Pháp nạn 1963: Cuộc biểu tình ngụy tạo chống đối Phật Giáo của thành phần lạm xưng “Thương Phế Binh”

0

Ngày 23.7.1973, Ni Sư Thích Nữ Diệu Huệ mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, thủ đô Sài Gòn, cho biết mình sẽ tự thiêu thân để chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của Chính phủ ông Ngô Đình Diệm.

(Ni Sư Diệu Huệ là thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội, lúc bấy giờ đương nhiệm Đại sứ Lưu động Việt Nam Cộng Hòa tại một số quốc gia châu Phi. Trong năm 1963, ông công khai ủng hộ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc khi tuyên bố tại Việt Nam không hề có kỳ thị và đàn áp tôn giáo; sau đó bị Sư Bà Diệu Huệ tuyên bố “từ con”. Tuy nhiên, một thời gian sau cuộc chính biến 1.11.1963, khi một số tài liệu được Hoa Kỳ “giải mật” mới rõ thông tin ông cũng là người đã tận dụng lợi thế ngoại giao, bí mật mang nhiều tài liệu, văn kiện về đàn áp Phật Giáo ra khỏi Việt Nam, chuyển đến Bộ Ngoại Giao và vài cơ quan chính phủ khác của Hoa Kỳ để Chính phủ Mỹ có thêm thông tin cũng như chứng cứ can thiệp).

Cùng ngày này (23.7.1963), một cuộc biểu tình ngụy tạo là của “lực lượng Thương Phế Binh” Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – được ông Cố vấn Chính trị Ngô Đình Nhu “tương kế tựu kế” với sách lược mà ông cho là ‘dĩ độc trị độc’, ‘dùng biểu tình chống biểu tình’ – đã được tổ chức rất “chu đáo”, diễn ra trước cổng chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan, thủ đô Sài Gòn.

oOo

Đến thời điểm giai đoạn 2 này của cuộc vận động tự do tín ngưỡng – công bằng xã hội của Phật Giáo năm 1963, trong guồng máy chính quyền, thậm chí trong các lực lượng an ninh, cảnh sát, mật vụ…, đã có nhiều người đứng về phía tranh đấu. Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo luôn được thông báo trước về những biện pháp đàn áp của nhà cầm quyền do nhiều thành phần, nhiều giới trong quần chúng không phải là Phật Tử và của anh em quân nhân, cảnh sát cung cấp.

Chính nhờ sự giúp đỡ tích cực của các viên chức chính quyền, quân đội này nên cuộc biểu tình ngụy tạo với danh nghĩa “Thương Phế Binh” do phía chính quyền dự trù tổ chức trước chùa Xá Lợi vào ngày 23.7.1963 nhằm chống đối phong trào Phật Giáo đã được Ủy Ban Liên Phái biết trước.

Ủy Ban Liên Phái đã chuẩn bị và in sẵn một bức thư (đề ngày 23.7.1963), được quay ronéo ra nhiều bản, để phân phát cho những người lạm xưng là “Thương Phế Binh” sẽ đến biểu tình trước chùa (và bức thư này cũng đã được công bố rộng rãi ngay sau cuộc biểu tình). Lá thư với lời lẽ rất mực ôn tồn, hòa hoãn, ghi nhận sự đóng góp và hy sinh của anh em Thương Phế Binh cho công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam; giải thích cặn kẽ về cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam; đồng thời kêu gọi anh em Thương Phế Binh cùng tham dự vào cuộc tranh đấu đòi dân quyền, tự do và bình đẳng tôn giáo.

Thượng Tọa Thích Tâm Châu với danh nghĩa Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo cũng đã gởi thư đến Chính phủ trước đó (vào ngày 22.7.1963), để phản đối trước cuộc biểu tình sắp xảy ra. Tiếp theo đó là văn thư số 111 của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đệ trình Tổng thống hồi 08g30′ sáng sớm ngày 23.7.1963, trong đó Thượng Tọa Tâm Châu thông báo về 3 “tin đồn” mà Ủy Ban Liên Phái đã nhận được. Một trong ba tin đồn ấy đề cập đến cuộc biểu tình chống Phật Giáo của “Thương Phế Binh”. Và tin tức ấy đã chính xác với những gì xảy ra ngay sau đó.

Vào hồi 9 giờ sáng (23.7.1963), trước cổng chùa Xá Lợi và một đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan trước chùa, cuộc biểu tình đã diễn ra trước mắt rất đông đảo các ký giả, quan sát viên báo chí ngoại quốc, có lẽ đã được “ban tổ chức” cuộc biểu tình báo tin trước.

Đám đông tụ tập khoảng chừng 30 người ngồi xe lăn, chống nạng; còn hơn 100 người khác, toàn là những “Thương binh” lực lưỡng – mà công chúng xầm xì đó là những Dân vệ – và thêm một số phụ nữ có vẻ không mấy tha thiết với cuộc biểu tình.

