con người từ đế vương, tể tướng cho đến nông dân, công thương, sĩ thứ, đều thọ hết tất cả khổ của sanh già bịnh chết. Loài A-tu-la có phước nhưng không có đức như chư Thiên nên niên thọ ngắn ngủi.
Trong loài súc sanh, cũng có sự khác nhau về việc hưởng lạc và thọ khổ, như loài rồng phượng, sư tử, lân giác thì thường hưởng lạc và ít thọ khổ hơn loài trùng kiến thấp sanh, hóa sanh. Khổ nhọc hay an lạc trong loài quỷ cũng không đồng. Các quỷ vương như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà thọ khổ ít hơn những loài quỷ cô hồn vô chủ. Khổ nhất là loài ngạ quỷ. Chúng sanh trong địa ngục thường thọ vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng.
Mười pháp giới không ngoài một tâm. Giác ngộ hay chưa giác ngộ cũng từ tâm này ra. Đức Phật của chúng ta thật rất đại từ, đại bi. Ngài giảng kinh, thuyết pháp để khiến cho mọi người phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề cũng sai khác. Bậc lớn thì phát tâm tu hành thành Phật. Bậc trung thì phát tâm tu hành thành Bồ-tát. Bậc nhỏ thì phát tâm tu hành thành Thanh Văn, Duyên Giác. Chư Thiên cũng có vị phát tâm Bồ-đề. Do sự phát tâm rộng hẹp, lớn nhỏ, nên việc thành tựu đạo quả mau chậm không đồng. Chúng ta đang sống trong cõi người, phải nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn, cứu độ chúng sanh, thay họ chịu khổ. Lại nữa, nên nguyện rằng sẽ dẹp trừ khổ lụy và khiến chúng sanh được siêu thăng. Nếu người người đều phát tâm như thế thì cõi nhân gian sẽ không còn khổ đau.
Có người hỏi tôi về thần thông biến hóa, thế giới chừng nào hòa bình, vận nước tốt xấu như thế nào? Tuy nhiên, tôi vốn là phàm phu, không biết việc chi; lại chỉ là cây gỗ già nua khô mục, không thể chạm khắc. Bất quá, so với quý vị thì ăn cơm hơn nhiều năm, ngu si hơn nhiều năm, nghe các ngôn ngữ lời nói nhiều hơn, xem nhiều quyển kinh hơn; nhận biết làm người là khổ đau, nên tôi mới nói ra những lời này.
Quý vị chớ nên hỏi việc quốc gia có hòa bình an lạc hay không, mà chỉ nên tự hỏi ngay tâm địa của mình. Ngày đêm sáng tối, chớ nên phân biệt quan dân, nam nữ. Tự khắc phục tâm tánh, chớ để tự tâm mê mờ. Phải thật hành hiếu để, trung tín và cùng mọi người hỗ tương khích lệ. Phải nên trung thành với quốc gia, giáo dục con cái đàng hoàng, hòa thuận vợ chồng, lễ kính thân bằng quyến thuộc, bà con láng giềng, có tín nghĩa khi giao hảo với bạn bè. Nếu người người làm được như thế thì thế gian tự nhiên thái bình. Ngược lại, nếu biết sai mà không sửa đổi thì khổ não tất sẽ chạy theo, không thể tránh được. Dầu nhân tâm có phức tạp như thế nào, vẫn tự giữ bổn phận của mình, không chìm đắm trong muôn ngàn mong cầu.
Hòa Thượng HƯ VÂN