Ban đầu, đoàn biểu tình dùng máy khuyếch đại thanh cực mạnh, liên tục hết đợt này đến đợt khác đọc xỉa vào chùa “bức huyết lệ thư”, ngôn ngữ như là van lơn chư Tăng hãy thôi làm việc này hay nên làm việc nọ, nhưng kỳ thật là áp đặt rằng Phật Giáo đã và đang mắc mưu, nghe theo xúi giục của Việt Cộng và thông đồng với ngoại bang nhằm gây ra nội loạn…

Đáp lại sự náo loạn của đoàn biểu tình và tiếng ầm ĩ của máy phóng thanh; bên trong Phật điện, đằng sau hai cánh cổng chùa đóng kín, tiếng chuông mõ xen lẫn thanh âm tụng kinh đều đều của 400 Tăng Ni và Thiện Tín đang hành lễ. Chư Tăng và Phật Tử đang cầu nguyện cho lực lượng tự xưng “Thương Phế Binh” ngoài kia giải trừ sân hận, oán chấp, tĩnh giác hồi tâm, không nghe theo lời xúi giục của ma quỷ náo động cửa thiền môn, gây ác nghiệp chốn già lam thanh tĩnh.

Gần 11 giờ trưa, một số tự xưng “Thương binh” hung hăng bạo động, xông tới đòi mở cổng chùa để vào trong gặp mặt chư Tăng. Một số leo lên bờ tường, đạp cả lên đầu mấy thanh niên Tăng đang đứng bên trong tường rào, trong khi một số khác tung truyền đơn và ném bừa bãi nhiều khung ảnh in hình Chiến sĩ Cộng Hòa vào trong sân chùa…

Sau một hồi náo động, đoàn biểu tình rời chùa, “ung dung” diễn hành qua các đường phố khác, trước mắt những Cảnh sát sắc phục và Cảnh sát Chiến đấu vừa giữ trật tự cho họ trước chùa; giờ chuyển sang chặn xe tại các ngả ba, ngả tư trên mấy con đường hướng về phía chùa Xá Lợi để cho đoàn diễn hành tự do di chuyển.

Ngay lập tức buổi trưa ngày hôm ấy, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo gởi cho Tổng thống một bức thư báo trình về cuộc biểu tình ban sáng. Ngoài việc tường trình sự vụ xảy ra (với ẩn ý cuộc biểu tình đã được phía nhà chức trách ngụy tạo nên), Thượng Tọa Thích Tâm Châu cũng “nhân sự tùng sự” thông báo cho Tổng thống biết đã nhận được 5 “tin đồn” khác:

– Sẽ tổ chức một cuộc biểu tình của Cô Nhi – Quả Phụ Tử Sĩ.
– Sẽ tổ chức một cuộc biểu tình của Thanh Niên – Thanh Nữ Cộng Hòa.
– Sẽ tổ chức một cuộc biểu tình của những người hành khất và bệnh hủi (bệnh phong – cùi), xúi giục họ “nằm vạ” trong chùa Xá Lợi nhằm có ai động tới thì vu cáo bị hành hung để cảnh sát có cớ vào chùa “can thiệp mạnh”.
– Công an, Mật vụ và Dân vệ sẽ cải trang nhà sư đi quyên tiền, may cờ cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.
– Sẽ khám xét chùa Xá Lợi, bắt các nhà lãnh đạo Phật Giáo.

oOo

Có lẽ nhận được chỉ thị sau khi bức thư của Ủy Ban Liên Phái vào đến Văn phòng Tổng Thống Phủ, và để đối phó với Phật Giáo, ngay vào buổi chiều cùng ngày (23.7.1963), Tổng giám đốc Nha Thông Tin cấp tốc tổ chức một cuộc họp báo, công bố rằng Trung tá Trần Thanh Chiêu – Thanh tra Trung Ương Dân Vệ Đoàn, “tác giả” cuộc biểu tình của “Thương Phế Binh” hồi sáng đã bị Chính phủ cách chức và phạt 40 ngày trọng cấm. Nhưng liền sau đó, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết gởi thư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm xin khoan hồng cho Trung tá Trần Thanh Chiêu, vì theo lời Hòa Thượng: “Không bao giờ vị sĩ quan ấy có ý tự mình làm một việc công khai chống lại với mệnh lệnh của Tổng thống nếu không có một áp lực bên ngoài nào đó”. (Sự thật sau này được phơi bày là viên Trung tá này sau khi có tuyên bố bị “cách chức”, đã được tưởng lệ và được điều động đảm nhiệm một vị trí cao hơn trước tại Tổng Thống Phủ).

Tưởng cũng cần nói thêm, vào buổi chiều hôm sau (tức 24.7.1963), Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo bất ngờ nhận được một lá thư được gởi từ các anh em Thương Phế Binh tới chùa Xá Lợi mang chữ ký của 10 đại diện Thương Phế Binh. Nội dung trong thư phàn nàn về nhóm người đã lợi dụng danh nghĩa Thương Phế Binh biểu tình và có những hành vi phản lại tinh thần của Thương Phế Binh; đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của anh em Thương Phế Binh đối với cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật Giáo hiện tại. 

Và trong vụ biểu tình tuy được tính toán thâm sâu, kỷ lưỡng nhưng khi diễn ra có vẻ… “hoạt kê” và kết quả lại hết sức phản tác dụng này, sau đó lại còn thêm một sự kiện bất ngờ khác: Vào ngày 1.8.1963, khoảng chừng 300 anh em Thương Phế Binh đã cùng nhau tập trung về chùa Xá Lợi làm lễ sám hối ở chánh điện. Đại diện anh em đến gặp Thượng tọa Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, phát nguyện sẽ ủng hộ cuộc tranh đấu chính đáng của Phật Giáo Đồ đòi hỏi tự do tín ngưỡng, công bằng tôn giáo cho Việt Nam.

Kỷ niệm 60 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2023)
QUANG MAI
(Viết lại từ các trang tranh đấu sử Phật Giáo Việt Nam).

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.